Hôm nay,  

Đoản Khúc Mẹ I: Cái Bàn Thờ

05/05/200400:00:00(Xem: 128350)
Người viết: DI DI
Bài số: 530-1068-vb2030504

Nhân mùa Lễ Mẹ đang tới, từ số này, giải thưởng Viết Về Nước Mỹ trân trọng giới thiệu loạt bài “5 Đoản Khúc Mẹ”. Di Di, tác giả chính của loạt bài này, cho biết bà tên thật là Nguyễn Đinh Thị Dĩ, 55 tuổi hiện cư ngụ tại San Diego. Nghề nghiệp: Làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà, và đang ước mong được làm bà nội. Đoản Khúc II trong loạt bài này được viết bởi cô Nguyễn Trung Ngọc Trân, 22 tuổi, sinh viên Đại Học Montreal Canada.

+

Quanh năm buôn bán ở men sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông...
Ngay trong lần đầu đọc bài thơ “Khen Vợ” của Trần Tế Xương là tôi nghĩ ngay đến mẹ tôi và có cảm tưởng như thể nhà thơ viết bài ấy cho riêng mẹ tôi vậy. Một phần nào công lao lặn lội nuôi chồng con của bà Trần Tế Xương cũng được ông chồng ca ngợi bằng một bài thơ tuyệt tác để lại cho đời. Còn mẹ tôi cũng chèo chống chiếc xuồng con buôn bán quanh năm để nuôi bầy con mười đứa và người chồng suốt đời bệnh hoạn. Nhưng cho đến nay chồng con bà vẫn chưa làm được một điều gì để đền đáp công ơn bà.
Mẹ tôi lâm trọng bệnh vào đúng Mùa Chay, là mùa người tin thờ Chúa chiêm nghiệm sự khổ nạn của Đức Kitô, để thống hối, sửa đổi những điều thiếu sót của mình hầu cải thiện lại đời sống cho mỗi ngày mỗi tốt đẹp thêm. Kể từ đó, Mùa Chay đối với riêng tôi còn là mùa tưởng nhớ mẹ.
Cuộc đời mẹ tôi trải dài những ba phần tư thế kỷ và tôi được làm con mẹ nơi trần thế hơn năm mươi năm. Để tưởng nhớ mẹ trong Mùa Chay năm nay, tôi cố gắng hoàn tất bốn đoản khúc, cộng thêm một đoản khúc của Nguyễn Trung Ngọc Trân, cháu gái tôi, để tạo thành một “Đoản Khúc Mẹ”. Tôi xem đây là năm nén hương, đốt lên để tưởng nhớ mẹ và cũng xin riêng tặng những ai không còn mẹ trên cõi đời.
*

- Alô! Dạ con đây Dì Ba ơi.
- Con tới phi trường San Diego rồi hả. Con lấy hành lý rồi ra ngoài đường đứng đợi, Dì Ba đi đón con ngay bây giờ.
Gác máy điện thoại lên, tôi rời nhà lấy xe chạy đi đón cháu. Từ sau biến cố “9-11”, các chuyến bay thường bị trễ nải, nên tôi đã dặn Ngọc Trân, từ Montreal qua thăm gia đình tôi là hãy gọi điện thoại cho tôi ngay sau khi xuống máy bay để tôi ra đón, hầu tránh phải ngồi chờ đợi lâu tại phi trường. Tuy tôi nôn nóng muốn nhìn xem cháu tôi được bao lớn, nhưng tôi không thể hối hả vì từ nhà đến phi trường chỉ mất hơn mười phút lái xe thôi, tôi cứ việc lái thật thoải mái, tà tà thì tới nơi là vừa vặn. Xe đến phi trường, tôi thấy một cô gái mặc chiếc áo khoác ngoài màu hồng, dáng người dong dỏng cao, tay kéo hành lý, mắt hướng nhìn ra đường. Tôi nhận ra ngay đó chính là Ngọc Trân. Bước ra khỏi xe tôi chạy lại ôm chầm lấy cháu. Lúc buông ra, tôi bảo cháu:
- Con đứng xa ra một chút để Dì Ba ngắm kỹ con xem thế nào"
Ngọc Trân nhí nhảnh đứng ẹo qua ẹo lại như một người mẫu cho tôi ngắm. Tôi thấy cháu tôi trổ mả trông đẹp hẳn ra. Vừa phụ Ngọc Trân xách va li bỏ vào cốp xe tôi vừa khen cháu:
- Lúc này trông con cao và đẹp dữ nghen. Có ai ngắm nghía con chưa"
Trân tươi cười trả lời:
- Có chứ Dì Ba, ba má con ngắm con mỗi ngày, ngắm rồi “nghía” con là con chó này con chó kia, chớ chưa bao giờ khen con giống như Dì Ba hết.
Thấy cháu vui tươi nhí nhảnh, nên tôi cũng nói giởn chơi với cháu:
- Vậy con muốn sang đây ở làm bình bông chưng trong nhà Dì Ba không"
Ngọc Trân vừa cười hi hí vừa nói:
- Về Canada con sẽ có cớ lên giá với ba má con.
Hai dì cháu vào trong xe, Ngọc Trân xoay sang hỏi tôi:
- Dượng Ba đi làm mấy giờ mới về vậy Dì Ba"
- Con lại quên rồi...
Ngọc Trân rụt cổ cười nói cướp lời tôi:
- Ý con quên, Dượng Ba có rày, biểu con kêu bằng Bác vì Dượng không thích làm “Vượn” tay dài.
- Sáng nay Bác Ba gọi điện thoại về báo, bác phải lên Los Angeles giải quyết gấp một số công việc cho hãng, nên chiều mai bác Ba mới về. Dì cháu mình có gần hai ngày ở nhà, tha hồ chuyện trò với nhau. Bây giờ cũng quá trưa rồi, Dì Ba đưa con ra tiệm ăn đỡ tô phở nhe.
Ngọc Trân lắc đầu quây quậy:
- Con không cần ăn phở đâu Dì Ba, con mới ăn trên máy bay, giờ vẫn còn no.
- Như vậy thì Dì Ba chạy thẳng về nhà luôn.
Đây là lần đầu Ngọc Trân sang Mỹ, cho nên suốt trên đoạn đường từ phi trường về nhà, Ngọc Trân đã “dũa” cái tủ đá Canada thậm tệ, rồi khen khí hậu San Diego rối rít. Ngọc Trân bảo, giờ này mặt đất Montreal vẫn phủ đầy tuyết giá, trong khi dân San Diego diện áo thun quần sọt đi đầy đường.
Vừa bước chân vào nhà, nhìn thấy cái bàn thờ có ảnh má tôi trên đó, Ngọc Trân liền hỏi:
- Dì Ba để con đốt nhang cho Ngoại cái đã.
Tôi gật đầu rồi giúp cháu mang va li vào phòng, Ngọc Trân thì đứng đốt nhang lên bàn thờ rồi lâm dâm khấn vái. Lúc tôi trở ra phòng khách. Cháu tôi lên tiếng hỏi:
- Ủa người theo đạo Công Giáo cũng được phép lập bàn thờ cúng ông bà luôn hả Dì Ba"
- Có chứ con. Ngày xưa bố mẹ bác Ba cũng tưởng người Công Giáo không được phép thờ cúng ông bà, cho nên gia đình Dì Ba gặp nhiều khó khăn cản trở lúc xin theo đạo. Nay thì ông bà đã hiểu rồi, nên gia đình êm ấm trở lại. Con thấy bàn thờ nhà Dì Ba ấm cúng không" Phía trên là tượng Thánh Gia có Đức Mẹ, ông Thánh Giuse bồng Chúa Hài Đồng. Phía dưới là ảnh ông bà Nội bác Ba, dưới nữa là ảnh Ngoại con. Để Dì Ba nói sơ cho con về ý nghĩa cái bàn thờ nghe. Bàn thờ là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của mỗi gia đình Việt Nam, nó cũng là cách biểu lộ lòng hiếu thảo của người còn sống đối với những người đã khuất trong gia tộc. Con mà để mất cái bàn thờ trong nhà thì đồng nghĩa là để mất cái gốc Việt Nam của mình đó nghe con.
- Mấy hôm trước con và mấy nhỏ bạn con bàn về vấn đề tôn giáo. Có đứa quan niệm, Phật, Chúa ở tại tâm. Cần chi phải đến chùa hay nhà thờ. Còn đối với tổ tiên ông bà đã khuất cũng vậy. Nếu có thương nhớ thì để trong lòng là đủ.
- Có phải ý bạn con muốn nói là kính yêu Phật, Chúa, Ông Bà thì cứ để trong lòng là đủ phải không"
- Dạ đúng! Mấy đứa nó “bình loạn” vậy đó Dì Ba.
- Mấy nhỏ bạn con có bồ bịch gì chưa con"
- Dạ, vài đứa có rồi Dì Ba.
- Con “khuyên” mấy người bạn đó. Đừng tìm đến thăm bồ làm gì cho mất công, đừng mua quà cho bồ làm gì cho mất tiền, đừng đưa bồ đi ăn uống làm gì cho mất eo...Vì thương yêu nhau cứ để trong lòng là đủ.
Ngẫm nghĩ một lát, Ngọc Trân nói:
- Yêu nhau, người ta tìm đến với nhau, thì ba cái vụ “để trong lòng là đủ” chỉ là ngụy biện, để biện minh cho những điều người ta không muốn làm mà thôi. Con thấy Dì Ba nói rất hay và rất đúng. Thuyết phục, thuyết phục...
- Không có chi, không có chi...Đó chỉ là những điều Dì Ba học hỏi được chứ không phải do Dì Ba nghĩ ra đâu.
Nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ. Tôi liền bảo cháu:
- Thôi, con vào tắm rửa rồi nằm nghỉ một chút, để Dì Ba đi lo cơm nước.
Ngọc Trân đứng lên vội vàng nói như sợ tôi đi mất:
- Để con tắm xong rồi ra phụ Dì Ba nấu cơm, Dì Ba ngồi chờ con một lát, con lấy cái này nhờ Dì Ba xem dùm con.
Tôi cứ ngỡ cháu không chịu nghe lời tôi căn dặn, vẫn khách sáo mua quà cáp. Nhưng lúc Ngọc Trân trở lại phòng khách, tôi chỉ thấy trên tay cháu cầm theo mấy tấm giấy xếp làm tư. Vẫn với giọng nói vui tươi nhí nhảnh, Ngọc Trân bảo:
- Con mới tới nhà Dì Ba thôi mà đã nhìn thấy được vài cái hay cái đẹp của San Diego rồi đó Dì Ba.
Tôi ngạc nhiên:
- Chưa đi khỏi nhà nửa bước thì làm sao con biết San Diego đẹp được"
Ngọc Trân nghiêm trang trả lời:
- Thưa Dì Ba! Cái đẹp trước tiên con thấy được khi bước vào nhà Dì Ba chính là cái bàn thờ. Hôm nay con đốt nhang vái Ngoại và cũng là lần đầu tiên con được vái Thánh Gia rồi cả ông bà Nội bác Ba nữa. Cái đẹp thứ hai là con hiểu được sự quan trọng của cái bàn thờ đối với người Việt Nam. Con sẽ ghi nhớ lời Dì Ba dạy, để con lập một bàn thờ trong lòng con bây giờ và sau này lập bàn thờ cho gia đình riêng của con nữa.
Tôi mỉm cười bảo cháu:
- Dì Ba không ngờ con lẻo mép, lại còn biết nịnh nữa...
Ngọc Trân ngắt lời tôi:
- Không đâu Dì Ba, con nói thật đó. Con mà không biết thờ cha kính mẹ thì Dì Ba cứ đánh đòn con đi. Giờ con có chuyện này muốn nhờ Dì Ba.
- Con muốn nhờ Dì Ba chuyện gì"
- Má con bảo hồi còn đi học Dì Ba viết văn hay lắm phải không"


- Má con kém Dì Ba đúng một con giáp, biết gì chuyện học hành của Dì mà nói. Hồi còn đi học Dì Ba làm luận văn được thôi, chứ không hay lắm đâu.
- Con đang tập làm “dzăng sĩ”, “Chiếc Bông Tai” là bài con viết đầu tiên, con viết để tưởng nhớ Ngoại. Con xin Dì Ba coi lại giùm con được không"
Tôi gật đầu:
- Được! Tưởng chuyện gì chứ chuyện sửa mấy bài viết ngắn thì Dì Ba dư sức. Đưa bài đây cho Dì Ba đọc trong lúc con vô phòng tắm rửa.
Ngọc Trân vừa đưa mấy tấm giấy cầm trên tay cho tôi vừa nói:
- Con cám ơn Dì Ba nhiều lắm. Tắm xong con sẽ ra nghe lời Dì Ba chỉ giáo.
Ngọc Trân đi rồi tôi ngả mình xuống chiếc sofa đọc xem cháu viết những gì về mẹ tôi.

+

Đoản Khúc II: Chiếc Bông Tai


Giọng nói Minh Vi rộn ràng nhí nhảnh vang lên:
- Ê Trân, tao muốn mua một đôi bông tai mới để đi ăn tiệc, tụi mình đi vào cửa hàng trang sức nha!
Minh Vi là đứa bạn “thân rất thân” của tôi. Nhỏ ngây thơ hồn nhiên, thích cười, thích nói. Thời gian đầu mới quen nhau, chúng tôi hay đùa giỡn, không hề biết lo lắng. Có lúc nhỏ hỏi đùa:
- Hai đứa mình đã 18 tuổi rồi mà sao còn như con nít, tao không biết đến khi nào mình mới cao lớn nổi.
- Cao vậy mà mày còn muốn cao hơn nữa sao! Mày mà cao hơn nữa thì chết tao, đâu còn đôi giầy nào cao gót đủ để giúp tao bù lại sự chênh lệch giữa hai đứa mình!
Rồi năm tháng trôi qua, nhỏ vẫn còn là một cô bé nghịch ngợm, yêu đời. Riêng tôi, tôi đã thay đổi, mà không biết mình đã thay đổi từ lúc nào. Chỉ biết có lần nhỏ bảo:
- Trân, sao tao thấy mày già hơn trước, bộ già thiệt rồi hả nhỏ" Mày xấu quá, không đợi chờ tao!
Tôi gật gù...Có lẽ đã đến lúc tôi không thể tránh né được những gì phải đến: Thời gian!
- Mày lẩm bẩm gì vậy Trân"
Minh Vi quan sát tôi như một “động vật” từ hành tinh khác đến, khiến tôi bật cười:
- Tao đang tập tụng kinh, muốn đổi nghề...đi tu!
- Xí, tao sẽ làm cho mày thay đổi ý định “thanh cao” đó.
Nói là làm, với đầy vẻ tự tin, nhỏ kéo tôi qua những gian hàng bán bông tai. Vừa kéo nhỏ vừa lên giọng:
- Con gái gì mà không biết đeo đồ trang sức, mày thiệt trông giống con trai quá. Có lỗ đeo bông tai lại không đeo, đồ khùng! Có tiền lại không chịu đi mua sắm, điên!
Tôi lắc đầu, mỉm cười nhìn nhỏ, thầm phục tài ăn nói và...chửi bới của nhỏ. Trong một hơi thôi, nhỏ đã châm chích tôi là giống con trai, đã khùng lại điên. Có lẽ tôi khùng và hơi điên thiệt, nhưng giống con trai thì tôi thiệt muốn gân cổ lên cãi với nhỏ. Người ta là con gái 100% chứ bộ. Đang mải suy nghĩ, bỗng Minh Vi ve vẩy trước mặt tôi một đôi bông tai.
- Cái này hợp với mày lắm!
Mắt nhỏ sáng rỡ. Tôi quan sát đôi bông tai
- Đep thật!
Nhỏ lấy một chiếc xỏ vào tai tôi.
- Ouch, đau quá!
Tôi rên rỉ.
- Lỗ tai của mày sao nhỏ vậy
Nhỏ bực dọc:
- Tao đút hoài mà nó chẳng chịu vô!
- Lấy ra, lấy ra, tao không đeo nữa!
Minh Vi lấy xuống nhưng không chịu thua. Nhỏ bắt đầu lục lọi gian hàng để tìm một cặp bông tai chấu thật nhỏ, xấu đẹp không thành vấn đề, nhỏ chỉ muốn biết xem có cặp nào xuyên qua được cái lỗ tai kim quá quách của tôi không. Tôi cười thầm cái tánh háo thắng của nhỏ vừa lướt mắt qua hàng bông tai. Bỗng tôi sực nhớ có một đôi bông tai mà tôi đeo rất vừa, đôi bông tai đó chỉ còn lại một chiếc, chiếc kia tôi đã đánh mất nó trong khi đi bơi lội. Phải rồi, chiếc bông tai của ngoại tôi. Ngoại...

Ngày đó tôi mới 12 tuổi. Một hôm lén má, tôi với nhỏ bạn hàng xóm đi xỏ bông tai. Tôi mang tâm trạng vừa vui vừa sợ lúc trở về nhà. Tôi lấm lét nhìn má, thật may bà không la rày, chỉ nhìn tôi lắc đầu cười bảo: :
- Sao con gái tôi điệu thế!
Vất vả, bận rộn lo cho cuộc sống hằng ngày, má tôi không còn thời gian để quan tâm tới các thứ khác. Sau hôm đó, tôi luôn bị trắc trở với những đôi bông tai. Cặp thì bị gãy, chiếc bị mất. Má tôi bảo: “Con hãy còn nhỏ, còn ham chơi, thì đừng đeo bông tai nữa”. Nghe lời má, tôi bỏ cặp bông tai đi. Lớn thêm chút nữa, thấy tụi bạn đứa nào cũng đeo bông tai làm tôi sốt cả ruột. Thế là một lần nữa, tôi đòi cho bằng được một cặp bông tai mới. Nhưng hỡi ôi, đôi bông tai mới má mua về đeo vào không được, vì quá lâu tôi không đeo bông tai, cho nên lỗ bông tai tôi đã gần như bít lại. Tôi vẫn kiên trì, mỗi lần đi học về, tôi lại lấy đôi bông tai mới ra ráng đẩy vào. Nhưng mọi khổ công đều vô ích. Đi xỏ tai lại thì tôi không muốn vì sợ đau. Đổi lại đôi mới thì tôi không thích những kiểu khác.
Rồi một ngày kia Ngoại tôi từ dưới quê lên. Ngoại là người tôi yêu thích nhất. Ngoại chơn chất, thật thà, suốt đời gắn bó với chiếc áo bà ba, cái quần đen, cái búi tóc sau ót, với ruộng đồng ở tận cùng đất nước, mũi Cà Mau. Ngoại chân tình cởi mở với tất cả mọi người. Ngoại là người mẹ dịu hiền, người vợ đảm đang, người bà dễ mến... Những ngày ấu thơ, tôi xem Ngoại như một bà tiên, còn tôi là cô bé lọ lem trong truyện cổ tích. Mọi giấc mơ của tôi, Ngoại đều biến cho chúng trở thành sự thực. Ngoại đến với tôi như một người bạn tốt. Ngoại răn dạy tôi không bằng roi vọt, mà bằng tình thương yêu chân thành.

Trở về với câu chuyện đôi bông tai. Tôi nhớ hôm ấy đi học về trời mưa nhẹ. Thời tiết ở Việt Nam ưa đỏng đảnh, khi nắng khi mưa không thể nào đoán trước. Trời vẫn còn nắng đó, nhưng những giọt mưa thì cứ rơi trong nắng nhẹ như khói như sương. Như thường lệ, đi học về tôi vào phòng đóng cửa lại và bắt đầu “cuộc chiến” với chiếc bông tai quái ác. Kỳ lạ thay, đôi bông tai đeo vào thật vừa vặn, tôi không còn bị đau như mọi khi. Mừng quá, tôi nhảy cẩng lên, chạy ra khoe cùng Ngoại và má. Má tôi nhìn tôi tủm tỉm cười rồi bảo:
- Mau cảm ơn Ngoại kìa.
Tôi không hiểu gì cả, nhưng vẫn quay đầu về phía Ngoại. Bấy giờ, tôi mới phát giác ra, mái tóc Ngoại hơi bị thấm nước. Từ trên trán, có vài giọt nước chảy dài xuống khuôn mặt phúc hậu, rồi đọng lại trên những vết chân chim, những vết khắc nghiệt ngã của thời gian. Tôi thỏ thẻ:
- Ngoại...
Tôi chưa kịp nói dứt lời thì Ngoại đưa tay lên vén tóc tôi sang một bên và quan sát đôi bông tai. Ngoại bảo: “Thấy con chịu đau như vậy Ngoại đau lòng lắm, nên Ngoại quyết định đem đôi bông tai đó ra tiệm vàng ngoài chợ để xin họ dũa lại nhỏ hơn, để con đeo cho vừa vặn. Ngoại đến tiệm nào cũng bị từ chối, họ bảo là không làm được vì sợ bị hư, họ khuyên Ngoại mua đôi bông tai khác. May thay, có một ông chủ tiệm thấy Ngoại đã lớn tuổi, phải bôn ba vất vả vì con cháu nên đồng ý thử dũa nhỏ lại đôi bông tai”. Trên đường về, chính cơn mưa ban nãy đã làm ướt Ngoại. Tôi ôm chầm lấy Ngoại, hít mạnh vào người cái hương vị đồng ruộng hình như lúc nào cũng phảng phất từ trên da thịt Ngoại, quyện cùng với hương vị của những giọt mưa còn vương đọng đâu đây...

Minh Vi tròn xoe mắt hỏi:
- Làm gì chết trân vậy"
Tôi trở về thực tại, thấy cần bước ra ngoài hít thở không khí. Tôi thỏ thẻ:
- Tao ra ngoài một chút.
Minh Vi ngúng ngẩy:
- Mày lại lẩm bẩm gì nữa đó"
Tôi không trả lời nhỏ, bước vội ra khỏi cửa hàng. Bên ngoài trời cũng bắt đầu lất phất mưa. Tôi đứng nép mình dưới mái hiên, nhìn những giọt mưa rơi xuống. Bất chợt tôi cảm thấy mình thật có lỗi với Ngoại. Ngày rời khỏi Việt Nam, tôi hứa với Ngoại là sẽ cố gắng học để trở thành một bác sĩ hầu chăm sóc sức khỏe cho Ngoại. sẽ ngoan ngoãn vâng lời ba má, phụng dưỡng ba má lúc tuổi già. Bây giờ nhìn lại, trong mấy năm sống xa quê hương, tôi đã quên những lời hứa đó. Đôi lúc tôi mải vui đùa mà quên đi mục đích của cuộc đời mình. Không có Ngoại bên cạnh, tôi cũng lãng quên ý nghĩa của từ ngữ “ngoan ngoãn và nghe lời”. Liệu tôi có làm được những gì tôi đã hứa không" Giờ đây Ngoại tôi đã rời xa tôi. Không phải là sự ngăn cách của nửa vòng trái đất, mà đó là sự ngăn cách vĩnh viễn. Cái tin Ngoại mất thật ngắn gọn nhưng sao nó lắng đọng mãi trong lòng tôi. Điều hứa thứ nhất cho riêng Ngoại giờ đã quá muộn màng. Còn hai lời hứa kia, tôi nhất định phải giữ. Tôi không thể thất hứa đối với người mà tôi yêu quý như vậy được. Mắt tôi cay xè, hai giọt nước bây giờ mới chịu rời khỏi đôi khóe mắt tôi.
Nếu Minh Vi có hỏi, tôi sẽ bảo có lẽ tại...những giọt mưa!

Nguyễn Trung Ngọc Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến