Tác giả Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Maryland. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ, trong số này có bài “Chuyện Cấm Đàn Ông” hơn 5 tháng qua nằm trong danh sách “top 10” được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Lần này, “Viết Cho Em Trai Tôi” là chuyện một gia đình người lính Việt Nam Cộng Hòa, từ tháng Tư 1975. Gần 30 năm, từ quê nhà ra hải ngoại, tù ngục, chia lìa, khổ nhọc, phấn đấu... Chỉ là chuyện bình thường của mọi gia đình H.O. tại Mỹ, nhưng với lối viết đầy chân tình của Karen N. Nguyen, trở thành một tình ca gia đình đầy yêu thương, xúc động, tự hào.
*
Mẹ sinh em năm Sửu.
Bố gọi điện thoại ở chỗ làm vào nhà bảo sanh, bà ngoại nói với bố là em cân nặng 2 kg 3. Bố nghe sao lại tưởng là em cân nặng 3 ký lô 2, đến lúc vào nhà bảo sanh thì bố mới thấy cậu con trai đầu lòng của bố, cháu đích tôn của ông bà nội, người nối dõi tông đường của Nguyễn gia, là một chú bé nhỏ xíu.
Các bác bạn của bố về sau còn đùa bảo là bố vào sở làm bảo với bạn bè là em chỉ nhỉnh hơn cái chai bia 33 có chút thôi. Chị lúc đó đã là một cô bé 9 tuổi, đến lúc mẹ đem em về nhà, chị xin mẹ cho chị bế em, em nằm trong vòng tay chị như một con búp bê tí hon, con búp bê có mái tóc đen hơi quăn quăn biết nheo nheo mắt nâu và chum chúm môi hồng dễ thương vô cùng. Chị không hề ganh tỵ với em, dù biết rằng với ông bà nội thì em bây giờ là số một, còn chị thì xuống thứ hai.
Em tuổi Sửu mà chẳng xổ sữa đô con chút nào hết. Theo thời gian em chỉ lớn chiều dài mà chẳng lớn chiều ngang, mẹ hay đùa bảo chắc mai mốt con trai mẹ thành thư sinh trói gà không chặt quá đi. Vậy chứ chiều nào bố đi làm về cũng hay dắt em ra phố chơi, em thích ngồi xe buýt đi cùng trời cuối đất với bố. Bố dắt em ra bến Bạch Đằng đi phà qua lại trên sông, xem mấy con tàu thật lớn giăng cờ xí đủ màu neo ngoài đó. Rồi em với bố là khách hàng quen thuộc của bà xẩm già bán đồ chơi ngoài chợ, xe hơi nhựa nào bà bán em cũng có, mua về là tay chàng thư sinh bé nhỏ của mẹ táy máy tháo ngay 4 chiếc bánh xe.
Năm 75 tới em chưa tròn 2 tuổi.
Em còn quá nhỏ để mà nhớ cái thời điểm khốc liệt đau thương của Saigon và của cả gia đình mình. Em còn quá nhỏ không thể nào nhớ được tiếng đạn pháo xé trời của những ngày cuối tháng tư, tiếng Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng cộng sản và tiếng nhạc sĩ họ Trịnh hồ hởi hát bài "Nối vòng tay lớn" trên radio thành phố. Em còn quá nhỏ để mà nhớ bố ngồi thức thâu đêm với điếu thuốc lá trên tay, còn quá nhỏ để mà nhớ tóc bố mỗi ngày sau tháng tư đen tối đó lại dường như bạc thêm một mảng. Bố chúng ta, một trong những người lính Việt Nam Cộng Hòa kiên quyết không di tản mà ở lại chiến đấu đến tận giờ phút cuối cùng, giờ phải bỏ quân phục của mình, vất bỏ súng ống của mình, chờ đợi thông báo của cái gọi là ủy ban quân quản thành phố để mà đi cải tạo. Em còn quá nhỏ để nhớ cái ngày bố ra khỏi nhà đi “trình diện học tập”. Đó là ngày thứ sáu mười ba, cái ngày theo dân Tây Phương thì xấu không thể tả. Chập choạng tối ngày hôm đó bố vác cái bao hành lý đi ra khỏi nhà, em thì vẫn còn đi chưa vững và nói chưa sõi, em cứ níu tay mẹ xin được đi theo bố, rồi em ngơ ngác không hiểu sao cả mẹ và chị nước mắt nhạt nhòa dõi theo bóng bố rời xa.
Bố đi biền biệt. Nhà nước Việt Cộng bảo là cấp bậc như bố thì phải đi cải tạo một tháng. Tháng này nối tiếp tháng kia, bố chẳng trở về. Không thư từ, không tin tức cả hơn năm trời.
Ngày đổi tiền đến. Tối mịtmà vẫn chưa đến phiên nhà mình đổi tiền mới. Chỉ có cơm với nước mắm kho quoẹt. Em khóc đòi mẹ mua "bông bông cải" ăn với cơm. Chị dỗ em ăn cơm mà ráng nuốt nước mắt vào lòng, không muốn để mẹ thấy rồi mẹ lại đau khổ hơn.
Em chỉ vòi vĩnh có lần đó mà thôi. Em an phận lớn lên bằng khoai mì suông chạy chỉ đen thui, bằng khoai lang sùng đắng nghét, bằng bo bo nhai mỏi cả răng, bằng gạo mục đầy bông cỏ, bằng mì ướt mốc meo phơi nắng cho khô. Em ốm nhom đến nỗi gió thổi cũng có thể cuốn em bay mất. Vậy mà khi em đến tuổi đi học, em đã làm mẹ và chị ngạc nhiên vô cùng khi em vỗ ngực xưng rằng từ nay em sẽ là "người đàn ông gánh vác việc nhà". Cậu bé đứng chưa cao hơn cây chổi quét nhà mà dám đảm nhận trọng trách như vậy, mẹ nghe em nói mà nước mắt vòng quanh.
Em nói và em giữ lời hứa của mình. Ngoài giờ học em về nhà là lo quét nhà, lau bụi cửa sổ. Chị giặt quần áo và đem phơi thì em phụ gấp quần áo khi chúng đã khô. Em tự lo bài vở ở trường, không đợi đến mẹ và chị kiểm tra, thúc giục. Em không có món đồ chơi nào ra hồn ngoài mấy sợi dây thun, mấy tờ giấy báo để dán diều và mấy lon sữa guigoz đục lỗ để em nuôi dế. Vậy mà em không than thở, khóc lóc hay đua đòi có cái này cái kia như mấy đứa bạn học trong lớp hay mấy đứa con cán bộ bên nhà hàng xóm. Em như cái mầm nhỏ bé, gặp phải mảnh đất khô cằn nhưng vẫn ráng vươn lên không chịu lụi tàn.
Mẹ viết thư cho bố, thư nào cũng có chuyện kể về em cho bố hay. Bố viết thư về hỏi thăm con trai của bố, em đọc rồi hỏi mẹ có biết bao giờ bố về hay không. Câu hỏi đó mẹ không bao giờ trả lời được. Người ta mang bố lên tít mù vùng núi thượng du Bắc Việt, cả mấy tháng trời bố mới gởi một lá thư về nhà.
Mãi đến năm 79 xảy ra chiến tranh với Trung Quốc bố mới được dời về trại giam ở Hà Sơn Bình. Mẹ ngồi xe lửa 3 ngày 3 đêm, lặn lội gần cả ngày trời nữa mới tìm được đến trại giam để thăm bố. Mẹ gặp bố chưa tới 1 ngày, rồi lại lặn lội trở về miền Nam, rồi lại 3 đêm 3 ngày ngồi bó chân trên chuyến tàu Thống Nhất chuyến tàu có cái tên lý tưởng mà thực tế lộ trình chứa đầy bao bất trắc, gian nan.
Vậy mà năm sau, mẹ dũng cảm dắt hai chị em ra thăm bố. Đến ga Huế 2 chị em xuống mua cơm dĩa, bận mua bán thế nào mà tàu huýt còi chạy 2 chị em mới hay, chạy theo nhảy được lên tàu mà 2 đứa hết cả hồn, xém chút nữa là thành 2 đứa trẻ tha phương cầu thực ở xứ lạ quê người rồi.
Vào đến trại giam, ba mẹ con ngồi trong phòng đợi của trại. Hôm đó cũng có nhiều người từ miền Nam ra thăm thân nhân. Lúc dòng người tù bước vào cửa, chị nhìn trong số đó tìm được bố ngay. Bố già đi rất nhiều, ốm và đen thùi lùi. Bố mặc quần áo tù cũ mèm, mốc thếch, mang dép nhựa, không còn giống hình ảnh bố mà chị nhớ ngày xưa, lúc bố mặc quân phục gọn ghẽ, mai vàng trên cầu vai sáng lóa, giày đánh xi đen bóng, bước từ xe Jeep xuống. Em thì lại nhìn quanh nhìn quất, mãi đến khi bố đến gần, gọi tên em thì em mới thốt lên: "Bố ơi, nãy giờ con cứ nhìn mấy ông cao cao ở kia kìa, sao bố lùn thế"" làm chị và mẹ đứng ở gần há hốc miệng ngạc nhiên. Ừ, thì cũng đúng thôi, ngày bố rời nhà em đi vẫn chưa vững, làm gì em nhớ được bố ra sao. Mấy tấm hình bố mặc quân phục, về sau mẹ lấy kéo cắt bỏ hết, chỉ còn chừa lại phần hình có khuôn mặt bố thôi, rồi mẹ cũng cất vào ngăn tủ, chỉ còn một tấm chân dung của bố treo trên tường, ngày ngày ra vào em thấy, trí óc bé nhỏ thơ ngây của em cứ vẽ vời cho là bố cao lớn vô cùng.
Ba mẹ con được ở chung với bố trong một cái chòi nhỏ chỉ có độc một cái giường tre chơ vơ cạnh một cái ao trong một đêm, rồi hôm sau lại phải ra về. Trong đoàn người vào thăm thân nhân ở trại, em là người bé nhất, bé đến nỗi em lấy thử cái áo tù của bố mặc ướm vào thì áo dài đến chấm gót chân em. Bố dắt em qua mấy căn chòi kia giới thiệu cậu con trai với các bạn tù, có một ông bạn biết làm thơ nảy ý viết tặng bố một bài thơ dài, chị giờ chỉ còn nhớ có mấy đoạn thôi:
Áo bố mặc vào chấm gót chân
Mặc đi mặc lại mấy mươi lần
Nói sao được thấu lòng con trẻ
Thánh thót như là khúc nhạc xuân
Nắng hạ miền Nam trong sáng lắm
Ruộng vườn hoa trái nở xum xuê
Trăng ngàn gió bể soi đôi ngả
Gió lộng tự do bố chửa về…
Gió lộng tự do bố chửa về. Gió lộng tự do, nhưng người ta vẫn nhốt bố của chị em mình năm này qua năm khác. Mẹ thu xếp cho cả nhà ra thăm bố được một lần duy nhất. Mấy năm sau điều kiện tài chánh trong nhà eo hẹp, chỉ có một mình mẹ lặn lội đi thăm nuôi.
Mãi đến năm 83 bố được chuyển về trại Long Khánh, chị em mình mới gặp bố lại. Kỳ này cả nhà phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng đón xe đò, rồi sau đó còn phải ngồi xe lam thì mới vào cổng trại giam. Em vẫn là một cậu bé mảnh khảnh, lần nào mấy ông tài xế xe lam cũng nhét em ngồi trên nóc xe lam, xe chạy qua không biết là bao nhiêu ổ gà lớn nhỏ đủ cỡ trên đường vào trại, dằn xốc ghê hết biết, mẹ với chị tim đập lô tô sợ em văng té xuống đường thì khốn. Mà em bám vào xe lam giỏi thật là giỏi, lại chẳng có say sóng gì hết. Chẳng bù cho chị, nhiều lần xuống khỏi xe lam là mửa đến mật xanh mật vàng.
Em đã lớn, lên thăm bố em nhìn ra bố ngay từ phía tít xa. Và em xấu hổ khi chị nhắc lại chuyện lần đầu em gặp bố, em lại chỉ nhắm vào mấy bác có dáng người cao ráo, mà chẳng nhớ bố là ai.
Xuân sang, hè tới, thu đi, đông lại... Năm này nối tiếp năm kia, em lớn dần lên trong tình thương của mẹ và chị trong ngôi nhà vắng bố. Em đã biết sửa bóng đèn hư, không còn phải để mẹ hay chị lui cui bắt thang lên thay nữa. Vòi nước rỉ cũng tay em chỉnh lại. Dịp Tết đến, em nói với chị mua vôi về để em quét lại tường trong nhà, em quét vôi 4 bức tường đã đành, mà còn ráng ngẩng cổ sơn luôn cả trần nhà, nói với chị là mong bố được thả về ăn Tết với gia đình. Giao thừa đến và năm mới đến, bố vẫn bặt tăm. Chị đi xin xăm trên chùa, năm nào xăm cũng bảo là người đi xa vẫn chưa về, của mất vẫn chưa tìm thấy, riết rồi sau vài năm chuyện xin xăm chị cũng chẳng màng. Còn em thì năm nào cũng ráng quét vôi sơn cái phòng khách của nhà mình, mong bố về sum họp với gia đình nhân dịp đầu năm.
Vậy mà đến một năm nọ, bỗng có người quen với gia đình cũng có bố đi cải tạo bảo là có tin truyền miệng là sẽ có thả tù cải tạo ở ngay khám Chí Hòa ngày đó ngày đó. Chị với em đến ngồi đợi ở trước cửa khám ngay từ lúc trưa cùng với bao nhiêu người khác.
Cổng khám đóng kín, chẳng ai dám đến gần tay bộ đội cầm súng đi qua đi lại trước cửa khám để hỏi han cả. Chỉ ngồi chờ, kiên nhẫn chờ…
Trời chập choạng tối, cổng khám mới mở và một dòng người từ từ bước ra. Chị và em thay nhau tìm xem có bố hay không trong đoàn người đó. Nhìn suốt từ người đầu tiên đến người cuối cùng, không có ai giống bố hết. Chị muốn khóc, nhìn qua em thì thấy mặt em cũng méo xệch đi. Rồi bỗng nhiên chị thấy mắt em sáng lên, em kêu to "Bố kìa" rồi chạy đi.
Chị nhìn theo em, thấy bố đang bước ra khỏi khám Chí Hòa, dìu một người bạn tù khác. Hóa ra ông bạn của bố bị bệnh về mắt, thị giác rất kém, hầu như không còn thấy đường nữa. Em vẫy xe xích lô lại rồi phụ bố dìu ông bạn lên xe để về nhà người thân. Sau đó chị với em mới đi với bố về nhà, chị chở bố trên cái xe PC cà tàng của nhà mình, còn em lóc cóc đạp xe theo.
Mười hai năm trời, ngày bố đi em là chú bé tý hon còn đi chưa vững, giờ bố về em đã là một thiếu niên, vẫn còm nhom như cây sậy nhưng đạp xe nhanh hết biết, còn muốn nhanh hơn tốc độ cái xe PC chị đang chở bố đi.
Thời gian trôi qua, sau khi bố được thả ra vài năm thì nhà mình được đi Mỹ nhờ chương trình H.O., định cư ở Maryland. Cả nhà ở tạm trong cái basement của bà cô, em họ bố.
Em rời Việt Nam năm 18 tuổi, vốn liếng tiếng Anh góp nhặt được từ mỗi tuần vài giờ ở bảy năm trung học và vài lớp học thêm. Cả chị và em đều đi học ESL sau khi ghi danh vào college. Cả chị và em đều là khách hàng quen mặt của mấy trạm xe bus của county. Weekend bố mượn được chiếc xe hơi cũ của bà cô, mang ra bãi đậu xe của college tập cho hai chị em. Chỉ sau 2 weekends là em đậu bằng lái xe. Chị thì mãi hoài vẫn không pass cái parallel parking test, lần thì đụng ngã cây cờ làm dấu, lần thì đậu cách lề quá xa, police đưa cuốn sổ ra đo khoảng cách tới lề đường rồi kêu chị làm lại, chị xoay cái xe mãi vẫn không nhích nó vào sát lề hơn chút nào cả, lần nữa thì làm phần parallel parking trout lọt, đến lúc lái xe ra chị mừng quá lái sai hướng, vào ngay cái lối có bảng màu đỏ to tướng "Do not enter" lại rớt. Bố lắc đầu ngán ngẩm, nói là chắc phải tốn tiền cho chị đi học ở driving school thôi, chứ bố hết cách rồi. Chỉ có em là kiên nhẫn khuyên chị chờ đến hồi nhà mình dành dụm đủ tiền mua xe, em sẽ tập cho chị đến khi nào thi đậu bằng lái xe và lái được trên đường.
Trời mùa thu, mỗi sáng trời còn tối om đã có bóng 2 chị em mình đứng ngoài trạm bus, đi 2 chuyến bus mới tới được college. Cả chị với em đều ghi danh học mấy lớp sáng sớm, để sau đó còn dư giờ làm work study mà vẫn đón kịp chuyến xe bus cuối ban đêm về nhà. Món đồ đắt giá đầu tiên em mua sau khi làm work study là cái tape recoder để em thâu bài giảng trong lớp về nghe lại. Buổi tối xong bài vở em còn lôi mấy tờ báo ra xem, chữ nào không hiểu thì lại lúi húi tra tự điển. Trên lầu mấy đứa em họ cỡ tuổi em, con bà cô, buổi tối xong bài vở bật TV xem phim hay chơi game đến khuya, tụi nó lúc đầu còn rủ em tham dự, nhưng em bao giờ cũng nhã nhặn từ chối. Em nói với chị, mình qua Mỹ chậm hơn mấy đứa em họ của mình cả 10 năm, giờ phải làm sao bắt kịp tụi nó thôi, chị thấy có đúng không. Chị đồng ý với em lập tức.
Ngày đó, ngay cả TV mà hai chị em nhiều lúc còn không hiểu xướng ngôn viên nói gì, họ nói nhanh quá cỡ, chị em mình nghe chữ còn chữ mất, lắm lúc phải bật subtitle mới hiểu sơ sơ họ nói câu gì. Chị động viên em, và em khuyến khích chị, chuỗi ngày bỡ ngỡ xa lạ ở cái xứ Mỹ này bớt lạnh lẽo hơn và trôi qua nhanh hơn.
Làm work study một thời gian thì tụi bạn em quen trong college chỉ cho em một cái job khác: làm busboy ở một nhà hàng Việt Nam trong vùng, cách college vài trạm xe bus. Em đi gặp ông chủ nhà hàng và được nhận vào làm, với điều kiện là em tự sắm cho mình bộ đồ gốm áo sơ mi trắng, quần tây đen và cái nơ cổ màu đen. Quần áo thì em có, cái nơ kiếm ở đâu thì em chẳng biết. Em về hỏi chị, chị cũng ngẩn người ra, không dám hỏi mấy đứa em họ trên lầu vì tụi nó thật ra nói tiếng Việt không rành, còn em với chị thì tiếng Anh lại không thạo. Rồi chị bỗng nảy ra ý kiến là nếu tìm được tiệm bán đồ cưới thì chắc sẽ mua được cái nơ.
Karen N. Nguyễn