Hôm nay,  

Grand Canyon

06/02/200400:00:00(Xem: 143062)
Người Viết: BÍCH TRÂM NGUYỄN
Bài số 463-1001-Vb8010204

Tác giả cho biết bà sinh tại Quảng Nam, cư trú tại Pasadena và lả một chuyên viên thẩm mỹ. Sau đây là bài viết đầu tiên bà góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Bài viết được ghi “Kính tặng thầy Phước Tịnh”
*

Grand Canyon là một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới. Xin mời bạn cùng tôi tham dự cuộc du ngoạn tuy ngắn ngủi nhưng mang nhiều ý nghiã.
Ngày đầu tháng Sáu 2003, tôi cùng anh Thanh Thiện lên tu viện Lộc Uyển để tìm một chút thanh thản. Tôi thích được nghe pháp thoại do thầy Phước Tịnh và được ăn một bữa cơm chay rất có lợi cho sức khỏe. Lúc nào tôi cũng cảm thấy ăn rất ngon, bởi tài nấu nướng và chế biến của các thầy cô. Cũng trong lúc này, anh Khanh thông báo ai muốn đi Grand Canyon với tăng đoàn Lộc Uyển ngày 10 tháng 6 thì ghi danh và anh cũng là người bỏ nhiều công sức cho chuyến đi này. Nơi này là nơi mà tôi cũng có ý định muốn đi từ lâu.
Thế rồi rạng ngày 10 tháng 6, một đoàn người gồm 28 vị xuất gia và 27 vị tại gia lên đường. Chiếc xe bus dài và rộng được thuê bao đã đậu dọc theo lối vào tu viện. Mỗi người cùng nhau chất đồ lên phần dưới của chiếc xe bus dùng để chứa đựng hành lý, không thiếu một món gì cần thiết cho các trại sinh. Ngoài ra vì ăn chay nên phải dự trữ đầy đủ thức ăn cho bốn ngày. Từ thức ăn nấu sẳn cho đến rau quả tươi có thể nấu bằng bếp gas mang theo. Khi các vị đã có chỗ ngồi êm thắm trong xe rồi thì xe bắt đầu lăn bánh.
Chẳng bao lâu, một vị đi quanh phát tập nhạc để mọi người cùng nhau ca hát, hầu quên đi quãng đường dài trước mặt, khi thì hợp ca, khi thì đơn ca. Tất cả lời ca mang âm hưởng của thiền vị, an nhiên, tự tại, tiếp nhận đời sống là một ân huệ, một niềm vui, ca tụng vẻ đẹp của trời đất, của muôn loài..
Dần dần những lời ca này đưa tôi thoát ra khỏi vòng tục lụy của quá khứ, dự tính tương lai. Tôi dã đón nhận những lời ca này như những giọt nước mưa mát rượi, tưới vào tâm can ưu phiền này cho được tươi vui trở lại.
Ví dụ như:
Mỗi ngày tôi chọn được ngồi yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim
Và như thế tôi sống vui từng ngày.
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này
bằng trái tim của tôi
Lời ca này là của Nhạc sĩ Trịnh công Sơn. Rất tiếc là anh đã mất cơ hội này.
Trời sập tối thì mọi người cũng vừa đặt chân xuống vùng đất cắm trại. Ai nấy đều bận bịu lấy hành lý xuống căng lều, đốt đèn, lo bữa ăn tối. Trời bắt đầu lạnh, khi mọi việc tạm ổn thỏa, các vị về lều nghỉ dưỡng sức để ngày mai lên đường…
*

Ngày thứ hai của chuyến đi (11/6): Buổi sáng nhiệt độ xuống thấp, các vị trẻ tuổi đã đốt củi lên để sưởi ấm. Nhưng sau đó, nắng đã lên hứa hẹn một ngày đẹp trời. Tôi đang đứng giữa rừng thông cao vút, thẳng tắp, có chim hót, có nắng vàng với những bước chân nhẹ nhàng của các vị đồng hành qua lại trên lá khô, tạo thành một cảm giác bình an vô hạn.
Sau khi ăn sáng xong, mỗi người đem theo hai chiếc bánh ú (một mặn, một ngọt), vài bịch cây trái và nước uống, và cũng đừng quên mang một ít potato chip để ăn phòng khi lượng muối trong người bị mất đi qua đường thoát mồ hôi. Đó là khẩu phần buổi trưa trên đường đi hiking [du ngoại bằng đôi chân]. Địa điểm được chọn là Yaki point. Toán đi được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 gồm những vị không thể đi xa được nên chỉ đi dạo một vòng ngắn, nhóm 2 gồm những vị đi nửa chừng của hố thẳm, nhóm 3 đi sâu hơn nữa vào lòng đất, nhưng chưa phải là điểm cuối cùng là tận dòng sông Colorado.
Tôi và anh Thanh Thiện chọn nhóm 3 mặc dù chúng tôi không còn trẻ nữa! Đường đi xuống là lối đi nhỏ khắc dọc theo thành đá thành những chữ Z chồng chất lên nhau. Đường đi xuống khoảng một mile rưỡi, lúc xuống thì dễ dàng dường như có sức đẩy từ phía sau nên bước đi nhanh hơn. Càng đi sâu xuống thấp thì đường dốc và khó đi vì lởm chởm những đá cuội. Cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ trước mặt như lời mời gọi vô hình khiến những bước chân khập khểnh không muốn bỏ cuộc.
Cuối cùng thì tôi cũng đến một mảnh đất trống nằm lơ lửng doi ra khoảng giữa của lòng đất. Phía bên dưới còn có một hố thẳm nhìn xuống giống như cái lòng chảo vĩ đại được trải thảm rêu xanh đều đặn. Có những đường nứt ngang dọc và đường nứt lớn nhất chạy dọc theo theo chiều dài là dòng sông Colorado mà không thể nhìn thấy từ điểm này. Đây đó, từ dưới đáy vực nổi lên những cù lao băng đá như những hòn non bộ khổng lồ với những đường nét đặc thù. Phía bên phải có cả hàng chục con lừa to lớn khỏe mạnh đứng sắp thành hai hàng. Lúc nãy đi xuống, tôi đã gặp một đoàn 6 con nối lại với nhau đi lên, hai bên lưng đeo những túi lớn. Tôi tò mò hỏi người cỡi lừa rằng, " Những con lừa này chở gì vậy anh " " Anh bảo, "Tôi dùng lừa để cung cấp thực phẩm và những đồ dùng cần thiết cho những người đi hiking sâu dưới đáy vực thẳm." Vì họ không thể đi và về trong một ngày nhưng họ có thể ở dưới đó nhiều ngày. Gió thổi lồng lộng từ nhiều phương và cũng thổi luôn nỗi nhọc nhằn tôi vừa trải qua.
Tôi và anh Thanh Thiện tìm được bóng mát của rặng thông già ở khoảng giữa, đem đồ ăn trưa ra ăn và nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Ít ra tôi là người đang có diễm phúc được ngồi giữa lòng đất bày tỏ cảm tưởng của mình và biết rõ được trong lòng đất cấu tạo như thế nào. Chứ một ngày nào đó, khi tôi đã nằm dài trong lòng đất thì muốn nói một lời cũng không được và muốn biết dưới lưng mình có những gì cũng không xong. Cuối tầm mắt là vách đá thẳng đứng với muôn hình vạn trạng. Bạn có thể đặt tên gì tùy theo óc tưởng tượng của bạn. Tất cả mang màu gạch cua với những tầng lớp đậm lợt khác nhau tùy theo hàng trăm triệu năm đã đi ngang qua nơi đây.
Ngước mắt nhìn lên cao, mặt đất chạy dài phẳng phiu, tôi có thể thấy trời đất gặp nhau ở một đường thẳng mà người ta thường gọi là đường chân trời. Có lẽ vì lý do này mà người xưa bảo quả đất là hình vuông chăng"
Nếu không có sự chứng minh của khoa học thì nhiều người dễ tin rằng tất cả cảnh trí này đều do thần linh tạo tác. Tôi uống thêm ngụm nước cuối cùng để kết thúc bữa ăn trưa. Nhóm 3 gồm khoảng hai chục người, nhưng xuống tới đây chỉ còn khoảng 10 người. Mỗi người tìm một góc trời riêng tư để được tự do. Sư cô Trung Chính dáng dấp nhỏ nhắn với những bước đi vững chãi, lúc nào cô cũng ở trước chúng tôi một quãng xa. Cô chọn điểm vắng và thanh tịnh. Có một nhóm trẻ và sư chú Pháp Trạch ra một mỏm đá xa nhất ở phiá bên trái. Tôi cũng men theo ngồi xếp bằng trên tảng đá, vòng tay trước đùi, định tâm trong mười phút, đối diện với trời xanh mây trắng lãng đãng trôi. Sư chú Pháp Trạch ngồi ở gành đá phía bên kia tụng một bài kinh ngắn, giọng hùng hồn trầm ấm theo gió mang Phật pháp gieo rắc bốn phương trời. Lời giảng của thầy Phước Tịnh hôm đầu tháng đã sống lại trong tôi:
"Đạo Phật là một tôn giáo phi tôn giáo, thần linh phi thần linh. Đạo Phật mang tính chất chân thật, lành và đẹp. Vì Đức Phật là một con người bình thường như chúng ta, cảm thương nỗi đau khổ của chúng sanh nên đã tu khổ hạnh trong sáu năm, đã tìm ra đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Con người có thể tùy cơ ứng biến và chọn lựa Pháp môn nào thích hợp đem lại hạnh phúc cho mình, cho người, đồng thời cũng thể hiện được cái đẹp. Mây đẹp vì mây không có tự tính, không có bảõn ngã, không nhờ gió đẩy về một hướng nào nhất định.


Cũng như vùng đất Grand Canyon này đã khiến nhiều người trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Vì đất đã chấp nhận sự vô thường, biến đổi theo thời gian từng giây từng phút không phản kháng để phô bày sự thật bên trong như thế. Nên nó đẹp. Căn bản của Đạo Phật là chân, thiện, mỹ. Dù con người văn minh tới đâu đi nữa thì chân lý ấy không bao giờ lỗi thời hay biến mất. Con người dù học rộng tài cao cũng không là gì cả. Đời người gồm có bốn giai đoạn giống như một cái cây:
Giai đoạn một là một cái hạt có vỏ cứng
Giai đoạn hai, nứt cái vỏ ra và đâm rễ xuống đất
Giai đoạn ba, vươn lên khỏi mặt đất để trở thành cái cây
Giai đoạn bốn là đâm hoa kết trái cho đời..
Nếu thiếu một trong bốn giai đoạn này thì không còn là cái cây hoàn hảo. Con người cũng vậy. Dù có nói trăm câu ngàn lời đi nữa thì cũng có một điều chính yếu là: Sống trong chánh niệm để nhận biết được những tâm hành bất thiện vừa mới xuất hiện từ đàng xa để có thể chuyển hướng quay về nơi đã xuất hành, trước khi nó trở thành quá lớn biến thành hành động, có hại cho mình và cho người."
Tôi đang làm người học trò trả bài cho thầy, làm sao tránh được sự sai lầm và thiếu sót, đã gây sự thắc mắc trong lòng. ...
Đã hơn mười hai giờ, đến lúc phải đi lên. Mọi người họp lại chụp một vài tấm hình kỷ niệm rồi sửa soạn lên đường. Bước lên vài chục bước là thấy mệt rồi, không làm sao tránh khỏi một chút nản lòng. Nhưng rồi tự phấn đấu mà bước lên thôi. Không ai giúp ai được, điều đó cũng giống như tu hành "ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng."
Đường đi lên mệt hơn mười lần đi xuống. Đây là lúc cần thiết áp dụng thiền hành, giữ hơi thở điều hòa trong khi nhìn xuống dưới chân, đem thân tâm về một nẻo. Đừng nhìn lên trời cao, cũng như đừng nhìn xuống vực thẳm để tránh tàng thức gửi tín hiệu sợ hãi về trái tim làm cho tim đập mạnh. Từng bước, từng bước chậm chắc và hít sâu vào, thở nhẹ ra. Thỉnh thoảng dừng lại bóng mát bên vách đá, uống vài ngụm nước. Trời tuy nắng nhưng gió mát thổi đều nên không bị chảy mồ hôi nhiều.
Cuối cùng thì cũng về đến chốn. Trở về trại thì trời vẫn còn sáng. Bữa cơm tối có nhiều món chay ngon và bổ dưỡng nên năng lượng trong tôi đang hồi phục trở lại.
Sau đó lửa trại được thắp sáng. Tất cả quây quần bên ánh lửa hồng cùng nhau ca hát và các trò chơi chung. Tiếng cười, tiếng vỗ tay nổ ra như bắp rang. Đây là một hình ảnh rất dễ thương. Vì không phân biệt giới tính, tuổi tác, vị thế nên bình đẳng, bình đẳng. Nhất là các em trẻ được dịp phạt người lớn mà không bị một lời quở trách. Người lớn thì dường như chưa bao giờ bước ra khỏi tuổi trẻ nhiệm mầu, tất cả tạo thành một hợp thể đồng nhất biểu lộ tình thương có thể thấy được qua miệng cười của mọi người nở rộ trên môi. Và như thế mang cả niềm vui vào trong giấc ngủ.

Ngày thứ ba của chuyến đi (12/6): Tối hôm qua vui quá nên hôm nay dậy muộn. Chỉ có sư cô Trung Chính lúc nào cũng thức khuya dậy sớm lo ăn uống cho mọi người như một bà mẹ hiền, cần mẫn, bền bỉ
Củi lại được đốt lên để sưởi ấm, khoai lang được bỏ vào để nướng, trà được pha nước dùng cho ăn sáng. Xe bus đã đến và đâu sẵn đó rồi. Mọi người cùng đến Information center thăm viếng và từ đây chia thành 2 nhóm: nhóm một ngồi trên xe bus đi vòng vòng ngắm cảnh. Nhóm hai đi hiking, tôi chọn đi dọc theo đường viền của vực thẳm lên tới điểm cuối cùng là Hermit Rest ở hướng Bắc.
Hôm nay đi trên đường thẳng nên nhẹ nhàng và có bóng mát của những lùm cây. Buổi trưa tôi trải báo dưới một bóng mát ăn trưa. Thức ăn gồm trái cây và hai củ khoai lang nướng (một củ ruột tím và một củ ruột vàng), tiện tay lấy tập nhạc ra hát nghêu ngao khiến người đi bộ gần đó dừng lại hỏi bài hát hay quá, ngôn ngữ gì vậy"
Khi tôi lột vỏ củ khoai lang thứ hai thì một mảnh đời thơ ấu trôi giạt về đây. Tôi còn nhớ lúc nhỏ khi bà nội tôi nấu cơm chiều, tôi lấy vài củ khoai lùi vào trong bếp tro. Bụng thì đang đói mà cơm chiều chưa có. Tôi lột khoai lang nướng bỏ vào miệng nhai vừa thơm vừa ngọt vừa bùi. Cảm giác sung sướng hả hê tràn ngập. Có câu ca " khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng " của nhạc sĩ Phạm Duy quả thật không ngoa. Vì vàng chỉ có giá trị phô trương gợi lên lòng tham muốn chứ không có giá trị thực tiễn như củ khoai lang nướng khi bụng đói. Bây giờ tôi đã già hơn nửa đời người và đã đi qua hơn nửa vòng trái đất mà cảm giác sung sướng hả hê đó vẫn còn nguyên vẹn.
Bạn thử nghĩ coi Đạo Phật có một giá trị thực tiễn quá to lớn, vĩnh viễn không bị giới hạn không gian và thời gian. Nếu lòng mình không bị bào mòn bởi điều kiện vật lý thì mình có thể gia nhập vào con đường hạnh phúc vĩnh cửu mà Đức Phật đã vạch ra cho thế gian này. Bạn nghĩ có đúng không"
Tôi phải trở lại điểm hẹn trước bốn giờ, và từ đó cùng nhau đi ngắm mặt trời lặn ở Hopi point.
Này bạn có biết không, tôi sắp trình bày với bạn một thực tế làm tôi cảm động đang diễn ra trước mặt mà không sợ sai lầm. Đó là các tăng sĩ và cư sĩ đang ngồi tọa thiền rải rác ven theo bờ của hố thẳm mà mấy ngày qua tôi được sống chung.
Các vị xuất gia ở đây có tuổi từ 14 đến 75, bao gồm các sắc dân Pháp, Mỹ, Lào, Việt. Tôi tạm ví họ như những " chiến sĩ vô danh" . Họ đã dâng hiến cuộc đời họ cho Phật pháp, cho đại chúng một cách âm thầm, lặng lẽ bằng trái tim, bằng hành động chứ không phải bằng ngôn ngữ. Tăng sĩ và cư sĩ hộ trì lẫn nhau tạo ra năng lượng nòng cốt của sự thành tựu. Họ cùng đi với nhau như dòng sông Colorado dưới kia đang trôi chảy êm ả khúc ẩn khúc hiện. Nếu không có khúc ẩn thì làm gì có khúc hiện ra đây Một dòng sông có dòng sau đẩy dòng trước, cùng nhau đổ vào biển cả của tuệ giác. Đẹp thật. Cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của con người đang ở trong một bức tranh. Tôi đang đi lòng vòng để chiêm ngưỡng.
Mặt trời đã xuống thấp to và đỏ hơn, những tia nắng xuyên qua làn mây mỏng chiếu vào những hình tượng bằng đá màu gạch ngoài kia mờ mờ ảo ảo, hư hư , thật thật. Không gian trầm lắng của buổi chiều tà thật êm ả, cộng thêm có vài con chim sải cánh lướt qua tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, giống như có sự phối hợp tài tình của họa sĩ và điêu khắc gia. Thế là một ngày tàn đi và đời tôi đã ngắn đi một ngày. Một thoáng ngậm ngùi bỗng dâng lên trong lòng.
Khi trở về trại thì đã trễ nên mọi người được cho ăn tô mì " không được ăn trễ." Hôm nay trăng sáng vằng vặc tuy không được tròn cho lắm. Cùng nhau thiền hành dưới trăng có các vị áo nâu đi trước và các vị áo màu đi sau. Đến một khoảng đất trống, tất cả cùng nhau ngắm trăng làm tôi liên tưởng tới bốn câu thơ của Thiền sư Nhất Hạnh:
Bụt là vầng trăng sáng
Đi qua trời thái không
Hồ tâm chúng sanh tịnh
Bóng trăng hiện trong ngần
*
Hôm nay là ngày cuối (13/6), mọi người dậy sớm thu xếp nhổ lều trại để đi về, xe bus lại lăn bánh. Các cô hát những bài hát nhẹ nhàng, thư thả, ru đại chúng vào giấc ngủ gà gật. Sau buổi ăn trưa thì mọi người tỉnh táo hơn. Ai cũng cùng nhau ký tên, vẽ hình cùng những lời " tỏ tình " vào chiếc T-shirt để tặng bác tài xế làm kỷ niệm. Đại chúng thay phiên nhau phát biểu cảm tưởng và hát tặng cho nhau. Đại để là những lời cảm tạ khi được hưởng những ngày vui đáng nhớ.
Khoảng bảy giờ tối về đến tu viện Lộc Uyển. Một nửa đi lên núi sống đời đạo hạnh, đem năng lượng tâm linh bố thí cho đại chúng. Một nửa xuống núi, trong đó có cả tôi, xuôi dòng xe cộ về phố thị mang theo một ít năng lượng của bồ tát.
Lăn lộn trong đời sống phàm trần, tôi luôn nhắc nhở mình rán giữ tâm tỉnh thức. Nhưng rồi cũng không làm sao tránh khỏi những lúc" Bụi đời vương trên nếp sống." Để rồi lại ngược dòng xe cộ tìm về núi đồi Lộc Uyển. Rồi lại tu học, tu hành, tu tập, tập tu để đời sống được thăng hoa trên vùng đất tịnh độ.

BÍCH TRÂM NGUYỄN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,177
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo