Hôm nay,  

Tên Một Người, Kỷ Niệm Một Đời

08/09/200300:00:00(Xem: 266421)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 344-883-vb4030803

Tác giả Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ, trong số này có bài "Chuyện Cấm Đàn Ông" từng nằm trong danh sách "top 10" được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là bài viết mới nhất của cô. Bài đăng 2 kỳ.
*

Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh. Đó là cái tên bố mẹ đặt cho cô con gái đầu lòng. Theo như lời mẹ thường kể lại cho Quỳnh lúc Quỳnh còn bé, đêm mẹ sinh Quỳnh, lúc bố từ nhà bảo sanh trở về nhà thì trời đã khuya và bố phát hiện cây hoa Quỳnh trước hiên nhà nở mấy đóa thật to, đẹp ơi là đẹp. Đẹp đến nỗi bố phải vào nhà, lấy máy hình ra, tay thợ chụp hình nghiệp dư của bố bấm hết cả một cuộn phim để lưu lại hình của mấy đóa hoa quỳnh ấy. Và sáng hôm sau. Bố vào kể với mẹ, và bố mẹ đồng ý đặt tên con gái mình là Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh. Và bằng chứng cho lời kể của mẹ là mấy tấm ảnh hoa quỳnh bố chụp năm nào được phóng to treo ở trong nhà. Mấy cành hoa vươn ra cong cong như cánh tay người thiếu nữ cùng vải lụa bạch múa khúc nghê thường, quyến rũ, tuyệt vời.
Tên của Quỳnh đẹp như vậy, mà Quỳnh vẫn thấy nó kỳ kỳ thế nào đó. Chắc tại vì có chữ "Thị" lót trong tên. Quỳnh đi học, bắt đầu thích đọc sách. Chuyện đời xưa, chuyện đời nay, mượn ở thư viện trường, mua ở nhà sách, có cuốn nào là Quỳnh say mê đọc cuốn đó. Và trí óc trẻ con của Quỳnh bắt đầu liên hệ chữ "Thị" trong tên Quỳnh với một lố nhân vật nữ trong văn chương. Sao nhân vật nữ nào có tên bắt đầu bằng chữ "Thị" cũng không tốt, hay không sung sướng hạnh phúc cả, cô bé Quỳnh thầm nghĩ. Thị Mịch có cuộc đời sóng gió khổ đau. Thị Nở xấu xí ma chê quỷ hờn, Thị Mầu đẹp thì có đẹp mà mưu mẹo lẵng lơ, Thị Kính hàm oan đến chết mới được giải bày. Còn mấy cô công chúa trong truyện dân gian, trong cổ tích sao ai cũng có cái tên đẹp, văn hoa hết cả: Tiên Dung, Mỵ Nương, Mỵ Châu….
Chẳng ai lúc đó nhắc cho Quỳnh nhớ là nàng Mỵ Nương chỉ yêu giọng hát chứ không yêu dáng người của anh chàng thuyền chài Trương Chi, rằng nàng Mỵ Châu quá tin chồng mà để cho Trọng Thủy lấy mất nỏ thần của vua cha, mà Quỳnh cũng không để ý đến những chi tiết đó khi Quỳnh còn bé. Công chúa là công chúa là tên không có gắn chữ "thị" mà có tên đẹp thiệt là đẹp, là được sống trong cung vàng điện ngọc là có cuộc sống vương già, sung sướng. Chỉ có một chi tiết quan trọng trong trí óc trẻ con của Quỳnh: tên có chữ "thị" không có đặc sắc. Nhiều đứa bạn trong lớp học của Quỳnh, tên tụi nó không có lót chữ "thị" đọc tên Quỳnh thấy hay đáo để: Trần Phương Lan, Phân Xuân Diệp, Phạm Lan Anh, Ngô Hoàng Oanh, Hoàng Bích Phượng vv….
Quỳnh hỏi mẹ: "Sao bố mẹ đặt tên cho con có lót chữ "Thị" chi vậy" Nó làm cái tên dài dòng và nghe thường quá hà. Nhiều đứa bạn con tên tụi nó không có lót chữ "thị" nữa, nghe hay nhiều đó mẹ ơi". Mẹ chỉ biết lắc đầu, xoa đầu Quỳnh, rồi từ tốn giải thích cho Quỳnh nghe là "Thời của ông bà và của bố mẹ, con trai thì lót chữ "văn", con gái thì lót chữ "thị" coi như là chuyện bình thường, thành ra bố mẹ mới đặt tên cho con như vậy đó chứ. Con nhìn lại tên bạn bè trong lớp đi, nhiều bạn tên cũng có chữ "Thị" như con vậy đó, chỉ là chữ lót thôi, chứ tên con là Quỳnh, Ngọc Quỳnh mà, không đẹp sao"".
Ừ, Quỳnh cũng phải chịu thua lý luận của mẹ, nhưng lớn lên chút nữa, Quỳnh bắt đầu ăn gian. Làm bài kiểm, Quỳnh bắt đầu ghi tên của mình là Nguyễn Ngọc Quỳnh, lớp chỉ có một học sinh tên Ngọc Quỳnh, chữ "thị" đâu phải là vấn đề quan trọng, Quỳnh nghĩ vậy. Tên Quỳnh trong sổ điểm của thầy cô và trên học bạ vẫn không thay đổi, nhưng mỗi năm hè đến viết lưu bút cho bạn bè, Quỳnh ghi tên mình là Nguyễn Ngọc Quỳnh, và thầm ước ao sẽ có ngày chữ "thị" biến mất tăm tích luôn, trong cái tên của Quỳnh.
Cầu được ước thấy, mà tên Quỳnh lại còn thay đổi nhiều hơn ý Quỳnh muốn. Cái tên Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng không tồn tại lâu sau khi gia đình Quỳnh có cơ hội định cư ở Mỹ. Bây giờ thì trên giấy tờ, tên của Quỳnh là Ngoc Quynh Thi Nguyen. Chữ "thị" trong nhiều trường hợp trở thành chữ T mà thôi, middle initial tên của Quỳnh, nhưng bắt đầu trở ngại mới. Người Mỹ không đọc được tên của Quỳnh. Ngọc Quỳnh chỉ là cái tên đẹp trong ngôn ngữ của người Việt Nam, chứ đối với người Mỹ thì đó là một cái tên lắc léo, đọc đến trẹo lưỡi của không đọc được. Cái last name của Quỳnh, người Mỹ đọc thành Nuy-Ghen, Nuy-jen nô-gô-en và một lô một lốc âm lạ hoắc khác đã đành, còn cái first name của Quỳnh, Ngọc Quỳnh thì đọc được tàm tạm mấy chữ đó coi như là mission impossible đối với người Mỹ. Cái họ Nguyễn thông dụng người Việt ở vùng Quỳnh định cư cũng không phải là ít, nên về sau người Mỹ đọc cái họ của Quỳnh cũng nghe tạm được. Nhưng tên Quỳnh, Quỳnh phát hiện ra nếu không ai đọc được thì cũng không ai nhớ được, mà như vậy nếu xin đi làm, xin thư giới thiệu, đâu ai nhớ mình là ai đâu mà giải quyết cho êm đẹp, xuôi chiều mát mái.
Vậy là Quỳnh phải nghĩ ra cho mình một cái tên Mỹ. Lật lật mấy trang cuối của cuốn từ điển Oxford mang từ Việt Nam qua, Quỳnh nhìn thử danh sách mấy cái tên Mỹ từ A tới Z Audrey" Không xuôi tay chút nào hết, đọc tên là Quỳnh hình dung ngay cô đào Audrey Hepburn người mảnh mai, có đôi mắt nai to hết cỡ trong phim "My Fail Lady". Người ta thì thon thả, đẹp đẽ còn mình thì cao có 5 feets so với tụi Mỹ thì lùn xịt mà lại thuộc tip có bề ngang, lấy tên đó coi sao được. Quỳnh ngẫm nghĩ" Angela" Óc Quỳnh thì hiện lên tên cuốn phim hài ở VN sau 75 về một cái cây ăn thịt người có tựa đề "Angela chưa ăn buổi tối" lại đành phải lắc đầu. Không được, không được rồi. Barara" Giống tên của tổng thống phu nhân, e người ta nói thấy người sang bắt quàng làm họ…
Cứ vậy mà khi đọc cả nguyên cái danh sách dài, Quỳnh cũng không thấy thích một cái tên nào cả. Mà thích làm sao được kia chứ" Khi thực sự Quỳnh chỉ muốn tìm một cái tên Mỹ để cho người Mỹ họ đọc được và nhớ được mà thôi, chứ Quỳnh không có một cảm xúc nào với chuyện chọn tên mới này cả. Cuối cùng Quỳnh quyết định lấy mấy mảnh giấy, chép mấy cái tên mình cảm thấy OK, vo lại rồi cất vào một góc. Mấy hôm sau Quỳnh lại mang ra, bóc đại một mẫu. Tên nào ghi trong mẫu giấy Quỳnh lấy thì Quỳnh sẽ chọn tên đó, khỏi thắc mắc gì nữa. Thế là Quỳnh có cái tên Mỹ: Tracy.
Tracy Ngọc Quynh Nguyen. Ngắn gọn hơn, giản dị hơn, thì thành Tracy N. Nguyen. Chữ "thị" lót tên ngày nào cất cánh bay xa, xa tít mù khơi, và bây giờ thì lại đến lúc Quỳnh nhớ nó, nhớ đến một phần cái tên của Quỳnh mà bố mẹ đặt cho với bao là thương mến. Lúc còn đó thì Quỳnh không trân trọng yêu quý vì nó thông dụng quá, bình thường quá, mà lúc mất nó rồi thì Quỳnh bỗng thấy phần nào hụt hẫng đến ngơ ngẩn, ngẩn ngơ.
Tracy, Tracy. Quỳnh tự nhắc nhở mấy tế bào trong óc mình đó là cái tên mới của Quỳnh, vậy chứ phải mất một thời gian Quỳnh mới thấy quen với nó. Lúc đầu làm work study ở thư viện, Quỳnh đứng xếp mấy cuốn sách lên kệ, nghe tiếng bà quản thủ thư viện kêu "Tracy, Tracy" từ xa mà không hình dung được ngay là bà kêu mình, mãi đến khi bà đến gần Quỳnh mới sực nhớ đó là tên mình.
Đổi tên có cái lợi mà cũng có cái thiệt. Ngày xưa xài Ngọc Quỳnh Thị Nguyễn, mấy ông thầy bà cô đọc không được, ít khi gọi Quỳnh để sửa bài tập hay trả lời mấy câu hỏi, còn đến lúc thành Tracy N Nguyen, Quỳnh phải cố gắng nhiều hơn vì thầy cô dễ chiếu cố đến mình hơn.
Khi Quỳnh tuyên thệ trở thành công dân Mỹ, Quỳnh có giấy tờ chính thức đổi tên mình thành Tracy Ngọc Quynh Nguyen. Với ông bà, cô dượng, với cha mẹ và các em với bạn bè thời còn để chỏm ở Việt Nam, với bạn bè người Việt mới quen ở Mỹ, Quỳnh vẫn là Quỳnh. Không ai trong cái vòng tròn bé nhỏ thân thiết của Quỳnh gọi Quỳnh, viết thư cho Quỳnh, nói chuyện với Quỳnh mà dùng tên Tracy hết. Quỳnh có đổi tên, nhưng đó là trên giấy tờ. Cái tên mới chỉ dành để Quỳnh giao tiếp trong cuộc sống mới ở xứ người, để ghi hồ sơ nộp vào đại học, để ghi vào đơn xin việc làm sau khi Quỳnh tốt nghiệp, để khai tax mỗi năm…
Vậy mà rồi có người gọi Quỳnh bằng cái tên Tracy và chỉ biết gọi Quỳnh bằng tên đó mà thôi. Cái phần tên còn lại của Quỳnh, người đó không đọc được. John đó, người thương Quỳnh. Quỳnh quen John khi học ở đại học. Hai đứa ghi danh học chung một lớp calculus, rồi không biết từ bao giờ John để ý tới Quỳnh. Lúc Quỳnh làm work study xếp sách trong thư viện thì có bóng John cặm cụi ngồi học bài trong thư viện, lúc Quỳnh đứng ở trạm xe bus trong trường đón xe để đi làm Job phụ thứ nhì thì có John lái xe ngang ngõ ý chở Quỳnh ra Metro gần đó cho đỡ mất thời gian.
Có lần John hỏi Quỳnh ý nghĩa cái tên Việt của Quỳnh, và Quỳnh cố gắng giải thích cho John hiểu. Nhưng kiếm hoa quỳnh ở vùng Quỳnh ở không phải dễ, còn mấy tấm ảnh bố chụp hình hoa quỳnh ngày nào đã mất cùng với căn nhà của gia đình Quỳnh trong căn cứ sĩ quan Chí Hòa sau 75 rồi. Chuyện hoa quỳnh, loài hoa vương giả nở về đêm, khó mà giải thích cho John hiểu, Quỳnh thấy vậy. Nhưng thức ăn VN thì chàng am hiểu khá tận tình, bởi trong bao nhiêu năm quen Quỳnh, chàng đến nhà Quỳnh và được mời dùng cơm Việt Nam không biết bao nhiêu lần.
John ngỏ lời cầu hôn Quỳnh sau khi hai đứa tốt nghiệp đại học mấy năm và Quỳnh nhận lời. Rồi hai đứa định ngày làm đám cưới. Đến lúc bàn chuyện lễ cưới, John mới nói với Quỳnh là chàng muốn làm đám cưới ở nhà thờ. Đám cưới nhà thờ ư" Quỳnh ngạc nhiên quá đỗi, vì trong suốt thời gian quen nhau có thấy John nói chuyện đi nhà thờ bao giờ đâu!
Hóa ra là John không muốn ra City Hall ký giấy tờ, rồi thề thốt trước mặt một bà thư ký của county. Civil ceremony làm ở City Hall không có trang nghiêm và không đủ ý nghĩa, John nói với Quỳnh như vậy, anh muốn mình làm đám cưới ở nhà thờ. Vậy thì làm ở nhà thờ nào, Quỳnh thắc mắc. John cũng không biết. Quỳnh ngẫm nghĩ, cả John và mình đều không có đạo, chắc lái xe vòng vòng trong county, tiện đường gặp nhà thờ nào thì gõ cửa hỏi đại thôi, nếu họ không nhận làm lễ cưới cho người ngoại đạo thì mình đi nhà thờ khác hỏi tiếp, vậy thôi.
Nói là làm, Quỳnh nói với John để Quỳnh thu xếp tìm nhà thờ làm lễ cưới cho hai đứa. Một ngày đẹp trời trong tuần, và cũng là ngày nghỉ của Quỳnh, Quỳnh quyết định lái xe đi thăm dò mấy nhà thờ trong vùng. Vừa mới lái xe ra khỏi khu nhà Quỳnh ở dừng xe lại ở ngã tư vì đèn đỏ, bỗng nhiên Quỳnh nhận ra rằng có tới 2 nhà thờ nhỏ ở ngay ngã tư này. Tiện đường, Quỳnh tấp xe vào parking lot của một nhà thờ. Ngay đường lái xe vào, có một tấm bảng viết dòng chữ "All visitors are welcome" làm cho Quỳnh cảm thấy bớt…sợ. Vậy chứ tim Quỳnh vẫn đập lôtô bình bịch trong ngực khi Quỳnh nhấn chuông ở cửa nhà thờ. Một người phụ nữ trung niên da trắng tóc hung hung có nét mặc phúc hậu mở cửa, chào Quỳnh tự giới thiệu là thư ký của nhà thờ và hỏi là Quỳnh cần chuyện gì. Nghe Quỳnh kể chuyện John và Quỳnh, 2 người ngoại đạo, muốn làm đám cưới ở nhà thờ, bà hiểu ngay, nói với Quỳnh là đừng có lo, bà Minister của nhà thờ hôm nay không có mặt ở văn phòng trong nhà thờ. Nhưng nếu Quỳnh viết giấy nhắn lại thế nào bà cũng sẽ có hồi đáp.


Quỳnh viết một lá thư ngắn cho bà minister chưa quen giải bày ý nguyện, ghi lại số phone của mình trao cho bà thư ký rồi ra về trong suy nghĩ miên man, quên cả chuyện ghé vào nhà thờ thứ nhì ở bên kia đường.
Bà minister hồi đáp nhanh ơi là nhanh. Ngày hôm sau Quỳnh đi làm buổi chiều về check cái answer machine ở nhà là nghe được message của bà minister nhắn hẹn Quỳnh và John nếu có rảnh thì thu xếp đến gặp bà một ngày nào đó sau lễ ngày chủ nhật ở nhà thờ. Quỳnh gọi John, báo tin là Quỳnh kiếm được một bà minister có vẻ chịu làm lễ cưới cho hai đứa rồi. "A Female minister"" John hỏi lại Quỳnh, Quỳnh nghe mà cảm thấy tưng tức trong lòng. Female minister, đúng rồi, sao John ở Mỹ từ lúc mới sinh tới giờ mà có chiều hướng trọng nam khinh nữ vậy kìa" Quỳnh nôn nao mong đến ngày gặp mặt bà minister lòng cầu mong bà là người uyên bác, có trình độ để cho John phải lé mắt.
Ngày chủ nhật, Quỳnh và John đi lễ. Hôm đó Quỳnh mới thấy mặt bà minister có tên Christine Smith. Bà minister da trắng, tóc ngã màu xám bạc, có dáng người thon thả, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng và nụ cười tươi tắn, giọng nói trầm ấm, mới lần đầu gặp mà Quỳnh đã có cảm tình ngay.
Sau lễ chủ nhật, bà minister mời Quỳnh và John vào văn phòng của bà. Bà tự giới thiệu sơ qua về mình trước là minister của nhà thờ này bao lâu rồi, và tiện thể cũng cho Quỳnh và John biết là vợ chồng bà có 2 đứa con trai, 1 đang học ở đại học, 1 đang học năm cuối ở high school và chồng bà cũng là minister của nhà thờ trong vùng. Sau khi nghe, Quỳnh để John nói, giải thích lý do chàng muốn 2 đứa làm đám cưới ở nhà thờ, bà đề nghị 2 đứa đi dự lễ chủ nhật ở nhà thờ vài lần để xem cách bà làm lễ và lấy hẹn với một ông rabbi bạn của bà để dự lớp cố vấn về hôn nhân và gia đình do ông hướng dẫn. Sau đó bà Smith nói bà sẽ quyết định về chuyện đám cưới tổ chức ở nhà thờ cho John và Quỳnh.
Đâm lao thì phải theo lao. Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, người xưa nói vậy thì chuyện lấy hẹn đi học 4 buổi về hôn nhân và gia đình với 1 ông rabbi đâu phải là chuyện khó khăn gì, Quỳnh nghĩ vậy. Quỳnh thuật chuyện đi học với một ông rabbi cho mấy đứa bạn thân nghe, tụi nó tròn mắt ngạc nhiên, vì thấy lạ quá. Quỳnh ban đầu cũng thấy lạ, nhưng nghĩ lại ai hướng dẫn lớp này thì cũng được thôi, miễn sao Quỳnh với John học xong thì sẽ được bà Smith đồng ý cho hai đứa làm đám cưới ở nhà thờ.
Buổi học đầu diễn ra suông sẻ, nhanh chóng. Ông rabbi hỏi Quỳnh và John đủ thứ cứ như là điều tra lý lịch, rồi còn đánh máy một số chi tiết vào laptop của ông. Ông nói là Quỳnh với John check lại đi biết đâu insurance sẽ trả tiền cho lớp này. Quỳnh nghĩ thầm trong đầu, đâu có phải là psychiatrist, phychologist đâu mà yêu cầu insurance trả chi phí kia chứ.
Lúc ra khỏi văn phòng ông rabbi, Quỳnh nói đùa với John 2 đứa ráng giữ hòa khí trong lúc gặp ông rabbi, không được cãi vã um lên khi bất đồng ý kiến để xong 3 buổi nữa là đủ yêu cầu của bà minister cho đám cưới của mình. John đồng ý ngay.
Nói vậy mà không được. Lần thứ nhì gặp ông rabbi bắt đầu có chuyện. John nói với ông rabbi là chàng muốn Quỳnh sau đám cưới sẽ đổi last name của Quỳnh sang last name của chàng. Graham. Một trong những lý do John đưa ra là mang last name đọc lên biết ngay là dân immigrant qua Mỹ sẽ tạo điều kiện cho một số người không tốt tìm cách ăn chận, hiếp đáp, lợi dụng mình 'people may take advantage of you" nguyên văn lời John.
Quỳnh nghe nong nóng ở mặt khi nghe John nói. Chuyện đám cưới ở Mỹ, phái nữ sau đám cưới chuyển sang last name của chồng là chuyện thường tình, nhưng Quỳnh nghĩ đâu phải bắt buộc một trăm phần trăm đâu kia chứ. Luật pháp đâu có bắt buộc phụ nữ phải đổi theo last name của chồng đâu. Quỳnh nói với John và ông rabbi, Quỳnh không có ý định đổi cái họ Nguyễn của mình qua họ của John. Tên thật của Quỳnh không phải là Tracy Nguyen. Tracy là cái tên Quỳnh chọn sau khi qua Mỹ để chuyện đi học, đi làm được suông sẻ, để người khác dễ đọc, dễ nhớ, dễ giới thiệu, dễ gọi. Quỳnh lấy tờ giấy, viết cái tên Việt Nam của mình cho ông rabbi coi, cái tên bố mẹ đặt cho Quỳnh ngày nào, có chữ Thị lót tên, có bỏ dấu hẳn hoi, dấu ngã, dấu nặng đầy đủ. Quỳnh đọc cho John và rabbi nghe cái tên của Quỳnh như vậy đó, cái tên bố mẹ, bạn bè họ hàng người thân gọi Quỳnh như vậy. Cái tên Quỳnh mang và lớn lên trong bao năm trời ở Việt nam, cái tên đẹp và ý nghĩa như vậy. Cái tên gắn liền với mấy chục năm Quỳnh sống ở Việt Nam, cái tên gắn với kỷ niệm của một đời người mà qua tới Mỹ bây giờ trở thành Tracy N Nguyen. Chỉ còn có cái họ Nguyễn của Quỳnh là còn lưu lại dấu vết Việt Nam mà thôi.
Quỳnh nói với John, Quỳnh muốn giữ cái last name của Quỳnh, cái last name nhắc nhở Quỳnh về xứ sở thân yêu của Quỳnh mà Quỳnh phải đau xót lìa xa, về ngôn ngữ của Quỳnh chỉ còn nói, viết, đọc, nghe khi về tới nhà, cái last name coi như là phần còn lại của cái identity thật sự của Quỳnh vậy. Một nửa indentity thật sự của Quỳnh, Quỳnh nghĩ vậy. Và Quỳnh không bao giờ muốn đánh mất nó.
Quỳnh giải thích với ông rabbi và John, rằng Quỳnh không muốn đổi qua last name của John, vì Quỳnh không muốn người lạ ngộ nhận khi đọc tên Quỳnh. Tracy Graham, nghe cái tên không biết người sẽ có thể đoán đó là người da trắng sinh ra ở Mỹ, chứ không thể nghĩ đó là người da vàng từ một nước Châu Á qua. Tracy Nguyen-Graham ư, nhìn thì biết là người có tên này góc Châu Á, lấy ông chồng Mỹ, có thể là như vậy. Mà chuyện Quỳnh lấy một người chồng Mỹ có gì là quan trọng" Bộ chuyện ông chồng của Quỳnh là người Mỹ có thể nâng cao cái khả năng anh ngữ của Quỳnh cái khả năng giao tiếp của Quỳnh, cái giá trị của Quỳnh hơn lấy một người Việt Nam hay sao kia chứ" Mà tại sao con người lại đánh giá người khác qua cái tên, cái họ mà không đánh giá người khác qua bản thân người đó, qua những gì người đó làm được kia chứ" Quỳnh lý luận với ông rabbi và John, dân lừa đảo gian manh muốn lừa gạt, lợi dụng ai thì họ có đủ trình độ mánh khóe, đành rằng người Immigrant mới qua có thể không am hiểu cuộc sống và luật pháp ở Mỹ nhiều và có thể bị đánh lừa, nhưng cũng có khối người Mỹ cũng bị lừa thôi, báo đăng đầy dẫy ra đó đó thôi. Racism thì vẫn còn đó trong đầu óc của một số người và dù Quỳnh có đổi họ tên đi nữa nhìn màu da của Quỳnh, người ta vẫn thấy là Quỳnh là dân Asian thôi.
Quỳnh bắt đầu cảm thấy mình nói hơi lung tung, nhưng Quỳnh không ngừng được phải nói. Nói để giải tỏa nổi đau trong ngực, nỗi đau Quỳnh cảm nhận khi nhận xét thái độ không đươc nhã nhặn của một số ít người Mỹ trong lúc Quỳnh giao tiếp, khi người ta nhìn màu da của Quỳnh, nghe Quỳnh nói tiếng anh với accent của người nước ngoài có đổi qua last name của John đi nữa, Quỳnh nói thẳng với John, nỗi đau của Quỳnh còn đó.
Hết buổi hẹn với ông rabbi, Quỳnh với John ra parking lot lấy xe. John nói với Quỳnh anh xin lỗi em, em không giận anh chứ, anh chỉ nghĩ đơn giản là em đổi qua họ của anh sau đám cưới như bao đám cưới khác vậy thôi. Bà nội của anh gốc Nga, ngày xưa di cư qua Mỹ gặp bao điều khó khăn với cái last name của mình, nghe bao chuyện của bà kể nên anh mới gợi ý cho em đổi qua họ của anh để tránh những điều khó chịu có thể xảy ra đó chứ. Anh đâu có racist đâu, anh mà có racist em nghĩ lại đi thì ngày xưa anh đâu có làm quen với em….
John xin lỗi, vậy chứ Quỳnh về nhà vẫn còn tưng tức. Mấy lần sau gặp John, chẳng bên nào đề cập tới chuyện đổi tên đổi họ nữa cả. Coi như taboo, bên nào cũng ngại đem chuyện đó ra bàn e sẽ có khói lửa chiến tranh. Lần đi lễ nhà thờ kế đó, hai đứa gặp bà Smith sau buổi lễ, Quỳnh biết thế nào bà sẽ đem chuyện đổi họ đổi tên ra cho mà xem. Quỳnh đoán không sai. Bà Smith nói với Quỳnh là John, ông rabbi bạn bà có thuật cho bà nghe chuyện Quỳnh và John không đồng ý kiến trong lần gặp vừa qua. Bây giờ đã giải quyết tới đâu rồi. Quỳnh nhìn John, rồi quay qua bà Smith nói với bà thật sự Quỳnh không muốn đổi qua last name của John. Quỳnh kể cho bà nghe về cái tên của mình, vì sao từ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh mà bây giờ thành Tracy N Nguyễn và những lý do Quỳnh muốn giữ cái họ Nguyễn của mình. Bà Smith hỏi John thế John định thế nào. John trả lời bà, nhưng ánh mắt của John ngó về Quỳnh, khẳng định là John tôn trọng ý muốn của Quỳnh về chuyện tiếp tục giữ cái last name của Quỳnh sau đám cưới. Chỉ có một điều, John nói là mai mốt in tên hai đứa trong cùng một cái address lable, e rằng không đủ chỗ thôi. Tracy N Nguyen & John M. Graham hai cái tên cộng lại tính ra choán hơn 28 lettersd/space rồi, đặt in không được. Chàng kết thúc lời mình nói bằng một nụ cười và nhìn Quỳnh, cái nhìn chan chứa tin yêu. Hòa bình, hòa bình thật sự rồi, Quỳnh cảm thấy cục tức trong ngực mình biến mất. Vậy là coi như không có mần mống chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh gì hết giữa hai đứa.
Bà Smith cười với Quỳnh và John, bà nói bà rất vui khi hai đứa giải quyết như thế. Rồi bà nói, Tracy và John biết không Smith là maiden name của tôi đó chứ. Ngày xưa lập gia đình tôi cũng chuyển qua họ của ông chồng tôi, vì đó là chuyện hầu như người phụ nữ nào cũng làm sau đám cưới. Nhưng sau đó mấy năm, trăn trở suy nghĩ và bàn với anh ấy cuối cùng tôi lấy lại cái họ của mình. Hôn nhân của vợ chồng tôi không có gì trắc trở cả, chồng tôi đạt được nhiều thăng tiến trên bước đường công danh sự nghiệp của anh ấy, nếu so với bên phía Catholic church thì anh ấy giữ chức vụ ngang với một bishop ở bên đó. Một trong những lý do tôi muốn trở lại cái maiden name của mình là vì tôi muốn người khác đánh giá tôi trên chính khả năng của tôi, chứ không muốn dựa vào cái last name của chồng tôi.
Bà Smith nhìn Quỳnh, cười hóm hỉnh bảo là mẹ của bà sau khi phát hiện là bà lấy cái maiden name của mình, cứ thắc mắc hoài và ra sức thăm dò suốt mấy năm trời xem hôn nhân của bà có chiều hướng đổ vỡ hay không mà bà lại làm như vậy.
Theo đà câu chuyện bà Smith cho Quỳnh và John hay là ngày xưa, sau 75 vợ chồng bà có bảo trợ nuôi một cô bé mồ côi Việt Nam mấy năm trời, cô bé có tên là Bích. Ở trường học, nhiều đứa học trò châm chọc cách phát âm của cô bé và tai quái hơn, đọc chệch nó đi thành một cái âm khác có ý nghĩa không hay. Cô bé về sau quyết định đổi tên của mình thành một cái tên Mỹ để tránh những chuyện đó, nhưng vẫn thích vợ chồng bà gọi cô bằng cái tên Việt Nam của mình. Bích. Bà Smith đọc chữ Bích rõ mồn một.
Rồi bà Smith quay qua Quỳnh, nói Quỳnh chỉ cho bà đọc tên của Quỳnh, cái tên Việt Nam Ngọc Quỳnh Nguyễn. Bà xin lỗi trước là bà không đọc được ngay, nhưng còn gần cả năm nữa mới tới đám cưới của Quỳnh và John bà tin là bà sẽ đọc được tên Quỳnh trong lễ cưới của John và Quỳnh ở nhà thờ này. John quay qua Quỳnh nói thêm cả anh cũng vậy. Sẵn em chỉ cho bà Smith cách đọc tên em cho anh học ké với.
Quỳnh nhìn bà Smith và John nói là Quỳnh sẵn sàng. Nói vậy mà Quỳnh không bắt đầu được ngay vì nước mắt Quỳnh bắt đầu chảy, những giọt nước mắt mừng vui. Cứ ngỡ sẽ phải chôn vùi cái tên Ngọc Quỳnh vĩnh viễn ở xứ người, giờ bỗng nhiên thấy tên mình quay trở lại và sẽ có người thương mình gọi tên mình, làm sao Quỳnh không khóc cho được….

Karen N Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến