Hôm nay,  

Mỹ Du

01/09/200400:00:00(Xem: 148649)
Người viết: TRẦN CHI LIÊN
Bài số 602-1141-vb8290804

Tác giả Trần Chi Liên, hiện là một công chức tiểu bang, đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với bút hiệu Thiên Ân, truyện “Nửa Dòng Máu Việt”.
Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

Vinh đến phi trường Los Angeles lúc 11g đêm. Cảm giác đầu tiên của anh chàng Hai Lúa khi ra tỉnh là: sao cái gì cũng to thế! Phi trường ban đêm vẫn đầy người là người, trông tưởng như vô cùng hỗn độn nhưng thật ra lại rất là trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy như phi trường nơi quê nhà - Việt Nam. Vinh không ngờ sau gần một ngày lơ lửng trên không trung, từ trong phi cơ bước ra, Vinh đã đến một nơi theo Vinh nghĩ là ai cũng mơ ước được một lần viếng thăm rồi có chết cũng cam lòng - Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Thỉnh thoảng Vinh cũng có mơ ước đó nhưng chưa một lần nghĩ đến chuyện Mỹ du vì chàng yêu cuộc sống nơi quê nhà, thương đám trẻ con cùng chàng sinh hoạt mỗi cuối tuần, mê công việc đang làm, và nhất là khả năng tài chính eo hẹp của chàng. Bạn Vinh đang sống ở Houston cứ kèo nài:
- Ông cố thu xếp công việc của ông đi, tôi gửi vé máy bay về cho ông, qua đến đây, tôi lo cho ông hết. Bây giờ không đi, mai mốt thành lão rồi làm sao mà đi nổi.
-Vần đề tài chính không hẳn là vần đề lớn, nhưng ông biết là tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi chơi trong khi công việc thì bừa bộn...
-Bởi vậy tôi mới nói là ông thu xếp công việc, từ từ giao lại cho bọn trẻ nó làm. Ông sắp sửa tới tuổi dưỡng lão rồi, cái gì ông cũng ôm thì sức đâu mà làm. Thời đại tin học, tuy ông ở xa nhưng mỗi ngày vẫn có thể kiểm soát được bọn chúng mà!!! Hơn nữa, ông không đến kịp để dự Đại Hội Về Đất Hứa IV, liệu ông có còn sống đến sáu năm sau để dự không" Ông cố gắng lo giấy tờ, rồi tôi gửi vé máy bay về cho ông qua tham dự, xong ở lại chơi cho biết xứ Mỹ với người ta...
Đúng là nước chẩy đá mòn, cuối cùng Vinh xuôi lòng, lo nộp giấy tờ xin phép xuất cảnh, nhập cảnh, và nhủ lòng: "đi thì đi, nhân tiện qua thăm ông anh trên San Jose, cũng gần ba mươi năm rồi chưa gặp".
Nộp thì cứ nộp, nhưng Vinh không hy vọng gì lắm vì đã gần đến ngày xin đi, mà bên Hoa Kỳ chưa thèm trả lời trả vốn là cho nhập cảnh hay không mãi cho đến một tuần trước ngày đi Vinh mới nhận được giấy nhập cảnh, may là còn kịp để dự ĐHCĐH IV ở Quận Cam, California.
Theo lời dặn, Vinh đứng chờ người đến đón ở bãi đậu xe "C" cùng với một số huynh trưởng các nơivề tham dự đại hội. Cả cái bãi đậu xe cũng rộng thênh thang, lại còn bao nhiêu tầng bên trên nữa. Xe hơi thì vô số kể, đủ kiểu, đủ loại, đủ mầu, chẳng thấy cái nào giống cái nào cả. Ngó quanh, ngó quẩn, Vinh không thấy bóng dáng một chiếc xe gắn máy nào. Cái xứ gì lạ nhỉ!!! Đang đứng lớ ngớ Vinh thấy một chàng thanh niên trong dồng phục của Thiếu Nhi Thánh Thể, dáng cao, ốm như que củi lừng khừng đi tới:
-Con là Cung, huynh trưởng đoàn Kitô-Vua, St. Columban, xin lỗi có phải là bác Vinh không ạ.
-Tôi đây! Vinh trả lời.
-Chúng con có nhiệm vụ đi đón bác. Bây giờ con chở bác đi ăn một chút rồi đưa bác về nhà cô Linh, cũng là huynh trưởng trong đoàn con, để nghỉ ngơi trong hai ngày, thứ năm cô Linh sẽ chở bác đến Chapman University dự đại hội.
Vinh mỉm cười. Rất là thẳng thắn, không mầu mè riêu cua, Cung tự giới thiệu mình, cho biết nhiệm vụ của mình và lịch trình trong những ngày sắp đến của Vinh. Cuộc sống mỗi nơi quả là ảnh hưởng rất nhiều đến cung cách ứng xử của con người.
Đường ban đêm tương đối ít xe, sau một đoạn đường ngắn, xe đi vào con đường rộng rãi hơn, có thể cả đến tám chín chiếc xe cùng chạy được một lúc là ít, lại chẳng thấy có đèn xanh đèn đỏ nào cả. Vinh hỏi thì được trả lời là xe đang chạy trên "freeway".
-Con không biết dịch chữ freeway qua tiếng Việt là gì - Cung nói. Chạy trên đây không bị mấy cái cây đèn kiểm soát, tự mình chạy theo dòng xe cộ thôi, nhưng không được chạy quá 65 dặm một giờ.
Tuy Cung nói thế, nhưng nhìn vào đồng hồ tốc độ, Vinh thấy anh chàng đang chạy tới gần 80 dặm. Tuy nhiên, Vinh vẫn thấy xe êm ru. Ở Việt Nam, không nói đến việc xẩy ra tai nạn, chạy nhanh kiểu này, chỉ có nước sóc bụng mà chết thôi.
Đến tiệm Phở Thanh, Cung gọi một tô đặc biệt cho Vinh. Trời đất, nhìn tô phở chưa ăn đã thấy no. Đúng là phở ở xứ nhà giầu. Một tô bên đây chắc phải bằng ba tô bên Việt Nam, chả trách năm ngoái khi bạn về thăm nhà, Vinh mời hắn đi ăn phở, lần nào anh chàng cũng phải làm đến hai tô mới chịu xoa bụng đứng dậy.
Aên xong, Cung gọi điện thoại cho chủ nhà vào lúc một giờ sáng:
-Cô Linh, con Cung đây. Con chở bác Vinh tới bây giờ nghe.
Vinh không nghe được bên kia nói gì. Chỉ nghe Cung tiếp tục:
-Dạ con "cho" bác ăn phở ở tiệm Thanh gần ngay nhà cô. Hai phút nữa con tới liền. (qua câu trả lời Vinh đoán chắc bên kia hỏi: "đã ăn gì chưa"").
Quay qua Vinh, Cung nói:
-Mình đi bác.
-Đến nhà người ta giờ này có tiẹân không" Vinh áy náy.
-Không sao đâu. Cô chú biết bác sẽ tới nên cô vẫn còn thức chờ mình mà.
Chủ nhà là một người nhỏ nhắn, chắc là đã vào tuổi trung niên theo cách gọi của Cung nhưng trông bên ngoài Vinh vẫn có thể gọi bằng cô (em), đon đả đón Vinh bằng nụ cười thân thiện. Vinh ngại ngùng:
-Làm phiền chị phải thức khuya quá đi.
-Không sao đâu anh, em (sao mà ngọt như mía lùi vậy!) thuộc loại cò ăn đêm, thức khuya quen rồi. Chuyện nhỏ! Anh vào phòng tắm rũ bụi đường rồi đi nghỉ, mai mình nói chuyện. Đây là anh Đăng, ông chủ em - Linh vừa cười vừa giới thiệu người đàn ông đứng sau cánh cửa.
-Chào anh, tôi là Vinh. Xin phép được trú chân hai đêm tại nhà anh chị trước khi dự đại hội.
Cũng lại là nụ cười, Đăng "hồn nhiên" bắt tay Vinh:
-Anh đến là vui rồi.
Hai người đưa Vinh vào phòng ngủ dành cho khách, Linh vừa cười vừa nói:
-Phòng này hơi bé một tý, anh chịu khó nhá.
-Vậy là qúy rồi. Ở bên nhà, đâu phải ai cũng có phòng riêng như thế này!
-Ô! Anh Vinh ở xứ nào vậy" Đăng hỏi.
-Thưa anh, tôi ở Hồng Hà.
-Vậy ư! Ngày trước ông bà cụ tôi cũng ở Hồng Hà. Hiện tại vợ chồng cô em tôi cũng vẫn còn đấy. Thế anh biết ông Trùm Chính không nhỉ"
-Thế ra anh là anh vợ ông Chính! Bây giờ ông Chính về hưu rồi, không chịu làm ông Trùm nữa. Tôi là bố đỡ đầu cho thằng con trai lớn của ông Chính đấy.
-"Chời đất" - Linh reo lên - sao mà ngẫu nhiên thế nhỉ! Bao nhiêu người từ xa đến không gửi, lại gửi ngay cái ông Vinh này để bây giờ mình lại được nhận bà con.
Thế là thay vì "được" đi tắm rồi đi nghỉ, vợ chồng Đăng cùng Vinh hết chuyện nọ đến chuyện kia cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng Linh chịu thua sau cái ngáp dài:
-Thôi em đi ngủ đây. Mai còn phải đi làm. Chúc anh Vinh ngủ ngon. Sáng mai anh dậy mà không thấy em tức là em đi rồi. Anh Đăng ở nhà sẽ lo cho anh.
-Ừ nhỉ, Đăng tiếp lời vợ, anh cũng vậy để anh Vinh còn nghỉ ngơi. Xin lỗi anh nhé, gặp người xa lạ bỗng thành thân quen nên vui quá.
Cuộc gặp gỡ quả thật dường như có sự sắp đặt nào đó. Vinh nhìn đồng hồ, bốn giờ chiều bên Việt Nam.
Thể xác ông già sáu mươi khiến Vinh đau nhừ sau chuyến hành trình dài như … vô tận. Nằm trên giường ấm nệm êm nhưng không tài nào ngủ được; Vinh nghĩ đến đàn con bên nhà, không biết chúng làm ăn ra sao!
Mới xa nhà có mấy ngày mà sao lòng Vinh bất an, cứ thấy trong lòng thiếu thiếu cái gì. Bạn Vinh nói đúng, có thể tại Vinh thiếu lòng tin nơi người khác nên cái gì Vinh cũng muốn ôm vào người và không cho ai cơ hội chứng minh cái tài cái giỏi của họ khi không có Vinh ở bên cạnh chỉ bảo. Thôi thì cứ vui vẻ với những ngày nghỉ, cho đàn con cơ hội tự lực tựï cường... và Vinh thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau khi ra khỏi phòng cũng là lúc Linh sửa soạn đi làm. Cô nàng chào Vinh với nụ cười:
-Tý nữa anh Đăng chở anh đi ăn sáng rồi đi vòng vòng khu Saigon Nhỏ. Em đi làm đây, mai em sẽ ở nhà. Chúc anh vui vẻ.
Nói xong Linh đi như sao xẹt ra xe rồi vù một cái là mất dạng. Hình như sống ở bên Mỹ không ai biết đi cả mà chỉ biết chạy thôi. Mới gặp có mấy người, ai cũng đi như bị ma đuổi. Chẳng những đi nhanh mà nói cũng nhanh nữa, mọi người làm Vinh có cảm tưởng như sắp đến ngày tận thế nên mọi người đều hối hả.
Qua một ngày đi chơi với Đăng, quả thật khu Saigon Nhỏ không thiếu một thứ gì. Chung quanh Vinh toàn Việt là Việt. Tiếng gọi nhau ơi ới, các bà các cô nói chuyện cứ vang cả một góc phố, tiếng các bà mẹ mắng con, tiếng trẻ con cãi nhau bằng một thứ ngôn ngữ ba rọi - Việt Mỹ đề huề. Các cửa tiệm san sát nhau như khu chợ Bến Thành (nhưng rộng rãi và sạch sẽ hơn). Nào quán bún, hàng phở, tiệm cơm tấm, tiệm vải, chợ búa..không thiếu thứ gì! Quán cà phê được các ông chiếu cố ngồi tụm năm túm ba rỉ rả nói chuyện hay chăm chú đấu nhau trên bàn cờ tướng. Tấùt cả tạo nên một bức tranh rất là Việt Nam trên xứ người. Tiếc rằng, bức tranh này hình như không có cái hồn Việt Nam. Vinh thấy thiếu một cái gì thật khó diễn tả - một chút quê mùa; một chút đơn sơ; một chút bê bối; một chút dễ thương…"


Buổi tối, cháu ruột Vinh từ Oceanside ghé thăm, mời Vinh một bữa cơm và lời mời:
-Hôm nào rảnh chú ghé cháu chơi. Tối nay cháu phải về liền để mai mở tiệm.
Cũng lại vội vội vàng vàng. Chú vượt cả bao nghìn dặm đường đến đây, cháu cũng chỉ có thể ghé thăm được vài giờ, rồi đường ai nấy đi. Cuộc sống tất bật như thế đấy nhưng nếu ai có thể đi được cũng đều muốn đi. Ra đi để chấp nhận mọi rủi ro, khó khăn đang chờ với niềm tin sẽ có một tương lai khá hơn. Còn gì bất nhẫn và thảm thương hơn cho đất nước và dân tộc của Vinh không!!!
Đêm hôm sau (thứ ba), nhà Linh lại đón thêm ba cô huynh trưởng từ Houston tới, nằm la liệt ngoài phòng khách. Phải công nhận người Việt mình cho dù bỏ nước bay đi khắp bốn phương trời vẫn không thể bỏ được lòng hiếu khách đáng yêu. Vợ chồng Linh lăng xăng lo chăn gối, túi ngủ cho mọi người xong xuôi mới vào phòng. Sáng thứ Tư , Linh dậy sớm, nấu cho mỗi người một tô hủ tiếu, xong thả ba cô xuống Westminster Mall rồi "lại vội vàng" chở Vinh và Đăng ra phi trường John Wayne để đón một số huynh trưởng từ Missouri đến. Tuy không mặc đồng phục, chủ cũng như khách đều biết nhau đều từ lò Ti En Ti Ti (Thiếu Nhi Thánh Thể) ra nên gặp nhau đã như biết nhau từ lâu rồi, cười nói như những người bạn lâu ngày mới gặp lại. Aên trưa xong, thả những người mới tới xuống Trung Tâm Công Giáo (TTCG)... lại chạy đi làm việc khác, chờ đến tối đoàn của Linh sẽ phụ trách một màn Phở cho hơn hai trăm huynh trưởng từ các nơi về tạm trú tại TTCG...
Thật lòng mà nói, Vinh không thể nào quay như Linh mà không chóng mặt. Hai ba ngày bận rộn như vậy, đến trưa thứ Năm khai mạc đại hội và đi dự đủ bốn ngày đại hội với một số bổn phận khác, Linh vẫn tỉnh như người...Hà Nội (quê của bố Linh). Lúc nào thấy mặt là thấy nụ cười, chả trách không ai chịu tin số tuổi thật của Linh mà còn cho Linh thêm tuổi để được gọi là "chị, cô". Ngoài cậu con trai lớn, vợ chồng Đăng còn có cô con gái mới mười bẩy mà cũng năng động như mẹ. Linh cho biết:
-Trong vòng ba tuần con bé đi một hơi - hai cái trại và một kỳ đại hội. Em sợ cháu luôn.
Đăng tiếp lời:
-Bởi vậy, hai mẹ con cứ cho hai cha con ở nhà cơm hàng cháo chợ hoài!
-Ai bảo bố không theo hai mẹ con. Thiểu số phải phục tùng đa số chứ. Anh Công không có ý kiến thì bố thua rồi.
Con gái Đăng lên tiếng bênh mẹ. Vinh mỉm cười khi nhớ lại lời một người bạn khi du lịch qua Mỹ thăm họ hàng về than:
-Đám trẻ con bên Mỹ chán quá! Chẳng đứa nào nói được tiếng Việt. Tiếng Anh của mình thì đi đong, ngôn ngữ bất đồng, chẳng làm sao mà hiểu chúng nó nói gì!!!
Nếu ông ta nghe cháu Ly lý luâïn với bố, ông sẽ không có nhận định tiêu cực như vậy. Theo lời Đăng, tuổi trẻ bên này rất khá, làm rạng rỡ giống nòi. Các em chen chân vào dòng chính và có mặt trong mọi lĩnh vực. Càng lớn, các em càng muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mình. Có nhiều em, tiếng Việt nói không sõi, nhưng lại rất hãnh diện là người Việt Nam vì "cho dù mình có nói tiếng Anh như Mỹ, mình vẫn không thể chối bỏ sự thật về nguồn gốc của mình, mầu da của mình". Nếu có thì giờ, Vinh cũng muốn tìm hiểu thêm tâm tình của các em.
Sau mấy ngày đại hội, Vinh mệt nhừ, nằm trên giường như một khúc gỗ. Linh ghé ngang hỏi:
-Anh Vinh có muốn viết thư về bên nhà không" Anh đọc rồi em đánh máy cho nhanh.
-Linh có bận gì không"
-Bận hay không tùy mình. Không sao đâu anh, em đánh máy nhanh lắm.
-Thế thì làm phiền cô vậy.
-Không dám. Sao anh khách sáo quá à.
Vinh loay hoay không biết có nên bước vào phòng ngủ của Linh không vì phòng ngủ cũng là phòng làm việc của Linh. Hình như cuộc sống bên này mỗi người đều có giang sơn riêng của mình, kể cả vợ chồng. Gia đình Đăng có bốn người, mỗi người đều có góc riêng của mình. Phòng khách, phòng ăn mới là nơi mọi người gặp nhau. Theo lời Đăng:
-Mỗi người có ý thích khác nhau, tôi thích xem phim trước khi đi ngủ, Linh thích đọc báo cho đến khi mỏi mắt mới tắt đèn, hoặc ngồi ôm cái máy đến khuya mới chịu đi ngủ. Sáng tôi dậy sớm, Linh thích nằm nướng cho đến gần giờ đi làm mới bước xuống giường. Đành phải chịu mỗi người một giang sơn cho khỏi cãi nhau hoặc làm phiền nhau.
Phải chăng đây là một khía cạnh khác khá đặc biệt trong cuộc sống gia đình của người Việt bên Mỹ. Mỗi ngày Vinh đều có thêm một chút "ấn tượng" (xin phép độc giả được dùng danh từ trong nước để diễn tả) với người Việt tại Mỹ. Người Việt trong nước, không bằng lòng nhau là cãi nhau, chửi nhau như chó với mèo, tối đến lại vào chung một chuồng chứ làm sao có đủ phòng ốc để mỗi người một góc chứ nói chi đến một phòng. Cuối cùng Vinh cũng phải làm tỉnh bước vào, đứng bên cạnh đọc cho Linh đánh máy lá thư đầu tiên gửi về quê nhà:

Ngày 4 tháng 7 năm 2004
Các huynh trưởng thân mến
Bố đã tới Hồng Kông, rồi đến Los Angeles, Hoa Kỳ và cuối cùng đang ở Westminster, Quận Cam bình an và mạnh khoẻ. Cám ơn Chúa, cứ sợ chuyến đi có chi mệt mỏi chăng, nhưng lên máy bay thì tương đối thỏai mái và không có biến chứng gì về tim mạch. Bố đang ở tại nhà của gia đình người anh của ông Trùm Chính (ba của Thứ) tại Westminster (thuộc cộng đoàn St. Barbara).
Bố vừa về lại nhà sau khi dự bốn ngày ĐHVĐH 4 tại Chapman University. Đại Hội bắt đầu từ 4g chiều thứ năm mồng 1 tháng 7 cho đến trưa nay mới bế mạc. ĐH rất vui và bổ ích, được gặp mặt nhiều cha, sơ, cũng như huynh trưởng khắp các miền của Hoa Kỳ và Canada. Việt Nam mình cũng có ba cha và bốn huynh trưởng đến dự.
Thời tiết bên này rất tốt - khoảng 18 -20 độ (giống như Đà Lạt), nhưng không đổ mồ hôi nên không bị mệt (dù là không được ngủ trưa và tối đi ngủ trễ). Nhà cửa đường xá ở đây rất khang trang. Phần đông nhà bên này trước sau đều có sân có vườn giống như villa nhỏ. Ngoài đường không thấy bóng dáng ông cảnh sát nào. Xe hơi lưu thông rất nhiều (như xe gắn máy bên mình) nhưng họ chạy rất đàng hoàng không mất trật tự như mình.
Bố đã được đi thăm khu buôn bán của người Việt Nam tại Little Saigon, được ăn những món đặc sản ở đây - đặc biệt là có rất nhiều loại phở rất ngon, tô "xe lửa" (giá khoảng 6 dollars) phải đến hai người ăn mới hết. Tại đây, người ta nói tiếng Việt, ăn mặc, giao dịch như ở bên nhà, bố không nghe một câu Anh ngữ nào cả. Người Việt mình nói tiếng Anh rất lưu loát, đặc biệt là giới trẻ, tuy nhiên đa số vẫn nói được tiếng Việt và vẫn giữ được phong tục tập quán của người Việt.
Như đã nói là bố có dịp gặp rất nhiều cha và huynh trưởng các nơi trong ĐH - kể cả Đức Cha Todd Brown, Giám Mục GP Orange, Đức ChaMai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange. TNTT tại Hoa Kỳ có trên 100 đoàn, gồm 1400 huynh trưởng và 16,000 đoàn viên. Đặc biệt có khoảng trên dưới ba mươi huynh trưởng cấp Sinai (Huấn Luyện Viên). Bố sẽ mang tài liệu về lịch sử và diễn tiến của Phong Trào TNTT hải ngoại về để mọi người đọc sau.
Ngoài ra bố cũng có dịp đi thăm văn phòng Hướng Đạo Hoa Kỳ tại quận Cam và mua được một số tài liệu hữu ích. Số người Việt mình tham gia vào các đoàn Hướng Đạo địa phương cũng khá đông. Đến năm 2006, họ sẽ tổ chức Đại Hội Thẳng Tiến 8 tại Riverside và đang vận động ráo riết để gây qũy. Tinh thần người Việt hải ngoại rất gắn bó và hết lòng giúp đỡ nhau. Tất cả sinh hoạt của các đoàn thể trẻ bên này có thể thực hiện được đều nhờ vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân và sự tận tụy của bậc phụ huynh - những người rất nhiệt tâm trong việc hun đúc tinh thần Việt tộc cho giới trẻ.
Bố dự định ở lại đây thêm một tuần để đi thăm viếng một số nơi như Nhà thờ Chánh Tòa thuộc địa phận Los Angeles; nhà thờ Kiếng (Crystal Cathedral); Disney Land; Hollywood Studio; và một số cơ sở khác, sau đó sẽ lên San Jose thăm gia đình ông anh và họ hàng.
Bố sẽ liên lạc thường xuyên với các huynh trưởng sau.

Bố Vinh

Chỉ mới có mấy ngày mà Vinh đã có quá nhiều chuyện muốn chia sẻ cho đàn con bên nhà. Vinh mỉm cười khi nghĩ đến những đôi mắt tròn xoe nhìn Vinh khi các em ngồi nghe Vinh kể chuyện. Cám ơn bạn hiền đã khiến Vinh "mạnh dạn" làm chuyến Mỹ du. Cám ơn những người đã cho Vinh tình thương đồng bào nơi xứ lạ quê người. Cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang người tỵ nạn cho Vinh có cơ hội gặp đồng hương của mình. Cuối cùng Vinh xin cám ơn Thượng Đế đã gìn giữ Vinh trong suốt cuộc hành trình dài với con tim "yếu ớt" của Vinh.

Trần Chi Liên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Nhạc sĩ Cung Tiến