Hôm nay,  

Vui Buồn Nghề Nails

12/11/200300:00:00(Xem: 221673)
Người viết: PAMELA TRINH
Bài số 394-933-VB5061103

Tác giả lần đầu viết về nước Mỹ, bà cho biết hiện cư ngụ tại Anaheim, Nam California và chỉ ghi tiểu sử vắn tắt như sau: Pamela Trinh, tuổi đã xế tà, culi de luxe tại tiệm Nails và tại nhà. Bài viết của bà nhiều chi tiết sống động, hữu ích cho cả khách hàng và người làm nghề nails. Bài đăng 2 kỳ.

Thú vui mỗi ngày của tôi bây giờ là được đọc bài Viết về nước Mỹ trên Việt Báo. Có những bài hay và vui, tôi phải đem photocopy đọc đi đọc lại vài chục lần và gởi về VN cho bạn bè đọc chơi. Bài tôi thích nhất là bài "32 Năm Người Mỹ và Tôi" của bà Trương Ngọc Bảo Xuân viết về cuộc đời của gia đình bà, bài "Câu lạc bộ thể thao Bally" của CT, bài "Vui buồn Cali" của Phan Kỳ Long. Đọc rồi, cả ngàn lần tôi tự nhủ mình cũng có khối chuyện để kể, tại sao không viết cho bà con đọc chơi. Nhủ vậy mà chưa bao giờ cầm bút lên viết nổi 10 giòng. Hôm nay trời đi vắng tôi lại tự nhủ: ráng lên, hít một hơi và viết.
Tôi đến Mỹ năm 1995 thuộc diện trâu chậm uống nước đục. Mà cũng chẳng sao, có nước là được rồi. Theo chân chị em phụ nữ qua trước vùng lên đòi quyền sống, bạn bè chỉ dẫn tôi là nên đi học nails, tóc, skin care thì dễ kiếm việc hơn. Tôi chọn học Nails vì số vốn tiếng Anh khiêm nhường của mình.
Lúc mới đến, tôi chưa được nhìn thấy tận mắt một tiệm Nail ở Mỹ, nên cứ tưởng tượng theo kiểu bên nhà là mình sẽ xách một cái giỏ, chứa vài trái chanh, cái thau nhựa, vài lọ nước sơn và dũa kềm là mình có quyền tà tà vô Phước Lộc Thọ hành nghề. Khi quyết định nộp tiền đi học, bà chị họ ở tận miền Bắc Mỹ, bà chị qua năm 75 có con mắt nhìn nghề Nails không mấy thiện cảm, gọi điện thoại long distance, lên lớp tôi một hơi không nghỉ:
- Nì tao không ưa mi đi học cái nghề đó. Mi có khi mô coi mấy cái movie nói về mấy người nô lệ chưa" Để tao kiếm về cho mà coi, còn không thì đứng trước tiệm Nails mà dòm, mi sẽ thấy mấy chị em đầu đen xoa chân bóp tay chà gót chân cho mấy đứa da trắng tóc vàng, nhìn cho kỹ rồi mi sẽ thấy mi là một trong những tỳ nữ sau này. Bà An bạn tao hồi mới qua cũng đi làm Nail ông chồng lên tiệm đón bà về mỗi ngày, ổng dòm vô tiệm ổng thấy thân hình con mắm của bả gồng lên bóp chân cho khách ổng ứa nước mắt và yêu cầu bả giải nghệ. Mi có biết không"
Không, tôi không cần biết. Mặc kệ mọi lời ngăn cản. Tôi hiên ngang đi học, nói cho oai chứ học thì ít, karaoke với nhảy đầm và đi ăn quà vặt thìø nhiều. Vậy mà tôi cũng đoạt được cái bằng manicurist và sau này là cái bằng tóc nữa.
Quả thật, tiệm Nail là một hiệp chủng quốc thu nhỏ, bắc trung nam lẫn lộn, có người trước khi đi vô ngành Nail đã từng là cô giáo, y tá học luật cũng có người buôn bán chợ trời, cũng có kẻ hiền, người dao dúa, có con lai và con không lai, có người lừng lẫy với dĩ vãng vàng son, có người dĩ vãng không son cũng không vàng như tôi. Chừng đó cũng đủ làm cho thế giới tiệm Nail đầy rẫy phức tạp. Vì chỉ mới vô nghề nên tôi chỉ ghi lại những điều trông thấy mà đau đớn lòng theo kiến thức hạn hẹp của tôi.
Chủ tiệm Nail đa số là những người từng đi làm thợ, khi tay nghề đã cao, lăn lộn trong nghề nhiều năm có vốn họ ra mở tiệm, có khi hùn hạp có khi họ làm chủ một mình. Phần còn lại chủ tiệm Nail là những người có tiền, làm business thấy tiệm Nail cũng có ăn bèn nhào theo mở tiệm, và dĩ nhiên họ không có tay nghề để phòng hờ có khi thợ làm neo nghỉ đột xuất chủ tiệm không thể ra tay làm cho khách được. Thường thì chủ tiệm đã từng làm thợ họ dễ thông cảm cho thợ, ít "đì" thợ và công bằng hơn. Loại thứ hai, chủ tiệm không ở trong nghe,à thích tiền hơn thích sự công bằng.
Cũng có những tiệm chủ là hai vợ chồng, thợ là mẹ vợ em chồng, chị vợ vv… Loại tiệm này, thợ người ngoài thường bị ngồi chơi xơi nước hơn là làm việc.
Tôi đã từng làm việc cho một tiệm ở Anaheim Hills, cô chủ còn trẻ, trong tiệm có thêm 4 cô thợ nữa, chỉ cần làm 3 ngày là tôi biết cô chủ thuộc loại miên thị tề là mê thị tiền. Bao nhiêu khách sang, khách sộp, cổ bao thầu hết từ tay chân nước đến bột đến Facial wax, chưa kể cổ có đứa con gái 13 tuổi buổi chiều đi học về con bé ra tiệm được cổ giao cho làm tay chân nước bất kể luật lao động của Mỹ, luật thợ làm không có licence của state board, cho nên thợ chỉ ngồi đó giỏi lắm là từ một tuần đến một tháng, điều đó cũng dễ hiểu vì sao cổ là khách hàng permanent của các báo với mục đích tìm thợ Nail.
Tuy nhiên cũng có nhiều người chủ rất tốt, có tiệm chủ sẽ chia 7/3 cho thợ nào làm trên 5 năm mà built được nhiều khách hàng, rồi lễ lạc tết nhất họ cũng quà cáp hậu hỷ cho thợ vì người chủ có suy nghĩ là chủ và thợ hỗ trợ nhau, chủ tạo nơi có công ăn việc làm cho thợ và thợ bỏ công sức ra make money cho chính mình và cho chủ.
Tiệm Nail như tôi đã nói, là nơi phức tạp nhất trên trái đất. Đủ mọi thành phần có mặt trong thế giới tiệm Nail. Một người chủ giỏi điều hành, coi trọng business của mình sẽ không bao giờ mướn một người thợ không có tư cách, tình tình lỗ mãng, phát ngôn bừa bãi coi thường khách hàng. Thường thì chủ tiệm sẽ cho nghỉ việc ngay khi trong tiệm có những người quậy như vậy. Nghề Nail vốn đã phức tạp vì nó đụng chạm nhiều đến tiền bạc, mỗi ngày thợ Nail nhìn thấy rõ income của bạn mình. Thợ bột dòm ngó thợ bột, thợ tay chân nước dòm ngó tay chân nước. Người làm ít kẻ làm nhiều đưa đến chuyện sanh nạnh, ganh tỵ, nói xấu nhau. Có những người thợ, không biết ở bên nhà làm đến chức tước gì mà sang đến đây luôn luôn hoài cổ rồi bực tức trút lên đầu khách và bạn đồng nghiệp. Đại để là khi có khách yêu cầu cắt da lại cho sạch thì cô thợ gầm lên: "Mẹ kiếp có mấy đồng bạc mà mày hành bà, không có 75 thì bà đâu có thèm sang đây. À, mày muốn cắt nhiều thì mày sẽ được toại nguyện." Và "Phập" "Ah, you hunt me" bà khách la lên. Thế là máu chảy bãi…nail. Hậu quả thì ra sao, ai cũng biết khách sẽ bảo nhau không bao giờ trở lại.
Tuy nhiên cũng có những tiệm Nail 90% là những người thợ đàng hoàng, lịch sư. Nếu may mắn được làm ở những tiệm chủ tốt thợ đàng hoàng income Ok thì đâu có chuyện gì để nói nữa.
Thợ làm Nail, theo tôi, tốt nhất là khi làm việc không nên nói chuyện nhiều với đồng nghiệp bằng tiếng Việt. Người Mỹ họ không hiểu tiếng Việt nhưng họ hiểu được khuôn mặt của thợ Nail khi phẫn nộ, giận dữ đối với khách. Nếu họ hiểu được tiếng Việt họ không bao giờ bước vào tiệm Nail của người Việt.
Khách Mỹ, khách Việt vô làm nail đủ loại. Tôi thấy mình rất hợp với nghề này vì mỗi ngày tôi được tiếp xúc nhiều khuôn mặt khác nhau, được nghe nhiều mẩu tâm sự khác nhau. Đôi khi tôi còn được khách vấn kế như kiểu bà Tùng Long gỡ rối tơ lòng trên báo. Khách hàng có người dễ dãi, có người hơi khó chịu một chút, có người thích nói nhiều, có người rộng rãi khi cho tip, có người không cho gì hết.
Khách Mỹ khi vào tiệm Nail để làm đẹp cho đôi chân được chải chuốt màu mè, cho đôi bàn tay óng ả hơn, ngoài ra họ còn được thưởng thức 5, 7 phút xoa bóp kèm theo. Tại Cali với giá cả nhẹ nhàng (vùng Orange County) họ chỉ phải trả trung bình từ 18-20 đôla cho cả hai thứ và trung bình thêm tiền tip 2-3 đôla. Vùng tôi làm loại khách giàu như luật sư, bác sĩ, chơi stock chỉ cho tip theo 15% như khi đi ăn nhà hàng. Đàn ông vô tiệm Nail tưởng là xộp nhưng thực ra được xếp vào loại không rộng rãi khoảng 90%. Thỉnh thoảng, cũng có khách sang thứ thiệt để lại tiền tip 5, 10 đồng, nhưng cũng có khách sang không thiệt sau khi về nhà mới sực nhớ là cho tip quá nhiều bèn quay lại tiệm yêu cầu trả lại.
Cũng đừng tưởng là khách Mỹ không có người gian lận. Trung bình 10 cái check khách ký trả tiền là có 1 cái check không tiền bảo chứng. Cũng có nhiều lần khách Mỹ trắng vô tiệm tôi làm đủ thứ waxing, massage, chân và một bộ full set, tính ra hơn cả 100 đôla. Tới giai đoạn chót là khách đi rửa tay để trở lại sơn màu và trả tiền thì họ dông ngả sau đi tuốt.
Khách Việt Nam vô tiệm Nail cũng không nhiều, vì đa số khách VN thích làm theo kiểu ở bên Saigon là cắt khóe thật sâu, nhưng ở Cali luật của state board thì không được cắt khóe, việc này dành cho bác sĩ chuyên về chân. Và thật sự thợ làm Nail người Việt vì mặc cảm có thợ khi vào tiệm xin việc đã giao hẹn trước với chủ là không thích làm cho khách Việt.
Sau đây tôi xin kể lại chuyện tôi đi làm Nail.

Tiệm thứ nhất

Tiệm này có tên L Nails, mỗi ngày tôi hát bài "Đường trường xa con chó nó tha con mèo" hơn cả 1 giờ đồng hồ, vượt qua 60 miles cho mỗi chuyến đi. Tiệm này rất sạch sẽ, lịch sư. Thời điểm đó mới có những cái spa chair thì tiệm này đã có đầy đủ, có phòng ăn cho thợ, phòng chứa khăn máy giặt, máy sấy. Cô chủ thuộc diện sang trọng, không ở trong nghề Nail, có đi học đại học nhưng đôi khi xử sự như người chưa đi học. Buồn buồn cô đập bàn đá ghế, thường thường cô nổi giận lên là phải có cái gì đó bị bể. Tiệm này có cái lối chia khách rất ngộ. Thợ đến tiệm ghi tên trên tờ giấy cô chủ sẽ theo đó chia khách theo thứ tự trước sau, ai tới trước làm trước, ai tới sau làm sau. Làm xong thợ phải lên ghi tên lại để lấy tour khác. Cứ như thế suốt ngày, ai quên ghi tên nữa thì cứ việc ngồi đó suốt buổi. Kiểu ghi tên này làm cho thợ hối hả làm cho khách thiệt lẹ đặng còn lên ghi tên tiếp, dần dà một cái pedicure thợ hoàn tất trong vòng 15 phút, một cái manicure họ làm xong trong 7 phút.
Làm ăn gấp gáp vậy, dĩ nhiên là tiệm sẽ mất khách. Không có khách thì thợ cũng sẽ bỏ đi cho nên tiệm này thợï luôn luôn mới, không ai ngồi quá một tháng vì quá xa mà cô chủ lại ưa lên cơn sảng. Đôi khi vì muốn giữ thợ mới cổ lấy khách hẹn của thợ cũ sang qua cho thợ mới làm, thế là ẩu đả xảy ra.
Có lần có hai vợ chồng trẻ đến xin làm, cô chủ nhận tuốt cho dù thợ đã đầy. Người vợ nhỏ nhẹ nói cho cô chủ biết là vì mới ở VN sang nên tiếng Anh không rành, vì vậy lúc làm cho khách cổ lẳng lặng làm, không xí xa xí xô nịnh hót khách như mấy cô thợ cũ. Cô chủ ngứa miệng lên tiếng: "Nè chị N sao chị làm tay cho khách mà cái mặt dầm dầm như đưa đám vậy" Nói gì đi chớ."
Anh chồng ngồi làm kế bên, nghe vợ bị xài xể bèn nổi nóng:
"Nè cô Lo-ra (cô ta tên Laura) cô phát ngôn bừa bãi quá nha, vợ tôi đã nói là nó chưa rành tiếng Anh. Bộ cô hồi mới qua giỏi lắm hả" Mẹ, thanh toán tiền lương đi, tụi tui quit."
Cô chủ cũng đâu có vừa, gầm lên: "Tiền hả, tuần sau đến lấy." Lúc này anh chồng đang làm bột cho bà khách Mỹ, bèn quăng bàn tay bả xuống bàn cái rầm, đứng dậy:


"Được rồi, ta sẽ tính chuyện phải quấy, một là trả tiền, hai là ta sẽ cho một quả lựu đạn chết ngắt cả tiệm bây giơ.ø" Mấy bà khách Mỹ trố mắt ra "nghe ngóng". Bọn thợ tụi tôi thì nghe tới lựu đạn thì teo, bèn bỏ nhỏ cô chủ thôi, cô ơi trả tiền cho họ dzọt đi. Vậy mà qua sáng hôm sau, ai đó đã chơi cô chủ một vố khá ngoạn mục: cả hai cánh cửa trước sau đã bị trét xi măng vô lỗ khóa, báo hại bọn thợ tôi phải đứng chờ ngoài cửa khá lâu mới phá cửa vô được.
Tiệm càng ngày càng thưa khách, thợ tản mát đi kiếm chỗ khác. Tôi cũng phải đi thôi. Dù sao đây cũng là một nơi đầu tiên cho tôi hành nghề, khách hàng của tôi cũng là những nhân vật nổi tiếng như anh Kobe Bryan của đội Lakers, anh Bob Saget và 3 cô con gái nhỏ xinh xắn của show "Funiest Home Video" em gái hỏa diệm sơn Jenny Mc Caney của MTV, bà má vợ của ca sĩ Elvis Presley….
Thế là giã từ biển, về lại quê nhà Little Saigon mua tờ báo Việt Báo.

Tiệm thứ hai

Lời rao vặt cần người đăng như vầy: "Cần thợ nail đi chung xe với chủ, tiệm vùng biển. Tôi đọïc là khoái vụ đi chung xe tồi bèn gọi lại cho bà chủ. Bà chủ yêu cầu tôi tới nhà để diện kiến dung nhan coi có hợp nhãn, hợp tuổi không rồi mới mướn. Tôi khăn áo chỉnh tề, phóng xe lên vùng Bolsa tới nhà bà chủ.
Sau khi bà chủ dòm tôi từ đầu đến chân (làm tôi tưởng mình được chọn đi làm cho cà phê Dĩ Vãng, nói đùa thôi chứ tôi xin đi rửa ly cà phê ở Dĩ Vãng cũng không được mướn). Bà chủ phán là "Tiệm chị ở Redondo Beach. Ngày mai 2 giờ trưa lên đây, bỏ xe ở nhà chị rồi chị chở đi làm." Tôi bèn hỏi chị "sao lại phải chờ tới 2 giờ lận chị"" Bà chủ thuộc loại người lạc quan của ông Phan Kỳ Long "Ừa sáng ra chị phải đi ăn sáng nữa." Tôi oải quá bèn thưa: "Thôi chị cho tự lái xe đi, chứ đi làm mà 2 giờ mới đi thì có mà ăn cháo…bào ngư." Bà chủ ra vẻ không bằng lòng: "Nếu em tự lái xe thì em cũng phải tới đây, chở thợ đi làm." Tôi tự nhủ sao là lại phải, nhưng thôi kệ thử đi làm vài bữa thấy không xong thì dzọt, chưa chi mà đã thấy nhiều luật lệ quá đi thôi.
Tiệm này chỉ có 4 thợ và tôi, 2 cô thợ có vẻ như là tay chân của bà chủ, coi tiệm từ sáng đến 2 giờ chiều. Tiệm chia khách theo luật rừng. Ngày đầu tiên bước chân vào tiệm là tôi đã cãi rồi. Theo lời bà chủ tiệm này mở trên 13 năm, tiệm chật chội tăm tối bàn ghế cũ rách dây điện lòng thòng mọi chỗ, không có máy giặt máy sấy (những ngày khăn không đủ xài cho khách, bà chủ bắt lấy khăn dơ lên làm cho khách khác) bàn thờ Phật tổ chảng nhang khói um lên như một cái am cộng thêm một cái bàn thờ thần tài Thái Lan ở góc tiệm ngày đêm nhá đèn đỏ xanh thấy mà ớn. Tiệm không có parking, tôi phải đậu xe ở những khu nhà ở rất xa tiệm, phải coi chừng những ngày quét đường kẻo ăn giấy phạt.
Thời gian tôi làm ở đây bão El nino đang hoành hành mấy ngày mưa gió, phố bỗng là dòng sông uốn quanh, tôi và mấy cô thợ có dịp lội nước đã đời. Như đã nói, tiệm này chia khách theo luật rừng nên buổi sáng hai cô thợ đàn em của bà chủ thao túng, 2 cổ làm khách rồi dím tiền, cắt xén bớt hoặc có lúc không đưa cho bà chủ. Tiền bán nước sơn được sung vào tiền ăn sáng của mấy co.å Đến chiều bà chủ lên thì bà chủ chia khách theo ngẫu hứng lý qua cầu, bả muốn cho ai làm gì là tùy ý bả. Những ngày hè khách du lịch đến khá đông, bà chủ hò hét thợ như điên, "An, mày cho con đen đó ran gay, làm gì mà ôm nó lâu dữ vậy"" "Jennifer, You bắt con này dẫn ra ngồi đỡ sau bếp đổi nước sơn cho nó." Tina, tống cổ cái con này ra trước, đem con áo đỏ dzô".
Mấy lúc mùa đông vắng khách thì bà chủ múa nhang lên đồng kêu tên thần tài Thái Lan thảm thiết. Có ngày đẹp trời cô thợ dành nhau một bà khách, níu áo đánh nhau ném đổ cả bàn thờ ông địa mà ông địa vẫn cứ cười. Chỉ trong vòng 10 ngày, tôi thấy mình không thể ngồi làm ở đây được. Một cái tiệm thẩm mỹ mà không có chút chi là thẩm mỹ, không có một chút vệ sinh an toàn nào trong tiệm, bà chủ thì tự hào 13 năm nay State board chưa bao giờ đến xét. Không hiểu loại bùa phép bà chủ sử dụng có làm cho computer của state board lọt sổ địa chỉ tiệm bả hay không"

Tiệm thứ 3

Lần này rút kinh nghiệm tôi đọc báo tiếp tục kiếm việc vùng 714 cho khỏi phải lái xe xa. Số tôi gắn liền với biển, lần này là Luguna Beach. Biển này làm tôi nhớ Nha Trang nhiều nhất. Cô chủ tiệm này nhỏ nhẹ yêu cầu tôi đến thử tay nghề.
Ngày đầu tiên đến tiệm này, cảm giác đầu làm cho tôi dễ chịu là những tranh art treo trên tường và thái độ nhã nhặn của cô chủ, khác xa 2 bà chủ cũ của tôi. Tiệm có tất cả 10 thợ. Cô chủ có tài ngoại giao, rất lịch sự đối với cả khách lẫnø thợ. Khách chỉ cần phật ý một chút là cổ tặng cho một cái phiếu miễn phí cho kỳ tới. Càng ngày khách càng đông. Có khi số thợ lên đến 30ï. Dàn thợ rất giỏi và chủ lịch sự thành ra khách họ cũng quảng cáo thêm cho bạn bè bà con tới. Thợ tiệm này được cô chủ nhắc nhở không được nói chuyện bằng tiếng Việt khi làm cho khách, thành ra khách cảm thấy an tâm, không nghĩ mình bị nói xấu ngay trước mặt. Tôi tưởng đâu mình đã tạm ở đây lâu dài, ai ngờ ….
Cô chủ sau 3 năm gầy dựng cơ sở này đã bung ra mở thêm vài tiệm nữa, thế là tiệm tôi đang làm được giao cho một cô manager trời ơi đất hỡi vào quản lý. Cô này đem tay chân gồm chị em bạn bè vào quậy tơi bời trong tiệm vốn dĩ được xem là một tiệm nail lịch sự, hiền hòa. Ngày xưa cô chủ đưa khách theo thứ tự ai đến trước làm trước, ai tới sau làm sau. Cứ như thế cho đến cuối ngày cho nên ai cũng làm như nhau, có ai nhiều khách hẹn thì có thể hơn chút đỉnh, rất công bằng ai nấy cũng vui vẻ. Ngày nay cô manager xử dụng luật rừng, khách xộp cô chia hết cho đàn em của cô, những cô thợ này ngày xưa là những người buôn bán chợ trời Hàm Nghi, dữ dằn, chụp giựt và chửi thề luôn miệng. Mấy cổ ăn uống nhồøm nhoàm trước mặt khách, bê cả bún riêu, bún ốc lên ăn tận bàn làm việc và nói chuyện như chợ vỡ khi họ làm cho khách. Tiệm trở thành tạp nhạp như một cái chợ chiều. Những ngôn ngữ bình dân học vụ tuôn ra như suối. Mấy bà khách Mỹ rất bực mình khi họ muốn relax thì các cô lại chuyện tro. Có bà khách phàn nàn "You guy talking about me"" Thế là các cô gầm lên "Con đ chó này nhiều chuyện quá". Khách cho tiền tip ít đi so với lần trước thì sẽ được nghe cô thợ chửi "Cái con quỷ sứ này, đồ keo kiệt." Khách cho nhiều hơn một chút thì cũng không thoát "Trời con này chắc bữa nay "mát" nặng" hay "Coi chừng nó tính lộn rồi nó đòi lại đó".
Có lần, một cô nhỏ khách người Á Châu, mới nhìn ai cũng tưởng là người Mễ, khi làm xong một bộ móng chân tay cô thợ đem tiền thối lại cổ cất vào ví và không để lại tiền tip. Thế là 2 cô thợ ào lên "Cái con quỷ nhỏ này nó không biết thế nào là thủ tục đầu tiên." Ai ngờ cổ giống Mễ mà là người Việt, cổ nói với cô bạn cùng đi "Tụi nó đang chửi tao bằng tiếng Việt."
Một lần khác, có cô khách rất to con, trắng như người Nhật, vào làm một cái pedicure. Cô thợ vừa ngồi xuống đã la lên "Trời ơi nhỏ này nó ăn cái gì mà chân nó hôi quá dzậy nè." Cô khách đỏ cả mặt lên và nóùi giọng Việt Nam lơ lớ "xin lỗi chị". Thế là mọi người đều bẽ bàng.
Nhiều chuyện rất hãi hùng xảy ra trong tiệm. Phe thợ cũ, thợ mới cãi nhau mỗi ngày. Cô chủ mỗi ngày nhận không biết bao nhiêu cú phone complain từ khách và thợ. Lối cư xử thô lỗ với khách, tỷ dụ như bà khách không hài lòng với bộ móng bột, yêu cầu sửa lại cô thợ sưng mặt lên: "OK mày không thích tao làm nữa thì lần sau mày kêu đứa khác làm, còn mày không muốn trả tiền hả" Tao sẽ tháo ra hết." Thay vì nói năng giải quyết nhẹ nhàng hơn, hoặc manager sẽ tùy theo thái độ của khách và thợ đến giúp giải quyết cho cả hai. Đằng này cô manager lại bênh cô thợ của mình, cổ đứng ở front desk la vọng xuống: "Thôi nhỏ, mày cho nó ra cho nó đi luôn đi cũng được." Dĩ nhiên là khách sẽ không bao giờ trở lại.
Còn giữa thợ với thợ thì thôi khỏi nói. Đủ thứ ngôn ngữ từ đanh đá, dọa nạt, ganh tỵ, lăng mạ nhau nổ ra hàng ngày trong tiệm. Tỷ dụ như một cô thợ nào đó chỉ cần có vài người khách hơn thợ khác vài tua, thì sẽ được ai đó đi ngang qua đá một cái ghế bay vào xuống tận bếp, hằn học "ĐM. đồ điếm thúi, điêu ngoa giật khách, đồ ham tiền." Có hôm thì đạn nổ qua một cô thợ khác, đi làm với bộ quần áo fashion "ĐM, già chát mà còn ăn mặc như mấy đứa teenager, thấy mà ghét." Với những người thợ vì hoàn cảnh gia đình không dám đi mua sắm hoặc đi ăn nhà hàng như các thợ khác thì "ĐM mấy con ngu, làm thì cực mà không dám ăn dám mặc, đem tiền về nộp cho chồng, ngu thấy thương luôn." Khổng Tử nói "vi nhân nan" thực sự làm người khó quá.
Vậy là một tiệm Nail lịch sự thanh nhã phút chốc đã thành một tiệm Nail hỗn độn, dơ bẩn. Có vài lần khi còn cô chủ coi tiệm State Board cử người đến xét tiệm họ không phạt gì cả vì ai nấy giữ vệ sinh an toàn cho chính bản thân họ, cho khách và cho tiệm. Nay cô manager đâu có bao giờ cần nhắc nhở ai. Đùng một cái, người infector của state board đến. Cả bầy thợ chạy nháo nhác tán loạn lo đi clean đồ đạc thì đã trễ. Cả tiệm đều bị phạt tóc khói. Nhẹ nhất là người lãnh 200, có người 400. Cả tiệm lẫn chủ và thợ gần 5,000 đôla chưa kể chờ ra tòa vì tội tiệm sử dụng nước liquid bị cấm và bột không tên tuổi nơi sản xuất. Bà của state board vừa ra khỏi tiệm thì cô thợ nổi tiếng ba búa của tiệm xổ tiếng Đức liền: ĐM con này mà ở Việt Nam là kêu du đãng đánh què giò".
Đùng một cái nữa, 2 cô thợ vì dành nhau một người khách, cãi nhau đánh nhau chửi nhau tơi bời "ĐM mày, đồ con lai giả (cô này đã có lần vui miệng kể cho cả đám nghe là khi có lệnh cho đám con lai đi Mỹ, cổ đã uốn tóc cho quăn riết, phơi nắng 7 ngày, đóng vai con lai và đi trót lọt qua Phi, qua Mỹ luôn) tao sẽ đi thưa cho sở di trú bắt mày.
"ĐM mày cũng là đứa gian xảo, đồ mua con lai. Tao sẽ thưa mày mua con lai rồi đem con bỏ chợ ở San Jose. Con mày đang đi bụi đời trên kia kìa, tao sẽ đi thưa mày, cho sở di trú nó trục xuất mày ra khỏi nước My.õ" Không biết hôm đó ai đã kêu cảnh sát 911 tới, thiệt là mắc cỡ.
Đùng một cái nữa, ắt hẳn đã hết thời của cô chủ nhỏ, ai đó ở trong tiệm đã tố cáo với state board là tiệm vẫn sử dụng các loại bột và liquid bị cấm. Người tố cáo còn chỉ ra các nơi dấu các loại này là thợ dấu ở xe, ở thùng cotton, thùng rác, ở chai nước ngọt… Một ngày đẹp trời, state board cử 3 người đến tiệm, họ chặn ở cửa trước cửa sau. Thế là hết đường thoát. Ai cũng biết ở Mỹ đang bị án treo mà còn vi phạm là trọng tội.
Sau nhiều cái đùng đùng đó, thì tiệm bị đóng cửa. Bọn thợ tôi từ giã nhau không trống, không kèn, không party chia tay. Tội cho cô chủ công lao gây dựng 1 tiệm nail ngon lành. Dù sao tôi cũng xin cám ơn cô chủ những ngày vui vẻ làm việc với cô và những người thợ hiền lành, biết điều.
Giã từ biển, ngày mai về lại quê nhà Little Saigon, mua báo đọc tiếp mục rao vặt.

Pamela T

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến