Hôm nay,  

40 Năm Tàu Cặp Bến

28/08/200300:00:00(Xem: 135909)
Người viết: LÂM VŨ TINH
Bài số 336-875-v87240803

Tác giả Lâm Vũ Tinh cho biết ông sinh năm 1951, cựu sĩ quan QLVNCH. Tốt nghiệp AA Degree and Computer Graphics. Nghề nghiệp: Instructor môn Chinese Acuppressure. Hiện cư trú tại Nam California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông, một truyện kể xúc động và sâu sắc cho biết thêm về nhân vật chính: định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. áp chót năm 1995. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm.
*

Thời ông Diệm ở Việt Nam có một cậu bé hơn 10 tuổi đi hướng đạo (scout) làm bạn với Trí nhà ở Cầu Kho. Cậu được cha mua một chiếc xe đạp nhỏ sau kỳ thi tiểu học. Ngoài buổi họp hướng đạo hàng tuần vào ngày chủ nhật, cậu và các bạn trong đội Hải Lý họp thêm tại nhà Trí thứ năm mỗi tuần.
Trí là con trai của một kỹ sư kiểm lâm nên nhà khá giả có một phòng vừa học, vừa chơi rộng rãi tiện cho các bạn họp mặt. Trong phòng có nhiều thứ, nhưng cậu bé chỉ thích nhìn vào tủ kiếng đồ chơi của Trí. Từ thằng lính sắt cho tới chiếc xe lửa có đường rầy, thẩy đều rất đẹp vì cha của Trí mang chúng về tận bên Tây, nhưng chỉ có chiếc tàu chiến màu cứt ngựa với đầy đủ súng ống, ống khói cờ giăng là làm cho cậu bé thích nhất. Trí nói với cậu rằng cha Trí mua nó trong cái hộp hàng trăm mảnh có bản đồ chỉ dẫn cách ráp, rồi ông dạy cho Trí làm cách nào để hoàn thành chiếc tàu như cậu thấy.
Sau vài lần do dự, cậu bé nói với Trí sau buổi họp cho cậu ở lại cho cậu coi chiếc tàu cho thỏa mãn, Trí đồng ý. Thế rồi tuần nào thứ năm cậu bé cũng như có tiếng kèn giục giã trong lòng, hăm hở đạp xe từ Lăng Ông Bà Chiểu nhà cậu ra tới Cầu Kho, cậu không biết mệt vì có chiếc tàu chiến chờ cậu ở đó. Một hôm sau khi các bạn ra về cậu ở lại quỳ trên nền gạch bông dán mắt vào chiếc tàu hùng vĩ. Bỗng nghe tiếng gọi của mẹ Trí, Trí đi lên phòng khách không cầm được lòng mình, cậu bé đẩy nhẹ cửa tủ kiếng đưa tay rờ vào chiếc tàu, cậu vuốt thật nhẹ nhàng lườn tàu, rờ cây súng đại bác và chiếc tàu phao cứu nạn, giây phút đó cậu cảm thấy như mình trở thành vị tướng chỉ huy trên tàu như những phim mà cha cậu đã từng dẫn cậu đi xem. Một tiếng quát lớn làm cậu giựt mình không kịp rút bàn tay lại "Đừng! Đừng, đừng đụng vô" Trí đứng sau lưng cậu la lớn, rồi bằng một giọng bực bội Trí nói: "Mày đụng vô hư của tao làm sao, chỉ cho mày coi thôi" cậu xấu hổ bẻn lẻn mắt nhìn xuống đất như kẻ trộm bị bắt quả tang.
Từ Cầu Kho về nhà cậu đạp xe uể oải, vừa xấu hổ vừa bực tức. Thật ra cậu hiểu rằng không phải cha mẹ cậu nghèo không đủ tiền mua cho cậu chiếc tàu như vậy. Cha cậu làm chủ mấy chiếc xe vận tải, ông người Hoa chú trọng vào việc làm ăn, chữ nghĩa không nhiều nên chỉ muốn con cố gắng học hành để sau này thay thế ông, không muốn con mất thời gian vào những chuyện chơi như vậy, hơn nữa lúc đó những trò chơi "thượng lưu" cậu đâu biết bán ở đâu, hỏi thăm thì ba Trí nói "Còm Măng" (order) tận bên Tây. Ai mà giúp cậu làm chuyện này"
Từ đó chiếc tàu chiến chìm trong tiềm thức cậu bé.
Vật đổi sao dời, lên đại học rồi vào quân đội, rồi tang thương ngẫu lục, cậu bé ngày nào trở thành một thanh niên sĩ quan của quân đội miền Nam thất trận. Năm 1975 người thanh niên bị nhốt trong trại tập trung, 23 Tết năm đó của kiếp tù lê lếch, anh bị CSVN nhét lên chiếc tàu rùng rợn HQ 504 đem giam ngoài đảo Phú Quốc. Sau mấy ngày đêm thay người làm thú, anh lội lên bờ cùng những xác người biết đi mắt vẫn ngoái nhìn con tàu đã chở anh đi. Nó là chiếc tàu màu xám đậm của những chiến hữu anh. Chợt chiếc tàu chiến trong tủ kiếng nhà Trí hiện ra trong đầu anh, một lần nữa anh thở dài chắc kiếp này chẳng bao giờ có được một món đồ chơi đó.
Sau những năm dài gởi thân cho số mệnh. Lên rừng đốn củi, chặt nứa cất nhà, phá rừng cuốc đất, người thanh niên đó không biết xác thân còn chịu đựng bao lâu. Tuổi chưa ba mươi vài tháng nhai khoai mì khô với muối thấy miệng có máu, nhả ra một cái răng lẫn trong mấy xác nhai khoai mì đen cứng ngắc. Lâu lâu có người nhà lên thăm nuôi, mặc vô cái áo lạnh của ngày trình diện, lấy kiếng ra soi thấy tóc có vài sợi bạc, anh đâu có ý thức được rằng mình sắp bước qua tuổi trung niên.
Rời trại tù trở nhà về trong một đêm tối, đường đi vẫn vậy, hai bên đường cũng có đổi thay không khí bên ngoài không còn mùi trong những ngày còn là sinh viên hay người lính, bây giờ về nhà mà còn cảm nhận được công an trại giam vẫn chỉa súng chung quanh. Lẫn trốn, buôn bán hàng lậu, vượt biên. Không cái nào nên nữa bước. Người thanh niên nhớ có lần nghe bạn nói tử vi của mình sao Thiên Mã ngộ Triệt như ngựa bị chặt què chân, bèn than "Xanh kia thăm thẳm từng trên, vì ai gây dựng cho nên nỗi này" (Kiều, Nguyễn Du).
Mới đó mà đã bước gần đến 50, chàng thanh niên bây giờ tóc đã bạc nhiều. Qua thời trung niên mạt vận, cuộc thay đổi là đây! Lên đường sang Mỹ, ôi mẹ đẻ con lần nữa. Con đã từng sống chết để được nhìn thấy lá cờ xanh trắng đỏ, sọc và sao. Hôm nay nó là đây! Mặc dù muộn màng nhưng đối với con không lúc nào là muộn. Con lên đường trong HO áp chót tháng 9 năm 1995. Bấy giờ người ta gọi chàng thanh niên đó là ông.


Ông đặt chân lên miền đất ước mơ, tâm hồn đang rộng thênh thang, dưới chân là mặt nước bao la, đôi cánh hải âu đâu bao giờ biết mỏi. Dù người ta nói trâu chậm uống nước đục, ông nghĩ rằng ai cũng có một ước mơ, đối với ông đây là ước mơ lớn hơn bất cứ ước mơ nào, dù nó có thể nào đi chăng nữa, ông cũng sẵn sàng khóc cười trong vòng tay của nó.
Mà thật! Ông tới Mỹ cùng với 4 đứa con, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Một con gà trống chỉ biết ngữa cổ gáy báo rạng đông, bây giờ dẫn 4 con gà con đi bươi trùng kiếm để ở một mảnh vườn xa lạ, lạ từ cành cây đến hòn đá. Giống như bản năng sinh tồn của một loài thú, ông một ngày học 5 lớp, lớp ESL của ông và chỉ cho 4 con học bài của nó. Vừa đi làm vừa đi học vừa lo đưa rước 4 đứa con, ông cố gắng để không đứa nào trễ học. Thời khóa biểu ông tính từng 5 phút một. Sáng chở con đi học, đến trường college của ông học, rồi trưa chạy về nhà bày sẵn đồ ăn đã làm tối hôm trước, đến trường rước con để ở nhà, dặn dò món nào ăn buổi chiều, món nào ăn buổi tối, chạy ra xe đi làm cho Job buổi chiều. Sau 10 giờ đêm về tới nhà tắm rửa, ăn cơm làm homework cho ngày mai. Vậy mà chiếc tàu chiến ngày xưa chưa chịu lùi bước, lại từ tiềm thức bỗng ngồi bật dậy trong ý thức ông như mặt trời buổi sáng.
Ông như bắt được vàng từ khi người bạn chỉ cho ông shop Hobby House. Cuối tuần ông đến đó nhìn ngắm chán chê rồi mua một hộp có chiếc tàu lớn nhất đem về nhà. Từ hàng trăm mảnh rời, ông xem xét kỹ càng say sưa, đọc lời chỉ dẫn. Sau giờ homework, các con đã đi ngủ ông mang kính vào mày mò từng chút, ráp từng phần, dán keo, một cách thích thú không vội vã. Có khi 2 giờ, có khi 3 giờ sáng ông mới dọn dẹp để vào cái hộp của chính nó, đem đúc dưới gầm giường thật nhẹ nhàng, sợ gay vỡ bởi vì trong nhà ông không có chỗ để ông đặt cố định: 5 cha con ở 2 phòng của một apartment, con gái 1 phòng nhỏ, còn ông và 3 thằng con trai dồn vô một phòng lớn. Dần dần hình dáng đẹp và hùng vĩ như chiếc tàu ngày xưa còn bé hiện ra dưới các ngón tay của ông. Tháng này qua tháng kia, ông chăm chút từ ly từ tý, so tàu thật với bản vẽ. Cuối cùng phủ màu sơn cứt ngựa lên màu nhựa xám trắng nguyên thủy của chiếc tàu, ông nhận ra được nó đẹp hơn nhiều, rồi như nhớ lại những ngày còn mặc áo hoa rừng, ông vẽ lên nền màu cứt ngựa những vết loang màu đen. Bây giờ chiếc tàu chiến trước mắt uy nghi rực rỡ, dũng mãnh như chàng Rambo trong phim action của Mỹ.
Tối nào ông cũng đem chiếc tàu ra ngắm. Trong những bữa cơm cuối tuần ông giải thích cho các con nghe cái ao ước hơn 40 năm về trước của một cậu bé ở Việt Nam mà đến bây giờ tóc đã điểm sương, chiếc tàu đó đã cặp bến tại các gia đình gà trống nuôi con trên mảnh đất màu mỡ xứ lạ quê người.
Ông trân quý chiếc tàu như một bảo vật. Ngày bắt đầu bớt nghèo, món ông sắm đầu tiên trong dàn furniture là bộ sofa và cái tủ kiếng ba mặt trong, một mặt gương, bốn tầng, lớn bằng tấm nệm full size. Chiếc tàu được đặt ở ngăn thứ hai vừa với tầm mắt, mỗi ngày trên đường về nhà, mở cửa bước vô, nó giống như người con thứ năm của ông đứng chờ sẵn: "Chào cha".
Ở cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh như các cụ thường dạy, ông thấy được cái bản ngã nào cũng có những cái đáng yêu và đáng ghét của nó, vì thế Thượng Đế mới ban cho con người món quà quý đó là tôn giáo. Tôn giáo dạy cho mọi bản ngã biết dùng cái đáng yêu nương tựa vào Ngài để thăng hoa , cũng như biết sợ vì tin vào quyền lực của đấng vô hình để tu sửa, rèn luyện cái đáng ghét.
Cha mẹ ông vốn người thờ Phật nên ông được dạy về luân hồi nhân quả cùng nguyên nhân tan hợp trong cõi chúng sanh đầy yêu ghét này. Bây giờ ông cùng các con ở đây, ở cái cõi mà hàng triệu triệu nhân sinh trên khắp lục địa ngày nào giờ nào cũng mơ ước đặt chân tới. Như dân tộc Việt Nam nhiều đau khổ của ông trong thập niên 70 và 80 đã tuôn chạy. Cứ hai người đang cười nói ở đây thì có hơn một người thân xác đã rã tan dưới biển sâu, trên rừng hoang vắng hay trong ngục tù đói lạnh. Ông thấy mình thọ hưởng một ơn phước lớn lao từ Thượng đế trong số 80 triệu đồng bào Việt Nam của ông, ước mơ chiếc tàu lúc bé thơ đeo đuổi theo con người ông như một ham muốn trong lục dục thất tình để đúng thời (Timing) đúng Vị (Position) là xuất hiện, cũng như duyên theo đấy mà hạt thành cây. Các nhân duyên nằm trong cõi thiêng liêng của triết lý nhà Phật bây giờ hiện hữu bằng sự thật như ông đang cắn quả ngọt trên môi. Quả ngọt đó nhờ đất Mỹ phì nhiêu đùm bọc, nuôi nấng cái hạt giống từ hơn 40 năm qua tưởng rằng đã khô héo hoài công, nay bỗng nhờ nước và đất tốt mà nẩy mầm xanh lá.
Cái mảnh đất chỉ hơn 200 năm lập quốc, đủ màu da, đủ tiếng nói, chẳng có nợ bất cứ người nào đặt chân tới, tuy có thử thách nhưng sẵn sàng ban phát biết bao nhiêu là thành tựu cho những người vì nó mà tìm đến, thậm chí nó cho còn nhiều hơn người ta tưởng. Ông cảm nhận được cái diễm phúc thiêng liêng của vị ngọt đó, tuy biết rằng cái thân xác này cũng vô thường như Phật dạy. Ông hài lòng như một chúng sinh u mê, cái nghiệp duyên chiếc tàu ông đã trả xong. Biết đâu nhờ cái vô thường đó ông chiêm nghiệm được ân phước của Bề Trên qua cái đất Mỹ này mà ông đang sống, ông biết chia cơm xẻ áo thêm với bá tánh, giống như nhờ phiền não mà sanh niết bàn.

Lâm Vũ Tinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến