Hôm nay,  

Một Góc Đời Tỵ Nạn 2

01/05/200400:00:00(Xem: 167343)
Người viết: HẠO NHIÊN
Bài số: 527-1065-vb5290404

Tác giả Hạo Nhiên tên thật Nguyễn Tấn Ích, 61 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Với bài viết “Một góc đời tị nạn”,
ông là một trong những tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Sau đây là bài viết mới của ông, kể tiếp chuyện “một góc đới tị nạn”.

*

Để tránh ngón đòn đánh trả của bọn tội phạm, gia đình tôi lặng lẽ dọn đi trong đêm đến một căn nhà song lập cách khá xa khu apartment đã bị FBI bố ráp bắt trọn ổ trộm cướp có võ trang nằm ở tầng dưới.
Ngôi nhà có vườn sau, sân trước tương đối yên tĩnh, thoáng mát. Tiền phải đóng tháng đầu là 900 đô và tiền deposit 900 đô nữa, tổng cộng 1800 đô. Đối với một gia đình tị nạn còn chân ướt chân ráo mà phải xuất ra chừng ấy số tiền quả là một cú xốc nặng nề. Gom góp tất cả số tiền của cả nhà kiếm được vẫn chưa đủ. Vì vậy vợ tôi lại một lần nữa ôm chân bà chủ xe lunch mượn thêm 500 đô. Cũng vì số tiền nợ trước mượn mua xe và món nợ sau nầy mà nhà tôi phải chịu thân phận hẩm hiu học việc suốt thời gian dài nghề nấu ăn trên xe truck. Bà chủ xe giữ vai cook chính, nhưng lại thường giao cho vợ tôi đứng bếp với số lương phụ việc mỗi ngày bốn chục đô-la, bằng một nửa giá của thợ nấu chính.
Nhà chung vách với gia đình tôi là hai mẹ con người Mỹ trắng. Bà mẹ đã quá tuổi bảy mươi. Anh con trai tên John ngày đêm chăm sóc mẹ già. Nếp sống ấy đã khiến cho chúng tôi thán phục. Thông thường, cha mẹ già ở Mỹ, con cái gởi họ vào nhà dưỡng lão (nursing home). Rất hiếm người hiếu thảo như John. Từ chỗ thán phục đến cảm tình rất nhanh chóng. Lại biết được John là cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam và đã bị thương trong trận Quảng Trị, nên mối thân tình ngày thêm thắm thiết. Bà cụ được người con trai giới thiệu tôi là cựu sĩ quan miền Nam Việt Nam bị cộng sản Bắc Việt cầm tù chín năm, nên bà ta tỏ lòng thương hại. Bà cho con mang biếu chúng tôi bộ xoong nồi, tuy cũ nhưng đối với người đang thiếu thốn thì trở thành của quý. Bộ xô-pha trong garage, bà cũng kêu cho nốt. Gia đình tôi rất xúc động trước tấm lòng hào hiệp của họ.
Chẳng biết John thuộc giống dân nào mà có màu mắt xanh kỳ lạ, tóc râu màu nâu sậm tương phản với cái sóng mũi cong cong của người Do Thái cùng với màu da bạch chủng của chàng. Tình cảm riêng tư của John đã gởi trọn vào ánh mắt mang nỗi buồn xa xăm đó. Ngày chàng bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện, người vợ mới hứa hôn có đến thăm một lần rồi bỏ đi biền biệt. Mảnh hỏa tiễn của VC chém nát đáy quần xuyên từ phía sau tới trước khi John đang cúi khom người chui vào hầm tác chiến. Cái vết thương quái ác, vị hôn thê chỉ nhìn thấy bên ngoài là nghĩ đến tương lai của chàng mất chức năng làm chồng. Người Mỹ thực tế, John biết vậy đành ôm mối hận tình. Hiện tại chàng ta sống độc thân, đang hưởng tiền trợ cấp thương phế binh.
Biết được John thích món ăn Việt Nam, nên vào cuối tuần, nhà tôi khi thì nấu phở, khi cuốn chả giò mời anh bạn sang nhà ăn tối. Riêng bà cụ, thỉnh thoảng vợ tôi nấu món lẩu đồ biển mang qua nhà biếu. Sự thăm viếng qua lại trong những ngày lễ và cuối tuần đã tạo cho mối thân thiện của hai gia đình ngày thêm gắn bó.
*
Mười sáu năm sống trên quê hương đói nghèo, lại phải tảo tần nuôi con, thăm nuôi chồng trong tù, vợ tôi già trước tuổi. Ngày ra tù, tôi về đến nhà thấy bầy con đói cơm, đứa nào cũng còm cõi xanh xao khiến lòng tôi buồn vô hạn. Lại nhìn thấy vợ mặc chiếc quần đùi đen chắp vá để lộ đôi chân đầy gân xanh, bỗng dưng tim tôi nhói buốt. Cặp đùi đầy đặn, thon búp chắc nịch ngày xưa nay chỉ còn là lớp da bọc xương, thịt da bèo nhèo. Đây là kết quả của những năm tháng nhịn phần ăn cho con và nuôi chồng. Tôi ôm vợ vào lòng để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Tôi khóc vì ân hận. Tôi khóc vì giận mình đã vô tình vui hưởng đồ tiếp tế mà vợ tôi đã phải ăn cháo, xén bớt khẩu phần dành nuôi chồng. Ôi, nghĩa vợ tình chồng cao quý biết bao! Đêm đoàn tụ đầu tiên sau những năm dài xa cách, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Nước mắt của vui mừng cùng với nước mắt thương cảm chan hòa. Vợ tôi nắn từng chiếc xương sườn nổi cộm trên thân thể tôi trong nỗi xót xa nghẹn ngào. Nàng ôm chặt lấy tôi thì thầm trong trong nước mắt: "Ngày xưa em ôm anh một vòng tay không xuể, giờ đây anh hao gầy ngoài sức tưởng tượng của em".
Từ ngày qua Mỹ, vợ tôi trông đẫy đà và có phần trẻ ra. Khuôn mặt đầy đặn trở lại nên nụ cười của nàng càng nổi bật đôi má lúm đồng tiền tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Đôi má lúm đồng tiền ấy một thời đã làm cho tôi mê mệt với nụ cười rạng rỡ của cô nữ sinh lớp đệ nhị. Tôi trở thành cây si trồng trước cổng trường trong giờ tan học. Đến lúc cây si mọc được rễ trong tim nàng, thời gian kéo dài gần hai năm. Nàng về với tôi trong một ngày mưa tầm tã, mưa tối trời tối đất, nước lụt dâng lên hai bên quốc lộ. Xe rước dâu vừa kịp đưa họ đàng gái quay về thì nước tràn đồng ngập cả cầu cống.
Các bà các ông đi họ tuy bị ướt lạnh nhưng người nào cũng vui mừng cho tương lai cặp vợ chồng son trẻ nầy.
Cụ Cả bên họ đàng gái bảo:
- Đám cưới mà gặp trời mưa lụt thế nầy thật hiếm thấy. Bà con họ hàng có ướt át cực nhọc một chút nhưng vợ chồng chúng nó sẽ ăn nên làm ra, giàu có tiền muôn bạc ức. Bác Xã Tư bên họ đàng trai xen vào:
- Giờ rước dâu mà trên có nước, dưới có nước, nhất định là bọn nó sẽ sống với nhau một đời hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Cụ bà mẹ thầy giáo Toàn nhả miếng bã trầu vào chiếc ô đồng, lấy khăn tay lau hai khóe miệng dính nước trầu đỏ tươi rồi chậm rãi lên tiếng :
- Các bác các chị thấy đó, ngày cưới của chúng tôi vào năm Giáp Thìn, cũng mưa lụt thế nầy. Vậy mà chỉ mười lăm năm sau là vợ chồng tôi đã có đàn con mười đứa. Giờ chúng nó đã có gia thất. Đứa làm thầy, đứa công chức, đứa sĩ quan... có thua kém ai đâu.
Nghe những kinh nghiệm của các bậc tiền bối bàn về ngày cưới bị mưa lụt, vợ chồng tôi cũng thấy vui vui trong niềm hy vọng một tương lai sáng sủa. Nhờ vậy mà chúng tôi quên đi mệt nhọc trong lúc dọn dẹp bàn ghế ướt nhóp nhép khi bà con đã ra về.
Sự tiên đoán của các cụ về cơ trời không biết có linh nghiệm hay không. Nhưng đêm động phòng hoa chúc, bên ngoài trời mưa nặng hạt, trong phòng nệm ấm chăn êm nên đúng chín tháng mười ngày sau là vợ tôi cho ra đời một bé trai bụ bẫm. Rồi chỉ trong vòng sáu năm là nhà tôi sinh một mạch bốn nhóc. Nếu không vào tù, có lẽ vợ chồng tôi cũng theo kịp bầy con chục đứa của cụ bà mẹ thầy giáo Toàn.
Tiền muôn bạc ức đâu chẳng thấy, chỉ thấy sau ngày miền Nam rã gánh, vợ tôi chỉ còn trong tay số tiền lương đại úy bốn con và lương giáo viên của bà ấy cộng thêm két sữa quân tiếp vụ. Đấy là tài sản của cặp vợ chồng cưới nhau trong ngày ngập nước!
*
Tôi tâïp lái xe cho vợ vào cuối tuần. Sau nầy John tình nguyện dạy lái cho nàng mỗi khi tôi phải đi làm overtime trong ngày thứ Bảy. Ngoài ra, John còn chịu khó luyện giọng Anh ngữ cho bà ấy. Nhờ vậy mà nàng nói tiếng Mỹ khá chuẩn và lưu loát. Chỉ qua hai khóa học là nàng nhận được bằng tốt nghiệp lớp ESL và dự tính ghi tên vào trường college tiếp tục học lên. Tiếc thay, số tiền nợ đã giữ chân vợ tôi bên lò nấu của hãng xe Catering. Vả lại, ba đứa con lớn đều vào đại học, đứa nào cũng lấy trên mười hai units, còn thời giờ đâu để làm thêm giúp trả tiền nhà, tiền bill. Mộng vào đại học của vợ tôi dần dà bị lò nấu trên xe lunch nung khô héo.
Tuy nhà tôi đã lấy được bằng lái xe nhưng tôi vẫn phải tiếp tục chở nàng đi làm mỗi buổi sáng vì không tiền mua thêm xe. Trên đường về, tôi ghé tiệm Fast food mua một ít thức ăn dành cho bữa ăn trưa tại sở làm. Chiều lại, tôi đi thẳng đến trường đại học cộng đồng, ra lớp về nhà mới ăn cơm tối. Không hiểu vì lo lắng nhiều, làm việc quá sức hay ăn uống thất thường mà tôi bị đau dạ dày. Ban đầu, tôi không để ý đến những lúc bụng bị thường xuyên đầy hơi, tiếp theo là những cơn xót bụng kéo dài là triệu chứng dư chất chua trong bao tử. Mười bốn tiếng đồng hồ trong một ngày vùi đầu trong công việc và học hành nhiều lúc tôi quên đi, nhưng cơn đau râm ran cứ mỗi ngày mỗi nặng.
Buổi sáng vừa đến sở làm chợt bụngï tôi nổi lên từng cơn đau quặn thắt. Tôi bị ngất xỉu ngay trên bàn làm việc và được hãng gọi xe cấp cứu chở đến bệnh viện. "Bao tử bị loét khá nặng chảy máu bên trong." Bác sĩ điều trị cho biết như thế.
Tôi đang nằm dưỡng sức tại nhà, chợt điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, anh Trần muốn đến nhà thăm tôi. Trần là bạn cùng quê, cũng là thầy giáo cùng dạy với tôi tại trường Trung Học VH. Anh vào lính trước tôi và vượt biên sang Mỹ khá sớm. Anh có nghề chuyên môn mua nhà cũ sửa sang lại rồi bán hoặc cho thuê.
Trần đến nhà, khệ nệ trên tay một xách trái cây và hộp bánh ngọt làm quà biếu. Tuy lớn tuổi hơn tôi nhưng trông anh còn vạm vỡ, khỏe mạnh.
- Thế nào, bệnh tình thuyên giảm rồi chớ " Trần bắt tay tôi thân mật hỏi.
- Cũng may là bác sĩ phát giác sớm nên chận đứng kịp thời cơn xuất huyết trong bao tử. Tôi trả lời rồi mời Trần dùng nước. Anh nâng ly uống một ngụm, đột ngột cầm tay tôi vồn vã:
- Moa mới mua được một single-house tuy cũ nhưng còn tốt chán. Nhà ở khu downtown, an ninh mà lại gần trạm chữa lửa. Moa muốn dành ưu tiên cho gia đình toa thuê với giá đặc biệt.
Tôi tình thật trình bày :
- Ở căn nhà biệt lập cũng thích lắm đấy, tránh được những tiếng ào ào xả nước, hoặc nhạc xập xình của nhà chung vách, nhưng nghẹt nỗi tôi vừa dọn đến đây mới mười tháng, sau khi thoát được cái ổ cướp tầng dưới ở khu apartment của ông bác sĩ Việt Nam.
Bạn vỗ vỗ vai tôi trấn an:
- Có sao đâu, toa bỏ quách hai tháng cuối cùng, dọn đến nhà moa ở khỏi đóng tiền thế chân, bạn bè với nhau cả. Trần nhìn tôi nở nụ cười tươi rói . Nụ cười mà ngày xưa cũng có lắm nữ sinh xiêu lòng khi chàng ta vừa bước chân vào cửa lớp là đã đọc cả tràng thơ Xuân Diệu hoặc Huy Cận.
Đột ngột Trần hỏi:
- Toa mướn căn nhà nầy bao nhiêu"
- 900 đô một tháng và tiền deposit cũng 900.
Bạn tôi vừa tính nhẩm vừa phân tích:
- Nhà duplex 3 phòng ngủ, 1 phòng rưỡi tắm, mỗi tháng chín trăm, còn nhà moa là nhà biệt lập, có hàng rào sắt phía trước, có cây cổ thụ sau vườn thơ mộng lắm. Toa mà đến ở thì nguồn thơ của toa sẽ trào như mạch suối.
- Thế nhà anh mấy phòng, tôi tò mò hỏi.
- Ba phòng, một restroom.
Dù chưa thấy nhà nhưng nghe bạn tôi tả nhà có rào sắt an toàn lại ở gần trạm chữa lửa, còn thêm phần hấp dẫn là khỏi trả tiền deposit nên tôi cảm thấy xiêu lòng, hỏi:
- Thế anh dự tính cho thuê bao nhiêu một tháng"
- Theo giá thị trường hiện giờ ngôi nhà ba phòng đó phải một nghìn đồng. Nhưng đối với toa vì có mấy đứa cháu đã lớn, vừa siêng năng vừa biết bảo quản nên moa cho thuê bằng giá với căn nhà nầy.
Tôi hỏi lại :
- Có nghĩa là 900 đô mỗi tháng"
- Vâng, chín trăm, bạn tôi khẳng định, rồi đứng dậy bắt tay tôi nói thêm:
- Nếu toa đồng ý thì gọi moa ngày mai, nếu chậm trễ sẽ có người đến thuê trước đấy.
Tôi tiễn Trần ra cửa hẹn sẽ gọi điện thọai sau khi lấy ý kiến của vợ con.
Chiều về, trong bữa cơm tối, tôi đem chuyện Trần mời thuê nhà ra bàn. Lũ con tôi nghe mô tả căn nhà nằm trong khu đất riêng biệt lại có rào sắt, tiền thuê cũng không cao hơn nhà đang ở, khoái lắm. Chúng hối tôi gọi điện thoại trả lời đồng ý ngay. Vợ tôi điềm tĩnh bảo:
- Muốn mướn nhà phải đến tận nơi xem xét. Ba nó hẹn ông ấy ngày cuối tuần mình đến coi qua rồi quyết định sau.
Căn nhà đúng như lời chủ nhà mô tả, ba phòng ngủ, một phòng tắm. Nhưng cái phòng ngủ thứ ba sao nó hẹp một cách lạ thường chỉ đủ đặt chiếc giường đôi, lại không có tủ đựng áo quần. Bạn tôi giải thích loại nhà xưa họ xây dựng như thế. Căn nhà được thay thảm mới, nhưng vách và trần vẫn còn sơn cũ vàng ố nhiều nơi. Các cửa lưới đều bị rách, lại không có màn che ánh sáng. Một đống rác vun cao dưới gốc cây đại thụ nơi sân sau. Thấy chúng tôi lưỡng lự, Trần tươi cười bảo :
- Những thiếu sót đó ông bà đừng lo, tôi sẽ cho thợ đến bổ túc ngay. Còn màn cửa thì người thuê phải lo liệu lấy, đó là quy luật nhà thuê ở Mỹ. Để gọi là giữ chút tình với nhau, tôi bớt tiền thuê cho ông bà còn 850 đô với điều kiện phải dọn ngay vào đầu tháng tới. Sau nầy ông bà đủ tiền và thích căn nhà nầy tôi sẽ nhượng lại cho.


Chúng tôi muốn có một căn nhà ơ ûcố định lâu dài. Lũ con tôi thích căn nhà biệt lập, vợ tôi cũng muốn đi khỏi khu duplex bởi những ngày gần đây anh chàng John láng giềng chú tâm đến nàng quá đáng. Vì vậy chúng tôi đồng ý mướn căn nhà của bạn tôi.
Lại dọn nhà!
Đến đất Mỹ chưa tròn năm rưỡi mà gia đình tôi đã "mu" nhà đến bốn lần. Nhà của Trần là căn nhà thuê thứ tư. Công việc đầu tiên không kém phần cấp bách là phải mua vải may màn cửa để che bớt ánh sáng hắt vào phòng ngủ. Cuối tuần, chúng tôi đi dạo chợ trời mua vải, kéo, kim, chỉ. Về nhà, chồng cắt, vợ con may tay mất hai ngày mới xong mười bốn tấm màn cửa. Tuần sau, bạn tôi đến thăm nhà, nhìn nhữõng tấm màn sặc sỡ, anh khen vợ con tôi khéo tay, xứng đáng là con cháu cụ Đồ Chiểu.
Sáng chúa nhật, Trần đến gõ cửa thật sớm, trên tay bưng một hộp pizza cỡ lớn. Anh thúc hối các con tôi dậy ăn điểm tâm kẻo bánh nguội mất ngon. Bọn chúng nó nghe có pizza free là vùng dậy ngay.
Miếng bánh sau cùng vừa nuốt trôi khỏi cổ, bạn tôi đã khuân vào nhà một cuộn lưới nylon và một thùng sắt đựng đồ nghề nhờ con tôi tháo tất cả khung cửa lưới từ cửa sổ đến cửa ra vào, quét sạch bụi, tập trung vào một chỗ. Mở nắùp hộp đồ nghề, anh lấy ra một số dụng cụ rồi nói với thằng con lớn của tôi:
"Hôm nay bác chỉ cho cháu cách bỏ lưới vào khung cửa, hôm nào bác lãnh của khách hàng những cửa lưới như thế nầy mang về nhà cho cháu làm thêm kiếm tiền đổ xăng".
Không vì lời hứa mang việc làm đến nhà mà cha con tôi xăn tay áo thực tập "nghề bỏ lưới vào khung" mà vì mấy ngày qua lũ ruồi tha hồ bay vào nhà qua các cửa không lưới. Chúng bu vào thức ăn, đậu đen kịt trên vách, trên cửa gương.
Đến cuối ngày, tám cái cửa lưới đã đâu vào đấy. Bạn tôi quay trở lại, nhìn công trình của cha con tôi hoàn tất, anh xít xoa khen lấy khen đe : "Thằng con của toa thông minh thật, mới hướng dẫn lần đầu mà làm đẹp thế nầy, tương lai moa sẽ dìu dắt cháu theo nghề xây dựng".
Bẵng đi một thời gian, đến ngày đầu tháng bạn tôi đến lấy tiền thuê nhà. Hình như anh quên đống rác nằm ở vườn sau. Tôi nhắc, anh bảo: "Moa đã mướn người rồi mà họ hẹn tới hẹn lui mãi". Anh bước ra sau vườn đến gần đống rác, một con chuột thình lình phóng ra, đàn ruồi hoảng hốt bay vù, bạn tôi bịt mũi tất tả chạy ra sân trước rồi thân mật nói với tôi:
"Nầy, hay là moa đem xe lại đây, các cháu help mình xúc rác bỏ lên xe, moa sẽ trả tiền sòng phẳng cho các cháu bồi dưỡng".
Cha con tôi không vì số tiền bồi dưỡng mà vì cái đống rác bốc mùi, xông vào nhà khó chịu quá nên sẵn sàng chấp nhận. Nhìn lên tàn cây đại thụ, nhìn vào đống rác đầy cứt mèo thay vì nguồn thơ tuôn như mạch suối, (như bạn tôi ví von) nước giải trong miệng tuôn ra dầm dề của cơn nhợn mửa.
Cuối tuần bạn tôi đánh xe đến. Thùng sau chiếc xe truck có cơi thêm mấy tấm ván. Tôi và hai đứa con trai cởi trần, kẻ xúc người đổ lên xe trên một tiếng đồng hồ mới đầy . Bạn tôi lái xe, con lớn của tôi ngồi bên, hơn một giờ đồng hồ sau mới quay về. Cha con tôi lại tiếp tục xúc rác lên xe cho đến khi hốt sạch đống "nợ đời". Vài ngày sau Trần đến nhà trao cho con tôi một bì thơ, anh nói :
"Ba người làm mất hai giờ, vị chi là sáu tiếng. Một giờ 5 đô-la nhân cho sáu là 30 đô. Bác biếu thêm cho cháu 10 đô tổng cộng là 40 đô". Con tôi nhận tiền. Cũng may, bạn tôi là thầy giáo dạy văn chương chứ theo ngành kế toán thì còn tính chi li đến mức nào. Ngày trước tính tình anh ấy hay lửng lửng lơ lơ kiểu thi nhân cho nên giờ đây anh tính giờ cũng lửng lơ đại khái lấy chẵn số giờ đưa rác lên xe mà quên khuấy số giờ con tôi theo xe cào rác xuống. Thời gian cha con tôi ngồi đợi và cả hai mươi phút đồng hồ dôi ra của ba người làm việc cật lực bạn tôi cũng lơ đãng quên tính. Sau nầy tôi mới biết đống rác đó Trần đã kêu mấy người Mễ ra giá cả trăm đô chỉ xúc lên xe mà họ vẫn từ chối.
Tôi bỏ công một ngày quét dọn, giẫy cỏ sạch sẽ sân sau. Buổi chiều, thảnh thơi tôi ngồi trước hiên nhà nhìn xe cộ qua lại. Bỗng một thanh niên da đen mặc áo thun quần cụt từ phía sau cây đại thụ chạy vụt ra mặt tiền rồi phóng qua hàng rào sắt nhà tôi băng qua con đường đầy xe cộ. Một lát sau hai xe cảnh sát đến đậu trước nhà tôi. Một người bước ra khỏi xe hỏi:
- Tên da đen mới chạy vào nhà ông còn đó không"
- Không, tôi khẳng định rồi đưa tay chỉ về phía khu nhà thờ nói với ông cảnh sát:
- Hắn chạy về hướng đó.
Người cảnh sát vẫn chưa tin, ông ta mở cổng đi vào sau vườn nhà tôi lục lọi một hồi lâu mới bỏ đi. Tên nhảy qua rào thuộc nhóm băng đảng bán bạch phiến đã đâm trọng thương một tên trong nhóm khác nằm bên kia đường sau lưng dãy nhà tôi. Khu downtown đa phần là dân gốc Mễ đầy phức tạp. Thế mà bạn tôi hứa chắc nịch khu nầy rất an ninh lại gần trạm cứu hỏa. Sao xe chữa lửa không hụ còi bắt tên tội phạm chạy trốn nhỉ" Trần đã mượn trạm cứu hỏa để trấn an người tị nạn ngu ngơ dễ tin như chúng tôi chăng"
Hai phòng ngủ chính dành cho các con tôi có chỗ học hành. Vợ chồng tôi ở căn phòng nhỏ nơi đầu hồi. Mùa lạnh không có máy sưởi mà vách hình như không có lớp cách nhiệt nên khí lạnh tràn vào, đêm đắp hai lớp mền mà vẫn còn thấy lạnh. Tôi thắc mắc hỏi chủ nhà. Trần trả lời : "Kiểu nhà xưa thế đấy".
"Bạn tôi qua Mỹ đã mười mấy năm rồi kinh nghiệm đầy mình, vả lại, anh có giấy phép hành nghề xây cất nên nắm vững nguyên tắc xây nhà. Ngoài ra, giữa tôi và anh còn là tình đồng hương, tình bạn, tình đồng nghiệp và tình chiến hữu lẽ nào anh dối gạt mình". Tôi thầm nghĩ như thế.
Để tỏ thiện chí, anh bạn chở vợ chồng tôi đến hiệu chuyên bán đồ điện, hướng dẫn mua hiệu máy sưởi chứa dầu tránh khô mũi. Giá mỗi chiếc 60 đô-la, hết một ngày rưỡi tiền lương của vợ tôi nhưng cũng đành bấm bụng mang về.
Một hôm Thăng, người bạn làm chung sở ghé nhà thăm tôi. Thăng, nguyên là sĩ quan Hải quân qua Mỹ từ ngày 30 tháng 4/75. Thăng đi xem qua các phòng nhà tôi ở, rồi bảo:
- "Anh thuê căn nhà nầy 850 đô mỗi tháng đâu có rẻ. Nhà quá cũ, cỡ tám mươi tuổi. Nguyên thủy nhà nầy chỉ có hai bedroom và một bathroom, chủ mới mua biến cái patio thành phòng ngủ, cho nên không đủ tiêu chuẩn độ ấm cho mùa đông và độ mát cho mùa hè. Này, anh bảo với ông chủ nhà thay cái màn cửa bằng loại vải dày để ngăn bớt khí lạnh và bỏ vào cửa sổ loại blind (mành mành). Thăng đi dạo thêm một vòng nữa, quay lại bảo:
- "Anh là người thuê nhà mà dễ dãi quá, chẳng đòi hỏi gì cả. Nước sơn trên trần, trên vách đều quá cũ, nhiều chỗ bị ố. Ngay cả cái sink của nhà bếp nó cũng già theo với số tuổi của căn nhà mất hết lớp men trông loang lổ,. Máy xay thức ăn dưới bồn rửa chén cũng bị hỏng. Anh xem kìa, cái giàn tủ của nhà bếp, ngăn thì xệ cửa, ngăn thì tróc sơn. Còn cái ngăn nầy nữa làm sao chị để đồ, đáy tủ bị mục rồi. Nghe anh khoe thuê được ngôi nhà quá rẻ thật tình tôi không hiểu nổi, chủ nhà coi thường ngừơi thuê nhà quá đáng . Cái tủ lạnh đời cổ lổ sỉ nầy anh phải trả tiền điện ngất ngư với nó".
Thăng ngừng nói, đưa tay kéo một hộc thoại ra xem xét, rồi nhìn tôi hỏi:
- Nhà có chuột và gián không"
Tôi điềm nhiên trả lời:
- Những thứ đó thì không thiếu.
Thăng ngạc nhiên, trợn trừng mắt như có người ở hành tinh khác xuất hiện, hỏi gặng lại:
- Có chuột và gián ở trong nha"
Tôi không trả lời trực tiếp câu gặng hỏi của Thăng nhưng nhắc lại câu trả lời của anh Trần chủ nhà khi tôi báo cho anh ấy biết nhà có gián và chuột rất nhiều: - "Ồ, ở khu nầy nhà nào mà chẳng có chuột và gián".
Tiễn Thăng ra xe đi rồi, chợt lòng tôi chùng xuống khi nhớ lại câu "Chủ nhà coi thường người thuê nhà quá đáng" bỗng tâm hồn tôi nặng trĩu nỗi buồn. Những nhận xét của Thăng như một bài học cho tôi sáng mắt sáng lòng. Nhà sáu người mà chỉ có một phòng vệ sinh đã phải đợi chờ bực bội cho mỗi sáng sớm cả nhà thức dậy đi làm đi học. Căn duplex ba phòng ngủ, một phòng rưỡi tắm trước kia đúng tiêu chuẩn của loại nhà cho thuê, mọi vật dụng trong nhà đều ở tình trạng tốt, sạch sẽ và sáng sủa. Với giá thuê 900 đô đem so sánh với ngôi nhà của bạn tôi cũ kỹ rách nát thiếu cả những tiện nghi tối thiểu mà phải chịu 850 đô. Ngẫm nghĩ lại tôi thấy Thăng nhận xét đúng. Còn số tiền 900 đô-la deposit kia nữa tự dưng bị mất đi một cách oan uổng. Lỗi tại mình trăm bề. Tôi đã nông nổi nghe lời Trần hối thúc trả nhà trước thời hạn hợp đồng hai tháng và trước khi dọn nhà chỉ có một tuần lễ.
Ngày mồng một, bạn tôi đến lấy tiền thuê nhà tháng thứ tám. Nhân tiện tôi tâm sự với Trần những nhận xét của Thăng về căn nhà. Anh nghe xong không nói gì, vội vã ra đi. Hai tuần lễ sau đó, tôi nhận được một lá thư của Trần chuyển qua đường bưu điện. Trong thư, Trần thông báo cho tôi phải dọn nhà đi nơi khác trong vòng ba mươi ngày với lý do "Láng giềng phiền hà người thuê nhà gây ồn ào và ăn ở mất vệ sinh". Tôi thật sự bàng hoàng trước lý do nầy. Đàn con tôi đi học suốt cả ngày. Cuối tuần chúng nó vào thư viện hoặc nằm nhà đọc sách, chưa lần nào dẫn bạn bè về nhà chơi. Chúng tôi cũng chưa sắm nổi video. Chiếc TV là quà biếu của nhà thờ ngày mới tới. Bên trái và phải nhà tôi là hai gia đình gốc Spanish từ thời ông bà cụ thân sinh của họ. Người bên phải có phần hùn tàu đánh bắt cá, hàng tuần ông mang cá về biếu cho chúng tôi. Nhà kia có vườn trồng cây ở tận Gilroy, nên thỉnh thoảng họ mang trái cây về làm quà cho các con tôi. Ngược lại, nhà tôi làm những món ăn đặc sản biếu lại. Chúng tôi sống với nhau rất thân thiện trong tình hàng xóm láng giềng. Vợ tôi vô cùng tức giận khi thấy Trần nêu lý do đuổi nhà có tính cách vu khống. Anh đã cố tình hạ thấp tư cách của gia đình tôi, một gia đình tỵ nạn còn giữ mẩu mực truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Tôi và nhà tôi thay nhau gọi điện thoại mấy lần nhưng anh ấây không bắt phone. Chúngï tôi muốn nhắc lại lời hứa của Trần trong ngày đầu mướn nhà : "Ông bà muốn ở bao lâu cũng được, nếu thích căn nhà nầy, khi có tiền tôi sẽ nhượng lại cho".
Chúng tôi lại phải dò tìm danh sách nhà cho thuê trong báo. Cha con tôi xục xạo từ khu nầy qua khu khác chọn nhà nào có địa điểm vừa ý. Tôi gởi cái cheque của tháng thứ chín cũng là tháng thuê nhà cuối cùng bằng thư bảo đảm cho Trần.
Phận số sao mà long đong đến thế! Từ khi đặït chân trên đất Mỹ, chưa đầy hai mươi bảy tháng mà gia đình tôi đã phải dọn nhà đến năm lần.
Một tháng sau ngày giao nhà, tôi nhận được một tờ giấy liệt kê sửa chữa những hư hao trong nhà và thuê thợ giặt thảm tổng cộng số tiền lên đến 300 đô-la mà Trần yêu cầu tôi thanh toán. Anh ấy đã xúi tôi bỏ căn duplex đang sống yên ổn đến thuê gấp nhà anh để khỏi bỏ phí thời gian chờ đợi người đến mướn. Tôi mất đứt 900 đô tiền deposit bây giờ cộng thêm 300 đô nữa. Một ngàn hai trăm đô-la là số tiền mua một bài học nhớ đời.
*
Vợ tôi vẫn còn phục vụ trên xe bán thức ăn trưa. Hàng ngày, nàng lái chiếc xe Honda cũ kỹ đời '80 của Thăng để lại với giá tượng trưng 400 đô. Thông thường vào chiều thứ Sáu, nàng ghé chợ mua một ít thức ăn chuẩn bị cho ngày thứ Bảy, nhưng hôm nay lại về sớm. Khuôn mặt nàng có vẻ khác lạ, tôi vội hỏi:
- Đã xảy ra chuyện gì thế em"
Vợ tôi thì thầm: "Thằng John láng giềng cũ đến hãng đón em ngoài parking lot. Nó mời em đi ăn cơm tối. Em nói mầy phải mời cả chồng tao nữa chứ, nó trả lời không, tao yêu mầy"! Nàng thở hổn hển tiếp: "Anh à, bây giờ em mới nhớ thời gian anh chở em đi làm, có chiếc xe trắng luôn theo xe mình. Khi đến hãng, em lại thấy chiếc xe trắng đó đậu từ phía xa khi em xuống xe. Đó là xe của John mà mình vô tình không để ý. Chiều nay cặp mắt xanh của hắn nhìn em như mắt loài mèo phóng thần nhãn làm khiếp vía con mồi khiến em có linh cảm sẽ có chuyện không lành đến với em. Cái tên bệnh hoạn đó nó muốn gì anh nhỉ""
Sáng thứ hai đầu tuần, vợ tôi lái xe đi làm, tôi âm thầm chạy xe theo sau cách một đoạn khá xa. Không có chiếc xe trắng nào theo sau. Khi đèn xanh bật lên nơi ngã tư, tôi quẹo trái đường số Mười chợt trông thấy chiếc xe trắng đậu bên lề đường gần hãng IFCO. Tôi nhìn bảng số xe thì đúng là xe của John. Tấp xe vào lề đường bên kia, tôi chờ vợ tôi mở cửa xe đi vào hãng. Thấp thoáng bóng John ngồi trong xe, mắt dõi nhìn về hướng vợ tôi đi. Một khắc sau hắn nổ máy phóng xe về hướng cây cầu trước mặt.
Vợ tôi quyết định bỏ nghề cook xe lunch theo học một khóa chuyên viên ngành điện tử. Chín tháng sau, nàng trở thành thợ chuyên nghiệp của hãng IBM được hưởng đầy đủ quyền lợi của một công nhân ngành hi-tech.

Haọ Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,212
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.