Hôm nay,  

Khác Biệt Những Vẫn Chung Một Lòng

08/01/200400:00:00(Xem: 154141)
Người viết: KIM KHÁNH
Bài tham dự: 438-976-V2291203

Tác giả Kim Khánh đã góp một số bài viết về nước Mỹ, ghi lại những kinh nghiệm mà ông cảm nhận được trong đời sống Mỹ. Nhân dịp thêm năm mới sắp tới, ông gửi cho chúng ta những suy nghiệm sau đây về cộng đồng người Việt hải ngoại.
*
"Lại một năm nữa trên đất người!", ai đó bâng khâng buông tiếng thở dài. Tuy nhiên, cũng có người lại náo nức: "Đã thêm được một năm nữa trên vùng đất tự do." Người Việt tha hương, với tuổi đời chồng chất thì lòng thương nhớ cố hương và tâm thức hướng về nguồn càng mãnh liệt mỗi khi trời se lạnh. Cái lạnh của mùa đông và cái giá buốt của tuyết rơi không hẳn là nguyên nhân chính gợi lên nỗi nhớ nhung. Sự trống vắng trong tâm tư, khoảng cách và sự khác biệt giữa những thế hệ làm con người có khuynh hướng nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều hơn. Chắc có lần bạn đã đọc qua tâm sự này của người Việt tỵ nạn!
Tôi cũng như đa số các bạn trẻ ở đây, rời Việt Nam trong làn sóng tỵ nạn thứ hai của những năm 1980s, xin gởi đến bạn đọc vài suy nghĩ và tâm sự như món quà chia sẻ cho nhau trước thềm năm mới. Chúng ta đang ở tuổi 30s và cũng như đa số các bạn đang ở ngưỡng cửa đại học hay vừa rời ghế nhà trường, nhiều khi chúng ta có cái nhìn không hoàn toàn xa lạ, nhưng hững hờ hoặc đôi khi khác biệt khi nhắc đến hai chữ Việt Nam. Tôi không già như các bạn nghĩ cũng không trẻ như tôi muốn, nhưng nỗi ưu tư về Việt Nam trong đó quê hương, con người, và văn hoá đã gợi cho tôi những suy nghĩ miên man. Khi viết những dòng nầy tôi lưỡng lự không biết sẽ nên chia sẻ cùng bạn đọc trên internet, hay đăng ở tạp chí hoặc tuần báo phát hành trong cộng đồng. Bạn trẻ thì thường xuyên đọc bài viết trên mạng, các bậc anh chị và những người lớn tuổi hơn thì thích đọc bài in trên giấy. Đây chỉ là một cách nhìn phiến diện mà thôi. Không ít những người đi trước cởi mở và có kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật thích đọc báo trên mạng và thế hệ trẻ thì có khi ngược lại. Cũng một cách suy luận ấy, người ta nói rằng cách đặt vấn đề, cách làm việc, và sự giao lưu giữa những thế hệ người Việt tại hải ngoại đã khác biệt. Điều ấy không hoàn toàn đúng vì nếu có khác chăng chính là cái nhìn chủ quan và thiếu sự cảm thông từ cả hai phía. Dù bạn ở trên đất người bao nhiêu năm, được đào tạo bởi nhiều trường lớp khoa học kỹ thuật, có nhiều học vị, và đã thay tên đổi họ đi chăng nữa bạn vẫn là người Việt. Vì thế cho nên chúng ta, dù già hay trẻ, phải cùng nhau suy nghĩ đến việc hoá giải những sự khác biệt, là bước đầu của nhịp cầu cảm thông, để có cái nhìn chung cho ngày mai.
Hãy cùng nhau nói về điểm khác biệt và khoảng cách giữa những thế hệ người Việt tha hương trước khi nói đến cái nhìn chung về một hướng. Mỗi khi nói đến điểm khác biệt người ta hay nhắc đến câu: "Chín người mười ý". Đây chỉ là phần khác biệt nhỏ trong phương cách làm việc mà thôi. Nhiều khi để xét đoán một người, chúng ta quan tâm đến những tiểu tiết hơn những điểm quan yếu ví dụ như bối cảnh sống, trình độ học vấn và có khi cả tôn giáo nữa.
Thí dụ người ta hay hỏi nhau anh đi ra nước ngoài theo diện nào" Ô đi pi (ODP, ra đi có trật tự), Ô đi ghe (ODG, vượt biên bằng đường biển), Ô đi bộ (ODB, vượt biên bằng đường bộ sang Thái Lan), hay là đi theo diện Hắc ô (HO, chương trình nhân đạo), vân vân và vân vân. Anh là người Bắc, Trung, hay Nam" Rồi từ đó với thành kiến sẵn có, suy diễn ra để có cái nhìn thiện cảm hay ác cảm về người đối diện. Đây là một trong những thí dụ điển hình trong cách nhìn của một số người về sự khác biệt về nguồn gốc của những người cùng là tỵ nạn. Người khác thì quan trọng hoá vấn đề trình độ và kiến thức và coi đó là điểm quan trọng nhất của sự khác biệt giữa những thế hệ. Nhưng nói chung chúng ta biết rằng học vị hay kiến thức chuyên môn chưa phản ánh hoàn toàn một con người trong xã hội.
Người ta nói rằng xã hội văn minh và quốc gia thịnh vượng một phần là nhờ ở nền văn hóa tân tiến, phát tiển trong một nền dân chủ thật sự. Có vài học giả không hoàn toàn đồng ý với giả thuyết nầy, nhưng ai cũng đồng ý là nước Mỹ tự do và giàu mạnh vì có dân chủ thật sự và bởi có nền văn hóa cởi mở về tư tưởng. Trong khi đó người Việt Nam, vốn tự hào với 4000 năm văn hiến, khi đặt bước chân tỵ nạn trên vùng đất mới cái khó khăn đầu tiên phải đối diện là cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và sự khác biệt sâu xa về văn hoá. Trong những làn sóng người rời Việt Nam đa số vì lý tưởng tự do với hoài bão một ngày kia tìm lại tự do dân chủ cho nước nhà nhưng cũng không ít người đơn thuần chỉ vì kinh tế, bị áp bức hoặc bất đắc dĩ phải ra đi để tránh tù đày.
Khi gia nhập vào cuộc sống mới với nền văn hoá mới người ta thường có một trong ba thái độ. 1) Thờ ơ, lạnh nhạt, hay từ chối. 2) Tiếp nhận, gia nhập, và biến đổi. 3) Chọn lựa, rút tỉa, học hỏi và phát huy. Chính những điểm nầy tạo nên khoảng cách và sự khác biệt giữa những thế hệ người Việt hải ngoại.
Có thể nói rằng tuổi tác cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt khi gia nhập hay tìm hiểu một văn hóa mới. Chúng ta không lạ gì có nhiều người đã sống ở nước ngoài gần ba thập niên mà vẫn tha thiết với những ý niệm lỗi thời của Khổng Giáo, vẫn ôm lấy qúa khứ và không biết gì về những cái hay cái đẹp của nền văn hoá mà họ phải đối diện hàng ngày trong sinh hoạt. Các vị cao niên thường khuyên con cháu học hỏi, nhưng chính các vị lại từ chối học hỏi nại lý do tuổi tác mà đôi khi tuổi tác chỉ là cái cớ để người ta ôm lấy sự bảo thủ của mình. Như vậy, giữ lấy những cái hay của văn hoá cũ là phải nhưng cố ôm lấy cái dở của văn hóa cũ chẳng qua chỉ vì ta muốn được an toàn trong cái vỏ ốc của mình và do đó từ chối sự học hỏi, hoà nhập và tiến bộ.


Kế tiếp, nhóm người thứ hai hoàn toàn tây phương hoá, thay tên đổi họ, nhuộm tóc, xâm mình, ăn ở như Tây (!) và cái hay, cái đẹp của văn hoá dân tộc hình như đã bị cho vào quên lãng. Họ không thèm đọc sách tiếng Việt, hể cái gì của tây phương là hay là đúng. Có thể nói đa số những người trong nhóm này thuộc về thế hệ trẻ, nhưng đôi khi ta cũng bắt gặp cả những người không trẻ! Đó là trường hợp khi người ta bị ràng buộc và mất tự do quá lâu trong một xã hội phong kiến, áp bức và độc tài đồng thời thiếu cái nhìn cùng với sự nhận xét sâu xa về nền văn hoá mới . Khi thấy có sự lựa chọn tự do, người ta bị choá mắt, không ngần ngại ôm lấy tất cả những nề nếp mới, cách sống mới mà không cần suy xét, đánh giá đúng mức. Thí dụ như người đang yêu say mê thì chỉ thấy người mình yêu là đẹp nhất, hoàn hảo nhất
Còn lại là những người vừa ý thức được cái lạc hậu của nền văn hoá cũ vưà hấp thụ được cái hay cái mới của nền văn hoá của nước tự do dân chủ. Người ta vẫn tôn trọng những mỹ tục cũ và sử dụng cái tự do, dân chủ mới một cách hợp lý để phát huy và cải tiến đời sống. Những người này họ tận hưởng được cái thâm thúy trong văn hoá Việt và đồng thời sử dụng nền tự do tư tưởng của tây phương để tạo nên sự hài hoà ở cách sinh hoạt trong gia đình và ứng xử phải đạo trong sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, không ít người chỉ gạn lọc hay áp dụng những gì hợp theo ý mình mà thôi và không có cái nhìn rộng rãi cho nền văn hoá cũ cần thay đổi. Thấy được cái lỗi thời, nhưng e rằng nói ra sẽ mất lòng hay xúc phạm người khác. Điểm nầy nói lên việc ta chưa hoàn toàn học ở văn hoá mới cái thẳng, cái thật để giúp nhau tiến bộ. Đây chính là những điểm khác biệt trong khi nói đến sự hoà nhập vào nền văn hoá mới, và cũng chính nó tạo nên khỏang cách giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt.
Tuy nhiên, dù có những điểm khác biệt về thế hệ và văn hóa, nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm chung. Bạn có thể lý luận rằng giữa một người bảo thủ và người cởi mở, một người nâng niu văn hoá Khổng Mạnh, còn người kia chỉ yêu chuộng văn hoá tây phương thì khó có thể có điểm chung. Điểm chung ấy có khi bạn không chối cãi mình là người Việt, yêu chuộng văn hoá Việt, và có lòng ái quốc. Cho dù bạn đã nhập tịch nước ngoài, có thể đã thay tên đổi họ, sửa mũi, cắt mắt, nhuộm tóc, đổi giọng, và vân vân. Những điều nầy có thể làm cho bạn đẹp hơn, dễ mến hơn và phát âm chuẩn hơn, nhưng không làm cho bạn cao quý hơn và tuyệt nhiên là không thay đổi được con người thật bên trong của bạn. Tôi chưa bao giờ nghe người ta gọi một người Mỹ gốc Việt là: "He is an American" (Anh ta là một người Mỹ) cả. Thì dù cho bao nhiêu thế hệ sẽ qua chúng ta vẫn là người Việt, người Việt mang quốc tịch nước ngoài. Đó là điểm chung lớn nhất, quan trọng nhất!
Chúng ta thường nghe các bậc trưởng thượng phàn nàn nào là :"Đám trẻ ngày nay không biết gì về văn hoá dân tộc và quên hẳn nguồn gốc ông bà tổ tiên." Còn thế trẻ thì kêu than là các bậc lão thành quá nghiêm khắc và thủ cựu. Không hẳn như thế! Vì dù người Việt trẻ có chịu ảnh hưởng hay hấp thụ văn hoá mới vẫn yêu chuộng văn hoá Việt Nam. Tôi có quen biết người bạn, cô ta đến Úc Đại Lợi cùng gia đình khi mới lên năm. Hiện nay là khoa học gia về ngành sinh vật tại UCLA. Chúng ta cứ tưởng rằng ảnh hưởng nền giáo dục tây phương sẽ làm lu mờ đi kiến thức về văn hoá Việt. Nhưng không, người bạn nầy giỏi về thơ, am tường luật bằng trắc; khá về văn, câu cú rõ ràng, văn phạm chuẩn và viết không sai chính tả. Ngoài ra cô ta còn giỏi về tiếng Tàu, cả đọc và viết. Điều nầy xuất phát từng lòng yêu văn hoá và muốn học hỏi. Để công bằng thì chúng ta không nên nói tất cả các vị tiền bối đều có cách suy nghĩ, cách làm việc cũ kỹ. Tôi cũng quen hai vị đàn anh, một ở Pháp và một ở CA, Mỹ. Hai người nầy trên sáu mươi cả rồi, tức là lớn hơn cả thân phụ tôi, nhưng họ nhất quyết là chúng tôi làm bạn với nhau, và gọi nhau là anh em. Không phải vì tôi thích được ngang hàng với người lớn tuổi hay thấy người sang bắt quàng làm họ, nhưng tôi ngưỡng mộ cách nhìn và sự hiểu biết của các bậc đàn anh nầy trong nhiều lĩnh vực. Một người nói với tôi rằng :"Câu nệ trong cư xử và giao tiếp cũng như thiển cận trong nhận xét đã làm cho văn hoá và người Việt chúng ta bị chậm tiến." Qua hai dẫn chứng trên ta thấy rằng chưa hẳn chỉ có những người sinh ra hay lớn lên ở quê nhà mới quý trọng văn hoá Việt Nam. Thêm vào đó không chỉ có người trẻ tuổi mới có cái nhìn cởi mở và hết lòng cầu tiến và học hỏi. Chúng ta hãnh diện khi có tên người Việt được các cơ quan truyền thông của các nước định cư nhắc tới với lời khen tặng. Và chúng ta cũng thấy ngại ngùng, khó chịu khi có kẻ phạm pháp là người Việt. Dù cố quên đi cuộc đời cũ, đời sống thiếu tự do nơi quê cũ, sự khổ cực, và những năm tháng nhọc nhằn, nhưng lòng chúng ta lại quặn đau, khi nghe thiên tai, áp bức hay sự lầm than xảy ra cho những người còn lại tại quê nhà. Cảm xúc nầy nói lên sự quan tâm và lòng ái quốc. Có thể chúng ta không trực tiếp biểu lộ qua hành động, nhưng trong tận đáy lòng ta ước mong cho mỗi người Việt điều được bình an, ấm no, hạnh phúc và có được tự do dân chủ thật sự. Đây là điểm chung quan trọng thứ hai.

Một năm nữa sắp qua, chúng ta cùng nhau suy nghĩ để thu hẹp dần lại những khác biệt không chỉ cho mỗi cá nhân nhưng là sự dung hoà trong cách nhìn và ảnh hưởng của hai nền văn hoá đông tây, để chúng ta cùng nhau hiểu kỹ càng hơn về nguồn gốc, cái hay, cái dở và để làm tốt hơn trong quan hệ giữa các thế hệ người Việt và làm phong phú hơn cho nền văn hóa của chúng ta. Dù đi đến đâu chúng vẫn là người Việt, chúng ta không quên văn hoá cội nguồn, nhưng cũng đừng làm nô lệ cho những ước lệ đã lỗi thời đè nặng trên tâm hồn dân tộc mấy ngàn năm qua. Chúng ta không hô hào một cuộc cách mạng văn hoá, nhưng hãy cùng nhau cảm thông, chấp nhận sự khác biệt và thu hẹp khoảng cách ngăn trở sự giao lưu giữa những thế hệ người Việt. Vì có chung lòng yêu văn hoá và quê hương, chúng ta nên có cái nhìn khách quan, học hỏi thêm, gạn lọc lấy những cái hay cái mới của nền văn hoá của các nước dân chủ để bồi đắp xây dựng một nền văn hoá tiến bộ nhưng vẫn giữ đựơc bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Chúc các bạn một năm mới an bình và hạnh phúc .
Kim Khánh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,260,632
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến