Hôm nay,  

Cảm Suy Của Một Kẻ Bần Cùng Mới Ở Mỹ

28/11/200300:00:00(Xem: 160796)
Người viết: L.V.C.Ngọc
Bài số 410-949-VB3251103

Tác giả L.V.C. Ngọc vừa tới Mỹ chiều 3-10-2003, nhờ sự bảo lãnh của gia đình bên vợ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh khó khăn của ông ngày đầu tới nước Mỹ. Sau đây là phần tiếp theo. Xin chúc ông may mắn và mong ông có thể viết tiếp để chia xẻ những kinh nghiệm vượt khó của ông tại nước Mỹ.

*

Santa, ngày... tháng... năm 2003
Anh Ng,
Có lẽ miền Nam nước ta bây giờ đã cuối mùa mưa bão lụt lội. Chỉ mới hơn một tháng nay thôi em đã sống trong mùa mưa bão ấy. Khỏi phải nói, chắc chúng ta cũng đã thấm được nỗi lầm than cơ cực của dân nghèo nước mình, trong đó có chúng ta.
Dạo này anh thế nào" Có khỏe không" Em hỏi vậy thôi, chứ biết anh không khỏe em cũng chẳng làm gì giúp anh được. Ở Cali đang vào mùa thu-đông. Trời se lạnh về đêm, thỉnh thoảng sáng sớm có sương mù, có chiều lác đác mưa, có ngày nắng đẹp, cảnh thu trên đất Mỹ làm em chạnh nhớ câu thơ Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm...” Người ta chỉ nhớ quê hương, khi đã xa nó.
Ta đã sống hai phần ba thế kỷ ở Việt Nam. Mặn ngọt chua cay đắng chát đã lịch duyệt. Thế mà giờ đây mái tóc điểm sương, em vẫn còn lên đường, anh không đưa tiễn. Em có một người bạn thân duy nhất cũng không đưa tiễn. Em hiểu, khi ta quá khổ thì được đi là giải thoát, nên thương người ở lại.
Trong lá thư trước, em đã hứa sẽ nói cho anh nghe về ngày đầu em tới Mỹ. Em chỉ là kẻ di dân, đi theo diện em trai vợ bảo lãnh.
Ngay ngày em đến Mỹ lần đầu, em bị cha vợ mắng, lý do: em là kẻ ở đâu cũng gây xáo trộn, phá hoại nhà người ta, ông nói em dụ dỗ con gái ông, làm con gái ông bị cầm chân ở Việt Nam gần hai chục năm không được sớm sang Mỹ.
Mấy ngày đầu ông tạm cho em tá túc ở nhà ông. Sau đó ông bảo vợ em và em đến ở nhà khác để làm việc nhà trông coi con cái của thứ nữ của ông. Nhưng độ một tuần sau, ông lại tỏ vẻ mặt tươi cười, nói lời nhỏ nhẹ ngọt dịu với em chứ không còn giữ sắc mặt hằm hằm, nói năng xẳng như trước nữa. Ông bảo em nên cách ly vợ em, để cho cô ấy tự do học hành, mười mười lăm năm sau gặp nhau cũng không muộn. Ông hứa giúp em mỗi tháng ba trăm mỹ kim trong thời gian ba tháng. Với số tiền đó em hiện đang thuê phòng trọ với giá hai trăm năm mươi mỹ kim mỗi tháng. Em còn năm mươi mỹ kim mà phải chi vào tiền ăn uống, thuốc men, quần áo, giặt giũ, xe bus và những thứ chi tiêu khác hàng tháng. Có nhiều ngày em phải đi ăn bánh mì không với muối. Em còn mang bệnh trong người, nhưng không thể đi khám bác sĩ và mua thuốc.Ông khuyên em nên tự tìm kiếm việc làm mà sống, ông nói ở đất Mỹ này không ai nhờ ai được, ông bảo đừng đem thứ Nhân nghĩa lạc hậu ra nói ở đây. Ông chê cái thứ triết lý cùn của em. Ở đây người ta vất nó vào sọt rác, rằng hạng người ngổ ngáo ngang ngược như em không thể sống chung trong nhà ông vv….
Cha mẹ vợ em đã có quốc tịch Mỹ được nhận tiền trợ cấp tuổi già và medical tức trợ cấp y tế. Họ qua Mỹ đã mười một năm nay, do người con trai ruột bảo lãnh. Bây giờ họ sống rất đàng hoàng có nhà, có xe có tiền gởi ngân hàng. Người con trai ruột của họ là em trai ruột của vợ em. Cậu ấy vượt biên năm 1982, lúc mới mười sáu tuổi, cha mẹ cậu xúi cậu vượt biên, vì đời sống gia đình cơ cực. Năm nay cậu đã 37 tuổi sống vững vàng trên nước Mỹ này.
Như em mới nói cha mẹ vợ em thay mặt cậu là người bảo lãnh vợ chồng em, cho em mỗi tháng ba trăm mỹ kim trong ba tháng, bảo em thuê phòng riêng ăn ở. Còn vợ em thì ông bà nuôi bảo sống cách ly em ra. Ông bà bảo nếu vợ em sống với em thì có đi ăn mày, về già sẽ khổ lắm. Ông bà lấy làm tủi nhục thấy con gái mình lấy phải một người chồng ngu dốt, bệnh hoạn, già yếu, tứ cố vô thân, bần cùng ở trên nước Mỹ giàu sang, văn minh này.
Vợ em rất ngoan hiền, hiếu thảo. Cô ấy hiện sống ở nhà cha mẹ để hầu hạ các ngài lúc tuổi già và để chăm sóc cho bốn đứa con nhỏ của vợ chồng người anh ruột mới từ Việt Nam sang Mỹ định cư trước chúng em một tháng. Người chị dâu của vợ em hiện nay đang mang thai nữa.


Cả tuần nay em cảm thấy trong người yếu mệt. Em thì nhiều bệnh lắm, em sợ những bệnh cũ tái phát, nhất là bệnh phổi. Vợ chồng người chủ nhà hiện em đang thuê ở trọ là người Việt họ thấy tình cảnh em sống một mình, bệnh hoạn, già nua, ngheò túng, nên họ thương. Thay vì lấy hai trăm năm chục tiền nhà mỗi tháng họ bớt cho hai chục nhưng lòng tốt người ta có giới hạn. Không biết vài tháng sau, cha mẹ vợ không trả tiền nhà thì đời em sẽ ra sao.
Hôm 12 tháng 11 vừa rồi em có đến cơ quan làm phúc của thành phố nơi em ở đường Walnut để làm đơn xin… nghĩa là vì quá thiếu thốn nên tham lam xin tất cả: thuốc men, thực phẩm, nhà ở… Một ông nhân viên cơ quan từ thiện người Việt Nam chỉ cho em điền đơn này mấy chữ tiếng Mỹ là Underaged rồi ông bảo em ký. Em ngồi đợi hơn 2 tiếng trong phòng dành cho những người như em, không ăn trưa dù đói khát, mệt lả.
Khoảng một giờ chiều một bà người Việt kêu em vào phòng phỏng vấn. Em trình bày lý do tại sao phải xin chính phủ trợ cấp cho bà nghe. Bà ta bảo em chưa đủ 65 tuổi là tuổi cần được trợ cấp, mặc dù em đã có số thẻ thường trú và số an sinh, cũng như giấy tờ chứng minh bệnh tật.
Khi tiễn em ra khỏi phòng, có lẽ động lòng trắc ẩn, bà ta chỉ cho em một địa chỉ khác ở đường Grand bảo em đến đó xin medical. Bà ta còn cho em những địa chỉ groceries những hot meal & lunch, những shelter & housing, tức là những chỗ ăn ở tạm thời miễn phí của các cơ quan từ thiện cho những người cùng khổ như em. Cảm ơn lòng tốt của bà. Nhưng em không biết tiếng Mỹ không biết đường đi, cũng không có phương tiện đi tìm.
Điều em ghi nhận là ở nước Mỹ này người ta thực sự thương những kẻ bần cùng, khi người ta dư dả. Ở đây không có cảnh thương tâm trong Les Miserables của Victor Hugo nhưng ở đây người ta cũng sợ những kẻ giả bộ cơ nhỡ để xin tiền mặt cứu trợ, xin cấp thiếu mua thực phẩm miễn phí, chính quyền nghiêm khắc trừng phạt những tội gian lận ấy vì nếu dung túng sẽ làm phương hại đến kinh tế quốc gia cũng như gián tiếp khuyến khích sự lười biếng.
Nghe theo lời chỉ bảo của bà cán sự xã hội hôm qua, em lại lần mò tìm đến một chỗ cứu trợ xã hội khác của Santa Ana ở đường Grand. Mấy cô tiếp em nói bằng tiếng Mỹ nên nghe không hiểu gì cả. Em ra dấu cho họ rằng em là người Việt Nam, muốn gặp một người thông dịch biết tiếng Việt. Lát sau có một cậu người Việt tiếp em. Em nói với cậu ấy rằng em muốn xin một tờ đơn xin trợ cấp bằng tiếng Việt để điền và cậu ấy vui vẻ làm theo lời em yêu cầu.
Cũng như hôm qua, trưa em nhịn đói ngồi đợi gần hai giờ mà chưa nghe gọi tên phỏng vấn. Em phải hỏi lại cô nhận đơn về lý do chậm trễ thì cô mới sực nhớ ra và báo cáo cho bà người Việt kêu em vào phòng hỏi. Em khai mình bị bệnh nhưng không có tiền khám bác sĩ hay mua thuốc nên xin chính quyền giúp đỡ. Bà phỏng vấn em sau khi xem xét giấy tờ hứa sẽ gửi medical cho em nhưng phải đợi đến lúc em đủ 65 tuổi.
Lúc từ giã bà ta ra về, em chắp tay vài chào tạ ơn. Vừa lên xe bus em vừa nghĩ: chính quyền là trung gian giai cấp giàu có và nghèo khổ chứ không thiên vị bên nào. Một chính quyền thiên vị thì bất công mà đã bất công thì không thể nói là có đạo đức. Em tạ ơn chính phủ Mỹ về lòng tốt vô tư của họ.
Vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư của tháng mười một này người Mỹ sẽ bắt đầu ăn mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) để kỷ niệm các cha di cư thanh giáo Anh ở Plymouth, Massachusettes đã được mùa gặt hái đầu tiên vào năm 1621. thời bấy giờ các cha và dân chúng đã ăn mừng lễ ấy bằng gà tây và bánh bí ngô, quây quần bên ngọn lửa ấm trong không khí thân mật gia đình đoàn tụ. Em không biết tiếng anh, nhưng theo nhiều người giải thích thì chữ Thanksgiving gồm hai chữ Thanks: cảm tạ và giving: ban tặng. Kẻ nói lên lời cảm ơn là chúng ta còn kẻ ban ơn là đấng vô hình ban tặng. Bởi vì, có vô hình mới thi ân bất cầu báo. Ta cảm tạ là cảm tạ trước đấng vô cầu ấy nghĩa là vô ngã hay nói theo Ấn Độ giáo là Vô Đức Bà La Môn nhưng Vô Đức có thể sinh ra Hữu Đức và dù Vô Đức hay Hữu Đức thì nói như Lão Tử đều Huyền Diệu cả đó là Cửu sinh thành chúng ta. Vậy cảm ơn đây là cảm ơn Đức sinh thành không chỉ chúng ta mà còn cả trời đất vạn vật. Thấy được Đức vô cầu mà cảm ơn là thấy biết và sống đạo vậy là thấy được bản lai diện mục vậy. Theo em nghĩ, đó là nền tảng của các tôn giáo lớn của nhân loại.
Trên đây là một vài ý nghĩa của em. Nếu có gì không vừa ý, xin anh bỏ lỗi cho nhé.
Kính thư,

L.V. C. Ngoc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến