Hôm nay,  

Cho Share Nhà Và Mối Tình Việt Mỹ

15/04/200400:00:00(Xem: 186447)
Người Viết: HỒ PHI
Bài số: 517-1054-vb2120404

Người viết 68 tuổi, cư dân Fountain Valley, Orange County, CA. Cựu giáo sư, cựu VGS. 12.4 D.A.O., Saigon. Thuyền nhân đến Mỹ tháng 10-1976. Cựu EW 2. DPSS., Los Angeles County. Ông là tác giả bài "Thình Lình Đui Mắt" một bài viết rất cẩn trọng, sâu sắc, đã được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Lão Quang phụ giáo ở một trung học thuộc khu học chánh (school district) gần nhà, là người nhũn nhặn chịu đựng, ai bảo gì, lão cũng thưa vâng cả. Nhưng từ khi các con lão có bằng cấp lớn và chuyên môn cao, lão đâm ra đổi tính, lấy lại sĩ khí cang cường, đúng là một thầy đồ Quảng. Có lẽ theo câu tục ngữ: “Con đỗ ông nghè, cha lấy lại le” (le=l’air=phong độ).
Cứ mỗi nửa niên khóa, lão thường nhận được một tờ thẩm định phục vụ (performance evaluation) tốt. Nhưng kỳ nầy nhận được một tờ, đọc qua, lão tức giận lấy bút đỏ viết vào hai chữ “bull shit” (kít bò) to tướng rồi đem trả lại cho hiệu trưởng và sau đó ông xin thôi ngay. Ông còn soạn sẵn một tờ cho hiệu trưởng ký chứng rằng lão nghỉ việc vì lý do trường hết nhu cầu.
Theo kinh nghiệm lúc trẻ, nghỉ chỗ nầy, thì lão kiếm được việc ở chỗ khác tốt hơn. Nhưng lần nầy khác: Lão quên thời gian đã biến lão ra ông già hết xài: quan không thuê, dân không mướn, con không dùng, vợ không sợ rồi. Bills và nợ nhà còn nhiều, chẳng lẻ để bank phát mãi, Quang áp dụng nguyên tắc: “có gì đánh nấy, tận dụng mọi nhân, tài, vật lực để sinh tồn”. Nên lão đem cái nhà ổ trống (empty nest) của lão ra cho seo (share). Căn nhà bốn phòng lão chế lại thành sáu phòng nhưng không tăng diện tích bên ngoài, đúng là tấc đất tấc vàng.
Nhà ở Huntington Beach gần biển, người Việt chê xa Little Saigon, nên không ai hỏi đến. Nhưng là khu tốt, Mỹ Mễ khá khá, có việc làm vững vàng, thì không ai muốn thuê phòng của một gã da vàng. Nên phần đông những người hỏi thuê đều là những người Mỹ, Mễ nghèo, lợi tức thấp, có vấn đề tâm thần, khó nói phải trái, và bị các chỗ khác từ chối, cùng đường phải đến chỗ lão. Nếu áp dụng đúng theo sách vở Mỹ dạy về quản trị nhà đất (Property Management) thì chẳng có ai có đủ tiêu chuẩn để cho vào nhà cả. Nên lão Quang phải mềm mại linh động, may nhờ rủi chịu, như chơi đen đỏ (roulette).
Việc cho seo (share) nầy cũng lắm rủi ro. Có khi gặp dân ba trợn, vào ở không trả tiền thuê, mà còn kéo bà con hoặc nhân tình tới ở, xài phá. Có kẻ còn khó dễ kiếm chuyện, như đã 10 giờ sáng, lão cắt cỏ, cũng bị cự sao không giữ yên lặng cho họ ngủ, sao không chờ họ vắng nhà hãy làm. Đã mấy lần lão phải tốn tiền mướn luật sư chuyên môn đuổi nhà, nạp lệ phí tòa án, mất hơn vài tháng mới đuổi chúng ra được. Tòa xử chúng phải thường cho lão mấy ngàn, nhưng lão có lấy được đồng nào đâu. Nhưng dù sao trong cái trò may rủi, mưu sinh thoát nợ nầy, cộng chung lại lão Quang cũng ăn nhiều hơn thua.
Cách đây hơn một năm có ông Thimas Nguyễn, tuổi ngoài sáu mươi, người hơi nhỏ thấp so với đàn ông Việt trung bình, đến hỏi thuê một phòng cho Diena, Mỹ trắng, 48 tuổi, to cao khoảng 250 lb. Không đi làm, nhưng cứ mỗi đầu tháng chính phủ đã chuyển tiền đến nhà bank cho cô xài.
Thimas khai mình đang làm kỹ sư cho hảng gần đó, thuê cho cô nầy trọ để đi học ở trường Santa Ana College. Lão Quang vui vẻ chấp thuận ngay, vì nghe Thimas, Việt Nam có việc làm tốt, đứng thương lượng cho Diena share phòng nên giảm bớt một ít tiền tháng.
Nghĩ nếu có chuyện trắc trở, lão Quang cũng dễ nói chuyện. Thêm nữa Diena không có xe hơi, cũng đở phiền cho lối xóm về việc đậu xe trước nhà. Cô lại còn đi học college nên khỏi có thì giờ ngồi lê đôi mách gây phiền phức trong nhà như mấy bà Mỹ lãnh tiền bịnh lắm chuyện, hết đề tài, hay đem lão Quang ra bới móc. Nghĩ ông Thimas bận việc làm, có chỗ ở riêng, chỉ đến thăm cô rồi đi, chứ không ở lâu trong nhà, khỏi tạo thêm đông đảo.
Trông Diena đẫy đà, lễ phép lịch sự, nhưng có tánh như con nít, lúc nào cũng khoe như trẻ con. Hôm nay làm bài được điểm A, mai khoe được B+, lúc thì khoe giảm được 5 lbs, lúc thì khoe mới chà bồn rửa mặt, hoặc lau chùi phòng tắm, hoặc đi bộ được mấy vòng trong xóm… Nàng lục lọi ăn uống lia chia cả ngày đêm, mà miệng vẫn nói chuyện diet, giảm cân, xem xét đồ ăn bao nhiêu calorie…
Mỗi lần muốn lấy nước dùng, cô phải chen đến cái sink ở bếp mới chịu. Cô nhứt định không lấy nước bất cứ ở vòi nào khác trong hay ngoài nhà, vì cô cho là các vòi đó không vệ sinh. Lão Quang cố giải thích bất cứ vòi nào trong nhà cũng cho ra một thứ nước có phẩm chất giống nhau vì cùng chung một ống chính dẫn vào. Diena không tin. Một cô Mỹ khác trọ ở trong nhà cũng giải thích như thế, mà cô vẫn không tin. Bảo cô gọi sở cung cấp nước ở city và đã được giải đáp rồi, cô cũng vẫn cứ không tin.
Lò nướng trong nhà, Quang đã gài vặn sẵn, bảo cô chỉ việc bật lên mà thôi, nhất định cô không chịu, rồi cô vặn lại lung tung tất cả. Dùng bếp thì cứ bày ra không dọn. Dùng cái gì như xà phòng rửa tay, hay toilet paper cô cũng dùng rất nhiều gây nghẹt cống. Mỗi ngày Diena tắm một hai lần, mỗi lần vài ba giờ, hết cả bình nước nóng 50 gallons, cô cũng chưa chịu thôi. Máy giặt, máy sấy, ông Quang để giấy hạn chế mỗi người mỗi tuần 2 máy đầy, nhưng cô cứ tha hồ, một vài cái áo cũng giặt, sấy rồi ủi, rất tốn điện nước, nhưng lão Quang vẫn làm lơ, không nói gì, vì có mấy người cùng trọ, con béo kéo con gầy, tuy cô dùng nhiều, nhưng có người dùng ít, bù qua sớt lại thì cũng chịu đựng được.
Diena thường ra phòng khách bật TV ngồi xem nhiều giờ, làm trở ngại cho Quang. Quang phải ra chợ trời mua một TV khác về đưa cho cô để trong phòng riêng mà xem.
Làm nghề nầy Quang lại mềm nhũn trở lại, mất cả sĩ khí, và lần nầy lão phải sửa lại nhan đề vở kịch của Goldsmith thành ra: “He (She) Stoops To Conquer”, (Chàng Cúi Mình Để Chiến Thắng). Chứ cứng cõi không được, vì dễ bị phản ứng và phá phách.
Lúc mới cho mướn phòng, lão Quang nghĩ là Thimas và Diena chỉ là chỗ quen biết nhau, nên mướn phòng dùm, sau mới biết đó là một cặp nhân tình Việt Mỹ, khăng khít, thân mật, và dịu dàng. Trưa chiều Thimas thường tới, chở cô đi ăn quán, mỗi chiều Thimas đến nắm tay dắt nhau đi bộ thể dục, lòng vòng trong xóm nhà, trông rất tình tứ yêu đương, rồi sau đó Thimas mới về nhà riêng của ông nói là ở Anaheim. Có lẽ phải về đúng giờ cơm tối với gia đình. Thimas không bao giờ đến hoặc ở lại một giờ nào vào ban đêm hay cuối tuần.
Diena thường giới thiệu với mọi người rằng Thimas Nguyễn là vị hôn phu (fiancé) của nàng. Nàng khoe rằng Thimas sẽ cưới nàng, mua nhà khu tốt cho nàng ở. Có hôm nàng khoe rằng Thimas đã mua cho nàng chiếc nhẫn kim cương giá US$3000. để đính hôn, nhưng Thimas để lộn đâu đó, chưa tìm ra để trao cho nàng. Ông Quang nghĩ thương hại cô, vì cô quá tin và hy vọng ảo. Diena tâm sự với các cô Mỹ khác ở share, là cô rất yêu Thimas, và tôn phong cho Thimas là cựu giáo sư đại học, nói Thimas đã dạy kèm và chỉ cho nàng làm bài tập (homework), và dạy nàng toán đại số nên nàng thường được điểm cao. Có lần được hỏi sao gần tuần rồi không thấy Thimas đến, Diena nói là vì Thimas phải bay đi dự lễ tốt nghiệp bác sĩ của con gái chàng.
Diena rất hảnh diện về Thimas, và rằng Thima bảo nàng, là chàng đã ly dị với vợ VN xong, chờ kết hôn với nàng. Lão Quang cảm thấy thương hại cho Diena, khi nhớ đến chuyện đã hai mươi năm trước, cũng một ông bạn Vietnam lúc nào cũng nói với cô bồ Mỹ là đang chờ thủ tục ly dị xong để cưới cô. Chờ mãi đã gần 10 năm mà thủ tục chưa xong, cuối cùng cô phải rút lui khỏi anh chàng nầy. Nay lại thấy một ông VN khác cũng tuồng tích giống nhau.
Diena có vẻ hiền lành, đầu óc hơi trẻ con, nhưng hơi bướng bỉnh, đầy định kiến, thiếu suy luận thông thường (common sense), nghĩ vậy là vậy, khó ai nói cho nàng nghe và đổi ý. Sự suy nghĩ nhiều khi lẩm cẩm nhưng cứng ngắc, và nhất là có tính xài quá phung phí điện nước và các thứ dùng hằng ngày, như thường xài quá nhiều giấy làm nghẹt ống cống. Tuy thế nhưng lão Nam cũng vẫn chịu đựng, vì lão đã từng chịu đựng nhiều người còn rắc rối khó chịu hơn. Nghề nào cũng có khó khăn và phiền phức của nó, cho nên Mỹ chính cống có nhà trống, cũng không dám cho người lạ vào thuê phòng là vậy.
Tị nạn qua Mỹ nầy, lão Quang rất kính phục những người Vietnam trên mọi lãnh vực: như lớp trẻ sang đây đã nêu lên được những thành tích xuất sắc về học vấn, đã tốt nghiệp đại học, cao học, đảm đang những công việc chuyên môn cao cấp ở mọi ngành, từ Không gian Vũ trụ (NASA), Y khoa, Luật khoa, Hàng không, Hỏa tiển, Điện toán, Vũ khí, Văn chương. Người thì tay không mà trở thành đại thương gia làm chủ nhiều siêu thị. Mấy bà làm chủ nhiều tiệm tóc tay (beauty parlors), nhà, xe đắt giá, giàu sang.
Nhìn qua thì thế, nhưng xét lại thì thấy mấy vị tài ba nầy khi trở nên giàu sang, xe cộ đắt giá xênh xang, nhà cửa to lớn, thêm xài lớn, tốn nhiều tài nguyên và nhiên liệu của thế giới, tạo góp thêm bất quân bình mậu dịch cho nước Mỹ. Làm nghề chuyên môn thì khai thác khách hàng tối đa, gặp ai trả tiền mặt thì chặt đẹp, hoặc hẹn giờ, bắt ngồi chờ đông cho xôm tụ, muốn làm ít mà thâu tiền nhiều để rồi phung phí, có khi hại nhiều hơn giúp. Còn nhiều vị thì hào nhoáng nhưng tư cách nhỏ nhen, nhiều trò ma giáo. Nhiều vị khoa bảng lớn lao, chuyên nói chuyện yêu nước thương dân, nhưng lại quan liêu ích kỷ hết cỡ, chỉ lo riêng tư, nói viết đều hay, nhưng chẳng đến đâu. Cái hay, cái giỏi của họ bị cái dở triệt tiêu thành cũng như không. Giỏi thì kiếm tiền nhiều, xài phí nhiều, chứ có giúp ai được cái gì mà khâm phục họ. Nên ông Quang coi thiên hạ như cá mè một lứa. Ông Quang không còn biết phục ai nữa, nên xoay qua kính phục cái lão Thimas Nguyễn chơi trống bỏi nầy.


Xưa nay, nước Việt mình vua quan chậm tiến, mới nở mũi đã muốn làm quan, lo túi mình nhiều, lo việc nước ít, nên bị Tàu, Tây, và ngoại quốc vào xâm lăng cai trị, hoặc giật dây, lũng đoạn mọi thứ. Rồi gần đây chiến tranh, đấu tố, tàn khốc hơn 30 năm bom đạn chém giết, làm cho dân chúng nghèo khổ. 90% đàn ông nếu không tử trận thì thương phế, hoặc nghèo hèn, tù đày, xang bang, xất bất. Kẻ nào còn sống sót thì vật chất, tinh thần, trí tuệ, phần lớn đều thua kém đàn ông xứ người. Đàn ông VN còn bị các bà chê là nhà quê, thiếu lịch sự, không biết mời mọc, nịnh bà (gallant), mà còn đầu óc tại gia quan cách thua xa đàn ông ngoại quốc.
Các đồng chí thì khoe thắng Tây, đuổi Mỹ, cho mình là đỉnh cao trí tuệ loài người, tài khôn nhất nhân loại, khiến cả thế giới chậm tiến và dân thất học khâm phục. Họ lấy công của nhân dân làm giàu, mà quên đi nỗi nhục, trong việc bao năm cai trị đã làm cho dân nghèo thêm lầm than cùng cực, khiến phụ nữ phải gả bán sang ngoại quốc: Tàu, Hàn và Taiwan v.v. đàn ông phải đi làm lao nô, tôi đòi khắp thế giới với lương bỗng rẻ mạt mà còn bị chúng đánh đập, thiệt là sỉ nhục cho cả một giống giòng Vietnam.
Chuyện vừa nêu, đối với lão đồ Quang, một người biết chút sĩ khí và tự ái dân tộc, nghĩ đó là một điều quốc nhục, thiệt là hạ thấp sĩ diện dân tộc. Nay thấy Thimas Nguyễn đem (dùi) chuông nhỏ sang đánh trống lớn xứ người, làm cho người đàn bà to lớn của một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới phải say mê, đảo điên chới với. Nói theo ngôn ngữ bình dân Thimas là một anh hùng của thế hệ già, mà vẫn còn cố lật ngược được vị thế. Chứng tỏ đàn ông VN cũng vẫn có người còn tiềm năng ngon lành, và có chí quyết phục thù...”
Vả lại từ khi có vụ án vườn cam năm 1981, có vẻ kỳ thị và răn đe, đàn ông Việt đã thấy sợ đàn bà con gái Mỹ, họ thường là các con quan Biện Lý. Rủi mấy cô ấy đổi ý thưa gởi thì rắc rối, mấy ông làm sao đối đáp được. Nay thấy Thimas Nguyễn chơi trội, dám đem dùi đánh vang chuông xứ người, ông Quang rất hả dạ và tâm phục vô cùng.
Xưa nhà nho Nguyễn Du kém sức khỏe, đa bệnh, không thể khôi phục được nhà Lê mà phải ra làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng lòng còn ấm ức vì tài lực bất tòng tâm, nên mới mượn nhân vật Từ Hãi mà vẽ ra hết những nét hào hùng, chọc trời khuấy nước cho sướng bút, để cho bao người đương thời và hậu thế đọc đến đoạn thơ nầy còn thấy phấn khởi và nổi máu anh hùng. Nhưng đọc thơ xưa, không bằng chính mắt thấy việc hiện tại. Nay lão Quang đã về chiều, trăm chuyện kể như quá khứ, mà lại còn thấy một ông Việtnam nhỏ con, cũng lão niên suýt soát bằng mình, mà còn can cường lo việc nhà, việc sở, lại còn chịu chơi, biến một cô Mỹ chính gốc làm phòng nhì, phòng ba tại cái xứ cấm đa thê nầy, nên được coi như một anh hùng trả thù dân tộc. "Quốc thù cố báo đầu tiên bạch". Kể cũng như Liêm Pha xưa 82 tuổi vẫn còn cỡi ngựa xông trận. Nên lão Quang phục ông Thimas Nguyễn nầy sát đất nghĩ cũng là phải lắm.
Trong thời gian ở đây, Diena tâm sự với hai cô cùng share nhà rằng nàng có bà mẹ già, có anh em, có cậu con trai và thỉnh thoảng có vài đứa cháu nội đến thăm. Nhưng nói cả nhà không ai thích cô. Chắc chồng cô đã ly dị từ lâu, hay cô chỉ là môt bà mẹ chẳng bao giờ có chồng. Nên nàng phải thương ông Thimas Nguyễn nầy lắm, nhưng ông nầy bây giờ lại có yêu một cô Mỹ trẻ khác nữa, mà nàng cản không được, thành ra đôi lúc nàng khóc. Nhưng chuyện chưa đến nỗi trầm trọng, vì thường giờ trưa hay chiều Thimas vẫn thường đến thăm, dẫn nàng đi bộ, hay chở đi ăn.
Được Thimas thăm đều, Diena trông rất tươi vui. Diena cũng thích ra phòng khách nói chuyện với mọi người trong nhà. Nhưng Lão Quang nhận xét thấy Diena khôn ngoan, bướng bỉnh, nhưng thiếu bình thường, nên khinh thường, không thích nói chuyện gì với nàng.
Ở đây được gần năm, Thimas tìm được chỗ share phòng của một bà Mễ già có con làm luật sư, gần trường Santa Ana, để Diena ở đi học cho gần, khỏi tốn thì giờ đi bus. Lão Quang vui mừng khi được Diena báo sẽ dọn đi nơi khác, và nghĩ Diena thế nào đến đó cũng bị bà già Mễ giũa cho biết điều, và biết xài các tiện nghi phải chăng hơn.
Nàng dọn đi Santa Ana đã hơn nửa năm, Thimas lại điện thoại cho lão Quang, hỏi chỗ để Diana dọn trở lại. Sẵn phòng còn trống, Quang bằng lòng, vì nghĩ rằng lần trước, nàng chỉ quá xài phí điện nước và máy giặt sấy, nhưng nghĩ cũng chẳng tốn thêm là bao, thôi tăng thêm ít chục và cho Diena dọn trở lại. Té ra nàng đã bị đuổi nhà và đang ở motel, lão Quang lại nghĩ nàng đã gặp thêm nhiều khó khăn, nên sẽ biết cư xử phải chăng hơn.
Nhưng lần nầy, Quang thấy Thimas ít khi đến thăm nàng. Thimas cũng không cùng nàng giắt tay nhau đi dạo trong block vào mỗi buổi chiều như trước. Thỉnh thoảng ngồi ở phòng phía trước nhà, Quang nghe những tiếng la hét không biết từ đâu, sau mấy lần mới biết đó là tiếng la hét của Diena.
Diena đã mấy lần dùng giấy lau tay và giấy báo bỏ vào bồn cầu, làm nghẹt cầu và bồn tắm, nước tràn ra khắp nhà. Nàng còn la hét và xáp gần đe dọa cô Mỹ nhỏ share phòng đối diện. Cô nầy lo sợ phải kêu cảnh sát. Khi cảnh sát đến gõ cửa phòng, thì Diena không chịu mở. Police yêu cầu lão Quang mở cửa phòng cho cảnh sát vào xem xét và nói chuyện với Diena. Nàng đứng chắn cửa, nói tỉnh bơ và khôn ngoan cáo buộc những người trong nhà hành hạ nàng, và tố ông Quang có lỗi vì đã tăng tiền nhà, mà không cho nàng ra phía trước, chứ nàng không làm gì cả, tuy rằng nàng đã cố tình phá hoại làm nghẹt hệ thống thoát nước nhiều lần và đỗ thừa cho người khác, police cũng không can thiệp gì được.
Có một bà truyền đạo hay đến rủ nàng đi nhà thờ. Đi được một vài lần thì nàng không đi nữa. Bà nầy thấy nàng điên nặng, nên gọi sở trông coi về bịnh tâm thần. Nơi đây đưa 2 cán sự xã hội nghiệm bệnh (Clinical Social Worker) đã đến thẩm định ba lần. Nàng nói lung tung và lúc nào cũng tố cáo những người trong nhà đều âm mưu hành hạ nàng. Nàng nói dòn dã liên tục như radio, nêu đủ lý do để biện minh cho mình. Social Workers cứ để nàng ở như vây, vì nàng chưa đến tiêu chuẩn để bị đưa vào bịnh viện tâm thần.
Suốt ngày đêm, lúc nào Diena thức, thì nàng nói lảm nhảm, khi nhỏ, khi to như hát nhạc “rap”, khi thì nàng la hét hoặc cười lớn. Nàng đóng cửa không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai cả. Chỉ khi social worker hay police đến bắt nàng mở cửa phòng thì nàng đứng giữa cửa nói lung lung kết tội người nầy người khác. Nàng vào buồng tắm, vặn nước ào ào cả đôi ba giờ, hết bình nước nóng nàng mới ra. Rồi nàng lấy giấy lau tay hay giấy báo nhét vào bồn cầu thêm, rồi lấy plunger bôm thụt vào làm cho giấy chạy vào ống thoát nước, nhiều miếng kết vào nhau làm cho ống cống nghẹt, nước phân dội ngược qua bồn tắm, rồi nàng giựt thêm nước, khiến nước cống tràn ra cả nhà, thấm vào thảm rất nhớp. Chỉ chưa đầy một tháng mà ba bốn lần như vậy, lão Quang phải gọi thợ (router) đem máy đến khoan, khai thông, cả hơn trăm dollars mỗi lần.
Lão Quang chỉ ra thư báo (notice) cho Diena phải dọn đi trong vòng 30 ngày, chứ không giải quyết gì gấp được cả. Mấy người share nhà sợ hãi, mất ngủ, không giúp gì mà cứ mè nheo trách lão Quang. Nên lão nổi cáu bảo chuyện nầy không phải lỗi lão, trước kia cô ấy tốt, bây giờ Thimas bỏ, cô ấy phát điên, lão đâu biết được. Ai ở được thì ở, không ở được thì dọn đi, lão sẽ trả tiền lại. Bây giờ mấy người share phòng lần lượt đã dọn đi hết, lão Quang cũng không buồn gọi sửa chửa nữa, lão chỉ ráng chờ ngày Thimas đến đưa nàng đi nơi khác, rồi mới dọn dẹp nhà cửa và khai thông lại ống cống.
Mỗi lần không yên như vậy, lão Quang gọi cell phone Thimas để than phiền. Thimas cố tránh, cúp bỏ cell phone luôn. Hằng ngày lão Quang phải chờ đến giờ hành chánh mới gọi Thimas ở sở làm, phone nầy Thimas không cúp được. Lão Quang vừa mềm mỏng năn nỉ, khuyên Thimas phải đến thăm nàng chở nàng đi ăn chơi cho nàng hết điên, để rủi nàng tự tử hay giết người thì phiền lắm.
Có lẽ Thimas đã mở mặt trận khác, rút lui mặt trận nầy, lão Quang bảo Thimas nếu muốn rút lui thì phải từ từ có kế hoạch (phase out) như Gia Cát rút lui ở Kỳ Sơn. Chứ rút lui cái rụp gây điên đảo tan vỡ như các các tướng VN rút lui khỏi Pleiku thì tanh bành, hại cả đám. Quang cũng ra thời hạn cuối cùng cho Thimas là đầu tháng phải đến đưa nàng đi nơi khác, nếu không Quang phải buộc lòng tìm đến sở làm và nhà của Thimas, để nói hết sự thật cho tất cả mọi người cùng biết là Thimas đã hứa hẹn nhiều với Diena, làm cho Diena quá tin tưởng và hy vọng hão rồi chơi trò họ Sở, nay Thimas phụ nàng chạy theo dụ dỗ được cô Mỹ khác trẻ hơn, bỏ Diena, khiến nàng quá tuyệt vọng sinh ra điên loạn, la lối, phá phách lung tung. Quang cũng bảo cho Thimas biết dù đã cúp cell phone, dù không cho địa chỉ nhà và sở, người ta cũng tìm đến tận gốc ở đâu, và than phiền là cùng VN với nhau, sao gắp lửa bỏ vào tay nhau như vậy.
Thấy không yên với lão Quang, Thimas đành phải lo giải quyết.
Sáng thứ bảy, đầu tháng Tư, Thimas đem xe đến giúp Diena dọn ra khỏi nhà lão Quang, một phần vì Diena đã cố tình hay điên dại làm cho nghẹt cống, không ai ở được, nhưng trước khi dọn, Thimas còn thấu cáy đòi Quang phải trả lại $200 deposit trước, nếu không thì Thimas sẽ không dọn. Trong khi căn nhà của Quang, nước cống, phân tràn đầy hôi hám.
Không thể chịu thêm một giờ nào nữa, lão Quang phải thua cuộc, chịu trả lại deposit trước.
Sau khi Diena ra khỏi nhà, lão Quang mới kêu thợ đến thông cống và bỏ cả ngày lau dọn căn nhà trống rỗng. Chuyến nầy Quang đã tốn nhiều mà chẳng thâu gì, thua lớn mà còn trải qua một cơn ác mộng dài cả tháng trường.
Đứng trong căn nhà không người, vừa được lau ráo, vẫn còn hôi, lão Quang lẩm bẩm một mình: “Xui gặp hai đứa Mỹ Việt cochon, chó chết. Tháng nầy đại hao!”./.
HỒ PHI

Ý kiến bạn đọc
01/10/201822:08:53
Khách
cũng vì ông tham , đã tốngđược nó đi rồi , nghe bà chủ người Mễ đuổi nó ra , ông ham tiền tăng lên thêm rồi cho nó mướn lại .....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến