Hôm nay,  

Cầu Vồng Giữa Mùa Hè

13/03/200400:00:00(Xem: 307439)
Người viết: NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
Bài số: 490-1027-vb8070304

Tác giả Nguyễn Trần Diệu Hương cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp nhiều bài viết đặc biệt và được trao tặng giải thưởng viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Tiếp tục viết về nước Mỹ, trong năm qua, bài ”Chuyện Mùa Valentine: Hoàng Thu” của Diệu Hương đã thành “top ten” trên Việt Báo Online, với 5,550 lượt người đọc. Sau đây, thêm một bài viết mới.
*

Trong mỗi câu chuyện với tôi, bao giờ bà Meena cũng có thành ngữ "IN my day" (diễn giải bằng tiếng Việt là thời của tôi, hồi đó, thời trước…). Tôi vẫn bỏ ra mười phút mỗi tuần nghe những câu chuyện 'in my day" của bà, mà liên tưởng đến những người già Việt Nam ở Mỹ vừa hoài vọng những ngày xưa cũ, vừa để một phần tâm hồn ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Bà Meena trở thành "bạn" của tôi sau gần sáu tháng tôi sống ở đường McComick. Sự riêng tư gần như tuyệt đối ở Mỹ và đời sống bận rộn không làm hàng xóm có một mối thân tình "bà con xa, xóm giềng gần" như trong những xóm nhỏ ở đô thị, hay những làng quê bên lũy tre xanh của Việt Nam.
Tôi chỉ biết về đời sống ở quê hương thứ hai của mình bằng hiện tại và tương lai nhiều hơn là quá khứ, cho đến khi tôi thực sự là bạn của bà Meena một "người bạn lệch tuổi" theo như cách viết của nhà văn Hà Thúc Sinh.
Ngày chúng tôi dọn đến căn nhà ở góc đường, ngày đứa đầu tiên trong mấy chị em thực hiện được "giấc mơ Hoa Kỳ" và bắt đầu hiểu nỗi lo toan của mortgare mỗi tháng, bà hàng xóm ở phía đối diện đang làm vườn trước sân cỏ bên kia đường. Một lúc nghỉ tay nào đó, bà ngẫng đầu lên và chỉ cười xã giao "Hi" với chúng tôi như để làm quen với những người hàng xóm mới. Quán tính Việt Nam "kính lão đắc thọ" làm chúng tôi vừa mở miệng chào lại bà, vừa giơ tay dở cái mũ đang đội trên đầu xuống. Chắc là bà Meena không hiểu phong tục của những di dân với văn hóa Đông phương, nhưng chúng tôi làm điều đó như một "phản xạ tự nhiên" khi chào một người ở thế hệ lớn hơn.
Bên kia đường đối diện nhà chúng tôi là nhà bà Meena một bà cụ người Mỹ trạc tuổi mẹ chúng tôi, có một mái tóc bạch kim bồng bềnh. Nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi có bao nhiêu sợi bạc vì tuổi tác và bao nhiêu sợi trắng vì đó là màu nguyên thủy từ DNA của bà" Lối xưng hô của người Mỹ rất là tổng quát, chỉ có "you" cho người đối diện, bất kể người đó ở tuổi nào hay ở giai cấp nào của xã hội nên chúng tôi không phải phân vân nên gọi là Meena bằng "cụ, bà, bác hay cô" như khi nói chuyện không phải với người đồng hương lớn tuổi.
Lúc đầu, bà Meena chỉ giữ tình hàng xóm rất chừng mực, khách sáo có lẽ để thăm dò và phán đoán chúng tôi. Đến khi chúng tôi sơn lại căn nhà màu trắng, và thay mái nhà đã "ngã màu rêu phong" bằng một mái ngói mới và tu sửa lại những nét điêu tàn mà người chủ, không hiểu vì gặp chuyện buồn trong công ăn việc làm hay trong đời sống gia đình mà không hề săn sóc căn nhà từ gần cả năm trước ngày bán cho chúng tôi, bà mới tỏ ra là một người hàng xóm thân cận với chúng tôi. Mỗi sáng thứ bảy, chúng tôi cặm cụi cắt cỏ, làm vườn và trồng thêm những bụi Lilly cùng hàng hoa hồng đủ màu sắc. Góc đường Mc Comick và Springfield chợt rực rỡ hơn, những người hàng xóm đi bộ hoặc lái xe đi ngang đều chào hỏi chúng tôi niềm nở. Riêng bà Meena vào một sáng thứ bảy chúng tôi đang làm vườn như thường lệ bà chạy qua tận tình chỉ bảo chúng tôi cách chăm sóc vườn tược hoa cỏ. Bà còn niềm nở mời chúng tôi ra thăm sân sau nhà bà, một khu vườn nhỏ được ngăn làm hai: một bên là chỗ đọc sách giữa trời của bà, bên kia là những viên đá đủ cỡ, đủ màu, nhặt nhanh từ khắp nơi trên thế giới, những quốc gia mà ông bà từng đặt chân đến.
Người già thường sống ở quá khứ. Cho nên, bà Meena rất hào hứng khi kể với chúng tôi về những cuộc du ngoạn cùng chồng khi ông còn sinh thời, về thành phố Santa Clara hãy còn vắng vẻ, đìu hiu ngày ông bà mới lấy nhau và mua một trong những căn nhà được xây dựng đầu tiên trên đường McComick. Hồi đó, đời sống không văn minh như bây giờ nhưng dưới cái nhìn của bà Meena người ta quý trọng và để ý nhau nhiều hơn, đời sống đỡ bất an hơn. Hồi đó, không cần phải vẽ hình con mắt ở lề đường với chữ "neighborhood watch" mọi người vẫn tự động coi ngó nhà cửa cho nhau và bất cứ một người lạ khả nghi nào lãng vãng đều được thông báo cho cảnh sát địa phương.
Lý do chính để bà Meena quý chúng tôi không phải vì chúng tôi lễ phép và lịch sự với bà mà là vì bà thích nói về một thời hào hừng của người chồng quá cố trong chiến tranh Việt Nam và chúng tôi cũng thích tìm hiểu về giai đoạn đó. Vì vậy cả bà Meena lẫn chúng tôi đều coi đi, coi lai ít nhất là 3 lần phim "Forrest Gump" có một cái lông chim màu trắng bay phất phới ở cảnh đầu và cảnh cuối, phản ảnh nhân sinh quan "đời nhẹ tựa lông hồng" và quan niệm Phật giaó "cuộc đời sắc sắc, không không". Phim có cốt truyện hay lại càng tuyệt vời hơn nhờ tài diễn xuất của Tom Hanks tài tử của mọi thời đại, mọi lứa tuổi đã mang chúng tôi về thời kỳ "in my day" của bà Meena.
Bà phân tích chiến tranh Việt Nam, nói về những cuộc biểu tình phản chiến ở rất nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đặc biệt là ở thủ đô Washington DC, không thua Peter Jennings của ABC, hay Tom Brokaw của NBC. Là vì ông Jeff chồng của bà Meena đã trải qua sáu năm của thời trai trẻ ở Việt Nam. Sáu năm đó đầu thập niên sáu mươi, bà Meena phải vò võ nuôi con một mình như hình ảnh người đàn bà Việt Nam trong "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm.
Nhịp sống thời đó còn chậm, không tất bật như bây giờ nên bà có thì giờ theo dõi qua màn ảnh truyền hình màu, lúc đó màu sắc hãy còn nhợt nhạt thô so hình ảnh những người lính Mỹ ở quây quần trong những trại lính ở VN, hay đang mang vác súng đạn đầy mình trong một khu rừng nào đó ở một đất nước nhỏ bé, xa xôi ngàn dặm có mưa nhiệt đới, có những cánh rừng U Minh đầy muỗi.
Lúc đó, chưa có email, điện thoại xuyên đại dương giá rất cao và chất lượng âm thanh không được tốt, ông lại là một người lính nay đây mai đó, nên bà chỉ có tin chồng qua những tấm postcard hay qua những bức thư viết vội vã với đầy lời thương nhớ dành cho bà và cậu con trai chưa đến tuổi vào mẫu giáo.
Bà Meena cùng nhiều người vợ lính khác đã rất phẫn nộ khi cô đào Jane Fonda, chỉ biết một mà không biết mười, ra thăm Hà Nội và trở về Mỹ châm lửa thêm cho những cuộc biểu tình phản chiến của những người Mỹ biết nhiều thứ nhưng rất là ngây thơ, mù mờ với chủ nghĩa CS. Có một lần, bà Meena gởi con cho bà ngoại cùng hai người vợ lính khác bay qua tận Virginia để chào đón những quan tài đem về từ Việt Nam được an táng ở nghĩa trang quốc gia Arlington và để vinh danh những người lính mãi mãi không quay về.
Đúng như truyền thống tự do tuyệt đối, bà Meena cùng những người vợ lính khác cũng đeo nơ vàng (biểu tượng của sự chờ đợi) cũng nói lên tiếng nói của những người vợ lính bằng một cuộc biểu tình ủng hộ những thanh niên Mỹ trẻ "gác bút nghiên lo việc đao cung". Nhưng vì một lý do nào đó, ống kính truyền hình và máy ảnh của các phóng viên nhà báo vẫn tập trung ở những cuộc biểu tình phản chiến nhiều hơn (hình như đó cũng là điều rất là bất hạnh của đất nước Việt Nam). Không một ai ở Capital Hill bỏ thì giờ và tiền bạc "lobby" cho một đất nước nhỏ bé, xa xôi nên quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho miền Nam trong khi Tàu và Nga vẫn cung cấp đầy đủ lương khô và súng đạn cho miền Bắc, đẩy Việt Nam vào "vận nước nổi trôi".
Bà Meena kể lại là bà cũng không biết nhiều về chiến tranh Việt Nam lắm và cũng rất là đau lòng trước những chiếc quan tài bọc kẽm có phủ cờ Hoa Kỳ. Nhưng bà tin điều ông Jeff làm là đúng. Cũng vì vậy, cô sinh viên Meena son trẻ của thập niên năm mươi đã lấy chàng Jeff từ trường võ bị West Point thay vì chọn những thanh niên khác, tốt nghiệp từ trường Princeton toàn "con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai" hay trường Yale lẫy lừng khắp thế giới chuyên đào tạo những nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Ngoài tình yêu dành cho ông, bà còn kính trọng và tin tưởng những điều ông làm là đúng. Chúng tôi quý bà Meena nhất ở điểm này, vì thấy bà rất gần với hình ảnh những người đàn bà Việt Nam đầy khí tiết và chung thủy không hề "tham phú phụ bần".
Khi hiệp định Paris ký kết năm 1973 ông Jefftừ Việt Nam trở về, hình dáng bên ngoài vẫn lành lặn nhưng bên trong một mẫu đạn nhỏ vẫn còn nằm đó nên mỗi lần trời trở lạnh, cột xương sống của ông lại hành tội cả ông lẫn bà. Làm xong nhiệm vụ của một công dân Hoa Kỳ khi đất nước cần, ông rời bộ quân phục trở lại đời sống dân sự bình an, tiện nghi của đất nước giàu nhất thế giới. Họ dồn hết vốn liếng và trợ cấp của quân đội cấp cho ông khi ông giải ngũ, mở một trạm xăng chỉ cách nhà không đầy hai miles. Trạm xăng đó bây giờ vẫn còn nguyên tên cũ, mặc dù đã đổi chủ ít nhất hai lần.


Không cần phải nói, bà Meena luôn luôn đổ xăng ở trạm xăng đó, không phải vì đó là trạm xăng gần nhà nhất, mà còn là dịp để nhìn lại những thay đổi kể từ ngày "in my day" nhìn lại một cơ ngơi mà thấp thoáng đâu đó vẫn còn hình ảnh của người chồng quá cố, can cường với kẻ thù, nhưng rất dịu dàng với vợ con, bạn bè và hàng xóm.
Theo lời bà, bước đầu mở một cơ sở thương mại không có nhiều vốn liếng, ông bà đành thay phiên nhau ra đứng bán ở trạm xăng. Dạo đó không có hệ thống trả tiền bằng thẻ credit hay the Debit tự động ở cột bơm xăng. Thế nên, lúc nào cũng có khách vào trạm xăng nếu không để trả tiền mua xăng thì cũng để mua lon nước ngọt, tấm bản đồ, bao thuốc lá, chai nhớt….hay chỉ để hỏi đường ra xa lộ. Ông bà tất bật cả ngày, có khi phải để cô con gái thứ hai, chào đời sau ngày ông trở về từ Việt Nam chơi trong góc phòng chứa hàng ở góc tiệm. Khi trạm bán xăng khấm khá hơn họ thuê ba nhân viên thay phiên nhau làm mở tiệm xăng 24 tiếng mỗi ngày, chỉ có ông ra cơ sở thương mại mỗi ngày. Bà ở nhà bắt đầu xây dựng "viện bảo tàng chinh chiến" của ông và xây dựng "vườn tĩnh tâm" của bà.
Gọi là "viện bảo tàng chinh chiến" vì ông mang về rất nhiều thứ ở Đông Nam Á, đặc biệt ở chiến trường Việt Nam trong thời gian ông theo quân đội, phục vụ ở nhiều nước trên thế giới, từ cái gạt tàn thuốc làm bằng vỏ đạn đến tấm thẻ bài, mấy cái huy chương quân đội ông nhận được, hình bán thân của ông trong quân phục với quân hàm Trung tá lẫm liệt uy nghi, hình ông chụp với Bob Hope ở Đà Nẵng trong dịp người tài tử có tấm lòng này đi tiền đồn thăm lính Mỹ vào dịp lễ Giáng sinh, hình ông chụp với xướng ngôn viên của chương trình "Good morning, Vietnam" dành cho lính Mỹ, đến những tấm hình ông chụp với các sĩ quan Việt Nam, rất dễ nhận ra ông với dáng dấp của người Tây phương cao trội hẳn…
Tôi đặc biệt chú ý đến chiếc trâm cài tóc làm bằng vỏ cây và một cây thước dài khoảng 3 inchs có khắc hai chữ "Charlie" vì những di vật của ông Jeff không những chỉ có ý nghĩa với riêng ông, được ông mang theo trong hành trang quân đội rất gọn nhẹ, mà còn giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về VN thời chiến tranh trước năm 1975 và quý trọng ba tôi, cùng những người đã một thời chiến đấu cho cờ vàng nhiều hơn.
Bà Meena thì đặc biệt quý những viên đá đủ màu. Đến lúc cậu con trai lớn đã thành người, lập gia đình và dọn về Colorado, cô con gái nhỏ vào đại học, thấy trách nhiệm sắp hoàn thành, ông bà thuê một người quản lý trông coi trạm xăng và bắt đầu du lịch nhiều nơi. Ở mỗi nơi trên thế giới có dịp đặt chân đến bà mang về đủ loại đá đủ màu khắp năm châu bốn biển, biến mãnh vườn nhỏ của bà thành một ống kính vạn hoa vĩ đại. Nhất là về mùa hè những tia nắng mặt trời làm việc lâu hơn, chiếu qua những viên đá đủ cỡ, đủ màu làm thành một dãi cầu vòng giữa trời nắng chói chang.
Ở trong nhà, bà Meena giữ nguyên phòng làm việc của ông Jeff. Không có một thay đổi nào từ nagỳ ông Jeff vào bệnh viện sau một cơn stroke nặng (tiếng Việt gọi là đứt mạch máu não) và mãi mãi không về. Cả cái mũ baseball và cái áo Jacket màu olive ông mang về từ một thời chinh chiến, vẫn móc ở giá treo áo trong góc phòng như chủ nhân của nó vẫn ở quanh đây.
Khó tìm được một người đàn bà Mỹ chung thủy, kính yêu chồng như bà Meena. Sự kiện bà có thể tự cắt cỏ, tự làm vườn, tự thay bánh xe, thay nhớt xe được không phải là khó tìm đối với đàn bà, con gái Mỹ. Nhưng tìm được một người đàn bà Tây phương có những nét trung trinh, đôi khi hơn cả đàn bà Á Đông như bà Meena cũng khó như tìm thấy cầu vòng giữa mùa hè.
Tiếc là tôi chỉ được biết ông Jeff qua di ảnh, nhưng tôi biết đó là một người đàn ông đúng nghĩa có bản lĩnh, hiểu mình muốn gì và đủ nghị lực làm điều mình muốn. Cá tính của ông mạnh đến nổi ông đã để lại cho bà Meena rất nhiều thói quen của ông lúc còn sinh thời. Chẳng hạn, bà không hề quên việc đi xuống downtown San Jose mỗi năm dự lễ diễn hành vào ngày Cựu chiến binh của Mỹ 11 tháng 11 hàng năm, hay không bỏ sót ba lần đi bơi mỗi tuần ở hồ tắm của công viên thành phố, dù nắng hay mưa. Mỗi năm cũng vào ngày cựu chiến binh bà ghé qua nghĩa trang thăm ông và luôn mang hoa Carnation cánh trắng, nhụy vàng đặt trên phần mộ của ông, thì thầm với ông rằng "tôi cũng mới đi xem diễn hành về như mọi năm đây ông ạ! Tôi đâu có quên ông, đâu có quên những người mặc quân phục phải chịu nhiều thiệt thòi". Cũng giống như những người già ở Việt Nam, bà Meena đã chuẩn bị nơi "thác về" của mình, nằm song song cạnh ông.
Mỗi năm hai lần vào dịp lễ độc lập July 4 và lễ tạ ơn Thanksgiving hai người con của bà Meena cùng gia đình nhỏ của họ bay về thăm bà. Xem ra họ cũng rất là thương mẹ, nhưng không ai thích ngồi nghe những câu chuyện "in my day" được lập đi lập lại của bà và họ lại càng không tha thiết lắm đến "viện bảo tàng chinh chiến" của ông. Do vậy, bà Meena rất quý chúng tôi vì tuần nào chúng tôi cũng thay phiên nhau ngồi nghe bà kể lại những mẫu chuyện "In my day". Có những điều được lập đi, lập lại nhiều lần nhưng chúng tôi không thấy nhàm chán. Vì qua bà chúng tôi thấy thấp thoáng hình ảnh mẹ và những người đàn bà Việt Nam hiền phụ, vẫn chu tròn bổn phận dù phải chịu nhiều gian truân cùng vận nước nổi trôi.
Bà dạy tôi cách luộc "ravioli" không làm những viên nuôi kiểu Ý bể miệng hay nở quá to. Bà cũng dạy tôi cách chọn những trái Cantaloupe hay melon để chắc chắn có được những trái dứa Nam Mỹ ngọt ngào vừa chín tới. Đáp lại tôi chỉ bà cách làm chả giò nhân tôm, gói nhỏ bỏ vào vừa lọt trong miệng theo kiểu người Huế. Và mở thùng thư của bà, cất giữ mọi thư từ hóa đơn khi bà vắng nhà trong những chuyến du lịch cùng "Senior club" vào mùa xuân hay hè mỗi năm.
Dạo gần đây, bà Meena yếu hơn chỉ còn lái xe trên những đường phố nhỏ. Mỗi lần phải dùng xa lộ bà thường đi Taxi hay đi nhờ Shuttle Bus của những người bạn ở trong một khu tập thể cho những người già gần đó.
Có lần trong lúc làm vườn bà lỡ trượt chân chỉ là trên mặt bằng của thảm cỏ nhưng vì là người già nên chân phải của bà bị bó bột gần bốn tháng. Hai người con của bà có về thăm mẹ vào cuối tuần rồi lại bay đi, về với công việc và gia đình riêng của họ. Vốn dĩ là một người hoạt động thích sống "outdoor" và sống cả ngày trong khu "vườn tĩnh tâm" bà Meena rất bực bội khi phải ngồi trên xe lăn, chỉ nhìn được không gian bên ngoài qua khung cửa sổ. Em tôi mang cái PC cũ mà sở vừa phế thải qua cho bà. Nó cặm cụi nữa ngày mở CPU ra lắp ráp rồi mang qua gắn ở phòng làm việc của ông. Sau đó tôi hướng dẫn bà cách dùng Microsoft word và cách search internet, cách viết email. Bà Meena cũng thuộc loại người sáng dạ nên chỉ sau một ngày thứ bảy bà đã biết cách ra vào internet. Và từ đó bà càng tin yêu chúng tôi hơn. Bà cho chúng tôi một chìa khóa nhà bà nhưng chúng tôi không dám nhận, viện cớ là chúng tôi đâu có giờ vào nhà bà mỗi ngày. Và chúng tôi chỉ vào nhà bà khi có bà ở nhà.
Hai người con của bà có cho chúng tôi số phone và địa chỉ email của họ để trong trường hợp khẩn cấp bà Meena bệnh nặng chúng tôi có thể báo tin cho họ ngay. Chúng tôi vẫn giữ kỹ những dữ kiện đó trong PC, và trong "Address book" của mình, cầu mong là sẽ còn lâu, lâu lắm mới có dịp dùng đến.
Chúng tôi quý bà Meena vì rất nhiều lẽ, không phải chỉ vì bà ở gần như suốt ngày có thể trông chừng nhà giúp chúng tôi từ ô cửa sổ nhà bà, như những người hàng xóm khác vẫn nghĩ. Vả chăng, nơi chúng tôi ở là một thành phố nhỏ chưa có một vụ lộn xộn nào xảy ra. Con đường McComick lại càng bình yên hơn có những tàng cây khổng lồ che chở cả con đường như đất nước Hoa Kỳ đã chở che rất nhiều người tỵ nạn thuộc đủ quốc tịch, đủ màu da. Hơn thế nữa, khi giúp được cho bà Meena điều gì chúng tôi vẫn nghĩ đến ba mẹ ở bên kia đại dương khi "tối lửa tắt đèn" chúng tôi chưa về kịp, cũng có người giúp đỡ như chúng tôi đối xử với bà Meena.
Nếu đời sống cứ phẳng lặng trôi qua ở một đất nước bình yên, với tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới như Mỹ, đến lúc chúng tôi bước vào tuổi của bà Meena bây giờ, những câu chuyện "in my day" sẽ bao gồm nhiều kỷ niệm ở quê hương thứ hai hơn là quê hương thứ nhất. Lúc đó "In my day" của tôi sẽ đầy vị ngọt ngào, đầy màu sắc cầu vồøng của những năm tháng sống lưu vong, nhưng buồn thay tôi biết chắc chắn vị chua cay, màu đen tối của thời mới lớn ở quê nhà sau năm 75 vẫn mãi mãi còn đó, không bao giờ nhòa.
Bởi vì, như Mandela Nelson một nhà lãnh đạo nổi tiếng, một người tù vĩ đại đã nói "Chúng ta có thể tha thứ, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên".

Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara, tháng 3/04 Quà cho sinh nhật Mar 18th của Anh-NĐT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,302,549
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến