Hôm nay,  

Ra Đi

29/07/200400:00:00(Xem: 139686)
Người viết: TRẦN CHI LIÊN
Bài số 593-1131-vb4280704

Tác giả Trần Chi Liên, hiện là một công chức tiểu bang, cho biết đây là lần thứ hai bà gửi bài dự Viết Về Nước Mỹ. Bài thứ nhất của bà được viết với bút hiệu Thiên Ân, truyện “Nửa Dòng Máu Việt”.

Tặng người đồng cảnh tương lân

Thế rồi những ngày dài tưởng như vô tận đã qua đi trong cảm giác dật dờ, lãng đãng. Những ngày dài con sống như người mộng du, một xác thân vô hồn được đẩy đi bởi những người chung quanh. Con chỉ có biết một điều duy nhất là - bố đã thật sự bỏ đứa con gái bố thương yêu nhất mà đi đến một nơi không còn tranh chấp, khổ lụy làm bố đau lòng. Bố đã bỏ chúng con ngay trong thời gian chúng con đang được hưởng hạnh phúc lớn lao nhất của tình cha, làm sao con chấp nhận nổi sự mất mát này hở bố"
Con ngồi ôm và ngắm bức ảnh của bố. Bố ra đi nhanh đến nỗi không ai có thể ngờ để nghĩ đến việc đưa bố đi chụp một bức chân dung cho tử tế. Ảnh bố được phóng to từ một tấm hình chụp chung với bạn bè trong ngày cưới của bố. Thế mà lại hay, bố cười thật tươi và sảng khoái - nụ cười của một tâm hồn bình yên. Con đang cười với bố đây này, bố có thấy không" Con đang nói chuyện với bố, bố có nghe không" Con biết là bố vẫn còn lẩn quẩn quanh con. Sau ngày bố ra đi, trong những lúc đang lái xe, nhìn qua kính chiếu hậu con thấy bố gọi điện thoại cho con, muốn con nói chuyện với bố, con đã liên miên nói, kể cho bố nghe tâm tình của con mặc những người ngồi trên xe tưởng con lên cơn khủng hoảng vì sự ra đi của bố. Biết làm sao hơn! Con không cần giải thích, chỉ cần bố vui là con mãn nguyện rồi.
Ngồi nhớ lại mấy ngày qua, từ những ngày trong bệnh viện, bố nằm trên giường vui vẻ cười nói với mọi người, hẹn bạn bè gặp lại nhau vào cuối Tháng Bẩy, sẽ cùng nhau ăn mừng, bố sẽ đãi các chú các bác và mọi người không phải chỉ một con heo quay mà cả mười con cũng là chuyện nhỏ. Ngón tay cái đưa lên để bảo đảm cho việc gặp lại nhau sẽ là chuyện đương nhiên. Hứa hẹn với nhau như thế, nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau, bố đã không giữ lời, không chịu đợi gặp lại nhau vào cuối tháng Bẩy mà bỏ mọi người ở lại với nỗi ngẩn ngơ tiếc nuối.
Con đứng bên giường nhìn bố, khuôn mặt bố thật an nhiên tự tại - không hằn nét ưu phiền hay đau đớn. Con mân mê bàn tay gầy guộc, sờ soạng khuôn mặt lạnh giá của bố. Con muốn giữ lại càng nhiều hình ảnh sau cùng của bố vì mai này con sẽ không còn cơ hội nào thấy bố bằng xương bằng thịt nữa.
Con muốn khóc mà sao nước mắt cứ trôi lại vào bên trong. Con không thể khóc khi nhìn nét mặt vô cùng bình an của bố. Con chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã cho bố có cơ hội để tháo gỡ mọi gúc mắc trong lòng trước khi về với Chúa. Những gúc mắc trong cuộc đời như những nhánh gai đâm vào trái tim khiến bố mất đi nụ cười hạnh phúc, mất đi con người thật của mình. May mà tháng năm cuối đời, bố đã tìm lại niềm vui và hạnh phúc trong tình yêu chân thành của người bạn đời yêu dấu và lòng tin yêu của chúng con. Chỉ tiếc là tháng năm đã qua quá ngắn ngủi, không đủ cho cha con mình gần gũi nhiều hơn, ít nhất cũng là đến ngày bố được nhìn thấy chúng con thành gia thất. Con không dám than van hay kêu nài vì những gì Chúa đã định, loài người không thể cãi lại. Tuy nhiên, trong thân xác và tâm tình đời thường, con vẫn có chút hờn giận vì Chúa không công bằng với chúng con.
Gia đình Việt Nam trong xã hội Hoa Kỳ có quá nhiều mâu thuẫn vì hai nền giáo dục khác nhau đã tạo nên không ít nhiều thảm cảnh trong gia đình. Cha mẹ lúc nào cũng bận rộn trong việc sinh kế, con cái bỏ mặc cho nhà trường. Hạnh phúc hơn nếu những đứa trẻ đó có ông bà nội ngoại dậy dỗ thêm, bằng không thân ai nấy lo hồn ai nấy giữ. Chúng con là những đứa trẻ hạnh phúc được bố dậy dỗ trong tình yêu của mẹ, lòng thương mến của ông bà và họ hàng. Hạnh phúc nào cũng có giá của nó và cuộc đời không mấy khi bằng phẳng. Gúc mắc của người lớn chính là nỗi bất hạnh của trẻ con, nhưng có được mấy người nhìn ra để tránh cho con trẻ sự khó khăn khi phải có sự chọn lựa"
Chúng con đã phung phí một khoảng thời gian khá dài để hờn dỗi bố trong khi bố đã bỏ biết bao tâm trí để hàn gắn những vết nứt trong tâm hồn chúng con. Thật đáng tiếc!!! Nếu chúng con biết bố bỏ đi sớm như thế này, chúng con đã không giữ sự ương ngạnh trẻ con như thế. Biết bố lúc nào cũng thương yêu và lo lắng cho mình mà cứ làm nư vòi vĩnh, bây giờ có hối thì cũng không còn cơ hội đền trả.
Giờ này con chỉ còn biết hứa với bố, con sẽ cố gắng sống cho thật xứng đáng với lòng tin yêu của bố, con sẽ cùng anh cả thương yêu các em và lo cho mẹ, sẽ gìn giữ chiếc xe bố để lại cho con như món quà sinh nhật của bố tặng. Con sẽ tiếp tục làm đẹp cho nó như lúc trước để bố chạy cho an toàn, nhưng mà bố đừng có trêu con là: "con gái mà chẳng có từ một việc nào của con trai" nữa nhé!
Bố thấy chưa, con cứ miên man nghĩ đến biết bao nhiêu là việc khi đứng bên cạnh thân xác bất động của bố! Dù tiếc nuối đến đâu cũng đến lúc con phải buông tay, đưa mắt nhìn người ta lo việc đưa bố đến nhà quàn. Chúng con và họ hàng hai bên đành phải trả lại sự yên tịnh đã bị gia đình mình quấy nhiễu cho nhà thương.
Mọi người đang bàn thảo về những việc phải làm để tiễn biệt bố. Bố phá quá đi, bỏ cuộc chơi mà không báo trước khiến mọi người trở tay không kịp. Người muốn điều này, kẻ muốn điều kia, chưa gì con đã thấy nhức cái đầu quá! Đêm hôm ấy con đã ngồi ôm gối, mắt mở thật to nhìn màn đêm nghĩ ngợi liên miên. Ngày mai đến gặp lại bố nơi nhà quàn, không biết người ta sẽ làm đẹp cho bố như thế nào, không khéo bố lại chẳng nhận ra mình khi bay bổng trên không để nhìn gia đình lo việc hậu sự cho bố. Cuối cùng mọi người sẽ lo việc của bố như thế nào để không có sự gì đáng tiếc xẩy ra" Vân vân và vân vân.
Những việc xẩy ra thật rõ ràng như thế mà sao con vẫn tưởng như đang trong một giấc mơ. Bố chỉ muốn đùa giỡn với mọi người thôi. Hôm kia mấy bố con mình còn hẹn hò với nhau đi ăn tối, chưa kịp ăn thì bố đã phải vào nhà thương tiếp máu, rồi bố lại chọn đúng sinh nhật của con mà ra đi. Bố làm con khó xử - không biết nên buồn hay vui"
Từ nay, con sẽ không bao giờ có một sinh nhật với niềm vui trọn vẹn, nhưng bù lại, cho dù con có bận rộn đến đâu, một năm cũng có ít nhất một lần con bắt buộc phải nhớ đi thăm bố. Nói vậy thôi chứ con biết rõ một điều, bố chỉ muốn gần gũi con, cho dù thân xác bố không còn tồn tại. Con người là tro bụi, cuối cùng cũng phải trở về bụi tro. Đời sống này không phải mất đi mà chỉ là một sự đổi thay thôi bố nhỉ!!! Cứ như thế con đã thiếp đi lúc nào không biết.


Sáng hôm sau khi gia đình tụ họp để bàn định công việc, bấy giờ con mới thấy bố của con thật là vĩ đạị. Chẳng những bố biết trước bệnh tình của mình và chấp nhận sự thật trong vòng tay Chúa Quan Phòng mà còn sắp đặt mọi chuyện theo ý nguyện của mình để mọi người cứ theo đó mà làm, tránh được rất nhiều sự tranh cãi vì mỗi người một ý.
Mọi chuyện bố xếp đặt hình như có sự đồng ý của Thiên Chúa nên cứ tuần tự đến một cách trôi chẩy từ việc từ việc một. Từ giờ giấc trong nhà thờ, tuy là gấp rút nhưng vẫn dành cho bố một giờ thuận tiện cho mọi người - tám giờ sáng Thứ Bẩy; thời tiết thật đẹp để những người thân quen đến thăm bố không phải vừa đổ mồ hôi vừa đổ nước mắt. Lễ lậy cũng như các nghi thức đạo đời, nhất là nghi thức Phủ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà cùng những lời giã từ của các chú các bác trong binh chủng của bố đã lấy của chúng con và mọi người rất nhiều nước mắt.
Khi con người nằm xuống mới thật sự thấy ai là người chí tình với mình nhất - không phải qua những lời nỉ non khóc lóc kêu gào tiếc thương, cũng không phải qua những vòng hoa thật đẹp hay những con số phúng điếu thật to. Tình cảm đó chỉ có thể cảm nhận được mà thôi. Tuy ý nguyện của bố là không nhận phúng điếu, không nhận vòng hoa, nhưng bạn bè của bố vẫn cứ gửi đến cho bố những vòng hoa rực rỡ cùng những lời tâm tình từ tận đáy lòng của họ. Bạn bè của bố đã mở mắt cho chúng con biết thế nào là tình huynh đệ chi binh, tình đồng đội, tình thân bằng hữu trên đất nước rất thiếu tình người này.
Những giờ trong nhà quàn, con cũng vẫn như bộ máy được người khác điều khiển. Bảo đứng thì đứng, nói ngồi thì ngồi, bảo lại lễ thì lại lễ, đẩy đâu thì đến đó. Thể xác rã rời, tinh thần lãng đãng. Những lời kinh cầu vang vang, bố nằm yên đó có nghe gì không"
Chợt dưng con thèm một không khí thinh lặng bên bố, con tưởng tượng nếu mọi người đến thăm bố, âm thầm cầu nguyện và tâm sự với bố trong tiếng hát của các Cha Dòng, chắc là sẽ trang nghiêm hơn. Bố đừng cười con nhá, có lẽ đó cũng chỉ vì con hơi ích kỷ, không muốn sự ồn ào chung quanh phá đi không gian của bố con mình. Con không thể khóc thành tiếng cũng như không thể gào than với ai để đòi lại sự mất mát của mình. Ai có thể trả lại con người bố con thương yêu vô vàn đây" Chúa đã gọi bố theo chân Ngài để hưởng hạnh phúc trường sinh, con không thể ích kỷ mà níu kéo bố để bố không yên lòng ra đi. Con đã cố giữ lại nước mắt của mình, nhìn bố, không biết là con đang cười hay đang mếu! Con chỉ biết thì thầm với bố: "con gái bố lúc mào cũng can đảm ma! Bố ra đi bình yên."
Con luôn nhủ lòng là can đảm chấp nhận, nhưng đến khi thân xác bố sắp sửa chôn vào lòng đất, lòng con nát tan. Con không nhớ mình đã đứng chết sững hết bao lâu. Tiếng gào kêu con của bà nội làm con bật khóc. Tội thân bà quá chừng. Trong vòng có mấy năm bà mất đi người chồng đã chia sẻ với bà bao thăng trầm trong đời và hai người con trai bà thương yêu trân qúy. Đau đớn cho bà phải chịu cảnh tóc bạc khóc người tóc xanh. Bà vật vã khi người ta bỏ quan tài của bố vào lòng đất, gia đình, họ hàng, bạn bè thân quen mỗi người ném theo một cành hoa, rồi xe ủi đất phủ kín lên nấm mộ mới toanh bằng thảm cỏ tươi - xem như chẳng có gì xẩy ra cả. Mộ của bố bây giờ cũng chỉ là một tấm thảm cỏ xanh rì. Người ta "ném" lên tấm thảm đó tất cả vòng hoa bạn bè của bố phúng điếu khiến con chợt nhớ lại lời trối trăn của bố: "không nhận vòng hoa vì phí phạm quá, tiền mua hoa để làm việc nhân đạo khác có ích hơn; mọi người đến viếng thăm là qúy rồi, đừng nhận phúng điếu." Con nói là bố vĩ đại mà!!! Trước khi chết vẫn còn nghĩ đến người khác. Làm sao con không phục bố cho được.
Khi còn bên chúng con, bố hà tiện đủ mọi thứ cho bố, nhưng lại không từ chối chúng con bất cứ điều gì chúng con đòi hỏi. Chao ơi!!! Càng nhắc lại, con càng thấy chúng con có lỗi với bố, càng thấy chúng con chỉ là những đứa con chưa chịu trưởng thành cho dù đứa nào cũng có vẻ cao hơn bố. Chắc chắn một điều là bố rất vui khi thấy chúng con vui vẻ. Con hứa với bố, chúng con sẽ là những người rất yêu đời, biết tôn trọng mọi tình cảm chúng con đang có, vui vẻ và chấp nhậm hoàn cảnh như bố luôn dậy chúng con. Hình ảnh của bố cũng như nụ cười của bố trước khi nhắm mắt từ giả cõi đời sẽ theo con mãi mãi - bố đã vui vẻ chấp nhận thay đổi cuộc sống nơi trần gian, tại sao chúng con lại không thể bắt chước bố, phải không bố yêu dấu" Tâm sự với bố xong, ngày mai con sẽ bắt đầu cuộc đời mới. Con phải sống làm sao cho xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của bố. Bố tin "đứa con gái giống như thằng nào" này của bố. Con đã dám hứa là con sẽ làm được.
Sáng hôm qua con đi dự lễ khấn trọn của bốn Sơ, nhìn cảnh các sơ nằm phủ phục trước bàn thờ, một chiếc khăn trắng xóa phủ lên - có khác nào cảnh nhà thương kéo tấm vải trắng phủ kín thân xác bố!!! Những người con gái - có lẽ bằng tuổi con hoặc trên dưới con một hai tuổi - cũng đã tự mình bỏ cuộc chơi trần tục, đi theo tiếng gọi của Đấng Tình Quân cao cả sống một đời khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời để phục vụ tha nhân. Cao qúy thay những tâm hồn hướng thiện đó. Mảnh vải trắng kia đã kết thúc cuộc sống đời thường của người chị em đang nằm trên Cung Thánh. Các chị đứng lên, can đảm thề hứa chung thân kết hợp với con người nằm trên cây Thập Tự và theo con đường khổ nạn của Người. "...mũi tên nào say đắm, bắn trúng con tim hồng, để từ nay con sống là sống cho tình yêu và dầu cho con chết là chết cho tình yêu..."
Lý tưởng quá phải không bố" Con không thể cao cả như vậy. Làm thân con gái, rồi cũng phải có ngày lấy chồng. Bố bỏ con rồi, ngày vui đó ai sẽ là người đủ tư cách đưa con lên bàn thờ giao con cho người bạn trăm năm của con đây hở bố" Bố lại thiếu nợ con gái bố rồi! Đùa với bố một chút thôi. Bố đã chẳng từng nói rằng đám cưới to hay nhỏ không phải là điều quan trọng, hai đứa có thương yêu nhau đủ để có thể ăn đời ở kiếp với nhau hay không mới là điều đáng quan tâm. Sá gì hình thức bề ngoài!! Cuộc sống ở bên Mỹ này, muốn to thì có to, rồi hai đứa về lo trả nợ gầy người, hạnh phúc đâu chẳng thấy chỉ thấy toàn lo với lo, chẳng có no gì cả. Bố của con không giống mấy ông bố háo danh khác mà!!!
Cảm ơn bố đã cho con hình hài này. Cảm ơn bố đã dậy con biết đạo làm con làm người. Cảm ơn bố đã thương yêu con bằng cả cuộc sống của bố. Cảm ơn!!! Giờ này, ngoài việc cảm ơn, con còn biết làm điều gì hơn. Con sẽ không vì sự ra đi của bố mà buông thả cuộc sống đáng qúy bố cho. Bố yên tâm và giữ mãi nụ cười tươi của bố. Hình ảnh bố đang ở bên cạnh con để nhắc nhớ con mỗi ngày. Con sẽ luôn là đứa con ngoan của bố - bố muôn đời yêu dấu của con.

TRẦN CHI LIÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,922,109
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.