Hôm nay,  

Hai Tháng Ở Fort Chaffe, Arkansans

07/12/200300:00:00(Xem: 214671)
Người viết: LÊ NGỌC MINH
Bài tham dự: 420-959-VB651203

Tác giả Lê Ngọc Minh lần đầu dự viết về nước Mỹ bằng 5 bài viết liên tiếp, hợp thành một phần hồi ký về thời đầu ở Mỹ. Tất cả đều được viết kỹ từng chi tiết, bằng một bút pháp chừng mực mà chững chạc. Theo tác giả cho biết, ông là một chuyên viên đồ án xây cất nặng về dầu hỏa và dàn khoan dầu ngoài biển; sinh năm 1939 tại Thái-Bình, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại La Habra, California. Bài này tác giả riêng tặng ông bà Phạm Tự Lập (Baton Rouge), vợ chồng nhà thơ Ngu Yên (Houston), nhiếp ảnh gia Bảo Lai (San Diego), nhiếp ảnh gia Lệ Liễu (Houston), các bạn Đào Đức Sơn/Xuân/Nam (Dallas), các bạn nhảy dù Cao Thọ Thái và Victor Van Nugent (Nguyễn Văn Thắng, Oklahoma City).

Ngày 15-5-1975, giã từ Guam, gia đình tôi gồm 4 người: hai vợ chồng, cháu trai Lê Nguyên Cương 5 tuổi và cháu gái Thu Tâm 2 tuổi rưỡi, bước chân lên chuyến máy bay của hãng ONA (Overseas National Airways, nay không còn nữa) vào một trại tạm cư ở lục địa Mỹ, bước đầu bước đầu cho việc định-cư.
Trước đó một tuần, ngày 8-5-1975 gia đình tôi đặt chân lên đảo Guam và được đưa vào trại tạm cư Orote Point, trại lều nhà binh, nóng và bụi tàn canh, gần như ai cũng bị đau mắt. Trong phiếu liệt kê lý lịch gia đình, tôi khai muốn xin đi định cư tại California, nhiều người Việt khác cũng vậy. Ngày 14-5, ban quản trị Orote Point gọi gia đình tôi trên loa phóng thanh, lên đường qua trại chuyển tiếp bên Anderson AFB để sắp xếp chuyến bay vào lục địa.

Qua một đêm trong căn nhà tiền chế ở Anderson AFB, tuy là tiền chế nhà binh, nhưng khang trang hơn so với lều vải và ghế bố bên Orote, ẩm thực cũng ngon lành hơn, hôm sau chúng tôi được gọi ra sắp hàng lên máy bay. Một ông đại tá không quân Mỹ, người có trách nhiệm gì đó, đi dọc theo hàng người tị nạn đang sắp hàng, nói:
- Tất cả quí vị đang sắp hàng đây sẽ đến trại tạm-cư Fort Chaffee ở Arkansas. Ai từ chối chuyến đi này sẽ bị trả lại Orote Point!
Mọi người ngơ ngác. Người biết tiếng Anh thông dịch lại cho người không biết. Có tiếng xầm xèo từ đầu hàng tới cuối hàng. Ông đại tá nhắc lời cảnh cáo trên một, hai lần nữa. Không thấy có ai phản đối hay từ chối chuyến bay, có lẽ ai cũng ngán ngẩm chuyện phải quay lại Orote Point để ngửi bụi, ngủ ghế bố và hưởng cái nóng hầm hầm trong lều vải.
Nhà tôi chắc lưỡi, giọng chịu đựng:
- Thôi, đi đâu thì đi, sau này tính sau!
Rồi máy bay cất cánh. Guam, nơi không cách xa Việt Nam mấy, từ trên nhìn xuống nơi chúng tôi sống đó được một tuần, nơi có thủ phủ Agana, có trại Orote Point, có phi trường Anderson, nơi cả chục ngàn người Việt đã đi qua, nơi cả chục ngàn người Việt nữa sẽ tới... ở dưới đất thấy rộng rãi to lớn, nay chỉ là một hòn đảo san hô nhỏ, bằng cái hạt mít, rồi hạt đậu, rồi biến mất... Nhìn sang bên cạnh, thấy nhà tôi chậm nước mắt. Dưới kia chỉ thấy biển và biển...
Mấy giờ sau, phi cơ đáp xuống Hawaii khoảng một giờ rồi lại cất cánh. Lại chỉ thấy biển. Mọi người trên phi cơ ngủ gà ngủ vịt.
Khoảng 10, 11 giờ đêm giờ miền Tây nước Mỹ, qua cửa kính phi cơ chúng tôi thấy đất liền và một thánh phố sáng rực ánh đèn. Ông phi công cho biết:
- Chúng ta đang bay trên không phận California. Đèn mà quý vị thấy dưới kia là thành phố Los Angeles. Ta sẽ đến Arkansas khoảng 2 giờ nữa!
Một số người tò mò ghé nhìn qua cửa sổ để cho thấy ánh đèn trên lục địa Mỹ rồi ai về chỗ nấy, kẻ đọc sách, đọc báo, người nhắm mắt giỗ giấc ngủ.
Khoảng ba giờ sáng, giờ miền trung nước Mỹ, phi cơ làm một vòng lớn rồi đáp xuống phi trường Fort Smith, một thành phố nhỏ trong tiểu bang Arkansas. Mọi người lục tục xuống máy bay, đi bộ trên bãi đậu khoảng trăm thước rồi leo lên mấy chiếc xe bus chờ sẵn. Đoàn xe khởi hành, từ từ rời vùng ánh sáng, đi vào con đường liên tỉnh nhỏ, tối đen như mực, hai bên là rừng, thỉnh thoảng thấy ánh đèn vàng vọt nơi nhà của dân địa phương rải rác hai bên đường.
Khoảng 45 phút sau, xe quẹo vào Fort Chaffee. Đây là doanh trại và cũng là Trung tâm Huấn luyện Vệ binh Quốc gia của hai tiểu bang Arkansas và Oklahoma, xây cất từ thời đệ nhị thế chiến, tuy cũ kỹ nhưng nhà cửa và tiện nghi vẫn còn tốt. Xe đậu ở dẫy nhà gần ngay cổng, chúng tôi vào hội trường, điền vào mảnh giấy tên và số người trong gia đình để ban quản lý trại sắp đặt chia phòng. Gia đình tôi 4 người được đưa vào tầng lầu barrack số 1063, từ nay trở đi gọi là nhà 1063, một tòa nhà hai tầng, được ngăn ra vội vàng bằng mấy tấm ván ép với hai chiếc giường tầng nhà binh, bằng sắt, có nệm và ra trải giường trắng tinh. Trại có đầy đủ tiện nghi, tuy là phương-tiện vệ sinh công cộng nhưng rộng rãi, sạch sẽ: phòng tắm, phòng rửa mặt, cầu tiêu, có nước nóng, nước lạnh...
Sau khi sắp xếp cho vợ con đi ngủ, nhìn đồng hồ thấy chỉ 5 giờ sáng, tôi bước xuống đường, đốt điếu thuốc lá, cùng hai ba người nữa chưa quen biết nhưng cùng chuyến bay, thơ thẩn ra ngã ba đường cách nhà khoảng 30 thước. Doanh trại vắng tanh vắng ngắt. Từ chỗ tôi đứng, nhìn ra cổng còn hai dãy nhà, sang phải một dẫy, sang trái 4 dẫy, ngược vào phía trong là là tối thiểu cũng cả 100 dãy, lẫn vào sương mù sáng sớm, nhìn không thấy cuối trại, xung quanh là rừng thông cao, chỉ thấy tối đen... Tôi nghĩ chúng tôi là toán người đầu tiên tới Fort Chaffee nên được cư ngụ ở gần cổng trại, nhưng thực ra dân tị nạn đã đến đây hơn nửa tháng rồi, toán chúng tôi tới đã là khá "trễ", gần đầy trại rồi nên mới ở gần cổng, chỉ còn hai dãy nhà nữa là đầy ắp! Trên trời, mây xám như chì, mù mù sương sớm... Một đàn chim đi ăn sớm bay ngang, cất tiếng kêu như vịt giời, xa dần, xa dần... Tôi có cảm tưởng như tôi đang ở miền Bắc nước Anh, vùng rừng núi và đồi, hoang vắng, buồn tẻ, sương mù, bình thản... dù tôi chưa một lần đến Anh quốc, cảm tưởng trên chỉ là thoáng nhớ lại cuốn tiểu thuyết tiếng Anh mà tôi đọc từ ngày còn ở trong quân đội, đầu năm 62. Nhìn đồng hồ thấy 5 rưỡi sáng, tôi lên lầu đi ngủ.
Khi tôi thức dậy đã khoảng hai giờ chiều. Ban quản lý trại cho biết chúng tôi phải tới Processing Center cách nhà 1063 khoảng hơn một cây số đi bộ để khám sức khoẻ, chích ngừa, làm thủ thục như dự buổi thuyết trình về thủ tục giấy tờ trong trại, thủ tục ghi danh, chọn một cơ quan thiện nguyện giúp mình trong việc định cư như USCC, HIAS, Tolstoy... làm giấy tờ như làm thẻ An sinh xã hội, thẻ I-94về các vấn đề an ninh, vệ sinh, khám sức khoẻ, ăn uống, giải trí... Tất cả thủ tục không thể làm trong một ngày, dù nhân viên sở di trú đã làm việc đến 9, 10 giờ tối, do đó chúng tôi còn phải trở lại mấy ngày liền. Chỉ biết rằng, một ngày sau buổi chính ngừa cái gì đó, người lớn bị chích vào cánh tay, trẻ em chính vào đùi, cả nhà tôi như muốn lên cơn sốt rét, chỗ chích tấy đỏ lên, chân tay mỏi rừ (ai cũng phải qua thảm cảnh này! ), do đó mỗi khi đi làm giấy tờ, tôi phải cõng cháu Cương trên lưng còn để cháu Thu Tâm ngồi lên cổ, vợ chồng tôi khập khiễng bước thấp bước cao, lội bộ khoảng hơn một cây số xuống Trung tâm Điều hành để làm giấy tờ. Một tuần sau, khi thủ tục giấy tờ đã làm xong, khi vết chích vừa trở lại bình thường thì Fort Chaffe bắt đầu có một chiếc xe bus chạy miễn phí vòng vòng suốt ngày trong trại chở bà con đi làm giấy tờ... Chán ngấy!
Còn nhà 1063, nơi chúng tôi cư ngụ, có khoảng gần 100 người, trong đó có đến một nửa nguyên là quân nhân tiểu đoàn 9 Dù. Các chú này cho biết, khi đơn vị đang giao tranh với Việt cộng ở Xuân Lộc thì được lệnh rút qua Bình Giả về Phước Tuy, Vũng Tàu, rồi lấy một tàu dầu về Sài Gòn. Nhưng tại Gò Công, khi nghe tin đại tướng Dương Văn Minh đầu hàng thì đơn vị trưởng cho tập hợp các quân nhân lại, ai muốn trở về với vợ con thì để súng lại, ông đem tiền bạc do dân thủ đô ủy lạo chiến sĩ chia đều cho mọi người, ai muốn đi Mỹ thì lên tầu dầu ra khơi. Thế là đa số tiểu đoàn 9 Dù di tản, nay ở rải rác mấy toà nhà trong Fort Chaffee, kể cả nhà 1063 này.


Khi nhà 1063 bầu ban đại diện thì ông PTL, một cựu viên chức Hongkong Shangai Banking Corp làm trưởng, tôi làm phó, vài anh em cựu quân nhân lo phần tiếp liệu, đi lãnh tã, sữa, thuốc đánh răng, xà bông, dao cạo râu, bông băng vệ sinh... cho cả trại.
Về ăn uống, hai nhà dùng chung một nhà ăn kế bên. Đây là trại do lục quân Mỹ quản trị nên cơm và thức ăn do mấy quân nhân lục quân Mỹ nấu, phải nói là cách nấu và mùi vị "khác" với cơm Việt Nam, nuốt khoảng 10 ngày là ngán tới cần cổ, nên sau một phiên họp bỏ túi của nhà 1063, ông trưởng trại và tôi sang ngỏ lời với toán quân nhân nhà bếp, đề nghị là chúng tôi sẽ tình nguyện lo phần nấu nướng, dọn dẹp, rửa nhà ăn, còn họ lo phần tiếp liệu... ngụy trang dưới chiêu bài là không muốn ăn không ngồi rồi để cho mấy anh cực nhọc! Mấy ông nhà binh Mỹ ngạc nhiên, họp nhau lại góc nhà xầm xèo khoảng 5 phút, rồi trả lời chúng tôi là họ đồng ý.
Thế là hôm sau, phe ta cử các bà sang nấu nướng, còn việc phát đồ ăn, các cậu thanh niên và một số anh em Dù phụ trách. Thịt heo được kho tầu, cá hồng được tẩm bột chiên bơ, gà thì bỏ lò nướng, rang mặn và chiên, thịt bò xào cải... không còn cảnh "gì cũng luộc" như cũ. Tôi thấy mấy anh quân nhân nhà bếp Mỹ lấy đầy đĩa cá hồng chiên bơ ra bãi cỏ sau nhà bếp ngồi ăn và tán dóc thoải mái, mọi người đều vui vẻ! Sau bữa ăn, mấy anh em Dù xếp bàn ghế lên đem vòi nước vào rửa sạch nhà ăn, lính Mỹ chịu quá!
Cuối ngày, mấy anh quân nhân nhà bếp góp nhau lại, mỗi anh 1$, cả thảy được khoảng 6$ tặng ban ẩm thực, nhưng các bà bếp không lấy, tặng lại mấy cậu thanh niên và mấy anh Dù "không gia đình". Tối đến, mấy anh sang Hitching Post mua mấy pitcher bia và thuốc lá, cọâng thêm mấy đĩa phao câu gà chiên bơ đem từ nhà bếp về (cả đời tôi chưa từng bao giờ thấy ở đâu có nhiều phao câu đến như vậy! ), đàn, hát, cười nói... vui như Tết! Thỉnh thoảng lại có mấy anh thanh niên người Mỹ địa phương, thường là sinh viên đại học, tình nguyện vào thăm, nói chuyện về một vấn đề gì đó để bà con tị nạn có một khái niệm về đời sống khi định cư bên ngoài, thấy vui cũng ghé vào nhà 1063 nhậu và hát như mọi người. Có cậu sỉn quá, ngủ luôn trên sàn nhà với nhóm thanh niên tị nạn tới sáng hôm sau...
Ngày 22-6-1975, Khánh Ly và Sĩ Phú tổ chức một đại nhạc hội dã chiến tại sân vận động ở Fort Chaffee, nhà binh Mỹ cho mượn loa, micro, và một bục gỗ làm khán đài... thính giả gần như là hầu hết người Việt trong trại, ngồi bệt trên cỏ... Khánh Ly vừa hát, rồi nói, vừa động viên Sĩ Phú, hát thật nhiều và trình diễn một buổi ca nhạc tị nạn xuất thần... Qua những lời nói tình cảm của Khánh Ly về thân phận người tị nạn, về quê hương, nhiều khán giả ngồi nghe mà không cầm được nước mắt. Mấy anh quân cảnh Mỹ đứng giữ trật tự thộn ra không hiểu vì lý do gì, cô ca sĩ vừa hát vừa nói, mà thiên hạ ngồi chấm nước mắt lia chia...
Trong thời gian đó, tôi còn nhớ, có những người vì lý do này, lý do kia đòi trở lại Việt Nam trên chiếc tầu Việt Nam Thương tín, một số được tập trung ở Fort Chaffee để chờ tập họp cả mấy nơi khác cho đầy chuyến tàu. Khi chờ đợi "quá lâu", họ biểu tình phản đối, trách ông Mc Donald, trại trưởng Fort Chaffee bội tín, đòi hỏi ông sớm đưa trả họ về Việt Nam. Quân cảnh Mỹ canh gác nhóm biểu tình này nghiêm ngặt. Báo chí và đài phát thanh Fort Smith tường thuật về sự việc.
Mấy ngày sau lại có đám biểu tình, phản đối nhóm biểu tình trên, cảm ơn ông Mc Donald và nước Mỹ đã mở cửa đón nhận người tị nạn. Quân cảnh Mỹ cũng canh gác nhóm biểu tình này nghiêm ngặt. Báo chí và đài phát thanh Fort Smith cũng tường thuật về sự việc.
Trong khi đó, ngày nào cũng có vài chuyến xe bus chở người xuất trại, vài chuyến xe bus chở người nhập trại. Cuộc sống của dân tị nạn, sau khi làm xong thủ tục khám sức khỏe, chính ngừa, làm thủ tục giấy tờ... là chờ cơ quan thiện nguyện tìm cho người bảo trợ, rồi làm thủ tục xuất trại. Trong khi chờ đợi, dân tị nạn đi tìm hoặc viết thư thăm thân nhân, bạn bè, hoặc ghé thư viện mượn sách báo đọc. Fort Chaffee có hai thư viện và một PX.
Cuộc sống ở nhà 1063 thoải mái, êm đềm và thân mật. Trước một tương lai xa lạ mà không ai biết sẽ ra sao, nhóm người tị nạn nhà 1063 gần gũi và thương nhau... như anh em một nhà. Đến nỗi, một hôm ông trại trưởng 1063 đã tuyên bố cùng anh em:
- Nếu họ cho mình ban ngày ra ngoài đi làm rồi tối quay lại đây ở với nhau quây quần như thế này, tôi chịu liền!
Nhiều người đồng ý.
Tôi đến Fort Chaffee ngày 15-5-1975. Ngày 15-7-1975 chúng tôi chuyển trại sang Camp Pendleton, California. Số là tôi có một cháu gái, cháu Thu Dung, 2 tuổi rưỡi, bố mẹ cháu không di tản được, nhưng vì một éo le vô tình đưa cháu lên tàu sang Mỹ một mình; một thiếu nữ rất dễ thương ở Phước Tỉnh là cô Nữ, nhận cháu trên biển gần Vũng Tàu, đem cháu sang tới Guam và trao cháu cho gia đình cậu em rể tôi, tuy xa với cháu, nhưng cũng còn chút... liên hệ. Chú em rể tôi đem cháu Thu Dung từ Guam vào Camp Pendleton. Rồi chú nhờ Hồng thập tự Mỹ tìm giùm và họ tìm ra gia đình chúng tôi ở Fort Chaffee. Vì tôi có thể sẽ sang định cư tại Long Beach, nên thay vì chuyển cháu sang Fort Chaffee, rồi lại có ngày trở lại California, nên họ chuyển gia đình tôi sang Camp Pendleton sau này ra thẳng Long Beach xem ra hợp lý hơn.
Cơ quan thiện nguyện HIAS lúc 10 giờ sáng thông báo cho chúng tôi biết, là 11 giờ sẽ có xe đến đón chúng tôi đưa ra phi trường đi California. Chúng tôi có một giờ để sửa soạn, do đó phải hấp tấp đóng đồ, việc này trong những ngày mới tới Mỹ thì dễ thôi, gia đình tôi có tổng cộng 4 thùng giấy, thùng thứ 5 đầy cam và táo do bà con nhà 1063 cho. Số là cậu em rể tôi cho biết bên Camp Pendleton hiếm cam và táo mà bên này thì thừa thãi, tôi ngỏ lời với các bạn 1063, kết quả là 5 phút sau chúng tôi có một thùng đầy cam táo.
11 giờ xe đến. Chúng tôi bịn rịn từ biệt thân hữu nhà 1063, nơi chúng tôi đã sống cùng nhau trong hai tháng qua, tuy không ai nói ra, nhưng tất cả đều cảm thấy thân nhau như ruột thịt. Gần như cả nhà 1063 ra tiễn. Năm thùng hành lý lên xe trong chớp mắt. Mấy chú nhẩy dù vỗ đầu, bế tạm biệt hai cháu nhỏ. Người ở, người đi đều rưng rưng nước mắt. Chia tay hôm nay, không biết rồi trong đời có ngày nào gặp lại trên đất Mỹ rộng lớn này...
Tôi cố cầm nước mắt, nhưng khi xe chạy, nước mắt tôi ứa ra, không cầm lại được.
3 giờ chiều máy bay cất cánh. Tôi cố tìm Fort Chaffee trên cánh rừng xanh bát ngát. Bây giờ Fort Chaffee, nơi chúng tôi đã ở trong hai tháng, từng đi bộ mệt nhoài, nay chỉ là một hình chữ nhật nhỏ, với những dẫy nhà nhỏ nhí, trong đó có nhà 1063 thân mật của chúng tôi, tất cả chẳng nghĩa lý gì cả trong cánh rừng mênh mông xanh ngát như biển của miền Ozark.
Khoảng tiếng đồng hồ sau, phi cơ đáp xuống phi trường Dallas. Đổi máy bay. Hồng thập tự địa phương và học sinh tình nguyện tại Dallas hướng dẫn chúng tôi sang phi cơ khác. Khoảng hơn 9 giờ tối, phi cơ bay vào không phận California. Từ trên nhìn xuống, tôi thấy một thành phố vĩ đại, sáng dội lên vì ánh đèn điện. Tôi nhìn đồng hồ: phản lực cơ DC9 mất khoảng nửa tiếng bay trên vùng ánh sáng đó rồi mới đáp xuống phi trường LAX. Khoảng 1 giờ sau phi cơ lại cất cánh đưa chúng tôi xuống San Diego, mất khoảng 15 phút bay. Một xe Dodge của Thủy quân Lục chiến Mỹ với hai quân nhân đến đón, đưa chúng tôi từ San Diego tới thành phố Oceanside, ghé lại nhà một trong hai anh TQLC trên xe Dodge: anh ta tạm biệt vợ con để ngày mai đổi đi nhiệm sở mới! Sau đó anh ta mới chở chúng tôi vào Camp Pendleton. Thời gian bay, chờ, đợi, suốt 13 giờ, làm chúng tôi mệt đứ đừ, hai đứa nhỏ ngủ lăn ngủ lóc trên sàn xe. Khi chúng tôi đến Camp Pendleton của TQLC thì đã hơn nửa đêm. Chúng tôi phải làm giấy tờ nhập trại rồi được đưa về trại 5, một trại lều vải như ở Orote Point bên Guam.
Nơi đây chúng tôi phải ở hơn hai tháng nữa, nhưng đó lại là câu chuyện khác.

LÊ NGỌC MINH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến