Hôm nay,  

Lời Trăn Trối

15/09/200300:00:00(Xem: 230340)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số 348-887-vb2080903

Tác giả tên thật Lai Thế Lãng, nguyên sĩ quan QLVNCH, nguyên tù cải tạo, định cư tại Mỹ theo diện HO, hiện cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont. Từ ba năm qua, Hải Triều là tác giả có số lượng bài Viết Về Nước Mỹ nhiều nhất. Sau đây là bài mới của ông, câu chuyện về tấm lòng một bà mẹ Việt Nam thời chiến tranh, di tản, vượt biên...

Bà Năm nằm bất động trên giường bệnh, mặt tái nhợt, đôi mắt nhắm nghiền. Bà được đưa đến bệnh viện khi Tuấn phát hiện bà bị ngất xỉu ở cửa phòng ngủ của bà. Tính từ lúc đó bà ở trong tình trạng hôn mê đã hơn một đêm, một ngày rồi.
Trong căn phòng hoàn toàn vắng lặng của bệnh viện, Tuấn ngồi ủ rũ trên một chiếc ghế kê sát giường phía dưới chân người bệnh, mắt lơ đãng nhìn xuống sàn nhà. Còn Nga thì ngồi trên một chiếc ghế kê sát phía đầu giường chăm chú nhìn bà Năm với vẻ lo âu. Bỗng Tuấn ngẩng mặt lên nói với vợ:
- Em về lo cho con đi, một mình anh ở đây được rồi.
- Nhưng má chưa tỉnh em không yên tâm. Sao má hôn mê lâu quá vậy anh"
Bà Năm vào bệnh viện từ tối hôm qua nhưng Nga vẫn phải đi làm để cho Tuấạn nghỉ trước vào ở trong bệnh viện với bà, khi nào Tuấn mệt thì nàng mới lấy vacation để thay cho Tuấn. Tuy đi làm, Nga cũng nóng ruột; ở sở nàng gọi điện thoại đến phòng bệnh để hỏi thăm luôn. Vậy mà vừa tan sở nàng đã vội ghé lại bệnh viện xem tình trạng bà Năm ra sao. Thấy bà vẫn còn hôn mê nàng chưa muốn về nhà.
Nga là con dâu của bà Năm nhưng không như người ta thường nói mẹ chồng nàng dâu ít ưa nhau; Nga thương bà Năm như mẹ ruột, ngược lại bà Năm cũng thương nàng như con gái. Thật ra Nga không phải là con dâu do bà Năm chọn. Người vợ mà bà định chọn cho Tuấn là một người con gái khác nhưng Tuấn không chịu vì chàng đã quen Nga từ lâu và hai người đã yêu nhau từ khi còn là sinh viên ở trường đại học. Ngày Tuấn nói rõ ý định của chàng cho mẹ biết thì bà Năm hơi buồn và cũng hơi tiếc người con gái mà bà định chọn cho Tuấn, nhưng tôn trọng quyết định của con, bà không phản đối.
Ngày ấy bạn bè của Nga đều tỏ ra ái ngại cho nàng, sợ bà Năm sẽ khắt khe với nàng. Người ta e ngại cuộc sống giữa nàng dâu và mẹ chồng sẽ gặp nhiều sóng gió vì Nga không được lòng bà. Nhưng Nga chỉ cười cho rằng những lo lắng đó là quá xa; nàng nghĩ bà Năm vì thương Tuấn nên muốn tìm cho chàng một người vợ mà bà nghĩ người đó sẽ đảm đang, biết lo cho chồng. Nga cũng yêu Tuấn và chắc chắn nàng sẽ lo cho chàng chu đáo tất nhiên bà sẽ vui lòng. Nga cho rằng điều quan trọng không phải là tìm cách đối phó với mẹ chồng mà là làm sao để chứng tỏ cho bà Năm thấy nàng chính là người mà bà cần tìm. Cách suy nghĩ của Nga đã hướng dẫn nàng trong cách cư xử với chồng và mẹ chồng. Chẳng bao lâu Nga đã tạo được sự tin tưởng và yêu thương của bà Năm. Về phần mình, Nga cũng đáp lại tình thương của mẹ chồng bằng sự kính trọng và hết lòng yêu mến.
Tuấn là người con duy nhất của bà Năm. Bà sinh Tuấn được ít lâu thì chồng bà tử thương sau một trận đánh ác liệt. Từ đó bà Năm dồn hết tình thương cho đứa con côi cút. Nếu nói rằng con một lại được chiều chuộng sẽ hư thì Tuấn là một ngoại lệ. Ngay từ nhỏ Tuấn đã tỏ ra là một đứa con ngoan ngoãn. Đến tuổi đi học, ngoài giờ đến trường, Tuấn đỡ đần bà Năm mọi việc. Tuy ở độ tuổi còn ham chơi nhưng hàng ngày Tuấn không quên giúp mẹ chuẩn bị nồi bún bò để bán buổi tối. Và trong lúc bà Năm ngồi bán bún thì Tuấn giúp bà việc lặt vặt như bưng bún cho khách, đun nước pha trà, rửa tô...
Khi nghe thiên hạ nói chuyện vượt biên bà Năm cũng háo hức lắm. Có người mẹ nào lại không nghĩ đến tương lai của con mình. Bà Năm đâu có muốn hai mẹ con phải suốt đời quanh quẩn bên nồi bún bò. Bà muốn cho con trai bà có một tương lai sáng sủa hơn. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ bà Năm làm gì có đủ tiền bạc trả cho chủ tàu để đi vượt biên. Thế rồi đời có lắm bất ngờ, cơ may ngàn năm một thuở đã đến với mẹ con bà. Một người bà con giàu có đóng tàu vượt biên nhưng đến ngày lên đường có hai người bất ngờ bỏ cuộc. Vậy là bà Năm và Tuấn được gọi để điền vào hai chỗ trống với điều kiện dễ dàng: hai mẹ con đưa trước được bao nhiêu thì đưa còn lại bao nhiêu khi ra nước ngoài đi làm có tiền sẽ thanh toán sau.
Chuyến đi thành công tốt đẹp. Con tàu tới được Phi an toàn. Mọi người trong nhóm vượt biên được nhanh chóng lập thủ tục để chuyển đi Mỹ.
Ngày tới Mỹ, theo tuổi tác Tuấn được xếp vào học lớp bốn. Nhờ thông minh lại chuyên cần, Tuấn học hành rất tiến bộ. Chỉ có năm đầu còn gặp khó khăn về ngôn ngữ, từ năm thứ hai trở đi, Tuấn luôn luôn là học sinh khá ở trong lớp. Chẳng bao lâu Tuấn xong trung học rồi vào đại học và tốt nghiệp đại học không mấy khó khăn.
Ngày Tuấn ra trường bà Năm đến dự lễ, bà vui sướng đến bật khóc khi Tuấn tiến lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Bà cảm thấy bõ công nuôi nấng Tuấn và những công lao bà bỏ ra nay đã được bù đắp. Ngay sau khi được định cư tại Mỹ, bà Năm lăn xả vào công việc. Bất kể mưa bão hay tuyết rơi mù trời bà vẫn đi làm đầu đặn, không nghỉ một ngày nào. Bà vừa siêng năng lại cẩn thận, làm đâu ra đó, trật tự gọn gàng nên được tin tưởng. Chủ hãng cho phép bà được làm thêm giờ nếu bà muốn. Bà xin làm thêm mỗi ngày hai tiếng đồng hồ. Bà đi làm sớm hơn người ta một tiếng và về sau một tiếng. Bà muốn kiếm thêm tiền để lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Nay thấy con thành đạt bà vui mừng không kể xiết.
Sau khi ra trường Tuấn được nhiều công ty gọi phỏng vấn và chàng đã kiếm được việc làm với tiền lương hậu hĩ. Hai năm sau Tuấn mua nhà rồi cưới vợ.
Vợ chồng Tuấn có được hai đứa con, một trai một gái. Đứa nào cũng do một tay bà Năm ẵm bồng, chăm sóc ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Tuy thuộc thế hệ người già, bà Năm không hề tỏ ra lạc hậu tí nào. Bà chăm sóc cháu nội của bà theo cách ở Mỹ và theo lời chỉ dẫn của bác sĩ chứ không theo kiểu mấy bà già xưa. Hai đứa cháu được bà nuôi nấng từ nhỏ nên rất mến bà, luôn quấn quýt bên bà để bà dậy nói tiếng Việt. Bà Năm thường nói đến Việt Nam khiến hai đứa cháu thắc mắc hỏi bà Việt Nam ở đâu và đòi chừng nào bà đi Việt Nam thì nhớ cho chúng đi theo. Bà Năm chỉ cười chứ không dám hứa với cháu. Lúc hai đứa cháu của bà bắt đầu đi học chúng thích nói tiếng Anh với nhau. Bà Năm nhỏ nhẹ nói với cháu:
- Các cháu nói tiếng Anh bà chẳng hiểu gì hết. Các cháu chịu khó nói tiếng Việt cho bà nghe với.
Vì thương mến bà nội, chúng nghe lời bà, ở nhà chúng cố gắng nói tiếng Việt mặc dầu đối với chúng nói tiếng Việt là một vịêc thật khó khăn.
Được sống trong một gia đình có dâu thảo, cháu ngoan; bà Năm rất mãn nguyện. Bà luôn cám ơn Bề Trên đã thương ban cho con trai bà một gia đình đầm ấm, vợ chồng thuận thảo, con cái ngoan ngoãn. Hai đứa cháu nội chính là niềm vui của bà lúc tuổi già nhưng bà vẫn còn có một băn khoăn mỗi khi nghĩ đến tình cảnh của những người nghèo khổ. Khi còn ở Việt Nam bà đã từng gặp những người vừa túng thiếu lại vừa bệnh tật và bà đã có niềm ao ước khi nào có điều kiện sẽ giúp đỡ họ.
Khi vợ chồng Tuấn có đứa con đầu lòng thì bà xin nghỉ không đi làm nữa mặc dầu lúc đó bà mới đủ tuổi hưởng hưu non. Bà muốn ở nhà để đích thân chăm sóc cho cháu nội và để cho Nga rảnh tay mà đi làm.
Tuy nghỉ ở nhà nhưng hàng tháng bà vẫn được hưởng tiền trợ cấp an ninh xã hội do việc bà đã đóng góp vào quỹ này trong suốt mười mấy năm làm việc. Được lãnh tiền hàng tháng bà muốn phụ với vợ chồng Tuấn một ít theo lối sống của Mỹ nhưng Nga không nhận. Nàng nói rằng tiền lương của hai vợ chồng dư sức trang trải cho cái nhà và các khoản chi tiêu khác nên không cần bà phải góp thêm. Nga nói bà đã chịu cực khổ nhiều vì Tuấn, đã hy sinh nhiều cho Tuấn, nay là lúc Tuấn phải lo cho bà. Nga nói bà cứ việc sử dụng tiền của bà theo ý bà muốn.
Bà Năm đâu có tiêu xài gì. Bà dùng phân nửa số tiền lãnh được hàng tháng để giúp cho người nghèo ở Việt Nam. Bắt đầu là bà con họ hàng túng thiếu rồi đến người nghèo khổ trong khu xóm. Về sau bà được biết một tổ chức chuyên giúp đỡ thương phế binh ở Việt Nam thì bà dành ưu tiên gửi tiền đến tổ chức này để giúp đỡ những người chiến binh tàn phế.


Bà thấy những người thương phế binh VNCH thật tội nghiệp. Sau khi cuộc chiến đã tàn, chẳng có ai ngó ngàng đến họ. Họ bị bỏ quên trong xã hội, sống lây lất, nhục nhã với tấm thân tàn phế. Họ là những người đau khổ về tinh thần lẫn vật chất. Nỗi cô đơn vì cảm thấy bị bỏ rơi càng khiến cho những thương tích mang trên thân thể thêm đau đớn, nhức nhối mỗi khi trời trở lạnh. Họ vừa bị chế độ thù ghét lại bị xã hội coi thường. Họ không còn nơi nào để nương tựa. Hồi còn ở Việt Nam dù chẳng giàu có gì bà cũng không thể quay mặt làm ngơ mỗi khi gặp những con người khốn khổ này. Khi bà giúi tiền vào tay những con người đáng thương nàyỳ bà đã nhìn được niềm vui sướng trên nét mặt rạng rỡ của họ nhưng bà thì lại không cầm được nước mắt vì cảm thương cho những con người thiếu may mắn đó.
Bà Năm nghĩ bà đã già rồi, tiền bạc đối với bà không còn cần thiết lắm, nếu không dùng để làm việc từ thiện thì để làm gì. Lúc chết có ai đem theo tiền bạc được đâu. Bà nghe nói trên mộ bia của ai đó có ghi câu " Những gì tôi cho đi thì tôi còn lại. Những gì tôi giữ lại thì tôi bị mất". Bà không biết người cho khắc vào bia mộ câu nói đó đã mãn nguyện vì khi còn sống đã biết dùng đồng tiền để chia sẻ cho người khác hay đã ân hận vì không làm việc này. Dù sao thì câu nói đó cũng đáng để cho bà suy nghĩ khi bà đang ở cái tuổi gần đất xa trời. Bà cần phải làm điều gì cần làm để sau này vào lúc cuối đời không phải ân hận.
Bà Năm không nói ra nhưng số tiền mà bà giữ lại là bà có ý để dùng vào việc hậu sự của bà. Bà Năm mới được hưởng medicare. Bà nghe nói những người được hưởng medicare khi chết thì công việc mai táng đã có medicare lo. Bà cũng nghe nói có trường hợp medicare lo hết cả, gia đình không phải trả thêm đồng nào; có trường hợp gia đình phải phụ trả thêm một ít. Bà Năm phòng hờ khi bà chết đi nếu như trợ cấp của cơ quan này không đủ để chi trả thì đã có sẵn tiền của bà, vợ chồng Tuấn khỏi phải bỏ tiền lo cho bà.
Thấy bà giữ tiền mặt Nga đề nghị mở một trương mục ở nhà băng để giữ tiền cho bà nhưng bà gạt đi. Bà nói thích giữ tiền mặt cho chắn ăn chẳng băng biếc làm gì cho nó rắc rối. Có bao nhiêu tiền bà bảo Tuấn đổi thành tờ 100 đô rồi bà bỏ vào một cái túi vải để ngay trên đầu giường. Tuấn và Nga thấy vậy chỉ cười chứ đâu có hiểu được sự lo xa của bà. Bà nghĩ có ai biết được ngày giờ về với ông bà đâu. Khi bà nằm xuống rồi việc lấy tiền ở trong nhà băng sẽ gây phiền toái và mất thì giờ cho vợ chồng Tuấn, chi bằng cứ giữ tiền mặt cần đến lúc nào là có ngay.
Bà Năm dường như đoán được ngày từ giã cõi đời không còn xa vì bà biết được tình trạng sức khỏe của bà. Bà Năm nay tuổi đã cao cộng thêm với những lo toan, lao khổ khi còn ở Việt Nam nên bà bệnh hoạn hoài. Thời gian gần đây Tuấn đã chở bà đi cấp cứu nhiều lần nhưng mỗi lần như vậy chỉ mấy tiếng đồng hồ sau hay cùng lắm là một ngày thì bà khỏe lại và có thể xuất viện. Chưa có lần nào bà bất tỉnh lâu như lần này.
Tuấn nhìn mẹ nằm trên giường bệnh mà nhớ lại những ngày khổ cực mà hai mẹ con đã trải qua. Tuấn nghe bà kể lại khi chàng ra đời thì cha chàng lìa cõi thế. Bà Năm đã suốt đời chung thủy với chồng, ở vậy nuôi con không chịu tái giá. Trong cảnh mẹ góa con côi bà đã chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm sương, làm lụng vất vả để lo cho con. Nhờ có người mẹ tận tụy biết hy sinh cho con cái nên chàng mới được như ngày hôm nay. Tuấn đang nghĩ ngợi mông lung thì nghe có tiếng ồn ào ở ngoài cửa. Một lát sau cửa xịch mở, chàng thấy Nga và hai đứa con xuất hiện. Vừa bước vào phòng Nga đã vội hỏi Tuấn:
- Từ lúc em về nhà đến giờ má đã tỉnh lần nào chưa anh"
Tuấn buồn bã lắc đầu thay cho câu trả lời. Một lát sau chàng nói với Nga:
- Đêm khuya rồi em không ở nhà nghỉ ngơi mai đi làm còn vào đây sáng đi làm mệt sao chịu nổi"
- Em đưa con vào cho chúng nó thăm bà nội. Từ tối tới giờ tụi nó cứ nhất định đòi đi cho bằng được, em đành phải cho tụi nó đi.
- Con vào thăm bà nội mà sao bà nội chưa tỉnh hả ba"
- Bà nội ngủ hả ba"
Hai đứa nhỏ thi nhau hỏi, Tuấn không biết đường nào mà trả lời. Bỗng bà Năm mở mắt. Với nét mặt tươi tỉnh bà hết nhìn con đến nhìn cháu. Tất cả đều mừng rỡ nhưng có lẽ Tuấn là người vui mừng nhất. Chàng reo lên như người mê sảng:
- Má tỉnh rồi! Má tỉnh rồi phải không má"
Bà năm trông tỉnh táo như người bình thường, không có vẻ gì là người bệnh vừa qua một cơn hôn mê kéo dài. Trong nỗi vui mừng, Nga tiến sát đến bên giường hỏi thăm bà rối rít. Nga sực nhớ có một lá thư của bà Năm nàng đã bỏ vào bóp khi lục thùng thư hồi chiều. Nga vội mở bóp lấy lá thư ra đưa ra trước mặt bà Năm vừa nói:
- Má có lá thư mới đến hồi chiều. Má muốn nghe không con đọc cho má nghe"
Bà năm gật đầu tỏ vẻ đòng ý. Nga bóc thư đọc cho bà nghe. Lá thư được gửi từ một tổ chức giúp đỡ thương phế binh.
Ngày...
Thưa bà,
Vừa qua chúng tôi lại nhận được tiền của bà gửi giúp đỡ anh em thương phế binh ở quê nhà. Lần này chúng tôi đã quyết định dành tất cả số tiền bà gửi để giúp cho một thương phế binh bị cụt cả hai chân. Người nhận tiền đã mua được chiếc xe lăn để thay cho đôi chân. Trong lá thư gửi kèm đây bà sẽ thấy gia đình người phế binh này vui mừng như thế nào khi người thân của họ đã có thể đi lại sau hai mươi mấy năm trời chỉ ngồi một chỗ...
Nga còn định đọc tiếp lá thư nhưng bà Năm ra dấu ngừng lại. Lá thư vô tình gợi lại một kỷ niệm đau buồn khiến bà nhớ đến ông Tấn, chồng bà.
Ngày xưa chồng bà cũng ở trong quân đội VNCH. Một trái lựu đạn của cộng quân đã làm hai chân ông giập nát. Ông được trực thăng tải thương đến tổng y viện Cộng Hòa nhưng không còn kịp. Máu ra nhiều quá khiến ông tắt thở trên đường tới quân y viện. Ngày ông Tấn chết bà còn trẻ lắm. Bà khóc thảm thiết, vật vã bên quan tài và đòi nhảy xuống huyệt mộ chết theo chồng nhưng người ta giữ bà lại và nhắc nhở bà còn phải nuôi nấng thằng Tuấn. Đến lúc đó bà mới như người tỉnh mộng và nhớ đến đứa con mới được có mấy tháng. Bà nghĩ nếu ông Tấn sống sót trong lần đó thì nay ông cũng cần một chiếc xe lăn như người phế binh kia. Nghĩ đến chuyện đó bà đã rơi lệ.
Nga không đọc nữa. Nàng lấy khăn lau nước mắt cho bà Năm. Một lát sau, cơn xúc động qua đi, bà Năm bảo tất cả con cháu đến gần bà. Bà đưa bàn tay gầy guộc nắm tay từng đứa cháu rồi chậm rãi dặn dò chúng:
- Không có bà các cháu ở nhà cũng cố gắng nói tiếng Việt với nhau cho khỏi bị quên nghe các cháu.
Hai đứa cháu của bà đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Chúng sụt sịt không nói được thành tiếng chỉ nhìn bà gật đầu. Nói với cháu xong bà Năm đưa tay nắm lấy tay con trai xong nắm tay con dâu. Rồi bà nhìn thẳng vào mắt Nga và nói với con dâu:
- Má còn hơn mười ngàn đô để trong túi vải ở dưới gối. Khi má chết nếu trợ cấp medicare không đủ thì con lấy ở đó mà bù vào. Còn lại bao nhiêu con gửi tất cả cho các cơ sở giúp đỡ thương phế binh và người nghèo khổ nghe con.
Nước mắt tuôn chảy như mưa, Nga nói với bà Năm:
- Má đừng nói những lời đó làm chúng con sợ.
- Sợ gì con. Đã là người thì ai mà chẳng phải một lần chết. Từ bụi tro lại trở về với bụi tro chứ có gì đâu. Má đã sẵn sàng rồi con ạ.
Bà Năm thản nhiên trước cái chết vì bà hiểu rất rõ cái lý lẽ của sự sống, chết. Mỗi người sinh ra đều phải sống và trong cuộc sống ấy dù thành công hay thất bại, dù có quyền cao chức trọng hay là người cùng đinh, dù là những con người giàu sang hay đói nghèo cũng không thể tránh khỏi cái chết. Chết là chuyện đương nhiên của một kiếp người, không vui mà cũng chẳng buồn. Tới phiên thì phải đi không trì hoãn, chậm trễ được.
Dặn dò con dâu xong bà Năm hướng cặp mắt đã có vẻ mệt mỏi về phía Tuấn, nói với con trai:
- Má rất hài lòng về vợ chồng con và hai đứa cháu của má. Vợ chồng bảo nhau mà dậy dỗ con cái, đừng để chúng quên mất nguồn gốc... Còn việc này nữa, hai má con mình đã từng sống trong cảnh nghèo, nay mình đã thoát khỏi cảnh nghèo thì phải biết thương người nghèo khổ nghe Tuấn.
- Má ơi!...
Nga định nói gì với bà Năm nhưng rồi nàng không thể nói thành lời. Giọng của nàng đã tắc nghẽn để chỉ còn nghe được tiếng nức nở. Còn Tuấn thì đứng im nhìn mẹ, bất độngỳ như cái xác không hồn.
- Má chết rồi chôn hay thiêu tùy các con, thấy cái nào tiện thì làm. Đối với má hình thức không quan trọng đâu... Thôi má thấy hơi mệt rồi để má nhắm mắt một chút cho khỏe.
Nói xong bà Năm nhắm mắt thiếp đi. Căn phòng trở lại vắng lặng. Nga dẫn hai đứa con ra về, còn Tuấn thì chuẩn bị chỗ ngủ cho đêm thứ hai tại bệnh viện. Đêm hôm đó bà Năm đã ngủ một giấc thật ngon và thật dài để rồi chẳng bao giờ bà thức dậy nữa. Bà Năm chết rồi. Nét mặt bà vẫn tươi tỉnh chẳng khác gì người còn sống. Điều đó cho thấy bà đã ra đi thật thanh thản, không một chút vướng bận.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến