Hôm nay,  

Cưới Vợ

01/06/200300:00:00(Xem: 178415)
Người viết: TỐ TÂM
Bài tham dự số 3216-814-vb5053

Tố Tâm là con gái áp út một gia đình HO 9, hiện cư trú tại Camarillo, California, tác giả bài viết mang tên “Tương Lai” đã được phổ biến trên Việt Báo. Bài viết mới của Tâm lần này là một truyện kể rất tươi tắn, linh hoạt.
*

Con Lan cằn nhằn: "Anh tư, bộ mấy con bạn em dắt về hôm bữa anh tư chọn không được con nào hả" Anh tư kén quá rồi coi chừng ở giá luôn cho mà coi".
Tôi biết con Lan lo kiếm bồ..... cho tôi dữ lắm. Nó cứ đôn đáo hễ gặp được đứa con gái nào ở trường học, trong shopping hay ngoài chợ mà coi bộ được được là nó nhào tới làm bạn rồi kiếm cách "dắt" về nhà cho tôi coi mặt. Tôi hiểu tâm trạng con Lan lắm. Nếu thằng anh chưa cưới vợ thì con em làm sao mà lấy chồng được. Cưới hỏi cũng phải có thứ tự lớn trước nhỏ sau chớ bộ.
Người ta cưới vợ thấy dễ y như thò tay vào túi áo lấy ra. Còn tôi, sao mà thấy khó khăn kinh khủng vậy không biết. Thằng Minh, mới gặp ở quán café tháng trước tuyên bố còn độc thân, đùng một cái, hắn về Việt Nam ba tuần, ăn đám cưới con em họ, qua lại Mỹ hắn hồ hởi thông báo: "Ba tháng nữa tao về Việt Nam cưới vợ. Con bé, à, con vợ tao trẻ hơn tao chỉ có mười một tuổi thôi. Ừ, nhỏ hơn con bé Hà em út tao nhưng được cái nó biết điều lắm! Gặp nhau được ba ngày, tao biểu đi Đà Lạt chơi với tao. Nó không chịu, nói là phải xin phép ba me trước đã. Mày hỏi ổng bả có cho đi không hả" Ổng bả còn dúi cho nó một cục tiền, biểu: "Cầm đi mà tiêu vặt chớ đừng xài tiền của anh". Lúc đưa tao ra sân bay, ổng bả cũng có đi tiễn nữa. Còn con bé thì cứ ôm cổ tao mà thút thít: "Anh nhớ về sớm. Em nhớ anh chết đi được!" Tháng tư này tao về làm đám cưới. Mày rảnh thì về làm phụ rể cho tao. Con bé còn có mấy con bạn cũng dễ thương lắm. Tao sẽ giới thiệu cho mày".
Thằng Minh kể chuyện cưới vợ của hắn nghe mà còn dễ hơn cả cái chuyện tôi đi hộ tống bà chị Thu và con nhỏ Lan đi shopping. Đi shopping vào cuối tuần thì phải chạy lòng vòng kiếm cho ra cái chỗ đậu xe. Sau đó thì phải lẽo đẽo đi theo xách túi to, xách nhỏ... những thứ mà họ khen rẻ và mua được. Đi hai ba tiếng đồng hồ khi mà mắt muốn nổ đôm đốm, tôi rên rỉ đòi về thì chị Thư trừng mắt: "Con trai gì mà không có kiên nhẫn. Tập cho quen đi để rồi mai mốt còn phải đi hầu vợ." Con Lan thì dụ dỗ: "Anh tư đi theo tụi em để... học hỏi kinh nghiệm bữa sau còn biết mà mua quà cho bạn gái."
Hết đường trốn tránh cho nên bữa sau hễ nghe chị Thu và con Lan rục rịch chuẩn bị đi shopping là tôi tự nhiên lăn đùng ra... đau bụng, nhứt đầu, lái xe hổng nổi.
Không riêng gì con Lan, chị Thu đã đi lấy chồng rồi nhưng cũng không nỡ lòng ngồi nhìn thằng em mình ê sắc, cho nên chị cũng đôn đáo hối thúc tôi, mặc khác chị cũng như con Lan, kiếm bạn gái "dắt" về giới thiệu cho thằng em. Ba tôi vốn ít lời, vậy mà cũng thả ra một câu nặng trịch: "Thằng tư, bộ mày tính ở vậy rồi bắt mẹ mày nấu cơm hả con"" Mẹ tôi tha thiết: "Cưới vợ đi để mẹ có cháu nội bồng. Còn không có thì mẹ nói dì năm ở Việt nam kiếm vài đám cho con về lựa." Cưới vợ mà mẹ làm y như là mua heo không bằng.
Tôi 32 tuổi, cao 5 feet 6. Không tốt mã như Châu Nhuận Phát, nhưng cũng không đến nỗi hom hem như ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Chung quy cũng tại cái con đường tình duyên của tôi nó long đong đó thôi.
*

Thanksgiving, tôi dắt Hương về (mục đích cũng là để ba mẹ tôi coi mắt). Ba mẹ chưa lên tiếng nhưng tiếng con Lan phát lên trước: "Cô này có cặp giò to như cột đình. Con gái mà đi đứng cứ như voi. Cưới về rủi lúc cơm không lành canh không ngọt, nó co cẳng đá chồng một phát thì toi đời. Con nhỏ Liên em dắt về hôm bữa coi bộ ngon lành gấp mười lần cái cô này...."
Tôi giới thiệu Hạnh, chị Thu trề môi: "Bộ mày đui à. Con gái gì mà cái 'mặt tiền' (ngực) phẳng lỳ như vậy lấy gì nuôi con. Con nhỏ Phương tao đem về bữa nọ 'tiền trước' 'hậu sau' (mông) nó đều có cả vậy mà mày không ưng lại đi ưng con này...."
Tôi cố nhẫn nhịn chỉ qua Nguyệt. Lần này ba mẹ tôi cũng chưa kịp lên tiếng thì cả chị Thu và con Lan nhảy sồ ra: "Trời đất, mắt một mí, sau này sẽ đẻ ra một bầy con mắt một mí. Tiền đâu mà cho nó đi cắt mắt. Với lại con gái gì mà nói giọng the thé. Loại này không hãm tài cũng thuộc loại lẳng lơ...." Tôi nghe mà dựng tóc gáy. Cưới vợ cho tôi mà họ lại đi "chấm" từ đỉnh đầu cho tới ngón chân cứ y như mấy bà đi chợ mua cá phải vạch mang dòm mắt coi thử cá còn tươi hay đã bị ươn.
Mẹ tôi hiền từ. Mẹ không "chấm" vợ cho tôi. Mẹ nói miễn người nào mà tôi thương là mẹ đồng ý. Nhưng tôi cũng phải lẹ lẹ kiếm cho được người để "thương" rồi cưới về làm vợ đặng đẻ cháu nội cho mẹ bồng chớ mẹ nôn nóng lắm rồi. Nói thì dễ nhưng làm sao nó lại khó quá trời vậy không biết. Những cô gái mà nhan sắc và học vấn ngon ngon một chút thì tôi "chấm" họ chớ họ đâu có chịu "chấm" cái thằng technician tôi. Xung quanh họ đã có mấy thằng cha bác sĩ, kỹ sư xúm xít đưa đón rồi. Còn mấy cô chịu liếc mắt tới tôi thì đã bị chị Thu và con Lan chấm rớt ngay từ đầu. Hay là noi gương thằng Minh về Việt Nam kiếm vợ" Ở đó có khối gái đẹp mà mình còn được coi như ông hoàng nữa.
Tôi đem cái ý định về Việt Nam "cưới vợ" ra hỏi mấy thằng bạn. Thằng Hải cười cười: "Tao thấy cưới vợ ở Việt Nam, mỗi tháng phải chi ra một số để nàng gởi về biếu bố mẹ, anh chị em nàng. Nàng làm cái việc này thì bố mẹ mình, anh chị em mình không vui, mà họ không vui thì mình cũng không vui. Còn nếu nàng không làm chuyện này thì bố mẹ, anh chị em nàng buồn. Như vậy nàng cũng sẽ buồn. Mà nàng buồn thì mình cũng không được vui". Thằng Hải là dân địa ốc, chuyên buôn bán nhà cửa. Lúc nào cũng tính tiền bằng cái máy tính nhỏ xíu bỏ trong túi áo. Thằng Vinh lừ khừ: "Về cưới vợ ở Việt Nam, quen nhau vài ba bữa thì biết cái gì mà thương với yêu. Nó chịu làm vợ mình chẳng qua là vì nó muốn được đi Mỹ. Mình cưới nó chẳng qua là mình cần một con đàn bà, thứ mà bên Mỹ mình kiếm không được mới chạy về Việt Nam kiếm. Cưới vợ ở Việt Nam theo tao chẳng qua là một cái hợp đồng trao đổi, một bên được một con đàn bà, còn một bên thì được đi Mỹ. Thằng nào tốt số thì cưới đụng cái đứa biết nghĩ, còn xui xẻo thì gặp cái đứa ngựa trời qua đến Mỹ nó xù mình để đi với thằng khác lúc nào cũng không hay. Tao thì tao kinh cái khoản này lắm!"
Thằng Thịnh có vẻ lạc quan hơn: "Con gái bên Việt Nam nó chiều chuộng mình hơn con gái bên này, mà lại đẹp nữa. Theo tao thì lúc mới đem em qua, đừng cho học lái xe. Cho em cái 'bầu' liền lập tức. Lúc đó em chỉ việc ngồi nhà chờ sinh con". Nghe mấy thằng bạn bàn ra tán vào mà tôi chột dạ không biết đường nào mà lần. Thôi thì chờ duyên số.


*
Rồi duyên số cũng tìm đến tôi. Kỳ này gặp Nhi, tôi quyết định để tự mình "chấm" chớ không dắt về cho người nhà "chấm" nữa. Qua mấy kỳ
dắt "vợ tương lai" về ra mắt không thành, tôi nghiệm ra rằng cưới vợ là cưới cho tôi, bởi vậy chỉ có tôi mới là người duy nhất để "chấm" . Nhi không đẹp; cái gì ở Nhi cũng không đúng cách gọi là hoàn hảo, nhưng cũng không rớt vô những cái khuyết điểm mà ở mấy cô bạn trước của tôi bị chị Thu và con Lan đi ra đi vô chê bai. Nghĩa là Nhi có đôi mắt không đẹp mơ màng như tranh vẽ, hay nói đúng hơn là như những đôi mắt của các cô thiếu nữ mà các nhà văn đã tả. Đôi mắt của nàng vượt ra khỏi tầm "chê bai" của chị Thu. Đôi mắt của nàng có hai mí. Đôi chân nàng thon nhỏ cho nên cũng khỏi lọt vào lưới phàn nàn của con Lan. Nhi nói năng nhỏ nhẹ và rất hiểu biết. Nàng đã học xong đại học ngoại ngữ bên Việt Nam cho nên từ vựng Anh ngữ của nàng khá vững. Nàng đến Mỹ với diện du học sinh.
Rồi cái gì đến cũng đến. Nhi sắp hết hạn phải về lại Việt Nam. Nàng đề nghị: "Hay là mình làm hôn thú trước". Có hôn thú Nhi mới hợp pháp ở lại Mỹ. Tôi đem nàng về gia đình và trình bày lại ý định làm hôn thú trước rồi thủng thẳng làm đám cưới sau. Con Lan tru tréo: "Cô này đích thị là con cán bộ rồi. Chỉ có bọn cán bộ tham ô tham nhũng mới có đủ tiền cho con đi ra nước ngoài học. Nhà mình không chứa cộng sản". Con Lan là đứa chống cộng tuyệt đối. Những cuộc biểu tình cộng sản ngoài phố Bolsa nó đều có mặt và hô đả đảo đến khản cổ. Nó cố chấp. Nó cho tất cả những du học sinh là "cộng sản con". Chị Thu thì lo lắng sợ tôi bị lợi dụng tình cảm. Có nghĩa là chị sợ Nhi đã đến ngày hết hạn phải về Việt Nam nên phải quơ quàng lấy tôi chớ không có thương yêu tôi thực lòng. Tôi trấn an chị rằng tôi và Nhi cũng quen nhau lâu rồi nhưng tôi chần chừ chưa dắt về ra mắt đó thôi. Nhi ngoan hiền thế kia, con kiến cũng không dám giết thì làm sao mà lừa gạt được ai. Cái bữa tôi đến đóng lại bàn học cho Nhi, lỡ tay bị trật cái búa vào tay làm sưng u lên một cục, nàng vừa chườm nước đá cho tôi vừa rưng rức khóc. Ba tôi bị phân tán tư tưởng từ con Lan. Cuộc đời ba đã trả giá gần mười năm trong tù cộng sản. Giờ có một đứa con dâu lại là con cộng sản thì có khác nào "rước voi về giày mả tổ", ba nói như vậy. Mẹ buồn hiu hắt. Mẹ thương cho cái số vợ con của tôi nó long đong.
Sau khi kiếm rõ lý lịch ba đời của Nhi bên Việt Nam, ba đồng ý cho tôi và Nhi làm hôn thú. Ba Nhi hồi xưa là giáo viên trường tiểu học, bây giờ về nhà buôn bán. Kinh tế khá.
Sau đám cưới vợ chồng tôi dọn ra ở riêng. Căn hộ nhỏ, gọn gàng. Nhi có óc mỹ thuật nên sắp xếp, trưng bày đồ đạc khá gọn gàng và đẹp mắt. Hằng ngày tôi đi làm, Nhi đi học. Cuối tuần chúng tôi dắt díu nhau nhà thăm ba mẹ. Nhi có biệt tài nấu ăn. Mỗi tuần nàng làm một món. Ba tôi gật gù: "Người đàng bà vun đắp hạnh phúc gia đình từ cái bếp." Mẹ tôi mừng ra mặt vì có được con dâu khéo. Thỉnh thoảng tôi kéo bạn bè về nhà cho Nhi hầu cơm nước để tôi "khoe vợ".
*
Tôi mới vừa đi làm về thì chị Thu gọi, giọng chị sưng sỉa: "Tư, mày nói tao nghe, khi nào thì con Nhi nó đem cha mẹ nó qua"" Tôi lúng túng. Giọng chị Thu đanh lại: "Em ơi, con vợ mày nó mượn mày làm cái chỗ để nó cõng cha mẹ dòng họ nó qua Mỹ đó thôi. Tao biết ngay từ đầu." Nóng mặt, tôi quát lại chị: "Chị im đi! Vợ em có hiếu thì nó phải lo cho cha mẹ nó chứ! Nhưng sao em không biết chuyện này"" Chị Thu bù lu bù loa: "Mày mắng tao, mày binh con vợ mày& hu hu. Bà Tảo gặp tao ở chợ Vĩnh Phát bả hỏi 'Chừng nào con vợ thằng Tư bảo lãnh cha mẹ hắn qua.' hu hu". Trời, chỉ mới nghe người ta đồn thôi mà đã làm ầm lên rồi. Rắc rối! Tôi chạy xe về mẹ. Vừa mở cửa bước vào đụng ngay con Lan. Nó mát mẻ: "Chị Nhi khôn ghê, đám cưới xong đòi ra ở riêng đặng có chỗ rước ba mẹ chỉ qua!" Tôi tái mặt. Nó bồi thêm: "Cưới nhau được ba năm rồi mà không chịu đẻ con là có mục đích riêng rồi". Thiệt "giặc bên Ngô cũng không bằng mấy bà cô bên chồng" quả không sai.
Dạo này vợ tôi có vẻ hơi buồn. Tôi dụ dỗ: "Mình sinh con đi em. Có đứa con tối về nghe tiếng nó khóc cũng vui". Nhi giãy nảy: "Có đứa con nó quấn cẳng em học không được". Tôi thở dài. Nhưng cũng ráng chìều vợ, tôi bảo: "Mặc đồ anh chở đi shopping". Nhi than mệt, muốn nằm nhà. Đàn bà thật khó hiểu.
*

Hãng hết hàng, cho nhân viên về sớm. Không biết rồi cái vấn nạn kinh tế tới bao giờ mới nhích lên được. Hy vọng sau khi kết thúc chiến tranh bên Iraq. Chứ với cái đà kinh tế bây giờ, đi làm mà ruột cứ nơm nớp lo sợ không biết sẽ bị lay-off ngày nào. Về sớm nên tôi ghé tiệm Hiển Khánh mua cho Nhi bịch chè táo xọn. Lâu lắm rồi tôi không mua chè cho Nhi. Lúc còn là bồ, mỗi khi tới thăm, tôi tặng Nhi ly chè táo xọn, nàng nhảy cẫng lên mừng rỡ. Có tiếng rì rầm nói chuyện trong nhà. Đôi giày đàn ông để ngoài cửa. Người đàn ông ngồi ở ghế sofa trạc ba chục tuổi, mái tóc chải keo hất ngược lên. Gương mặt người đàn ông này nhìn quen lắm. Hình như tôi đã gặp ở đâu. Giọng Nhi run run: "Đây là anh Quốc..... bạn em ở Việt Nam mới qua chơi. Còn..... đây là chồng Nhi." A, cái gương mặt này tôi đã thấy trong tấm hình cỡ 3x5 trong ví của Nhi ngày nào. Tấm hình đó Nhi xé bỏ hay giấu đi sau khi nói cho tôi biết đó là hình của người bồ cũ của Nhi ở bên Việt Nam.
Giọng Nhi nhỏ như sắp hụt: "Em có tội với anh. Không có anh thì em không ở lại Mỹ được đến ngày hôm nay. Nhưng tội nghiệp anh ấy. Anh ấy bỏ tiền ra cho em đi học rồi đóng tiền học bên đây cho em chớ ba mẹ em làm gì có tiền. Giờ chán cuộc sống bên đó, anh ấy muốn em giúp để ở lại Mỹ, lẽ nào em làm ngơ. Bây giờ thì tùy anh..."
Tôi lia bút ký soạt một cái vào tờ ly dị.
*
Là đàn ông, cái dở nhất là không giữ nổi người vợ cho riêng mình. Tôi là một tên đàn ông thất bại. Tôi nợ đời tôi một bài học. Tôi nợ ba mẹ tôi, chị em tôi và bạn bè tôi một lời nguyền "thân cộng". Thằng Vinh chỉ mặt tôi: "Mày, chính mày là tên tiếp tay cho việt cộng. Cái thằng bồ của con vợ cũ mày là một tên vụ trưởng. Nhờ mày nó mới được qua đây." "Câm!" Tôi quát. Thằng Vinh rót bia vào ly cho tôi, bia sủi bột tràn ra ngoài. Tôi cầm nốc cạn ly bia. Trong đáy ly, tôi loáng thoáng thấy mặt Nhi đầy nước. Rồi tôi thấy mặt tên đàn ông ấy....
Choảng!!!
Tôi ném cái ly. Mảnh thủy tinh vỡ vụn tung tóe dưới nền gạch. Tan rồi -- một hạnh phúc.
TT

Ý kiến bạn đọc
21/07/201804:27:58
Khách
có nhiều thằng biết bão lãnh mấy người VN qua như choi trò may rũi , sợ thì sợ nhưng họ kg ngán , thằng bạn tui về VN cuới vợ bão lãnh 3 lần đều bị 3 mụ bốc hơi biến đi qua tiễu bang khác sống( với thằng khác ) .....vậy mà nó còn đòi về cuoi thêm mụ khác nữa , ..nó tưởng là nó còn ngon lắm ...... lạy thánh luôn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến