Hôm nay,  

Quê Hương

10/04/200400:00:00(Xem: 283206)
Người viết: SAPY NGUYỄN VĂN HƯỞNG
Bài số: 513-1050-vb470404

Tác giả Sapy Nguyễn Văn Hưởng 56 tuổi, định cư tại San Diego, đã được trao tặng giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết "Hoa Ve Chai". Ông cũng là tác giả bài “Giọt Nước Mắt” một bút ký về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, cũng đã được đề cử vào giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2003. Sau đây là bài viết mới của ông, truyện một người Việt tại Hoa Kỳ tìm lại tình tự quê hương thời thơ ấu.
*

“Quê hương là chùm khế ngọt
cho con trèo hái mỗi ngày
...Quê hương mỗi người chỉ một
như là chỉ một mẹ thôi...”
Trước đây Huy những tưởng mấy vần thơ trên là do các văn công trong nước soạn thơ viết nhạc, hầu khơi dậy lòng thương nhớ quê hương đất nước của người Việt Hải Ngoại, với mục đích chiêu dụ họ về nước. May nhờ một ông bạn chỉ bảo, Huy mới biết, mấy vần thơ êm ái ấy chính là tâm trạng thương nhớ quê nhà của nhà thơ trẻ Đỗ Trung Quân, viết trong thời gian tác giả đi làm “Thanh Niên Xung Phong” thay vì bị bắt đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Cam Bốt. Riêng cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, người phổ bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” thành bản nhạc “Quê Hương”, ông từng bị giới cầm quyền trong nước xem là gốc “Ngụy”. Vì thế bản nhạc lúc đầu bị cấm, bị coi là chống đi chiến đấu ở Cam Bốt. Sau khi chiến tranh với Miên kết thúc, bản nhạc Quê Hương mới được phép phổ biến và được nhiều người ưa thích mãi đến hôm nay.
Mỗi lần nghe các ca sĩ hát hay ngồi ngân nga một mình bản nhạc Quê Hương, Huy thường để hồn hòa theo từng lời thơ tiếng nhạc, rồi lắng nghe tình tự quê hương tuôn chảy trong lòng, mặc dù những hình ảnh Quê Hương trong lòng Huy có hơi khác với lời thơ, ý nhạc.
Quê Hương của Đỗ Trung Quân có chùm khế ngọt. Còn riêng Huy, chỉ mới nghe đến chữ khế thôi, đã cảm thấy ê răng ngay rồi. Trong đời, chưa bao giờ Huy ăn hết một trái khế, đừng nói chi đến ăn cả chùm. Theo Huy, khế là thứ trái cây không được nhiều người ưa thích, được xếp hạng thấp hơn cả me, chùm ruột... giá cả thì rẻ mạt, nên ít người trồng. Mấy năm đầu sống tha hương, trái cây miền nhiệt đới chưa được bày bán nhiều trong các siêu thị. Huy thèm đủ thứ, nào sầu riêng, măng cụt, nào nhãn, nào mít, rồi đến chôm chôm... Nhưng khế thì Huy chưa bao giờ thèm.
Đến câu “Quê hương mỗi người chỉ một”, thì hoàn toàn không đúng cả với Huy lẫn Ngọc, bởi cả hai vợ chồng đều có hơn một Quê Hương trong lòng, mà Quê Hương nào vợ chồng Huy cũng thương cũng nhớ.
Huy là con cái trong một gia đình “từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy”. Nên những ngày còn bé Huy thường bị bạn bè chọc ghẹo là mang nền “văn minh rau muống” ngoài Bắc vào làm băng hoại nền “văn minh giá sống” trong Nam, rồi hè nhau châm biếm: “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn rau muống luộc bỏ thầy bỏ bu”.
Vào Nam, bố mẹ Huy chọn Mỹ Tho làm Quê Hương thứ hai. Nên những ngày sống trong quân ngũ xa gia đình, mỗi khi nghĩ về Quê Hương là Huy nhớ ngay đến Mỹ Tho. Dường như Mỹ Tho có rất ít chùm khế ngọt, nhưng có đủ loại trái cây thơm ngon khác như xoài, ổi, vú sữa, mãng cầu... Và nổi tiếng nhất phải kể đến mận. Mận Trung Lương vỏ đỏ tươi nhưng thanh nhã, màu đỏ ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí Huy được.
Còn với Ngọc vợ Huy, quê mãi tận Cà Mau, được mẹ cha cho đi “Mỹ” du học, bị xứ “Mỹ” cuốn hút tâm hồn nên Mỹ Tho cũng trở thành Quê Hương thứ hai của Ngọc.
Mặc dù chỉ sống ở Mỹ Tho vài năm, nhưng kỷ niệm với Quê Hương này thì Huy có nhiều lắm. Huy là cựu học sinh trường Nam Tiểu Học Mỹ Tho vào cuối thập niên 50. Hầu hết học trò trường công lập thời ấy chỉ cần học đủ điểm trung bình là được miễn thi văn bằng Tiểu Học. Riêng Huy, học giỏi đến nỗi phải vác giấy bút đi thi, nhờ vậy mà Huy sớm được hưởng cái sung sướng của người thi đỗ.
Đậu văn bằng Tiểu học xong, hơn tháng sau đến kỳ thi tuyển học sinh vào lớp Đệ Thất trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Đây là cuộc thi mà Huy xem là quan trọng nhất trong đời học sinh của mình. Nếu thi đỗ, cha mẹ khỏi phải lo tiền học phí cho Huy suốt bảy năm Trung học. Học phí hàng tháng, là một số tiền rất lớn đối với học trò con nhà nghèo như Huy. Ngoài vấn đề tiền bạc ra, Huy còn được vinh dự theo học một trong những ngôi trường công lập nổi tiếng nhất miền Nam.
Hôm đi thi, Huy thật sung sướng được ngồi trong lớp học khang trang của ngôi trường mình mơ ước. Đến lúc nộp bài thi cuối cùng xong, Huy biết ngay mình không còn cơ hội trở lại ngôi trường này nữa. Sức học của Huy quá yếu kém, làm sao tranh đua nổi với bạn bè đồng trang lứa. Ngày công bố kết quả, mẹ giục Huy đi xem bảng. Huy buồn lắm, nhưng phải làm theo lời mẹ. May thay, vừa bước ra cửa thì bố Huy dắt xe đạp vào nhà, bố nhìn Huy bằng đôi mắt buồn rồi nói trong nỗi thất vọng chán chường: “Bố mới đi xem bảng rồi, không có tên con!”. Huy chẳng ngạc nhiên vì mình thi rớt, Huy chỉ buồn vì từ nay việc học của mình sẽ là gánh nặng cho bố mẹ.
Nhưng đời mấy ai học được chữ ngờ! Đến năm 1966, lúc Huy đang theo học lớp Đệ nhất A (ban Vạn Vật) ban đêm tại trường Tư thục Hùng Vương, Huy hay tin bên trường Nguyễn Đình Chiểu thu nhận học sinh vào lớp Đệ nhất C (ban Văn Chương). Huy vội vàng đi ghi tên xin học và chính thức trở thành học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình ban A và ban C khác nhau một trời một vực. Huy vốn dốt văn chương, dở sinh ngữ, chỉ vì ham cái danh là học trò trường cụ Đồ Chiểu, nên phải cắp sách đi học cả ngày lẫn đêm.
Học được vài tuần Huy thấy chán hơn cơm nếp nát. Giờ sinh ngữ, thầy nói tiếng Tây tiếng u, Huy nghe như vịt nghe sấm, giờ triết, nghe thầy giảng điếc cả lỗ tai. Bài tập nào Huy cũng không làm xong, bài học nào Huy cũng không thuộc, nên bị thầy cô chê trách dài dài. Cuối cùng Huy chỉ vào lớp những giờ Huy thấy cần thiết cho việc thi cử của mình.
Thật xui xẻo, vị Giám thị trông coi kỷ luật các lớp đệ nhị cấp của trường thời ấy lại là bà Nguyễn Thị Tốt. Tuy phận nữ lưu, nhưng bà thuộc loại “hung thần” của mọi nam học sinh. Bà là khắc tinh của những học sinh lười, học kém, vô kỷ luật hay trốn học. Loại học sinh này thường phải lên văn phòng trình diện mặc tình cho bà giũa thảm thiết. Huy bị bà kêu lên hành hạ hai lần, rày la xong bà tha về kèm theo lời hăm dọa: “Con mà còn tiếp tục vắng mặt nữa, cô sẽ đuổi học con luôn”. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đến lần thứ ba bị triệu lên văn phòng, bạn học nhìn theo Huy ái ngại. Rời lớp, Huy mang theo luôn tập vở, vẫy tay chào từ biệt các bạn. Huy tự xem mình như tráng sĩ Kinh Kha sang Tần, ra đi không hẹn ngày trở lại.
Huy hiên ngang mang bộ mặt “kên kên” bước vào văn phòng bà Tốt. Bà ngước bộ mặt hầm hầm và đôi mắt sáng quắc lên nhìn đứa học trò bất trị. Vừa định cất giọng oanh vàng xỉ vả thì Huy đưa ngay tay ra dấu ngăn cản, bằng một giọng quyết liệt Huy lễ phép thưa: “Xin cô đừng la con nữa, con biết hôm nay cô sẽ đuổi con. Đã hai lần con giải thích với cô, con là học sinh ban A, chỉ vì ham mang danh học trò trường Nguyễn Đình Chiểu, nên xin vào học lớp ban C. Nếu cô không thương mà cho con tiếp tục học, thì xin cô cho con lại tờ giấy khai sinh để con đi đăng lính. Chớ học mà bị cô mắng hoài con cũng quê lắm, lại còn làm phiền cô nữa”.
Nghe Huy nói, khuôn mặt “ngầu” của bà từ từ biến sang hiền thục. Bà “xuống xề” thật thấp năn nỉ Huy: “Thôi con ơi! Đừng đi lính nguy hiểm lắm. Cô đã hiểu hoàn cảnh con rồi. Từ nay, con muốn học giờ nào thì học, cô không rày la con nữa. Cô làm khó cũng chỉ mong con ráng học nên người thôi”. Ngoài đường phố, có mấy ai yêu thương người Cảnh Sát giữ gìn an ninh trật tự! Nơi học đường, có mấy học sinh thương mến thầy cô Giám Thị. Rời văn phòng bà Tốt, Huy thấy ngay được bộ mặt “hung thần” và giọng sang sảng của bà chỉ là cái vỏ bên ngoài, ẩn dấu bên trong một con người đầy lòng vị tha và yêu thương học trò. Cô Tốt ơi, giờ cô đã mất, một vài kỷ niệm ngắn ngủi với cô vẫn luôn ở trong con. Huy viết lại đôi hàng này như một nén hương lòng Huy đốt lên để tưởng nhớ cô Tốt. Huy mong sao những học sinh đã từng bị “hung thần” bà Tốt “hành hạ”, thấy được cái cái tâm của một cô giáo đầy nhân hậu, đúng như cái tên Tốt của bà.
Sau ngày bà Tốt bị Huy “hăm dọa”, Huy không còn bị bà Tốt quấy rầy nữa. Huy mặc tình đi dọc về ngang. Vì vậy, dù đã được bước chân vào ngôi trường trong mơ, nhưng Huy không dám nhận mình là một cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Huy chỉ xin góp mặt cùng hội liên trường Nguyễn Đình Chiểu - Lê Ngọc Hân với thân phận một chàng rể, vì Huy “dê” được Ngọc, một cựu học sinh Lê Ngọc Hân, rước về làm “lệnh bà” và làm mẹ cho bầy con của Huy.
Vốn là người say mê, yêu thích văn nghệ, nên Huy mở đầu bài viết ngắn này bằng lời bình phẩm một bài thơ được phổ thành nhạc. Giờ Huy lại lạm bàn thêm một bản nhạc nữa, bản nhạc khá nổi tiếng trước năm 1975, viết về Thành phố Huế mộng mơ. Lời bản nhạc có nhiều câu làm Huy ghen tức. Chẳng hạn như: “Ngày xưa Huế có nhiều Con Đường Trắng, áo trắng tung bay...”. Huy ghen tức vì Con Đường Trắng đâu có phải là đặc sản riêng của Huế. Toàn miền Nam trước khi bị “Giải Phóng Nói Lái”, thành phố nào, quận lỵ nào mà không có những Con Đường Trắng. Giá Huy biết làm thơ soạn nhạc, Huy đã viết ngay cho mỗi tỉnh thành miền Nam có dấu chân Huy đi qua, mỗi nơi một bản nhạc Con Đường Trắng. Nhất là cho riêng Quê Hương Mỹ Tho nơi có rất nhiều Con Đường Trắng tạo bởi nữ sinh các trường Hùng Vương, Trương Công Định, Lê Ngọc Hân... Chắc chắn sẽ không thua gì những Con Đường Trắng nơi đất Thần Kinh.
Từ khi bố mẹ Huy dọn về ở nơi xóm nghèo bên cạnh bến bắc Rạch Miễu. Ngày ấy Huy bắt đầu nhổ giò, bước vào cái tuổi biết ngắm nhìn những đường cong tuyệt mỹ của người con gái. Mỗi sáng, Huy thường hay thức sớm, ra đứng dưới gốc me, ngắm nhìn con gái Bến Tre, tha thướt trong chiếc áo dài, tay xách cặp dung dăng dung dẻ trên đường Ông Bà Nguyễn Trung Long. Huy có cảm tưởng chuyến bắc nào cũng chở đầy sơn trắng, bắc cặp bến, sơn đổ ra làm trắng con đường. Hết chuyến bắc này đến chuyến bắc khác, sơn từ từ tuôn chảy làm Con Đường Trắng thêm sinh động.
Huy không chỉ ngắm một con đường Ông Bà Nguyễn Trung Long bị nhuộm trắng, lâu lâu Huy còn tản bộ, nhập vào dòng trắng ấy, đi xa hơn để ngắm nhìn cảnh quan ngoạn mục như một dòng thác trắng đổ xuống từ trên dốc cầu Quay, cây cầu bắc ngang qua một nhánh sông Tiền. Nhưng được đứng nép mình một góc nào đó trong công viên Dân Chủ hoặc ngồi trên lề đường Hùng Vương ngắm các cô đi học ngang qua là tuyệt nhất. Cái thời nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, Huy còn nhát gái lắm, muốn ngồi chỗ “thượng hạng” để tự nhiên ngắm nhìn Con Đường Trắng, Huy phải rủ thêm vài ba đứa bạn ngồi chung. Huy sợ nếu ngồi lẻ loi một mình, lỡ bị các cô ngắm lại thì biết đường đâu mà trốn.
*

Vợ chồng Huy trở về thăm lại Quê Hương vào đầu năm 2000, sau hơn một phần tư thế kỷ sống xa Mỹ Tho.
Ngày về, Huy tìm lại được gốc me xưa, nhưng “Con Đường Trắng” thì đã mất. Chắc nó mất từ khi con đường Ông Bà Nguyễn Trung Long bị thay tên, từ khi bến bắc Rạch Miễu dời đi nơi khác. Huy phải nhắm mắt lại để Con Đường Trắng ngày trước hiện về.
Rời gốc me xưa, rảo bước đến đường Hùng Vương, Huy thật sung sướng khi Con Đường Trắng trong dĩ vãng hiện ra trước mắt. Huy ngồi xuống bên lề đường để sống lại cái tuổi học trò. Nhìn các em học sinh nhỏ nhắn tung tăng trong chiếc áo dài, Huy thấy đó chính là Quê Hương để mình thương mình nhớ.
Cái nhìn Con Đường Trắng của một trung niên hôm ấy, tuy có khác đôi chút với cái nhìn thời trai trẻ, nhưng vẫn còn chung một điểm là ngắm cái đẹp của Quê Hương, mà Huy không thể nào nhìn thấy trên Quê Hương thứ ba, nơi Thành phố biển mộng mơ San Diego này.
*
Thủy, cô cháu gái gọi Huy bằng bác, một sinh viên Y khoa, cùng về thăm quê với vợ chồng Huy. Thủy sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chỉ biết Việt Nam qua lời kể của ông bà cha mẹ hay đọc trong sách vở. Nay chính mắt được nhìn thấy quê cha đất tổ, Thủy vui mừng ngắm nhìn cảnh lạ. Như một khách du lịch, Thủy ngắm nhìn Việt Nam bằng đôi mắt bàng quang không chút xúc động. Để hun đúc tình Quê Hương trong cháu, Huy đưa Thủy ra vườn hoa Lạc Hồng thả bộ. Dừng chân bên chiếc xe nước mía, Huy hỏi cô hàng:
- Cô bán cho tôi hai ly nước mía.
Hai bác cháu ngồi xuống ghế, Thủy chăm chú hết ngắm đôi tay cô bán hàng ép mía, rồi nhìn sang đống xác mía nằm bên cạnh. Huy nhỏ nhẹ nói:


- Ngày trước, nếu thấy được đống xác mía nhiều thế này, chắc bố con mừng lắm.
Thủy ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại mừng vậy bác Hai"
Huy nói chậm rãi, ôn tồn như kể chuyện đời xưa cho cháu nghe:
- Ngày ông bà nội dọn về Mỹ Tho ở, nhà mình lúc đó nghèo lắm. Bà nội giao cho bố con việc đi lượm xác mía về phơi khô dùng thay thế củi nấu cơm. Xin được một đống xác mía to như vầy, đủ nấu nướng hai ba ngày, bố con không phải mất công đi tìm nữa, nên có thì giờ để rong chơi cùng chúng bạn.
Thủy nhìn lại đống xác mía, rồi bồi hồi nói:
- Nghe bác Hai kể, con thấy tội nghiệp bố con quá. Tự nhiên đống xác mía này đẹp hẳn lên thật nhiều trong mắt con. Bác Hai chụp cho con vài tấm ảnh bên đống xác mía này để con đem về khoe với bố.
Cô hàng nước mía che miệng cười, khi thấy Thủy hớn hở cầm trong tay miếng xác mía đưa lên cho Huy chụp ảnh. Chắc cô cười vì lầm tưởng hai bác cháu Huy tưng tửng, mới từ nhà thương điên Biên Hòa ra.
Uống xong ly nước, Huy đưa Thủy bước vào bên trong vườn hoa. Huy giới thiệu với cháu:
- Đây là Công Viên Lạc Hồng.
Thủy nói trong kinh ngạc:
- Công Viên gì mà nhỏ chút xíu vậy bác Hai!
- Chỉ có chút xíu đó thôi, nhưng ngày trước mỗi lần được ông bà nội dẫn ra ngoài này ngồi hứng gió, ăn chuối nướng, là mấy cô chú con mừng hết lớn đó.
Nhìn xuống dòng Tiền Giang đục ngầu phù sa, nhìn rác rưởi trôi lềnh bềnh, nhìn những trẻ con lặn hụp chơi đùa dưới dòng nước, Thủy chau mày. Tìm một ghế đá trống, hai bác cháu ngồi xuống, Huy đưa mắt hướng ra sông rồi từ tốn nói với Thủy:
- Nước sông ở đây tuy không mấy sạch, nhưng là chỗ vui chơi tốt nhất của con nít trong tỉnh. Nhìn mấy đứa trẻ nhỏ này, bác Hai nhớ đến bố con nhiều lắm. Mấy đứa trẻ đây là hình ảnh bố con bốn mươi năm về trước. Bố con cũng hụp lặn nơi dòng sông này.
Thủy hỏi Huy:
- Còn bác Hai có tắm như vậy không"
Mắt vẫn nhìn ra sông, Huy lắc đầu cười:
- Bác Hai không biết bơi nên không dám xuống nước. Hồi còn bé bác nhát gan lắm, không dám cho chuồn chuồn cắn rún, nên bác không biết lội. Còn bố con bắt chuồn chuồn cho nó cắn đến sưng rún, nên lội giỏi.
Thủy nheo mắt cười.
- Muốn biết bơi thì phải tập bơi, chớ cho chuồn chuồn cắn rún thì làm sao biết bơi cho được"
- Con giờ là sinh viên Y Khoa nên biết rõ chuyện này, chớ hồi còn nhỏ, bác Hai và bố con đâu biết gì. Cứ tin cho chuồn chuồn cắn rún sẽ biết bơi là chuyện thật. Chuồn chuồn cắn rún tuy làm cho bố con đau, nhưng không đau bằng bị ông nội đánh đòn. Nhiều lúc ham vui, bố con bơi luôn qua bên kia cồn Rồng. Ông bà nội sợ bố con bị chết đuối, nên lôi về nhà dùng roi trị tội.
Đưa mắt nhìn dòng sông, ngắm cồn Rồng thêm một lát, Thủy bảo Huy:
- Con cám ơn bác Hai, nghe bác Hai kể, con không còn thấy dòng sông này dơ bẩn nữa, con cảm nhận được Quê Hương Việt Nam và hiểu tại sao bố mẹ con hay nhắc tới Mỹ Tho hoài mà không biết chán. Bác Hai chụp cho con thật nhiều tấm hình nơi công viên và dòng sông này, để về đến Mỹ, mỗi lần nhìn những tấm hình chụp hôm nay, con thấy được cuộc sống của ông bà nội cùng các cô các chú và nhất là của bố mẹ con ngày xưa.
Chụp hình cho Thủy xong, hai bác cháu rảo bước trong công viên, Huy đảo mắt tìm gánh chuối nướng. Bà già bán chuối nướng đang ngồi dưới bóng mát một tàng cây, luôn tay quạt cho bếp than hồng. Huy ngồi chồm hổm trước mặt bà, hỏi mua hai trái chuối nướng. Thủy vẫn đứng bên cạnh, chăm chú quan sát cảnh buôn thúng bán bưng. Huy bảo cháu:
- Ăn chuối nướng, con phải ngồi chồm hổm giống bác Hai vầy thì ăn mới ngon.
Thủy bắt chước kiểu Huy ngồi, nhưng cứ bị bật ra đằng sau, rồi ngồi bẹp xuống đất. Thử đi thử lại đôi ba lần, làm bà bán chuối nướng cười ngặt nghẽo. Bà không ngờ cái kiểu ngồi dễ dàng như vậy mà lại có một cô gái Việt Nam xinh xắn tập mãi vẫn không ngồi được. Thủy đứng lên cười bảo Huy:
- Bác Hai ngồi giỏi quá, con chịu thua, không tài nào ngồi kiểu này được!
Bà già trao cho Huy hai trái chuối nướng bọc nếp bên ngoài còn nóng hổi. Huy hỏi bà:
- Bao nhiêu tiền vậy bác"
- Hai ngàn.
Trả tiền cho bà xong, Huy và Thủy vừa đi vừa thưởng thức món chuối nướng, món quà quê mộc mạc nhưng thật ngon. Thủy bóc từng mảnh nhỏ màu vàng ánh của nếp nướng trên than hồng đưa lên miệng cắn, vừa nhâm nhi vừa nghĩ ngợi, lát sau quay sang hỏi Huy:
- Mỗi trái chuối nướng chỉ có một ngàn, tương đương với bảy tám xu Mỹ, bán buôn như vầy thì làm sao bà cụ có đủ tiền để sống hả bác Hai"
- Con đang dùng cây thước của người Mỹ để đo đạc sự việc ở Việt Nam. Bác nhớ có lần, một người bạn Mỹ làm cùng sở hỏi bác: “Lợi tức trung bình của người Việt Nam là bao nhiêu"” Bác trả lời: “Không tới ba trăm đô la một năm”. Ông ta hỏi tiếp: “Như vậy, làm sao họ đủ sống”. Bác trả lời: “Nếu lợi tức hàng năm của ông chỉ có ba trăm thôi, ông sẽ biết làm sao để sống”. Và đó cũng là câu bác Hai trả lời cho con.
Ngẫm nghĩ một lát, Thủy nói:
- Bác Hai nói hơi có lý.
Huy mỉm cười:
- Con mới chỉ nhận là hơi có lý thôi, chớ bác còn hiểu thêm nhiều điều nữa. Chỉ với gánh chuối nướng nhỏ nhoi này, biết đâu bà cụ còn nuôi năm bảy đứa con ăn học nên người. Ngày xưa, với gánh bún riêu, với vài ba con gà trong giỏ, bà nội con ngồi từ sáng đến chiều ngoài chợ, nội nuôi cả tám đứa con ăn học nên người. Cuộc sống ngày hôm nay mà con có được cũng đi từ những cái nghèo nàn thiếu thốn bình dị ấy.
Thủy lắng nghe từng lời Huy nói, nghiền ngẫm thêm một lát, Thủy bảo Huy:
- Nếu bác Hai nói những lời này ở bên Mỹ, chắc con không thể nào hiểu thấu được. Nhờ những cảnh thật hiển hiện trước mắt, giúp con cảm nhận được từng lời bác Hai nói. Con ước mong, sau khi học xong, con sẽ về lại nơi này để tìm hiểu thêm về đất nước, về con người Việt Nam, để con có thể đồng cảm với những suy tư của ông bà nội, của bố mẹ con, và với tất cả những người thân trong gia đình có nhiều gắn bó với Quê Hương đất nước.
Huy cảm thấy đã bắt cháu nghe quá nhiều về dĩ vãng, để trả lại cháu cái vui tươi của tuổi trẻ, Huy hỏi Thủy:
- Con có biết mỗi khi nhắc đến Mỹ Tho, người Việt Nam thường hay nghĩ đến điều gì không"
Thủy nhanh nhẩu đáp:
- Hủ tíu Mỹ Tho, phải không bác Hai"
- Đúng rồi đó con, giờ thì hai bác cháu mình đi tìm hủ tíu Mỹ Tho ngay trên đất “Mỹ”.
Sống xa quê đã quá lâu, không biết quán xưa có còn đó hay không. Hai bác cháu Huy cứ lang thang, lúc thả bộ, lúc ngồi xích lô. Bác ngắm nhìn cảnh cũ, còn cháu khám phá những gì mới lạ của quê cha đất tổ.
*

Chiều xuống, Minh chú tài xế Huy thuê bao trong những ngày ở Việt Nam đến hỏi Huy:
- Đêm nay có trình diễn văn nghệ tại rạp hát ngoài trời, cô chú có muốn đi xem không"
- Rạp hát ngoài trời ở đâu vậy cháu"
- Nằm trong sân vận động cũ, cạnh bên trường Nam Tiểu Học đó chú.
- Ừ được, để chú sang hỏi Thủy xem nó có muốn cùng đi không"
Qua hỏi cháu, Thủy nói với Huy:
- Hai bác cứ đi xem hát đi, tối nay con muốn một mình đi tản bộ dọc theo công viên Lạc Hồng, nhìn ngắm dòng sông Tiền, nhìn thật kỹ những nơi chốn bố mẹ con đã từng sống qua.
- Vậy rất tốt, bác hy vọng, sau chuyến đi này, con sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ, và nhất là sẽ yêu và hiểu tâm tình của bố mẹ con hơn.
Trở về bên phòng mình, Huy bảo Minh:
- Thủy nó không đi, vậy con mua vé cho chú thím thôi.
Minh gãi đầu:
- Chú cho vợ chồng con cùng đi luôn được không"
Huy mỉm cười gật đầu. Huy chỉ muốn đến xem cái rạp hát ngoài trời mới được xây dựng thôi, chứ văn nghệ văn gừng ở chốn tỉnh lẻ này thì làm sao hấp dẫn Huy được.
Tối hôm ấy, vợ chồng Huy thả bộ trên đường Hùng Vương, thưởng thức món thịt bò vò viên tại một quán nhỏ trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, còn mua thêm cóc, ổi chấm với muối ớt. Khán giả kéo đi xem hát cũng khá đông, Vợ chồng Huy nhập vào dòng người, sắp hàng chờ vào cửa. Đứng một lát thấy mất vợ chồng Minh, Huy còn đang dáo dác tìm thì Minh xuất hiện, nắm tay lôi vợ chồng Huy đi rồi nhắc nhở: “Ở đây là Mỹ Tho chớ không phải Mỹ Quốc, chú thím mà đứng sắp hàng kiểu này đến vãn hát mới vô được”.
Nối gót theo Minh, Huy hội nhập ngay với nếp sống mới, chen lấn đến đổ mồ hôi mới tới gần chỗ kiểm soát vé. Chợt một đứa bé trai khều nhẹ cánh tay Huy nói nhỏ như van nài: “Chú ơi! Làm ơn dẫn con vô coi hát đi chú!”. Cậu bé hỏi dứt câu, Huy bàng hoàng cả người, đứng như chết lặng, cả một trời dĩ vãng quay về ngập hồn Huy.
Lúc còn bé Huy rất mê xem hát, tân nhạc, cải lương, hát bóng gì Huy đều thích cả. Huy vẫn còn nhớ như in, muốn xem phim Ấn Độ thì ra rạp Vĩnh Lợi ngay bên hông chợ, phim Tây phim Mỹ chiếu ở rạp Định Tường có gắn máy lạnh trên đường Trưng Trắc, còn cải Lương hay Đại Nhạc Hội thì qua rạp Viễn Trường bên kia cầu Quay. Là con nhà nghèo, bố mẹ chỉ cho phép Huy đi xem hát, chớ chẳng cho đồng xu nào. Nên Huy được vào xem hay không đều tùy thuộc vào lòng hảo tâm của khán giả người lớn hay sự dễ dãi của nhân viên gác cửa. Những ngày tuổi còn nhỏ, tạng người còn thấp, việc xin người lớn dẫn vào rạp “coi cọp” tương đối dễ dàng. Khi nhổ giò lớn xộn, Huy không dám đứng gần người gần những người soát vé, sợ họ nhận ra mặt. Huy phải đứng thật xa tìm người xin dắt vào. Tuổi càng lớn, giò càng cao, càng bị từ chối nhiều, số lần đi đến rạp rồi phải lủi thủi ra về càng tăng dần.
Nắm chặt tay đứa bé, Huy tưởng như nắm chính cườm tay nhỏ bé của mình ngày xưa. Nhân viên kiểm soát chưa kịp cầm những tấm vé Huy trao, Huy vội rụt ngay tay lại rồi quay sang bảo Minh:
- Khoan vào rạp đã, hãy đi trở ra bên ngoài, chú có chút chuyện nhờ con.
Minh tuy hơi ngạc nhiên, nhưng cũng kéo vợ theo Huy và Ngọc quay trở ra. Đến bên ngoài, Huy bảo thằng bé:
- Nhà chú có bốn người đi coi hát, mỗi người dẫn theo hai đứa nhỏ, vậy con đi tìm thêm bảy đứa nữa để chú dẫn vô một luôn một lượt.
Vài phút sau thằng bé trở lại với một bầy con nít, Huy quay sang mọi người căn dặn:
- Mỗi người nắm tay hai đứa nhỏ dắt vào, Minh đi trước lấn đường, còn chú đi sau cùng.
Thằng bé bên tay trái đã nhổ giò cao gần đến vai Huy. Nó sợ không vào được nên than thở:
- Con cao quá, họ có cho vô không chú"
Huy nhìn thằng bé mỉm cười không nói, nó có biết đâu rằng Huy đã tự nhủ với lòng, phải đưa nó vào xem hát bằng được. Lúc đi gần đến chỗ xét vé, thằng nhỏ làm bộ khụy chân cho người thấp xuống, nhìn điệu bộ của nó, Huy thấy giống như in Huy ngày nào. Nhân viên soát vé cằn nhằn đôi chút vì “gia đình” Huy đem theo quá nhiều con nít, nhưng rồi họ cũng thông cảm xé vé cho vào hết.
Vào đến bên trong, Huy cảm nhận ngay được niềm vui dâng tràn trong lòng, định tìm mua cho mấy đứa nhỏ ít kẹo bánh, nhưng chúng đã gỡ tay ra khỏi tay Huy lúc nào không biết. Vợ chồng Minh lo tìm chỗ ngồi gần sân khấu, Huy đến bên, vỗ vào vai Minh rồi bảo:
- Con tìm chỗ ngồi cho vợ chồng con thôi, chú thím lên tuốt phía trên ngồi cho mát.
Huy đưa Ngọc lên hàng ghế cuối cùng, từ trên cao Huy có thể quan sát thật rõ chỗ soát vé, ngắm nhìn những đứa bé đang chen lấn tìm cách vào trong rạp, Huy như đang ngắm nhìn lại thời thơ ấu của chính mình.
Tiếng nhạc trên sân khấu trỗi lên, người điều khiển bước ra giới thiệu chương trình. Huy đưa mắt nhìn ra bên ngoài, chỉ còn lưa thưa vài người đến muộn và mươi đứa trẻ con vẫn còn lởn vởn trước cổng. Huy biết, niềm hy vọng được vào xem hát cọp đêm nay của các em sắp tiêu tan. Huy quay sang bảo Ngọc:
- Em ngồi đây chờ để anh xuống dẫn hết tụi nhỏ này vào coi hát.
Ngọc nheo mắt nhìn chồng cười tán đồng, Huy bước vội về hướng cổng. Ra đến bên ngoài, Huy ngoắc tay gọi mấy đứa trẻ “vô phước” lại rồi bảo chúng:
- Các con đi tìm xem còn đứa nào muốn vô coi hát, dẫn hết lại đây, bác đưa vào xem.
Mấy đứa nhỏ hớn hở tỏa ra chạy đi tìm bạn. Lát sau chúng xếp thành vòng tròn, bao chung quanh lấy Huy. Tiến đến nắm tay hai đứa nhỏ gần bên, Huy nói:
- Mấy con đi theo bác vào coi hát.
Đến cổng, Huy hỏi anh kiểm soát vé:
- Cho hết đám nhỏ này vào coi hát, anh tính tôi bao nhiêu tiền"
- Anh cho em bao nhiêu cũng được!
- Anh cho biết giá nhanh lên, bên trong đã hát rồi đó.
Ngẫm nghĩ một lát, anh ta nói:
- Thôi, anh cho em mỗi đứa mười ngàn.
Anh soát vé đếm người, Huy đếm tiền. Tốn không đến một đô la cho mỗi đứa trẻ, Huy thấy lại được chính mình.
Huy không biết buổi văn nghệ hôm ấy trình diễn những màn múa hát gì. Huy chỉ ngồi đưa mắt nhìn những đứa bé tung tăng, hết chạy lên sân khấu lại chạy đi tìm bạn bè. Đêm ấy Huy xem được buổi văn nghệ khó quên nhất trong đời, mặc dù Huy không nghe được lời ca tiếng hát nào. Quê Hương của Huy là đó, Mỹ Tho của Huy và Ngọc là đó. và đó cũng là những thứ trân quý, mỗi khi Huy nhắc đến hai chữ Quê Hương.
NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Ý kiến bạn đọc
28/08/201823:13:24
Khách
“Anh soát vé đếm người, Huy đếm tiền. Tốn không đến một đô la cho mỗi đứa trẻ, Huy thấy lại được chính mình.
Huy không biết buổi văn nghệ hôm ấy trình diễn những màn múa hát gì. Huy chỉ ngồi đưa mắt nhìn những đứa bé tung tăng, hết chạy lên sân khấu lại chạy đi tìm bạn bè. Đêm ấy Huy xem được buổi văn nghệ khó quên nhất trong đời, mặc dù Huy không nghe được lời ca tiếng hát nào.”

Thật cảm động!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,059,391
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến