Hôm nay,  

Thằng Vũ

25/09/200400:00:00(Xem: 138837)
Người viết: NGUYỄN THỊ TÊ HÁT
Bài số 619-1158-vb4220904

Tác giả Nguyễn Thị Tê Hát, tên Thật: Nguyễn T. Thoa; Đến Mỹ năm 1981; Cư ngụ tai Yukon, OK; Hiện đang làm việc tại Oklahoma Dept of Agriculture.
*
Viết cho Nguyễn Minh Vũ.
*

Vũ, Vũ của tôi không phải là thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, không phải thằng Vũ may mắn ra đời nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi quê hương có những con sông uốn mình bên những rặng tre làng, nơi có những cánh đồng lúa xanh rì thơm mùi lúa mới, để thằng Vũ của tôi được hồn nhiên nô đùa với bạn bè, thả diều trong những chiều lộng gió, để được hươu vượn, lém lỉnh với bạn bè bằng tiếng mẹ đẻ, để được lớn lên vẫy vùng trong những cái hay, cái đẹp của quê hương mình.
Vũ của tôi! - Vâng, Vũ của tôi ra đời nơi xứ lạ quê người, nơi văn hóa Đông - Tây xung đột, nơi ngôn-ngữ không hòa đồng, nơi tình thương kiêu sa hợm-hĩnh. Nơi không có những trưa hè oi ả với tiếng ve kêu, với phượng đỏ bên đường, với sáo diều bay cao để rồi Vũ không biết thế nào là bâng- khuâng, xúc-động khi nhìn mây bay, gió thổi, lá rơi ngoài sân hay trước ngõ.
Khi Vũ của tôi còn bé xíu, bố mẹ vì cuộc sống bôn ba nơi xứ người nên phải đem Vũ đi nhà trẻ từ sáng sớm cho đến chiều. Cứ như vậy cho đến khi đi học. Hầu như cả ngày Vũ của tôi sống với người lạ, thở chung cái không khí của người lạ và tập nói, tập nghe với những người không cùng màu da, không cùng giòng giống Tiên Rồng nên Vũ của tôi ngày nay không biết ăn nước mắm, để rồi không thông suốt một câu nói, không hiểu hết ý một câu nói bằng tiếng quê hương để đôi lúc làm bố mẹ phải sượng sùng vì những câu nói không gẫy gọn của con mình.
Một hôm nhà có khách, lúc khách sắp sửa ra về, khách đứng lên xoa đầu Vũ chào từ giã, bố mẹ nhắc:
- Chào bác đi con
Vũ của tôi ngọng-nghịu khoanh tay:
- Dạ thưa bác Vũ về
Cả nhà bật cười vì câu nói của Vũ
- Vũ về, thế Vũ về đâu"
Vũ của tôi đỏ mặt muốn khóc vì không hiểu tại sao cả nhà lại cười cho đến khi mẹ cắt nghĩa, thằng bé mới hiểu như thế nào... Khi cuốn băng "Sài Gòn Giã Biệt" vừa tung ra thị trường, hầu như nhà nào cũng xem qua, cũng có cho được để hong lại nhớ nhung về một quê hương đã mất, mất tự do, mất quyền làm người, dù quê hương Việt Nam vẫn còn đó, còn đó trong khổ đau, trong chịu đựng tù hãm. Những khung cảnh ngày xưa, những giòng nhạc năm nào đã đưa người xem vào kỷ-niệm, kỷ niệm đầy ắp của một đời người, để rồi nhớ nhung quay quắt, cồn cào, đến thèm khát ước ao được trở về sống lại một ngày, một ngày của ngày xưa, để được chen chân trong phố đông người, để được lang thang trên những con đường vắng vẻ đầy lá me bay, để được đùa giỡn đá tung những chiếc lá vàng dưới gót giầy, hay được cười đùa với bạn bè trong những quán cóc bên đường, bên những ly chè ngọt lịm, hay bên những chén bánh bèo nóng hổi...
Đang mê man với "Vùng trời kỷ niệm", chợt thấy thằng con chạy ùa vào, nhà tôi nắm ngay lấy:
- Vũ, ngồi xuống đây xem với ba mẹ, Vũ thấy Việt Nam quê mình đẹp không" Mai mốt thanh bình ba mẹ đưa Vũ về Việt Nam nhé, Vũ thích không"
Thằng bé hý hửng:
- Nhưng Việt Nam có "cartoon" không ba" Có "fun" không ba"
- Có chứ, phim cartoon ở VN người ta gọi là phim họat-họa, nhưng hòa bình rồi mình xem phim ấy làm gì" mình sẽ đi khắp quê hương từ Nam ra Bắc, mình sẽ đi thăm những thắng cảnh mà cả đời ba mẹ ước ao được đặt chân đến. Mình sẽ đi nhiều nơi, mình sẽ biết hết về quê hương mình, để sau này lớn lên, có ai hỏi con, quê hương con thế nào" ra sao" con mới biết để trả lời người ta... con hiểu không" Vậy Vũ ngồi đây xem với ba mẹ nhé!
Thằng bé nghe lời bố ngồi im một lúc, ngập ngừng lên tiếng:
- Nhưng con không hiểu họ nói gì, "borring" lắm.
Tôi dỗ dành:
- Con cứ ngồi yên xem, nếu con không hiểu, mẹ sẽ cắt nghĩa cho con nghe.
Thế là vô tình tôi lại biến thành một diễn giảng viên tuyệt vời không tiền thù lao cho cuốn phim "Sài Gòn Giã Biệt", bởi thằng Vũ của tôi quá ư là dốt tiếng mẹ đẻ, dù nhà tôi cứ phải lên tiếng:
- Thôi, nói vậy đủ rồi, khổ lắm nói mãi, không để cho người ta nghe, cứ làm như mình là Dạ Lan không bằng.
Những cảnh chèo thuyền trên sông lững lờ, những mái nhà sàn đơn sơ nghèo nàn nằm trên giòng nước đen sì, những con đường ngòng nghèo khúc-khỉu bên những rặng tre làng. Những người đàn bà quẩy lúa trên đê... tất cả đối với tôi sao nên thơ lạ... Những cảnh hùng dũng của các binh chủng duyệt binh ngang khán đài làm tôi ngậm ngùi và thương cho một VN thảm thương, rách nát và nhiều oan-nghiệt. Nhưng với Vũ của tôi, cu cậu thích chí, mải mê theo dõi, vì những cảnh trên màn ảnh lúc này quá khác lạ với những chương trình mà Vũ hằng theo dõi.
Trên màn ảnh nhỏ đang chiếu sang đường phố Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, năm 75. Với những xe cộ chạy ngổn ngang hầu như không luật lệ cho người lái xe lẫn khách bộ hành. Chợt thấy xe cyclo, tôi hỏi con vì biết thằng bé chưa bao giờ trông thấy:
- Mẹ đố Vũ nhé, xe gì đây"
Thằng bé nhanh nhẹn trả lời:
- Con biết rồi, xe chở người bị đau phải không mẹ"
Nghe câu trả lời của con, chúng tôi khựng lại vài giây nhìn nhau, rồi lại nhìn thằng bé. Thằng bé thấy bố mẹ nhìn, liền đi một đường phân bua, giả thích:
- Ba Mẹ thấy không" người ngồi trên xe bị đau nên cái ông đó chở đi nhà thương phải không mẹ"
Nghe Vũ của tôi giải thích, tôi chỉ biết im lặng, không biết cắt nghĩa thế nào để cho con hiểu đó cũng là một phương tiện chuyên chở hành khách như bao nhiêu phương tiện khác. Biết con hiểu lầm nhưng vì đầu óc quá ngây thơ nên tôi không sao mở miệng đính chính với con được. Dù sao tôi cũng phải công nhận sự nhận-xét của thằng Vũ nơi đây rất xác đáng, vì với xã hội hiện tại có Vũ trong đó, có quá nhiều tự do, có quá nhiều nhân quyền thì làm sao Vũ hiểu được chỉ có những nước kém mở mang như nước mình mới có những loại xe có vẻ thực dân như vậy.
Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, mỗi lần thấy ông cụ gầy ốm, gò lưng đạp xe cho qua dốc cầu Trương Minh Giảng một cách thật khó khăn, tội nghiệp, có khi người lái xe phải xuống dùng hết sức mình để ráng đẩy cho xe lên dốc cầu vì người ngồi trên xe không lấy gì làm nhẹ nhàng cho lắm. Những lúc đó, tôi cảm thấy buồn buồn và ngậm ngùi cho số phận con người vô cùng, dù tôi hiểu cái xã hội đang sống là thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy cay đắng làm sao, cảnh tượng ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho dù khi vô tình nhìn thấy những chiếc xe cyclo nằm chơ-vơ bên đường đợi khách đi chăng nữa.
Vũ của tôi lớn lên, nơi có tự do tuyệt đối, nơi không một hạn chế quyền làm người nên Vũ của tôi rất ư là tự nhiên, tự nhiên như thế giới này là của Vũ và chỉ có Vũ mà thôi, nên hắn chẳng có những cái khép nép e dè của một đứa bé VN thuần túy trước mặt người lạ. Một lần đến nhà người quen trả sách, chủ nhà mời:
- Cô Chú dùng cafe nhé!
- Dạ không, cám ơn anh
Chưa dứt lời, thằng con yêu quý của chúng tôi đã vội vàng lên tiếng:
- Dạ uống, Vũ uống.
Bố Mẹ và cả chủ nhà ngẩn người vì hắn, thế mà hắn cứ tỉnh như không, mặc bố mẹ đỏ mặt sượng chín người vì con. Giận con vô lễ, giận con lắm, nhưng vẫn ráng nhỏ nhẹ:
- Vũ! cafe đắng lắm, con uống không được đâu.
Vũ của tôi lại cứ thản nhiên làm tôi muốn độn thổ:
- Vũ uống được mà, Bố Nho cho Vũ uống hoài.
Thì ra cũng tại ông bố đỡ đầu của con tôi, thế này là hại chúng tôi rồi, có ngờ đâu mỗi lần thấy Bố đỡ đầu đến là hắn cứ xúm lại... thì ra chỉ để lén mẹ ăn kẹo và uống cafe đá.
Trước mặt chủ nhà, tôi lại cứ phải xuống giọng êm ái như mía lùi, miệng nói, tay nhéo thật đau vao mông cho hắn im miệng.
- Vũ hư, im nhé!
Về nhà Vũ của tôi bị phạt chỉ vì quá ngây ngô, không biết gì đến lịch sự, lễ phép của một đứa bé VN phải có. Nhớ ngày xưa khi còn bé, mỗi lần nhà có khách, mải chơi không chào, nhưng khi thấy bố mẹ nhìn một cái là mấy chị em tự động ríu rít khoanh tay chào khách, và khi bố mẹ nhìn một cái nữa là biết phải đi rót nước mời khách hay phải đi chỗ khác để bố mẹ nói chuyện, chứ đâu như thằng Vũ của tôi... Bố mẹ càng nhìn, hắn càng làm ra vẻ không hiểu, không biết gì. Hay tại cái nhìn của chúng tôi không đủ mãnh lực bằng cái nhìn của ông bố nhà binh"
Biết tính con nên mỗi lần sắp sửa đến chơi nhà ai, tôi lại cứ phải dặn đi dặn lại:
- Vũ đến chơi nhớ chào nhé, Vũ phải chào bằng tiếng Việt, mẹ không bằng lòng Vũ nói "hai" nghe chưa"... Nói không nghe, về nhà mẹ đánh chết.
Thằng bé xịu mặt, nói nhỏ:
- Sao mẹ không thương con" Mẹ cứ đòi đánh chết con hoài, cả ba cũng vậy nữa.
Tôi ngẩn người, trợn mắt:
- Vũ nói bậy không à, mẹ đòi đánh chết con bao giờ"
Hắn đỏ mặt muốn khóc, phân-bua:
- Mẹ vừa nói nếu đến nhà ai Vũ không chào, về nhà mẹ sẽ đánh chết.
Đó, con trai tôi đó, thằng Vũ của tôi đó. Nói chuyện với hắn rất là mệt, vì nói đi thì phải trở lại cắt nghĩa câu nói vừa rồi để anh chàng hiểu rõ ý nghĩa câu nói hơn, bởi văn chương VN quá phong phú, đậm đà mà những người như Vũ làm sao hiểu nổi.
Một hôm được tin gia đình tôi sắp sang Canada, chúng tôi đang ngồi nói chuyện về ông bà ngoại, các dì, các cậu của Vũ. Hắn lắng nghe, chợt quay sang hỏi mẹ:
- Mẹ, bao giờ ông bà ngoại sang Canada hả mẹ"
-Khoảng tháng 6 ông bà mới sang được con.
Vũ của tôi đắn đo suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Mẹ, Vũ chưa biết mặt bà ngoại "Nó" ra làm sao hết.
Chúng tôi giật mình nhìn con, hốt hoảng như Mẹ tôi có thể nghe được câu nói của thằng cháu ngoại yêu quý mà bà vẫn nhắc trong thư. Tôi lại phải mượn ngôn ngữ mà Vũ thông thạo để cắt nghĩa ngôn ngữ mẹ đẻ cho Vũ hiểu dễ dàng hơn:


- Con không được dùng chữ "Nó" khi con nói về một người lớn tuổi, con chỉ có thể dùng khi con nói về người nào nhỏ tuổi hơn con thôi, nghe không" Con phải nói là "Mẹ ơi, con chưa biết mặt bà ngoại", chứ con không được nói là "Con chưa biết mặt bà Ngoại Nó ra làm sao hết" nhé!... con nói như vậy, người ta sẽ bảo con trai của mẹ hỗn, bà ngoại nghe được, bà ngoại sẽ buồn nghe không con"
Nhiều lúc chán nản vì ngôn ngữ không thống nhất giữa vợ chồng, lại còn sự rắc rối trong một ngôn ngữ khó thông cảm giữa mẹ và con, nên tôi cứ như một cái chong chóng, quay lung tung để đỡ đòn từ bố đến con... nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, vắt tay lên trán để tự hỏi, không biết đến bao giờ thì con trai tôi mới có thể biết đọc, biêt viết một lá thư" dù nhiều lầm lỗi chính tả, đặt câu đi chăng nữa. Gặp bạn bè có than thở thì lại... con tôi cũng thế. Thật rõ chán cho kiếp người xa xứ. Đã vậy Vũ của tôi lại lười ăn, mỗi lần ăn thật là khổ, cứ phải nhắc đi, nhắc lại:
- Vũ, ăn lẹ lên đi.
Thằng bé lại cứ thắc mắc cầm chén cơm đi theo hỏi:
- Mẹ, ăn xong mình đi đâu hả mẹ"
Nhiều lúc đang bận, con thì cứ léo nhéo bên tai, bực mình gắt ầm lên:
- Đi đâu"... ăn xong thì ở nhà chứ đi đâu"
Thằng bé già mồm:
- Con vừa nghe mẹ nói "Vũ, ăn lẹ lên đi" phải không"
Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn chạy bay ra ngoài để hít một hơi thật dài cho vơi bơt tức-tối chỉ vì ngôn ngữ bất đồng giữa 2 mẹ con. Cái ngôn ngữ mà tôi đã biết yêu từ lúc chào đời, chưa biết gì ngoài những âm thanh dịu dàng của người mẹ. Cái ngôn ngữ phong phú đáng yêu, nhiều ý nghĩa mà tôi vẫn thường cùng các bạn tung hoành múa lưỡi trong những giờ trần thuyêt nay đã không còn ý nghĩa mấy đối với Vũ của tôi.
Thằng Vũ của tôi, nó mang cái tên thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, nhưng không biết dùng ngôn ngữ của chính mình để lý sự, để giải bày, để tâm sự mà lại vay mượn một ngôn ngữ khác để đàm thoại, để bắt bẻ. Ba mẹ tôi khi còn ở VN, thư nào gởi sang cũng đều nhắc nhở " Các con phải dậy con cái nói tiếng Việt, phải biết yêu tiếng Việt thì mới còn là người VN, đừng để con cái quên gốc, quên nguồn..." đọc thư ông cụ, tôi cảm thấy thẹn và xấu hổ cho chính mình, vì chính tôi đã không làm được những gì mà ba mẹ tôi mong muốn, không làm được những gì mà tâm tư tôi luôn khao-khát. Nhiều lúc cố gắng chỉ cho con đọc, con đánh vần thì con lại đọc theo kiểu người ngoại-quốc học tiếng Việt, không dấu, đã vậy nói năng thì lung tung, không đầu không đuôi, nửa Việt, nửa Mỹ nghe không êm tai tý nào. Thỉnh thoảng thằng bé lại bị đòn oan chỉ vì ngôn ngữ giữa mẹ và con không thông suốt, chỉ vì gia tài ngôn ngữ quê hương của con quá nghèo nàn nên không đủ cắt nghĩa sự thắc mắc của mẹ, nhiều lúc kẹt chữ nghĩa quá, anh chàng bèn năn nỉ:
- Thôi, mẹ cho con nói tiếng Mỹ đại đi, chứ con nói tiếng Việt mẹ cứ hỏi hoài à.
Những lúc đi làm về, vừa lo cơm nước, vừa dọn dẹp, bận vô cùng, thế mà thằng con và đám bạn cứ ào-ào với nhau, hết chuyện này đến chuyện nọ như cả năm không gặp, đến nỗi không chịu nổi, tôi phải hét lên:
- Im ngay, mẹ không bằng lòng nói tiếng Anh trong nhà này nữa, muốn nói gì, nói bằng tiếng Việt, bằng không đi về hết.
Thằng con ngây ngô bảo mẹ:
- Nhưng tụi con đâu có nói tiếng Anh, tụi con nói tiếng Mỹ mà.
- Mỹ, Anh gì cũng vậy hết.
Thằng bạn của Vũ con tệ hơn vì không hiểu tôi nói gì, cứ đi theo kéo áo Vũ hỏi:
- Vũ, mẹ Vũ nói gì vậy"
Vũ kéo bạn ra chỗ khác nói nhỏ:
- Mẹ Vũ bảo đừng nói tiếng Mỹ nữa, nói bằng tiếng Việt.
Thế là tôi lại có sự im lặng tuyệt vời trong lúc dọn dẹp, nấu nướng vì các khách tý hon và Vũ của tôi không đủ vốn liếng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với nhau như tiếng Anh được... Nghĩ cũng tội nghiệp cho những đứa trẻ sanh tại đất khách quê người như thằng Vũ của tôi... Nơi tình thương lơi là không mấy nồng ấm, bởi bố mẹ đi làm quần quật từ sáng đến chiều, đâu có đủ thì giờ để gần gũi, chuyện trò tâm sự với con, đâu có đủ thì giờ để tìm hiểu con nghĩ gì, muốn gì" Chỉ biết cho con ăn ngon, mặc đẹp, nhưng có biết đâu chúng cũng cần đến tình thương, sự quan tâm của bố mẹ. Suốt 8 tiếng trong trường với những người không là ruột thịt, chiều đi học về lại bám vào TV vì mẹ bận lo cơm nước, dọn dẹp. Đến giờ ăn cơm, tắm rửa, mẹ kiểm soát bài vở một tý là đến giờ đi ngủ. Cứ như thế, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm kia thì hỏi làm sao trẻ con nơi này không tội nghiệp, không cô đơn cho được. Liệu khi lớn lên có còn xem gia đình là một quan trọng, cần thiết trong cuộc sống, trong sự liên hệ giữa cha mẹ, anh em như một đứa bé thuần túy VN" Chắc chắn là không bằng một đứa trẻ sanh tại VN, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa mẹ, bằng những miếng cơm nhai, bằng khí hậu đất trời quê nhà, bằng gói quà của những lần mẹ đi chợ về và bằng cả một tình thương rộng lớn bao bọc bởi cha mẹ, anh em, họ hàng, xóm giềng, đâu phải như bên này, đã không đủ tình thương gia đình, họ hàng có khi cả mấy năm không gặp, còn hàng xóm thì nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, cách biệt.
Vũ của tôi là thằng bé có quá nhiều dấu hỏi trong đầu và những dấu hỏi ấy cứ to dần, lớn dần để tạo thành những câu hỏi thật khó khăn, oái oăm cho bố mẹ. Một hôm đang sửa soạn cơm chiều, Vũ của tôi lại gần nhỏ nhẹ, thận trọng hỏi mẹ:
- Mẹ, Mẹ cho con hỏi cái này được không"
- Được chứ, Vũ hỏi gì"
Với khuôn mặt đăm chiêu, thằng bé hỏi:
- Mẹ, tại sao ba mẹ không đặt tên Mỹ cho con" Ba Mẹ đổi tên cho con được không" Con thích tên Bryan, Michael hơn.
Đang cắt rau, nghe con nói giật mình đến suýt cắt phải vào tay. Lặng nhìn con giây lát, tôi ôm thằng bé, chỉ bóng con trong gương, vỗ về, cắt nghĩa:
- Này nhé Vũ xem, mũi Vũ đâu có cao" Tóc Vũ đâu có vàng và mắt của Vũ đâu có xanh thì làm sao Mẹ lấy tên Mỹ đặt cho con được... Mình là người VN thì mình phải có tên VN chứ, Vũ hiểu không"
Nói với con, tôi chợt nhớ có lần đi làm giấy tờ, người thư-ký không cần hỏi tên, cứ việc viết vào giấy và chào làm tôi trố mắt ngạc nhiên:
- Ủa, sao ông biết tên tôi"
Người thư ký thản nhiên cười:
- Biết chứ, vì người VN nào cũng tên Nguyễn cả
Tôi bật cười vì lý luận đơn sơ đó và lúc này, con trai tôi lại muốn từ chối cái tên mà thuở còn đi học, tôi và đám bạn đã mộng mơ viết đầy những tên mình thích lên trang vở và bảo:
- Mai mốt có con gái tao sẽ đặt tên này... con trai tao sẽ chọn tên này..."
Để sau đó cả đám con gái lăn ra cười và bảo nhau:
- Tụi mình có phải là gà đâu mà chọn nhiều tên thế"
Vũ cắt ngang tư tưởng tôi đang miên-man nghĩ. Hắn bảo mẹ:
- Mẹ, thế tại sao bác Chương cũng VN như mình, sao bác lại đặt tên con bác là Kevin đó, con thấy có sao đâu"
Nghe con lý luận ngây ngô làm tôi ngẩn người giây lát, ôm con, tôi dỗ dành:
- Ừ, không sao cả, tại bác Chương thích, còn ba mẹ thì không" Vả lại con biết tên Vũ của con là cái tên mẹ thích nhất từ khi mẹ còn đi học, cái tên ấy có nhiều ý nghĩa nên cả ba cũng thích nữa, còn tên Mỹ con biết không" chẳng ý nghĩa gì hết.
Thằng bé nghe mẹ cắt nghĩa cũng êm tai nên không còn thắc mắc gì về cái tên thuần túy VN của mình. Nhưng đôi khi Vũ của tôi lại hư, dám dùng "gậy ông đập lưng ông" với cả bố mẹ nữa. Có lần lái xe đường xa, chúng tôi đang thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh vào động hoa vàng, thằng bé phũ phàng chồm lên trên đưa tay tắt máy, định đổi băng nhạc.
- Vũ, tại sao lại tắt máy không để ba mẹ nghe"
Thằng bé phụng phịu:
- Con muốn nghe nhạc Michael Jackson hơn.
Nhà tôi lại đem chiêu bài cũ nhai đi, nhai lại để bắt nạt thằng bé:
- Vũ là người VN, Vũ phải yêu nhạc VN, Vũ có phải là Mỹ đâu mà cứ đòi nghe nhạc Michael Jackson hoài vậy"
Thằng bé dù mới 4 tuổi, nhưng cũng hiểu những gì bố nói nên chịu thua ngồi im. Nhưng sau đó vào một lần khác, khi chúng tôi đang nghe nhạc từ radio, tiếng người ca sĩ mềm mại dễ thương đang hát một bản nhạc quen quen làm tôi lâng-lâng hát theo. Chợt Vũ của tôi đưa tay tắt radio làm tôi cụt hứng:
- Mẹ bực mình quá, Vũ bất lịch sự ghê đi, tại sao mẹ đang nghe mà Vũ lại tắt" Vũ làm như vậy có biết là hỗn không" Mẹ không bằng lòng Vũ làm như vậy nữa nghe không"
Thằng bé biết mẹ giận nên nhanh nhẹn lui ra ghế sau ngồi, gọn gàng trả lời mẹ:
- Tại ba mẹ là người VN, ba mẹ phải nghe nhạc VN.
Thế là bố mẹ nhìn nhau đành im lặng không nói được gì trước cái lý sự của con.
Vũ của tôi, thằng Vũ mà tôi yêu thương nhất trên đời từ khi còn là giọt máu chưa tượng hình trong bụng. Thằng Vũ đã đem đến cho tôi nhiều hoài bão, nhiều ước ao, và cũng đem đến cho chúng tôi nhiều suy tư, khắc khoải khi nhìn sự khôn lớn của con mỗi ngày.
Tôi mơ khi con tôi lớn lên, tôi sẽ dậy con tôi nói, con tôi đọc những tiếng Việt thân yêu mà tổ tiên tôi đã dầy công chau chuốt để ngày thêm phong phú, thêm đậm đà. Tôi sẽ dậy con những bài ca dao nói về tình dân tộc, tình quê hương. Tôi sẽ dậy con tập đọc những bài tập đọc đã thấm vào da thịt tôi khi còn bé "Hôm nay ngày khai trường, lá ngoài đường rụng nhiều..." hay những áng văn hay, nhẹ nhàng thanh thoát của những nhà văn tiền chiến một thời đã làm tôi say mê, xúc động...
Tôi mơ, vâng tôi mơ nhiều lắm... Tôi mơ quê hương tôi sẽ có một ngày thanh bình, ngày không còn chiến tranh, nước mắt, ngày không còn tiếng súng nổ để bao người tha hương trên khắp địa cầu được hân hoan dắt tay nhau trở về, để cùng nhau xây dựng lại một quê hương ấm no, hạnh phúc, để tôi được dắt con đi khắp đó đây trên đất Việt. Để tôi được đưa con đi qua những nơi tôi đã lớn lên, những nơi tuổi thơ hạnh phúc của tôi trải dài trên đó, để thằng Vũ của tôi phải hiểu thế nào là hãnh diện to lớn của một đời người còn có một quê hương để gọi, còn có một quê-hương để trở về.

Nguyễn Thị Tê Hát

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến