Hôm nay,  

Mùa Bão Biển

04/09/200400:00:00(Xem: 127267)
Người viết: GIÓ ĐỒNG NỘI
Bài số 605-1144-vb5020804

Như mọi năm, cứ đầu tháng sáu là chính quyền nhắc nhở dân chúng vùng biển Đại Tây Dương, vịnh Mễ Tây Cơ là mùa bão đã đến. Và bão thường chấm dứt vào tháng mười một.
Mỗi năm, tính trung bình, có khoảng 10 trận bão phát xuất từ những vùng biển này. Phần lớn tự tan ngoài biển, không thổi vào đất liền. Sáu phần mười những trận bão này trở thành cuồng phong. Theo chu kỳ, mỗi ba năm, có khoảng năm trận cuồng phong đánh vào điạ phận Hoa Kỳ. Gây tổn thất nhân mạng khoảng từ 50 đến 100 người bất kể đâu từ Tiểu Bang Texas đến Maine.
Những người mới quen, khi biết tôi ở Florida đều hay hỏi, có phải là nơi thường xuyên bị bão không" Đúng thế. Thủ phủ Florida đặt ở Tallahassee. Trung tâm Florida là Orlando, một nơi nghỉ hè danh tiếng của thế giới với Disney World, đi ba ngày mới đủ xem (Disney ở California không thể nào so sánh được). Chưa kể Sea World, Wet and Wild, Gators Land, Typhoon Lagoon... kể không hết tên.
Chỉ phía Bắc Florida giáp Tiểu Bang Georgia, ba phần còn lại đều tiếp giáp với nước. Phía Đông là Cape Canaveral, Cocoa Beach có Trung Tâm Không Gian Kennedy, Patrick Air Force Base với biển Atlantic. Phiá Nam là Miami và những đảo nhỏ gọi chung là Key West, vòng sang phía Tây là Fort Myers, Tampa, cũng có một số đảo nhỏ. Biển ở cả hai phía Tây và Nam thuộc vùng Vịnh Mễ Tây Cơ.
Biển Atlantic lớn thứ nhì trên trái đất. Bao gồm luôn những vùng: biển Caribbean, vịnh Mễ Tây Cơ, vịnh St Lawrence, biển Đen.. Khí hậu của biển Atlantic và các miền đất đối diện chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ của mặt nước, nguồn nước biển và những luồng gió thổi ngang mặt nước. Vì năng lực hấp thụ sức nóng của đại dương quá lớn nên khí hậu thay đổi theo mùa rất thất thường. Đại dương là nguồn năng lực chính của độ ẩm trong không khí khi nước bị bốc hơi. Hơi nước bốc lên cao thành mây. Mây gặp khí hậu (tùy theo độ lạnh trên cao) đổ xuống thành mưa, tuyết hay mưa đá. Vùng khí hậu tùy thuộc vào cao độ. Vùng khí hậu ấm nhất giãn nở ngang Atlantic, bắc của đường xích đạo. Vùng khí hậu lạnh nhất là nơi cao nhất, bao phủ bởi biển băng đá. Giòng nước biển góp sức trong sự điều khiển khí hậu do sự di chuyển nước ấm và nước lạnh từ vùng này sang vùng khác. Các miền đất đối diện bị hậu quả bởi những luồng gió hoặc ấm hoặc lạnh khi thổi qua những vùng nước ấm hay lạnh này.
Do nội lực (inertia force) sinh ra, nước biển vùng Bắc Atlantic di chuyển theo chiều kim đồng hồ, trong khi nước biển vùng Nam Atlantic di chuyển ngược chiều kim đồng hồ. Nói một cách tổng quát, gió mang độ ẩm và khí nóng hay lạnh vào đất liền, ngược chiều nhau tạo ra bão.
Bão bắt nguồn từ phương Nam của Biển Bắc Atlantic. Khi gió mang theo mây và sấm sét với vận tốc gió là 38 mph (hay 33 kt, 1 kt= 1 knot, 1 knot = 1 nautical mile per hour hay 1.15 statute miles per hour) được coi là bão nhẹ (Tropical Depression). Vận tốc gió từ 39-73 mph (34-63 kt) xem là bão nặng (Tropical Storm). Khi vận tốc gió lên quá 74 mph (64 kt) baõ trở thành cuồng phong (Hurricane).
Cuồng phong chia ra năm bậc. Nhẹ nhất là số 1 với vận tốc gió thấp nhất. Và nặng nhất là bậc năm. Sự thiệt haị do cuồng phong gây ra căn cứ vào vùng bị ảnh hưởng hoặc những nguy hiểm, mất mát chứ không căn cứ vào cấp bậc của nó.
Bão thường đi đôi với lụt và có thể gây tổn thất nhân mạng. Bão không có tên trong khi cuồng phong luôn luôn được mang những cái tên khó mà quên được. Chẳng hạn anh Andrew, anh Floy, và mới đây nhất là anh Charley.
Ấy bạn chớ vội trách những người đặt tên bão là kỳ thị nam nữ nhé. Thật ra, có cả một uỷ ban ‘bỏ phiếu’ cho những cái tên này. Cứ 1 nam, lại 1 nữ. Từ A đến W, năm nay 2004, bắt đầu là Cậu Alex, thì năm sau, 2005 bắt đầu là cô Arlene. Cứ thế cho tới năm 2009 lại là cô Ana. Liếc sơ một dọc, chỉ toàn tên Mỹ, thỉnh thoảng có một mớ ông Tây, bà đầm như Henri, Nicholas, Gabrielle, Claudette hay vài anh Sì như Felix, Lorenzo. Hoàn toàn không có ông mít, bà Xoài nào cả. Mà người Việt mình cũng chẳng ai mong được họ chiếu cố đến làm gì. Cái tên khi nhắc đến mọi người phải hãi hùng, ai oán, chán nản như anh Charley vừa rồi thì chả ai mong. Thiếu điều đốt phong long cho nó đi đâu thì đi cho lẹ mà đừng đến.
Thật sự mà nói, với kỹ thuật hiện tại, trước hai giờ đồng hồ, người Mỹ có thể tiên đoán đúng 100 % về đường đi của bão. Họ có thể tiên đoán sớm hơn 8 giờ, 24 giờ, 48 giờ nhưng bão nó cũng không vừa, tà tà thay đổi ý định, nghiêng bên này môt chút, nhẩn nha dạt đằng nọ chơi một tị. Tốt nhất là dân chúng phải luôn theo dõi tin tức từ Radio, truyền hình. Điển hình là trận bão vừa qua.
Ngay từ thứ Tư, TV đã bắt đầu cảnh giác mọi người về cơn bão Bonnie, kèm sát sau đó là Charley. Từ sáng đến tối, chương trình tất cả các đài truyền hình chỉ có mỗi một mục giống nhau: Tin bão đến. Yêu cầu dân chúng: người ở trên đường bão đi, nên di tản, người chung quanh ảnh hưởng bão thì chuẩn bị đèn cầy, battery, nước uống, đồ hộp dự trữ phòng khi mất điện. Sáng thứ Năm, cô Bonnie dịu dàng đi qua. Cậu Charley hăm hở tiến ngay về Tampa. Orlando là vùng bị ảnh hưởng. Nghe tin này, tôi vác điện thoại gọi mời bạn ở Tampa, Orlando di tản về Cocoa. Chẳng ai nghe cả. Cứ bảo chờ xem sao.
Chúng tôi, dân chết nhát, dù chỉ thuộc vùng đuôi bão vẫn chuẩn bị đầy đủ. Sáng thứ Sáu, công sở, trường học đóng cửa từ 11 giờ để mọi người phòng bị. Người từ Fort Myers, Tampa Bay, ngoài vùng biển di tản vào đất liền.]
Từ sở về, chồng tôi lấy cưa máy, cưa bớt những cành cây rậm rạp để gió dễ thổi qua, khỏi gẫy cành. Hạ hết những cây cao gần nhà trông không khoẻ mạnh, cắt những cành có vẻ héo uá. Thu dọn chậu, cây, tất cả những thứ gì ngoài sân, cất hết vào nhà kho, khóa lại. Anh bảo: gặp gió lớn những thứ nhỏ xíu đều trở nên nguy hiểm cho cửa kính, cửa sổ hay kính xe hàng xóm.
Phần tôi chuẩn bị thức ăn sẵn cho 3 ngày. Sáu giờ chiều, tin tức cho biết Charlie đổi ý, sẽ nhích qua Tampa, đi thẳng đường từ Kissimmee, đập ngay Orlando khoảng 8, 9 giờ rồi lên phía Bắc. TV chiếu cảnh xe kẹt cứng trên các xa lộ vì dân chúng di tản. Ngoài sân, vùng Cocoa bầu trời quang đãng, không cả một làn gió nhẹ.


Lại điện thoại cho bạn. Orlando mới chỉ một hai cơn mưa rào, nặng hạt. Bạn ở nhà, sắp sẵn túi quần aó trong khi tiệm Nail còn mở cửa với vài ba nhân viên trông coi. Tôi nghe mà hết hồn, giục bạn cho người làm về để còn chạy bão. Giờ này mà ai còn điên khùng đi làm móng tay, chân không biết. Bạn bảo nếu bão đến, sẽ chạy ra khách sạn lớn Hilton ngay đó rồi check in. Tôi nghe lại ngẩn ngơ, chỉ trả lời: Bão đã đến thì gió cuốn cả xe lẫn người, cây sập, nhà rung rinh, điên cúp đi lối nào nữa.
Một người bạn khác hỏi: mấy chậu Lan mình mang vào nhà rồi. Đống ghế nhựa ngoài hồ tắm có lưới che kín chắc không sao" Hôm nọ, chưa là bão mà cây dù cắm trên bàn đá nhà em tôi còn bị gió tốc đâm xuyên qua lưới, phóng lên trời, rơi xuống như hỏa tiễn. Cuồng phong đến thì xe còn bay nữa là ghế. Lại thêm một người chưa thâý bão bao giờ.
Cuồng phong hay bão đều có thể tạo ra cơn lốc (tornado). Thường thì cơn lốc hay có mặt ngay trước khi cuồng phong kéo đến và ở chung quanh vòng mưa chứ không ở ngay trung tâm của cuồng phong. Hệ thống radar Doppler mới dù hoạt động rất hữu hiệu cũng chỉ có thể báo động trước khoảng từ vài phút đến 30 phút khi có cơn lốc đến.
Lốc cũng được chia thành 5 bậc. Nhẹ nhất là F0, 40-72 mph (mile per hour); gẫy cành,đổ cây rễ không sâu. F1, 73-112 mph; tróc mái, lật nhà di động (mobile home), đẩy xe đang chạy trên đường. F2, 113-157 mph; xé mái nhà gỗ, bứng gốc cây cổ thụ. F3, 158-206 mph; bay mái, bay tường, bay cả xe vận tải, lật luôn xe lửa. F4, 207-260 mph; dỡ hết nhà cửa, xe cộ từ nơi này mang sang nơi khác. F5, 261-318 mph; thật kinh hoàng, những nơi nào bị dính cơn lốc này đều trở thành bình điạ.
Buổi trưa thứ sáu, ngay trong sân trước nhà, tôi đã nhìn thấy cơn lốc trên trời. Về hướng của Tampa, một vùng mây đen thui, hình dạng y hệt cái phễu (quặng) lọc nước. Cứ thế nó xoáy tít như con vụ (con quay), cuốn tất cả theo lên trời cao rồi biến mất. Khủng khiếp. Sự việc xảy ra chỉ trong vài phút đồng hồ. Tôi đứng há hốc miệng ngó mà không kêu được người nhà ra xem.
Nơi tôi ở vẫn im ắng, chưa thấy dấu hiệu gì của Charley. TV vẫn báo cáo hàng phút. Tám giờ, trời bên ngoài tối sầm, mưa bắt đầu nặng hạt, từng lằn chớp loé sáng trong đêm tối. Điện khi sáng khi tắt, trở đi trở lại nhưng không cúp. Bão đã đến. Tin tức cho biết vận tốc cuồng phong đã giảm xuống khoảng 75 mph. Không còn đáng lo ngại như dự đoán nhưng vẫn sẽ gây nhiều thiệt hại.
Tôi để TV mở suốt đêm, vừa theo dõi tin tức, lúc nào mỏi mắt lại ngủ. Cứ thế cho đến sáng xem nơi nào bị nặng, nhẹ. Điện thoại không gọi được vì hầu hết vùng Orlando bị cây đổ, mất điện. Internet cũng không hoạt động.

Bốn giờ chiều thứ bảy, chúng tôi sách xe chạy lên Orlando. Các Toll booth ngưng lấy tiền từ thứ năm và tiếp tục như thế cho hết 1 tuần lễ để tránh cảnh kẹt xe.
Đường phố hoang tàn, cây đổ khắp nơi. Chỉ những đường lớn, cây đổ được kéo sang một bên để xe đi lại. Những con đường trong phố ngập nước, dây điện đứt vắt ngang, cành cây gẫy nằm đè lên nhau trông điêu tàn, đổ nát.
Suốt con đường Colonial, cửa đóng, đèn tắt, yên lặng, tối tăm. Hai dãy phố có khu thương mại chính của người Việt chỉ còn tiệm Bánh Mì Hồng Kông là đèn bật sáng. Tôi bước vào hỏi thăm người chủ có quen biết. Chị cười vui vẻ. Nhà em chỉ bị đổ vài cây nhỏ, không sao hết nhưng mất điện. Chạy ra tiệm không hiểu sao chung quanh tối thui, mình tiệm em may mắn. Thế là em mở cửa luôn. Từ sáng đến giờ thở không ra hơi. Khách đông ơi là đông. Không có bánh mì vì lò không giao thì em cắm nồi cơm điện, ram sườn, làm bì bán cơm dĩa. Chị tiếp: Mấy chục nồi cơm đó chị. Mệt mà bán đã tay luôn. Em mời chị một dĩa nghe. Tôi vội từ chối, cám ơn chị để còn tiếp tục đi ‘thăm dân cho biết sự tình’.
Đúng là con nguời thương mãi. Vui vẻ, nhanh nhẹn, tính toán đâu ra đấy. Tiếp tục đi về hướng tây trên đường Colonial. Một khúc ngắn đường có điện, còn hầu hết chìm trong bóng tối. Không cả đèn đường, xe nọ dòm chừng xe kia ở ngã tư. Thật nguy hiểm. Thỉnh thoảng vài bóng cảnh sát chỉ đường ở những ngã tư lớn. Khu Pine Hill không sao.
Chúng tôi ghé nhà hàng Thiên Vân. Ông chủ, cũng là người quen, đang chạy ra chợ mua thêm thực phẩm để nấu vì khách vào ùn ùn từ sáng đến giờ. Mừng cho bạn hữu. Anh kể: tối hôm qua lo bán hàng, bão đến em đâu có để ý. Mở Karaoke cho một số khách quen ở xa đến, họ ở khách sạn gần đây. Vừa ăn uống, vừa ca nhạc. Khoảng 7 giờ nhìn ra đường chả thấy ai, trên đường về khách sạn thấy cảnh sát vẫy tay đuổi lại tưởng họ chào bèn vẫy trả. Vừa vào phòng khách thì bị lùa lên phòng, khách sạn đóng cửa luôn vì bão đang trên đường đến. Phần tụi em ở tiệm, đổi đài sang phần tin tức mới hay có bão. Thế là ngủ luôn taị chỗ, khỏi về nhà. May mà em kịp dời cái xe sang chỗ trống chứ đậu dưới tàng cây như mọi khi thì cái xe tiêu tùng rồi. Nhà bị tróc vài miếng mái, hàng rào gẫy lai rai, mất điện. Còn tiệm thì không sao, chỉ đổ một cây ngoài sân. Cả đêm chui vào phòng vệ sinh, không dám nằm ngoài sợ mái nhà sập. Nghe mưa đập vào cửa kính, gió rít từng cơn, cây, lá rụng ào ào ngoài sân mà hú hồn.
Đúng là hú hồn vì nơi làm ăn an toàn. Chung chung là người Việt không bị thiệt hại gì nhiều. Phần người Mỹ, nặng thì ở một khu nhà lưu động, gia chủ đã không chịu nghe lời nhân viên công lực di tản đến trung tâm tạm trú (lý do là thiếu tiện nghi) lại còn rủ hàng xóm sang chơi bài cho đỡ buồn. Kết quả là sáu người cùng chết với căn nhà sập. Người ra sân dọn cây đổ bị giật chết vì dính giây điện đứt. Kẻ leo mái nhà kéo cành bị cây gẫy đè chết. Thêm vào đó là tai nạn xe cộ chết người vì không có đèn đường. Tất cả đều quy tội cho cơn bão Charley. Còn nhẹ là tư gia, rồi trường học, quá nhiều vùng mất điện. Học trò phải tiếp tục nghỉ hết tuần chờ trường mở cửa. Công ty điện làm việc ngày đêm để mang ánh sáng đến cho dân chúng trong khi thức ăn, nước đá được phát không cho những người cần.
Sau cơn giông trời lại sáng. Mọi người cố gắng tiếp tục trở về cuộc sống bình thường. Chung sức nhau dọp dẹp, sửa sang nhà cửa với sự giúp đỡ của chính phủ. Nước văn minh vẫn khác phải không bạn"

Gió Đồng Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Nhạc sĩ Cung Tiến