Hôm nay,  

Ngày Vui - Nhớ Lại

29/06/200400:00:00(Xem: 149877)

Người viết: LƯU NGUYỄN
Bài số 571-1109 VB7260604

Tác giả Lưu Nguyễn, cư trú tại San Jose, đã được trao tặng giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, đề cập tới lớp trẻ vị thành niên vượt biên đường bộ 15 năm trước, với lời ghi chú “Thương tặng những “Minor” sống trong trại tị nạn Thái lan năm 1988-1989. Riêng tặng Hồng-Phúc Pharm.D”.
*

Nói theo sự biếng nhác học hành của tôi. Ngày mai là ngày tôi trả xong “nợ sách đèn”. Lẽ ra tôi phải ăn ngon ngủ kỹ. Vậy mà tôi cứ thao thức mãi.
Tôi nhớ lại sau ngày khổ nạn 30 tháng 4 năm 75. Gia đình tôi đã tham gia nhiều chuyến vượt biên. Không thành công. Tiền vàng cạn dần. Nỗi buồn tăng thêm. Gia đình tôi đành phải chấp nhận ở lại Việt Nam ăn bo bo,mì sợi,cùng toàn dân ngậm ngùi “xây dựng” Xã Hội Chủ Nghĩa.
Danh xưng Xã Hội Chủ Nghĩa thường được viết tắt là “XHCN” và người dân miền Nam đã mau chóng hiểu những chữ viết tắt đó có nghĩa là “Xếp Hàng Cả Ngày” rất phù hợp với cuộc sống “ưu việt”do CS miền Bắc đem vào, sau khi đã cưỡng chiếm được miền Nam. Lúc đó tôi còn bé nên rất thích XHCN. Nói đúng hơn là tôi thích được cử đi Xếp Hàng Cả Ngày để chờ mua gạo, khoai, mắm, muối, đường, bột ngọt, kim chỉ, than, củi .v.v …trăm thứ hầm bà làng theo tiêu chuẩn XHCN ban cho toàn dân “đang được” Tự Do-Ấm No- Hạnh Phúc sau khi “Mỹ cút Ngụy nhào” ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Khi nhận trách nhiệm XHCN “vĩ đại”. Tôi đã né tránh được những công việc mà chỉ sau 30-4-75 những đứa con nít như tôi mới biết “lao động vinh quang” như thế nào , khi phải tập tành nấu cám, quét dọn chuồng heo, lau nhà, xách nước v.v… phụ giúp, chia sẻ với bố mẹ đang ù tai, tối mắt “lao động-vinh quang” ngoài đường phố. Những “vinh quang” trong nhà phần tôi, chị và các em tôi được hưởng, trong khi tôi đứng XếpHàngCảNgày, chầu chực trước những cửa hàng quốc doanh. Hơn nữa, phải làm thân trai “sức dài vai rộng” mới có đủ khả năng mà chen lấn,xô đẩy,húc cùi chỏ lại với những đồng bào đang “Tự Do-Ấm No-Hạnh Phúc” khác. Sau đó còn phải mang vác về nhà vài chục ký khoai sùng, vài chục ký gạo mốc cho cả nhà hoặc vài chục ký rau muống bầm dập cho mấy con heo. Chị và các em tôi làm sao có thể cáng đáng nổi nhiệm vụ XHCN giỏi hơn tôi được chứ. Trong thời gian này, thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa cực kỳ vinh quang. Người người xếp hàng-Nhà nhà xếp hàng để chầu chực mua định mức “ấm-no”, được chen lấn, xô đẩy “tự-do” và vô cùng “hạnh phúc” khi cãi cọ nhau trong lúc xếp hàng. Bà con đã phải uất hận “đả đảo Thiệu Kỳ mua gì cũng có. Hoan hô bác Hồ chí Minh *mua mấy cái đinh: nộp đơn-xếp hàng* (Những chữ trong dấu **** bà con phải nghĩ thầm trong đầu). Quả thật, trong lịch sử “văn minh nhân loại” chỉ có Bác và Đảng CS mới biết xử dụng thì giờ và công sức của người dân một cách “trí tuệ” như vậy thôi.
Tuổi thơ chúng tôi được nhà trường XHCN đe nẹt, dạy dỗ, uốn nắn theo khuôn mẫu “cháu ngoan bác Hồ”. Nhưng thực tế trong “vinh quang” XếpHàngCảNgày đã khiến các cháu chùng chân mỏi gối và chán “Bác” lắm rồi. Hơn nữa những thùng quà của “bọn“ phản bội tổ quốc XHCN, vượt biên trốn ra nước ngoài gởi về cho thân nhân, đầy ắp mùi “đế quốc” mới thực sự đem lại cơm ngon, quần áo đẹp và những tiện nghi đời sống vật chất theo đúng nghĩa “Ấm No”. Còn “Tự Do-Hạnh Phúc” thì bọn “phản động” đành chịu. Không thể nào đóng thùng gởi về Việt Nam làm quà cho thân nhân được. Ai muốn có “Tự Do” thì phải tự mình đi kiếm lấy .
Mẹ tôi cũng đã nhiều lần rưng rưng nước mắt khi nhận được những thùng quà đầy ắp những “xa xí phẩm”do Bác Nhàn tôi gởi về từ đế quốc Mỹ. Những món hàng xa xỉ này, Bác và Đảng rất “tối kỵ” luôn chê bai và chửi ra rả hằng ngày trên “báo, đài.” . Các “ngài” không bao giờ “thèm đồ” của tư bản Mỹ -Ngụy đâu nhé. Mặc dù đã luôn nỏ mồm chửi Mỹ-Ngụy cho cả thế giới nghe. Thế nhưng. Ngay sau khi chiếm được miền Nam. Bọn CSVN lớn, bé ở Bắc phủ bộ đã hăm hở “tranh thủ” đi công tác vào miền Nam “vội vã vơ vét-vui vẻ vác về” nhà chúng những thứ “đồ thừa” của Mỹ-Ngụy. Đúng là một bọn “cực kỳ” gian manh và ngu xuẩn. Vừa chê “đồ” Mỹ-Ngụy hôi thối,vừa tranh nhau đớp.
Nói tóm lai, dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của Bác và Đảng. Cây cột đèn ở miền Nam nếu có chân, “Nó” cũng muốn “phản động” bỏ nước ra đi huống hồ là tôi. Tôi đã nài nỉ bố mẹ cho tôi đi vượt biên, mỗi khi có người đến rủ gia đình tôi tham gia. Nhưng lần nào cũng vậy, bố mẹ tôi đều gạt phắt đi và nói: “Đi cả nhà, mình không còn đủ tiền, vàng. Để con đi một mình thì bố mẹ không yên tâm vì con còn nhỏ quá. Làm sao con đương đầu nổi với những sóng gió hiểm nguy trên đường vượt biên, cũng như sống thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của gia đình.Thôi con đừng nghĩ đến nữa, ráng chờ tới ngày bác Nhàn bảo lãnh vậy.”
Thế rồi, bất ngờ Phường Đội (cơ quan phụ trách về an ninh, quân đội) đã đến nhà, đưa giấy gọi chị Hai tôi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự. Sở dĩ có chuyện này, vì các “ngài” ở Phường đội đã “trí tuệ” suy luận và quả quyết rằng: “chị Hai tôi là con trai”.Các ngài đã “nghiên kíu” kỹ lưỡng rồi và không hề tìm thấy chữ “thị”nào nằm trong họ và tên của chị Hai tôi cả. Nhờ vậy cả xóm tôi được dịp cười vui, khi biết chị Hai tôi có giấy gọi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự trong khi cả nước đã thống nhất, thanh bình.
Sự lầm lẫn này đã nhắc nhở bố mẹ tôi phải nghĩ đến “vận mệnh”sắp tới của thằng tôi. Đời tôi sẽ ra sao khi “được”gọi đăng ký nghĩa vụ quân sư nhỉ" Có cách nào giúp cho con mình không phải đứng trong hàng ngũ “Quân đội nhân dân”. Mang dép râu, đội mũ tai bèo" Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ bạc đầu. Bố mẹ tôi quyết định tìm lại đường cho tôi vượt biên. Hy vọng tương lai của tôi sẽ bình yên và sáng sủa hơn. Thôi thì cứ liều và hy vọng. Còn hơn là chờ đợi cái ngày tôi được “vinh dự” làm bộ đội cụ Hồ, hát hận ca: “Đôi dép râu dẫm nát đời con trẻ.Vành mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai.”
Lợi dụng thời gian nghỉ Tết, ngay trong đêm cuối cùng của năm 1987, tôi được gởi vượt biên cùng với gia đình người quen của bố mẹ tôi. Trên từng chặng đường vượt biên thiếu vắng cha mẹ, tôi rất lo sợ và hoang mang. Đã nhiều lần tôi muốn theo chân người dẫn đường trở về nhà, vì cuộc hành trình nhiều ngày bằng đường bộ rất nguy hiểm, nhiều gian nan và đói khát. Nhưng nghĩ tới thiên đàng XHCN. Tôi quyết tâm phải vượt tới. Tôi đã cầu nguyện thật nhiều, xin Thiên Chúa và Mẹ Maria giữ gìn, che chở tôi trong những lúc lâm nguy khốn khó.
Thế rồi, từng nhóm nhỏ “phản bội” Bác và Đảng đã lần lượt vượt qua được biên giới Việt Nam-Campuchia, chờ ngày xuống tàu vượt biển. “Tàu” đây chỉ là một chiếc ghe đánh cá nhỏ, chen chúc trên đó gần 50 mạng người . Trước khi đặt chân tới được trại tị nạn ở Thái Lan, ghe chúng tôi đã phải thủy táng một chị còn rất trẻ, đẹp .


Cuộc sống trong các trại tị nạn ở Thailan đã có tiếng là tệ hại nhất, so với các trại tị nạn ở các nước khác. Những đứa trẻ đi vượt biên một mình như tôi thật là khốn khổ trăm bề. Ngay đến những người “thân quen” được bố mẹ tôi trao tiền,vàng và gửi gấm tôi cho họ chăm sóc, họ cũng đã vì cuộc sống thiếu thốn trong trại tị nạn mà đối xử tệ với tôi. Họ dùng tiền,vàng của bố mẹ tôi để ban ơn bố thí và ra rả kể ơn kể nghĩa mỗi ngày với tôi để khỏa lấp sự phán xét của lương tâm. Sống chung với họ,hàng ngày tôi phải đi xách nước, nhặt củi, rửa chén bát và làm tất cả những việc vặt vãnh khác trong khi con họ đàn đúm rong chơi. Họ còn mắng nhiếc tôi là “công tử bột” chỉ biết ăn hại, không làm được tích sự gì cả. Biết bao đêm tôi đã phải khóc thầm khi nghĩ đến những ngày hạnh phúc sống bên bố mẹ,chị và các em. Nhiều lần tôi ước gì mình có thể mọc cánh, bay về nhà vui đùa với các em và phụ chị lau nhà, xách nước .
Để tránh làm đau lòng bố mẹ, tôi không bao giờ kể lại những điều tệ hại đã xảy ra cho tôi trong suốt thời gian tôi phải sống chung với gia đình người quen, trước khi tôi được chuyển vào trung tâm “Minor”. Mỗi khi viết thư về cho gia đình.Tôi chỉ kể tóm lược lại là tôi vẫn mạnh khỏe. Tôi đọc thư bố mẹ trong niềm vui và nước mắt. Tôi hứa luôn nhớ lời bố mẹ căn dặn: chăm học- chăm đi lễ-đọc kinh mỗi tối và sẽ áp dụng ngón võ “bảy chọ”(bỏ chạy) mỗi khi bị kẻ xấu khiêu khích gây sự.v.v.. .
Sau gần một năm chờ phỏng vấn thanh lọc lý lịch. Tôi được chuyển vào trung tâm “Minor” ở Panat Nikhom. Trung tâm này có khoảng hơn 300 đứa trẻ cũng được gởi đi vượt biên như tôi. Lớn nhất là 16 và bé nhất khoảng 8,9 tuổi. Tôi mới bước qua tuổi 14. Bố mẹ tôi luôn dạy bảo,nhắc nhở các con phải biết “trên kính dưới nhường” ở mọi nơi mọi lúc. Trong trại tị nạn, nhường những đứa nhỏ hơn tôi thì dễ rồi. Tôi coi chúng nó như những đứa em của tôi đang còn ở VN. Tôi thường chơi đùa, chia sẻ quà bánh với các em, chia sẻ nỗi thương nhớ gia đình và an ủi lẫn nhau. Còn đối với một số những đứa lớn xác, tuổi thật lớn hơn tuổi 16 trong giấy khai sinh vài tuổi, chúng thường cậy sức,tìm dịp trấn lột, hà hiếp những đứa bé hơn mình thì quả thật không thể “kính”chúng nó được.
Biết rõ hoàn cảnh dân tị nạn sống ở Thái Lan rất thiếu thốn cơ cực. Mỗi tháng bác Nhàn từ Mỹ gởi cho tôi 50 Dollars để mua giấy bút, tem thư, mua thêm đồ ăn thức uống và tiêu vặt. Ngoài ra bác Nguyễn Sinh Tố là bạn của bố tôi ở Canada cũng thỉnh thoảng gởi tiền cho tôi. Chị Kim Anh, con bác Mạch là bạn của mẹ tôi mới qua Úc định cư cũng gởi cho tôi 100 Úc kim. Bà cố Lý Sâm gởi cho 50 Dollars. Ông bà Tạ Đắc Cường ở Hayward cũng gởi cho 20 Dollars. Phải nói tôi là một “Minor”có nhiều thư và nhiều chi viện nhất trong trại tị nạn và đây cũng là một ‘tai họa” cho tôi.
Biết tôi có tiền, “người quen” và các “anh lớn” đã hỏi mượn mỗi lần 5, 10 Dollars. Dĩ nhiên là mượn mà chẳng bao giờ trả. Và tôi cũng chẳng dám đòi vì không muốn “các anh” đón tôi ở ngoài trung tâm “Minor” hỏi thăm sức khỏe. Tôi rất tức giận và tiếc số tiền mình đã bị trấn lột nhưng không thể nào né tránh được. “Các anh” này khi gặp lại tôi trên đất Mỹ. Có anh biết mình đã làm điều tầm bậy trong lúc túng thiếu ở trại tị nạn. Chạy đến vỗ vai tôi, nhắc lại chuyên cũ và xin bỏ qua. Có anh dấu mặt, lờ đi như chưa bao giờ hà hiếp,trấn lột tôi vậy.
Là một ‘Minor”.Tôi đã phải sống khắc khoải, chờ đợi gần 3 năm trong trại tị nạn mới được phái đoàn Mỹ gọi phỏng vấn, theo đơn bảo lãnh của bác Nhàn thông qua hội USCC. Để bảo lãnh được tôi, bác Nhàn phải hội đủ những điều kiện về tài chánh, nhà cửa với sự minh xác của hội USCC. Một trong những điều kiện cần nhất là bác tôi phải ra tòa án của Bexar County, Texas xin được làm người giám hộ (Guardian) với giấy ủy quyền của cha mẹ tôi đã được dịch ra tiếng Anh. Khi đã có được giấy làm giám hộ chính thức rồi, bác Nhàn phải đóng “bond” với số tiền là 10 ngàn đô-la, bác mới hội đủ điều kiện bảo lãnh tôi qua Mỹ theo diện di dân, không phải diện tị nạn như những người vượt biên khác. Ngay sau khi bác đã đóng đủ mười ngàn tiền “Bond”.Tòa án Bexar County tại San Antonio thuộc tiểu bang Texas cấp cho bác tôi “ Letters of Guardianship” xác nhận: Mr. Nhan Van Nguyen duty qualified as sush as the law requires (having been appointed by said court) as guardian of the person only of Tí Tai Tượng , Minor and that said appointment is in full force and effect.
Số tiền mười ngàn này, mãi tới năm 1992, khi gia đình tôi đã được bác bảo lãnh qua Mỹ. Bố mẹ tôi ký giấy nhận lại tôi, lúc đó bác mới lấy ra được 10 ngàn đã “ký quĩ” để “được”nuôi thằng cháu “Minor” yêu quí. Bác cho biết,nếu trong thời gian tôi đang ở với bác mà bác bị tố cáo là đã hành hạ, ngược đãi tôi (dù chỉ là một cái bợp tai nhắc nhở tôi học hành) thì Sở Xã Hội sẽ dùng 10 ngàn đó để giao cho người khác nuôi tôi. Quả thật ở Mỹ trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ vị thành niên nên người tử tế không phải là dễ dàng. Gia đình tôi thật may mắn, luôn có bác Nhàn hiện diện trong cuộc sống.
Đến Mỹ. Tuổi trẻ ham vui hơn ham học. Lại thấy bác tôi dù chỉ là một công nhân rất tầm thường mà bác vẫn sống khỏe và tiếp tục cưu mang bà con anh em còn ở Việt Nam. Nên sau khi cầm được mảnh bằng cử nhân khoa học trong taỵ. Tôi tự cho phép mình đã hoàn thành nghĩa vụ “đèn sách”. Khi bố mẹ tôi gợi ý, khuyên tôi tiếp tục học thêm về một chuyên ngành nào đó tôi đã lấy làm khó chịu, không hưởng ứng và hăm hở đi kiếm việc làm.
Thế rồi tình cờ trong dịp lễ Phục Sinh, tôi gặp lại “con nhỏ” cũng là cư dân trong trung tâm “Minor” ở Panat Nikhom ngày nào với tôi. Hồi đó “nó” sún răng, đen nhẻm đen nhèm, trông xấu ỉn. Vậy mà bây giờ “nó” thật đẹp, dễ thương vô cùng với chiếc áo dài VN mới lạ chứ. Trong niềm vui hạnh ngộ. Hai đứa tôi ríu rít “ôn cố tri tân”.”Nó” vẫn còn nhớ những kẹo, bánh tôi đã cho nó ăn mỗi khi nó khóc nhớ má . “Nó” cho biết đang chuẩn bị làm sinh viên chuyên ngành “nhổ răng không đau” ở UC San Francisco. “Nó” hỏi tôi đang làm gì" Tôi trả lời là “bí mật”. ”Nó”liếc xéo tôi và nói : À há, “bí mật” có đồng nghĩa với “làm biếng” không đó anh" Con nhỏ “sún” này bây giờ ghê gớm thật. Nó còn dám hỏi “mượn” tôi hai hàm răng để thực tập cách nhổ “răng không đau” nữa chứ .
Gặp lại “con nhỏ” tôi rất mừng, nhưng không vui. Vui gì nổi khi mà tôi vốn dĩ rất tâm đắc với câu “trầm tư bách kế bất như nhàn”. Vậy mà tôi đã phải rũ bỏ chân lý ấy để “đánh vật” với hàng đống bài học,bài làm,bài thi, bài thực tập thêm 4 năm đài đằng đẵng nữa. Chỉ vì sau khi gặp được “con nhỏ” rất siêng năng học hành đó. Mẹ tôi đã đem “Nó” ra làm tấm gương “tầy liếp” cho tôi soi theo mà bắt chước. Mẹ tôi nói: “Con có đủ điều kiện để tiếp tục việc học. Con hãy cố gắng học thêm vài năm nữa như “Nó” đấy. Đừng bỏ lỡ cơ hội con ạ.”.
Thời gian trôi qua. Ngày mai. Tôi biết chắc ngày mai, Mẹ tôi sẽ rất vui và sẽ không quên nhắc đến “Nó”, một điển hình “Minor” ở Panat Nikhom. Trong thao thức khi nghĩ đến ngày mai. Tôi cảm tạ Thiên Chúa - Biết ơn bố mẹ, gia đình bác Nhàn - Tri ân nước Mỹ - Cũng như mãi mãi nhớ đến tất cả những ân nhân đã an ủi, giúp đỡ tôi vật chất và tinh thần trong trại tị nạn Thailan những năm 1988-1990.

LƯU NGUYỄN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến