Hôm nay,  

Chị Tôi

30/07/200300:00:00(Xem: 174891)
Người Viết: HẠO NHIÊN NGUYỄN TẤN ÍCH
Bài số 3258-854-vb6250703

Tác giả Hạo Nhiên tên thật Nguyễn Tấn Ích, 61 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông viết về người chị ruột du lịch Hoa Kỳ, cho thấy lối kể chuyện duyên dáng mà chừng mực đáng quí. Với lòng yêu thương dành cho người chị được mô tả như người me, tác giả đã kể lại một chuyện tình sâu sắc, xúc động. Mong tác giả sẽ còn tiếp tục viết.
*

Gia đình tôi đến phi trường San Francisco đón bà chị ruột từ Việt Nam sang du lịch Hoa Kỳ. Cháu Út đã chuẩn bị banner dán đầy đủ họ tên của chị, vừa chào mừng vừa là dấu hiệu cho chị tôi nhận biết có người nhà đang đón, đỡ phần bối rối.
Khu chờ đợi đã chật ních người. Các phi công và tiếp viên chuyến bay 124 của hãng hàng không Eva đã lần lượt đi ra. Dăm ba tấm bảng chào đón người từ bên kia đại dương sang bắt đầu trưng lên, đám con tôi cũng vội vàng làm theo. Tôi đã dặn dò cặn kẽ tấm bảng viết bằng tiếng Việt: Chào Mừng bà Nguyễn Thị Lưu Luyến, nhưng vì hiệu Office Depots chỉ có bán mẫu tự không dấu lại quen cách viết ở Mỹ, con tôi đã dán dòng chữ hoàn toàn khác với ý tôi, do vậy, khi giương bảng lên tôi thật sự ngỡ ngàng. Mọi việc đã lỡ, đành chịu vậy.
Chúng tôi đứng cách cửa quá xa nên lúc chị đi ra không ai nhìn thấy.
Giữa lượng sóng người, một bà Việt Nam vóc người đầy đặn, mặc áo dài xanh đậm, vai choàng chiếc khăn voan, đầu tóc búi cao đi tới đi lui lức láo trong đám đông đang chen chúc. Chợt tôi nhận ra chị tôi thì nước mắt lo âu của chị đã lưng tròng. Cả nhà ùa tới vây quanh mừng rỡ. Câu đầu tiên của chị là trách chúng tôi không có tấm bảng đề tên chị như đã thông báo qua điên thọai. Để chứng minh là chúng tôi đã lo đầy đủ, cháu Út vội vàng căng tấm vải nhựa ra trước mặt chị. Nhìn dòng chữ "Welcome MRS. LUYEN THI LUU NGUYEN" chị nói:
- Cô đã nhìn thấy tấm bảng nầy rồi, nhưng đâu phải tên cô. Bộ tụi bay đổi tên cô thành tên Mỹ rồi sao "
- Thưa cô, vẫn là tên Nguyễn thị Lưu Luyến nhưng ở Mỹ viết không bỏ dấu lại đảo ngược tên họ thế đấy, con tôi giải thích.
-Bà Cố Tổ tao có sống dậy cũng không nhận ra, ở Mỹ cái gì cũng ngược đời.
Nói xong chị cười để lộ đôi hàm răng đen rức rức như hạt huyền. Nụ cười của chị thật hồn nhiên, cởi mở. Nhìn thấy hàm răng đen, đứa cháu ngoại tôi sợ hãi giấu mặt vào lòng mẹ.
Vào mùa Halloween, trẻ con ở Mỹ thường xem phim ma, phim quỷ hút máu Vampire, Dracula hoặc đi coi nhà ma có cả đầu lâu nhe răng trắng nhởn. Hôm nay, trước mặt nó là người phàm mắt thịt lại mang hàm răng đen, hỏi làm sao không sợ ! Chị tôi không biết cái sợ đích thực của thằng nhóc mà ngỡ rằng bà cô còn xa lạ.
Trong lúc ngồi đợi các con tôi đi lấy xe ngoài parking lot, chị moi trong bọc plastic lấy ra một miếng trầu tươi đã têm sẵn cùng miếng cau bỏ vào miệng nhai rào rạo. Đứa cháu ngọai dù sợ nhưng lúc nào cũng hé mắt nhìn bà cô lạ lùng. Nó hỏi:
- Mommy, what's she eating"
Mẹ nó lúng túng chẳng biết tiếng Anh gọi trầu là gì, đành trả lời:
- Bà ăn kẹo gum Việt Nam !
Lát sau, chị tôi thò tay vào túi xách lấy ra một cái chai trống không có nắp vặn hẳn hoi. Chị mở nắp nhổ vào đó phần nước trầu dư. Thằng nhóc con hoảng hốt ôm chặt cổ mẹ. Con gái tôi vội hỏi:
- Chuyện gì thế con "
Bé hớt hãi:
- Blood, blood !
Mọi người cười ồ. Chị tôi ngạc nhiên nhìn từ người nầy, qua người khác. Vợ tôi giải thích:
- Chị nhổ nước trầu mà cháu nhỏ tưởng chị ói ra máu.
Chị đưa tay vò đầu thằng bé rồi dùng khăn tay lau hai khoé miệng dính nước trầu đỏ tươi, chị phân trần:
- Cả ngày trên máy bay nhịn trầu, thèm không chịu nổi. Tao có thể nhịn cơm vài ngày nhưng mà nhịn trầu một ngày là đủ thấy khùng rồi. Đã vậy còn ngồi cùng ghế với con mẹ mũi lõ tóc vàng, cái mông to như chiếc thúng chai của mấy người làm biển. Cứ cách vài giờ là mụ ì ạch đi nhà xí. Mình có ngồi yên được đâu, vừa chợp mắt là mụ vỗ vỗ, mình phải đứng dậy. Tao đâu dám ngồi lì, không khéo cái mông dềnh dàng đó nó để cả vào mặt mình là nghẹt thở. Ăn cái ngữ gì mà to đến thế! Cũng may là mình không cùng tiếng nói với mụ, khỏi sinh cãi vã.
Cả nhà cười rộ trứơc lối kể chuyện mộc mạc, chân chất của dân miền quê .
*
Dù là vai chị nhưng tôi thương yêu và quý trọng chị như Mẹ. Tôi có hai người chị lớn đã có gia đình riêng . Chị là con gái thứ tư và tôi là trai út sinh sau đẻ muộn.
Thuở ấy, gia đình tôi có chiếc thuyền buôn. Cha tôi cùng một số trai bạn thường xuyên xuôi Nam chở theo các loại đường mía. Lược về chở vải vóc hoặc đồ gốm. Mẹ tôi suốt ngày lo việc buôn bán, tiếp bạn hàng và điều khiển người làm tại các vựa các chành.
Chị hơn tôi tới mười lăm tuổi lo quán xuyến công việc nhà. Dù có người giúp việc, song chị muốn tận tay chăm sóc tôi từ việc nhỏ đến việc lớn. Lên năm, sáu tuổi rồi mà tôi vẫn luôn làm nũng với chị. Tôi thích ngủ võng và thường bắt chị đưa hát ru trong những đêm hè. Chị nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên theo lời ru ngọt ngào của ca dao, truyện Kiều, Lục Vân Tiên đầy tình tự dân tộc. Mẹ là tiếng gọi đầu đời của tuổi thơ. Riêng tôi, chị là tiếng bập bẹ đầu tiên khi tôi chập chững bước đi.
Khi tôi vừa lên tám, Mẹ lâm trọng binh qua đời. Thế là chị đóng vai người mẹ chăm sóc và nuôi nấng tôi suốt thời thơ ấu.
Năm hai mươi ba tuổi chị tôi yêu anh Vương Văn Đỉnh, dáng người cao ráo có mái tóc bồng gợn sóng rất nghệ sĩ. Anh nói giỏi tiếng Pháp, xử dụng điêu luyện các loại đàn, sáo và cả harmonica. Ngày anh Đỉnh cho người mai mối đến dạm hỏi thì cha tôi đã hứa gã chị cho con trai ông Tú Bang, bạn học của cha từ thời niên thiếu. Người chồng tương lai của chị là một thầy giáo.
Trước ngày chị tôi lên xe hoa, anh Đỉnh đến nhà từ biệt chị ra đi . Để tránh đau khổ, anh quyết định bỏ quê vào Sài gòn tiếp tục con đường học vấn. Chị khóc trên vai anh và nước mắt anh cũng đầm đìa. Ngày đó tôi chưa hiểu gì về tình yêu nhưng tôi cảm thấy tội nghiệp cho hai người.
Ngày lễVu quy của chị, cha tôi tổ chức hai ngày nhóm họ đãi đằng bà con, bạn bè và khách hàng buôn bán với gia đình tôi từ xưa đến nay. Đám rướt dâu khá linh đình, với hai chiếc xe hơi màu đen bóng được trang trí hoa và dải lụa hồng rực rỡ. Bà con láng giềng trầm trồ cô dâu chú rể đẹp đôi.
Cha tôi rất hãnh diện và vui mừng vì đã chọn cho con gái mình người chồng xứng đáng. Chị tôi tuân lệnh cha theo chồng nhưng mang theo cõi lòng tan nát. Chị đã khóc suốt mấy đêm liền trước ngày cưới. Hình ảnh áo nảo, thất chí của anh Đỉnh trong giờ chia tay vẫn chưa phai mờ trong lòng chị.
Chồng chị dạy học ở một trường khá xa, lâu lâu mới về thăm nhà. Chị nại cớ đứa em út còn nhỏ dại cần người chăm sóc và dạy dỗ, nên xin phép bên chồng được về nhà cha thường ngày.
Thời gian thấm thoát trôi qua một năm rồi hai năm chẳng có tin tức gì về anh Đỉnh, đến một buổi sáng nọ có người mang đến cho chị tôi một bao thơ. Không biết thư nói gì , bỗng dưng chị òa khóc . Tôi chạy sà vào lòng chị. Chị ôm chặt lấy tôi thổn thức: " Anh Đỉnh của em không còn nữa. Anh ấy bị thương trên chiến trường về đến bệnh viện mới tắt thở. Anh gởi lại chiếc khăn tay của chị tặng ngày trước.Vừa nói chị vừa mở khăn ra, một dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng máu: "Yêu Em trọn đời". Chị đưa chiếc khăn lên môi hôn mà nước mắt tuôn trào.
Ba tháng sau, chồng chị bị tử nạn trên đường đến trường khai giảng mùa học mới. Chưa đầy nửa năm chị tôi đã chịu hai cái tang đau đớn. Hình như nước mắt cạn nguồn và con tim tê dại, chị vùi đầu trong công việc và tập ăn trầu để lãng quên nỗi đau đang vò xé. Hai má chị ửng hồng và chân đi chếnh choáng vì say trầu.
Chị tôi nổi tiếng có hàm răng đẹp nhất làng. Răng chị trắng đều như những hạt ngọc. Nụ cười rạng rỡ, thu hút cảm tình của người xung quanh.
Những ngày mới quen nhau, anh Đỉnh thường nói với chị: "Mỗi khi em cười là mang nguồn hạnh phúc cho người đối diện". Một hôm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện hàm răng chị trở thành màu đen nhánh. Tôi hỏi vì sao, chị bảo ăn trầu phải nhuộm răng đen. Lòng buồn vô hạn, tôi tiếc rẻ hàm răng trắng và giận chị suốt mấy ngày.


Chị tôi không còn yêu ai mà cũng chẳng chịu bước thêm bước nữa. Cha tôi nhiều lần khuyên nhủ, chị bảo: "Con dành phần đời còn lại để lo cho cha và cho em. Xin cha đừng ép uổng con nữa."
Từ ngày mẹ tôi mất, sức khoẻ cha tôi xuống một cách thê thảm. Ông không còn đủ sức vượt đường xa trên sóng nước bồng bềnh nên quyết định bỏ nghề. Nhiều người xin mua lại chiếc thuyền nhưng cha tôi nhất định không bán, ông cho người kéo chiếc ghe đồ sộ lên bờ giữ lại làm vật kỷ niệm và trả trai bạn về quê tìm công việc làm ăn khác.
Ba năm sau cha tôi qua đời. Ngôi nhà chỉ còn lại hai chị em tôi.

* * *
Ngoài số quà cáp chị mang cho chúng tôi, phần còn lại là trầu. Những lá trầu khô được sắp đầy gần nửa vali và một túi cau khô. Ngày chúng tôi ngỏ ý mời chị sang du lịch Hoa Kỳ, câu hỏi đầu tiên của chị là bên đó có trầu không. Mặc dầu chúng tôi bảo đảm sẽ cung cấp đầy đủ trầu tươi, cau tươi cho chị dùng, chị vẫn lo ngại ở Mỹ làm sao có loại trầu nguồn ở miệt Sơn Hà, Minh Long vừa ngọt, vừa cay lại có độ nồng đậm đà hơn cả trầu vườn. Chị ghiền loại trầu nầy như người miền Bắc ghiền thuốc lào Ba số tám.
Phải ngâm nước những lá trầu khô trước một ngày mới nhai được. Trầu khô vừa dai vừa giảm bớt độ nồng. Thấy vậy, vợ tôi mua mấy liểng trầu tươi ướp lạnh nhập cảng cho chị dùng, chị chê loại nầy nhạt nhẽo không hợp khẩu vị.
Tôi lấy hai tuần lễ vacation đưa chị đi viếng những thắng cảnh nổi tiếng ở miền Tây Hoa Kỳ. Trước những kiến trúc tân kỳ, công trình xây dựng vĩ đại, tôi thấy chị không háo hức, thán phục hay xúc cảm. Hình như điều đó đối với chị chỉ là thứ yếu. Chị sang Mỹ với một niềm thiết tha là thăm tôi, gần gũi tôi để vơi đi thương nhớ. Xa tôi đã mười hai năm, như người mẹ xa con, chị cô đơn, mong chờ và lo lắng.
Chỉ qua vài tuần lễ là chị đã gần gũi, chăm sóc và tắm rửa cho đứa cháu ngoại lên năm của tôi. Chẳng những hết sợ hãi mà cháu còn vạch miệng bà cô để xem hàm răng đen như xem vật lạ mỗi lần chị bồng nó. Bé thường hỏi: "Sao răng bà màu đen"". Chị tôi chỉ cười rồi hôn lên má nó. Thế là nó dùng tay chùi lên vết trầu dính, nó chà xát làm nổi đỏ cả vùng da trên mặt. Cháu bé thích được bà cô dắt tay đi dạo bộ trong khu công viên cạnh nhà, nhưng lại sợ bà hôn làm vấy nước trầu lên má.
Con tôi đề nghị chị tẩy trắng hàm răng. Chị phản đối, lấy lý do không thể bỏ trầu. Chúng cam đoan ăn trầu vẫn giữ được màu răng trắng, chỉ cần chịu khó đánh răng thường xuyên. Ngày này qua ngày nọ, mỗi đứa cháu một lời khuyên khiến chị tôi xiêu lòng. Con tôi vô cùng ngạc nhiên trước đôi hàm răng vẫn còn nguyên vẹn dù tuổi đời của chị đã ngoài bảy mươi.
Răng được tẩy trắng, dầu không bằng màu trắng óng ánh như thuở trước, nhưng đã trả lại cho chị nụ cười sáng sủa. Chị cười khoe đôi hàm răng trắng trông chị tươi mát như trẻ hơn mười tuổi, thế nhưng lòng chị lại không vui. Nụ cười của chị bây giờ không còn tự nhiên nữa, gượng gạo và héo hắt. Tôi bắt gặp bất chợt lúc chị đang soi gương mà mắt còn ngấn lệ. Ngỡ là chị nhớ nhà nên tôi không lưu tâm lắm.
Đêm đã về khuya, ngoài trời đổ mưa do ảnh hưởng cơn bão từ biển thổi vào, tôi đi kiểm soát các cửa sổ chợt nghe tiếng khóc thút thít trong phòng chị, tôi vội vàng gõ cửa vào. Đèn bật sáng, chị đang ngồi khóc, tôi hỏi:
- Các cháu có làm điều gì phật ý chị không "
Chị lắc đầu, rồi bảo tôi ngồi bên cạnh, chị tâm sự:
- Ngày Đỉnh yêu chị, anh ấy đã hết mình bảo vệ đôi hàm răng đẹp của chị. Anh đã nhờ người mua kem và bàn chải đánh răng loại ngoại nhập cho chị dùng. Anh luôn nhắc nhở chị không được dùng răng cắn móng tay và cắn bất cứ vật gì có độ cứng. Có lần anh nói "Anh quí đôi hàm răng em như quí sinh mạng của anh vậy". Anh Đỉnh chết là lỗi ở chị. Nếu chị cưỡng lời cha không chịu về làm vợ người ta thì anh ấy đâu có bỏ quê vào Nam.
Chị lại ôm mặt khóc.
Tôi khuyên chị nên quên đi, đã mấy chục năm rồi còn gì nữa mà lưu luyến, mà tự trách mình. Chị lau nước mắt rồi tiếp:
- Em đâu biết, mỗi lần bắt gặp nụ cười trong gương là lòng chị tái tê và ân hận bởi hình ảnh của Đỉnh hiện ra với đôi mắt chan chứa tình yêu xen lẫn trách hờn. Hồi đó, chị muốn vào chùa xuống tóc đi tu, sau nghĩ lại mình còn cha già, em dại ai nuôi nấng, thuốc thang. Vì vậy, chị quyết định nhuộm răng đen để chuộc lỗi đã không vẹn lời thề với Đỉnh, đồng thời giấu đi những kỷ niệm đau buồn.
Chị ngừng nói, lấy khăn thấm dòng lệ ướt nhòa trên má:
- Chị thương các em và các cháu nên chiều theo ý muốn tẩy bộ răng làm vui lòng mọi người. Nhưng có ngờ đâu, khi nhìn hàm răng trắng trở lại lòng chị lại cảm thấy bứt rứt, bồn chồn. Những kỷ niệm xa xưa lại hiện về khiến chị xót xa không cầm được nước mắt.
Ngày hôm sau, chị yêu cầu chúng tôi lấy vé máy bay tuần tới chị trở về Việt Nam. Cả nhà sửng sốt. Visa cho đi sáu tháng, ở Mỹ chưa đầy bốn tháng chị lại đòi về. Các cháu năn nỉ cô ở lại và xin bỏ qua những thiếu sót. Chị ôm vai từng đứa rồi chậm rãi nói:
- Các con có lỗi lầm gì đâu, ngược lại, càng thương yêu và chăm sóc cô rất chu đáo . Như cả nhà đều rõ, hàng năm cô phải lo bốn cái giỗ. Một giỗ ông Nội ngày 14 tháng Giêng, hai giỗ bà Nội mồng 2 Tháng chạp, ba giỗ chồng cô 12 tháng 9 và bốn...
Đến đây, bỗng dưng chị khựng lại, trước mấy đứa cháu chẳng biết gọi thế nào cho ổn. Tôi bèn đỡ lời chị:
- Đó là ngày kỵ bác Đỉnh, người yêu của cô đã hy sinh ngoài chiến trường sau khi cô theo chồng. Bác Đỉnh chết trước chồng cô ba tháng, như vậy chỉ còn hơn tuần lễ nữa là đến ngày giỗ Bác ấy, 20 tháng 6.
Tôi nhìn chị mà lòng bùi ngùi. Mối tình đầu của chị là anh Đỉnh. Hai người đã dệt bao nhiêu mộng đẹp trong tương lai. Cũng bởi lễ giáo khắt khe mà cha tôi đã vô tình "chia uyên rẽ thúy". Người không thấu được tình cảm riêng tư của con mình mà đinh ninh rằng: "Môn đăng hộ đối là cơ sở bền vững cho hạnh phúc lứa đôi".
***
Chị tôi về lại quê nhà được một năm thì có điện báo chị lâm trọng bịnh đang hấp hối.
Tôi lấy vé khẩn cấp bay về Việt Nam. Con cháu hai bà chị lớn đã có mặt đầy đủ. Chị tôi nằm thoi thóp trên giường bệnh. Khuôn mặt chị gầy đi khá nhiều nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là hàm răng chị được nhuộm đen trở lại và hai chiếc răng cửa đã rụng từ bao giờ. Trực nhìn trên đầu giường chị nằm, có một chiếc hộp màu nâu đặt cạnh gối, tôi vội mở ra, hai chiếc răng cửa màu trắng bóng láng gói trong chiếc khăn tay có bốn chữ "Yêu Em trọn đời" của anh Đỉnh viết bằng máu lúc anh bị thương ngoài mặt trận. Dưới đáy hộp là một mảnh giấy nhỏ của chị ghi lời yêu cầu: "Xin được đặt hộp nầy trên bàn thờ anh Vương văn Đỉnh."
Chị tôi qua đời lúc trời vừa rạng sáng. Sau khi chôn cất và xây mộ hoàn tất, tôi mang hộp răng của chị đến nhà cháu anh Đỉnh và xin được đặt bên di ảnh của người quá cố để trọn lời ước thệ năm xưa của anh chị.
Trên chiếc Boeing 707 đưa tôi trở về Hoa Kỳ sum họp với gia đình mà lòng tôi lại cảm thấy cô đơn trống vắng vô cùng.
Chị tôi mất rồi, miên viễn xa tôi rồi. Hình ảnh tươi mát của chị ngày nào, ân cần và chiều chuộng giờ đã thay vào ký ức tôi một bà già khô héo nằm bất động trên chiếc giường gỗ lim cũ kỹ của bảy mươi năm về trước trong ngôi nhà hiu quạnh. Chị bị bệnh mà tôi chẳng hề hay biết. Bỗng dưng tim tôi quặn thắt, nước mắt trào ra. Tôi ấm ức khóc và tự trách mình. Tôi muốn gào lên:
"Chị ơi, trái tim chị bao la quá, vĩ đại quá. Trọn cuộc đời chị đã dành cho em, mà em thì chưa có một ngày nào đền đáp công ơn."
Chị tôi đã trải qua bao tháng năm âm thầm ôm nỗi đau tình đầu dang dở, âm thầm chịu đựng trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Và tình yêu của chị cũng âm thầm nhưng bền vững như dòng nước ngầm dưới đáy đại dương cuồn cuộn chảy năm nầy qua năm khác...

Ngày Mothers'Day 2003
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,280,970
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến