Hôm nay,  

Tìm Hiểu Về Banh Cà Na (football)

16/03/200400:00:00(Xem: 234400)
Người viết: TRẦN QUỐC SỸ
Bài số: 495-1032-vb8140304


Tác giả sanh năm 1952 tại Nam Định, theo bố mẹ di cư vào Nam đầu năm 1955. Gia nhập Không Quân đầu năm 1971, du học Hoa Kỳ năm 72. Sau khi mãn khoá trở về, đã phục vụ cho xường Vô Tuyến Đặc Biệt (Bravo) thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân cho đến khi rời Việt Nam tháng 4 năm 75. Hiện là một kỹ sư điện toán, định cư tại thành phố Huntington Beach, California, Trần Quốc Sỹ đã góp nhiều bài viết và được trao tặng giải thưởng viết về nước Mỹ.
*
Trên trang thể thao của tờ Viet Mercury, anh Nguyễn Văn Khanh đã viết đoạn mở đầu trong bài "Người Việt mê banh cà na" mà tác giả xin được trích đoạn để làm đoạn mở đầu cho bài viết này.
"Có thể nói hầu hết những ai từng sống ở miền Nam Việt Nam trước 1975, football không phải là một môn thể thao xa lạ. Hầu như cuối tuần nào khi vặn đài truyền hình Mỹ (băng tần số 11) đều thấy các cầu thủ môn "banh bầu dục" húc nhau. Có người còn nói đùa là môn này lạ quá - và trông có vẻ tục tĩu - vì "có một thằng chuyên môn đứng đằng sau ... sờ đít thằng đằng trước".
Lạ hơn nữa là cứ chừng mươi, mười lăm giây đồng hồ lại thấy ngưng, cầu thủ hai bên đè nhau trên sân cỏ và sau đó cả đám cầu thủ chụm đầu vào bàn tính với nhau. Bàn tính gì thì không ai biết, nhưng năm mười giây sau đó lại thấy chụm đầu... bàn tiếp, và lại thấy cảnh "thằng đứng đằng sau sờ đít thằng đằng trước". Rồi cảnh cả đám đè chồng lên nhau lại xảy ra.
Quen thuộc thì quả là có quen thuộc, nhưng hiểu "luật chơi" thì hầu như chẳng mấy ai hiểu. Mặc dù binh sĩ Hoa Kỳ lúc đó đồn trú ở miền Nam có lúc lên đến cả trăm ngàn người, nhưng chắc cũng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện hỏi mấy ông bạn đồng minh xem môn này chơi như thế nào, tại sao trông không hấp dẫn như môn "túc cầu" mà cuối tuần nào cũng thấy chiếu trên T.V.
Riêng những người có dịp học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ thì may mắn được Ông Thày hay Bà Cô nói cho biết môn "banh bầu dục" tiếng Mỹ gọi là football, còn "football" mà học trò trung học ở Việt Nam vẫn thường hiểu - có nghĩa là đá banh - thì tiếng Mỹ lại gọi là "soccer".
Càng học càng thấy lạ, vì rõ ràng xem môn banh bầu dục Mỹ thấy cầu thủ cầm banh chạy, hoặc dùng tay "chọi" banh cho đồng đội, chẳng hề thấy thằng nào dùng chân đá cả mà lại gọi là... "foot" ball. Đúng là một môn thể thao... lạ lùng, từ lối chơi cho đến tên gọi.
Đến năm 1975 khi cùng đoàn người vượt biên sang Hoa Kỳ xin tỵ nạn, hầu như không mấy ai trong chúng ta "dám" nghĩ sẽ có ngày môn thể thao lạ lùng đó sẽ trở thành "một phần đời sống" của tập thể người tỵ nạn Việt Nam. Hồi mới chân ướt chân ráo sang đây chỉ ước mơ làm sao xem được một trận banh "bóng tròn" cho ra hồn, những ngày đầu gặp nhau vẫn thường hay nhắc đến Rạng, Ịực 2, Vinh, Ngôn, Cù Sinh, Cù Hè, v.v..., hay sang hơn tí nữa thì nói đến Pelé hoặc Platini.
Cũng không ai trong chúng ta "dám nghĩ" sẽ có ngày vào sở làm với khuôn mặt buồn hiu vì hôm trước "hội nhà" thua đau thua đớn. (Hội nhà đây có nghĩa là hội football ở thành phố mình cư ngụ, hội banh của trường đại học mình đã từng có thời mài đũng quần, hoặc là hội mà mình ủng hộ).
Và có lẽ cũng không ai "dám nghĩ" là có ngày, "không xem đá banh được nữa vì chậm chạp quá, tỷ số chẳng bao nhiêu, không hào hứng gì cả."
Tất cả bây giờ đã được dành cho football, cho môn "banh cà na" rất quen thuộc của tập thể người Mỹ gốc Việt".
Đoạn mở đầu bài viết của anh Nguyễn Văn Khanh đã cho chúng ta một ý niệm căn bản, một lối nhìn của người Việt về môn thể thao lạ kỳ này.
Phần lớn những người Việt thuộc thế hệ trước, những người Việt mới định cư tại xứ sở này, không thích môn football lắm một phần vì họ đã quen xem bóng tròn (soccer) và một phần vì họ không hiểu luật lệ và cách chơi của môn banh cà na (football). Trái lại, những người trẻ thuộc thế hệ sau này, những người sanh ra hoặc lớn lên tại Mỹ thì lại mê football còn hơn mê bạn gái.
Tôi có một người bạn rất mê banh cà na, cuối tuần nào anh cũng bỏ trọn ngày Chủ Nhật để theo dõi các trận đấu trên TV. Anh mê đã đành, anh còn huấn luyện cho bà xã anh hiểu và xem football nữa. Kết quả, chị cũng mê như anh. Không những chị biết rành luật lệ, cách chơi mà chị còn thuộc làu làu từng tên cầu thủ cho đến chiến thuật và đấu pháp của từng đội.
Đối với những người mê banh cà na, so với bóng tròn, banh cà na hấp dẫn hơn nhiều. Hấp dẫn vì banh cà na chơi với mức độ nhanh hơn, mạnh bạo hơn, với những đấu pháp thần kỳ hơn của từng đội, hồi hộp hơn với tài ném banh chính xác của những chàng quaterback hay tài bắt banh tuyệt vời của những chàng wide-receivers. Thêm vào đó, football là một môn thể thao dùng cả thể lực lẫn trí lực. Sự thắng hay bại đặt căn bản trên sự tính toán, hợp sức, hợp lực của toàn đội, từ cách chuyên viên phân tích cho đến huấn luyện viên, chứ không chỉ dựa vào tài nghệ của một cá nhân nào, như tác giả Nguyễn Văn Khanh đã viết :
"Với những người "biết" xem "football", đây quả là một môn thể thao hấp dẫn. Tinh thần đồng đội "cực kỳ" cao, mỗi cầu thủ có thể ví như "một chiến sĩ can trường" ở tuyến đầu đối địch, có một vai trò riêng và phải chiến đấu "tận tình". Tận tình không thôi vẫn chưa đủ, còn phải "nhịp nhàng" nữa mới mong đem lại chiến thắng".
Với kiến thức hạn hẹp, tác giả chỉ xin trình bày một vài nét căn bản về môn banh cà-na này, hầu giúp các quý vị đọc giả nào chưa quen, có thể hiểu được phần nào về luật lệ và cách chơi của nó. Môn football đối với một người không biết có thể rất rắc rối, phức tạp, nhưng thật ra, luật chơi căn bản của nó rất giản dị. Chỉ cần xem vài trận là bạn có thể hiểu và có thể trở thành thợ "bàn" được rồi. Sau đây là những điều căn bản về môn football mà một người chưa quen với môn thể thao này cần biết. Xin nhớ nhiều luật lệ trong bài viết này chỉ áp dụng cho đội banh nhà nghề (NFL). Các đội banh trung học, đại học, hoặc những đội banh cà na khác sẽ có những luật lệ khác chi phối.

Sân chơi:
Sân chơi của môn banh cà-na dài 100 yards , chia làm 20 phần mỗi phần 5 yards, được đánh dấu bằng 19 vạch dài màu trắng theo chiều ngang của sân. Giữa những vạch dài là bốn hàng vạch ngắn, mỗi hàng 4 vạch cách nhau 1 yard. Phần cuối cùng ở mỗi cuối sân được gọi là end-zone (vùng cấm địa), có chiều dài 10 yards, thường thì được sọc chéo màu đỏ và được ngăn cách bởi một vạch trắng dài gọi là đường cấm địa (goal line). Cuối vùng cấm địa (end-zone) là vạch cuối (end line), sau đó là cột gôn (goal posts). Cột gôn được trồng chính giữa chiều ngang của sân, cao 10 feet, trên bắc một thanh ngang dài 18 feet 6 inches, hai đầu thanh ngang là hai thanh dọc cao 30 feet. Tổng cộng, toàn sân chơi của môn football dài 120 yards (360 feet) và ngang là 53 1/3 yards (160 feet). Kể từ đường cấm địa (goal line), cứ mỗi 10 yards, sân sẽ được đánh dấu bằng số 10, 20, 30, 40 cho tới giữa sân là 50. Sau mức này, sân được đánh dấu ngược lại 40, 30, 20 và 10 cho đến vùng cấm địa của bên kia.
Thành phần một đội football:
Không như những môn thể thao khác, số cầu thủ trong một đội football rất đông, đôi khi có thể lên đến gần 50 người, gồm cả cầu thủ chính và cầu thủ dự bị. Tuy vậy, mỗi đội khi lâm trận, dù là công hay thủ, chỉ có 11 người, không được hơn hay kém. Cầu thủ có thể được thay thế vô giới hạn nhưng chỉ khi nào quả banh chết (dead ball).
Mỗi đội football được chia làm ba tiểu đội. Tiểu đội công (offense team), tiểu đội thủ (defense team) và tiểu đội đặc biệt (special team) hay còn gọi là tiểu đội đá (kicking team). Khi một đội đang giữ banh, họ sẽ dùng tiểu đội công, trong khi đó, đội đối phương sẽ dùng tiểu đội thủ . Trong trường hợp phải đá quả banh, cả hai đội sẽ dùng tiểu đội đặc biệt.

Thành phần của đội công:
Thành phần đội công gồm 11 người: một người thủ quân (quarterback), hai người tiền vệ (guard), hai người húc (tackle), hai người bắt banh (wide receiver), một người giao banh (center), một hay hai người nút chận (tight-end), một người trung vệ (halfback, hay running back) hoặc một người hậu vệ (fullback). Nếu hai người nút chặn được dùng thì đội chỉ có một người hậu vệ, không dùng trung vệ.
Đội hình: khi lâm trận, bên công có thể dàn hàng theo nhiều đội hình khác nhau tuỳ vào mỗi hồi (play) chơi để thích ứng với từng hoàn cảnh. Đội hình căn bản của một đội công được sắp đặt như sau:
Bẩy người hàng trên gồm có người giao banh (center) đứng giữa, hai bên là hai chàng khổng lồ tiền vệ (guard), cạnh hai chàng tiền vệ là hai chàng húc (tackle) to lớn, và ngoài cùng là hai chàng bắt banh (wide receiver). Người thủ quân (quarterback) sẽ đứng sau lưng người giao banh (center). Sau lưng anh là chàng trung vệ (halfback hay running back) hoặc hậu vệ (fullback). Hai chàng nút chặn (tight-end) sẽ đứng phía sau giữa chàng bắt banh (widereceiver) và chàng húc (tackle) to lớn. Mặc dầu họ có thể dùng những đội hình khác nhau tuỳ hoàn cảnh, nhưng số cầu thủ của hàng trên tối thiểu phải là 5 người.

Thành phần đội thủ:
Cũng như đội công, đội thủ cũng gồm 11 người. Thành phần đội thủ gồm có: một người trung-tiền vệ (nose guard), hai người húc (tackle), hai người tiền vệ (defensive end), hai người hậu vệ (defensive back), hai người hàng vệ (linebacker), một người trung-hậu vệ (nicklebacker) và một người hậu-hậu vệ (safety).
Đội hình: cũng như đội công, đội thủ có nhiều đội hình khác nhau, được thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Đội hình căn bản của đội thủ như sau:
Năm người hàng trên gồm chàng khổng lồ trung-tiền vệ (noseguard) đứng giữa, hai bên là hai anh chàng húc (tackle) cũng khổng lồ, cạnh hai chàng húc là hai chàng to con tiền vệ (defensive- end). Hàng sau gồm hai chàng hàng vệ (lineback) và chàng trung-hậu vệ (nickelback). Hàng thứ ba gồm hai chàng hậu vệ (defensive back) và một chàng hậu-hậu vệ (safety). Mặc dầu họ cũng có thể dùng những đội hình khác nhau, nhưng số cầu thủ của hàng trên tối thiểu phải là 5 người.
Nhiệm vụ của bên thủ là vật ngã (sack) bất cứ người cầu thủ nào của bên đối phương đang có banh trên tay. Họ còn có nhiệm vụ kèm sát những anh chàng chụp banh (wide receiver) của bên đối phương để ngăn chận không cho bên đối phương bắt quả banh được ném bởi người quarterback. Thường thì họ sẽ cố phá vòng bảo vệ của bên công để tìm chàng thủ quân và vật ngã anh ta. Khi người thủ quân bị vật ngã, chúng ta nói anh ta bị sack.
Mục đích:
Mục đích tối hậu của môn football là bên công làm cách nào để mang quả banh xuống vùng cấm địa (end-zone) của đối phương, ta gọi là chạm vùng cấm địa (touch down). Trong khi đó bên thủ phải cố gắng ngăn chận địch thủ để dành lại quyền giữ banh. Mỗi lần bên công chạm vùng cấm địa (touch down), họ sẽ được thưởng 6 điểm. Có nhiều cách khác để kiếm điểm nhưng mục đích chính vẫn thường là touch down vì cách này được nhiều điểm nhất.

Bắt đầu trận đấu:
Một trận football gồm 4 hiệp chơi (quarter), mỗi hiệp 15 phút nhưng có cả trăm hồi chơi (play). Mỗi hồi (play) chơi chỉ khoảng trên dưới 30 giây đồng hồ.
Trước khi bắt đầu trận đấu, thủ quân của hai bên sẽ gặp người trọng tài chính để chọn sấp ngửa của đồng tiền do trọng tài tung lên. Bên thắng sẽ được quyền chọn công hay thủ. Trận đấu bắt đầu khi chàng kicker của special team bên đội thủ (defense), từ mức 20 yards của phần đất mình, đá mạnh quả banh về phía đội công (offense). Một chàng của special team bên đội công, dàn hàng cũng ở mức 20 yards bên phần đất của họ, sẽ chụp quả banh và ôm banh chạy về phía đối phương, càng xa càng tốt, và trong nhiều trường nhào luôn vô vùng cấm địa của đối phương (touch down). Bên thủ lúc này sẽ làm rào cản để ngăn anh chàng ôm banh này. Khi người cầu thủ ôm banh của bên công bị vật ngã (sack) và quả banh chạm đất, hoặc anh nếu ta mang được quả banh chạm vùng cấm địa của đối phương (touch down) thì hồi chơi (play) chấm dứt. Chỗ quả banh chạm đất được gọi là vạch khởi đầu (line of scrimmage). Từ chỗ này, bên công bắt đầu cố gắng tiến quả banh về phần đất của bên thủ.
Thời gian một trận đấu:
Như đã nói ở trên, một trận football nhà nghề (professional football) chia làm 4 hiệp, mỗi hiệp 15 phút, vị chi 1 giờ. Tuy nhiên, thời gian thực của một trận banh cà na kéo dài khoảng 3 giờ rưỡi đến 4 giờ. Sở dĩ có sự khác biệt này vì, không như bóng tròn, đồng hồ của một trận banh cà na không chạy liên tục. Đồng hồ sẽ ngừng sau một hồi (play) nếu người cầu thủ của bên công không bắt được quả banh do người thủ quân (quarterback) ném cho anh ta (ta gọi là incomplete), hoặc nếu sau khi bắt được banh, anh ôm banh chạy ra khỏi lằn vôi biên (out of bound). Nếu anh không chạy ra khỏi lằn biên mà bị bên thủ vật ngã (sack), đồng hồ vẫn tiếp tục chạy. Đồng hồ cũng sẽ ngừng nếu một đội xin hoãn trận đấu trong vòng từ 40 giây (không quảng cáo) cho đến 1 phút 50 giây (TV quảng cáo) mà ta gọi là time out. Trong một trận banh cà na, mỗi bên có thể dùng time out để hoãn trận đấu 3 lần cho mỗi nửa trận đấu, tổng cộng 6 lần cho toàn trận đấu. Giữa mỗi hiệp, cả hai đội cũng được nghỉ 2 phút và nghỉ giải lao 12 phút, đôi khi lâu hơn, giữa nửa trận đấu (half time). Khi trận đấu còn đúng 2 phút (two-minute warning) trước khi hết nửa (hafl time) hoặc cuối trận đấu, cả hai đội cũng sẽ được nghỉ 2 phút.
Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác xảy ra cũng làm đồng hồ ngưng chạy.
Xuống và khoảng cách:
Hiểu về xuống (down) và khoảng cách (distance) là chìa khoá để hiểu môn football. Vì vậy, các bạn đọc nên nghiền ngẫm phần này thật kỹ, hiểu thấu đáo chúng trước khi đọc qua phần kế tiếp:
• Căn bản, một xuống (down) là một hồi (play) chơi. Xuống được bắt đầu khi quả banh được thẩy (snap) từ người giao banh cho người thủ quân và chấm dứt khi người trọng tài thổi còi ngưng. Một xuống chỉ khoảng trên dưới 30 giây. Bên công sẽ được quyền giữ banh 4 xuống (down) để đưa quả banh 10 yards về phía đối phương, tính từ vạch khởi đầu (line of scrimmage).
• Khoảng cách là số yards để bên công phải đạt được nếu họ muốn tiếp tục giữ banh thêm 4 xuống (down) nữa.
• Nếu bên công tiến banh được 10 yards trong vòng 4 xuống, họ được quyền giữ banh thêm 4 xuống nữa. Họ sẽ bắt đầu lại bằng xuống một (first down) . Nếu bên công không tiến banh được 10 yards trong vòng 4 xuống, họ sẽ mất banh và bên thủ sẽ trở thành bên công và họ cũng bắt đầu hồi chơi từ xuống một (first down).
• Trong xuống một (first down), bên công phải tiến banh 10 yards về phía đối phương nên được gọi là xuống một và khoảng cách là 10 yards (first and 10) tính từ vạch khởi đầu.
• Nếu trong xuống một (first down), bên công chỉ tiến được 3 yards, thì xuống hai (second down) họ phải cố gắng đạt được 7 yards, gọi là xuống hai và khoảng cách còn lại là 7 yards (second and 7).
• Nếu trong xuống hai (second down) họ chỉ tiến banh được 3 yards thì trong xuống ba (third down), họ còn 4 yards, gọi là xuống ba và khoảng cách còn lại là 4 yards (third and 4).
• Nếu trong xuống ba (third down), họ chỉ tiến được 3 yards thì trong xuống bốn (fourth down), họ còn 1 yard, gọi là xuống bốn và khoảng cách còn lại là 1 yard (fourth and 1).
• Nếu trong xuống bốn (fourth down), họ tiến được hơn 1 yard, họ sẽ tiếp tục giữ banh và bắt đầu lại hồi chơi với xuống một (first down) và khoảng cách để tiến là 10 yards (first and 10), ngược lại, nếu họ không đạt hơn 1 yard, họ sẽ mất banh và trở thành đội thủ.
• Nhiều khi, một đội công bắt đầu xuống một và 10 yard, nhưng sau đó, thay vì tiến, họ lại bị lùi mất 5 yards, thì xuống hai (second down) họ phải tiến trên 15 yards để bắt đầu lại xuống một (first down), và nếu xuống hai (second down) họ lại bị lùi 5 yards nữa thì xuống ba (third down), họ phải tiến trên 20 yards để được bắt đầu lại xuống một (first down).
• Tuy bên công được đến bốn lần xuống chỉ để tiến 10 yards, mới nghe qua tưởng dễ, nhưng trên thực tế, việc làm này không dễ vì bên thủ sẽ như bức vách đồng rất khó để vượt qua. Vì thế, các đội công đôi khi phải áp dụng chiến thuật ném (passing) hầu có thể tiến banh nhanh hơn.


Chiến thuật xuống bốn:
Khi đội công không tiến được khoảng cách cần thiết trong xuống ba (third down), nhiều chiến thuật sẽ được áp dụng trong xuống bốn (fourth-down stratergies):
• Đội công có thể dùng chiến thuật "chơi luôn" để cố gắng đạt được số yards còn lại, hầu được giữ banh tiếp và trở lại xuống một (first down), hoặc chạm vùng cấm địa của bên địch (touch down) để lấy 6 điểm. Nhưng làm như thế rất nguy hiểm vì nếu không thành công, bên đối phương sẽ bắt đầu xuống một (first down) tại nơi mà trái banh chạm đất (nhất là khi banh chỉ cách vùng cấm địa của mình một khoảng cách ngắn) và đối phương sẽ được bốn xuống để tiến banh.
• Hầu hết, trong xuống bốn (fourth down), các đội công sẽ dùng phương cách đá mạnh về phần đất của đối phương (punt). Đây là cách giao banh lại cho đối phương nhưng buộc đối phương phải bắt đầu xuống một (first down) ở tuốt phần đất bên kia.
• Nếu xuống bốn gần cột gôn, trong vòng 40 yards trở lại, đội công có thể dùng phương cách đá vào (kick) giữa hai thanh dọc để lấy 3 điểm.
Sau khi thắng điểm:
Sau khi đội công được điểm, dù bằng cách chạm vùng cầm điạ của địch (touch down) hay đá vào cột gôn, họ phải giao banh lại cho bên kia bằng cách đá mạnh (kick off) từ mức 20 yard về phía đối phương, và trận đấu lại tiếp tục.
Phương cách để thắng điểm:
• Cách để một đội banh thắng điểm nhiều nhất là chạm vùng cấm địa (touch down) của đối phương. Muốn được gọi là chạm vùng cấm địa (touch down), người cầu thủ ôm banh của bên công phải chạm nó vào vùng cấm địa (end-zone) của đối phương, hoặc bắt và giữ quả banh (catch and possess) trong khi hai chân của anh ta phải nằm trong vùng cấm địa. Khi người cầu thủ làm được việc này, đội của anh ta sẽ được 6 điểm.
• Đội công sau khi đã đáp xuống vùng cấm địa (touch down) sẽ có cơ hội đá (kick) vào cột gôn để lấy thêm 1 điểm (extra point), hoặc có thể chọn cách ôm banh nhào vô vùng cấm địa của địch để lấy 2 điểm (two-point conversion). Nếu chọn cách đá, họ sẽ dàn hàng và đá quả banh vào cột gôn ở mức 2 yard line. Nếu quả banh lọt vào giữa hai thanh dọc, họ sẽ được thêm 1 điểm, tổng cộng là 7 điểm. Nếu quả banh ra ngoài, họ chỉ được 6 điểm. Nếu chọn cách ôm banh, họ sẽ dàn hàng tại 2 yard line, rồi cố gắng xông vào vùng cấm địa của đối phương. Nếu thành công, họ sẽ được thêm 2 điểm, tổng cộng là 8 điểm. Nếu không làm được, họ chỉ được 6 điểm.
• Một cách nữa để một đội công có thể được điểm là đá vào cột gôn (kick a field goal). Khi đội công ở xuống bốn, thường thì họ sẽ chọn cách đá vào cột gôn nếu họ cảm thấy cột gôn nằm trong tầm đá của người cầu thủ (khoảng mức 40 yard line trở lại). Ở mức 40 yard line, người cầu thủ phải đá quả banh đi xa ít nhất là 55 yard (vì cột gôn cách đường cấm địa 10 yards và quả banh bị thẩy lui về sau 5 yards). Khoảng cách này tuy xa nhưng đã có nhiều anh kicker đã làm được. Kỷ lục field goal là 63 yards, đạt bởi Tom Dempsey của đội New Orleans Sants vào năm 1970 và Jason Elam của đội Denver Broncos vào năm 1998. Tom Dempsey giữ kỷ lục này gần 30 năm. Nếu họ đá được quả banh vào giữa hai thanh dọc, họ sẽ được 3 điểm.
• Đội thủ có thể được 2 điểm nếu vật ngã (sack) người cầu thủ của đối phương, trong khi anh này đang ôm quả banh và đang ở trong vùng cấm địa của chính đội mình. Sự kiện này được gọi là safety.
Tóm lại:
• Chạm vùng cấm địa (touch down): 6 điểm
• Đá vào cột gôn sau khi touch down: 1 điểm
• Chạm vùng cấm địa sau khi touch down: 2 điểm
• Đá vào cột gôn ở xuống 4 (kick field goal): 3 điểm
• Vật ngã đối phương trong vùng cấm địa của họ (safety): 2 điểm

Chiến thuật và đấu pháp:
Chiến thuật:
Một lý do mà banh khiến banh cà na đã lôi cuốn hằng triệu khán giả mỗi cuối tuần trong mùa football và hằng trăm triệu khán giả trong ngày Super Bowl là vì football là một môn thể thao vừa dùng cả thể lực lẫn trí lực. Những người mới xem football chỉ biết khen anh chàng quarterback ném giỏi hay anh chàng wide receiver chụp hay, nhưng họ không hiểu những đấu pháp hay chiến thuật đằng sau. Chiến thuật và đấu pháp của môn football được tính toán kỹ lưỡng cho mỗi hồi (play) chơi và được thay đổi tuỳ hoàn cảnh. Đội công, trong một hồi chơi, có thể dùng chiến thuật ném (passing) hay chạy (running), đôi khi còn được gọi là lủi (rushing). Điều cần nhớ là dù họ dùng chiến thuật ném, chạy, hay lủi, chúng đã đều được tính toán trước.
• Chạy (running) hay lủi (rushing) là khi người thủ quân (quarterback) sau khi nhận banh từ người giữa (center) chuyền cho người đồng đội của mình. Người đồng đội, sau khi nhận được banh sẽ tìm cách chạy (running) hoặc lủi (rushing) về phía đối phương. Chiến thuật chạy (running) hay lủi (rushing) tuy chỉ tiến banh được một khoảng cách ngắn nhưng an toàn hơn nhiều so với chiến thuật ném. Chiến thuật này được dùng vì sự an toàn, nếu số yards để tiến còn ít, hoặc để câu cho hết giờ nếu họ đang thắng. Có nhiều anh chàng đã ôm banh chạy một hơi 98 yards để chạm vùng cấm địa của đối phương (touch down) và mang điểm về cho đội mình.
• Ném (passing) là chàng thủ quân (quarterback) của đội công sau khi nhận banh từ người giao banh (center), sẽ ném quả banh cho một trong năm người đồng đội của mình ( ngoại trừ chàng giao banh (center), hai chàng húc (tackle), và hai chàng bảo vệ (guard) , những người này không được phép nhận banh từ thủ quân). Ném ngắn được gọi là short pass, và ném dài được gọi là long pass hay bomb.
• Chiến thuật ném dài (passing, bomb) nếu thành công sẽ tiến được một khoảng cách xa nhưng không an toàn, vì nếu để đối phương bắt được banh (intercept), đội công sẽ mất banh. Chiến thuật này thường được dùng khi chàng widereceiver không có ai kèm (wide open), khi đội mình đang thua xa đội kia, hoặc khi gần hết giờ liều mình chơi xả láng. Thường khi đội công sẽ dùng chiến thuận ném ngắn (short pass) để tiến banh. Cách này an toàn và hữu hiệu hơn ném dài. Trong một trận banh, chiến thuật bên công sẽ được thay đổi luôn luôn, lúc thì ném dài, lúc thì ném ngắn, lúc chạy, lúc lủi hầu đánh lạc hướng đối phương.

Đấu pháp:
Trước khi bắt đầu một hồi chơi, người huấn luyện viên trưởng (head coach) sẽ nhận những dữ kiện được tính toán bằng computer từ những chuyên viên phân tích hay ban cố vấn của đội ngồi trên đài quan sát, chuyền qua ống nghe (head phone) . Người huấn luyện viên trưởng (head coach) sau đó sẽ quyết định chiến thuật cho hồi chơi (play) kế tiếp. Người huấn luyện viên sẽ bí mật ra dấu cho người thủ quân về ý định của mình. Người thủ quân sau khi nhận được dấu hiệu của huấn luyện viên, họp ý cùng với đồng đội mình và cho biết đấu pháp sẽ dùng. Mỗi đội banh có hằng trăm đấu pháp khác nhau để dùng trong mọi hoàn cảnh. Trong vòng 25 giây, họ phải dàn đội hình trước bên đối phương. Người thủ quân, đứng sau người giao banh (center), sẽ hô lớn một tràng dài toàn những mã số mà chỉ có các đồng đội của anh hiểu được (y như đọc thần chú), cuối cùng bằng những tiếng heck, heck, heck. Sau tiếng heck thứ ba, người giao banh (center) liền thẩy (snap) quả banh cho người thủ quân và người thủ quân sẽ tìm đồng đội của mình để ném hoặc chuyền banh. Từ khi nhận banh từ người giao banh, người thủ quân chỉ có khoảng 3 đến 5 giây đồng hồ để tìm người ném hoặc chuyền banh trước khi biển người của bên thủ ào đến và vật anh ta ngã xuống. Những anh chàng tiền vệ và húc trong lúc đó sẽ có bổn phận phải bảo vệ người thủ quân của mình để không cho đối phương xấn tới và để cho anh có đủ thời giờ ném hoặc chuyền banh.
Điều cần hiểu là đấu pháp mỗi hồi (play) chơi đều đã được định trước. Khi anh thủ quân đọc một tràng mã số thì các cầu thủ trong đội của anh ta đã biết phải chạy về hướng nào và phải làm gì. Họ buộc phải làm y như vậy không được thay đổi. Chẳng hạn như một anh widereceiver được lệnh chạy 25 bước, 20 độ về phía trái, quặt phải ba bước, và quặt trái 5 bước, rồi quay lại đưa tay bắt. Nếu anh làm đúng như vậy, và nếu người thủ quân có tài ném chính xác thì khi anh đưa tay lên bắt, trái banh cũng vừa vặn rơi đúng vào tay anh. Trong nhiều trận banh, ta thấy anh widereceiver chạy trên sân cỏ, hai bên là hai địch thủ kèm sát, vậy mà anh vẫn có thể đưa tay lên bắt được quả banh một cách tài tình. Muốn làm được điều này, những cầu thủ phải khổ công luyện tập các đấu pháp với nhau trong nhiều tháng ngày. Trong khi bên công có những đấu pháp riêng thì bên thủ lại cũng có những đấu pháp của họ để ngăn chặn không cho bên công tiến về hoặc chạm vùng cấm địa (touch down) của mình. Thường thì họ sẽ phá vòng bảo vệ bên công, xông vào vật ngã người quarterback (sack) trước khi anh này có thì giờ ném banh cho đồng đội.

Mất banh:
Như các bạn đã thấy, bốn lần xuống chỉ để lấn 10 yards, mới nghe tưởng là dễ nhưng trên thực tế rất khó. Mười yards tuy là một khoảng cách ngắn nhưng không dễ gì lấn được vì phía bên thủ như một bức tường đồng, sẽ ngăn chận sự tiến banh của bên công. Đôi khi, đội công sẽ dùng chiến thuật ném dài (bomb) với hy vọng sẽ tiến xa hơn, nhưng cách này rất nguy hiểm vì nếu ném không chính xác, banh có thể bị bên đối phương bắt được (intercept). Khi đội công bị mất banh vì intercept, họ sẽ phải trao banh lại cho đối phương và trở thành đội thủ. Đôi khi, đội công vừa bị đoạt banh (intercepted) mà lại bị đội thủ chạm vùng cấm địa nữa (touched down).
Khi một cầu thủ của đội công đang ôm banh chạy mà bị đối phương húc (tackle) văng banh xuống đất, thì ta gọi là anh bị fumble. Nếu anh ta hoặc đồng đội của anh chụp lại được quả banh (recover), anh vẫn có thể tiếp tục chạy tiếp về vùng cấm địa của bên thủ để làm bàn hay cho đến khi anh bị vật ngã (sack). Trong trường hợp này, bên công vẫn được quyền giữ banh tiếp và lằn định vị sẽ là nơi quả banh chạm đất. Bằng không, nếu một cầu thủ của bên đội thủ nhặt được banh, anh này sẽ ôm banh chạy ngược về vùng cấm địa của bên công để làm bàn (touch down) hay cho đến khi anh ta bị những cầu thủ của bên công vật ngã (sack). Sau đó, quả banh sẽ được trao cho đội thủ và họ trở thành đội công. Khi một đội bị mất banh vì intercept hay fumble, ta gọi là turn over.

Phạt:
Khi một hay nhiều cầu thủ một đội, dù công hay thủ, vi phạm luật lệ họ sẽ bị phạt (penalty) bằng cách dời vạch khởi đầu (line of scrimmage) về phía phần đất của họ 5, 10, 15 yards tuỳ theo lỗi vi phạm. Vì khuôn khổ của bài viết, tác giả không thể kể hết tất cả những lỗi vi phạm ở đây. Những lỗi vi phạm thông thường là di chuyển sớm (false start), chơi trễ (delay of game), nắm nón sắt (face mask), dùng tay trái phép (holding), chận đường hay đẩy không cho địch thủ bắt banh (pass interference), v.v…
Trong nhiều trường hợp, bên không vi phạm có thể chọn cách bỏ lỗi cho bên vi phạm (decline of penalty). Mới nghe thấy lạ, nhưng thật ra không lạ. Thí dụ như bên công bị húc văng banh (fumble) và bên thủ cướp được banh, nhưng cùng lúc bên công lại vi phạm lỗi dùng tay trái phép (holding) chẳng hạn. Nếu bên thủ không bỏ lỗi, bên công chỉ bị phạt 5 yards, nhưng nếu họ bỏ lỗi, bên công sẽ mất banh.

Trọng tài:

Trọng tài là người được thương hay bị ghét nhiều nhất trong bất cứ môn thể thao nào. Nhưng nếu không có trọng tài, thì các trận đấu sẽ diễn ra một cách hỗn loạn và vô trật tự. Người trọng tài đóng một vai trò rất quan trọng trong một trận đấu thể thao, từ việc giữ cho trận đấu trật tự, nhịp nhàng, hay phạt cầu thủ nếu anh ta phá luật, cho đến việc giữ cho các cầu thủ không làm thương tổn đến nhau một cách không cần thiết.
Trong một trận football nhà nghề chúng ta thấy có nhiều người trọng tài (7 người tổng cộng). Họ mặc quần đen, áo đen sọc trắng. Tuy vậy, chỉ có một người trọng tài chính (head referee), còn lại là những người trọng tài phụ. Người trọng tài chính là người duy nhất đội nón trắng, những trọng tài phụ đội nón đen.
Trong một hồi chơi (play), nếu bất cứ một cầu thủ nào, dù bên công hay thủ, vi phạm luật, một trong những người trọng tài sẽ rút cái cờ vàng (flag) đeo bên hông và quăng xuống đất .
Sau đó, những người trọng tài sẽ hội ý với nhau để quyết định lỗi của bên nào, và lỗi vi phạm là gì. Người trọng tài chính sau đó chạy ra giữa sân, quay mặt về phía khán đài chính và tuyên bố lỗi vi phạm cùng hình phạt dành cho đội vi phạm.

Super Bowl:
Mùa banh cà na bắt đầu vào khoảng tháng 6 và kết thúc bằng trận Super Bowl vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 1. Các đội banh chuyên nghiệp của Hoa Kỳ đều thuộc National Football Leage (NFL). NFL lại chia làm hai ngành: National Football Conference (NFC) và American Football Conference (AFC). Mỗi ngành gồm 16 đội, chia làm 4 nhóm (North, South, East, West), mỗi nhóm có 4 đội, tổng cộng là 32 đội. Một đội banh là một công ty, điều hành và hoạt động như một công ty. Lợi nhuận hằng năm của họ lên đến hằng trăm triệu. Mỗi đội banh chọn một thành phố để làm bản dinh của mình, chẳng hạn như Oakland Raiders, San Francisco 49ers, Dallas Cowboys, Miami Dophines ….Los Angeles hiện thời là thành phố lớn duy nhất không có đội banh football. Ngày xưa, Los Angeles có hai đội Raiders và Rams.
Các đội banh sẽ đấu với nhau hàng tuần, sắp hạng và cuối cùng chỉ còn lại 8 đội thuộc NFC và 8 đội thuộc AFC để vào vòng cuối (play off). Hai đội vô địch, một của NFC và một của AFC sẽ so tài trong ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 1 tại một vận động trường có địa điểm trung dung, để tranh giải Super Bowl và đoạt chức vô địch NFL trong năm.
Super Bowl là ngày truyền thống của dân Hoa Kỳ, có thể được xem như là một ngày lễ lớn. Người ta ước lượng số khán giả xem Super Bowl trong ngày này lến đến cả mấy trăm triệu người. Một vé để xem Super Bowl rất đắt tiền, có khi lên đến cả vài ngàn mà vẫn không có để mua. Một vận động trường ở Hoa Kỳ trong trận Super Bowl có thể chưá đến 100,000 người. Nếu trung bình chỉ 200 đồng một vé, chỉ với số tiền bán vé đã là 20 triệu Mỹ kim, đó là chưa kể tiền bán bia, nước, thức ăn, đậu xe, nón, mũ, áo ….Thành phố nào được lãnh tổ chức giải Super Bowl sẽ đem về một số ngân khoản không nhỏ cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm …
Trong ngày Super Bowl, dân ghiền football mà không đến được vận động trường, họp nhau lại tại nhà bạn bè, xem football trên TV màn ảnh lớn, uống bia và cá độ. Lượng bia và thức ăn, nhất là pizza, được tiêu thụ trong ngày này không phải là ít. Đường phố, xa lộ trong ngày này rất vắng vẻ, vì hầu hết các đấng mày râu đều ở trong nhà xem TV. Vì lượng khán giả xem TV trong ngày Super Bowl lên đến hằng trăm triệu người nên lệ phí quảng cáo trong giờ này cũng đắt kinh khủng. Một phút quảng cáo trong trận Super Bowl vừa rồi được trả với giá 2 triệu Mỹ kim. Trong ngày này, các công ty sẽ tung ra những show quảng cáo hay nhất của họ. Thêm vào đó, chương trình nhạc trong giờ nghỉ (half time show) cũng rất đáng đồng tiền, nhất là trong kỳ Super Bowl XXXVIII vừa qua, anh chàng ca sĩ Justin Timberlake đã chơi một màn táo bạo, đưa tay lột áo để phơi nửa bộ ngực của nàng ca sĩ da đen Janet Jackson cho hằng trăm triệu khán giả chiêm ngưỡng. Vụ này đã gây nhiều sôi nổi, chấn động trong nhiều ngày khiến cơ quan kiểm soát truyền thông (FCC) của Hoa Kỳ phải ban hành lệnh buộc các đài truyền hình phải trì hoãn 7 giây trước khi phát hình cho công chúng hầu có thể cắt ngay được những màn được gọi là "không được trong sạch" này.
Lời cuối:
Với kiến thức hạn hẹp nhưng tác giả cũng hy vọng bài viết này đã mang lại cho bạn đọc ít nhiều hiểu biết về môn football mà người Mỹ đã yêu chuộng gần trăm năm nay. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến xây dựng, phê bình và đóng góp của các đọc giả. Chúc các bạn đọc nhiều niềm vui trong mùa football sắp tới và sẽ được nhiều thích thú trong ngày Super Bowl kỳ thứ XXXIX trong tháng 1 năm 2005.
Trần Quốc Sỹ

Ý kiến bạn đọc
26/02/202101:16:49
Khách
https://genericviagragog.com viagra sildenafil
21/02/202106:02:23
Khách
top erectile dysfunction products <a href=https://plaquenilx.com/#>plaquenil blurry vision</a> best erectile medicine
25/02/202006:37:06
Khách
Price For Zithromax http://cheapcialisir.com - cialis from canada Viagra Et Hypertension Arterielle <a href=http://cheapcialisir.com>online cialis</a> Propecia Tolerance
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến