Hôm nay,  

Tiêu Phong

05/10/200400:00:00(Xem: 187181)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài số 624-1163-vb8031004

Tác giả Lê Như Đức, sinh năm 1962 tại Sàigòn, Việt Nam. Nghề Nghiệp: Kỹ sư cơ khí cho NASA, Houston. Gia Đình: Vợ và ba con, hai gái một trai.

Hầu hết dân nghiền kiếm hiệp đều phải biết đến tác giả Kim Dung. Nói đến truyện kiếm hiệp Kim Dung không ai lại không nhắc tới một đại anh hùng, một đại bang chủ tên Tiêu Phong trong truyện Thiên Long Bát Bộ tập thượng và Lục Mạch Thần Kiếm tập hạ.
Tiêu Phong được nhắc tới nhiều vì cuộc đời và cuộc tình của ông quá sức bi thảm đã xẩy đến cho một đại hào kiệt vì những âm mưu đê tiện và ích kỷ của con người. Cái chết bi thảm của Tiêu Phong vì lê dân của cả hai nước Đại Tống và Khất Đan ngoài Nhạn Môn Quan đã làm thổn thức và đau lòng độc gỉa cả nam lẫn nữ bao năm qua mỗi lần nhắc đến. Không một ai không nuối tiếc, không đau lòng cho sự hy sinh vì đại nghĩa, vì dân, vì nước của một vị đại anh hùng.
Tiêu Phong có cha là Tiêu Viễn Sơn, vốn dòng giõi thế gia của nước Khất Đan. Tiêu Viễn Sơn lại được thụ huấn võ công từ một người trong Trung Nguyên, thuộc nước Đại Tống.
Năm Tiêu Phong một tuổi, Tiêu Viễn Sơn mang vợ con qua Nhạn Môn Quan nhập Trung Nguyên về thăm ngoại. Gia đình Tiêu Viễn Sơn bị đột kích bất ngờ bởi một nhóm người yêu nước như Huyền Từ đại sư chưởng môn phái Thiếu Lâm, Uông Kiếm Nam bang chủ Cái Bang, Trí Quang đại sư, Đàm ông, Đàm bà, Triệu Tiền Tôn…
Sở dĩ có chuyện đột kích bất ngờ này là do qủy kế của Mộ Dung Bác, hậu duệ của vua nước Đại Yến năm xưa, muốn khôi phục lại giang sơn khỏi tay Tống triều nên bầy ra. Mộ Dung Bác lợi dụng lòng yêu nước và tình bạn cố tri với Huyền Từ đại sư, phao tin thất thiệt về âm mưu của người Khất Đan tính gửi một nhóm người nhập Trung Nguyên ăn cắp bí phổ võ công của Thiếu Lâm tự để nghiên cứu hầu thôn tín Đại Tống. Chính sách của Mộ Dung Bác là gây chiến tranh giữa các nước lân bang Đại Tống để hưởng lợi “ngư ông” hầu khôi phục Đại Yến, cướp lại ngai vàng của cha ông ngày xưa.
Lòng thâm độc và ích kỷ của Mộ Dung Bác đã gây thảm họa đến cho gia đình Tiêu Viễn Sơn. Kết quả là vợ chết, con chết, Tiêu Viễn Sơn quẫn trí, đau lòng viết vài dòng tuyệt bút kể sự thật lên vách núi và nhẩy xuống vực thẳm tự sát. Vừa nhẩy khỏi vực sâu, Tiêu Viễn Sơn nghe tiếng khóc của con trai mình nên quăng đứa bé lại cho Huyền Từ đại sư. Cũng vì tiếng khóc này mà Tiêu Viễn Sơn đã bỏ ý định tuyệt tự, bám vào thân cây mọc ngang vách núi, tự cứu sống lấy thân.
Khi biết được sự lầm lẫn, Huyền Từ và Uông Bang Chúa mang Tiêu Phong về Trung Thổ giao cho một cặp vợ chồng Kiều gia sống dưới chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng, đổi họ thành Kiều Phong. Vì hối hận đã gây ra thảm họa cho gia đình Tiêu Phong, Huyền Từ đại sư và Uông Bang Chủ đã âm thầm bồi đắp cho Tiêu Phong trở thành một đại cao thủ tên tuổi trong võ lâm và đại bang chúa của Cái Bang sau này. Riêng Mộ Dung Bác đã giả chết, trốn trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự để lén học võ công và mưu đồ phục quốc. Tiêu Viễn Sơn muốn báo thù cho gia đình mình nên cũng âm thầm núp trong Thiếu Lâm Tự hơn ba mươi năm dài lén học võ công và điều tra bí mật của kẻ thù.
Cái Bang, còn có tên Cùng Gia Bang, là một bang hội lớn mạnh nhất trong Trung Nguyên thời bấy giờ. Kiều Phong hay Kiều Bang chúa là nhân vật uy quyền tột đỉnh nhất trong giang hồ. Bí mật thân thế của Tiêu Phong có lẽ sẽ vĩnh viễn nằm im trong lòng đất cùng với Từ Đại Nguyên, phó bang chúa của Cái Bang, nếu không có sự ganh tuôn của người vợ trẻ đẹp và đa tình của ông ta.
Ngày Tiêu Phong nhận chức bang chủ, Từ Đại Nguyên có dẫn vợ tới chúc mừng. Thấy Tiêu Phong hững hờ trước nhan sắc của mình, Từ thị sinh lòng đố kỵ, thù oán nên lập mưu, thông dâm với phân đà chủ Toàn Quán Thanh giết chết ông chồng già và đem bí mật thân thế của Tiêu Phong phơi bầy trước mặt bang chúng.
Khất Đan là kẻ tử thù của Đại Tống. Người Tống gọi người Khất Đan là “chó Khất Đan”. Cùng Gia Bang chuyên diệt chó Khất Đan để bảo vệ Đại Tống. Tiêu Phong phải từ chức bang chủ để đi tìm thân thế thực sự của mình.
Tứ một bang chủ uy quyền nhất Trung Nguyên, Tiêu Phong đã lên voi, giờ xuống chó làm kẻ thù cho mọi người nguyền rủa. Tiêu Viễn Sơn lại giả dạng con mình đi giết những kẻ năm xưa đột kích gia đình ông ngoài Nhạn Môn Quan khiến cho Tiêu Phong bị mọi người trong giang hồ hiểu lầm, đuổi giết.
Nhị vị trang chủ Tụ Hiền trang là sư bá và cha của Du Thản Chi tụ tập anh hào tại trang trại của mình để tìm cách trừ khử ác nhân Khất Đan Tiêu Phong. Tiêu Phong tới Tụ Hiền Trang trổ thần uy Giáng Long Thập Bát Chưởng đánh long trời lở đất khiến nhị vị trang chủ phải tự sát. Du Thản Chi bỏ nhà theo dấu Tiêu Phong ra quan ngoại tính chuyện trả thù cho sư bá và cho cha mình.
Tuy Du Thản Chi sau này có may mắn học được võ công trong Dịch Cân Kinh của Đạt Ma Tổ Sư chùa Thiếu Lâm và được Toàn Quán Thanh mưu đồ đưa lên chức bang chủ Cái Bang nhưng cũng không thể đánh thắng nổi Tiêu Phong để báo thù nhà vì võ công cực cao của Tiêu Phong.
Ra quan ngoại, Tiêu Phong có may mắn cứu được vua Khất Đan là Gia Luật Hồng Cơ, kết nghĩa kim lan và được phong làm Nam Viện Đại Vương. Sau này Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh Tiêu Phong nam chinh, xâm lăng Đại Tống. Tiêu Phong uy hiếp được Gia Luật Hồng Cơ phải thề trước ba quân tướng sĩ Khất Đan suốt đời không đánh Tống để cứu cư dân hai nước. Tiêu Phong đã vì đại nghĩa cứu hai dân tộc nhưng đối với triều đình Khất Đan, Tiêu Phong lại là kẻ khi quân phạm thượng nên đành phải lấy cái chết để chịu tội với nước nhà.
Trong truyện Kim Dung tiên sinh tả cái chết dũng cảm của Tiêu Phong trên đỉnh đá Nhạn Môn Quan thật gắn gọn, chỉ vài dòng.
“Tiêu Phong lớn tiếng đáp:
- Tâu bệ hạ! Thần Tiêu Phong là người Khất Đan, nay lại uy hiếp bệ hạ thành kẻ đại tội với tổ quốc. Thần còn mặt mũi nào ở lại trên thế gian nữa.
Ông nói xong lượm hai khúc mũi tên lên vận công, rồi hai cánh tay đâm mạnh vào trái tim mình.
Gia Luật Hồng Cơ la lên một tiếng:
- Ui chao!
Rồi phóng ngựa chạy đến, nhưng vừa đi được mấy bước liền buông cương dừng lại.
Hư Trúc cùng Đoàn Dự hồn lạc phách xiêu, đồng thanh la lên:
- Đại ca! Đại ca!
Nhưng thấy hai đoạn tên cắm vào trái tim. Tiêu Phong hai mắt nhắm nghiền và tắt hơi rồi.”
Tiêu Phong có hai người em kết nghĩa là Hư Trúc và Đoàn Dự.
Hư Trúc sống từ nhỏ trong chùa Thiếu Lâm thấm nhuần từ bi của đạo Phật nên rất hiền lành và ngây ngơ. Hư Trúc chính là con riêng của Huyền Từ Đại Sư và Diệp Nhị Nương. Tiêu Viễn Sơn muốn trả thù nên ngầm bắt cóc Hư Trúc lúc mới sinh bỏ vào chùa Thiếu Lâm. Diệp Nhị Nương mất con, thường lên cơn ghen, bắt con nít của người khác giết trả thù, trở thành một trong tứ đại ác nhân.
Đoàn Dự là thế tử của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý. Cũng như Hư Trúc, Đoàn Dự thường nghe kinh Phật từ nhỏ nên không muốn nhìn cảnh chém giết. Chính vì vậy mà Đoàn Dự đã vô tình học được Lục Mạch Thần Kiếm là đệ nhất võ công trên giang hồ nhưng chẳng bao giờ muốn sử dụng, chỉ chuyên dùng Lăng Ba Vi Bộ để trốn chạy mỗi khi gặp hiểm nghèo.
Đoàn Dự lại có cái cá tính thật dễ thương của người đàn ông đó là tật mê gái. Thấy Vương Ngọc Yến đẹp là Đoàn Dự mê tít cứ mặt dầy theo tới cùng cho dù bộ hạ của Mộ Dung Phục có nói sỏ nói xiên để bảo vệ người yêu cho chủ tướng mình.
Mùa hè năm nay phim bộ kiếm hiệp của Trung Quốc có đóng lại tập truyện này của Kim Dung. Đây là lần thứ ba tôi được coi bộ truyện này đóng thành phim. Tập phim đầu tiên xuất hiện khoảng hai mươi năm trước lúc tôi còn là sinh viên năm thứ ba. Tập phim thứ hai xuất hiện khoảng mười năm sau. Tập thứ ba cũng được đóng khoảng mười năm sau bộ thứ hai. Hai tập đầu do điện ảnh Hồng Kông làm. Tập cuối được đóng từ Hoa Lục.
Phim tập Hồng Kông, Đài Loan, Trung Cộng và Đại Hàn đã tràn ngập thị trường Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước từ nhiều năm qua. Những tên tuổi như Huỳnh Nhật Hòa, Thượng Tuấn, Hoàng đảo chủ, cô Long không còn xa lạ gì với người Việt chúng ta.
Ngày Cộng nô chiếm miền Nam Việt Nam, việc đầu tiên của chúng là bài trừ mãi dâm. Chúng bắt những phụ nữ làm gái, treo trước ngực các bảng thật to “Tôi làm đĩ”, tròng dây thừng vào cổ, kéo đi khắp đường phố. Việc thứ hai là đốt những sách, nhạc, truyện, truyện chưởng mà chúng cho là “văn hóa đồi trụy, ủy mị ru ngủ”. Việc kế đến là cho cả trăm ngàn người vào tù để cải tạo tư tưởng theo hệ Mác Lê, và cuối cùng là đổi tiền, bần cùng hoá cả một dân tộc để làm giầu cho một giai cấp mới: đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Việt cộng chỉ đạt được chỉ tiêu việc cuối, thất bại hoàn toàn ba việc đầu.
Ba mươi năm trôi qua, ai ai cũng thấy nước Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tệ nạn mãi dâm hơn xưa gấp trăm lần. Tiến nhanh tiến mạnh lên…Nhà Thổ Chủ Nghĩa như lời bác dậy, Việt cộng còn cho quảng cáo việc buôn hương bán phấn quốc tế trên cả Internet nữa. Văn minh càng cao thì trình độ kỹ thuật buôn bán càng tinh xảo. Về Việt Nam hôm nay có thể mướn cả một “em thơm” tới nhà ăn ở cung phụng nguyên tháng như một người vợ. Mướn ba tháng thì được một tuần...free. Sáu tháng thì chỉ tính giá năm tháng mà thôi.
Các bà, các cô, các chị, các em ngoan có chồng thích về Việt Nam để làm phước, làm ăn, muốn giúp họ hàng, thăm quê ngoại, chữa bệnh nan y, tìm người thân, nhớ xóm cũ, mở công ty, xây nhà từ đường, sửa chùa, dời mả tổ, mua đồ cổ, viếng mả bố, gặp bạn hiền, trao đổi tin tức hai vùng, hay muốn kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc như tướng kẽm nên coi chừng chút chút.
“Đừng tin những gì anh ấy tính, mà hãy nhòm kỹ những gì anh ấy tiêu”.
Tôi có biết một người cứ lâu lâu hai vợ chồng lại cuốn gói về Việt Nam chơi một tháng. Anh ta có kể ngoài xa lộ Biên Hòa có nhiều quán cà-phê võng. Khách vô quán được một em mặc váy ngắn ngồi cùng võng mớm cà-phê cho. Cái võng khi ngồi sức nặng thân thể sẽ kéo trũng ở giữa xuống. Em ngồi chung võng thì tự động võng sẽ kéo em chun vô mình là hết cựa. Tôi có giả bộ khờ, “théc méc” hỏi:
- Bộ bà xã ở nhà họ Lãnh tên Cảm hay sao mà đằng ấy cứ đi cà-phê võng hoài mà bả không hay "
Anh ta khôn khéo “giả nhời”:
- Ối dzời ơi, bộ ngu hay sao mà lại nói đi uống cà-phê võng. Cứ mỗi lần bả đòi về Việt Nam là tớ phải giả bộ chống cộng không muốn về. Nhưng cuối cùng cũng vì mả bố tớ “treo” ở Biên Hòa nên đành “hy sanh” cả cuộc đời chính “chị”, nhắm bừa mắt bay về thăm em. Bả thích về để thị oai, thỏa mãn làm người cao sang thì tớ đây cũng được nhờ ơn mưa móc chút đỉnh. Hai bên đều vui vẻ cả mà.
Tôi cũng muốn đi thăm mả bố của anh ta, các bà ơi. Hãy khôn ra đôi chút đi cho thằng nhỏ nó nhờ.
Truyện chưởng, ngày xưa được xếp vào loại văn hóa đồi trụy, loại đồ quốc cấm, ngày nay đảng lại cho dân chúng coi líp ba ga, cả truyện lẫn phim vì ông anh cả Trung cộng đã đổi ý, cho là sách…thánh. Có nhiều Websites từ Việt Nam và Trung quốc đăng đầy truyện chưởng, quảng cáo lung tứ tung.
Gia đình một người bạn thân của tôi chuyên làm nghề cho mướn truyện ở góc ngã tư Phú Nhuận cũng bị đám công an phường cùng mấy em thiếu nhi khăn quàng đỏ tới đòi xé sách, đốt truyện năm xưa. Đôi bên đang cãi nhau ỏm tỏi, anh của bạn tôi tức mình rút chốt hai quả lựu đạn ra tặng chúng. Lựu đạn nổ tung, lũ công an ác độc và dăm em thiếu nhi ham vui đều “ô hô ai tai” theo đồng chí Lênin về gặp tổ Các Mác.
Ước mong hương hồn bạn tôi có linh thiêng nên về bóp cổ cái đám người trong ban tư tưởng đảng Cộng sản ở Bắc Bộ Phủ để hỏi tại sao chúng cứ thay đổi tư tưởng soành soạch mãi.
Lần đầu coi chuyện chưởng được đóng thành phim, tôi chỉ chú ý cảnh đấm đá hay quyền chưởng nhiều hơn tình tiết. Tôi chịu Đoàn Dự hơn mọi nhân vật khác vì có lẽ lúc đó tôi còn độc thân thường hay mê gái đẹp và thích lắm vợ, nhiều người yêu.
Lần thứ hai coi lại, tôi thích Tiêu Phong hơn nhiều vì lúc đó tôi mới quen nhà tôi nên “chuyên chính vô sản” chỉ biết yêu có một người. Tiêu Phong yêu A Châu là một nha hoàn hèn mọn của một người cùng nổi danh với mình là Mộ Dung Phục, con của Mộ Dung Bác. “ bắc Kiều Phong, nam Mộ Dung”, Tiêu Phong không ngần ngại yêu A Châu cho dù đã biết rõ lai lịch của người yêu. Đây cũng chính là bản sắc của một vị đại anh hùng.
Một điều tôi không đồng ý với Tiêu Phong là ông ta đã quá đại quân tử. Vợ Từ Đại Nguyên mặc đồ đẹp ra chào mà cũng không thèm nhòm một tí để đến nỗi làm người đẹp nổi giận tố lung tung làm tiêu đời trai thì thật là đại bất trí. Thấy người đẹp mà hờ hững không hồ hởi, phấn khởi như bác là đại bất…lực. Nhìn người đẹp mà không thấy đẹp là đại bất…mục.
Làm người phải biết thưởng thức cái đẹp của tạo hóa. Thượng đế đã có công mãi mới tạo dựng được người đẹp, mỗi người có một nét đẹp riêng. Nhòm một tí thì có chết thằng Tây nào đâu. Cũng như ngắm một nụ hoa hồng tươi, hay thưởng thức một bức tranh đẹp. Nếu trong lòng mình trong sạch, thanh thản phơi phới thì muốn ngắm, muốn nhìn cũng chả ai chê được là chê.
Kinh Phật có nói “Sắc tức là không. Không tức là…sếch”. Cuộc đời tứ đại giai không. Nhòm tức là không nhòm, không nhòm tức là nhòm. Ăn thua là trong lòng mình có thèm nhòm hay không.

Vợ tôi có lần coi thi hoa hậu trên TV gọi tôi:


- Anh xuống nhà coi thi hoa hậu nước Mỹ.
Tôi đang bận làm vội hỏi:
- Tới khúc nào rồi em "
- Đang thi áo dạ hội.
Tôi từ chối ngay:
- Thi áo dạ hội coi chán phèo. Khi nào tới thi áo tắm kêu anh.
Thấy vợ tôi im lặng không trả lời. Tôi tưởng nhà tôi giận hờn. Nửa tiếng sau nghe nhà tôi kêu to:
- Tới thi áo tắm rồi, xuống coi anh ơi.
Tôi lật đật chạy xuống nhà như mới uống nửa chai Viagra. Không những tôi ngắm một mà cả năm chục cô mặc ti tí đồ, đi cà tỏn cà ten ra trình diễn. Lòng vẫn thấy thơi thới, hân hoan như chả nhòm ai.
Tôi sắp ngộ tới nơi rồi chúng sinh ơi.
Có lần đi coi thi hoa hậu, tôi thấy có gia đình con cái mời cả bố mẹ lẫn ông bà đi xem. Mọi người ngồi ngắm rồi phê bình ỏm tỏi. Nếu ai ai cũng hờ hững như Tiêu Phong thì những cuộc thi hoa hậu thế giới sẽ tiêu tùng hết. Vân Sơn Production phải khai phá sản ngay.
Lần thứ ba coi phim chưởng tôi để ý hầu như đến tất cả các nhân vật trong phim, vai chính lẫn vai phụ, phe chính lẫn phe tà. Không những thế tôi còn để ý đến cả những hậu cảnh, những tình tiết nhỏ nhặt của mọi diễn viên, từ điệu bộ đến lời nói, cả khung cảnh lẫn địa danh.
Trong Lục Mạch Thần Kiếm, Kim Dung có tả về Nhạn Môn Quan làm tôi liên tưởng đến Ải Nam Quan của nước Việt. Kim Dung tiên sinh có Tiêu Phong chết vì nước trên đỉnh Nhạn Môn Quan, thì chúng ta cũng có Nguyễn Phi Khanh dặn con Nguyễn Trãi đừng sầu đau khóc thương cho cha mà hãy về lo việc phục quốc tại Ải Nam Quan. Hình ảnh này còn bi hùng hơn nhiều vì nó là chuyện có thật.
Những kẻ đại ác trong tập truyện Thiên Long Bát Bộ, ngoài Mộ Dung Bác và Toàn Quán Thanh ra còn có Cưu Ma Trí và Tinh Tú Lão Tiên. Cưu Ma Trí làm tới quốc sư nước Thổ Phồn nhưng vẫn bị danh lợi làm mê hoặc nên đi vào tà ma lúc nào không hay. Cưu Ma Trí có mộng trở thành tuyệt đỉnh cao thủ trong võ lâm nên lập mọi muu mô ăn cắp kinh điển võ công của Trung Nguyên. Tinh Tú Lão Tiên thì ác độc, giết thầy hại sư huynh để cướp bí phổ nhất thống giang hồ làm bá chủ võ lâm. Tinh Tú Lão Tiên chuyên về luyện độc thuật đại pháp để giết người và bắt các để tử lúc nào cũng kèn trống bô bô ca tụng mình như những ông thánh sống của phe xã hội chủ nghĩa mà mặt dầy không thấy mắc cở.
Bốn tay đại ác đều theo đuổi một mục đích riêng tư của mình nên không thể làm bá chủ giang hồ, khuynh đảo võ lâm. Nếu bốn tên ác độc này liên kết với nhau thì chắc chắn Trung Nguyên sẽ điêu đứng thảm sầu. Đó là trường hợp của Việt Nam ta. Mộ Dung Bác như tên gọi…Người, bác Hồ, chỉ muốn làm vua muôn đời. Cưu Ma Trí tả đúng như Hồ Chí Minh, mặt ngoài trông đạo đức như một cao tăng trong lòng thì tham sân si có đủ. Tinh Tú Lão Tiên ắt hẳn là Trần Dân Tiên chuyên tự viết khoe khoang, khoát lát chính mình. Toàn Quán Thanh âm vang đâu đây như Paul Tất Thành mưu mô ném đá giấu tay thì số một.
Bốn tên đại ác tập trung vào một con người thì làm sao võ lâm Việt Nam không tan tành, tà ma ngoại đạo nẩy sinh khắp nơi"
Đoàn Dự, thì chả khác nào quân lực Việt Nam Cộng Hoà, mang trong người tuyệt đỉnh võ công Lục Mạch Thần Kiếm nhưng chả mấy khi thèm dùng, chỉ thủ không công, lo tìm tránh né để chống sát sinh. Ai ai cũng biết nếu quân đội ta Bắc tiến thì chỉ trong vài ngày là Hà Nội thất thủ ngay. Nhưng chúng ta chỉ lo phòng thủ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam, chứ không hề tấn công miền Bắc. Việt cộng nắm được yếu điểm này nên cứ bỏ trống miền bắc, dồn quân “sinh Bắc, tử Nam” vào đánh. Đánh giặc như đánh cờ, chỉ thủ không công thì trời cũng phải thua.
Đoàn Đự cũng có tật bay bướm, mê gái như những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa xưa kia. “Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay. Nhưng thư của lính viết giữa rừng sâu nên nét chữ đa tình” hoặc “Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Này em yêu ơi chiều nay lại cắm trại rồi”.
Hỏi sao các em không mê tít thò lò"
Tiêu Viễn Sơn nằm trong Thiếu Lâm tàng kinh các học những võ công thượng thặng ba mươi năm, rồi một ngày đẹp trời lại xuống tóc đi tu. Người Việt, trốn cộng sản qua các nước tân tiến của thế giới cũng gần ba mươi năm qua, học hỏi được đủ mọi chiêu lạ về cả dân chủ lẫn nhân quyền, kinh doanh lẫn kiến trúc, khoa học lẫn nghệ thuật rồi có người lại xuống tóc đi tu, đòi về Việt Nam ở luôn, tính chuyện hòa hợp hòa giải.
Có ông kiếm được chút tiền lại đâm ra chết nhát sợ cộng sản quắng đít, làm âm nhạc không dám cho hát các bài về lính, ra trước đám đông không dám nói chuyện cười của những cán ngố, của đám lãnh tụ. Cứ ba cái chuyện đàn ông sợ vợ, đàn bà shopping lải nhải hoài nghe mà buồn, chả cười nổi.
Người Việt quốc gia đại để có thể chia làm ba loại. Loại thứ nhất rất tích cực chống cộng. Thấy có mùi cộng sản là chửi tưng bừng không nể nang. Chửi ngoài đường chưa đã, về nhà chửi tiếp. Chửi ngày không đủ tranh thủ chửi đêm. Nằm mơ cũng thấy chửi. Việt cộng rất ớn loại này, thường lẩn trốn, tránh xa.
Loại thứ hai là loại lừng khừng, hứng thì chống, buồn buồn thì nghảnh mặt làm ngơ. Việt cộng thường tìm cách khủng bố, đe dọa loại này để chia rẽ thủ lợi.
Loại cuối cùng là loại phi chính trị, đứng giữa hai làn ranh để làm kinh tế hay văn hoá. Do đó lúc thì theo chính, lúc quay hướng tà. Việt cộng rất ưa loại này vì muốn dùng họ để tuyên truyền cho chế độ. Thường thì Việt cộng ra lợi kinh tế trước để câu cá, nhử mồi. Sau đó sẽ từ từ bẻ hướng, dụ nói hay làm theo chiều có lợi cho chúng. Nếu không được sẽ xuất chiêu “phản động” để tố khổ.
Việt cộng rất ma đạo khi dùng chữ. Động từ “phản động” mang nhiều ý nghĩa. Khi chúng ta nghe ai nói “phản động” thì lập tức trong ý thức hệ đều nghĩ là người đó đã có một thời gian theo chúng, đồng ý với chúng và bây giờ vì bị mua chuộc nên theo kẻ ác trở cờ làm bậy, phản lại đất nước và nhân dân.
Vì vậy nếu chúng ta nghe Việt cộng dùng từ phản động thì cách hay nhất là phải chửi vào mặt chúng ngay, đừng có lải nhải giải thích làm chi cho mất thì giờ, chỉ lộ ra cái yếu của mình mà thôi.
Thứ nhất, chúng tôi chưa bao giờ theo các anh, chưa bao giờ chấp nhập chủ nghĩa của các anh nên không là phản động. Thứ hai là chúng tôi “chống cộng” chứ không “phản động”. Các anh là giống lang sói ác độc, độc tài, độc đảng, nên tôi chống. Thứ ba là các anh làm bậy ai ai cũng biết, cả thế giới đều lên án, nên chúng tôi có nói người dân Việt hiện nay nghèo đói nhất nhì trên trái đất này, nước Việt Nam là nước không có dân chủ, nhân quyền nhất nhì là điều hiển nhiên, thằng ngu nhất cũng biết thì tôi cần quái gì phải lục tài liệu từ sách này hay coi tạp chí nọ để mà nói. Tôi nói đúng hay sai tức khắc người dân Việt cả trong lẫn ngoài nước đều biết. Cả thế giới đều biết. Tôi chả thèm nghe sự phê phán một chiều của các anh chi cho mệt.
Người quốc gia yêu tự do nên ai thích ở loại nào thì ở, chả thắc mắc, chả chống đối. Miễn là tôi tôn trọng tự do của anh thì anh phải ý thức sự chống đối của tôi. Thường thì hai loại đầu ít bị trục trặc trong đời sống chíng trị. Loại thứ ba rất dễ trở thành kẻ thù của hai bên chính tà vì lập lờ không rõ phe nào. Cộng sản lại quỷ quyệt bầy mọi kế hãm hại để kéo về phe chúng.
Đây là bài học cho những ai cứ tưởng là ta làm văn nghệ sẽ không dính gì đến chính trị, xin miễn đấu tranh, phê bình. Thật là ngây thơ. Ai ai cũng biết Việt cộng rất chú trọng đến chính trị. Văn nghệ là chính trị tuyên truyền. Nó là cơ sở căn bản cho những thủ đoạn lừa bịp, mị dân của bọn chúng. Chết sống gì Việt cộng cũng phải bám lấy báo chí, truyền thanh và truyền hình. Ngày nào chúng cho tự do văn nghệ, tự do báo chí, tự do phát biểu là ngày ấy chúng chết. Chết chắc.
Năm 1962, trong đại hội văn nghệ toàn quốc, Trường Chinh đã nhân danh đảng, ra lệnh :
1) Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng, làm văn nghệ là để phục tùng chính trị và phục vụ đường lối chính sách của đảng, phải trung thành với lý tưởng của đảng và hy sinh cho sự thành công của xã hội chủ nghĩa.
2) Văn nghệ sĩ bằng sáng tác của mình, giúp đảng đứng vững, để đảng bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê.
3) Văn nghệ sĩ ngoải phục vụ đúng chủ trương của đảng, phải chống lại tất cả.
4) Văn nghệ sĩ là một đảng viên cộng sản nên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước đảng về tác phẩm của mình.
Xuân Diệu vội vã bợ đít ngay:
“Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con đã được bác Hồ tới thăm
Chúng con dưới vực sai lầm
Đang vươn mình được bác cầm tay lên..”
Do đó, với cộng sản một điều ta nên nhớ cho kỹ: làm văn nghệ là làm chính trị. Càng nổi tiếng thì Việt cộng càng chú ý đến nhiều. Nói với Việt cộng ta làm văn nghệ không làm chính thị thì chả khác nào bảo họ ta là lực sĩ điền kinh chạy rất mau nhưng chưa biết…đi.
Với người quốc gia thì làm văn nghệ chính là làm văn hoá. Ngày nay, làm văn nghệ còn hiểu là làm kinh tế nữa. Không ai làm văn nghệ chỉ để đủ chi tiêu. Người càng nổi tiếng càng phải tiêu nhiều. Ra đường mặc quần thủng đít như tôi sẽ bị phê bình lia chia. Áo quần không phải đồ hiệu nổi tiếng cũng không được mặc. Nói với người quốc gia ta làm văn nghệ mà không làm kinh tế thì chả khác nào bảo họ ta là lực sĩ điền kinh bơi rất nhanh nhưng lại sợ …nước.
Cuộc chiến ngày nay là cuộc chiến đòi tự do và nhân quyền. Cả hai phe đều biết nếu có tự do, dân chủ thì độc tài, độc đảng sẽ chết. Việt cộng trước khi chết sẽ tìm đủ cách dụ những nhân vật nổi tiếng để nói tốt cho chế độ, kéo dài giờ hấp hối. Nếu không được thì đừng nói xấu tí gì về đảng hay đất nước Việt Nam. Những văn nghệ sĩ là những người có tiếng tăm, thường chỉ chú ý đến nghệ thuật nên rất đễ bị lèo lái cho những mưu đồ chính trị.
Người quốc gia tôn trọng sự tự do và hoàn cảnh của mỗi văn nghệ sĩ nên im lặng, chỉ thầm ước sự ý thức và khôn khéo của từng cá nhân để cứu dân tộc và đất nước ra khỏi cảnh nghèo đói, đọa đày. “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Đất nước giầu nghèo là trọng trách của tất cả mọi người, mọi công dân, của già trẻ, của trai, gái, lớn, bé, không riêng của một ai.
Chính tà hai bên đều rõ. Xin hãy khôn ngoan mà chọn con đường mình đi, chọn lời mà nói. Ước mong đừng vì quyền lợi cá nhân quá nhiều, nên ý thức ra, khôn hơn chút chút, không bị mắc bẫy cộng sản.
Tao ngộ của Du Thản Chi cũng như cuộc đời của các ông Huỳnh Tấn Phát, Trần văn Giàu và Dương Quỳnh Hoa trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Là những người có học thức, mê danh vọng, khi thì lên voi, được chọn đi họp đại diện bốn bên ở Paris, lúc bị cho ra rìa như sau khi Việt cộng chiếm miền nam năm 75, thống nhất đất nước tự động giải thể Mặt Trận.
Toàn Quán Thanh lợi dụng võ công cao cường của Du Thản Chi để đạt mục đích bá chủ cho mình. Paul Tất Thành dùng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để đưa quân xâm lăng. Xong việc thì bên này vắt chanh bỏ vỏ, bên kia vắt chanh lại nhai luôn vỏ. Bài học Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hy vọng những kẻ háo danh nhớ kỹ.
Hư Trúc thì như những tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Mang trong mình một tuyệt kỷ của Cung Linh Thứu, có cái nhân của kẻ sĩ, cái dũng của người anh hùng, nhưng bị bó tay bó chân vì những quyền năng và ngăn cản của Bạch Cung.
Nghe Vương Ngọc Yến tâm sự ta cảm thấy như những tấm lòng son sắt của các cô gái Việt đi thăm chồng tù Việt cộng.
“Vương Ngọc Yến thở dài đáp:
- Đoàn lang! Ta tuy là người đàn bà ngu xuẩn, nhưng không đến nỗi coi rẻ đức hạnh. Bữa nay ta cùng Đoàn lang đính ước ba sinh, nếu còn có lòng một, dạ hai há chẳng tổn hại đến danh tiết " Vả lại đối với tấm lòng thành của Đoàn lang sao cho phải đạo"
Đoàn Dự sung sướng quá ôm nàng nhẩy lên nhưng lại rớt xuống bùn.”
Năm xưa cộng nô toan tính từ từ thủ tiêu hết những sĩ quan Việt Nam cộng hòa qua chế độ lao lực trong các trại tù được mệnh danh trại cải tạo. Một phần lớn đã sống sót được là nhờ những tấm lòng son sắt và sự hy sinh cao cả của những người vợ đức hạnh. Những lời trung trinh, chí tình, chí nghĩa của người vợ là mạch sống duy nhất của tù nhân. Việt cộng đã thất bại vì những mối tình bền chặt và muôn thuở này.
Tôi được nghe kể có người vợ đi thăm nuôi, nghe tin chồng mình làm ăng-ten trong tù nên xấu hổ, nghẹn ngào vất đồ thăm nuôi xuống đất, bỏ về. Câu chuyện không những là một sự an ủi vô cùng mà còn là một nguồn sống vô biên cho những người lính đã bị đồng minh tàn nhẫn bỏ rơi. Tôi vẫn ao ước có cơ hội gặp được người đàn bà có đức tính tuyệt đẹp và thật khả kính này.
Chùa Thiếu Lâm thì cứ tự do ra vào như là nước Mỹ, chứa đủ mọi thành phần, cả chính lẫn tà, ẩn nấp học thiệt và học lén võ công. Khủng bố nấp ở đây cũng khá đông.
Ngoài những nhân vật chính trong truyện, ta còn thấy những nhân vật phụ ẩn hiện đâu đây. Lý Tống như Tống trưởng lão, có lòng, có quyết tâm nhưng thế lực đơn bạc nên chỉ gây được những tiếng vang lớn chứ không đánh đổ được chế độ. Võ Đại Tôn như Triệu Triền Tôn, cũng một lòng thiết tha với chính nghĩa, với dân tộc nhưng chỉ là một ngọn đuốc cháy sáng chứ chưa được là một vừng thái dương.
Mọi nhân vật chính tà đều xuất hiện. Riêng Tiêu Phong vẫn chưa thấy đâu. Dân tộc Việt Nam đang mỏi cổ trông chờ Tiêu Phong xuất hiện để cứu họ ra khỏi cảnh lầm than gần ba mươi năm qua.
Tôi cũng đang chờ…

Houston, những ngày tháng mong chờ, năm 2004
Lê Như Đức

Ý kiến bạn đọc
24/08/202312:55:05
Khách
cialis windsor canada pharmacy <a href="https://tadalafilise.cyou/">pharmacy rite aid</a> cialis 10mg
28/12/202107:02:28
Khách
cialis online https://cialiswithdapoxetine.com/
03/11/202109:38:05
Khách
cialis pills <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis support 365</a>
14/05/202100:44:54
Khách
order original cialis online: <a href=" https://cialisbnb.com/# ">buy cheap cialis uk</a> cialis sale 20mg
https://cialisbnb.com/# generic cialis daily pricing
24/02/202108:14:21
Khách
zithromax generics <a href=https://zithromaxes.com/>buying zithromax online</a> azithromycin zithromax over the counter
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến