Hôm nay,  

Chuyện Người Vừa Tới Mỹ: Cạn Lòng

27/06/200400:00:00(Xem: 126107)
Người viết: DIÊN HỒNG, TRẦN LINH
Bài số 569-1107 VB4230604

Tác giả tên thật là Trần Quang Linh, 42 tuổi, vừa cùng gia đình định cư tại Little Saigon tháng Ba, 2004, hiện đang đi học. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông. Mong ông Linh sẽ tiếp tục viết thêm.
*

Chuyến bay BR 12T của hãng hàng không Đài Loan đi từ Taipei đến Los Angeles, từ từ đáp xuống sân bay lúc 14:00 ngày 20/3/04. Tôi cùng gia đình vội vã rời khỏi chiếc máy bay to lớn với những nỗi cảm xúc vui buồn lẫn lộn khó tả. Thế là chúng tôi đã giã từ Việt Nam và đặt chân đến nước Mỹ, kể từ đây…. Cứ như một giấc mơ mà người đang tỉnh lại lâng lâng lạ kỳ, trong khi đôi chân bước đi vẫn nằng nặng như còn gánh chịu trên đôi vai chiếc ba lô hành trang vô hình của quá khứ chưa kịp cởi bỏ. Nối đuôi theo đoàn người bước vào khu vực sân bay Los. Tôi khẽ hát nhỏ: “….chân đi nằng nặng hoang mang, tai nghe tịch lặng rơi nhanh, dưới khe im lìm…” lời nhạc của tình khúc “Ru đời đi nhé” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như vỗ về tâm tưởng của tôi!
Đa phần những hành khách đi trên chuyến bay này là người Việt xuất cảnh sang Mỹ để định cư theo các diện: ODP, HO, diện hôn thê…. Ngoài ra còn có những Việt kiều vừa về thăm quê hương, nay quay trở lại Mỹ. Còn lại là những vị khách du lịch người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…và có cả một vài người Mỹ lớn tuổi trầm tĩnh.
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh và thủ tục hải quan, chúng tôi những hành khách xuất cảnh sang Hoa Kỳ, như những cánh chim tuôn ra từ các hành lang khác nhau để rời sân bay Los Angeles. Dù hành lý chất ngổn ngang trên chiếc xe đẩy khá nặng và cồng kềnh, trời lạnh vẫn không ngăn nổi sự háo hức của tôi cùng vợ và hai con trong giây phút chuẩn bị gặp lại người thân trên đất Mỹ sau hơn 12 năm xa cách. Cha mẹ, hai em gái của tôi cùng gia đình của chúng và vài người anh chị họ đang vẫy tay chào mừng cả “nhà tôi” đến Mỹ an toàn và suông sẻ.
Trong khi ánh đèn máy ảnh vụt lóe sáng để ghi lại những hình ảnh đoàn tụ gia đình, tôi chợt nghĩ đến câu thành ngữ “cá nước chim trời” đã học hồi nhỏ, tôi tự mình suy diễn: được sống tự do như cá nước chim trời thì còn có điều gì sung sướng và thú vị hơn…. Cậu em rể của tôi vốn là người Lào đứng bên chắc nghĩ tôi đang vui nên cười. Xin cám ơn nước Mỹ đã tạo cho gia đình tôi (và biết bao gia đình khác nữa) cơ hội được hưởng không khí của “tự do”. Giữa một thế giới “vàng thau lẫn lộn” như ngày nay, việc làm đó của người Mỹ thật đáng trân trọng biết bao!
Những chiếc xe hơi hiệu Camry của gia đình nhanh chóng lăn bánh, đưa chúng tôi về hướng thành phố Westminster thuộc tiểu bang California, nơi có khu Little Saigon.
Người em gái ngồi cùng xe, chợt hỏi:
- Ngày đầu tiên đến Mỹ, anh cảm thấy ra sao"
- Sạch đẹp và lạnh. Tôi trả lời ngắn gọn.
Nhỏ em tôi cười và nói vội:
- Bây giờ là mùa xuân, cái lạnh đã bớt nhiều rồi anh ạ. Rồi Cali sẽ nóng lên rất nhiều….anh sẽ thấy sự đổi thay của thời tiết đến từng ngày.
Tôi đưa tay kéo cổ áo lên cao một chút như muốn làm cho người ấm thêm. Tôi chợt nhớ đến đêm trước khi vừa đến sân bay Đài Loan, trời đổ mưa và gió lạnh đến khiếp. Chiếc máy bay đi từ Saigon đến Taipei lòng vòng mãi trên không mới đáp được xuống sân bay. Ai nấy hai tai ù và tức đến nhức óc. Nghe nói lúc đó ở Đài Loan tình hình chính trị có biến động, có cả việc súng nổ….
Tôi nói bâng quơ:
-Ừ có lẽ ở đây hôm nay không lạnh bằng ở Đài Loan hôm qua…. Em gái tôi lại mỉm cười:
- Rồi anh và gia đình sẽ quen dần thôi, đừng lo ngại…thời tiết ở Cali là dễ chịu nhất đối với người Việt mình, còn ở những tiểu bang khác mới đáng lo….
- Cũng hy vọng là vậy! Để rồi xem… “Ai chưa đến Mỹ, chưa biết được mình” phải không em"
- Anh vẫn thói quen lý sự ngày nào! Em tôi phán một câu đầy quả quyết.
Chúng tôi về đến nhà lúc 17:00pm. Căn nhà này là của cha mẹ tôi nằm trên đường Bolsa, Westminster. Đó là một căn nhà dạng mobile home mà theo cha tôi giải thích đây là loại nhà lưu động có thể di chuyển đi nơi khác, còn hiện nay nó được đặt trên một khu đất thuộc chủ tư nhân, nghe nói hàng tháng phải trả tiền đất cho chủ khoảng $700. Căn nhà bằng gỗ màu trắng còn tốt, có 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ngủ lớn dài và 2 toilet. Chung quanh có nhà kho, nhà để máy giặt và máy sấy, trước nhà có khoảnh sân nhỏ trồng nhiều loại hoa, nhiều nhất là hoa hồng, một vài bụi xương rồng, đặc biệt hơn cả, mẹ tôi còn trồng cả một cây thanh long có giàn để cây leo bằng gỗ tạp…. Những căn nhà mobile home không hẹn đều có điểm chung là không có cửa trước nhà mà cửa ra vào đều đặt ở bên hông nhà có mái che rộng, nơi này thường cũng là nơi đậu xe hơi. Xe đậu cách cửa hông căn nhà có khi chỉ khoảng từ tám tấc đến một mét (nói theo đơn vị đo lường của Việt Nam).
Ở Mỹ vấn đề nhà cửa và bảo hiểm là nỗi lo của không ít người Việt. Những ai có được nhà house hay mobile home mới bớt lo toan về gánh nặng tiền nhà hàng tháng. Còn tiền bảo hiểm xe cũng khá cao, mức bảo hiểm thấp nhất là loại bảo hiểm một chiều đối với xe cũ và bằng lái mới cũng khoảng $700-$800/năm. Mẹ tôi nói: “Ở Mỹ này tiền ăn hàng tháng chẳng bao nhiêu nhưng tiền nhà, tiền bảo hiểm xe, tiền sửa xe, tiền xăng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại… như những vòi bạch tuộc bủa vây lấy mình….”. tôi chợt hiểu ra rằng, cái gì cũng có cái giá của nó. Kể cả sự “tự do” cũng vậy! Ở Mỹ nếu ta có thể “tự do ngôn luận” “tự do cư trú” “tự do tôn giáo” “tự do về thiên hướng chính trị” và những sự tự do khác mà nhiều người, nhiều nước mong ước nhưng ngược lại những luật lệ nơi đây cũng khá phức tạp.
*
Một buổi chiều khi ngồi ở trạm xe bus gần ngã tư đường Brookhurst và Westminster, chuẩn bị đón xe về nhà sau khi vào cửa hàng 99 cent gần đó, tôi chợt bắt gặp ông lão mù khoảng chừng trên 72 tuổi cũng đón xe buýt. Một ông lão Việt Nam với quần áo cũ rích và chiếc mũ màu đen bạc màu. Trông ông khá gầy nhưng khỏe. Ông bắt chuyện tự nhiên và nói vói tôi nhiều thứ….
- Chú em cũng đón xe bus à" Ông lão vui vẻ hỏi.
- Dạ, cháu đón xe buýt lúc 5:45 chiều.
- Tôi cũng vậy! Ông lão nói nhanh. Chú sang Mỹ lâu chưa"
- Dạ được chừng 10 ngày…. tôi nói nhỏ
Ông lão bỗng cười ha hả, rồi nói liền một hơi:
- Qua nói cho chú biết… ở bên Mỹ này không “sợ đói” đâu, đồ ăn rẻ rề… chỉ có những khoản nhà ở, bảo hiểm, việc làm mới đáng lo. Quan trọng nhất là việc làm. Mới sang không biết gì đi cắt chỉ cũng được, cắt cỏ cũng xong, hay làm trong chợ cũng sống được. Nhưng cái chính là phải biết học…. Aø, học đủ thứ…học Anh văn, học lái xe, học nghề, học college, học đại học…. Chỉ có học mới vươn lên được mà thôi. Ở Việt Nam xài luật rừng, còn ở bên Mỹ này là rừng luật, hãy nhớ điều đó, chú em à. Biết vậy mà cố gắng học cho rành rẽ mọi thứ để cho người Mỹ không xem thường người Việt mình.
Giây lát sau….
Một chiếc xe buýt trờ tới trạm, tôi vội vã lên xe, chỉ kịp nói với ông lão. “Cháu phải đi đây. Tạm biệt ông….”. Từ trên xe bus tôi thấy ông lão vẫn mấp máy môi, hình như ông vẫn còn đang nói nói với tôi. Có lẽ vậy, bởi ông bị mù và ông cũng hơi lãng tai, tôi đã đi rồi mà chắc ông cũng chưa hay" Chiếc xe bus bỗng thắng gấp, mọi người trên xe như muốn nhào tới, bật khỏi chỗ ngồi của mình. tôi giật mình trở về với hiện tại, nhìn quanh, những người trên xe đều xa lạ, người Mỹ, người Mễ không có ai người VN cả ngoài tôi. Những điều ông lão “chia xẻ” khi nãy thật quý báu làm sao. Tôi nhớ lại một câu danh ngôn phương Đông “nguyên nhân của cái sợ là sự không hiểu biết”. Phải chăng, ông lão đã chỉ cho mình cách “chống sợ”" Tôi tự hỏi. Bởi, không ít người Việt mới sang Mỹ sinh sống, luôn mang tư tưởng sợ đủ thứ: sợ vì không biết tiếng Anh, sợ vì không biết làm gì để sinh sống, sợ lái xe hơi, sợ vì không am hiểu luật pháp nước Mỹ, vv…


Làm sao hòa nhập vào xã hội Mỹ mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc và văn hóa của người Việt, thật là nan giải" Tôi là kẻ đến sau khá muộn màng, tuổi cũng không còn nhỏ (42 tuổi) trong khi đã có nhiều người Việt đến Mỹ sinh sống từ hơn 25 năm qua, cũng đã có không ít người có quốc tịch Mỹ, ai có thể chia sẻ với tôi và những người đến sau nữa những kinh nghiệm “hòa nhập” có giá trị hơn" Tôi thầm cảm ơn ông lão mù nhưng lại rất sáng suốt. Mà không hiểu sao, một ông già mù, lại đi trên đường phố Mỹ tấp nập những là xe hơi một mình khá rành rẽ, chẳng có ai dẫn đưa cả… lạ thật!

Trong một đất nước năng động như nước Mỹ, khuynh hướng thúc đẩy mọi người đi ra ngoài mưu sinh để tìm niềm vui và hạnh phúc là điều phổ biến. Người Việt tại Mỹ cũng không sống ngoài quy luật này. Chồng một chiếc xe hơi đi làm, vợ một chiếc xe hơi đi làm, con cái trưởng thành mỗi đứa một chiếc xe hơi đi học hay đi làm…. mỗi người phải bươn chải theo cách của riêng mình, cả tuần chưa chắc có một ngày gặp mặt nhau đầy đủ. Hình ảnh cuộc sống của gia đình cha mẹ và các em gái (đã có chồng con) của tôi là vậy. Cái gì sẽ liên kết với mọi người lại với nhau, sau những giờ học tập hay làm việc căng thẳng trên đất Mỹ"
Một vị linh mục tại một nhà thờ trong giáo phận Orange, đã khuyên: “Người Việt chúng ta hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, tràn đầy yêu thương….” (trong buổi lễ đầu tiên trên đất Mỹ, tôi đã được nghe lời khuyên này). Đây có phải là chìa khóa giải mã vấn đề chưa" Tôi tự hỏi và không dám trả lời bởi “đối với tôi mọi việc còn quá mới”, tôi chỉ cảm nhận được chứ chưa biết cách xử lý nào phù hợp nhất"
Cái nóng hơn 100 độ F của Cali những ngày qua như khẳng định sự đổi thay khí hậu bất thường mà em tôi đã nói, trong ngày đón gia đình tôi tại phi trường Los.
Ngày tiếp ngày….
Tôi được người nhà thay nhau đưa đi đến những cửa hàng, siêu thị, chợ… xa gần nơi tôi trú ngụ, để ‘cho biết”. Nó không khác những siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam lắm, xét về mặt hình thức. Còn về nội dung thì khác nhiều, từ loại hàng, nguồn hàng, giá cả…cho đến cung cách phục vụ, tính tiền…Sự văn minh, hiện đại và khoa học được thể hiện rõ nét.
Ấn tượng nhất là khi tôi đến một cửa tiệm bán hàng đồ sộ của Wal Mart. Nghe nói đây là một tập đoàn kinh doanh với những chuỗi siêu thị, cửa hàng phát triển mạnh mẽ trên toàn nước Mỹ và cả những nước Châu Âu lớn khác như Pháp, Đức… với con số thương vụ hơn 256 tỷ Mỹ kim hàng năm và số liệu thống kê hơn 20 triệu người đi mua sắm đồ các cửa hàng của Wal Mart. Tập đoàn này hẳn là một tập đoàn bán lẻ lớn nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất đến người tiêu dùng. Tôi rất ngạc nhiên khi đứa em gái đi cùng, nói “đây là tiệm có đủ thứ, khỏi cần đi chỗ thứ nhì” (one stop shop). Hàng ở đây buôn bán rẻ và ngày càng rẻ hơn. Còn cậu em rể tôi thì nói hóm hỉnh hơn “đây là nơi bán hàng cho người nghèo”.
Tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Người nghèo"
- Đúng thế, phần đông khách của Wal Mart hiện nay là những người di dân…. Bởi họ là những người ưa hàng rẻ tiền… mà “tiền nào của nấy” đồ rẻ dùng xong rồi đem bỏ không tiếc, không sót… lại phù hợp với tài chánh có giới hạn của dân nhập cư, người nghèo hay người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình…. Cô em gái tôi lại lý sự nghe thật “kinh điển”.
Tôi lại nghĩ khác, cửa hàng đầy ấp hàng các loại, xem ra rất đẹp và sang trọng lắm, người nghèo nào mua nổi đây" À, mà ở đất Mỹ này làm sao biết ai giàu ai nghèo nếu chỉ nhìn họ đi ngoài đường. Bởi tôi thấy, giàu cũng đi xe hơi, nghèo cũng đi xe hơi, người đi xe hơi cũ chưa chắc đã nghèo. Bằng chứng là có những tay chủ đất tại các khu mobile home gần nơi tôi cư ngụ, nghe nói giàu sụ, nhưng luôn đi chiếc xe hơi cũ mèm.
Cậu em rể tôi giải thích thêm:
- Nghèo, theo quan điểm của người Mỹ, có nghĩa là không có lợi tức hay có lợi tức quá thấp, phải đi vay mượn để sinh sống, bị lệ thuộc vào trợ cấp xã hội hay sống nhờ vào phiếu thực phẩm. Tiền ký thác trong các trương mục vãng lai, tiết kiệm không được quá $2000 nếu độc thân, $3000 nếu có vợ. Chiếc xe dùng để di chuyển không quá $4,500 theo thời giá ….
Tôi không rõ lời giải thích này chính xác không nhưng về mặt nào đó những hiểu biết này có một giá trị nhất định đối với những người mới sang Mỹ như tôi.
Trời đã xế chiều nhưng cái nóng vẫn còn hừng hực. Tôi nhìn qua kiếng xe bên hông, trong khi đứa em gái đang lái xe trên đường rời khỏi cửa hàng Wal Mart. Những chiếc xe hơi mới, cũ, đủ loại, đủ đời…. nối đuôi nhau hối hả trong trời chiều. Ở Việt Nam những buổi tan tầm như vậy, thường là lúc kết thúc một ngày làm việc vất vả, người ta thường nhanh chóng về nhà nghỉ ngơi hay đi nhậu lai rai cùng bạn bè. Còn ở đây, trên đất Mỹ chiều tối chưa hẳn kết thúc một ngày làm việc, nhất là đối với người Việt. Có người nhanh chóng lao đến một chỗ làm việc khác để làm thêm, có người phóng vội đến trường học vv… chưa kể nhiều người làm cho các hãng tranh thủ ở lại làm overtime.
Cậu em rể tôi nói tiếp một cách bình thản:
- Giờ làm việc tại các hãng bên này thường chia từng ca, mỗi hãng có mỗi quy định khác. Phổ biến nhất là những ca làm từ 6:00 sáng tới 1:45 trưa, và ca làm từ 2:00 trưa đến 11g45 đêm. Người này đi, người nọ chạy về, người nọ đi, người này lại chạy về. Cuộc sống vận động xoay vòng đến chóng mặt… nhìn vẻ mặt trầm ngâm của cậu em rể sau khi nói xong. Tôi không ngăn được cái chép môi thở dài, buông gọn câu:
- Ở đâu cũng phải làm, ở VN cũng vậy thôi! … “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Cô em gái tôi băn khoăn:
- Anh nhắc câu ca dao đó nghe sao khô rốc và nặng nề quá….
Rồi chẳng ai nói điều gì nữa, không khí im lặng chợt đến đột ngột. Có lẽ với chuỗi ngày bận rộn mưu sinh trên “đất khách quê người” ít ai có thời gian chựng lại nghĩ về bản thân mình chăng"
*
Trên đất Mỹ này, vẫn hiện hữu những cộng đồng dân tộc khác đến cư trú với bản sắc riêng đặc thù của mình, trong đó có người Việt chúng ta. Ngẫm những câu nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” “có thức đêm mới biết đêm dài”…. Chúng ta chắc hẳn không thể nào vì những vất vả tranh đua đời thường, mà đánh mất đi đạo lý làm người “sống yêu thương nhau” người VN chúng ta. Dân tộc ta vốn có truyền thống “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách”. Người Việt Nam luôn cỡi mở tấm lòng với nhau và với mọi người, dù đang sống ‘nơi đất khách quê người”.
Hãy “cạn lòng” với nhau theo nghĩa bóng tức “sống hết lòng” vì nhau, thay vì “cạn lòng” theo nghĩa đen thô kệch của nó “không còn gì với nhau nữa”. Tôi không rõ những suy nghĩ thô thiển của mình, khi sống chưa đầy 30 ngày tại Mỹ của tôi, có phù hợp không về mặt văn chương chữ nghĩa hay so với thực tế cuộc sống, nếu có thiếu xót thì thật đáng trách…. Song đối với tôi, khi nghĩ đến được điều sau cùng này tôi thấy mình tự tin hơn nhiều.
Những làn gió thoảng mang hơi lạnh từ xa đưa tới làm dịu cơn nóng nực của Cali có khác… tôi tự nhủ: cuộc đời khó mong sự “thập toàn thập mỹ” luôn tự vấn lương tâm mình để không phải hối tiếc về những việc mình đã làm. Tôi nhớ lại lời của một người bạn đồng hành trên chuyến bay đến Mỹ vừa qua, khi nói về việc đi định cư tại Mỹ. “thà đến trễ còn hơn không đến”. Vâng, tôi đồng ý với ý kiến này. Vì thế, cho dẫu có “lên thác xuống ghềnh” trong cuộc sống mới “làm lại từ đầu”, tôi sẵn sàng đương đầu với thử thách để vươn lên không ngừng. Trong khi ở đâu đó trong trái tim mình, hình ảnh quê hương Việt Nam sẽ vẫn luôn nhắc nhở tôi nhớ về “nguồn cội” của mình…..

Diên Hồng (Trần Linh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,082,491
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.