Hôm nay,  

Những Rặng Dừa Xanh

25/08/200400:00:00(Xem: 139766)
Người viết: MƯỜNG KHÂU
Bài số 597-1135-vb8220804

Tác giả Mường Khâu tên thật Mai Việt Châu, sinh năm 1960, gửi bài tham dự từ Úc Châu. Ông hiện cư trú tại thành phố Canberra, Australia, công việc: Kỹ sư ngành Điện toán (Analyst/Programmer). Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
*

Những người tỵ nạn ở đảo Bidong quen biết hắn đều gọi hắn là Tâm ‘y tá’. Thật ra Tâm chả biết một tí gì về y khoa, hắn cũng chả có miếng bằng cấp nào lận lưng, nói gì đến nghề y tá. Nói của đáng tội sau năm 75, Tâm lăn lóc kiếm sống bằng cách chạy ‘áp-phe’ và ‘mánh mung’ ngoài chợ trời, bạ cái gì cũng có thể mua đi bán lại với hy vọng ‘trúng mánh’ để có tiền đắp đổi cuộc sống, nuôi gia đình. Trong các cú ‘áp-phe’ lớn của Tâm, thuốc tây là thứ dễ mua bán vì nó nhẹ nhàng, dễ cất dấu và có lời nhiều.
Gia đình Tâm nghèo lắm, bố mẹ hắn chỉ là công chức ‘ba cọc ba đồng’ thời trước, tiền lương hàng tháng chỉ vừa đủ nuôi sáu miệng ăn trong gia đình, nên sau ngày miền Nam được thay ngôi đổi chủ, gia đình Tâm tuột nhanh xuống hàng cùng đinh, giai cấp những người chuyên chính vô sản thứ thiệt trong cái chế độ mới. Chạy hàng chợ trời lâu ngày nên Tâm rành rẽ tên thuốc tây cũng như dụng cụ y khoa để buôn bán giao dịch, móc ngoặc với nhà thuốc tây quốc doanh.
Thời gian đầu mới đến đảo, Tâm chả có nghề ngỗng gì nên được xung công làm nhân lực tàu bốc vác ‘supply’ từ tàu và xà-lan vào kho chứa hàng. Một hôm trong lúc vác hàng Tâm vấp chân xóc phải cái dằm trên cầu ‘jetty’. Mấy ngày sau thấy đau, xem lại ngón chân đã sưng tấy đỏ, hắn mầy mò với cái kim khâu mãi mới lể cái dằm ra, đau thấu mây xanh… Tưởng lấy cái dằm ra là yên chuyện ai dè ngón chân nhiễm độc mưng mủ đau nhức làm cho việc đi lại sinh hoạt rất khó khăn. Bữa lên khám bệnh, Tâm phải đi cà nhắc lên ‘sick bay’ xin trụ sinh uống ‘dứt nọc’ ngón chân đang làm độc. Người cao ủy y tế sau khi xem xét vết thương, rửa ráy và băng bó lại, phát cho Tâm hơn chục viên ‘Pinicillin’ loại 500 ngàn đơn vị. Tâm cầm viên thuốc trên tay hỏi người cao ủy y tế:
- Tôi phải uống loại ‘antibiotic’ loại 500 ngàn này 2 viên mỗi ngày phải không"
Thấy Tâm phát âm tiếng Anh cũng khá chuẩn, dùng chữ ‘antibiotic’ trong câu nói ra vẻ thông thạo y học, người cao ủy hỏi xem hắn có thể giúp ông ta phát thuốc men cho đồng bào tỵ nạn đau ốm trên đảo được không" Thấy người cao ủy y tế tốt bụng và vui tính, hắn vui vẻ nhận lời. Từ ngày được trọng dụng vào Ban Y Tế trên đảo, Tâm cảm thấy vui vui trong bụng và tự hào lắm, hắn cho đây là dịp để phục vụ đồng bào tỵ nạn trên đảo. Với mớ vốn liếng tên thuốc Tây và biết công dụng của thuốc cho những căn bệnh sơ xài, ai ngờ những kiến thức ‘ba mớ’ Tâm thâu thập ngoài chợ trời đâm ra có kiến hiệu.
Từ ngày có hắn cộng tác trong Ban y tế, việc phát thuốc cho bệnh nhân trôi chảy và nhanh chóng hơn. Viên cao ủy y tế mừng lắm, có thêm người phụ với ông trong công tác phát thuốc và làm thông dịch mỗi khi cần. Những lúc rảnh rỗi ngồi tâm sự, viên cao ủy thường hỏi hắn về quá khứ trước đây xem hắn có phải là bác sĩ hay là y tá gì không" Khi nghe Tâm trả lời cái kiến thức về y học là vốn liếng những ngày lang thang đói khổ, chạy hàng thuốc tây, dược phẩm và dụng cụ y khoa ngoài chợ trời, viên cao ủy ngạc nhiên dương hai con mắt tròn xoe cứ hỏi lại hắn như không tin:
- You’re kidding, right"!!!
Từ ngày nhận trách nhiệm phát thuốc trong Ban Y Tế trên đảo Tâm nghiễm nhiên trở thành ‘y tá’ chính thức của trạm xá ‘sick bay’. Không là thầy thuốc nhưng hắn rất ‘mát tay’, những bệnh trái gió trở trời, ấm đầu sổ mũi lên gặp ‘Tâm y tá’ là dứt bệnh.
Thời gian qua nhanh, thấm thoát mà Tâm đã ‘nằm’ đảo hơn một năm, không có ưu tiên và thân nhân nước ngoài nên chỉ còn nước chờ phái đoàn Mỹ ‘hốt rác’. Thằng Ban, bạn hắn trong Ban Hồ sơ Cao ủy cho biết tấm thẻ ‘lu ca’ (blue card) của hắn đã bị cao uỷ các phái đoàn các nước như Ca-na-đa, Pháp, Úc, Anh, Hòa Lan… đóng mộc ‘xù’ một cách vô tội vạ không hiểu vì lý do gì. Tâm cũng đã cạy cục làm đơn xin đi các nước khác nhưng chả đâu nhận, nhiều lúc Ban phát cáu dùm cho hắn:
- Tứ cố vô thân và chuyên chính vô sản như mày mà còn bị chế độ tư sản ‘xù’ thì tao cũng hết biết!
Sáng nay đang trong giờ phát thuốc của trạm xá Tâm thấy Ban hớt ha hớt hải chạy tới, tay vẫy hắn lia lịa:
- Tâm ơi…, Tâm, mày được Mỹ nhận rồi!
Tâm như người trên trời rớt xuống, hắn sững sờ quên cả nhiệm vụ phát thuốc. Ban đã chạy lại bên hắn, mừng quá phát vào vai hắn mấy cái đau điếng. Hai thằng ôm nhau cười ha hả nhảy cà tưng như hai thằng khùng. Mấy người bệnh đang chờ hắn phát thuốc cũng vui lây túa đầy vào phòng phát thuốc, bao quanh lấy hắn để bắt tay chúc mừng và lấy hên, có người không quen cũng đến vỗ vai thân thiện:
- Chúc mừng anh Tâm y tá được đi Mỹ nghen!
Tâm quay sang Ban, khuôn mặt hí hửng :
- Mày chờ tao chút, còn vài người nữa xong. Tao dẩn mày đi ‘ăn khao’.
Đóng cửa phòng phát thuốc xong, Tâm cặp cổ Ban bước ra khỏi trạm xá ‘sick bay’. Đang đi hắn chợt dừng lại một cách nghiêm chỉnh trước cái miếu nhỏ đặt dưới đất ngay gốc cây dừa xanh, những tàu lá dừa dài vươn ra thành cái tán rất rộng trước mặt của trạm xá như một cái dù lớn che rợp bóng mát, Tâm đứng chắp tay, miệng lẩm nhẩm khấn nguyện. Ban thắc mắc hỏi:
-Mày làm gì vậy Tâm"
- Tao cám ơn ông già biển cả. Ngày nào tao đi ngang miếu cũng khấn khứa với ổng.
- Ông gìa biển cả nào"!
- À…, tao gọi thế thôi chứ mày biết cái miếu cô hồn này dựng nên thờ ông già vượt biên đến đảo Bidong, đang ngồi nghỉ dưới gốc cây bị trái dừa rớt xuống trúng ngay mỏ ác, chết tại chỗ này nên linh lắm.
- Mày coi tướng ‘ba trợn’ vậy mà cũng có tâm linh quá hả"
- Sao không…"! Mày không nghe ông bà nói ‘có tin có lành, có cầu có được’ à"
Tâm lôi Ban đi lên con dốc nhỏ dẫn sang khu bãi biển. Cũng đã gần 11 giờ trưa nhưng quán café vẫn còn vắng khách. Hai thằng chọn cái bàn dưới tấm bạt bằng nhựa có sọc xanh đỏ chìa ra ngoài làm mái hiên cho đỡ chói nắng. Phía bên kia đảo Bidong là đảo ‘Cá mập’ hiện ra trong tầm mắt. Tâm nghe những người ở đảo lâu cho biết tên đó là do dân tỵ nạn đặt cho vì hòn đảo có dáng dấp như con cá mập bơi săn mồi, chứ không phải khúc biển này có cá mập. Hắn kêu hai ly café đá và bao thuốc thơm ‘White Horse’ như những lần hai thằng có rủng rỉnh vài đô Mã trong túi chơi sang ra quán ngồi uống café nghe nhạc. Ly café uống trễ sáng nay có vị đăng đắng như đồng điệu với điếu thuốc thơm hút thấy ngon lạ! Hai thằng ngồi bên nhau nhưng mỗi đứa như đang theo đuổi một tâm sự riêng, chả nói với nhau câu nào. Thằng Ban ‘nằm’ đảo cũng đã hơn hai năm vì trục trặc giấy tờ khai báo thân nhân ở nước ngoài, giờ vẫn chưa được đệ tam quốc gia nào nhận. Đặt ly café xuống bàn, hắn quay sang Ban phá vỡ cái im lặng:
- Mày biết chừng nào tao có danh sách rời đảo không"
- Chừng 2 tuần thì có danh sách từ bên Kuala Lumpur gửi sang, mày liệu chuẩn bị.
*
Mấy hôm này Tâm cảm thấy bồn chồn trong lòng có lẽ vì đây là những ngày cuối cùng hắn còn trên đảo. Tâm nghe tên hắn trong danh sách rời đảo được Ban Thông tin công bố trên loa phát thanh chiều hôm qua. Trong lòng hắn giờ buồn vui lẫn lộn thật khó tả, vui vì những ngày tháng dài vô vọng trên đảo đã kết thúc, tương lai mở rộng đang chờ đợi trên đất Mỹ tự do giầu có, cuộc đời hắn sẽ bắt đầu một trang mới. Hơn một năm trời sống bấp bênh không lý tưởng như nhánh củi mục trôi sông, đời tỵ nạn buồn nhiều hơn vui, những lúc tuyệt vọng hắn tự hỏi sự tự do được đánh đổi bằng một cái giá cao quá chăng"
Làm sao Tâm quên được chuyến vượt biên liều mạng ‘nhất tiền khoáng hậu’ của bọn hắn. Cả bọn toàn thanh niên 15 đứa ngồi xếp hàng một trên chiếc ghe dài 9 thước đóng kiểu Thái Lan ‘cao mũi, nhọn lườn’ loại chẻ sóng đi biển, để qua mặt và tránh bị bọn công an nghi ngờ nên ghe không gắn mui, chiếc máy ‘Yanma’ cải biến cộng thêm bộ số của máy ‘xe reo’ nên chiếc ghe chạy ngọt lắm, chỉ cần lên ga là nó ngóc mũi xé nước chạy phăng phăng. Trên ghe Quang là tài công rất thành thạo nghề đi biển. Gia đình Quang làm nghề ngư phủ trên biển đã bao nhiêu đời, họ rành rẽ sông nước và biết thời điểm nào biển lặng gió êm nên đã chủ động chuyến đi này.
Sang ngày thứ tư ghe đã đến hải phận Mã Lai nhưng nếu không được ngư phủ Mã Lai chỉ đường đến đảo Bidong bọn hắn đã đi lạc vào vùng vịnh Thái Lan rồi. Những cây dừa xanh trồng dọc theo bãi cát trên đảo Bidong nhìn xa như những cây dừa xanh mọc dọc theo bờ sông quê hắn. Có những buổi trưa nhìn những cây dừa xanh sai trái trên đảo, Tâm thèm khát trái dừa xanh óc ách đầy nước mát và ngọt dịu hắn thường uống trong những trưa hè oi bức bên nhà, miếng cùi dừa trắng muốt được nạo ra thả vào ly nước dừa trông mềm mại bắt mắt làm hắn liên tưởng đến phát thèm.
Trên đảo Bidong dừa là thứ ‘quốc cấm’, lính Mã bắt được ai trèo cây hái dừa họ phạt nặng lắm. Tâm đã chứng kiến bọn lính Mã lấy ‘dùi cui’ quật túi bụi lên đầu lên cổ những người tỵ nạn leo cây hái dừa, không những bị đánh mà còn bị cạo đầu và phạt ngồi ‘chuồng cọp’. Năm thì mười họa, có trái dừa khô gặp hôm mưa to gió lớn rớt xuống đất mới được phép nhặt. Dừa khô chỉ có nước bào ra lấy nuớc cốt dừa nấu chè xôi nếp hay xắt mỏng kho chung với cá ăn sừn sựt cũng ngon, còn nước dừa khô chua loét không ai uống chỉ đổ đi thôi, người tiếc của thì đổ vào nồi cá kho cho cá mềm và mau rục.


Chiều nay có chuyến tàu đưa người rời đảo, máy phát thanh đang đọc lời tiễn biệt cho những người may mắn lên đường đi định cư, rời hải đảo tỵ nạn buồn thảm này. Giọng ca sĩ Thái Thanh qua bài ‘Nghìn Trùng Xa Cách’ với âm điệu nghe buồn diệu vợi. Tâm chùng lòng khi nghe người nữ ca sĩ gửi hồn vào bài hát như đang kể lể ngọn nguồn tâm sự trong lòng hắn.
“Mời người lên xe về miền quá khứ.
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt màu …
Vài cánh sương hoa nằm ép trong thư …
Vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho thả gió bay đi…”
Chỉ loáng mắt hắn đã soạn xong mấy cái túi xách chuẩn bị rời đảo, Tâm ngả lưng trên tấm phản để hồn chìm vào ‘đường ta đi lặng lẽ mưa bay’, để nghe nỗi buồn đang gậm nhấm những kỷ niệm chắt chiu những ngày trên đảo, hắn chưa kịp hát theo ‘một tiếng thương ôi gửi đến cho người…’ thì có tiếng ai réo dưới nhà:
- Tâm ơi, mày có nhà không"
Tâm trên gác, thò đầu xuống:
- Quang hả" Tao trên gác. Lên đây.
Quang leo lên cái thang gác ọp ẹp làm bằng cây rừng:
- Tụi tao đang bàn, kiếm gì lai rai ba sợi làm lễ tiễn chân mày lên đường!
- Ở đây làm gì có ‘ba xi đế’ mà đòi lai rai ba sợi"
Lên tới tầng căn gác, nó nheo mắt nhìn Tâm:
- Tao đã có cách mà, mày tin tao đi.
- Làm gì thì làm, tao không muốn bị lính Mã cạo đầu trước ngày rời đảo.
- Mày đừng lo nhậu xỉn chết bỏ luôn!!!
Quang móc túi đưa hắn một số thư đã được gói cẩn thận trong cái bọc ‘ni-lông’:
- Mày gửi dùm tụi tao mấy lá thư này khi đến Mỹ.
Hành lý lên đường của Tâm vỏn vẹn chỉ có cái túi nhỏ đeo vai chứa đầy thư tín do những người thân quen trên đảo nhờ gởi dùm, vài cuốn băng cassette với những bản nhạc hay mấy thằng bạn thân thâu tặng hắn làm quà kỷ niệm. Cái túi xách lớn trong có vài bộ quần áo cao uỷ phát chẩn đã được sửa lại cho vừa vặn, một số giấy tờ tùy thân và vài cuốn sách Anh văn của ‘Center Of Language’ phát cho dân tỵ nạn trên đảo. Còn các vật dụng cá nhân, nồi niêu xoong chảo trong căn nhà Tâm ở, hắn để lại làm ‘kỷ vật’ cho những người còn ở lại. Họ cần những thứ đó hơn hắn. Đời hắn mất mát nhiều và cho đi cũng nhiều còn cái gì đáng để mất nữa đâu mà sợ! Sự ra đi nào trong cuộc sống cũng có mất mát, hành trang lên đường càng gọn nhẹ bao nhiêu càng thanh thản dễ bước chân đi.
Sáng nay sau giờ phát thuốc như thường lệ, Tâm lén lấy chai ‘ăn-côn’ 90 độ cồn loại 1 lít dùng để sát trùng để xuống ngăn dưới không khóa của tủ thuốc theo lời thằng Quang dặn. Tối nay cả bọn sẽ tụ tập lại nhà nó để có bữa tiệc thân mật tiễn chân Tâm rời đảo. Mười lăm đứa trong danh sách thuyền PB13 đã lần lượt rời đảo gần hết, chỉ còn lại năm, sáu mạng. Quang xung phong nhận trách nhiệm kiếm ‘mồi màng’ và chất men cay cho cả bọn say đêm nay. Tâm dặn hờ:
- Quang, mày nhớ mời dùm tao mấy anh em còn lại trong thuyền mình nghe, chả biết bao giờ tụi mình mới có cơ hội gặp lại.
- Yên trí đi. Tao sẽ mời hết mà, mày đừng lo. Tối nay tụi mình ‘gầy sòng nhậu’ lúc 7 giờ nghe. Nhớ mang chai cồn lại nhà tao.
Cả ngày lo chạy các giấy tờ tùy thân và hòan tất thủ tục rời đảo, Tâm làm máy móc như người không hồn. Hắn bịn rịn nhìn phòng phát thuốc lần cuối, nơi làm việc tạm bợ nhưng đã gắn bó với cuộc đời tỵ nạn của hắn, cái bàn nhỏ, cái tủ thuốc thân quen trong góc phòng, những vật gắn liền vào cái nghiệp bất đắc dĩ y tá của hắn.
Lúc chia tay người cao ủy y tế, ông ta xiết tay Tâm thật chặt và cầu chúc cuộc sống mới bên Mỹ gặp nhiều may mắn. Hơn một năm làm việc chung với người cao ủy hắn thấy ông ta thật vui tính và tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ và săn sóc những người Việt tỵ nạn đau ốm, bệnh hoạn trên đảo, nghe đâu ông ta xin sang đảo Bidong để phục vụ với thời gian là 5 năm làm hắn rất ngưỡng mộ và khâm phục tấm lòng nhân ái của ông.
Chiều đã bắt đầu chạng vạng, khi đến nhà Quang mấy thằng bạn thân quen cùng ghe đã có mặt. Ban vì bận vào giờ chót trên hội trường Cao ủy cho những người được mở hồ sơ đặc biệt nên không đến được. Thằng Quang cầm chai ‘ăn-côn’ trên tay do hắn mang đến miệng bô lô ba la:
- Bữa nay tao làm ‘dược sĩ bào chế’ cho tụi bay ‘ngoắc cần câu’ luôn!
Quang đã kiếm đâu được cái chậu thau lớn để giữa bàn nhậu, nó đổ vào đó 3 lon ‘Côcacôla’ và nước dừa tươi từ hai trái dừa xanh nó đã liều mạng trèo hái bên khu C mấy đêm trước, đổ vào nửa chai ‘ăn-côn’ nó cầm cái ca nhựa quậy đều trong cái chậu rồi chiêu một ngụm giáo đầu:
- Khà…! Đã … quá, tụi bay ơi, ‘dẫn nhiệt’ không chịu được!!!
Cả bọn xúm lại ngồi quanh cái bàn dã chiến được làm bằng tấm ván ép, ghế ngồi là mấy khúc gỗ được cắt ngắn làm bộ ghế đẩu. Thằng Quang thật khéo tay làm món ăn, trên bàn nhậu có đĩa cá hồng ướp muối mặn chiên xù, nó quảng cáo là nhậu ‘bắt’ hết biết, nó còn ngoại giao với mấy tiệm Tàu Mã Lai buôn bán trên đảo mua đâu được một ít thịt bò, nó nấu nồi cà-ry bò khoai tây ăn với bánh mì ‘thùng phuy’ nóng hổi mới ra lò bên khu B làm bữa tiệc nghèo trên đảo bỗng dưng ‘nổi đình đám’ và ‘xôm tụ’ hết chỗ nói. Quang nâng cái ca nhựa lên chúc sức khỏe:
- Tụi mình chúc Tâm ‘y tá’ lên đường bình an và nhiều may mắn thành công trên đất Mỹ.
Cả bọn cụng ca nhựa ‘cạch... cạch’ nghe cũng rôm rả lắm, những đứa còn lại đều làm đúng thủ tục ‘bất thành văn’ cuả tàu PB13 nâng ly chúc mừng chuyến rời đảo của Tâm, xong màn chúc mừng… tới màn chúc sức khỏe… rồi đến màn ‘xoay tua’. Mùi cồn hơi hăng hắc nhưng nhờ mùi nước dừa tươi làm dịu lại nhiều, cộng thêm mùi ‘Côcacôla’ thơm thơm và ngọt nên cũng dễ uống, chất cồn dẫn thật lẹ, mới có hết vòng đầu chúc mừng năm, sáu ca gì đó mà Tâm đã thấy chao đảo quay cuồng rồi. Hồi còn bên nhà Tâm cũng thường nhậu nhẹt với bạn bè, tửu lượng cũng khá lắm chứ đâu đến nỗi bết bát vậy! Đôi mắt mở không muốn lên, hai bên thái dương mạch máu chạy rần rần như muốn nổ tung, hai lỗ tai nóng bừng, Tâm lè nhè:
- Tao say rồi đó…, Tụi bay cứ nhậu tiếp đi, tao nằm nghỉ chút.
Nói xong Tâm lảo đảo bước lại cái giường của Quang, nằm vật xuống, tai hắn vẫn nghe giọng thằng Quang nhừa nhựa như từ cõi nào xa xăm nào vọng về: - “Dzô nè…!” pha lẫn tiếng cười, tiếng hát, tiếng đùa giỡn, tiếng ca nhựa cụng nghe ‘lạch… cạch’ của bàn nhậu càng lúc càng nghe nhỏ dần… như đưa Tâm vào cơn say ngất lịm đầy ma quái.
Lúc Tâm bàng hòang tỉnh dậy, không biết đang nằm đâu, trong đầu hắn không có ý niệm gì về không gian cũng như thời gian hết, đầu váng vất nặng như búa bổ, hai mắt hoa lên như nổ đom đóm, bức tường trắng trước mặt như nhảy múa đảo lộn liên hồi, đầu óc quay mòng mòng, Tâm lại nằm vật xuống giưòng như không cưỡng lại cái thân xác quá nặng nề. Có tiếng chân ai bước vội lại giường Tâm đang nằm, hắn bật dậy hốt hoảng:
- Ai đó" Tôi đang ở đâu đây" Chuyện gì đã xảy ra…"
Giọng Ban cất lên:
- Tâm, tao Ban đây. Mày bị say rượu bất tỉnh phải mang lên ‘sick bay’. Họ đang chuyền nước biển cho mày đó. Bọn thằng Quang đều bất tỉnh. Chưa thằng nào dậy hết. Nghe nói tụi bay nhậu ‘ăn-côn’ hả"
Tâm chợt nghe nhói như có ai thắt cái gút lớn trong ngực, hắn dần dần hiểu ra cớ sự, buổi tiệc tiễn chân hắn và thứ ‘cốc-teo’ (cocktail) pha trộn chất cồn độc hại làm men cay cho bữa tiệc đã quật cả bọn lật chỏng gọng bất tỉnh nhân sự. Giọng Ban vẫn nhỏ nhẹ và sũng buồn:
- Bây giờ là 5 giờ sáng. Chiếc ‘BlueDart’ đang trên đường qua. Còn 1 tiếng nữa họ sẽ đưa mày và bọn thằng Quang sang nhà thương Trengganu để điều trị vì bên này không đủ phương tiện. Mày đừng buồn nữa chuyện đã lỡ rồi ráng tịnh dưỡng.
Sáng nay khi trời còn sớm, chiếc tàu ‘BlueDart’ cập vào thành cầu ‘jetty’ người trên đảo thấy hai chiếc xe lăn và một ‘băng-ca’ được đưa xuống tàu, những túi nước biển treo trên cây cọc bằng ‘inox’ gắn vào thành chiếc xe lăn đung đưa theo nhịp đẩy của hai người y tá Mã Lai mang theo hai thân xác ngồi nghẹo cổ bất động trên xe. Viên cao ủy y tế của trạm xá đi theo chiếc ‘băng-ca’ tay dơ cao bịch nước biền đang chuyền vào đường gân xanh nổi lên trên tay Tâm, hai mắt ông ta rươm rướm nước mắt. Nét mặt Tâm trắng bạch như xác chết, hắn cố mở to đôi mắt nhìn về hướng những rặng dừa xanh trên đảo nhưng không thấy gì ngoài màu trắng đục như lớp sương mù bao phủ hòn đảo những hôm mặt trời lên muộn.
Tâm cố ngước đầu lên lần nữa để tìm những tàu lá dừa dài xanh mướt nơi hắn biết dưới gốc cây có cái miếu cô hồn thờ ông già biển cả. Thật lạ, sao hắn không thấy màu xanh của lá dừa đâu cả, chỉ thấy vệt khói từ cây nhang ai đốt nghi ngút trong miếu tỏa lên cao, càng lúc càng dầy đặc bao phủ mọi vật trong một màu khói trắng mờ mờ.
Căn phòng nhỏ mọi khi là thư viện của trạm xá được vội vàng thu dọn biến thành căn nhà xác dã chiến. Ba cái ‘băng-ca’ đặt dài trên nền nhà, trên đó là ba cái xác của ba người thanh niên trẻ vừa chết sáng nay được phủ bằng những tấm vải trải giường trắng từ đầu đến chân. Trên ngực họ có những nải chuối xanh ai đem vào cúng, trên nải chuối những cây nhang ghim vội vàng đang ngun ngút cháy với cái tàn cong vòng, những vệt khói trắng thơm mùi trầm vương vất mãi trong căn phòng lạnh lẽo không chịu lan tỏa

MƯỜNG KHÂU

Ý kiến bạn đọc
08/05/201912:22:37
Khách
Chuyen nay that khong Chu?
Xay ra vao nam nao vay? vi Chau cung o Bidong 87'!
Cam on Chu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến