Hải Triều là tác giả viết về nước Mỹ có số lượng bài viết nhiều nhất trong suốt 3 năm qua. Ông hiện cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont. Sau đây là bài viết mới nhất trình bầy những ghi nhận khách quan và quan điểm của ông về việc cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ về thăm Việt Nam nói là để "hoà hợp, hoà giải".
*
Anh Viễn,
Đúng vào lúc định viết thư cho anh thì tôi nhận được thư của anh. Tôi thật vui mừng được biết anh và gia đình anh vẫn bình yên và vẫn cứ "ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch". Ăn nhiều rau như vậy kể cũng tốt anh Viễn ạ. Ở Mỹ ăn nhiều thịt cá, bơ sữa gây ra đủ chứng bệnh khiến cuối cùng người ta cũng phải tìm về với rau trái nếu muốn có được sức khỏe tốt. Từ xa xưa ông bà ta đã nói ăn cơm thì phải có rau, đau ốm thì phải uống thuốc quả thật không sai.
Trở về với lá thư của anh. Anh có vẻ quan tâm đến việc cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước. Theo anh thì ở trong nước, những người đã trưởng thành trước năm 1975 tức là những người đã biết ông Kỳ đêàu tỏ ra bất mãn với việc ông Kỳ về nước và những lời tuyên bố của ông ta. Anh muốn biết dư luận của người Việt ở bên Mỹ như thế nào và anh cũng hỏi tôi rằng liệu ông Kỳ có thể làm nên cơm cháo gì trong việc đứng ra hòa giải như ông ấy đã coi đó như là mục đích trong chuyến về Việt Nam lần này không" Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất của anh theo những dữ kiện thu thập được qua các phương tiện truyền thông ở hải ngoại. Về câu hỏi thứ hai tôi sẽ trả lời theo nhận định của tôi nhưng cũng dựa trên những sự kiện thực tế mà chính anh cũng có thể nhìn thấy được.
Việc ông Kỳ về nước và nhất là sau những lời tuyên bố ca tụng độc tài, độc đảng của ông ấy khi về tới Việt Nam đã gây dư luận sôi nổi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và ở hải ngoại nói chung. Những bài bình luận trên báo chí, những bản tuyên cáo của những tập thể, hội đoàn trong cộng đồng người Việt và những ý kiến cá nhân ở khắp nơi bày tỏ về vấn đề này tràn ngập trên internet. Nhiều ý kiến tỏ ra quyết liệt đối với giọng điệu của ông Kỳ nhưng cũng có những ý kiến coi nhẹ những gì ông Kỳ đã nói.
Trong số những ý kiến coi nhẹ những lời tuyên bố của ông Kỳ có ý kiến cho rằng ông Kỳ sống trên một đất nước tự do cho nên ông ấy muốn đi đâu thì đi, ông ấy muốn nói gì là quyền của ông ấy chẳng nên bàn tán làm gì. Ý kiến khác thì cho rằng tuyên bố bạt mạng, nói năng thiếu suy nghĩ vốn là bản chất của ông Kỳ cho nên chẳng cần để ý đến những lời tuyên bố của ông ấy làm gì cho bận tâm. Nhưng có hai ý kiến có lập trường trái ngược nhau, một đàng chỉ trích một đàng tán thành việc làm của ông Kỳ là hai ý kiến đáng chú ý và cũng là ý kiến của nhiều người hơn cảø.
Ý kiến thứ nhất coi việc ông Kỳ về nước và những lời tuyên bố tâng bốc, ca tụng chế độ cộng sản là một thái độ hèn nhát và phản bội. Còn ý kiến thứ hai thì cho rằng ông Kỳ có thể bắc một nhịp cầu thông cảm giữa người Việt hải ngoại và nhà cầm quyền cộng sản để đi đến hòa giải hầu đem lại lợi ích cho đất nước và dân tộc. Trong hai ý kiến này tôi cần phải nói rõ để anh biết là ý kiến phản đối ông Kỳ chiếm đa số, chỉ có một thiểu số đồng ý với việc làm của ông Kỳ mà thôi. Đây không phải là cái nhìn chủ quan của tôi mà là những dữ kiện thu thập được trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt là từ một cuộc thăm dò trên internet.
Cuộc thăm dò này được mở ra trên thuvienvietnam.com cách đây chưa đầy một tháng nhưng cho đến nay đã có 6416 người tham gia trả lời câu hỏi. Trong số này có 5871 người tức 91.51% tỏ thái độ "Chống đối và khinh bỉ hành động của ông Nguyễn Cao Kỳ". Chỉ có 545 người tức chiếm 8.49% tỏ thái độ "Ủng hộ, tán thành và tha thứ hành động của ông Nguyễn Cao Kỳ".
Nói đến việc hòa giải nếu là nghiêm chỉnh thì tôi tin chắc anh cũng như tôi hay bất cứ một người Việt Nam nào, chẳng có ai mà lại không mong muốn phải không" Sau bao nhiêu năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá, bao nhiêu taì nguyên bị hủy hoại, nhân tâm ly tán, người trong một nước mà coi nhau như thù địch. Hòa giải để mọi người dân Việt trong nước cũng như ngoài nước cùng góp sức xây dựng đất nước, làm cho nước mạnh dân giàu hẳn phải là ước vọng của mọi người. Nhưng liệu ông Kỳ có thể làm được chuyện đó hay không thì tôi cho rằng KHÔNG.
Lý do thứ nhất về phía người Việt hải ngoại thì như anh thấy, theo cuộc thăm dò kể trên, chỉ có một thiểu số đồng ý với việc làm của ông Kỳ cho nên những gì ông Kỳ suy nghĩ không phải là cách suy nghĩ của người Việt hải ngoại. Thay vì hòa giải, ông Kỳ lại có hành động khiêu khích người Việt hải ngoại khi lên tiếng bênh vực, ca tụng một chế độ độc tài, phản dân hại nước và chỉ trích công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền đang càng ngày càng được ủng hộ. Người Việt hải ngoại mong muốn hòa giải nhưng không bao giờ chấp nhận cái kiểu hòa giải như vậy.