Hôm nay,  

Đất Mới, Người Xưa

15/08/200300:00:00(Xem: 164436)
Người viết: NGUYỄN THỤY HƯƠNG
Bài số 3271-866-vb3 110803

Tác giả Nguyễn Thụy Hương cư trú và làm việc tại Round Rock, Texas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của một bà mẹ trẻ 20 tuổi, mang hai con thơ cùng cô em bé, di tản vào nước Mỹ. Bài viết có nhiều chi tiết sống động và cảm động. Mong tác gia sẽ còn tiếp tục viết thêm.

Chúng tôi rời bỏ quê hương vào một ngày cuối tháng tư.
Khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ đang chạy trên phi đạo Tân Sơn Nhứt, gần cất cánh để bay bổng lên không trung, thì vẫn còn vài người lính trong quân phục chạy theo cố nhảy lên chuyến bay chót đó... Cuối cùng thì tôi thở phào khi thấy mấy người lính đã an toàn vào được trong thân máy bay.
Người lính Mỹ đang đứng cạnh cửa cuối phi cơ, trên tay với súng ống sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào, cho đến khi máy bay bay hẳn trên nền trời trong xanh, cửa sau đuôi đóng kín lại, thì anh ta mới ngồi xuống một chiếc ghế đan bằng dây dù, ở cạnh đuôi máy bay.
Sở dĩ tôi gọi chuyến nầy là chuyến chót, bởi vì sau chúng tôi, còn có một máy bay nữa cất cánh, nhưng vô phước thay, nghe nói đã bị địch bắn rơi ngay tại phi trường, khiến bao nhiêu người vô tội chết thảm!
Chuyến bay của chúng tôi nghe nói sẽ bay qua Phi Luật Tân, chuyện gì tiếp sau đó thì không biết!
Gia đình chúng tôi gồm ba mẹ con và đứa em gái là bốn mạng. Biết thân phận lang bạt kỳ hồ từ đây, chúng tôi cố thu người thật nhỏ để nhường chỗ cho những người khác, cho dù hai đứa con tôi còn nhỏ xíu, mới lên 2 và 3 tuổi, và năm đó tôi chẵn 20, còn em gái tôi 14.
Từ hồi nào tới giờ sống trong vòng tay cha mẹ, lấy chồng sớm vì phong tục VN có những nơi thích con gái phải có chồng cho đàn em dễ thở, rồi chồng đi lính, ở trong quân đội, và còn gia đình của chồng... chúng tôi ít khi được gần gũi nhau. Di tản kỳ nầy, chồng tôi không đi vì ỷ y đã có bên ngoại lo cho mẹ con tôi, còn chồng tôi thì ở lại với bố mẹ, một sự phân chia quá rõ trong tình cảm con người!
Chung quanh tôi, người ta nằm ngồi la liệt, sắp lớp như cá mòi. Không ngồi túm lại như gia đình tôi, bên cạnh tôi là một ả con gái nhìn khỏe mạnh khoảng 22 tuổi, ả nằm lấn sang chỗ chúng tôi, nét mặt nhăn nhó mè nheo với mẹ của ả, một người đàn bà to béo, trịch thượng, chắc là vợ của một quan lớn nào đó... ả kêu mệt quá, rồi chê thứ nầy, thứ nọ. Ả nói máy bay gì mà toàn là thứ dơ dáy... Nhìn cách nằm ngả nghiêng của ả, và nghe những lời ả nói, nếu tôi là người có máu nóng, chắc tôi đã đục ả phù mỏ cho đỡ chướng tai!
Nhưng không, tôi biết mình không nên khó chịu hay nổi nóng trong hoàn cảnh nầy. Cũng may cho gia đình bà lớn nọ, những người trên chuyến bay nầy, đa số họ có quen biết nhau, nên không thấy ai phản ứng gì trước sự chiếm chỗ quá lớn của cô gái.
Đến Phi, tất cả mọi người được lên một chiếc tàu sắt chở qua vịnh Subic, đây là một hòn đảo cũng khá thơ mộng, dành để tiếp đón người tỵ nạn từ VN đến trong chặng đầu di tản.
Theo đoàn người đi vào trại, chúng tôi phải đến văn phòng để làm thủ tục gởi vàng tại đây. Tôi chỉ có hai lượng vàng lận lưng nên nghe người ta bảo sao làm vậy, nhưng có những gia đình họ đem cả va ly vàng thì họ đâu thèm gởi làm gì. Không gởi thì cũng chẳng sao, nhưng phải có người luôn canh chừng của cải khi ở trong lều chung nhau. Nếu mất thì không kêu ca khiếu nại gì được, vì đã không khai báo có đem vàng.
Sau đó thì mất hết một ngày ngồi khóc và bồi hồi khi nghe Sài Gòn đã lọt vào tay Cộng quân, mắt vừa rơi lệ vừa nhìn một số các bà các cô chưng diện như tài tử chiếu bóng, lượn qua lượn lại trình diễn thời trang áo quần, mũ nón sang trọng.
Ăn uống thì đã có nhà bếp lo. Người ta bắt đầu mánh mung tranh sống từ đây. Cam táo lấy về giấu đầy lều, sữa cho em bé uống thì khai gian để xin về rửa mặt, thức ăn ê hề khắp nơi. Quả là thiên đường chứ không phải trại Tỵ Nạn! Vì ăn xong thì dung dăng dung dẻ đi hóng mát, đau thì có trạm y tế, khát có cà phê nước ngọt ... chùa, uống thả dàn.
Ở Phi được ba ngày lên máy bay qua đảo Guam. Những chiếc lều, gối giường bố tươm tất, những dãy nhà ăn, phòng khám bịnh, phòng học đủ hết. Chúng tôi gặp lại Ba mẹ và mấy đứa em khác của tôi tại đây. Còn nỗi vui mừng nào lớn hơn khi nghe chiếc loa phóng thanh có người tìm mình.
Ở Guam 1 tuần, lại lên máy bay phản lực đi California. Gia đình chúng tôi được đi chung một chuyến. Thấy người ta chen lấn dữ quá, Mẹ tôi bảo nhường cho bà con lên trước, vì chúng tôi có nhiều con nít, lên sau cùng cũng được, không phải vội gì. Vậy mà may, cuối cùng khi tới phiên gia đình tôi và một gia đình nữa cũng đông con nít lên phi cơ, thì cô tiếp viên hướng dẫn lên lầu, cho ở phòng thượng hạng. Phòng nầy như một phòng khách trong nhà, mỗi người một ghế xa lông to tướng, êm ái, tủ rượu, TV lớn, đủ các thức, khác hẳn với phía dưới ngồi lớp lớp đông đúc không thoải mái chút nào. Thiệt nhường nhịn trong trường hợp nầy cũng là hay!
Chúng tôi đến Camp Penleton giữa đêm lạnh mùa hè. Vì ở trong thung lũng nên tối lạnh sáng nóng. Bây giờ là lúc những người Việt nhanh chân lẹ tay trổ tài khả năng để kiếm tí tiền còm khi ở trong trại. Tôi thuộc loại mặt... đần! Cái gì cũng sau người ta!
Có người đi dạy sinh ngữ, người thì làm văn phòng, bán hàng, v.v... Một chị ở trong lều tôi đi làm cho nhà bếp có trả lương, tôi hỏi làm sao chị xin được thì chị đáp: "Họ hỏi ở VN tôi có biết 'Cúc' không, tôi gật bừa, đưa ngón tay cái chỉ lên trời, thế là nó cho tôi làm.
Trong trại rảnh rỗi, vài anh lấy mền len của Mỹ may quần áo mặc, trông cũng ấm và đẹp chán. Có mấy chị thì lên chỗ phát vật liệu cá nhân làm quen với các anh Mỹ giữ kho, tả oán vài tiếng, được trai xứ tư bản cho gái nhược tiểu lãnh đồ tự do. Nhiều bà mẹ thấy người ta đi kiếm chác được khá quá, ngồi lều thì không được gì, cũng ẵm con đi xin viện trợ. Kết quả con nít hạng nhì, cũng thu gặt được nhiều sữa cho đến áo quần giày vớ...
Đi xếp hàng lãnh đồ ăn trưa hay tối, nếu muốn mấy anh lính Mỹ trẻ tuổi cho nhiều thịt gà, thịt gà hồi đó được dân trong trại rất thích, phải đẹp đẹp một chút thì muốn gì cũng được. Tôi nhớ có lần lên văn phòng chụp hình, tôi mới sửa soạn trang điểm để 'ngạo với tha nhân một nụ cười', dầu gì chụp hình cũng phải coi cho được một tý. Sau đó, đến giờ cơm trưa, tôi vào phòng ăn hơi trễ, nghe mấy anh lính cứ hô lên : 'đép... đép...' tôi không hiểu 'đép' là cái gì, thì mấy ông đứng phía sau thông dịch: "tụi nó khen cô đẹp", làm cho tôi mắc cỡ đỏ cả mặt mày. Và bữa trưa đó, trên khay của tôi cả một đĩa thịt gà to tướng, nguyên phong bánh tráng miệng chứ không phải 1 cái như mọi ngày, táo cam thì muốn lấy bao nhiêu tùy ý! Em tôi và hai đứa con khoái quá chừng. Lâu lâu mới được ăn thịt gà đã đời, vì vô trại, tụi tôi là những người chậm lụt nhất, lúc nào tôi cũng phải nhường phần thịt gà cho hai con, để ăn cơm với xì dầu.
Từ đó con em tôi hay đốc thúc bà chị son phấn vào cho đẹp, để bụng tụi nó được khoái khẩu hơn, thấy đánh phấn cũng chẳng hại gì ai, tôi bèn áp dụng phương pháp dễ nhất nầy, vậy mà thấy nhiều việc thông suốt hơn trước!

Cũng từ đó cho đến khi định cư tại Mỹ cho đến nay, tôi mới nhận thức rằng, đi ra ngoài, dù đi đâu, làm gì, cũng phải đẹp đẽ, tươm tất thì thiên hạ nể hơn, năng giúp mình hơn, chứ cứ buồn phiền, lè phè, thì suốt đời cực cái thân! Chẳng hạn như bây giờ, gần ba mươi năm sau, mỗi khi đi chợ, ăn mặc lịch sự, thì bao nhiêu là nhân viên trong chợ hỏi han tôi có cần họ mang giúp mang đồ ra xe, dù mua có một bao siêu thị nhỏ xíu... Nhưng nếu ăn bận luôm thuộm, mà mua cả xe đồ ăn nặng muốn chết, thì ít khi ma nào thèm hỏi giúp một tiếng!
Sau thời gian hai tháng ăn cơm trại, chúng tôi được 'bông xo' lủng đưa ra ngoài, cho ăn ở trong nhà người ta một tháng, sau đó đi mướn cho một căn apartment một phòng, và một tháng tiền nhà, cộng thêm hai trăm tiền mặt dằn túi rồi bái bai!
Lúc nầy tôi tất bật đi kiếm việc làm. Cái viễn ảnh đói cơm khát nước đang lơ lửng trước mặt, huống chi tôi lại là người hay lo xa. Hai đứa con và một đứa em vị thành niên thì giúp được gì cho tôi bây giờ" Gia đình bố mẹ tôi khai riêng, cho con em tôi chung gia đình với tôi vì thấy tôi một mình cũng tội... Rốt cuộc, em tôi là đứa lanh lợi hơn con chị thật thà là tôi! Con nhỏ lân la ra phía trước nhà ngồi chơi với hai cháu, vớ được thằng bé mười hai tuổi đi bỏ báo buổi sáng cho nhà kế bên, điều tra thì thằng bé cho số điện thoại nơi nó làm việc.
Thú thật là tôi phải phục em của mình. Nó có biết tiếng Tây tiếng u gì đâu. Đi học ở VN thì mỗi tuần có một hai giờ Anh Văn, nhưng đâu phải ông thầy nào cũng dạy tiếng Anh giỏi, và không phải ai học là cũng biết nói! Em tôi tả lại cảnh nói chuyện bỏ báo cho tôi nghe như sau:
- Em hỏi nó tên gì" Oát i dua nêm" Du ve ry hen xom boy... mày đẹp trai qúa... Thằng nhỏ khoái , ngừng xe nói chuyện, nó cũng biết mình là 'rề phu ri' vì nghe TV nói. Tên nó là Don, rồi nó mở bóp cho em coi nó có hơn hai trăm đồng trong đó. Em chỉ tờ báo rồi chỉ tiền, nó gật đầu, em chỉ em rồi chỉ tiền tờ báo, nó cũng gật đầu... rồi nó cho em tên, địa chỉ để lấy báo đi giao...
Sau đó, trong lúc tôi đang thất thểu đi kiếm việc, thật ra cũng chưa biết mình sẽ làm cái gì và mình có nghề ngỗng gì. Theo lời mấy người bạn, cứ đi ra ngoài phố nhìn coi có ai gắn cái bảng "Help Wanted" thì nhào vô xin, làm cái gì cũng được... thì em tôi đã làm nghề bỏ báo quanh vùng gần đó bằng chiếc xe đạp mua ở chợ cũ có năm đồng còn tốt, với cái túi vải treo trên ghi đông. Ba thằng Don giúp em tôi chở giùm báo tới ga ra nhà nó, con bé phải tới đó cuốn từng tờ bỏ vô bao ny long rồi mới đi bỏ cho nhà người ta, trong lúc chờ đợi thời gian nhập học là đầu tháng 9 sắp đến.


Công việc nầy tốn hết ba tiếng đồng hồ mỗi sáng, nhưng em tôi có tiền còm giúp cho tôi trả tiền điện nước và thức ăn hàng tháng, lại giúp coi hai bé cho tôi đi học Anh Văn và đi kiếm việc làm.
Con đường kiếm việc của tôi ở Nước Mỹ nầy hơi gian nan. Con nít ở Mỹ làm việc bằng cách đi bỏ báo hay là giữ em. Còn lớn hơn như tôi thì biết làm cái gì" Ai chỉ cho khi mình mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, tiếng Anh không thông mà đến vấn đề trợ cấp cũng không hề biết!
Những lần đi chợ, tôi thấy mấy người Mỹ trả tiền bằng một thứ tiền giấy màu khác với tờ đô la, tôi cứ thắc mắc tiền đó là tiền gì, đâu có biết nó là đồng 'phút tem' để mà đi xin trợ giúp cho gia đình mình!
Cùng thời gian nầy, tôi đi học sinh ngữ tại một nhà thờ Tin Lành, lớp có khoảng mười mấy 'học sinh' đủ mọi lứa tuổi hoàn cảnh tỵ nạn như tôi, nhưng ai cũng có 'sponsor' đàng hoàng, lo cho gia đình họ tươm tất.
Tôi nhớ rất rõ, mỗi lần nghỉ giải lao, bác Khánh ra ngoài sân cỏ lui cui đi kiếm mấy cái lá cây mã đề đem về nấu canh. Tôi không biết ăn mã đề, nhưng tôi cũng kiếm được trong đám cỏ ấy những nhúm cây củ nén với củ trắng nhỏ phía dưới rất thơm, loại nầy người miền Trung kho với thịt thì ăn tuyệt cú mèo.
Khi các bác ăn trưa, tôi cũng ngồi gần đó nghe các bác nói về 'sponsor' của mình, về chuyện chợ búa, sinh hoạt của người Việt ở thành phố nầy. Thường thường học sinh VN hay đưa cơm theo ăn. Có người còn mang cả mắm ruốc kho xả, hay là các loại nắm gì đó... làm cho mùi mắm 'thơm' tỏa trong không khí, khiến bà thầy giáo cứ hưởi hưởi cùng lớp không biết con gì chết! Đám VN biết nhưng cũng giấu không nói, thế nên bà giáo quyết tìm cho ra, vì cái mùi nầy thường thấy trong giờ ăn... Và cuối cùng thì bà vỡ lẽ là đồ ăn của người mình!
Vừa ăn, các bác vừa kể chuyện có gia đình kia được ông 'bông xo' dẫn đi xin tiền trợ cấp. Gia đình ông bà đó có mười đứa con, lãnh được cả ngàn đô la một tháng, ngoài ra còn được cho tiền giấy đi chợ mấy trăm, được dẫn đi tới nhà thờ lấy quần áo free, được mấy ông bà trong nhà thờ bảo trợ tuần nào cũng ghé thăm cho quà cáp, đủ hết. Nhà bà Em mới là ngon lành, được 'bông xo' cho cả cây đàn piano, vì ông bảo trợ giàu có... ai cũng được giúp với điều kiện phải đến nhà thờ ngày chủ nhật.
Tôi ngồi nghe mà ước chi mình có một người bảo trợ tuyệt vời như thế! Bác Khánh hỏi han tôi, khi biết cảnh gia đình tôi, bác nói sao tôi không đi xin tiền trợ cấp. Tôi lắc đầu không biết. Bác bảo ngày mai nghỉ học một bữa đi lên USCC để hỏi thăm, thì họ sẽ chỉ cho cách đi xin, 'chính phủ cho tiền nuôi cháu ăn học!'
Câu nói của bác Khánh làm tôi thấy hoài nghi và không tin cho lắm. Tự dưng ai hơi đâu cho tiền mình để thuê nhà và mua đồ ăn..., chắc là tin đồn thôi. Nhưng mấy bác nói người ta đã được lãnh rồi đấy. Có gia đình còn được lãnh bù tới mấy tháng, đủ tiền mua một chiếc xe hơi gần như đời mới! Nghe bắt ham.
Ngày hôm sau tôi nghỉ học tìm đường xe Bus đi lên USCC, tại đây tôi gặp một ông Việt Nam, sau khi nghe tôi trình bày chuyện chính phủ giúp dân tỵ nạn, ông lườm tôi một cú thiếu điều nghiêng thùng đổ nước, xong ông la phủ đầu:
- Chỉ đồn bậy đồn bạ, tiền đâu ai đi cho không mấy người... Đúng là ăn không ngồi rồi đồn toàn chuyện tầm bậy!
Tôi buồn bã đi về, tôi nghĩ như thế cũng đúng, ai mà khi không đi cho tiền thiên hạ như thế.
Hàng ngày sau khi đi học Anh Văn, nhờ bà thầy kiếm giùm việc làm, tôi hay đi lang thang trên mấy bãi cỏ gần nhà để kiếm mấy cây rau sam, rau dền dại và củ nén về nấu canh, kho thịt ăn cho đỡ tốn tiền.
Rồi một bà cụ Mỹ ở nhà gần đó nhìn thấy tôi, bà làm quen, hỏi thăm gia cảnh và hứa giới thiệu cho tôi một công việc hợp với khả năng. Chiều hôm sau, đang lê bước nặng nề tay ôm bình sữa từ siêu thị về, thì bà vời tôi lại cho biết đã kiếm ra việc làm cho tôi ở nhà thương Dưỡng Lão.
Công việc của tôi là bưng mâm cơm vào tận phòng cho mỗi cụ già, đút cơm cho những ai không thể tự ăn được, xong rồi đánh răng giả cho những ai có răng giả. Mỗi ngày làm 4 tiếng buổi chiều, lương 2 đồng 10 cent một giờ.

Làm nhà dưỡng lão cũng nhàn, nhưng tôi thường hay bị đét đít & cấu véo... lầm bởi mấy ông bà lão khó tính. Vì khi hai điều dưỡng phụ hai bên xốc nách các cụ lên giường, các cụ thường không chịu trì lại, có khi cấu vào đùi tụi nó, thế là mấy con Mỹ nổi tức, phát vào mông mấy cụ, mấy cụ phát lại vào mông tôi... thế là huề! Có cụ lại còn ngoan cố không cho tụi nó thay tã khi ị ra đầy giường, hơn thế nữa, một cụ ông khi coi còn khỏe mạnh lắm , lại sau khi ị thì trét 'caca' của mình lên đầy bàn ghế tủ giường cửa... phát khiếp! Lần đầu bắt gặp, xém tí nữa tôi ói ra sàn, nên tôi thông cảm những sự nóng tính hơi ác độc của mấy con nhỏ làm chung có vẻ... vũ phu (cái nầy phải gọi là vũ... nữ mới đúng!)
Tôi may mắn không phải săn sóc những dịch vụ nầy mà chỉ đút cơm và đánh răng giả cho các cụ. Lấy răng giả các cụ đi rửa mới là trầy vi tróc vảy! Ngày nào tôi cũng bị một bà la tru tréo ầm cả nhà thương là tôi ăn cắp răng của bà, dù cụ bà đã cắn tôi mấy lần đến sưng cả tay!
Sau đó là qua tới nghề làm nhà in. Cũng do mấy bà Mỹ hàng xóm tốt bụng giới thiệu, họ nói nơi đó có VN làm cũng đông. Tôi đến đó xin việc vào buổi sáng, làm toàn thời gian. Được nhận vào liền vì gần Noel hãng đang có nhiều việc. Xưởng làm việc phía sau hơi nóng, có mười nhân viên VN. Họ cắm cúi làm và không tỏ vẻ thân thiện cho mấy khi thấy có người mới vào. Một cô VN xinh nhất bọn ghét tôi ra mặt, tôi không hiểu lý do. Cô nầy lại thường hay lên mặt vì bồ với ông Giám thị Mỹ Đen. Cả hai người hay nhìn tôi cười mỉm rất khó hiểu.
Noel được chủ tặng cho mỗi nhân viên một con gà Tây và 20 đô la. Tôi thấy Mỹ họ tốt quá, biết nghĩ đến nhân viên. Gà mang về đút lò, có một buổi Giáng Sinh đầy đủ với em và hai con, chẳng có bạn bè thân hữu nào lúc đó, vì gia đình bố mẹ tôi ở xa. Ăn không hết còn dư cái ức, thì làm thịt gà chà bông để dành mang đi làm ăn.
Một hôm, sáng sớm tên giám thị Mỹ đen nhìn tôi chăm chú rồi cười khẩy một tiếng, cô người tình cũng cười theo. Tôi chẳng biết sao họ có thái độ lạ thế, nhưng vẫn tiếp tục làm việc của mình. Đến chiều, khi xếp xong 5000 cuốn lịch, tới gặp tên giám thị để làm việc khác, thì hắn mới nói là tôi đã làm sai. Thì ra tôi gấp quyển lịch bị ngược. Tôi đang lo sợ thì thấy tên giám thị cầm một quyển lịch mẫu đi lên văn phòng để mách với chủ.
Đầu tôi bừng lên cơn giận dữ, ghét "thằng khốn nạn", ghét con nhỏ VN đồng hương của mình! Hắn là giám thị, đã nhìn thấy tôi làm từ sáng, làm sai mà vẫn không nói, vẫn để cho tôi làm hư rồi đi mách chủ để chủ đuổi tôi chắc...
Mặt tôi hầm hầm... nhưng đã tới giờ về, tôi lẳng lặng đi bấm thẻ. Điệu nầy chắc phải đi kiếm việc mới, thế nào cũng bị đuổi. Tụi nó làm đây lâu rồi, còn mình mới vô... thôi thì trời cho sao chịu vậy!
Sáng hôm sau lại đi làm, tên giám thị chẳng giao cho tôi việc gì cả, tôi dọn sạch sẽ nơi mình làm việc rồi chờ đợi. Một giờ sau thì có người trên văn phòng xuống gọi tôi đi lên gặp chủ, cả tên giám thị cũng lên luôn.
Tôi xách cái túi thu dọn tất cả đồ của mình đi theo bà thư ký lên văn phòng. Khác với sự tưởng tượng của tôi, ông chủ nhìn tôi cười "Hello, how are you"" . Rồi ông hỏi tôi việc gì đã xảy ra" Tôi nói thật hết những ý nghĩ của mình: "tại sao ông ta không nói cho tôi biết từ đầu, buổi sáng lúc ông nhìn thấy, mà ông ta đợi cho tôi làm xong hết mới lên báo cáo với chủ" Nhiệm vụ của ông ta là hướng dẫn nhân viên làm việc đúng cơ mà..." . Ông chủ đưa mắt nhìn tên giám thị, tên nầy ấp úng không nói được câu gì, hắn tưởng khi gặp chủ tôi sẽ cúi đầu lí nhí chắc... Dù tiếng Mỹ tôi chưa rành, nhưng tôi biết dùng những chữ để nói cho thông suốt ý của mình. Nghe xong, ông chủ hỏi tôi có biết trình bày lịch không" ... Tôi nhớ lại lời mấy người quen bày cách đi xin việc ở Mỹ, chủ hỏi thì cứ nói biết, vì bất cứ công việc nào cũng có 'training' (hướng dẫn) trước khi làm. Tôi trả lời có biết, nhìn cách tờ lịch cũ cũng không cầu kỳ gì cho lắm. Thế là ông chủ nói hôm nay tôi sẽ lên văn phòng làm chung với một ông chuyên lo về trình bày sách trong hãng.
Tên giám thị tiu nghỉu bỏ xuống dưới, khi hắn đi, ông chủ nhìn tôi, cười: "Tôi thích cô hát bài 'Ring go bell rock...". Chẳng là Noel vừa rồi, cả đám VN lên văn phòng chúc mừng ông bà chủ, chẳng ai biết hát bài Noel, có mình tôi là hát to và thuộc nhất bài đó, vì bên Việt Nam tôi có học hát tiếng Anh trong Hội Việt Mỹ... thế nên gia đình chủ khoái, nhớ mãi, một con bé mặt mũi VN mà hát bài tiếng Mỹ của họ rành rẽ, và họ dành cho tôi nhiều cảm tình từ đó mà tôi không biết.
Sau vụ nầy, tôi lại được làm trong phòng máy lạnh, với những công việc thật nhẹ nhàng, lúc nào cũng gần như là ngồi không! Thật đúng là có tin vui trong giờ tuyệt vọng!
Sau việc nhà in, tôi đi làm hãng điện. Cũng học trước công thức những chữ phải dùng khi được phỏng vấn, cũng phải khai xạo một chút người ta mới nhận. Ở Mỹ, đi khai việc mà thật thà quá chẳng ai nhận mình, trừ những nơi lương thấp và hãng không tốt.
Bây giờ, tôi đã có nhà, có xe, có rể, em gái tôi cũng có gia đình riêng và cuộc sống trù phú với người chồng Mỹ rất yêu thương và săn sóc vợ, con cái thì nói tiếng Việt tiếng Mỹ đề huề, chính anh chồng muốn vậy, gia đình không khác chi VN... Anh rể Mỹ nầy còn thích đặt cho mình tên Việt là Hiếu. Thiệt nhiều lúc tôi nghĩ không phải chỉ lấy chồng Việt Nam mới là hạnh phúc!
Cuộc đời trôi qua mau, cộng đồng VN lớn mạnh, tiến triễn và nhiều người thành công trên mảnh đất mầu mỡ tự do nầy.
God Bless America...

Nguyễn Thụy Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Nhạc sĩ Cung Tiến