Hôm nay,  

Green Card - Thẻ Xanh

18/09/200400:00:00(Xem: 156138)
Người viết: MINH THUỲ
Bài số 615-1154-vb6170904

Tác giả cho biết bà quê quán Saigon, hồi nhỏ học tường Gia Long, sau đó là Văn Khoa, ban Văn chương Mỹ; do đổi đời, năm 75, phải bỏ học đi làm giúp đỡ gia đình, có “ghé qua” nghề phát thanh, làm báo sau đó không chịu nổi, nên bỏ nghề, ra buôn bán. Năm 1989 đi cùng con gái vượt biên đến được nước Đức. Hiện đang sống ở thành phố Mainz, Germany, làm nghề Travel Agency. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một truyện ngắn về các tình huống tìm người kết hôn để có thẻ xanh ở lại Mỹ. Bài đang hai kỳ.

Ông Thảnh dẫn Phượng đi lòng vòng thương xá Phước Lộc Thọ ở Little Saigon. Tầng dưới gồm những gian bán hàng ăn, thực phẩm, băng nhạc, quần áo…trên lầu là khu bán vàng bạc, nữ trang, mỹ phẩm, sách báo. Qua hai vòng tham quan Phượng bắt đầu nản.
- Cô thiếu “tâm hồn shopping” -ông Thảnh nhận xét- bên này đến 90% đàn bà chỉ mê shopping, có người tuần nào không đi ngắm mấy cửa hàng là sinh bệnh, vì nhớ, còn hơn nhớ người yêu.
- Anh đừng có đụng chạm đến tâm hồn đàn bà nghe. Nhiều ngăn bí mật đến Thượng đế còn không hiểu nỗi, thì nhằm nhò gì anh.
Cuối cùng hai người cũng đến chỗ phải đến, gian hàng nữ trang, góc phía đông. Nhân vật "thẻ xanh số 1"- như chị Nga đặt tên- mới mở cửa, đang lui cui bày hàng vô tủ kính.
- Đứng xa dễ chiêm ngưỡng hơn. Hắn mặc áo xanh, thấy chưa, không đẹp trai bằng anh đâu nhưng mặn mà, có duyên thầm chết người được.
Ngay chỗ sáng ánh đèn, mà gương mặt người đàn ông vẫn tối, vẻ chịu đựng nhẫn nhục, không nét gì đặc sắc gây ấn tượng.
- Mặn mà chỗ nào, em hảo ngọt, thích ăn chè hay kem chứ không ưa mặn.
- Đừng có vội chê, anh Tư thợ bạc này cũng là cây văn nghệ, dù chẳng bao giờ rớ tới sách báo nào, chỉ mê thơ Bùi Giáng.
- Thật không "
- Bộ anh nói giỡn sao, Phượng mà nghe hắn đọc thơ thì dám xách va-li theo không. Mấy bận nhậu xỉn với nhau, anh nghe hắn xổ thơ Bùi Giáng: " Thương em vì nỗi thật thà. Đêm nằm em cởi quần ra gối đầu. Bây giờ em để quần đâu. Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao..." Tuyệt không"
- Nhảm thì có, mấy ông chỉ nhớ bao nhiêu đó. Nhưng ngó bộ anh ta hiền lành.
- Quá hiền là khác, nên bà vợ trước quậy quá xá. Hắn lo làm hàng cho khách, bà vợ đứng bán, theo chiêu bài "thấy là nó rình, sơ hở là nó rinh", khi nào hắn quên không theo dõi là bà chôm mấy cái nhẫn hay bông tai đem đánh tứ sắc, thua hết. Gặp thêm ba thằng con phá trời, ham chơi hơn ham học, hắn chán đời, tịnh khẩu như bình. Vợ hắn đứt bóng sớm là may cho hắn.
- Trời, vậy mà anh tính gán em vô đó, đến chừng ba đứa con trai hắn quậy thì em biết làm sao.
- Thì kêu cảnh sát bắt tụi nó. Hắn cũng kêu cảnh sát bắt nhốt thằng lớn mấy lần. Mới biết lái xe có hai năm mà nó phá năm, sáu cái xe. Toàn phóng xe bạt mạng trên xa lộ.
- Nghe thôi là đủ sợ. Mình chấm dứt cái màn ngắm người đẹp từ xa đi, có vẻ illegal quá.
- Thì vô gặp mặt, nói chuyện với anh Tư một lát, bộ sợ sao"
- Để hôm khác. Người ta mới mở cửa hàng, mình đến nói linh tinh, rủi không bán được gì cả ngày nay thì hắn đổ họa cho mình.
- O.k, về xưởng chỗ anh làm, ngồi chơi một lát, rồi anh chở về nhà.
Vào xe thấy Phượng lặng im, ông Thảnh mở máy nghe nhạc. Con đường Brookhurst chạy dài, ít bóng cây, không khí dường như nóng, khô khan, dù mới buổi sáng.
Ông Thảnh liếc nhìn Phượng qua kính chiếu hậu, cô ngồi băng ghế sau. Cái xe không giống ai, chắc còn sống sót lại từ thời Washington đắc cử tổng thống, không mở được cửa trước, chỗ ngồi cạnh tài xế biến thành chỗ chứa đủ thứ đồ nghề, phụ tùng xe hơi. Khi nào muốn chạy, khi nào trở chứng ngừng giữa đường là tùy ngẫu hứng tự nó. Đôi khi đang chạy êm lại rung lên bần bật như người lên cơn suyễn. Chị Nga khiếp vía, phải xuống xe xem có cái bánh xe nào bị văng mất. Vậy mà ông Thảnh khoái nó, nhứt định không bỏ, dù dư tiền tậu xe mới.
- Biết tin đặc biệt chưa, trước khi Phượng sang đây, chị Nga đã cho anh Tư thợ bạc xem hình em, hắn o.k liền. Đang kêu giá 20.000 đô, hắn off 50% liền, đẹp không"
- Rất khả nghi, có lẽ phải nhờ KCS* nhúng tay vô, hàng hạ giá thường là hàng kém phẩm chất.
Ông Thảnh lắc đầu:
- Cô em tui mắc bệnh hoài nghi, phi thẻ xanh ra thì có cách nào ở lại xứ Mỹ này được, mà 10.000 đô cho cái giấy hôn thú thời buổi này là number one đó.
Phượng duỗi đôi chân dài, ngã người ra sau, thả mắt theo đám mây bay trên cao. Cô nghĩ tới món tiền đang cần để phát triển cái văn phòng du lịch của mình ở Frankfurt. Khi không lại đem tiền tậu ông chồng -một anh Tư thợ bạc mê thơ Bùi Giáng- đổi lấy tấm Green card-thẻ xanh, mà không biết tương lai sẽ ra sao trên xứ Cờ Hoa này.
- Còn cái ông professor Lê cung Cầu -thẻ xanh số 2- của em ra sao.
- Vậy ra cô tương tư cha giáo sư đó" Hắn đến nay vẫn mồ côi vợ, lỡ bước sang ngang một lần rồi, mà chưa nếm mùi đời bao giờ. Tội nghiệp. Đúng hôm đám cưới, hai bên đằng trai đằng gái tụ họp đầy đủ ở nhà hàng thì cô dâu bỗng dưng biến mất. Chú rể đau khổ đứng chờ hoài. Sau biết ra cô ta có người yêu mới, tay này từng là học trò của hắn hồi trước, bị hắn đánh rớt, thi lại mấy lần, qua đây gặp cơ hội bèn chơi lại thầy, phỗng tay trên vợ sắp cưới của thầy. Giáo sư sầu đời, ở giá luôn. Nghe nói cô vợ hụt từng đoạt giải hoa hậu ở mấy hãng quảng cáo nước gội đầu bên nhà. Dạo này theo gương các chính khách về vườn, giáo sư đang say sưa viết hồi ký "Đời tôi, nửa thế kỷ cô đơn".
- Liệu em thay thế được bóng hình người yêu cũ của giáo sư không"
- Em hả -ông Thảnh chậm tay lái, quay lại ngó Phượng- có thể dư sức qua cầu, nếu chịu khó bỏ bớt cái tính ngang bướng đi. Có điều hắn ở giá lâu quá đâm ra mắc chứng allergie, dị ứng với đàn bà, em lôi được hắn ra khỏi cái ghetto cô độc của hắn là anh tôn làm sư mẫu liền.
Ông Thảnh rẽ xe vô xưởng sửa chữa, phải lạng lách khó khăn qua cả dãy xe móp méo nằm hàng dài ngoài sân. Giá không có cái văn phòng hai tầng thì Phượng tưởng đây là nghĩa địa xe. Dân Mỹ khoái chạy xe lớn, trong khi bên Âu châu người ta chuộng xe nhỏ, để dễ tìm chỗ đậu. Ông Thảnh làm quản lý ở đây hơn 10 năm, được chủ tin cậy nên ông toàn quyền chỉ huy phân xưởng. Đám thợ đến sớm đứng ngồi lố nhố trước cửa văn phòng chờ ông Thảnh phân công. Mùi sơn, mùi xăng nhớt làm không khí nóng thêm.
- Em vô văn phòng ngồi chơi. Computer đó, muốn vô Internet hay check mail cũng được.
- Nhỡ giám đốc đến bất tử, có phiền hà anh không"
- Không sao, anh là sếp ở đây. Tay giám đốc còn trẻ, phất lên rất nhanh, có đến năm phân xưởng, ít khi xuất hiện. Hắn rất chịu chơi, đối xử rộng rãi với anh em nên ai cũng mến.
Phượng lóc cóc gõ Computer, trả lời mấy cái mail tuần qua chưa xem. Con bé Yên Chi viết: "Con nhớ canh chua cá bông lau, nhớ mẹ quá. Con đang học bù đầu, đâu có thì giờ nấu cơm, toàn ăn mì gói với spagetti trừ cơm. Khi nào mẹ qua đây, nhớ mang theo bánh bao cho con, con sẽ đưa mẹ đi chơi khắp London. Mẹ chấm được cái ông thẻ xanh nào chưa" "
Có hai mẹ con, như ở hai đầu đại dương. Sống trên nước Đức 15 năm, giờ con qua Anh học, mẹ thì nghe lời đường mật của chị Nga "qua xứ Mỹ làm lại cuộc đời". Đời người có bao lâu mà cứ nhấp nhổm làm lại hoài, thấy đuối quá.
Mấy nhân vật thẻ xanh, qua chị Nga mô tả có vẻ hấp dẫn. Sang đây, thâm nhập thực tế, mới thấy đường đến thẻ xanh cũng truân chuyên trắc trở như ligne de coeur, rắc rối đủ thứ vấn đề. Phượng thở ra, chắc phải cầu cứu đám bạn làm quân sư.
- Hello, tôi vào văn phòng được không "
Một ông thợ hiện lù lù ngay cửa, người dong dỏng cao, mặt mũi chân tay chưa dính dầu mỡ xe.
- Được thôi, Phượng trả lời, xin cứ tự nhiên.
- Tự nhiên như chủ hay khách đây.
Hắn ném phịch người xuống ghế, gác hai chân còn đóng trong giầy lên cái bàn thấp, thoải mái tự nhiên như ở nhà. Phượng thấy khó chịu :
- Nếu anh cần gặp ông Thảnh thì ông ấy đang ở ngoài sân kia.
- Tôi cần gặp ông Thảnh làm quái gì, cô làm gì ở đây"
Phượng muốn nổi cáu, tay này cỡ nào mà nghênh ngang. Hắn rút gói thuốc ba số 5 trong túi áo.
- Sorry, ở đây có lửa không"
- Không có lửa khói gì hết, ở đây cấm hút thuốc, bảng cấm trước mặt kìa, anh có đọc tiếng Việt được không hay mắt bị loạn thị"
Hắn ngẩn người ngó Phượng, ra vẻ sợ sệt, bỏ hai chân xuống, cất ngay gói thuốc.
- Sorry, tôi có mắt như mù, mới đến đây lần đầu nên chưa biết gì, xin bà tha lỗi cho, bà là giám đốc ở đây"
Phượng hài lòng, phải cứng rắn để xử thế tình huống này.
- Chứ còn ai vào đây nữa, anh không thấy tôi đang ngồi ở đâu à" Hay anh nghĩ tôi không đủ tư thế làm giám đốc"
Hắn phá ra cười, cười nghiêng ngửa, sảng khoái như đang xem phim hài "Laurel and Hardy" (Mập và Ốm). Tiếng cười khiến ông Thảnh đang ở ngoài sân phải chạy vô văn phòng.
- Có chuyện gì vậy" Chú Sơn đến đây hồi nào" Tôi định điện thoại xin ý kiến về cái xe cần làm gấp, may quá chú ghé qua.
Ông Thảnh nháy mắt qua Phượng, nói nhỏ: "Sơn, giám đốc." Hắn, tên thợ ngông nghênh đang tiếp tục cười.
- Báo cáo với quản đốc, từ hôm nay xưởng này có giám đốc mới, bà giám đốc. Xin lỗi, bà giám đốc tên gì, để em thưa hỏi cho lễ phép.
Phượng ngớ người, cổ như mắc nghẹn, thấy khát nước quá. Ông Thảnh đỡ lời: "Đây là Phượng, em họ bà xã tôi, ở bên Đức sang chơi."
Ra vẻ không cần quan tâm, hắn đi lại bàn, lật xem mấy cuốn sổ báo cáo, gằn giọng:
- Sáng nay tôi có gọi đến đây, lúc 8 giờ 15, nhưng anh chưa đến.
- Xin lỗi, sáng nay tôi đưa Phượng ghé qua chợ nên đến hơi trễ...
Phượng rút lui, đi ra cửa:
- Anh Thảnh ở lại làm, em đi bộ về nhà. Bye.
- Hê, biết đường đâu mà về, chờ anh chút đi. Phượng...
Cô xăm xăm đi ra khỏi sân, nhắm hướng ngược chiều đại lộ lúc nãy mà đi, rủa thầm tên giám đốc giả dạng thường dân. "Đồ cà chớn, tự nhiên xuất hiện lại còn vờ vịt xin phép vô phòng, làm mình lỡ bộ, quê xệ. Thôi, mackeno."
Phượng ra đường, mới đi hơn trăm mét, cái Cabrio màu xám bạc đuổi theo. Hắn tấp xe sát bên lề, kêu:
- Phượng, phải chị Phượng làm ở Đài truyền hình ngày xưa" Sơn đây mà, chị nhớ không"


Làm sao nhớ nổi, trong đời xuất hiện hằng tá ông Sơn: Sơn trắng, Sơn đen, Sơn gàn, Sơn mụn, Sơn điên.... đầy dẫy. Người Việt nhỏ con nhưng hay nuôi mộng cao như núi, đặt tên Sơn cho con, như muốn ấn vào con mình cái thiên mệnh đội đá vá trời gì đó mà mình không hy vọng đạt được.
- Tôi là Sơn, Thiên Sơn, học sinh giỏi của trường.... ngày xưa, có lần chị đã vác máy đến trường phỏng vấn Sơn, chị quên rồi sao"
&
Thiên Sơn, núi trời ! Phượng nhớ, một buổi chiều tan sở, cơn mưa nặng hạt vừa ngớt, đi dọc theo đường Cường Để, vòng theo bến tàu, ra bến Bạch Đằng. Sơn dắt xe đạp đi bên cạnh Phượng.
- Sao, có chuyện gì, cần chị giúp gì không " Phượng hỏi.
- Đâu có gì. Hôm nay Sơn mới lãnh lương, muốn mời chị đi ăn vậy thôi.
Phượng phản đối tức khắc:
- Để tiền mua sách hay mua áo đi, bày đặt mời chị đi ăn làm chi.
- Chị giúp Sơn biết bao nhiêu, tìm chỗ ở, tìm việc làm, phải cho em mời chị một lần chứ. Cũng có vấn đề quan trọng, chỉ dám nói với chị.
Hai người ghé vào xe hủ tiếu bò viên ở một con hẻm. Sơn tiết lộ bí mật, sau khi mỗi người lùa xong hai tô hủ tiếu vô bụng.
- Long, bạn thân em, sắp vượt biên. Cậu nó đóng tàu, chỉ có ba gia đình đi, nó rủ Sơn cùng đi.
Biết hoàn cảnh em, lại không có con trai, cậu nó coi em như con nên cho đi không.
Phượng lại phản đối: - Sơn biết kỳ thi vô đại học sắp tới rồi, chắc gì đi thoát, lại nguy hiểm nữa. Em đổi cả cuộc đời cho chuyện mơ hồ.
- Em không còn cơ hội nào khác. Cứ kể như mình đánh bài đi, nhứt chín nhì bù. Nếu trở về nhà, sợ có ngày Sơn đập lại ông dượng. Hết chịu đựng nổi, ổng vô cớ cứ chửi mắng đánh đập em, đánh luôn má em. Nhứt quyết phải đi. Sơn đã nói với ông cậu về chị rồi, có một chỗ dành cho chị.
- Trời, có điên không, tuần sau là đám cưới chị, khi không lại tính vượt biên.
Đến lượt Sơn ngạc nhiên:
- Sao đám cưới chị mà không cho biết trước. Ai vậy, có phải tay đi Cup đỏ hay đưa đón chị không" Sao chị quyết định vội vàng vậy"
Phượng lặng im. Quyết định đến bất ngờ, mới hai tuần nay, với cái người mà cô không ưa ngay lần đầu gặp nhau. Chính cô cũng không hiểu được mình. Sau hai lần từ chối, khi Hưng ngõ lời lần nữa, tự dưng cô lại đồng ý. "Mình sắp điên chăng" Hay chỉ muốn tìm sự thay đổi nào đó cho cuộc sống hiện tại quá sức nặng nề, tù hãm" Biết đâu lại chỉ là chui từ cái rọ này sang cái rọ khác thôi."
Phượng nghĩ thầm, không kể ra với Sơn. Hai người đi dọc theo đường Nguyễn Huệ, mưa bay lất phất. Trời mới sẫm tối, đèn đường vừa lên, đường phố đã thưa thớt người qua lại.
- Chị nghĩ sao mà lấy anh ta, Sơn thấy hắn có vẻ không thật hay ích kỷ sao đó.
- Đừng xét đoán người vội thế, Sơn gặp anh ta có mấy lần đâu.
- Đàn ông nhìn nhau là biết. Chỉ sợ về sau chị ân hận, lại khổ như cảnh má em bây giờ.
Phượng muốn giận Sơn lúc đó. Sau này mới thấy lời tiên đoán của Sơn không sai. Chỉ ba năm sau là ly dị, Hưng phủi tay trách nhiệm, tuyên bố: "Với tôi, con cái không có nghĩa lý gì hết!" Phượng âm thầm một mình nuôi con, một mình đưa con vượt biên, một mình nuôi dạy con vào Đại học.
- Thôi, tạm biệt chị, mai em với Long xuống Gò Công chờ tàu đi.
Sơn nói, giọng luyến tiếc, ngậm ngùi. Sơn đứng nán lại trước kiosk bán mỹ phẩm :
- Chị thích gì, để Sơn tặng chị món quà nhỏ.
- Chị không cần gì đâu, để dành tiền mà đi. Thôi được, nếu nhất định tặng chị, thì chỉ một cái hoa hồng thôi, màu hồng cam là chị thích nhất.
Sơn đi lại kiosk bán hoa, lát sau, mang ra cả một bó hoa lớn kết thật đẹp.
- Có bao nhiêu hoa hồng cam, Sơn lấy hết, tặng chị, như quà mừng đám cưới.
Phượng cúi nhìn bó hoa, tránh ánh mắt của Sơn. Đôi mắt ẩn dấu nỗi buồn, tha thiết quá.
Cô nói nhỏ: "Thôi, Sơn đi bình yên, chị cầu nguyện cho sóng êm, bão tan trên đường Sơn đi."
Sơn lên xe, chạy qua đường Lê thánh Tôn. Phượng dõi mắt trông theo đôi vai gầy, cái quần xanh bạc màu của Sơn xa dần trên đường.
Thiên Sơn biến mất luôn từ đó. Phượng cũng quên bẵng cậu học sinh giỏi cấp thành phố mà cô từng phỏng vấn, viết bài lúc mới vào nghề báo.
&
Sơn cho xe chạy chậm dọc theo Huntington Beach. Không ngờ ở Quận Cam có bãi biển khá đẹp. Hai người ngồi trên thành đá ngó ra khơi, mặt trời đỏ rực đang rơi dần xuống biển. Mái tóc Phượng dài, rối bay theo gió, phảng phất hương thơm Lavender dịu mát, không phải mùi bồ kết quen thuộc ngày xưa. Phượng kín đáo liếc nhìn Sơn. Gương mặt hơi vuông, chân mày ngang đậm nét, mấy nếp nhăn ở trán, đuôi mắt. Sơn có vẻ già dặn phong trần. Riêng đôi mắt vẫn như xưa, mơ hồ một nỗi buồn.
- Chị đang nghĩ gì vậy "
Phượng cười: - Đang nhớ ông Phan Khôi, " 24 năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được.." Chị với Sơn chắc quen...lung lay, nên suýt nữa thì choảng nhau.
- Qua Mỹ rồi, nhiều lần Sơn viết thư về cơ quan hỏi thăm chị đều không thấy trả lời. Buồn.
- Số chị lao đao, chuyển cơ quan mấy lần, nhà cũng bị đuổi, nên đâu ai biết chị ở đâu. Gặp lại Sơn chị rất mừng, thấy Sơn ra đời thành công.
- Sơn gặp may thôi, gặp được cha mẹ nuôi nguời Mỹ tử tế, lo cho ăn học thì phải cố học để tự lập thân. Mấy năm trước Sơn có về Viêt Nam, đi khắp mấy tòa soạn Báo với Đài, hỏi thăm tìm chị, không ai biết, họ nói chị đã bỏ nghề, đi đâu mất.
- Thì chị cũng biến như Sơn, qua được nước Đức. Hết lao đao, thì lận đận. Chắc số chị cầm tinh con rệp. Sơn khác trước nhiều quá, không sao nhận ra được, cao lớn, lại thêm râu ria.
Sơn cười lớn : - Già rồi, râu ria ra rậm rạp, thấy ghê lắm sao. Nếu chị không thích, từ mai, Sơn sẽ cạo bớt râu.
- Râu nhiều thì tốt thôi. Đàn ông không râu bất nghì, vợ thường chết trước, về già sống cô độc. Sách tướng nói vậy.
- Nhiều râu như Sơn đến giờ vẫn cô đơn, đâu đợi tới già. Chị hay thật, hơn 20 năm mà Sơn thấy chị không khác xưa bao nhiêu. Sơn sẽ đưa chị đi San Francisco, nhà chính của Sơn ở đó. Chị sang đây chơi thôi hay dự tính ở lại luôn"

- Cái đó để chị Nga với Trời tính, chị cũng chưa biết.
&
Mọi người đều ngồi vô bàn, nhân vật chính -thẻ xanh số 3- chưa xuất hiện. Anh Thảnh nói:
- Cứ dọn lên ăn đi. Tay này họ Trịnh, chính danh Trịnh văn Trọng. Luôn luôn đến trễ, từ 5 đến 10 phút. Luôn luôn với lý do: bận cuộc họp quan trọng gì đó, tôi rành tay này mà.
Chị Nga bồn chồn: - Mình mời khách, khách chưa đến, ăn trước thì kỳ quá.
Đúng 6 giờ 10 phút có tiếng chuông. Thẻ xanh số 3, như anh Thảnh mô tả: mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, phảng phất nước hoa hiệu Joop. Mobilphone dắt lưng quần, cravate chỉnh tề, tóc như giày đều đen bóng. Chỉ thiếu cái Laptop, đúng điệu kỹ sư phần mềm, computer. Hắn ăn nói lưu loát, tự tin, thỉnh thoảng đặt vài câu hỏi cho Phượng, vẻ ân cần. Chị Nga hài lòng ra mặt.
Cuối bữa ăn, hắn đề nghị đưa Phượng đi chơi một vòng thành phố cho biết "Little Saigon by night" . Anh Thảnh nháy mắt với Phượng, nói nhỏ:
- Hắn muốn khoe xe. Cái Opel của hắn ngồi êm như mơ. Không bị bệnh suyễn như xe anh.
- Phượng thấy thích đất Cali này không, so với bên Đức ra sao" Hắn hỏi.
- Mới qua, nên Phượng chưa có cảm giác rõ lắm.
- Bên đó, Phượng làm ăn ra sao. Có mua được nhà riêng chưa"
Tay này điều tra hơi kỹ, Phượng giữ chính sách im lặng. Hắn ngừng xe bên đường, đổi giọng trầm:
- Anh có đề nghị, tụi mình đều lớn tuổi, trải đời rồi, nên nói thẳng với nhau dễ cư xử hơn. Thú thật, anh rất có cảm tình với Phượng, sẽ ký giấy hôn thú để Phượng được ở lại đây. Phượng không phải trả đồng nào, nhưng với điều kiện: chúng ta "sống thử" với nhau hai năm đầu, xem có hợp nhau không, nên về tài chánh cần tách biệt rõ ràng. Anh: trả tiền nợ mua nhà chưa dứt, Phượng: chi phí các khoản chi tiêu lặt vặt điện nước, ăn uống trong nhà. Xe hơi thì của ai ngưòi nấy lo, tài khoản ở Bank của ai người nấy giữ, riêng biệt. Khi nào mình thấy hợp nhau thì cộng đồng tài sản cũng đâu có muộn, phải không....
Hắn say sưa nói, đề nghị này, đề nghị khác. Dường như sắp sẵn trong óc từ lâu. Chẳng cần quan tâm Phượng có nghe hay không. Người vợ trước của hắn sau một năm "sống thử" đã tự ý bỏ hắn, bỏ tất cả ra đi, như anh Thảnh nói.
Phượng muốn bước ra khỏi xe, lang thang dạo phố. Đêm không trăng, nhưng đầy sao. Nhà ai có cây hoa ngọc lan, hương bay thoang thoảng. Văng vẳng đâu đây dạo khúc Ánh Trăng của Beethoven. Đêm dịu dàng thế này, phải nghe những đề nghị trần trụi tính toán chi li của hắn, thật hoài phí. Đưa Phượng về tới nhà, hắn còn với theo lời cuối:
- Riêng Yên Chi, con gái em, đã lớn rồi, anh đề nghị em thuê phòng riêng cho nó, hay gửi nó đến nhà chị Nga. Thú thật, anh không thích con cái.
Phượng đóng sầm cửa xe, chào: - Thôi, goodbye forever, anh ráng đẻ thêm đề nghị mới. Còn tôi, thú thật, chỉ có một đề nghị, anh đừng bao giờ gặp tôi hay đến nhà chị Nga nữa.
&
Chị Nga, anh Thảnh còn xem ti vi ở phòng khách như chờ Phượng về.
- Sao, vở kịch hạ màn thế nào, có happy end không " Chị Nga hỏi dò.
Phượng không trả lời ngay câu hỏi :
- Sáng mai, em bay qua New York gặp đám bạn cũ từ hồi học Gia Long, ở chơi một tuần rồi bay về Đức luôn.
Chị Nga thở dài: - Uổng công tui xúc tép nuôi cò...Cò ăn cho béo cò bay về nhà. Rõ chán. Chị thích em ở đây, mình đi lại thăm nhau gần hơn.
Anh Thảnh nói: - Duyên số do Trời định. Em có kiếm ra cả chục nhân vật thẻ xanh cũng không qua nỗi Trời.
Có tiếng chuông ngoài cửa, người đưa hoa xuất hiện, mang đến bó hoa lớn, 30 cánh hồng, đều một màu hồng cam điểm những cánh hoa Mueguet trắng nhỏ, thật đẹp.
- Ai điên lại gửi tặng hoa vào giờ này " Chị Nga ngạc nhiên.
Phượng lấy cái thư nhỏ đề tên Tố Phượng kết trên cánh hoa.
" Phượng,
21 năm qua, Sơn không quên buổi chiều mưa chia tay nhau ở Saigon. Phượng nói, chỉ thích hoa hồng màu hồng cam. 21 năm nay, Sơn vẫn sống một mình. Vẫn đi tìm...vẫn chờ...
Sơn kém Phượng có mấy tuổi, điều đó không thành vấn đề. Nếu Phượng không chê Sơn, thì...."
Phượng ngưng đọc, ngước lên nhìn hai người. Chị Nga đứng im, tròn xoe mắt, không hiểu. Anh Thảnh vẫn ngồi ở sofa ngó Phượng, mặt rạng rỡ cười tươi.

Minh Thùy

Ý kiến bạn đọc
16/02/201822:58:04
Khách
Rất lãng mạn của những người xưa , bây giờ không biết có còn không ?
04/01/201801:39:46
Khách
Vẫn một câu. Viết hay như vậy mà không viết nữa, uổng ghê!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến