Hôm nay,  

Ông Bảo Chịch Ngang Qua Hoa Thịnh Ðốn

16/07/200300:00:00(Xem: 163593)
Người viết: IRIS DINH
Bài số 3248-846-vb6110703


Tác giả Iris Dinh lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ. Người viết tự sơ lược tiểu sử bằng vài nét chấm phá duyên dáng: "hồi còn con gái tên là cái Nụ, qua Mỹ thấy người ta kêu là chị Nữ, khi vô quốc tịch thì đổi tên là Iris. Ðịnh cư tại San Jose đã hơn 20 năm. Hiện nay là "xếp" của ông Bảo, nhân vật chính trong bài du ký này.

Không ăn đậu không phải Mễ
Không đi trễ không phải Việt Nam
Không "chịch ngang" không phải ông Bảo
"Chịch ngang" là chữ của anh Bảo hay dùng. Có lẽ chữ này bắt đầu được anh dùng nhiều , khi còn là đồn trưởng một đồn lính Ðịa phương quân ở Sóc Trăng, những năm đầu thập niên 70 .
Lúc ấy, chiến trường sôi động lắm , lính chết rất nhiều và những cuộc hành quân rất gian khổ. Chữ "chịch ngang" được dùng để ám chỉ những anh lính thỉnh thoảng lặn mấy ngày khi đi công tác. Sau này khi sang Mỹ, anh vẫn quen miệng dùng chữ này để chỉ những người hay lái xe ẩu, không tuân theo luật đi đường, hoặc là những anh mắt la mày lét kiếm đường "chịch ngang" ăn vụng vợ v v...
Riêng bản thân anh Bảo, bác mẹ sinh ra vào giờ có sao Thiên di chiếu mạng, nên đi suốt quanh năm ngày tháng. Vừa sinh ra đã được mẹ bế di cư vào Nam. Sau đó, anh lại theo gia đình từ Bến Tre về định cư ở vùng Cái Sắn . Bởi vậy mà anh có dịp quen với nàng để bắt đầu cho một cuộc tình duyên "Ôi xương tan máu rơi", chết hết mấy con lợn, chó, gà và điếc đít điếc tai bao nhiêu người bà con chòm xóm.
Lớn lên ở Cái-Sắn, đi học, đi lính, đi tù, ra tù, vượt biên, qua đảo, rồi định cư ở Săng Hô Dê anh vẫn chưa ngừng đi. Tính anh hăng hái xốc vác, thấy việc gì cũng muốn làm, thấy điều gì lạ cũng muốn học, thấy người nghèo khổ thì thường muốn giúp.
Anh thường bị vợ cằn nhằn cự nự tối ngày cũng vì những chuyện "chịch ngang" bao đồng này. Anh làm nghề chính là trồng cây ngoài freeway, nhiều khi đang chở vợ con đi chơi anh cũng tự nhiên ngưng xe lại xuống thăm mấy cái cây mới trồng. Gia đình anh dần dần gọi anh bằng cái tên "Bảo chịch ngang" luôn cho tiện, để phân biệt anh với một Bảo khác trong họ hàng. Năm ngoái, anh về lại VN thăm gia đình, gặp lúc mấy ông anh còn kẹt lại đang nuôi cá tra để đưa sang Mỹ bán. Về VN có ba tuần, anh bỏ vợ con ở nhà người chị hết hai tuần, theo mấy người anh đi coi nuôi cá mãi tận Cần Thơ, Châu Ðốc. Cá Tra đem sang bán rất chạy đã mấy năm nay, nhưng đợt cá mà mấy người anh gửi sang vừa bán được mấy tháng thì mấy ông nông dân cổ đỏ (Red Neck) ở dưới miền Nam nước Mỹ nổi giận. Họ kiện Hiệp Hội cá Basa/Tra ra tòa um sùm mãi tận bên Washington D.C.
Từ ngày nhận lời theo dõi vụ kiện giùm người anh trai đang nuôi cá tra, anh Bảo đi tới đi lui miền Nam, miền Trung và miền Ðông nước Mỹ đã nhiều lần. Tuy vậy, anh chưa bao giờ có dịp thong thả để du ngoạn ngắm cảnh cả. Kỳ này, anh rủ vợ và bé Bô con út của mình cùng đi, nhân dịp anh muốn tham dự một phiên toà chót về vụ kiện cá tra, vừa dành ra mấy ngày thăm thú những phong cảnh nổi tiếng của thủ đô nước Huê Kỳ.
Trước khi đi tuy đã cẩn thận coi ngày, thế mà vừa ra tới phi trường thì anh đã gặp tiền hung rồi. Nhìn thấy dãy người đứng sắp hàng dài cả mấy trăm mét để check-in và qua cổng security, anh sợ trễ chuyến bay liền sai vợ đứng vào sắp hàng trước, còn mình thì tạt ngang qua quầy vé tự động để check-in và lấy vé cho lẹ.
Một tháng trước ngày đi, anh đã cẩn thận vào internet đặt mua vé sớm cho rẻ, chệch choạc thế quái nào mà đâm ra đặt mua vé tới hai lần, tổng cộng là 5 vé thay vì 3 như ý muốn. Loay hoay mãi không xong với cái máy check-in tự động, anh được cô nhân viên Mỹ đen xinh đẹp ở quầy vé giúp đỡ. Chỉ 5 phút sau anh hún hớn cầm ra 3 cái boarding pass vừa kịp lúc vợ con sắp hàng tới trạm kiểm tra quang tuyến (X-ray).
Mừng chưa được bao lâu, vì khi tới trạm check serurity anh xòe 3 cái boarding pass ra một cách oai hùng, thì người nhân viên nhìn thoáng qua tên tuổi và gạt gia đình anh ra một bên. Vợ con anh rất đỗi ngạc nhiên vì trước khi đi, đã thấy anh cẩn thận cạo râu ria kỹ lưỡng, đâu còn trông giống mấy người Trung Ðông nữa.
Không để gia đình anh ngỡ ngàng lâu, ông nhân viên chỉ tay ra dấu cho anh trở lại quầy vé để đổi boarding pass vì anh có tới 2 cái và vợ thì không có cái nào . Cái vụ này không biết là vô tình hay cố ý đây.
Cuối cùng thì gia đình anh cũng chễm chệ ngồi trong máy bay trước giờ cất cánh. Anh tính nhẩm trong đầu và quay qua nói:
- Hôm nay mình đi là ngày thứ năm, tới thứ ba tuần sau mới là ngày ra hearing cho vụ kiện cá Basa/tra . Cái số của anh làm gì, đi đâu bao giờ bắt đầu cũng hơi "tục tặc" như vậy rồi cuối cùng mọi chuyện cũng hanh thông tốt đẹp, chẳng hạn như chuyến vượt biên ấy, me mày còn nhớ không" Ðúng là tiền hung mà hậu kiết .
Cô con gái của anh đang tuổi ương ương quay qua háy:
- Yah, right! Daddy.
Vợ anh thì đã quen lắm với những vụ này rồi nên ầm ừ cho qua chuyện rồi chúi mũi vào cuốn sách đang đọc dở.
Chuyến bay tương đối êm cho đến Colorado, từ đây đến phi trường St. Louis, tiểu bang Missouri, trời mưa giông nên thân máy bay rung chuyển liên hồi. Ðáng lẽ chỉ bay có ba tiếng hay hơn chút xíu là tới St. Louis, nhưng vì thời tiết xấu nên phải bay chậm, và cứ vòng vòng chờ phi đạo nên chuyến bay đã kéo dài tới năm tiếng rưỡi. Anh lầu bầu một mình:
- Trễ thế này phải qua nửa đêm mới tới Washington D.C. Không biết thằng Trí nó có còn thức để đi đón mình không, hay lại phải kêu taxi mà về.
Nhưng rồi anh lại tự an ủi mình khi nghĩ đến phiên tòa sẽ phải ra vào thứ ba tuần tới, ngay trước khi ra về lại CA.
- Chuyến đi hơi lủng củng thế này thì chắc là mình sẽ gặp nhiều may mắn hơn.
Tuy vậy anh vẫn bồn chồn gọi đi gọi lại cho anh Trí mỗi khi có tin tức thay đổi về chuyến bay.
Tới Washington D.C. đã qúa nửa đêm mà vẫn nóng hầm sau cơn giông, chẳng khác gì thời tiết mùa hè ở VN. Máy bay vừa đáp xuống, hành khách chưa kịp ra thì anh Trí đã vui vẻ gọi trên cell phone:
- Cháu chờ chú thím ở đâu đây"
- Anh đón chúng tôi ở chỗ lấy đồ nhé!
Chàng thở ra khoan khoái.
Xa lộ từ phi trường Dulles về Alexandria ban đêm vắng vẻ không tấp nập như bên CA. Hai bên đường cây cối trùng điệp chẳng nhìn thấy nhà cửa chi hết. Ở CA nhộn nhịp xô bồ, khách CA tới đây thấy phong cảnh tươi mát và bình an, nhưng nếu người VN mới qua mà tới đây thì chắc họ sẽ thấy buồn lắm. Gia đình kỳ này hên, qua đây gặp lúc anh Trí tương đối rảnh nên chở đi đây đó, vừa tiện vừa vui, vừa đỡ tốn tiền.
Sáng sớm, sau khi ăn sáng và lo cho công việc sở xong, anh Trí đưa gia đình anh Bảo ngược bờ Ðại Tây Dương về miền Ðông Bắc nước Mỹ thăm thành phố bất hủ New York City, lần này không phải "chịch ngang" mà chịch dọc. Mặc dù thông báo sẽ có mưa vào buổi chiều, nhưng buổi sáng trời vẫn còn tốt, có mây mù một chút và nhiệt độ khoảng 80 F . Mây mù che mất bầu trời xanh nhưng nhờ vậy mà đỡ nóng hơn. Anh Bảo đang băn khoăn về vụ kiện, không mấy hứng thú để đi New York, nhưng bị vợ cự:
-Biết chừng nào mới có dịp qua đây nữa, tại sao hôm nay không đi"
Bé Bô không muốn ở nhà nên thêm vào:
-Ði chứ daddy, hay ba muốn ở nhà một mình"
Ðời nào ông bố chịu ở nhà trong khi mọi người đi hết!
Suốt bốn tiếng đồng hồ lái xe dọc theo bờ Ðại Tây Dương, chúng tôi đã băng qua 7 tiểu bang đầu tiên cuả nước Mỹ. Từ thành phố Alexandria của Vigrinia,lấy freeway 395 rồi vào freeway 95 vòng qua thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Trên một chiếc cầu bắc qua dòng sông Potomac thơ mộng, chúng tôi có thể nhìn thấy cây tháp bút chì vươn thật cao, vượt hẳn trên những dinh thự bằng đá trắng và những khu rừng xanh um tươi tốt. Tôi thật ngạc nhiên với quang cảnh nơi đây. Hoa Thịnh Ðốn khác hẳn những thủ đô của các nước tân tiến khác, nó cho tôi cái cảm giác nhìn thấy một Ðà Lạt hay Hà Nội to lớn, sạch sẽ, và giầu có hơn gấp bội, nhất là những con đường quanh co xuyên qua những đài kỷ niệm bằng đá cẩm thạch và những khu vườn đầy bóng cây rậm mát. Tôi nôn nao mong chờ những ngày kế tiếp để được đến tận nơi thăm ngắm.
Ðể lại Hoa Thịnh Ðốn tươi mát hấp dẫn đằng sau, khoảng một tiếng lái xe nữa chúng tôi đã vào địa phận tiểu bang Maryland.
Dọc theo bờ biển miền đông, từ đất liền chảy ra vô số là sông ngòi và các vịnh lớn nhỏ. Maryland có cái vịnh rất lớn gọi là Chesapeake Bay rộng gần bằng hồ Ontario ở ranh giới Canada. Chesapeake Bay nằm song song với bờ biển từ gần Pennsylvania xuyên qua Maryland và dọc theo Virginia, nối kết với bao nhiêu là sông ngòi kể cả dòng sông Potomac chảy ngang qua HTD. Có lẽ vì lớn qúa nên người ta không bắc cầu qua vịnh mà thay thế bằng đường hầm chui dưới lòng vịnh. Tôi không còn nhớ rõ phải mất bao lâu mới ra khỏi đường hầm này.
Khi chúng tôi đến thành phố Philadelphia, cố đô nước Mỹ thuộc thiểu bang Pennsylvania, thì trời đã tối vì mưa bão.
Từ Hoa Thịnh Ðốn trở lên càng gần New York thì quang cảnh hai bên xa lộ càng thay đổi nhiều hơn, những cánh rừng cây đã thưa dần thay vào là những dinh thự, nhà cưả, hãng xưởng và kho hàng chen chúc.
Anh Trí nói rằng không nên đi vào New York ngay, vì thành phố chật chội đông đúc rất khó lái xe và kiếm chỗ đậu xe, nên chúng tôi dừng lại ở New Jersey City để ăn tối ngủ và qua đêm.
Trời vẫn ấm và đầy mây mù. Anh Trí nói suốt sáu tuần lễ vừa qua trời giông bão mãi, chiều nào cũng mưa gió tầm tã. Bởi thế, chúng tôi đi sớm để tránh mưa, trực chỉ Liberty State Park của New Jersey.


Có người nói rằng "Không ở đâu có thể nhìn thấy New York đẹp hơn nhìn từ New Jersey." Ðiều này rất đúng. Từ bờ vịnh New York, bên New Jersey nhìn qua, phố Manhantan sừng sững uy nghiêm trong sương sớm. Bao bọc bởi vịnh nước êm, phố Manhantan cao ngất không cây cối cành lá che phủ như một búp huệ vượt cao trơ trụi vào những ngày đầu xuân ở bắc Mỹ. Làn sương xám mỏng trên thành phố giống như một mảnh voan che đầu người góa phụ trẻ xinh đẹp trong những ngày đầu tang chế. Nhưng chỉ cần chờ mặt trời mọc lên, búp huệ kia sẽ nở bung mầu đỏ cam tươi thắm sung mãn, đâu cần chi lá cành. Chỉ cần một thời gian ngắn thôi, người góa phụ trẻ trung sẽ bị lôi cuốn ngay vào dòng đời nhộn nhịp, đã mấy ai cưỡng lại được.
New York cũng vậy, dù nỗi đau buồn ngày 11 tháng 9 còn đang ám ảnh, người ta đã chuẩn bị xây lại tòa cao ốc mới hơn và đẹp hơn kia mà.
Ðậu xe vào bãi đậu của của Liberty State Park, chúng tôi đi bộ băng qua nhà ga của Central Railroad. The Central Railroad of New Jersey Terminal viết tắt là CRRNJ được xây từ năm 1889. Từ năm 1890-1915, mỗi ngày đã có hàng chục ngàn người di chuyển qua những chuyến phà và những chuyến xe lửa ở đây.
Mặc dù nhà ga đã cũ, nhưng to lớn và chưa mất đi vẻ chắc chắn, uy hùng của một thời thịnh vượng. Những hàng cột gỗ gầy gò đen thui, như những ông lính gìa nặng lòng yêu nước, vẫn hiên ngang chống đỡ mái tôn cũ đã bạc mầu, và hàng hàng lớp lớp những thanh sắt lớn đã rỉ sét còn nằm ngay ngắn, được nối bằng những khúc gỗ vuông vắn trên nền đá sỏi trắng.
Phía cuối của sân ga, sát mé bờ nước, là một căn nhà lớn xây kiên cố bằng gạch đỏ gần như hoàn toàn bỏ hoang, nhưng bước hẳn vào trong mới thấy một vài quầy hàng bán đồ kỷ niệm. Nơi giữa nhà là quầy bán vé cho những chuyến phà chở người qua thăm New York, tượng Nữ Thần Tự Do, và sở hải quan cũ, trước đây kiểm soát người di dân vào nước Mỹ, trên đảo nhỏ Ellis Island.
Ðứng giữa nhà ga được xây cất từ năm 1889, bị bỏ hoang từ năm 1967, bán cho nhà nước năm 1968 và được trùng tu để đón du khách từ năm 1976, khách du tới đây đã không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến thời đại huy hoàng của nơi đã đưa đón hàng triệu triệu người hành khách này .Chắc hẳn nó đã bận bịu tất bật lắm. Khách tới đây tưởng như có thể nghe thấy tiếng còi rít lên khi những con tầu chuyển bánh, như ngửi thấy mùi khói khét lẹt và trong đám bụi mờ hư ảo như thoáng hiện những con người đủ mọi tầng lớp giầu nghèo, chủ tớ, người vui kẻ buồn, người và vật, hành lý ngổn ngang.
Tất cả bây giờ đâu rồi, với qúa khứ và tương lai" Những linh hồn đó bây giờ về đâu" Trong đám sương mù" Ở lớp bụi bao phủ sân ga" Hay là trong dòng nước chảy êm đềm dưới lòng vịnh"
Chúng tôi không có thời giờ để ngẩn ngơ lâu, vì anh Bảo đã lấy vé cho chuyến phà qua New York. Chiếc phà mầu trắng hai tầng, trông giống như những chiếc phà ở Vàm-Cống Mỹ-Thuận, đến đón chúng tôi. Nó trông tựa như một con cá voi khổng lồ với cái miệng há ra toác hoác từ từ nuốt chửng đám hành khách, rồi nó sẽ lại nhả ra và nuốt vào, nhả ra và nuốt vào ở mỗi trạm ngừng. Trạm ngừng đầu tiên là hòn đảo nhỏ Ellis island, sau đó là tượng Nữ thần Tự Do, và sau cùng là khu phố Mahattan bên New York city.
Mặc dù trời hơi mù, nhưng mặt nước êm và thời tiết ấm mát, rất tốt cho một ngày du ngoạn, quên hết những lo lắng bon chen thường ngày, khách du phấn khởi xôn xao với thành phố cao ngất và biển nước mênh mông của New York City. Kể cả anh Bảo, người đang lo lắng suy tư về chuyện cá tra, bây giờ cũng tỏ ra rất thú vị.
Khi phà ra đến giữa dòng, gió mát thổi nhẹ bay bay mấy cộng tóc phèn ăn còn lại của anh Bảo, anh thở ra khoan khoái. Gương mặt anh những lúc bình thường hay nhăn nhó nên ít ai nhận ra hết vẻ đẹp ẩn tướng hiếm quí này. Hôm nay nhờ gió mát và phong cảnh hữu tình, các bắp thịt cau có trên mặt từ từ dãn ra, trông anh tươi tỉnh không khác gì Kha Luân Bố khi tìm ra nước Mỹ cả.
Bé Bô thì thích quá, phải trèo lên tận mũi phà ở tầng trên, đứng dựa vào lan can trông giống như cô Rose trong phim Titanic.
Từ đằng xa, nổi bật trên mặt nước xanh êm và nền trời xám mỏng là những mái tròn bằng đồng và đỉnh nhọn cao vút của Immigrant House trên đảo Ellis. Căn nhà được xây theo những kiến trúc cổ như một cung điện trong hoàng thành, nửa London nửa Bangkok. Cái mầu gạch đỏ hồng và viền trắng làm vui hẳn bầu trời xám và khung cảnh tĩnh mịch của hòn đảo. Trong nhà được trưng bày những dữ kiện, hình ảnh, và kỷ vật của nhiều lớp dân di cư từ khắp nơi trên thế giới. Trong khoảng 100 triệu di dân đến đây, đã có 1,2 triệu di dân tị nạn người Việt trên đất Mỹ.
Căn nhà 2 tầng này có vòm mái rất cao, giữa nhà để trống như một cái sân chầu lớn. Chính nơi đây trước kia mỗi ngày đã có nhiều ngàn người đứng sắp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh. Trong những căn phòng ở chung quanh là nơi trưng bày lịch sử của dân di cư. Cái cửa biển này, với bến ga, nhà di trú, bên cạnh tượng thần Tự do, được mệnh danh là The Gateway to America. Nó đã thâu nhận bao lớp người di cư. Những người này đến từ khắp nơi mang theo bao sự khác biệt, và họ đã làm cho nước Mỹ thật độc đáo và đặc biệt. Căn nhà này, the House of Immigrant, là nhân chứng sống động cho công cuộc xây dựng một quốc gia vĩ đại.
Phà chỉ tốn mấy phút là đã đưa chúng tôi từ Immigrant House tới Statue of Liberty. Bức tượng đã được đúc hơn một trăm năm đứng sừng sững ở cửa biển New York. Cái mầu đồng đen nguyên thủy uy nghi thuở nào, qua bao nhiêu sương gió, nay đã hoàn toàn ngả qua mầu xanh lá cây êm diụ. Từ sau ngày 11/9 vì lý do an ninh, du khách không còn được sắp hàng dài trèo lên trong lòng tượng nưã, rất tiếc!
Ðứng từ dưới chân nhìn lên bức tượng khổng lồ, tôi cảm thấy mình như một đứa bé con. Ðối với tôi, bức tượng thật, với cái váy rộng loà xòa dưới chân, nhìn giống như một bà mẹ hơn là một nữ thần. Một bà mẹ có khuôn mặt nghiêm nghị, nhưng nhân từ rộng lượng, đứng bên cánh cổng nhà, chờ đợi đứa con lạc lõng khốn khổ. Một tay bà cầm cuốn sách kinh để cầu nguyện, tay kia giơ cao ngọn đuốc để soi đường.
Ăn trưa xong, rời hòn đảo nhỏ với tượng Thần Tự do, phà chở chúng tôi qua phố Manhattan, trung tâm thương mại của thế giới. Trước đây chỉ nhìn qua hình ảnh, hôm nay đến tận nơi chúng tôi mới thấy sự khác biệt. Bầu trời New York chật hẹp, nhưng cao như vô tận với những căn nhà chọc trời ngất ngưởng (mặc dù không còn Twin Tower). Người dân (hay du khách) trên phố Manhattan rất đa dạng. Ta có thể phân biệt họ bằng tiếng nói. Người ta nói đủ thứ tiếng : Nga, Tây, Tầu, Nhật, Ấn độ, Ả rập, Latin v.v... Ði bộ (nếu không muốn đi bus hay taxi) trên phố Manhattan tôi như sống trong một thế giới mới, thấy mình thật nhỏ bé.
Chúng tôi dừng lại ở một công viên cạnh bờ vịnh phía nam để coi một ban nhạc Mỹ đen trình diễn break dance. Hay quá chừng, anh Bảo phải kiễng cả hai chân lên mà nhìn cho rõ. Anh Trí thì lấy máy camera mà quay rối rít. Bé Bô đứng khoanh tay, ra điều ta đây bình tĩnh như một nhà phê bình chính hiệu, nhưng chỉ một lát sau là cô ta bắt đầu nhúc nhích hai vai, hai khuỷu tay, và dần dần cả thân người theo nhịp điệu. Vừa vui, vừa hay, vừa sống động, lại vừa rẻ (muốn bỏ vào bao nhiêu thì bỏ, lẩn đi cũng chẳng ai hay).
Nghe nói ai thích shopping thì đây là nơi lý tưởng, hôm nay chúng tôi không có nhiều giờ, nên sau khi ghé uống mỗi người ly nước và mua một vài món đồ kỷ niệm thì trời đã chiều và sắp mưa. Không muốn đi taxi chúng tôi đi bộ ngược về hướng tây bắc (")để đến thăm "Ground Zero", cái nền còn lại của Twin Tower . Tôi đã từng xem hình ảnh trên TV, báo chí và trên mạng, nhưng khi nhìn tận mắt cái nền đất lõm xuống ngổn ngang những gạch sắt, tôi mới thực sự cảm nhận được sự mất mát to lớn; Tôi mới nhìn ra cái lỗ trống to lớn trên bầu trời New york, cái lỗ trống to lớn trên một mặt đất đã từng rất chắc chắn, kiên cố của Mỹ quốc; Tôi hầu như cũng nhận ra cái khoảng trống to lớn và âm u trong lòng những người dân Mỹ. Ðối với tôi, nó cũng là một mảng lớn của lịch sử nhân loại trong một thế giới tân tiến, dần dần thu nhỏ đối với biên giới không gian cuả kỹ thuật, và mở rộng với những giận dữ, căm ghét, và hoang mang của lòng người.
Trời đã bắt đầu đổ mưa khi chúng tôi đến Ground Zero, năm giờ chiều của một ngày dài. Hứng những giọt mưa lạnh trên mặt và nghe những xót xa trong lòng, tôi nhận thấy bóng tối đã xuống thật sớm cho một buổi chiều mưa gió. Chúng tôi đã thấy thật nhiều, đủ để ghi nhớ thật lâu.
Phà ghé bến New York cho chúng tôi về bên New Jersey để lấy xe. Mọi người lặng lẽ nhìn ra trời mưa bên ngoài, không biết vì mệt hay đang nghĩ ngợi gì. Riêng tôi, nhìn những hạt mưa nặng phủ trùm trên thành phố và gợn sóng lăn tăn trên mặt vịnh, tôi muốn khóc khi nhớ đến những chiều mưa bên quê nhà. Xứ người cải tiến không ngừng, khó khăn đấy rồi cũng vượt qua, như những bông huệ rực rỡ vươn lên sau mùa đông. Tôi nhớ đến bài hát: "God Bless America". Tôi cũng cầu xin thượng đế chúc lành cho dân nước Việt. Tôi thực sự chờ mong buổi sáng mai cho mặt trời lại mọc lên.
Anh Bảo từng tâm sự rằng về VN thấy anh em và người trong làng xóm khổ quá, anh đã coi thử xem có thể làm gì cho những người nông dân chân lấm tay bùn này có cuộc sống khá hơn không . Thấy mọi người đang hăng say nuôi cá basa, anh cũng mừng thầm.
Bây giờ vụ kiện cá basa có ngã ngũ ra thế nào cũng không tác động gì nhiều đến xứ này, nhưng nếu VN thua kiện.. thì .. than ôi: Người anh trai của ông và bao nhiêu gia đình nông dân đang nuôi cá ở Long Xuyên, Cần Thơ và Rạch Giá sẽ ra thế nào"
Những "Ðỉnh cao trí tuệ" thì cũng chẳng hề hấn gì rồi, nhưng nông dân nghèo với số tiền mượn nợ để nuôi cá gánh trên vai, thì còn có chỗ trống nào để mà "chịch ngang" được nữa!

Iris Ðinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,244,839
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến