Hôm nay,  

Sĩ Diện

16/12/200300:00:00(Xem: 298937)
Người viết: Tố Tâm
Bài tham dự: 427-965-V8141203

Tố Tâm cho biết cô là con gái áp út của một gia đình HO9. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Cưới Vợ”, một truyện ngắn rất tươi tắn, linh hoạt. Sau đây là bài viết thứ hai, tươi hơn, linh hoạt hơn.
*

Hôm tôi về VN, xếp hành lý vào vali cho tôi, má dặn:
- Về VN nếu ai có hỏi thì cũng đừng nói là con bên đây đi làm nail, cứ nói là con làm nghề kỹ sư thôi nghe chưa!
- Má à, nghề nail thì cũng là một cái nghề Mà nhiều người thi ra thi vô cũng rớt hoài chớ bộ má tưởng dễ sao
- Không cần biết, miễn biết con đi làm nail thì họ nói chết.
Má tôi vẫn nằng nặc đòi tôi hô to cái nghề "kỹ sư", còn cái nghề nail thì giấu càng kín càng tốt.
Tôi ra trường, gần một năm nay ôm cái bằng kỹ sư chạy xuôi chạy ngược, gặp ai quen cũng đánh trống " thấy việc làm thì giới thiệu ". Họ ừ, rồi im luôn. Thời buổi kinh tế đi xuống, hãng xưởng đóng cửa hết rồi, bạn bè lâu lâu thì nghe tin "..... mới bị lay off" nghe mà phát rầu. Tôi vẫn thu hết tàn hơi kiên nhẫn ôm đơn xin việc rải đầy các hãng, xưởng y như rải truyền đơn. Suốt ngày lóc cóc gõ trên internet hòng kiếm cơ may trên mấy cái website. Rồi tôi nhận được điện thoại hẹn hò. Vài lần tôi đóng bộ thật lịch sự và mang bộ mặt mà "nếu người ta có chưởi cũng cười đi interview. Sau mỗi lần interview là lời hẹn hò "Tôi sẽ gọi lại cho cô." Rồi tôi dài cổ cò ngồi chờ.
Trng lúc cổ bắt đầu dài vì đợi chờ được nhận đi làm, tôi lò dò bước vào tiệm nail. Chị Sương vừa giũa móng tay cho khách vừa nói:
- Rảnh rỗi thì ra đây làm nail phụ giúp chị, kiếm tiền tiêu.
Vậy là sau mấy tháng bận rộn bài vở final để tốt nghiệp, rồi ra trường lu bu đi kiếm việc làm, tôi quay trở lại làm nail, làm full- time.
Hồi mới qua Mỹ, vợ chồng chị Sương giúp gia đình tôi bằng cách dắt tôi vô tiệm nail của ảnh chỉ rồi dạy nghề cho tôi. Anh chị Sương là người không bà con quyến thuộc gì với gia đình tôi cả nhưng họ đối xử tốt bụng và chân tình kinh khủng. Chị Sương là người "thầy" dạy tôi cách cầm cái kèm và cắt móng tay như thế nào lúc tôi mới lơ ngơ vào học nghề. Ngày đầu tiên run run cầm cọ sơn móng tay cho bà khách, không biết cảm tình như thế nào mà khi sơn xong một bộ móng giá chỉ có 8 đồng, bả còn rút túi cho tôi 5 đồng tiền tip. Tôi mừng húm. Chủ nhật tôi dắt con Hà em tôi ra tiệm Rite Aid mua cà rem ăn. Con Hà có tính xấu là thèm ăn cà rem kinh khủng. Mấy tờ tiền cent đi chợ người ta thối, nó gom lại để dành rồi cuối tuần rủ tôi đi ăn cà rem.
Tôi đã học tiếng Anh từ bên VN nhưng qua đây ai nói gì tôi cũng không hiểu mà tôi nói tiếng Anh cũng
chẳng ai chịu nghe cho. Cho nên đi làm khách nói cứ việc nói, tôi chỉ việc cười cười rồi gật đầu "yes "
hoặc lắc đầu quầy quậy kêu "no" , sau đó thì tùy theo tình huống mà đóan ra ý thích của khách. Tôi thuộc dạng khéo tay, cho nên những chuyện cắt giũa, sơn phết hay đắp bột làm móng giả, vẽ vời kiểu cọ lên móng tay (còn gọi là design ) tôi học rất lẹ và còn được khen làm đẹp nữa. Bữa đó có bà khách ăn mặc rất là sang trọng, xức nước hoa thơm phức đi vào và yêu cầu với chi. Sương là muốn một người thợthật khéo tay. Tôi là người được chọn. Bà khách xòe đôi bàn tay với bộ móng dài vừa nói vừa chỉ một hồi. Tôi yes yes lia lịa và luôn miệng cười với khách. Tôi đang chăm chú cắt cắt giũa giũa thì bà khách bổng rụt hẳn tay về, đứng phắt dậy, miệng xì xồ to tiếng. Tôi không hiểu bà ta nói gì nhưng biết được là bà ta tức giận ghê lắm! Tôi chỉ bập bẹ hiểu được một câu lúc bà ta như muốn xỉ vào mặt tôi la lớn: "...... learn more English "
Chị Sương chạy lại:
- Oanh ơi là Oanh, bả muốn để nguyên móng tay dài rồi sơn french tip, gắn hột xoàn (giả ) lên cho bả mà mày lại đi cắt phăng cái móng tay của bả đi...
Tôi mếu máo:
- Em thấy bả chỉ chỉ vô móng tay tưởng bả biểu cắt bớt rồi mới sơn...


Sau vụ đó chị Sương phải làm một bộ móng giả "đền" cho bà khách. Tôi tủi thân muốn bỏ nghề. Ai nói nghề nail là sướng. Tuy không bỏ vốn nhưng phải bỏ công bỏ sức ra làm và còn bị khinh khi nửa. Nhiều lúc ngồi mài mài giũa giũa móng những bàn tay mỹ đen to xù mà nước mắt tôi sém rơi mấy bận. Làm cực thì ít mà tủi thân thì nhiều. Những người quen thân thấy tôi đi làm nail rủng rỉnh tiền để đi shopping, giúp ba má trang trải trong gia đình thì nhìn tôi ra vẻ thương hại "Cái nghề nail tuy dễ kiếm tiền nhưng bần tiện", Rồi nào là làm nghề này dễ bị lao phổi, dễ bị ung thư da (ung thư ung thọt gì thì tôi không biết nhưng từ dạo đi làm thì da mặt tôi có vẻ xấu đi và nổi vài cục mụn), rồi con gái mà làm nghề này thì dễ bị... không có con. Tôi thất kinh! Trên đời này, có ít tiền thì người ta khinh, có nhiều tiền thì người ta ghét. Buồn, tôi tính kiếm nghề khác. Đi may, ngồi còng lưng biết kiếm được bao đồng" Tính tôi thì không kiên nhẫn. Đi làm nhà hàng thì cũng chỉ được ngày cuối tuần. Mà cái chi tiêu trong nhà tôi thì lại lớn vô cùng. Con Hà đi làm nhà hàng vào cuối tuần cọc cạch chỉ đủ cho nó tiêu vặt và chi tiêu vô chợ búa! Suy nghĩ lung tung rồi rốt cuộc tôi vẫn trung thành với nghề nail. Đi học về là tôi tranh thủ chạy ra tiệm nail để mài mài giũa giũa móng tay cho khách. Tôi dồn tiền để ba mua được chiếc xe Camry đời 2 năm cũ. Bạn bè tôi ở trường nói tôi "ngầu". Người quen biết thì cũng kêu tôi "ngầu" rồi câu tiếp theo là " tiền đi làm nail í mà" Nhiều lúc tủi thân tôi muốn khóc òa lên một cái nhưng nghĩ lại nghề nào cũng là nghề, cũng mồ hôi nước mắt đổ ra mới kiếm được tiền nên tôi nín. Và cho những lời bóng gió chê bai "nghề nail hạ cấp" là những lời của những kẻ vớ vẩn. Bởi vì đối với tôi cái nghề nail nó vĩ đại vô cùng.
Ngày tôi ra trường, cầm cái bằng kỹ sư trên tay tôi rưng rưng nghĩ không biết cái bằng kỹ sư này có giá trị bằng cái bằng nail kia của tôi không. Bởi vì tấm bằng nail nhỏ bé xinh xinh kia đã "nuôi" tôi lấy được cái bằng kỹ sư ngày hôm nay. Cũng cái nghề nail đã cho tôi một cái nhìn rất khác về bản chất con người và cuộc sống xô bồ hiện tai. Vài người thân quen của tôi lúc xưa đau xót nhìn tôi phải đi sơn, giũa móng tay thiên hạ để kiếm tiền đi học và phụ gia đình thì bây giờ họ cũng âm thầm lặng lẽ đi làm.... thợ nail. Cuộc sống và mưu sinh! Tiền là trên hết cho nên những ý tưởng trong vắt khi xưa nhìn thấy nghề nail là một cái nghề bần tiện nhất thì bây giờ cũng phải chấp nhận để ý tưởng bị vẩn đục. Có điều những người đó họ vẫn còn sĩ diện đầy mình cho nên vẫn cứ "Em không thích cái nghề này, nhưng vì cần tiền nên..." Tôi thì tôi không thể nào bạc bẽo như vậy được. Tôi qúy cái nghề nail kinh khủng. Bởi chính cái nghề nail đã giúp tôi đi hết đoạn đường Đại Học, và góp phần vào công cuộc cải tổ kinh tế trong gia đình tôi.
Má tôi hình như cũng sợ cái gọi là "sĩ diện" cho nên lúc tôi về VN cứ dặn đi dặn dặn lại tôi phải giấu nhẹm cái nghề nail vĩ đại của tôi đi mà trương ra cái nghề "kỹ sư ". Mặc dầu lúc đó cũng đã gần một năm trời tôi ôm cái bằng kỹ sư trong lòng chịu thất nghiệp.
Tôi bây giờ không còn đi làm nail nữa. Sau bao phen bôn ba kiếm việc, cuối cùng cũng có một hãng điện tử ở Anaheim nhận tôi. Thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi, nhớ nghề, tôi vẫn ôm kềm ôm giũa ra tiệm chị Sương để làm móng tay cho khách. Không có nghề nào xấu cả. Chỉ có tấm lòng con người không tốt mà thôi. Xuất thân từ một người thợ nail, tôi cảm thấy mình cũng là một người đem lại vẻ đẹp cho xã hội. Không phải mỗi lần đi tiệc tùng là các cô các bà lại rủ nhau đi làm móng tay, tân trang móng chân đó sao.
Bé Trang con tôi bây giờ đang lẫm chẫm tập đi. Bé vừa tròn một tuổi. Hôm sinh nhật, bé cười rất tươi chìa bốn cái răng mới mọc, hai tay quơ quàng vọc vào ổ bánh kem, trên má phính dính đầy kem. Sau này con lớn tôi sẽ kể cho con nghe cái "giai thoại " đi làm nail của tôi. Tôi sẽ dạy cho con tôi biết rằng không có nghề nào là xấu, chỉ có tấm lòng con người xấu chớ nghề không xấu.
TỐ TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,403
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến