Hôm nay,  

Cai Thuốc

25/10/200300:00:00(Xem: 256903)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài số 382-920-vb3211003

Tác giả Lê Như Đức sinh năm 1962 tại Saìgòn, Việt Nam Nghề Nghiệp : Kỹ sư cơ khí cho Boeing, thành phố Houston. Gia Đình: Vợ và ba con. Học vấn: Cao học cơ khí. Là tác giả được trao tặng giải thưởng chính thức Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất 2000-2001, Lê Như Đức đã góp nhiều bài viết giá trị. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Vậy mà cuối cùng rồi tôi cũng bỏ được thuốc lá. Chuyện khó tin nhưng có thật. Trước, tôi cứ ngỡ rằng mạng tôi có thể bỏ được chứ thuốc lá nhất định là không. Cho dù thế nào đi nữa cũng không thể bỏ được nó. Tập mãi mới được khi không lại bỏ khơi khơi, ai mà chịu cho. Thế mà tôi đã bỏ tỉnh bơ, bỏ không tiếc nối, bỏ không lưu luyến, không thuốc cai, không thèm muốn. Bỏ một cách rất anh hùng, rất cương nghị và đầy lòng tự tin.
Bạn tôi có nói chỉ thật sự cai được thuốc lá khi mình lúc nào cũng mang gói thuốc trong người ba tháng liền mà không rút ra hút đến một điếu. Tôi mang nó mười tháng nay mà vẫn tỉnh bơ không một lần vi phạm lệnh châm thuốc. Móc bao thuốc Malboro đỏ để ngay trước mắt mà vẫn không thèm, vẫn không ngáp, ngón tay vẫn duỗi thẳng, không kẹp dọc, kẹp ngang, không máy mó.
Vậy là chắc chắn tôi cai được thuốc rồi.
Thật đáng thưởng cho... một điếu.
*
Tôi bắt đầu hút thuốc khi nằm trong trại cải tạo vượt biên của thị đội Vũng Tầu. Ngày đi tù đầu tiên thật buồn và thật cô đơn. Nhớ nhà châm điếu thuốc, để ngắm khói huyền bay lên cao. Bạn tù cho tôi thử vố thuốc lào đầu tiên trong cuộc đời. Họ nháy nhau trước. Tôi vừa rít xong hết hơi, bốn người vật tôi xuống giữ hai tay, hai chân, một bay vào bịt miệng, mũi tôi lại. Ba phút sau năm người bạn hiền thả ra, tôi say thuốc nằm phê như đang viếng cảnh Bồng Lai. Bác Vị, bậc đàng anh đứng đầu trong trại, tuyên bố:
- Chúng ta có thêm một hội viên. Từ nay hội sẽ tăng thêm phần &tốn kém.
Tôi đang say thuốc cũng cố trả lời:
- Lỗi ở qúy hội đã tập cho tôi. Tôi sẽ hút cho xập hội luôn.
Lời nói chơi, ai ngờ xẩy ra thật. Hội tan nát cũng vì tôi.
Hội hút thuốc gồm đủ mọi thành phần của xã hội. Từ trí thức như bác sĩ Lý, luật sư Bội tới thương gia như Xuân Chủ Tầu, Sơn Nhà Hàng đến thợ thuyền như Nhựt Máy Lạnh, Tài Xe Lô và cả lông nhông vô gia cư, vô nghề nghiệp như Thông Tự Thiêu, Yên Móm, Chi Sún. Tất cả bị bắt vì hai tội duy nhất: vượt biên và sắp có ý tưởng vượt biên.
Có người vượt biên bị bắt quả tang như bác sĩ Lý đang chuyển dầu lên tầu. Có người bị bắt không quả tang như luật sư Bội chỉ vì đổi nghề từ luật sư sang đánh tôm. Mặc dù luật sư Bội đã đem hết khả năng chuyên môn của mình ra biện hộ rằng trong xã hội chủ nghĩa không có nghề luật sư nên anh phải đổi nghề, anh Bội vẫn bị xử tội&có dấu hiệu muốn vượt biên.
Có người bị bắt chỉ vì có tài sản như Xuân Chủ Tầu. Anh Xuân, người Bến Đá, giầu có, làm chủ cả chục chiếc tầu đánh cá. Nổi hứng anh bán một cái. Thị đội Vũng Tầu nghi anh bán tầu mua dầu vượt biên nên bắt phỏng vấn. Lập luận của công an thị đội thật vững chắc và rất ư là lô-gíc: anh đã giầu thì cần gì phải bán tầu, mà anh bán tầu rõ ràng là để mua dầu vượt biên. Anh Xuân nổi nóng khi bị vặn hỏi nhiều lần. Anh văng tục ngay vào mặt Sáu Đoàn, trưởng công an biên phòng:
- ĐM, tụi mày ngu như con kẹ.. t tao nè. Đã biết tao giầu thì tao cần đéo gì phải bán tầu để lấy tiền mua dầu. Tiền đã đầy túi thì cứ việc xách đi mua dầu. Cần đéo gì phải bán tầu để lấy tiền mua dầu cho thêm sầu.
Sáu Đoàn xử anh tội & sắp mua dầu để vượt biên. Sau này anh phải ký dâng không hai cái tầu cho thị đội để đổi lấy giấy phóng thích.
Có người bị bắt chỉ vì tội gật đầu muốn vượt biên như Thông Tự Thiêu. Thông, vô gia cư, nằm ngủ dưới cửa sổ của nhà hàng của Sơn đêm hôm trước ngày vượt biên. Cuộc tổ chức vượt biên do thị đội giả làm chủ tầu gài. Tối hôm đó mọi người tới nhà hàng bàn chuyện ra đi. Thông nằm im nghe hết. Bàn xong chuyện, mở cửa sổ ra thấy Thông nhe răng nhìn vô cười. Họ hỏi Thông có muốn đi không. Thông gật đầu ngay.
Khi Thông vào tù vẫn cứ cãi công an là muỗi cắn nên Thông cúi đầu gãi chân. Thông bị xử tội gật đầu &muốn vượt biên. Thông phản đối đòi tự thiêu. Thông không tự thiêu được vì trong tù vượt biên làm gì tìm được xăng dầu cho Thông đốt. Thông chỉ tìm được danh hiệu "tự thiêu" mà thôi.
Mỗi buổi tối sau chín giờ là hội lên lửa, châm mồi. Mấy tên bộ đội canh gác nhìn chúng tôi ngồi nghiêm chỉnh theo thứ bậc, thân mật mời nhau hút thuốc, uống trà nên gai gai. Vào trại cải tạo mà vẫn còn sống kiểu phong kiến, đế quốc. Chúng tìm cách chơi chúng tôi nên vác đàn ra hát. Chúng chỉ vòng vòng ca tới ca lui có một bài "Sao đành bỏ quê hương". Có lúc cả bọn hè nhau rống lên: "sao đành bỏ tiếng nói Việt Nam" rồi cười hô hố chọc quê bọn tù vượt biên chúng tôi.
Luật sư Bội, bậc đàn anh đứng thứ hai trong trại, ban lệnh xuống:
- Tụi mày làm cách nào cho mấy con chó bớt sủa, tao mới hút thuốc ngon được.
Lập tức một ủy ban phòng chó sủa lúc xơi thuốc được thành lập. Một anh bạn đề nghị:
- Muốn chó hết sủa thì phải đập ngay vào mõm nó. Chúng mình lén cắt hết mẹ dây đàn là chúng hết sủa.
Tôi bàn:
- Không được. Cắt dây đàn hôm nay, hôm sau chúng lại mua dây khác. Chỉ làm chúng ngưng sủa một đêm thôi. Thêm nữa, chúng thấy mình cắt dây đàn nên biết mình tức lại càng khoái chí sủa to thêm. Muốn chúng im, mình phải chổng mông ra &xì lại to hơn.
Tôi được bầu làm trưởng ban nhạc bất đắc dĩ. Chúng tôi chỉ hát hai bài mỗi tối và hát nhiều lần. Bài "Đêm qua em mơ gặp bác Hồ" và bài "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng".
Bọn bộ đội bỗng dưng thấy chúng tôi hát đối lại nên ngỡ ngàng vểnh đuôi lên nghe. Chúng tôi cùng rống lên say sưa yêu bác và mơ thấy bác như là những đảng viên Cộng sản đã thấy được thiên đường Cộng sản. Có lẽ không có cảnh nào khôi hài và mỉa mai bằng gần hai chục thằng tù ốm đói, ghẻ lở, ăn mặc lôi thôi lếch thếch đứng xếp hàng ngay ngắn rồi cùng rống lên yêu và mơ thấy bác đêm qua.
Một tuần sau, không thấy gì động đậy. Chúng tôi vẫn được sung sướng hát đáp lời mỗi khi nghe chúng sủa "sao đành bỏ phố phường". Anh Bội lại ban lệnh xuống:
- Việt cộng ngu quá. Tụi mày phải gửi người lên dậy chúng hiểu. Chứ cái điệu này tao thấy tụi mày hát cả năm chúng cũng chả biết tụi mày đang chửi chúng.
Lập tức, Hùng ăng-ten được lệnh lên thọc ban chấp hành trại. Hùng là người của hội, nhưng được cử làm công tác đặc biệt: giả làm ăng-ten để lấy tin tức và đưa tin cần thiết.
Buổi trưa hè, trời nóng như thiêu, Năm Dũng phó thị đội Vũng Tầu bắt tất cả các anh em trong ca đoàn thuộc giòng "ớn bác", xếp hàng trình diện ngay giữa sân trại.
Năm Dũng mặt đỏ bừng, hét to:
- Các anh vào đây đã không lo học tập tốt, lại dám lôi cả bác ra chọc ghẹo cán bộ.
Bác Vị thay mặt anh em, ngây thơ trả lời:
- Báo cáo anh Năm giải thích cho rõ. Chúng tôi không biết anh Năm nói ai chọc ghẹo cán bộ.
Năm Dũng chỉ vào đám chúng tôi:
- Chính là các anh này.
- Báo cáo anh Năm giải thích rõ hơn. Các anh này chọc ghẹo cán bộ như thế nào để tôi xử lý.
Năm Dũng tức mình mắc mưu bác Vị, thố lộ tâm tình:
- Cán bộ hát "sao đành bỏ quê hương", chúng hát lại là vì chúng đêm nào cũng nằm mơ thấy bác và chỉ có các em nhi đồng khờ khạo bị lừa bịp nên mới yêu bác Hồ, chịu ở lại thôi.
Bọn chúng tôi nhe răng cười. Chi Sún dù không còn cái răng cửa nào cũng đưa cả bộ nứu răng lồi lõm và xám sệt ra khoe. Năm Dũng biết mắc mưu, đỏ mặt bắt chúng tôi phơi nắng trả thù dùm cho bác Hồ kính yêu của y. Nửa tiếng đồng hồ sau, anh Bội ra trình diện Năm Dũng hô to:
- Báo cáo anh Năm, trời nóng quá nên cho anh em vào không xỉu, chết hết.
Năm Dũng vẫn còn tức:
- Tôi biết rồi. Anh vào trong đi. Khỏi phải báo cáo.
Bọn chúng tôi hiểu được ý anh Bội nên lần lượt xỉu. Cứ mỗi đứa xỉu, anh Bội lại cho người ra khiên vào nhà phạt &uống trà và hút thuốc lá. Năm Dũng cũng chịu không nổi cái nóng gay gắt của trời đất nên lặng lẽ chuồn êm.
Năm Dũng, người miền Nam, dân tập kết nên chỉ lên được phó thị đội là may lắm rồi. Năm Dũng thích ăn nhậu và đánh bạc. Sau "hủ hóa" với một nữ tù vượt biên nên bị cách chức, đẩy xuống học tập cải tạo chung với bọn chúng tôi rồi trốn trại, vượt biên qua Mỹ. Có lẽ giờ Năm Dũng đang vừa huýt sáo bài "Sao đành bỏ quê hương", vừa chia bài ở Las Vegas. Hy vọng Năm Dũng học được bài học tập kết để hiểu rõ về con người Cộng sản và chủ nghĩa vô thần.
Tối hôm đó bọn bộ đội canh gác kéo hết nhau đến nhà tù để ca trả thù. Bọn chúng tôi biết trước nên lấy giẻ rách nhét đầy lỗ tai. Chúng tôi vẫn bình thường ngồi hút thuốc, uống trà. Hôm sau, Hùng ăng-ten lại phải lên thọc chuyện giẻ nhét lỗ tai. Thị đội Vũng Tầu biết chả bao giờ cải tạo nổi bọn chúng tôi nên tuần sau chia nhóm chúng tôi ra làm bốn gửi đi các trại ở Bình Ba và Phước Long.
Hội thuốc lá tan đi như làn khói, tỏa trong hư vô.
Bác Vị vẫn ở lại thị đội Vũng Tầu, anh Bội và tôi ra Bình Ba. Trại tù Bình Ba lúc đó do Hai Thảo làm cai. Chúng tôi tới được một tuần hơn thì Hai Thảo tự động xin xuống chức vì lý do &ngứa chân. Anh Bội thế chức trưởng tù, Bác sĩ Lý làm phó, tôi làm xếp ban tài lọt, kiêm trưởng ban thông tin, kiêm phát ngôn viên chính thức của tù, kiêm trưởng ca đoàn, đoàn hát quên đói, "Tiếng loa đồng".
Anh Bội có lẽ cùng tuổi với ông anh cả tôi, hơn tôi cả hai con giáp. Tóc anh lại bạc trắng hơn cả tóc của bố tôi. Tôi thường gọi anh là Ngũ Tử Tư thời nay. Anh trả lời sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa ngoài bác và bộ chính trị trung ương Đảng ra, tóc ai cũng phải bạc.
Làm xếp đám tù, anh luôn chia cho tôi những công tác nhẹ nhàng như phơi bắp, hay xếp nồi niêu xoong chảo cho nhà bếp. Anh thường nhắn nhủ tôi:
- Lấy danh hiệu anh hùng lao động để kiệt sức, chết hả" Mày cứ phơi bắp đi, tao sẽ cấp cho danh hiệu phơi bắp tiên tiến.
Tưởng anh nói chơi. Rốt cuộc tôi cũng được bình bầu danh hiệu anh hùng phơi bắp. Phơi bắp ăn thua là trời có nắng hay không. Trời mưa thì có là thánh sống cũng không làm bắp khô được. Trời nắng cứ việc trải bắp ra sân rồi tìm chỗ &ngơi. Ngày nhận được danh hiệu anh hùng phơi bắp, tôi thấy tôi anh hùng hơn cả &ông trời.
Nhiệm vụ chính của tù nhân trại tù Bình Ba là đốn cây, phá rừng Long Khánh làm thành đồng ruộng phì nhiêu bằng &sức người. Nhiệm vụ phụ là đi tìm những cây gỗ qúy chở về nhà mấy cán bộ gộc. Nhiều lúc chính trở thành phụ, lắm khi phụ lại thành chính. Nếu không tìm thấy gỗ qúy thì hàng tháng chúng tôi cũng phải chở cả thước củi xếp đầy nhà bếp cho người làm nhà họ nấu nướng. Nhà tên nào cũng không một vườn hạt tiêu thì cả rừng cây vú sữa.
Đốn cây thì dễ nhưng đào rễ cây để cầy đất thì sức voi cũng chả làm nổi. Đã thế đất rừng lồi lõm không cách chi làm bằng phẳng, trừ phi có xe ủi thật bự và máy móc hiện đại như của quân đội Hoa Kỳ. Thị đội Vũng Tầu cũng biết nhưng vẫn cứ bắt chúng tôi làm phù thủy, biến rừng rú thành đồng bằng như lời bác dậy: lao động là vinh quang.
"Tiền giang, hậu lãng thôi tiền lãng." (Nước sông Tiền, làn sóng sau nuốt làn sóng trước)
Bác dậy một, dân Việt nam dậy lại bác mười: lao động là vinh quang, lang thang thì chết đói, hay nói là cải tạo, nói bạo sẽ lên phường, bán giường đi kinh tế, có thế hãy vượt biên, có tiền nên vượt biển.
Mỗi buổi chiều tàn, chúng tôi treo võng song song nằm thổi thuốc lá để nhớ lại những người bạn xưa, đã một lần may mắn gặp nhau trên mỗi chặn đường đời. Anh Bội dậy tôi cách sống thích nghi với trường đời. Tôi trưởng thành từ đó. Vào tù vượt biên tôi chỉ là một thiếu niên hiểu ngây ngô về thiên đường xã hội chủ nghĩa, ra tù Việt cộng tôi là một thạc sĩ chuyên về luận giải triết lý Cộng sản và biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn tháng sau tôi được chuyển về lại thị đội Vũng Tầu để lãnh giấy phóng thích vì một bà đại tá công an Việt cộng, vô tình cùng họ Lê, nhận làm cháu ruột bảo lãnh tôi về cải tạo tại gia.
Mọi người cũ chẳng còn ai duy chỉ có bác Vị. Giờ ăn cơm trưa bác đưa nguyên chai tương pha thật mặn của bác cho tôi. Những người tù vượt biên mới vào trố mắt nhìn tôi thắc mắc. Bác Vị không còn người thân ruột thịt. Mỗi năm bác chỉ có một cô cháu họ xa tới thăm nuôi cho hai chai tương. Hai chai tương đối với bác qúy như sinh mạng mình. Mỗi bữa ăn, bác chỉ dám đổ ra ti tí nơi góc chén để ăn dần &nguyên năm. Tôi đổ tương ra lưng chén chấm ăn mà lòng thật quặn đau. Nếu tôi ăn dè kiểu của bác, bác sẽ buồn lòng cho tôi coi thường đồ ăn bác mời. Khi tôi rời tù, bác ôm tôi và dặn đúng như lời anh Bội:
- Mày nhớ sau này khá, đừng quên anh em. Hãy luôn nhớ đến những người Việt Nam khốn khổ tù tội như tụi mình.
Chúng tôi có lệ khi chia tay không hỏi địa chỉ của nhau. Ở tù Cộng sản có bao giờ biết được ngày ra đâu mà hẹn ước chi cho mệt. Chỉ thầm nghĩ có duyên số sau này ắt sẽ gặp lại. Không duyên cũng biết sẽ nhớ nhau muôn đời.
Trên đường đi lên văn phòng chính của thị đội lãnh giấy phóng thích, tôi đi ngang qua dãy phòng nhốt riêng đám tù hiệp sĩ. Tôi lén vẫy tay chào họ. Những ánh mắt lóng lánh nhìn ra từ những cái lỗ thông hơi nhỏ như lon Coke nháy chào. Họ là những người bị bắt vì gia nhập tổ chức kháng chiến. Mỗi người bị nhốt riêng một phòng và mỗi khi ra khỏi phòng phải mang mặt nạ như hiệp sĩ, và người bị trùm kín từ đầu đến chân để không ai nhận được mặt ai. Họ anh hùng và can trường hơn những người trốn chạy vượt biên như chúng tôi. Họ xứng đáng được danh xưng: tù hiệp sĩ.
Chính giữa đám phòng giam những tù hiệp sĩ có một phòng bỏ trống, không cửa. Một nữ tù hiệp sĩ từng bị giam và tra tấn nên không chịu nổi chết ngay trong phòng đó. Hằng đêm chúng tôi vẫn thường nghe tiếng khóc văng vẳng của cô vang ra. Chúng tôi nghe tiếng khóc hoài nhưng chưa ai từng được thấy cô. Chỉ có những bộ đội công an Việt cộng thường được diện kiến nhiều lần.
Đám tù vượt biên chúng tôi có nhiệm vụ phải thay nhau rửa phòng tù hiệp sĩ khi họ bị đi hỏi cung. Một lần, một tên công an dắt một người tù tới rửa phòng. Cửa vừa mở ra y thấy cô ngồi chỉnh tề trong phòng nhòm ra. Y sợ qúa quạt nguyên tràng AK47 vào phòng rồi bỏ chạy. Người tù rửa phòng chả thấy gì, đứng ngớ ngẩn tưởng y lên cơn điên.
Nhiều lần xẩy ra như vậy, thị đội phải thỉnh sư về lập tràng cúng giải oan. Có lẽ biết không thể khuyên Việt cộng buông dao đồ tể xuống được, vị cao tăng từ bi muốn giảm bớt oan nghiệp nên dậy phải tháo cửa phòng đi thì oan hồn mới có chỗ thoát. Từ đó phòng được bỏ trống, không cửa. Người qua lại vẫn còn thấy được nguyên hàng lỗ thủng rất đều do đạn AK47 bắn vào.
Việt cộng tự xưng vô thần nhưng vẫn sợ ma hơn ai hết.
Tôi bước ra cổng của thị đội Vũng Tầu vào một buổi chiều nhạt nắng. Tôi tự nhủ dù có không khá cũng sẽ không bao giờ quên được những người bạn tù và hội thuốc lá.
Tôi qua Mỹ chỉ mang được tấm thân cao gần một thước tám và tài thổi thuốc lá làm kỷ niệm cho những tháng ngày đi tù.
Sách có câu: thuốc ngon nửa điếu. Những năm đầu hút, tôi thấy nửa điếu đầu, thuốc mới, đầu lọc mới nên ngon hơn nửa điếu sau. Hút càng lâu, cơ thể đòi hỏi chất nicotine càng nhiều, tôi lại thấy hút nửa điếu sau đậm đà, ngon hơn nửa điếu đầu. Làm thêm điếu nữa, lại thấy nửa đầu ngon hơn nửa sau mới chết chứ! Ngồi ngẫm lại mới hay sách viết thật thâm thúy:
"Thuốc ngon chỉ có nửa điếu,
Đố ai biết được nửa nào nửa ngon""
Hút thuốc thơm mồm, bổ phổi, lại diệt trùng lao. Nói thơm mồm, bổ phổi thì hơi quá, chứ diệt trùng lao là đúng sự thật "chăm phần chăm". Hỏi mùi thuốc lá nồng nàn đến nỗi người ngửi còn phải chạy nói chi là vi trùng lao. Khói thuốc bay mù phổi thì vi trùng lao hết chỗ núp phải dzọt ra gấp là đúng rồi. Người Tầu có câu: "dĩ độc công độc" mà nị.
Những năm đầu thập niên 80, đất Mỹ cho hút thuốc thả dàn. Hình như chỉ có trong vương cung thánh đường là cấm hút thuốc mà thôi. Ngoài ra ở mọi nơi công cộng, kể cả toà bạch ốc, thư viện quốc gia, phe ta cứ tha hồ tự do thổi mù trời.
Qua đầu thập niên 90 một ông bác sĩ ấm ớ nào đó, chắc là muốn lãnh giải Nobel, nên đưa ra lời tuyên bố không có lợi gì mấy cho giới hít tô phe: người vô tình ngửi khói thuốc lá hại nhiều hơn người hút. Từ đó nước Mỹ có phong trào bài trừ hút thuốc lá ở khắp mọi nơi, công cộng lẫn tư gia.
Thật là vô lý. Nếu người vô tình ngửi khói thuốc lá hại nhiều hơn người hút thì tại sao không &tập hút phòng đỡ hại hơn. Cổ nhân thường dậy phòng bệnh hơn chữa bệnh cơ mà. Lại nữa, người đã vô tình thì ta cần gì &hữu tình để rước thêm phiền não.
Giới hít tô phe bị tẩy chay và kỳ thị thật tàn nhẫn, thật vô tình. Cũng lại vô tình. Vào nhà hàng không được hút thuốc, lên xe buýt thấy bảng No Smoking to chần dần, tới sở làm bị cấm hít ngay cả trong văn phòng của mình, về nhà cũng bị vợ cấm đốt tại gia luôn.
Ngay cả trong cầu tiêu công cộng cũng không được châm mồi nói chi là thư viện, shopping hay siêu thị. Chả có một chỗ nào tương đối thoải mái cho dân nghiền. Tay chơi ngày nay lúc nào cũng phải núp ở một góc kẹt ngoài tòa nhà hay ẩn trong một bãi đậu xe vắng của siêu thị để hít hít vội một vài hơi rồi thăng. Thật mất hết oai phong của một thời
"Ra tay cầm cán sôi trong nước,
Ngậm khói phun mây sạch bụi trần". Vợ tôi hay bị dị ứng ngẹt mũi. Vậy mà tôi chỉ hít một vài hơi, xúc miệng đánh răng có cỡ nào đi nữa, ba tiếng đồng hồ sau vợ tôi vẫn ngửi ra được như thường. Thật là thần kỳ. Có lẽ thuốc lá là thuốc hay nhất để trị dị ứng mũi cho vợ tôi.
Nàng chúa ghét mùi thuốc lá, lúc nào cũng thắc mắc về nó:
- Hút thuốc lá có ngon không mà sao anh cứ hút hoài"
- Lẽ dĩ nhiên là không ngon rồi.
Nàng ngạc nhiên:
- Không ngon sao anh cứ tốn tiền mua thuốc hút hoài"
- Thì cũng chỉ vì muốn biết được nó ngon như thế nào nên anh cứ phải hút cho đến bao giờ thấy &ngon thì thôi.
Nói đến thuốc lá mà không nói đến cà phê thì chả khác nào nói chuyện Việt cộng mà không kể đến đấu tố và cải tạo. Mà đã nói đến cà phê mà không bàn về cách pha cà phê thì cũng như là nói chuyện thiên đường xã hội chủ nghĩa mà không nói đến nhai bo bo và gặm khoai mì.
Uống cà phê pha theo kiểu chụp giựt của Mỹ thì thà đừng uống hay hơn. Tôi thường gọi cà phê pha kiểu Mỹ là nước mầu nóng. Muốn uống cà phê cho đúng tiêu chuẩn phải uống cà phê phin. Nói theo danh từ "đỉnh cao trí tuệ" của bộ chính trị trung ương đảng ta là "cái nồi ngồi trên cái cốc".
Lần đầu tiên nghe tên bộ đội sắp được đi phép hỏi chúng tôi chỗ mua "cái nồi ngồi trên cái cốc", bọn tù chúng tôi bò lăn, bò lộn ra cười. Hôm sau Nhựt Máy Lạnh đố mọi người "thằng ngốc chui trong cái hộp" là gì " Bộ đội không biết. Nhựt phải giải thích chính là bác nằm trong hòm kính trong lăng ở Hà Nội. Nhựt Máy Lạnh bị bộ đội hè nhau đánh hội đồng một trận tơi bời, thổ cả huyết tươi. Bác sĩ Lý vừa vác tấm thân bê bết máu của Nhựt về nhà tù, vừa lẩm bẩm:
- Thần khẩu hại xác phàm.


Việt cộng có một đức tính nhẫn nhục khiến tôi thật là bái phục. Đó là chửi cha chửi mẹ họ, họ cũng ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng đụng đến bác và đảng là họ thí mạng với mình ngay. Không có gì làm cho Việt cộng tức bằng đem những bịp bợm, lưu manh của bác và những lừa lọc và thủ tiêu người của đảng Cộng sản Viêt nam ra nói. Ngay cả những cán bộ lão thành bị thất sủng tù đầy, những người tự xưng là tỉnh ngộ bỏ chạy qua đây cũng không bao giờ ưa nghe hoặc tin những gì xấu về bác và đảng. Họ rất khôn khéo biện hộ cho Hồ Chí Minh và đổ tất cả tội cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Riêng Trường Chinh thì đã đứng ra nhận hết tội đấu tố trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Nó dám qua mặt bác, đứng ra thủ tiêu cả trăm ngàn địa chủ mà không báo cáo, làm bác &đếch biết gì cả. Bác đành phải khóc, xin lỗi quốc dân và giáng chức nó từ chủ tịch quốc hội xuống thành Tổng Bí Thư Đảng. Bác lúc nào cũng &tuyệt vời cả. (*)
Trở lại chuyện cà phê, thiếu cái phin, cà phê mà có pha bằng vợt cũng mất hết một nửa chất đắng đam mê của cà phê. Cà phê bỏ vào phin không biết nén để nước chảy ồng ộc có vòi thì cũng chỉ là nước mầu nóng mà thôi. Nén chặt quá, đợi cà phê nhỏ giọt mãi thì tay chơi cũng sẽ bị phù mỏ vì đợi lâu&đốt qúa nhiều thuốc. Đổ nhiều nước vào phin quá, cà phê có vị chua. Đổ ít nước vừa phí của giời vừa thiếu chất đắng của coffein.
Pha cà phê đen hay cà phê sữa phải biết bỏ đúng lượng đường hay lượng sữa. Bỏ nhiều át mất chất đắng của cà phê, thành chè .. ba mầu. Bỏ ít không đánh tan được chất hơi chua chua của nó, người uống không cảm được chất đắng nhiều. Cà phê pha xong là phải uống liền. Để bốn, năm tiếng đồng hồ sau, chất cà phê dễ sinh chua, uống ngang phè.
Sách thuốc có câu "Thuốc đắng dã tật". Trong năm vị: chua, cay, mặn, ngọt và đắng, thì đắng là chất qúy nhất, lại thường thiếu trong cơ thể con người. Có người luôn ăn mặn, kẻ ưa ngọt, anh thích cay, chị ăn chua, nhưng chả ai muốn đắng cả. Do vậy mà sau thuốc Tầu, thuốc ta và thuốc lá thì cà phê có lẽ là một &linh dược qúy.
Trời lành lạnh, lái xe đi làm, châm điếu thuốc và cầm ly cà phê sữa nóng làm bạn đồng hành thì dù đường xa mấy tay chơi cũng không cảm thấy cô đơn. Thật sự khi hút thuốc lá và uống cà phê chỉ muốn có một mình yên lặng thì mới cảm hết được tất cả những thân tình đến từ người bạn đường xa. Có người ngồi bên, dù là người tình muôn thuở lèn èn mùi khói, tay chơi cũng cảm thấy &cô đơn lạ thường. Nếu là bà xã lại càng cô đơn &lạ kỳ.
Sáng sớm đi làm điểm tâm bằng ly cà phê, điếu thuốc lá. Chiều tan sở về lại đốt điếu thuốc lá, nhâm nha ly cà phê. Tôi, đôi lúc cảm thấy mình cứ như là những thuật sĩ Tây Tạng: đi mây về gió, đốt lá phà hơi, bắt điếu yểm khói.
Một buổi chiều mờ, đi làm về thấy vợ tôi hồ hởi khoe tìm được đúng chỗ cai thuốc cho tôi. Tôi thật bàng hoàng khi nghe vợ tôi đã đóng học phí, ghi danh sớm, lấy chỗ tốt:
- Rẻ lắm, chỉ tốn có 85 đô la thôi, anh à. Họ còn bảo đảm sẽ hoàn lại tiền nếu không &tốt nghiệp.
Trời mùa đông lành lạnh, lớp học lại buổi tối, làm mấy điếu trước khi vào lớp thật là tuyệt. Đàn bà Mỹ có lệ hút thuốc nhiều hơn đàn ông. Các nàng lại bị mặc cảm mùi thuốc lá nên lớp học vừa yêu kiều vừa thơm ngát mùi nước hoa đủ loại và đủ giá.
Không hiểu có phải vì mặc cảm dân tộc hay vì thành kiến có từ xã hội xưa hay không mà cứ mỗi lần tôi thấy đàn bà Việt nam hút thuốc là tôi thấy dơ dơ, hạ lưu. Nhìn đàn bà Mỹ hút thuốc lại không cảm thấy gì cả, nhiều khi còn thấy tân thời, sang trọng nữa. Hỏi vài người bạn chung quanh, thấy hầu hết anh nào cũng có mặc cảm như mình. Có anh còn chắt nịt "giả nhời":
- Không đứng đường thì làm sao biết hút "
Thật là lạ! Cũng là đàn bà cả mà chả lẽ đàn bà Mỹ có tướng hút thuốc khác đàn bà Việt nam "
Phòng học rộng rãi, chính giữa để một màn ảnh đại vĩ tuyến và mười cái bàn sắp thành hai bên tả hữu như long hầu hổ phục. Mỗi bàn có hai ghế bành thiệt bự, kiểu cho những giám đốc ngồi xơi thuốc, trên mỗi bàn có để bao thuốc lá và cái bậc lửa.
Hình như tôi có tướng qúy khi hút thuốc lá nên mọi sinh viên nhìn tôi như ngầm bầu tôi làm trưởng lớp. Tôi hít một hơi thật dài rồi ưỡn ngực, uy dũng bước lên ngồi bàn đầu. Thấy có bao thuốc lá để trước mặt nên tính cầm lên &ngắm. Bỗng nhiên tiếng kèn trống nổi lên. Mọi sinh viên đang ngơ ngác thì một chị sồn sồn chạy ra ca câu vọng cổ:
- Khoan, khoan, xin người khoan châm lửa. Hãy coi những phim này xong lột bao thuốc cũng chưa muộn.
Và rồi những phim được trình chiếu liên tục về những cái hại do thuốc lá gây ra. Cứ mười lăm phút phim lại ngừng để cho chúng tôi bàn cãi. Nhiều chị hung hăng phát biểu quên cả &hít. Cuối giờ, bà giáo quay qua hỏi tôi có còn muốn hút thuốc nữa không. Tôi e thẹn trả lời không. Bà cười cười hỏi thêm:
- Sợ rồi phải không"
- Không phải sợ mà không thích hút.
Bà lại hỏi tiếp:
- Nếu sợ thì cứ việc nói là sợ chứ đâu có gì mà phải hổ thẹn. Mình biết hút thuốc rất có hại thì bỏ nó. Cũng như tôi đây hút cũng hơn cả mười năm giờ bỏ đâu có gì phải mắc cở đâu "
Tôi vẫn trả lời như cũ:
- Không phải sợ mà tại vì không thích hút nữa.
- Tại sao bỗng nhiên lại không thích hút " Thôi sợ thì cứ nói ra đi, có gì mà phải mắc cở.
Tôi tỉnh bơ trả lời:
- Chả phải sợ đâu. Tại vì thuốc của bà để trên bàn là Malboro light, hút nhẹ hều à. Tay chơi phải hút loại đỏ như cái này mới đã.
Tôi tà tà móc bao Malboro đỏ tươi ra châm rồi thổi một vài hơi biểu diễn trước sự thán phục của các bạn cùng lớp. Ban giám hiệu trường giữ lời hứa hoàn lại 70 đô la cho tôi, chỉ lấy 15 đô la cho lệ phí giấy tờ nhập học và mua thuốc lá trưng bầy. Tôi vội vàng chạy thục mạng về khoe vợ:
- Như vậy là tháng này anh có dư thêm bẩy chục để...hít.
*
Đúng 10 giờ sáng, ngày 17 tháng chạp năm ngoái, con trai tôi chào đời. Ba giờ sau con tôi bị ngộp hơi không thở được, người đang hồng hào đổi qua tái xanh. Cũng may cô y tá trông thấy nên mang nó vào chỗ cấp cứu đặt biệt cho những trẻ sinh thiếu tháng hay bị những triệu chứng bất thường. Vợ tôi vẫn còn nằm trong phòng đẻ mê mang chưa biết gì. Ông bác sĩ đoán bệnh có thể là do tôi dùng thuốc &bổ phổi nhiều quá nên hệ thống hô hấp của con tôi bị ảnh hưởng.
Nhìn nó nằm im trong lồng kính mà nước mắt tôi cứ trào ra. Bố mẹ tôi đẻ tôi ra lành lặn vậy mà tôi không chịu giữ gìn thân thể nên truyền bệnh lại cho con tôi. Nó trông vạn vỡ, ngực nở vai rộng, người đô con. Tôi liền gọi nó là "Cu Đô", với hy vọng sau này nó vừa đô con vừa nhiều đô như tài tử tập tạ A-nồ Sờ-Líp Nách-Dơ vừa mới đắc cử chức thống đốc của tiểu bang California.
Con trai trong giòng họ Lê của tôi roi roi, cao và ngực dẹp lép. Cu Đô hơi lùn và dầy cơm. Nó hay nhỏe miệng cười, trông thật hiền lành và vô tư. Đầu nó tròn, cũng trọc lóc như đầu Nhất Đăng đại sư. Tay chân to và ú lên như những trái chuối hột. Mũi cao, miệng mũm mĩm và mắt hai mí rõ ràng. Má nó phún phím trông chỉ muốn cắn khi nó mủm mỉm bập bẹ nhai không. Không hiểu có cái gì trong miệng mà nó hay bập bẹ nhai như mấy bà gìa đương nhai trầu, rê thuốc. Mặt nó tròn như mặt tôi. Theo tướng số thì đàn ông mặt tròn cuộc đời ít vất vả, gian nan. Vậy mà không hiểu tại sao tôi thì cứ đi tù, nằm đảo, và ngủ rừng lia chia. Nó lại ngộp hơi khi vừa mới chào đời, lại còn mắc thêm cái bệnh hay đổ mồ hôi đầu nữa.
Mùa giáng sinh năm ngoái hai vợ chồng tôi vô trong bệnh viện thăm cu Đô cả ngày. Lúc thiên hạ vui đón ngày lễ lớn, chúng tôi vào nhà thương với một hy vọng trông thấy nó được luôn bình an. Bác sĩ tìm mạch máu trên cơ thể nhỏ bé của nó qúa khó nên phải tiêm thuốc vào ngay trên đầu. Vợ tôi khóc cả buổi khi thấy nguyên một mũi kim sọt thẳng vào đầu thằng bé.
Đúng bẩy ngày sau, bác sĩ ký giấy cho con tôi xuất viện với lời dặn bất cứ lúc nào cũng có thể ngộp hơi, không thở được, do đó trong vòng hai tháng phải luôn luôn có người canh chừng ngày đêm. Tôi đón cu Đô từ tay cô y tá, ôm nó vào lòng nhìn ngắm một lúc thật lâu. Miệng nó lúc nào cũng nở nụ cười thật hiền lành. Tôi vẽ vời tương lai với ông bác sĩ:
- Chỉ mong cho nó ăn mau chóng lớn. Lớn lẹ để đi học, đi làm rồi kiếm vợ cho nó nữa.
Ông bác sĩ cũng vẽ vời tương lai lại với tôi thật tươi sáng:
- Hút thuốc nhiều như cậu thì chỉ thấy được nó vào &mẫu giáo là hên lắm rồi.
Trên đường về nhà, tôi nghĩ nhiều đến thuốc lá và ngày con trai tôi cưới vợ. Nhớ lời ông bác sĩ dặn, tôi lấy hình con trai tôi dán vào bao thuốc lá để mỗi khi nghiền thấy nó cười sẽ quên hút. Lúc đầu thấy nó thương thương, lâu lâu lại thấy nó gai gai, cản mũi kỳ đà, nhưng cũng ráng nín thở cai thuốc. Mười tháng nay tôi ôm con không hút thuốc.
Cu Đô được vợ chồng tôi bế canh chừng liên tục đêm ngày nên trở chứng ngang, lúc nào cũng bắt ôm vào lòng mới chịu ngủ. Đặt nó xuống giường chỉ một thoáng là thức giấc la to. Tháng đầu sợ bệnh ngộp hơi của nó tái phát nên vợ chồng tôi cưng chiều ôm liền tay không mệt. Qua tháng thứ hai, nó xổ sữa lên cân đều chi nên bế thấy còng cả tấm lưng. Đôi khi nó chống phá cách mạng, chơi cái đêm "không ôm không ngủ" làm vợ tôi cũng phải thức trắng đêm đến đờ cả người. Vợ tôi cưng nó hơn cưng tôi. Lâu lâu tôi cũng liều theo nó đánh phá cách mạng, biểu tình gia nhập cái đêm không ôm không ngủ. Vợ tôi tỉnh bơ trả lời:
- Đi kiếm cô nào về mà ôm. Tôi chỉ ôm con tôi thôi.
Nghe mà khoái tê cả người. Hỏi sao lúc nào tôi cũng muốn chống phá cách mạng.
Một buổi tối cuối tuần, tôi thay vợ ẵm cu Đô ngủ. Tìm đủ mọi cách lừa nó đặt xuống giường, nó đều khám phá ra ngay. Bế nó vào lòng dựa ngực mình ngủ được một lúc là ngực tôi tê cứng. Tôi tìm cách xoay nhẹ cho đầu nó dựa tay mình được một chốc thì cánh tay lại tê tái. Đổi qua tay kia cũng chỉ chịu được nửa giờ là tay kia tái tê. Chịu hết nổi tôi đành phải giao cu Đô lại cho vợ tôi trị. Vợ tôi ngái ngủ trả lời tôi cố giữ thêm vài giờ nữa. Tôi hết hồn, đành chế chuyện:
- Em à, nhà mình có phước lớn sinh được thần đồng rồi.
Hình như người đàn bà nào cũng đều muốn sinh con thần đồng. Vợ tôi tỉnh ngủ ngay.
- Vậy sao" Nó thông minh lắm hả"
- Ừ, nó mới hơn hai tháng mà đã biết nói rồi.
Vợ tôi thắc mắc:
- Nó nói gì vậy"
- Anh ẵm nó, nó nằm im không nói gì cả. Vậy mà mới đặt nó xuống giường là nó la to.
Vợ tôi còn buồn ngủ nên bực mình:
- Lúc nào đặt nó xuống giường mà nó chả la to.
Tôi đính chính:
- Không đâu. Nó còn nói thêm với anh mấy câu nữa.
- Thiệt không" Nó nói thêm gì với anh"
- Cứ mỗi lần anh đặt nó xuống là nó hỏi anh ngay: tiên sư anh, sao không bế tiếp mà lại đặt tớ nằm xuống"
Cu Đô không chắc có là thần đồng hay không nhưng tôi chắc chắn nó là thần nghịch. Mỗi tối thứ tư tôi phải dự lớp học thêm cho ngành cơ khí của tôi. Tôi có mộng trở thành thầy giáo khi bị thất tình lần đầu tiên nên ráng học tiếp cho ra thầy. Một người quen đi lấy chồng, tôi vội hỏi nàng:
- Nhiều người cao ráo đẹp trai như &anh, răng chi mà không lấy, lại lấy ông thầy già đứng một mình cũng không nổi thì làm sao nâng o nó lên được xe hoa.
Nàng ỏn ẻn trả lời:
- Mạ em nói: muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Yêu không chưa đủ, phải còn lấy nữa mới đủ.
Từ đó tôi có mộng làm thầy giáo để có già cũng vẫn có người chịu lấy. Không như bác, chết cũng chả có ma nào thèm rờ. Giờ lại nằm thui thủi một mình trong lăng, lâu lâu có đứa bấm máy, đưa của qúy lên xuống cho thiên hạ nhòm.
Trường tôi học ở tận bên tiểu bang California nên phải học qua internet chứ không thể vào lớp dự được. Cu Đô chưa đủ một tuổi mà cũng thường dự học với tôi. Mỗi lần thấy ông thầy trên màn ảnh là nó đưa tay, đưa chân lên đòi nói chuyện. Lâu lâu nó lao vào hình ông le lưỡi liếm cả mặt mũi rồi khoái chí cười to. Nó hay chữ đến nỗi liếm cả mặt ông thầy, chứ chả thèm lấy.
Nó rất lười ăn, chỉ ưa bú sữa mẹ. Vợ chồng tôi làm đủ mọi cách cũng không thể làm nó chịu uống loại sữa nào khác. Vợ tôi nghe nhiều người chỉ nhiều mẹo vặt, nó khôn lắm, chả bao giờ dính mẹo nào cả. Cứ một loại sữa ngài sơi. Chỉ thoáng thấy bình sữa, nó quay mặt nhìn chỗ khác ngay. Ép nó, nó liền giở trò ói mửa là phải chịu thua.
Người già có nhiều kiên nhẫn lẫn kinh nghiệm nuôi con hơn. Đứa con đầu lòng, mợ tôi còn sống coi giúp nên vợ chồng tôi đỡ cực năm phần. Một bà già bằng ba con ở. Chả bao giờ tôi thấy mợ tôi bực mình hay than phiền. Riêng tôi, nhiều khi cũng muốn điên lên vì con.
Ngày xưa có lần tôi hỏi bố tôi lớn lên sẽ phải làm gì để trả ơn người nuôi dưỡng. Bố tôi cười trả lời:
- Lớn lên con chả phải làm gì cả.
Tôi ngạc nhiên. Bố tôi liền giải thích:
- Cuộc đời không phải là ơn đền oán trả. Do đó con chả phải làm gì cả. Cuộc đời chính là một sự nối tiếp từ đời trước qua đời sau. Cậu nuôi con là vì ông đã nuôi cậu. Giờ đây cậu nuôi con chỉ mong muốn con sau này nuôi con của con hơn cậu nuôi con là con đã làm đủ bổn phận làm người rồi. Cậu nuôi con đâu phải để làm ơn sau này cho con trả. Con nuôi con của con cũng vậy, để nối tiếp cuộc đời chứ không phải để sau này cho nó đền ơn trả nghĩa. Hiểu như vậy mình sẽ thấy cuộc đời mang nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn.
Con nít bên này sướng vô cùng. Không những đồ ăn thức uống đầy nhà mà đồ chơi cũng đầy phòng. Áo quần thì thôi miễn bàn. Nghĩ đến con nít bên nhà mà thấy tủi. Mẹ phải nhai bo bo từ lúc chưa có thai thì làm sao mà có sữa cho con bú. Đâu đã hết, vừa nhai bo bo vừa phải lao động hăng, học tập tốt cho xứng đáng là người cộng sản gương mẫu: vừa hồng vừa chuyên. Đói phờ râu mà vẫn cứ phải hét to vào mặt bác và đảng: sướng qúa, sướng qúa.
Chả hiểu ai sướng. Bác sướng" Mấy em nhi đồng sướng" Hay mẹ chúng sướng"
Thành thật mà nói, tôi thấy tôi chỉ cần mang con tôi sống xa bác và đảng là tôi đã biết tôi nuôi con tôi hơn bố tôi nuôi tôi rồi.
*
Trời Houston đã vào giữa thu nên mát mẻ hơn nhiều. Đêm nay cũng là đêm đúng mười tháng tôi từ thuốc lá. Vợ con tôi đã ngủ say. Tôi xuống nhà ra vườn sau ngồi thưởng thức cái im lặng của trời đất. Bao thuốc cũ vẫn còn nhưng thuốc mốc hết cả rồi. Mầu đỏ tươi của bao cũng đổi thành đỏ nhạt. Tôi ngắm nó mà thấy lòng bồi hồi, lâng lâng. Cái hình của cu Đô vô tình rơi lúc nào không hay. Tôi thấy tôi khâm phục đức tính quả quyết của tôi vô chừng. Nói bỏ thuốc là bỏ ngay, như vậy mới là đàn ông cương nghị.
Tôi thật xứng đáng được thưởng cho... dăm điếu.
Thuốc mốc, hút phê đếch chịu được.

Houston, giữa thu năm 2003
Lê Như Đức


Phụ chú:
(*) "Đêm giữa ban ngày", trang 222, "& Lê đức Thọ, và rất có thể là Lê Duẩn, chắc phải xúc xiểm nhều lắm, bịa đặt nhiều lắm mới làm cho ông Hồ bỏ tù một loạt cán bộ có công với Cách mạng&Nhưng, lại cũng công bằng mà nói, ông Hồ không hề có ý định làm cải cách ruộng đất& Ông đã buột phải làm Cải cách ruộng đất khi bị Mao nhắc nhở."
Một người lãnh đạo cả một quốc gia mà buộc phải nghe một tên đồ tể Tầu phù ngoại bang để đi đến quyết định giết chết cả trăm ngàn người Việt Nam chỉ vì sở hữu vài sào đất thì đáng để chúng ta suy ngẫm.
Có ý định hay không có ý định làm cải cách ruộng đất, Hồ chí Minh và đảng Cộng sản Viêt nam cũng đáng bị xử tội giết người như nhau, đó mới là công bằng mà nói.
Vào đầu thập niên 50, thiếu niên họ Vũ ngày ngày đạp xe qua phủ chủ tịch ngắm tiên ông Hồ chí Minh ngồi duyệt xét giấy tờ, lo việc nước bạc cả râu. Những hình ảnh yêu nước bịp bợm, những câu chuyện anh hùng láo khoét từ từ được nhồi vào đầu cậu và thế hệ thanh thếu niên của cậu bằng cả một hệ thống tuyên truyền đại quy mô được huấn luyện từ Nga sô, Trung quốc nên suốt đời họ sẽ nhìn những lãnh tụ Cộng sản như người Ki tô giáo nhìn chúa Giê-su hay người Phật tử nhìn Đức Phật Thích Ca vậy.
Hơn thế nữa, cả giòng họ của cậu, từ bác, chú, cha, mẹ, dì, dượng đều gia nhập đảng từ những ngày đầu tiên, từng giúp đỡ che giấu hầu hết tất cả những tên ác độc trong bộ chính trị trung ương Đảng, từng xưng hô đồng chí với nhau, cho nên ngày nay khó mà có thể mở miệng vạch trần những tội ác của họ vì ai ai cũng đều hiểu rằng kẻ châm lửa đốt nhà và đứa chuyển xăng dầu tưới chung quanh nhà đều có tội như nhau. Tố tội ác của họ chả khác gì bôi lọ vào mặt ông cha của mình.
Những tên lãnh tụ Cộng sản giết người trong vụ cải cách ruộng đất, những đồng bọn đã giúp đỡ đưa họ lên chức lãnh tụ, hay những đồng chí đảng viên của họ đều có tội với dân tộc Việt Nam. Những kẻ nắm quyền hành thời bấy giờ thấy giết người mà vẫn im lặng làm ngơ cũng đáng xử tội như nhau.
Theo tôi thì cho dù Hồ chí Minh có chết rồi, những người hải ngoại có cha mẹ bị giết năm xưa nên đệ đơn thưa đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ chí Minh với tòa án thế giới tội diệt chủng. Cho dù có thể chả được kết quả gì đi nữa, ít nhất lịch sử thế giới sẽ phải nhấn mạnh thêm phần giết người của bọn họ hầu con cháu chúng ta sau này thấy được sự tàn độc của một chế độ dã man đã đưa những tên côn đồ thất học lên nắm chính quyền để bịp bợm, khủng bố và thủ tiêu người dân Việt không gớm tay. Nó cũng còn là bài học cho những ai phải thận trọng cân nhắc khi chọn minh vương để phò. Đừng a dua đưa những tên ác ôn lên nắm chính quyền để được chút ít bổng lộc, tước quyền để rồi ngàn đời ân hận.
Hồ Chí Minh đã chết nhưng lăng tẩm của y và đảng cộng sản Việt nam còn. Nếu bị xử tội diệt chủng, cộng đồng thế giới có thể sẽ bắt đảng cộng sản bồi thường những thiệt hại đã làm và người dân trong nước có cớ dẹp lăng, hủy xác kẻ giết người. Khi Việt cộng mất hình tượng Hồ chí Minh chúng ta không cần đánh chúng cũng tự tan cũng tương tự như chùa không có tương Phật thì sẽ không phải là chùa.
Từ đó, biết đâu sẽ như cơn lốc lan qua cộng đồng Trung Quốc, Đại Hàn và Cuba. Mao chủ tịch, Kim chủ tịch, Castro chủ tịch cũng sẽ bi thưa ra tòa tội diệt chủng cùng với cái đảng quái gở và đám người mù quáng đã và đang a dua theo chúng đầy đọa, gây khổ đau cho dân tộc của chính mình.
Tôi cũng hy vọng con cháu chúng ta sau này nên nghiên cứu lịch sử của đảng cộng sản và Hồ chí Minh vào lúc ban ngày để khỏi thấy được rằng Bác chả bao giờ có ý giết người gì đâu. Tại Lê Duẩn và Lê đức Thọ xiểm nịnh đó thôi. Đọc cả một câu chuyện dài mấy ngày, đêm chỉ thấy phần cuối là bác có tội hủ hóa với nữ đồng chí hậu cần để có con rơi là Nguyễn tất Trung.
Nghĩ kỹ lại thì đó chả phải tội vì cô Nguyễn thị Xuân đã đồng ý hiến dâng cho bác chứ bác nào có "ỷ bác hiếp cháu" đâu. Trai gian hùm gặp gái thuyền quyên, có chuyện lên giường là bình thường thôi. Không hưởng người ta chê bác là "gay" sao" Rồi sau này bác cũng có ý muốn ra mặt nói với quốc dân để chính thức lấy cô thì cũng lại bộ chính trị trung ương Đảng không bằng lòng, ra lệnh cho bộ trưởng nội vụ công an Trần Ngọc Hoàn thủ tiêu hai chị em cô Xuân và cô Vàng chứ bác nào có biết gì đâu"
Như vậy về phần luật pháp, bác không có tội. Về phần nhân phẩm đạo đức, tôi thấy cũng không luôn vì Bác là trai tơ, không vợ, do đó ngủ với ai cũng được. Không như cựu tổng thống Clinton. Vợ sờ sờ nằm bên cạnh mà còn ngủ với Monica, thật thiếu đạo đức cách mạng, mất phẩm chất chuyên chính: yêu nước quên "ịt". Bác thật tuyệt vời, cái gì cũng cóc biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến