Hôm nay,  

Cô Y Tá Mỹ

13/09/200300:00:00(Xem: 137825)
Người Viết: LINDA LEE
Bài số 346-885-vb7060903

Tác giả Linda Lee, tên thật là Đặng Quý Ngọc, 46 tuổi hiện cư trú tại Garden Grove, Nam California; Công việc được ghi: là đang làm nội trợ.
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà thật ngắn gọn nhưng mạnh mẽ. Bà mẹ nằm bệnh liệt giường trong nhà cả năm. Cô y tá Mỹ “cấp tiến” bảo nên để cho bà mẹ ra đi. “Bà đâu nỡ cột chân mày. Bà muốn mày tự do chứ... Cứ thế này cả mẹ mày lẫn mày có ai sống đúng với ý nghĩa...” Sự sống và sự chết sẽ trả lời quan điểm ấy ra sao" Bài viết đầu tay của Linda Lee là câu chuyện, là cuộc tranh cãi đầy ý nghĩa cho nhiều gia đình Việt. Mong bà sẽ tiếp tục viết thêm.
*

Mẹ tôi vừa trút hơi thở cuối cùng. Có tôi thức bên cạnh. An ủi cho tôi biết nhường nào, vì suốt mấy năm săn sóc bà trên giường bệnh tôi chỉ sợ bà mất trong khi tôi ngủ hay đi vắng. Tôi nâng bà dậy, định tâm sửa lại cho ngay ngắn, nhưng khi chút hơi ấm còn lại nơi lưng bà chợt truyền qua tay tôi, tôi ôm vội lấy bà rồi ghì thật chặt và nhắm nghiền mắt lại, cố tận hưởng mấy giây phút cuối cùng tôi ngỡ là hai mẹ con còn sống với nhau.

Mở mắt, tôi nhìn mặt bà thật kỹ và cố trút lên bà tất cả lòng thương yêu và biết ơn, nhưng chỉ thấy gương mặt quen thuộc suốt đời tôi đó đang trở thành mờ ảo, nhạt nhòa. Tôi biết tôi đang khóc và bắt đầu cảm nhận những đau đớn xót xa của đứa con mới mất mẹ. Áp chặt môi lên má mẹ tôi, tôi hôn bà với tất cả sức lực, rồi vuốt mắt bà lần cuối.
Rời mẹ tôi để đi báo tin người nhà, tôi không quên gọi cảnh sát theo đúng luật lệ khi có người mất tại nhà riêng. Cảnh sát đến, hỏi vắn tắt rồi gọi 911. Trong khi chờ đợi, biết mẹ tôi đã già và nằm trên giường bệnh cả mấy năm nay, ông ấy ghi chép nhiều hơn là hỏi chuyện. Không bao lâu mấy người từ xe 911 bước vội vào, nhưng khi thấy cổ tay mẹ tôi có đeo vòng nhựa ghi không cần làm hồi sinh, họ từ tốn cho biết không thể giúp được gì, rồi từ giã.
Lúc này người nhà đến đã đông, và mấy anh chị tôi nhắc lại một việc được thầm lặng xếp đặt từ lâu: tôi chăm sóc mẹ lúc sống, bây giờ mẹ mất, mấy anh chị sẽ lo liệu tất cả. Tôi cứ đi nghỉ.
Vào một căn phòng, ngả người xuống giường, tôi bỗng để ý đến sự vắng mặt của một người mấy lúc gần đây rất gần gũi mẹ tôi: cô y tá Mỹ làm cho một hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại gia. Cô tên là Mary, khoảng 25 tuổi, dễ nhìn, được cử đến chăm sóc mẹ tôi thay cô Lisa nghỉ phép. Thật ra tôi thân với Lisa hơn vì cô chăm sóc mẹ tôi đã lâu và rất tâm đầu ý hợp, nhưng tôi lại phải bận tâm tới Mary nhiều hơn vì một điểm đặc biệt. Tuy cũng tận tình lo cho mẹ tôi như Lisa nhưng Mary thường có những câu bóng gió là nên để mẹ tôi mất đi, chẳng hạïn: "Nếu mẹ mày đi, bà sẽ đến một nơi tốt đẹp hơn"; "mắt bà như cầu khẩn để bà đi" "bà đâu nỡ cột chân mày, bà muốn mày tự do chứ". Đôi khi Mary dẫn giải: "Sống là vui hưởng với đời và đóng góp cho đời, nhưng cứ thế này cả mẹ mày lẫn mày có ai sống đúng với ý nghĩa đó đâu". Và cũng có lúc Mary mách nước: "Bà sẽ ra đi không một chút đau đớn nếu không ai tiếp các thức ăn uống cho bà". Phải bóng gió như vậy vì Mary biết phận sự của y tá là chăm sóc bệnh nhân chứ không được xía vô việc riêng.
Thật tình tôi không trách Mary vì xét cho cùng, mẹ tôi mất đi Mary đâu có lợi gì nếu không nói là bị mất một khách hàng. Tôi chỉ xem Mary là một phụ nữ Mỹ cấp tiến. Nhưng tôi rất đau xót khi thấy Mary coi thường đến độ như khinh rẻ sự hiện hữu của mẹ tôi trên đời này.


Tôi cãi lại Mary, mỗi ngày một đôi câu, nhưng tựu trung là: không ai thấy thương tâm bằng tôi khi nhìn mẹ tôi trong cảnh này, nhưng tôi không coi thường sự hiện hữu của mẹ tôi, vì bất cứ một sự hiện hữu nào cũng có vai trò và quyền lực trong cuộc sống. Ai đếm xỉa đến một hạt bụi bên đường, nhưng nếu nó bay vào mắt một người đang lái xe, tai nạn có thể xảy ra, rồi liên lụy đến bao người.
Tôi tâm sự: chính vì một lần phải đưa mẹ tôi vào phòng cấp cứu, tôi quen được Tân mà nay là chồng chắp nối của tôi và đang tận tình cưu mang tôi và đứa con riêng của tôi.
Tôi không bắt Mary phải nghĩ như tôi là việc gặp Tân do mẹ tôi xui khiến, chỉ muốn Mary ít nữa cũng phải thấy sự hiện hữu của mẹ tôi vẫn tác động đến đời tôi. Và hiển nhiên hơn cả là vì mẹ tôi hiện hữu nơi đây nên Mary mới phải đến đây. Trên đường đi, có thể Mary gặp phải rủi ro hay may mắn.
Nhưng tôi nói tôi nghe, Mary vẫn thường bóng gió nhắc lại việc nên để mẹ tôi ra đi cho thanh thản.
Rồi một hôm, mẹ tôi sốt nặng. Tôi gọi Mary đến xem có cần đưa vào phòng cấp cứu. Không hiểu sao lần này Mary không bóng gió gì lắm, bảo tôi có đưa cũng không chữa được, di chuyển chỉ khổ mẹ tôi.
Tôi cúp ngay điện thoại, rồi tự đưa mẹ tôi đi.
Mấy hôm sau, tôi sửng sốt khi Lisa đến cho biết Mary bị mất việc. Hãng Mary lúc nào cũng kiểm thính các cuộc nói chuyện với khách hàng và nhận thấy lời lẽ của Mary đã vượt giới hạn nhiệm vụ của y tá.
Bây giờ nhớ lại những việc trên, tôi bỗng thấy có sự thôi thúc phải báo cho Mary biết mẹ tôi đã mất. Nhưng hỏi không ra số điện thoại riêng của Mary, tôi chỉ báo cho Lisa.
*
Chừng nửa tiếng nữa là lễ hỏa táng mẹ tôi. Bên bàn thờ đặt ở nhà quàn, tôi chấp tay đứng giữa trầm hương nghi ngút, với những ý nghĩ chập chờn về lẽ sinh tử ở đời, và những kỷ niệm gia đình thuở còn cha mẹ. Biết bao là luyến tiếc và ân hận làm tôi ấm ức, tức tưởi, có lúc quệït nước mắt như trẻ con. Bỗng có người ghé tai cho biết Lisa đến chia buồn nhưng xin đứng ngoài vì sợ dị ứng với mùi trầm hương.
Tôi bước ra, nắng lóe vào mắt nhưng vẫn nhận được ngay người đứng cạnh Lisa là Mary. Thoáng chút xúc động tôi bối rối chào Mary trước nhưng Lisa là người đầu tiên ngỏ lời chia buồn với những câu thông thường nhưng thành thật. Tiếp đó Mary bước lại gần tôi và chỉ vắn tắt: "Mày đúng. Tao mất việc vì mẹ mày".
Ánh mắt Mary làm tôi biết ngay đây không phải là một câu trách móc. Mary chỉ muốn công nhận với tôi quyền lực của mẹ tôi lúc còn sống. Có an ủi nào bằng, nước mắt tôi bỗng trào ra, và trong khi tôi chưa biết phải cám ơn Mary đến nhường nào, cô đã ôm chầm lấy tôi.
*
Lửa phựt trong lò thiêu cùng tiếng bật khóc của người chung quanh. Tim tôi nhói lên với những ấm ức tức tưởi trở về mãnh liệt hơn bao giờ hết! Mẹ ơi, tha thứ cho con. Biết bao lần con đã cãi lại mẹ, hỗn với mẹ,ï muốn xa lánh mẹ, thậm chí ghét mẹ. Nhưng mẹ ơi, không bao giờ hay bất cứ trong hoàn cảnh nào con dám coi thường sự hiện hữu của mẹ trong đời con và trong đời mọi người ngay cả khi mẹ nằm hàng năm trên giường bệnh mà có người nghĩ là mẹ sống thừa.
Bất giác tôi nắm chặt lấy tay đứa con đang đứng cạnh. Tôi không nghi ngờ gì việc nó thương ngoại nhưng tính chất Mỹ hóa vẫn biểu lộ mỗi khi nó nhìn ngoại nằm bất động trên giường, rồi thắc mắc, và phản đối tại sao tôi lại để ngoại nó phải sống như vậy.
Tôi nhất quyết sẽ kể nó nghe lời chia buồn của Mary, một người có tính chất Mỹ và cấp tiến hơn nó nhiều và…. con ơi, nếu một mai mẹ cũng như ngoại, con có quyền xa lánh mẹ vì không ai bắt con phải gần gũi những gì chỉ làm cho con đau xót, nhưng con không được coi thường sự hiện hữu và quyền lực của mẹ, sự hiện hữu và quyền lực mà dẫu mẹ ở trong tình trạng nào đi nữa, cũng chỉ mong để che chở và đùm bọc lấy con suốt đời.

LYNDA LEE

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến