Hôm nay,  

Du Học Mỹ Năm 1960

11/11/200300:00:00(Xem: 203645)
Người viết: TRẦN VĂN HÙNG
Bài số 393-932-VB331103

Tác giả Trần Văn Hùng, 66 tuổi, hiện cư trú tại Phonenix, AZ. Ông cho biết “Tôi là thuyền nhân đến Mỹ tháng 4/79 làm phòng thí nghiệm nghiên cứu, đã hưu trí, những chuyện viết đều có thật, chỉ tên nhân vật là không đúng.” Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một hồi ký du học hơn 40 năm trước nhưng rất tươi tắn, sống động. Mong ông sẽ có dịp viết thêm về nước Mỹ thời hiện tại. Bài đăng 2 kỳ.
*
Từ năm 1954 Mỹ đã bắt đầu can thiệp vào VN ngày càng nhiều hơn, nhưng sinh viên VN du học qua Mỹ còn rất hiếm. Cha mẹ vẫn thích gởi con sang Pháp, người VN phần nhiều vẫn cho rằng các đại học Pháp là nhất thế giới, người ta cười lối thi của Mỹ xem như quá dễ, gọi là thi theo A, B, C khoanh. Sau này khi VN áp dụng lối chấm thi tương tự như Mỹ, một vài ông nhà báo gọi bằng tú tài mới là tú tài IBM, có ý hơi coi thường. Giới trẻ chê nói Mỹ ăn mặc không có "gout". Các cô đầm Mỹ xấu quá, không bằng mấy cô đầm Pháp, có lẽ vì họ gặp một vài cô gái Mỹ con cái nhân viên tòa đại sứ mặt bị tèm lem tàn nhang.
Tôi đậu tú tài năm 1956 chỉ muốn được du học ở Pháp. Từ những năm trung học tôi đã ước mơ được đi học trung học ở Pháp, nhìn những đứa bạn con nhà giàu vừa mới lên premiere, deuxieme anneé (tương đương lớp 6, 7 VN) đã được cha mẹ cho sang Pháp ở nội trú để tiếp tục học chương trình trung học bên Tây, tôi thấy thèm quá. Tụi nó gởi thơ, gởi hình về khoe kể chuyện bạn bè, đá banh và bắt đầu biết đi "cua" mấy cô đầm con. Tụi nó cũng tả xứ Pháp đẹp như tiên cảnh. Chẳng biết sự thật được bao nhiêu, nhưng tôi cứ ao ước tìm cơ hội đi Pháp học. Học sinh sinh viên VN lúc bấy giờ đều biết kha khá về lịch sử, địa lý của Pháp làm sao mà không thấy nao nức ham muốn đi Tây.
Vì đậu tú tài khóa hai và cũng không được ở hạng cao, phần lớn các học bổng xuất ngoại đều đã quá hạng. Cũng như một số các bạn tôi bấy giờ, tôi vẫn muốn đi qua xứ nào đó, vừa đi học, vừa đi chơi. Tôi đã nộp đơn xin học kỹ sư ở trường đại học quốc tế tại Thái Lan, nhưng không thích lắm. Vì vậy khi phái bộ văn hóa Pháp (Mission Culturelle) mở trường kỹ sư đầu tiên ở VN tôi thi đậu nên nghĩ là thôi cứ học hết 4 năm, sau đó may ra được học bổng lên học cao học ở Pháp.
Khoảng thời gian 54-60 ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn rất mạnh trong xã hội VN. Tuy nhiên người ta đã bắt đầu quen biết nhiều hơn với văn hóa Mỹ, âm nhạc, phim ảnh. Có nhiều phim Mỹ nói tiếng Pháp và được phụ đề Việt ngữ. Trước 1954 số lượng phim Pháp nhiều hơn hẳn phim Mỹ hoặc có khi là phim Mỹ mà nói tiếng Pháp nên nhiều người vẫn không biết. Thời đàn anh của tôi thì người ta biết nhạc Pháp với Tino Rossi, Josephine Parker (thật ra cũng là ca sĩ Mỹ) đến thời tôi thì người ta thích Dalida, Sylvie Vartan…(Nhiều lắm nhưng tôi quên) nhưng đồng thời thiên hạ cũng bắt đầu khoái nghe nhạc Mỹ với các ca sĩ như Paul Anka, Doris Day…. Tôi còn nhớ nhiều bạn trẻ thích ê a bản nhạc "Cứ xích vô xề ra" (Que sera sera). Các đại học Saigon như các trường kỹ sư, trường Nha, Y Dược Khoa, khoa học vẫn còn giảng bài dùng sách vở Pháp ngữ. Vì vậy nhiều học sinh trường Việt vẫn chọn Pháp văn làm sinh ngữ chánh dù các trường trung học VN đã dạy theo chương trình VN, học sinh có quyền chọn anh văn làm sinh ngữ chánh.
Tôi muốn kể dông dài như trên để các bạn thấy là phần nhiều học sinh, sinh viên VN chúng tôi bấy giờ chỉ ước mong du học ở Pháp thôi. Không được đi Pháp hay Âu Châu thì mới đi Mỹ. Tuy nhiên có một số công chức và quân nhân đã được đi tu nghiệp ngắn hạn ở Mỹ trở về VN thuật lại chuyến đi với đầy vẻ thích thú. Có một số người đi trước như Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Đình Hòa, Trương Bửu Điện, Khương Hữu Điểàu vv… về VN cũng thành công nổi danh lắm.
Lúc ra trường năm 60, cơ quan USAID cho 8 cái học bổng cho sinh viên trường chúng tôi để đi Mỹ học sư phạm về ngành giáo dục kỹ thuật, nhưng chỉ có 6 sinh viên xin đi thôi. Mỗi người có một lý do riêng, nhưng phần tôi thì thứ nhất là muốn có chút phiêu lưu ra xứ người, thứ hai là muốn nói hiểu thêm tiếng Anh, thứ ba là có dịp mua sắm chút đỉnh những gì VN không có. Còn về chuyên môn tôi cũng chưa biết là mình sẽ học được những gì thêm không. Kể ra thì cũng chẳng cò gì là thúc đẩy lý tưởng hay đẹp.
Năm ấy, ngoài nhóm chúng tôi ra còn có một nhóm sinh viên vừa đậu tú tài theo học chương trình leadship, một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp Quốc gia sư phạm theo học chương trình giáo dục tiểu học và còn một số khác nữa mà tôi không biết rõ. Tất cả chỉ chừng 40 người.
Chúng tôi thi Anh văn rồi sắp lớp học theo trình độ của mình. Các giảng viên phần lớn là các bà vợ của những viên chức làm trong Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon. Họ dạy rất tận tâm, phương pháp giảng dạy rất hay khắc hẳn với lối tôi học Pháp văn, Anh văn ở trung học và đại học từ lâu. Cũng nên nhắc lại là các sách dạy Anh văn lúc ấy là sách Pháp như Anglais Sans Peine, Anglais Vivant (tôi không chắc nhớ đúng hết). Chỉ trong vòng 3 tháng tôi đã cảm thấy tự tin là mình có thể chuyện vãn những vấn đề thông thường với người Mỹ. Vấn đề đọc sách cũng không khó khăn gì, vì các chữ về khoa học phần nhiều Pháp Anh rất giống nhau, chỉ khổ sở về cách phát âm cho đúng thôi. Nhưng tôi rất tin tưởng là chỉ một thời gian ngắn ở Mỹ tôi sẽ giỏi tiếng Mỹ như Mỹ. (Điều này bây giờ tôi thấy không đúng nữa. Tôi đã ở Mỹ tổng cộng gần 30 năm, vậy mà nhiều khi nói Mỹ vẫn không hiểu, nghe vẫn chẳng đúng, viết report vẫn còn bị xếp chê xử dụng từ không đúng. Nhiều tay xạo quá, qua Mỹ tuổi đời 23, 24 mà chỉ sau vài năm đã "đía" rân tiếng Mỹ mình ngon lành lắm rồi.)
Sau khóa học bà Mỹ dạy anh văn có mời chúng tôi về nhà ăn lunch theo lối self serve. Bà khen thành phố Saigon rất đẹp, cái Villa bà ở có cây to bóng mát, có chim kêu buổi trưa. Tôi bỗng nghĩ là có lẽ bên Mỹ ít có chim chóc lắm chỉ VN mình mới có nhiều thôi. Thật là sai!
Bốn người trong nhóm chúng tôi được sang Mỹ vào tháng 8 năm 1960, còn hai bạn kia vì lận đận Anh văn nên phải đợi đến khóa học tháng giêng. Lúc bấy giờ, đi máy bay ai cũng mặc đồ lớn rất trịnh trọng. Chúng tôi tuổi từ 23, 25. Hành trình là Saigon, Hongkong, ngủ đêm ở Tokyo. Đoạn đường này, chúng tôi đi Air France máy bay 4 chong chóng DC6. Tôi còn nhớ lúc tôi hỏi chuyện một cô đầm tiếp viên phi hành bằng tiếng Pháp cô lại trả lời tôi bằng tiếng Anh. Tôi biết là sẽ khó bao giờ có dịp dùng tiếng Pháp nữa. Lúc ghé Hongkong có cô người Hoa rất trẻ, đẹp ăn diện thật sang trọng lên ngồi gần tôi. Chúng tôi bắt chuyện nhau dễ dàng dù anh văn tôi vẫn còn yếu. Có lẽ tuổi trẻ lúc nào cũng thông cảm nhau rất nhanh. Lúc xuống phi trường Tokyo cô ấy nhờ tôi phụ ôm hộ cái áo lông. Dù hơi ngại, nhưng cũng muốn chứng tỏ con trai VN cũng lịch sự nên tôi nhận ngay. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn hơi ngán, vì rủi mà cô ta cất vài gr nha phiếm thì mình lãnh đủ.
Tôi đã qua một đêm một ngày ở Tokyo thật thích thú. Đứa nào cũng mua một máy camera thật tốt, không phải trả tax nên rất rẻ. Taxi ở Tokyo chạy phía trái và nhanh, luồn lách thấy mà sợ. Du khách Mỹ gọi họ là Kamikaze Taxi Driver vì hình như họ coi cái chết như không. Chúng tôi nhớ lại phim Sayonara, cũng muốn tìm thăm mấy em. Thật tình mà nói, những cô chúng tôi gặp chỉ được cái trắng trẻo thôi chớ cô nào cô nấy kịch cộm, đùi to bằng mấy ông đạp xích lô, các cô VN vẫn đẹp hơn (xin lỗi, tôi không dám kể nhiều thêm chi tiết ở Tokyo vì sợ bà vợ và các con cháu đọc thấy).
Từ Tokyo, chúng tôi đáp máy bay qua Anchorage, Alaska rồi ghé nghỉ một ngày một đêm ở Seattle, WA. Nhìn thành phố Mỹ lần đầu tiên cái gì cũng to lớn. Những cái garage có bốn năm từng cho xe hơi đậu làm tôi khâm phục lắm. Nhớ lại, có lẽ cái mặt tôi cũng ngơ ngáo như mấy tên lính VC lúc mới vào Saigon. Tôi không bao giờ quên mấy cái bản mặt VC ngơ ngác ngửng đầu nhìn các cao ốc rồi lủi đầu đụng vào cột đèn buổi trưa 30 tháng 4/75. Từ Seattle máy bay đưa chúng tôi thẳng qua Washington DC, chỉ ở thủ đô được mấy ngày để làm thủ tục, xong chúng tôi phải lên đường đến trường học ngay cho kịp khóa mùa thu. Tôi và một người bạn được đưa về một đại học nhỏ ở tiểu bang Wisconsin bằng xe lửa. Di chuyển bằng xe lửa lúc bấy giờ còn rất phổ thông. Vì vậy xe kéo theo rất nhiều toa, rất dài. Ôm cái valise nặng chạy tìm cho đúng toa để leo lên cũng khổ sở lắm, mệt thở hồøng hộïc.
Tối hôm sau chúng tôi tới thành phố đại học. Đây là một thành phố nhỏ chỉ có lối 6, 7 ngàn dân, cộng thêm lối 6 ngàn sinh viên. Nhân viên nhà trường đón tiếp rồi đưa chúng tôi về dormitory. Nơi đây tôi gặp ngay vài anh bạn VN đang đợi, chào đón chúng tôi. Đây là những bạn đậu tú tài năm 1958 rồi được sang Mỹ học giáo dục kỹ thuật. Như vậy họ đã ở Mỹ được 2 năm, rất khá thông thạo mọi việc. Họ đã được nhà trường báo trước là sẽ có nhóm chúng tôi đến. Cùng đi với chúng tôi còn có các sinh viên ngoại quốc khác như Đại Hàn, Sudan, Ethiopia, Tunisia, Maroco, Trinidad, Jamaica…tôi không nhớ hết. Tất cả được cho vô ở cùng một dormitory nhỏ mà dân ngoại quốc chiếm trên 2/3. Tôi định xin làm roommate với một sinh viên Mỹ để học mau tiếng Mỹ, nhưng không được nên xin ở chung với anh bạn kỹ sư cùng lớp còn lớn hơn mấy tay Sudan, Đại Hàn… Còn hai anh VN cán sự điện cũng ở chung với nhau một phòng, sau này tôi nhận thấy là phòng của mấy anh Sudan, Ethiopia thì lúc nào cũng có mùi gì đặc biệt còn phòng của mấy anh Trinidad, Jamaica thì lúc nào cũng có mùi bia.
Tôi được học bổng học ngành hóa học và sư phạm, còn anh bạn thì học kỹ nghệ họa và sư phạm. Đây là một đại học không chuyên về khoa học, kỹ sư nên trình độ các môn này khá thấp so với trình độ kỹ sư của chúng tôi, nhưng họ rất nổi tiếng với ngành sư phạm kỹ thuật. Các môn khoa học chỉ được giảng dạy như môn phụ. Trường đại học có lẽ không biết gì về nền giáo dục VN, nên tôi được các bạn qua trước cho biết là tất cả sinh viên từ VN qua, đều được sắp xếp cho vào cùng một lớp như nhau. Có những người chỉ mới đậu bằng trung học kỹ thuật nghề (như THDNC) có người đã có bằng tú tài 2, có người có bằng cán sự rồi bây giờ 2 đứa tôi đã xong đại học, tất cả bị sắp vào lớp 101, tôi học những lớp Electricity, Physic ở level 300 nhưng vẫn quá dễ. Tôi và anh bạn tôi đi học về là coi TV rồi chơi Ping Pong tới khuya, đọc lại bài 10 phút rồi đi ngủ, thật là khỏe.
Tôi còn nhớ, có lần tôi đang ngủ thì có tiếng gõ cửa lối 9:30 đêm. Mở ra thì tôi thấy một anh chàng da đen Sudan. Tên này thường tự phụ cho là mình học hay lắm. Hắn hỏi tôi đã làm xong bài toán homework về Physics chưa. Tôi ngạc nhiên nói "Có homework à"" tôi quên rồi. Thôi được, tôi bật đèn sáng lên. Thằng bạn khó ngủ cự nự om xòm. Chỉ 10-15 phút gì đó, tôi làm xong 7, 8 bài toán rồi tắt đèn đi ngủ. Mới vừa chớp mắt một chút, anh chàng Sudanese quay lại gõ cửa hỏi "Sao không làm bài mà lại cứ ngủ"" Tôi nói tôi làm xong hết rồi. Hắn lỏ cặp mắt trắng dã nhìn tôi không tin, tôi phải đưa cho hắn xem để hắn chép những bài toán hắn đang bí. Thật tình tôi có hay gì đâu, chỉ là bài vở này tôi đã học qua rồi ở VN. Thầy bà Mỹ nhiều khi dạy học, ưa tếu chọc cả lớp cười. VN cũng nhăn răng ra cười, nhưng thằng bạn ngồi kế bên hỏi "Ổng nói cái gì vậy"" "Tụi nó cười thì tao cười chứ sao""
Có một lần thằng Kiên kể chuyện tếu: "Hôm đó trong lớp thí nghiệm làm demo cho sinh viên coi. Tao chen vô trước, đứng gần ông thầy. Liền sao đó cả lũ con gái ùa tới, lấn ép sát vô người tao đè mấy trái bưởi, trái cam (không có bộ ngực nào bằng trái chanh cả) lên đầu lên lưng tao. Mùi dầu thơm thơm phức. Tao đang khoái chí đứng chịu đựng. Nhưng một lúc sau tao thấy hình như có gì thay đổi, ngó ngoái lại thì thấy thằng Thâu mập đã lấn mấy em ra, rồi ép sát vào mình tao. Tức quá, tao muốn đá nó văng chỗ khác cho rồi."


Đại học này nhỏ, thành phố cũng nhỏ. Nhưng thật ra cái gì cũng to lớn, sang trọng hơn nhiều nơi ở Saigon. Đại học nhỏ, chỉ có lối 5, 6 ngàn sinh viên, nhưng so sánh với Việt Nam thì đây thật là một đại học "vĩ đại super". Khu đại học (campus) sạch sẽ khang trang, phòng ốùc bàn ghế, học cụ…tất cả đều hơn Saigon. Các khu nội trú to đẹp đầy đủ tiện nghi. Tôi còn nhớ khi xưa, ở Saigon có xem phim "Un certain sourire" của Pháp dựa trên tiểu thuyết của Francoise Sagan, có nhiều cảnh sinh viên đại học ở Paris, thấy tất cả đều ăn mặc complete đồ lớn. Nhưng ở đại học Mỹ này, tất cả sinh viên đều mặc đơn giản phần nhiều là áo sọc vuông, khoác thêm cái blouson hay cái áo lạnh lúc trời sang Thu. Sinh viên Saigon thì mặc áo sơ mi trắng, thường là tay dài thỉnh thoảng có sơ mi màu. Giáo sư ở đây ai cũng rất thấu triệt môn dạy của mình, lúc nào cũng có bài vở soạn kỹ lưỡng, lại thêm sách học (text book) rất hay. Mỗi môn học thường có ít nhất cả chục sách tương tự để tham khảo thêm ở thư viện. Có những môn học tưởng dễ mà không phải vậy. Có rất nhiều trường bắt buộc sinh viên phải lấy ít nhất 4 credit về thể dục thể thao, hoặc mỹ thuật.
Trong cánh VN có người ghi tên học "ballroom dancing" tưởng dễ ăn, nhưng gặp cái khó là không tìm được partner cùng size. Ông thầy chia sinh viên trai gái ra hai phía, biểu diễn xong một điệu thì kêu các học viên đang ngồi đối mặt nhau đứng dậy và tập với nhau. Có khi mình thấy cô đó không mập có vẻ vừa người, vậy mà đứng lại gần nhau thì vẫn còn bị thấp hơn một chút. Có khi cô mập quá mà đen nữa thì giống như thằng lằn ôm cột đình. Có anh thấy môn cưỡi ngựa đi vòng vòng cũng khoái, tới chừng leo lên mình con ngựa cao nghệu, đi cà giựt cà giựt hoảng hồn sợ té quá. Có lần ông thầy dẫn về trang trại gần trường, thừa lúc không có mặt ổng hắn không thèm leo lên ngựa. Nhưng rủi có thằng con ông thầy đứng đó nó hăm he mét với ba nó. Thật là khổ.

Mùa thu rồi bắt đầu sang mùa đông. Khí trời Wiscosin lạnh lắm. Đây là mùa Football của Mỹ. Bạn bè dẫn chúng tôi đi xem đội nhà trường đấu với đại học khác. Sân vận động tuy nhỏ nhưng vẫn lớn hơn sân đá banh Tao Đàn ở Saigon. Chúng tôi chưa thích lối Football Mỹ nhưng thích nhìn các cô cheerleaders nở nang, ăn mặc thiếu vải nhảy múa. Đặc biệt là người ta chỉ bênh hội đội nhà, không bao giờ có tiếng vỗ tay khen đối thủ như ở VN.
Vào tháng 12, các hồ đóng băng. Sau khi được cảnh sát cho phép biết là an toàn, sinh viên kéo nhau đi trượt ice skating trên mặt hồ, vui lắm. Thằng bạn qua trước có kinh nghiệm biểu tôi: "Hùng, mày cao ráo, để tao rủ vài con vô Freshman, chưa có bồ cho nó tập mày ice skating. Tha hồ té rồi ôm em luôn". Từ ngày đến Mỹ, tất cả chúng tôi đều phải đồng ý là gái Mỹ phần lớn rất đẹp, có lẽ vì hầu hết người Mỹ đều là người lai, pha trộn rất nhiều chủng tộc. Các em Freshman (sao không gọi là Freshwomen) đều rất xinh xắn. Ra đến bờ hồ, tôi thấy người lớn con nít đều ice skating giỏi quá. Tôi bị té hoài, mắc cở nên không dám để em nào tập thêm cho mình. Thằng bạn chưởi tôi ngu. Tôi cũng không thấy tiếc rẻ gì, vì mùa đông Wiscosin lạnh lắm ở bờ hồ gió thổi mạnh thấu xương nên em nào cũng mặc quần áo rất dày. Ôm em cũng chỉ như ôm cái mền.
Bắc Mỹ rất ít có kỳ thị, nhưng cũng phải có dạng hình coi khá thì mới bắt bồ với Mỹ được. Anh Thành bạn tôi khá bảnh trai, ăn nói vui vẻ luôn luôn nên có rất nhiều đào. Anh có cô đào Mỹ xem cũng khá, được dẫn về giới thiệu cùng cha mẹ rồi. Nhưng cuối cùng vì anh nhất định về VN nên chuyện vợ chồng không thành. Cũng không sao, sau đó anh bắt bồ với một cô HồngKong, rồi cô Phi Luật Tân, cô Thụy Điển rồi vài cô VN nhưng cuối cùng anh lại trở về VN một mình. Thật không phải ai cũng đào hoa như anh Thành, có người suốt mấy năm học cũng chỉ cu ky một mình. Trong 4 người cùng đến đại học một lượt với tôi, có một anh cán sự đã có sẵn dự định trước, cứ đi nhà thờ thường xuyên. Cuối cùng anh bắt bồ được với một cô Mỹ rồi cưới hỏi làm vợ, xin ở luôn xứ Mỹ. Tôi xin không dám khai gì về trường hợp của tôi.
Sống ở dormitory ăn cơm Mỹ hàng ngày chán ngấy. Tôi sợ nhất là cứ ăn mash potato với roast beef liên tục. Nhà trường cấm nấu nướng trong phòng. Có hôm thèm ăn tụi này đi grocery mua mấy bịch gan, mề, tim gà, đem vô phòng đóng kín cửa lại, mở cửa sổ ra và luộc các món đó, chấm ăn với soysauce. Chỉ có vậy thôi mà đứa nào cũng thấy ngon quá xá. Tất cả không tốn hơn 1 đôla bấy giờ. Ở gần trường có một tiệm chuyên món chiên Pork chops ăn với cơm trắng (nấu khéo như VN) và soysauce. Tụi Á Châu vô ăn khỏi chê, chỉ phiền là mùi chiên xào, mùi soysauce bốc hơi ngâm vô áo lạnh có mùi nặng quá. Vô lớp ngồi học, bị Mỹ chê mấy lần mới biết thấm.
Lúc mới qua Mỹ, chúng tôi đã đươc chỉ dẫn khá nhiều về sinh hoạt của Mỹ như là con gái có ôm hôn hít bạn ngoài đường thì cứ tỉnh bơ như không có gì hoặc cứ ôm nó lại, nhưng nhớ đừng để thằng con trai nào nắm tay, ôm bạn. Ở dormitory sinh viên dùng nhà tắm chung. Các anh chàng Mỹ cứ thong thả trần truồng đến nhà tắm, xong lại trần truồng phơi của đi về phòng mình, có khi ghé qua phòng bạn nói vài ba câu chuyện rồi mới đi. Các bạn VN thì khó mà quen với cái lối tắm như vậy, ngoài ra có lẽ vì "của" cũng không bằng tụi nó. Tôi nghe nói phía dormitory của nữ sinh cũng vậy thôi. Hồi trước, tất cả các đại học đều có dormitory trai gái riêng biệt. Một thí dụ khác biệt nữa là việc đi tiêu. Vào khoảng 1960 các nhà ở VN phần lớn vẫn còn xử dụng loại bàn đi tiêu theo lối chòm hổm. Có hai anh bạn VN qua Mỹ rồi mà nhất định không đổi cách đi tiêu. Một anh Mỹ nói với tôi: "Ê, hai thằng đó đi cầu mà tao không thấy chân của tụi nó ở đâu. Tao mở cửa hoài mà không đươc, phải nhảy lên coi mới thấy có tụi nó đang ngồi trong đó".
Ở Mỹ lúc bấy giờ muốn mượn Tòa Đại Sứ một phim Việt Nam để chiếu cho Mỹ và ngoại quốc xem thì thật là khó. Hơn nữa, số phim Tòa Đại Sứ có cũng rất ít và không thích hợp. Có lần các bạn tôi mượn được một phim tài liệu, chỉ quay cảnh đồng bào Thượng vận khố ở nhà sàn. Vài đứa ngu dốt cứ hỏi phải VN là như vậy không. Chúng tôi muốn đưa hình ảnh của Saigon, với các tà áo dài nữ sinh, sinh viên, cảnh miền Tây ruộng đồng bát ngát, cảnh bờ biển miền Trung cát trắng, cảnh Lăng Tẩm Huế vv…hoặc cảnh quân đội quốc gia hành quân diệt địch, giúp dân xây dựng.
Lễ Thanks Giving năm đó, tôi và 3 người bạn nữa được một người bạn Mỹ mời về gia đình ở Milwaukee. Lúc ngồi vào bàn trước khi ăn dinner, gia đình bạn Mỹ xin chúng tôi nói vài lời cầu nguyện bằng tiếng VN. Anh Thành nói với họ là xin để anh Kiên nói. Không thể từ chối được, Kiên phải chấp tay bằng tiếng Việt "Kính Chúa, hôm nay tụi con được ăn thịt gà tây, có cải, khoai tây…. Con còn thấy hình như có cái bánh pie nữa. Thấy có vẻ cũng ngoan lắm. Chúng con cám ơn Chúa và xin Chúa phạt thằng chó Thành đã hại con vì nó bắt con phải nói hôm nay. Xin cho nó ăn vô rồi tối nay bị óùi ra hết. Amen" xong chữ Amen, chúng tôi đứa nào cũng tức cười quá mà rán nín thở không cười.
Hôm gần đến nghỉ lễ Chrismas hội Foreign Student Association họp có mời chúng tôi giúp chút văn nghệ. Anh Thành nói là chúng mình cũng phải rán làm cái gì chữ để chỉ có mấy anh xứ khác múa may thôi thì đỡ lắm. Cuối cùng chúng tôi đồng ý là sẽ hát bản Quyết Tiến có anh Thâu đờn accordion phụ họa. Chúng tôi không có tập dượt gì trước. Tới bữa đó cả nhóm đứng sắp hàng ca, có anh Thành lấy tay nhịp. Đứa nào cũng ca rất hăng say, khổ nổi cứ ca hoài mà không biết chấm dứt chỗ nào, cứ tiếp tục "quyết tiến" mãi cho đến cuối cùng, sau câu "nòi giống tiên rồng" thì anh Long phải la lên "Hết" trong lúc chúng tôi có đứa còn hả miệng ra sắp nói "quyết tiến" nữa. Hôm sau anh Thâu nói "Mấy già biết không, tốâi hôm qua về mắc cở quá, tui phải trùm mền ra khỏi thấy ai".
Kỳ nghỉ Chrismas 1960 chúng tôi được cơ quan USAID đài thọ cho về ăn lễ ở Chicago. Tại trung tâm tiếp đãi, ngoài số sinh viên VN ở vài tiểu bang khác về, chúng tôi còn được gặp rất nhiều sinh viên các nước khác trên thế giới. Trung tâm tổ chức những chương trình ca nhạc, du ngoạn cho sinh viên ngoại quốc. Hội sinh viên công giáo VN có tổ chức một bữa cơm thân mật cho anh chị em sinh viên VN. Chúng tôi tụ tập về cũng được lối mười mấy hai mươi người được ăn chả giò, cơm có nước mắm. Số nữ sinh ít hơn nam vì vậy các cô được chăm sóc rất đặc biệt. Các cô xinh xinh một tý chỉ cần ho một tiếng đã có mấy chàng trai đem thuốc lại. Một anh bạn lớn tuổi đã từng tốt nghiệp ở Pháp nói với tôi "Ê, sau này phải ráng gởi con gái qua Mỹ học thế nào nó cũng chọn được thằng chồng ngon lành dễ dàng". Thằng Thành (lại cũng hắn) làm quen được mấy cô nurse Phi Luật Tân được họ mời về một cái party mà khách phần lớn là các cô Phi Luật Tân. Lúc đến chỗ bệnh viện để rước họ, có một cô Canada xin theo nhưng nhìn mấy tụi thằng Thành rồi hỏi: "Vậy chớ you có anh nào cao cao không, vì cô ta khá cao". Thằng Thanh nói với tôi: "Ê, Hùng mày là anh hùng dân tộc lần này. Mày cao nhất bọn thì phải nhảy với em Canada đó". Lúc ôm nhảy với cô này, tôi thấy cao vừa bằng cô ta. Cô ta nói là phải biết trước thì cô ta không mang giày cao gót (con cái VN thế hệ sau này đều cao lớn, ít bị trường hợp này).
Hết lục cá nguyệt đầu ở Wisconsin, tôi xin và được chuyển đổi về một trường ở Ohio, có dạy chuyên ngành về physics, chemistry. Sách vở, phòng thí nghiệm ở đây thấy cao hẳn hơn một bực.
Sau mấy tháng học ở Bắc Mỹ tôi phải nhìn nhận là tôi rất có cảm tình với xứ Mỹ này. Phần lớn những gì tôi nghe cô bác ở Saigon than phiền chê bai Mỹ đều không đúng. Người Mỹ học rất nhã nhặn, lễ phép không thua gì những giáo sư của phái bộ văn hóa Pháp dạy tôi ở trường KS bên VN. Tôi đã có vài kinh nghiệm buồn thời Pháp cai trị VN. Khoảng 1952 hai ba lần tôi bị mấy ông biện Tây (cảnh sát) nạt nộ vì những chuyện không đâu, rồi những lần thi oral (vấn đáp) các bằng cấp Pháp cũng đôi lần bị nạt nộ chê bai. Tôi tin rằng ở chánh quốc bên Pháp không có những chuyện như vậy. Các giáo sư, dân chúng Mỹ đều sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi dù rất nhiều người không biết xứ VN là xứ nào. Họ hỏi "Có phải VN là một phần xứ Nhật, hay xứ Tàu" Viết chữ Tàu được không" Aên mặc như Nhật" Vv…." Người Mỹ lớn bé đều rất thường nói "sorry" và "thank you". Mấy hôm đầu, tôi ngạc nhiên mà cũng thấy hay hay khi nghe họ nói "sorry" mỗi khi họ nhảy mũi, phát ho hay rủi đụng chạm mình một tí thôi. Họ cũng nói "thanhk you" mỗi khi nhận bất kỳ cái gì của mình dù không đáng, không nghĩa lý gì cả. Những tiếng "cám ơn" "xin lỗi" trước 75 dân Saigon cũng thường dùng nhưng không như ở Mỹ. Cha mẹ nói cám ơn hay xin lỗi con là đều bình thường. Thật là khác xa với những khỉ rừng 75 vô Nam cứ tự xưng đỉnh cáo của trí tuệ loài người, có văn hóa cao hơn bọn Mỹ ngụy mà không bao giờ biết nói một tiếng cám ơn. Có vài cử chỉ người VN mình không hiểu, cho là Mỹ xấc láo khi họ dùng ngón tay trỏ (không phải ngón giữa) để ngoắc kêu mình lại. Khoảng thời gian lối 1960, tội ác (crime) ở Mỹ ít hơn bây giờ. Những ai muốn đi xe ké bằng cách hitchhiker thì không có gì khó. Người VN rất ít, nhóm du học sinh chia nhau đi rải rác một số trường. Lúc mới đến Washington DC tòa Đại sứ có cho chúng tôi một cuốn "Directory" nhỏ bằng bàn tay chỉ có 2, 3 chục trang giấy, ghi tên họ địa chỉ sinh viên và kiều dân VN. Thông thường, cuốn niên giám này không bao giờ up-date kịp. Tổng số sinh viên thuần túy 1960 có lối chừng dưới 60 người. Có một số đông khác thì theo các chương trình tu nghiệp ngắn hạn. Mỗi lần chúng tôi đi nghỉ lễ thành phố nào, chúng tôi cũng dùng cuốn niên giám ấy để tìm bạn làm quen. Nếu may mà người đó còn ở đúng địa chỉ là thế nào chúng tôi cũng được mời lại ăn ở, nói chuyện với nhau suốt đêm. Sự tiếp đãi này lúc bấy giờ đã thành như một tục lệ bình thường giữa những người Việt với nhau.
Tôi thấy đã viết hơi dài, xin được ngưng ở đây. Đã trên 43 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ một cách mến thương, những ngày vui tươi, trẻ trung sống động ấy. Nhìn lại những ngày đó tôi vẫn tự hào đã không lần nào làm mất mặt người VN. Dù muốn dù không, vì số sinh viên VN quá ít, mọi người vẫn nhìn chúng tôi như là đại diện của VN.
Tự nhiên là trong bài này, các bạn không thấy có cái gì xấu nơi tôi. Đây cũng là chuyện thường thôi. Trong các hồi ký của quý vị tướng tá, thân hào nhân sĩ, chính trị gia, thương gia có ông nào nói xấu kể lỗi của mình đâu.
TRẦN VĂN HÙNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,059,391
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến