Hôm nay,  

Đời Lắm Đổi Thay

01/04/200300:00:00(Xem: 149142)
Người viết: PHẠM NGỌC BÍCH
Bài tham dự số 3161-768-vb20331

Tác giả Phạm Ngọc Bích đã được trao tặng giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2002. Bà đến Mỹ năm 1992, học ở Philadelphia, Pennsylvania, đậu cử nhân ngành điện tử tại đại học Drexel, từng cư trú tại tiểu bang Vermont và là kỹ sư cho hãng IBM Burlington. Trong năm vừa qua, đã cùng ông xã và em bé "thiên đô" về Nam California. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, một hồi ký về chính tác giả.

*

Một buổi chiều rảnh rỗi, tôi ôm con ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra khu vườn phía sau nhà có những cây thốt nốt ở miền Nam California nắng ấm. Tôi chạnh nhớ ngày xửa ngày xưa, tôi chỉ là một đứa bé tí hon nằm trong lòng mẹ trên một chiếc võng đu đưa giữa hai hàng dừa thơm ngát. Mẹ tôi ru tôi ngủ bằng điệu ru ngọt ngào mà sau này tôi biết đó là những bài hát dân ca. Lời ru của mẹ, những làn gió mát rượi và mùi thơm của mít, chôm chôm, sầu riêng ở trong vườn đã đưa tôi vào giấc ngủ thật say.
Ôi những chuỗi ngày êm đềøm, bình dị của tuổi ngây thơ sao mà đẹp. Nhưng ở đời đã sinh ra thì phải trưởng thành, ai cũng phải theo định luật ấy. Từ một bé con ngây thơ, tôi trở thành một thiếu nữ mảnh mai trong bộ áo dài trắng nữ sinh của trường Lê Văn Duyệt ngày ngày tung tăng cắp sách tới trường. Lúc đi học tôi rất tự hào về dân tôc Việt Nam kiên cường bất khuất khi hát bài "Tiếng Gọi Thanh Niên" mỗi buổi chào lá quốc kỳ nền vàng 3 sọc đỏ. Tôi mong mãi mãi được ở tuổi niên thiếu thần tiên, để tha hồ vui đùa bên cạnh thầy, bạn.
Nhưng rồi đột nhiên Cộng Sản miền Bắc chiến thắng, chiếm trọn miền Nam làm đảo lộn hoàn toàn trật tự xã hội. Tôi thi đậu vào nghành Điện tử trường Bách Khoa nhưng tôi bị liệt vô danh sách sinh viên thuộc thành phần tư sản buộc phải chuyển sang ngành Thủy lợi. Tôi đành phải chấp nhận vì không có cách nào khác hơn. Ngay những ngày đầu tôi đã sớm nhận ra một điều gì đó không ổn trong nền giáo dục của chế độ Cộng Sản. Thay vì mở mang trí tuệ, họ gieo căm thù trong lòng sinh viên học sinh, sinh viên chúng tôi nam lẫn nữ buộc phải học cách bắn súng, ném lựu đạn, bắn tên và bị nhồi nhét chính trị mỗi ngày. Thỉnh thoảng chúng tôi còn phải đi làm lao động, đào kinh đắp đập ở nông thôn. Ở đây, tôi không khỏi đau lòng khi nhìn thấy các trẻ em phải đi chăn trâu, làm việc đồng ruộng, đan lưới thay vì các em phải đến trường học. Chế độ Cộng Sản đã làm vẩn đục nền giáo dục và hủy hoại tuổi trẻ. Tôi tự hỏi tương lai đất nước Việt sẽ đi về đâu"
Chán ghét chế độ Cộng sản và nhận thấy không thể sống dưới chế độ này, hàng triệu người Việt đã phải liều lĩnh bỏ nước ra đi tìm tự do. Tôi cũng ở trong số đó. Từ khước mái trường Đại học, tôi tìm cách vượt biên và chấp nhận mọi rủi ro trên đường tìm tự do như những thuyền nhân khác. Tôi vượt biên nhiều lần bằng đường tàu ở miền Đông, miền Tây hoặc đường bộ qua ngã Cambodia đều thất bại. Tôi đãù 2 lần bị vào tù ở Vũng Tàu và Bà Rịa. Lần vượt ngục trong tù ở Bà Rịa là một kỷ niệm khó phai nhòa trong trí tôi. Sau nhiều lần thất bại tôi biết mình không có số vượt biên tôi đành quay lại tiếp tục đi học, chờ cơ hội khác.
Mấy năm sau, gia đình tôi được các anh tôi bảo lãnh đến nước Mỹ. Tôi vô cùng sung sướng khi thực sự đặt chân lên miền đất tự do, nơi mà có biết bao nhiêu người Việt muốn đến mà không bao giờ đến được. Chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới từ con số zêro. Tôi cùng các chị em tôi đã làm đủ công việc như hái dâu; cắt chỉ, bấm nút tại xưởng may đồng phục hải quân; làm house keeping ở các khách sạn; làm waitress tại các nhà hàng hoặc catering service; lắp ráp dây chuyền trong xưởng sản xuất đồ nhựa. Để sớm hòa nhập vào xã hội mới tôi bắt đầu thi lấy bằng tập lái xe rồi thi lấy bằng lái xe . Sau khi thích nghi với đời sống mới, tôi nghĩ muốn có tương lai cần phải trau dồi tiếng Anh. Tôi đã ghi tên học ESL tại CCP (Community College of Philadelphia). Tại đây, tôi vừa đi học vừa đi làm. Tôi làm cả weekend và làm overtime. Tuy vất vả nhưng tôi biết một tương lai tốt đẹp đang chờ tôi.
Sau những khó khăn về Anh ngữ mà tôi đã phải phấn đấu rất nhiều, tôi tốt nghiệp highest honor tại College và chọn học trường Đại học Drexel, một trong những trường tư danh tiếng về đào tạo kỹ sư ở Mỹ. Trong ngành vi tính (computer), trong lớp chỉ có tôi là nữ, tôi phải cạnh tranh với các nam sinh viên người Mỹ, phải tự mình tìm tòi học hỏi. Tuy nhiên, tôi vốn có căn bản về Toán Lý Hóa, nên không gặp khó khăn trong các môn khoa học ngoại trừ về tiếng Anh.


Tôi nhớ có một lần tại thư viện trường, tôi giúp cho một thanh niên Mỹ bự con như cầu thủ bóng đá giải một bài toán khó. Tôi hăng say giúp anh ta mà quên rằng mình cũng chỉ là một sinh viên, tôi cố tìm những ví dụ để anh ta từng bước hiểu được bài toán. Những sinh viên khác thấy vậy xúm lại gần chúng tôi. Khoảng hai mươi phút sau đó, chàng thanh niên hiểu thấu, anh la to mừng rở, nắm chặt tay nện mạnh xuống bàn "How stupid I am!". Các sinh viên khác nhìn tôi thán phục, khi thấy một cô gái Việt nhỏ bé đã "control" một anh chàng Mỹ to bự. Về sau, tôi càng ngày càng có nhiều bạn học. Sau những ngày căng thẳng đầu óc vì bài vở ở trường, tôi tốt nghiệp ngành điện tử với điểm high honor. Sau đó tôi được nhận vào làm việc tại hãng IBM ở tiểu bang Vermont.
Khi còn đi học, tôi gặp một người Mỹ, tánh tình hiền lành. Anh rất yêu tôi nên cố vượt qua những khác biệt của hai cách sống. Anh kiên trì và nhẫn nại học tiếng Việt, tập ăn thức ăn Việt và tìm hiểu phong tục tập quán dân tộc Việt. Anh hứa sẵn sàng chờ đợi cho tới khi tôi học xong. Sau khi tôi tốt nghiệp, chúng tôi làm đám cưới. Đám cưới của chúng tôi là sự phối hợp giữa Đông và Tây, vừa mang truyền thống Việt "áo dài khăn đống", vừa theo kiểu phương Tây "Western gown và tuxedo". Hai tuần sau đó, tôi bắt đầu làm việc cho hãng IBM. Vợ chồng tôi bắt đầu một cuộc sống mới tại tiểu bang giá lạnh ở miền Đông Bắc nước Mỹ.
Lúc mới vào làm việc cho hãng IBM, tôi còn nhiều bỡ ngỡ trong công việc, tôi phải cố gắng tự học thêm và thực hành vào cuối tuần để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm. Những nỗ lực của tôi cộng với sự hỗ trợ về mặt tinh thần của chồng tôi đã giúp tôi nhanh chóng thích nghi với công việc. Với bản chất thật thà, siêng năng và có nhiều sáng kiến, tôi được nhiều đồng nghiệp thương mến và ban giám đốc tín nhiệm. Tôi rất thích hãng IBM, tôi nghĩ tôi sẽ làm việc ở hãng này cho đến ngày về hưu. Chồng tôi cũng được nhận vào dạy tại trường UVM (University of Vermont). Chúng tôi tạm ổn định cuộc sống. Con trai tôi chào đời vào một buổi sáng có tuyết rơi. Chúng tôi nghĩ Vermont sẽ là nơi gia đình chúng tôi sinh sống lâu dài.
Nhưng ở đời thừơng có những bất ngờ. Nền kinh tế Mỹ đột nhiên lâm vào tình trạng suy thoái, nhiều hãng bắt buộc phải giảm bớt nhân viên, trong số đó có cả hãng IBM, nơi tôi đang làm việc. Tôi thật sự không ngờ tôi có tên trong danh sách cho nghỉ việc. Tuy nhiên tin này chỉ làm tôi bàng hoàng một tý rồi bình tĩnh lại ngay vì tôi luôn luôn lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống tương lai. Tôi dọn dẹp sổ sách, ghi lại những hướng dẫn về công việc làm và bàn giao công tác. Khi rời khỏi hãng, tôi tự hào trong thời gian làm việc cho hãng tôi đã hoàn tất trách nhiệm một cách tốt đẹp, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng và biết cách làm ra tiền cũng như tiết kiệm tiền cho hãng. Lúc chia tay, các đồng nghiệp bắt tay, ôm chầm lấy tôi nói lời từ giã và cầu chúc tôi tìm được việc làm mới. Họ ghi địa chỉ email và số điện thoại cho tôi để khỏi mất liên lạc.
Sau khi tôi mất việc tại hãng IBM, vợ chồng tôi có ý định sẽ chuyển đi nơi khác. Chúng tôi đã nghĩ đến một vài nơi nhưng cuối cùng thì quyết định sẽ chọn miền Nam California làm nơi lập nghiệp. Chúng tôi giã từ Vermont nơi có một cộng đồng người Việt tuy nhỏ bé nhưng đoàn kết và thương yêu nhau như một đại gia đình. Khi quyết định chuyển về California, chồng tôi cũng phải bỏ công việc dạy học của anh tại trường UVM. Nhiều bạn bè tỏ ý lo ngại cho chúng tôi. Chính chúng tôi cũng biết đang đứng trước những thử thách vì cả hai đều chưa có việc làm mà nhà cửa ở California lại đắt. Tuy nhiên chúng tôi sẽ được đền bù bằng khí hậu ấm áp, thức ăn Việt ở đây nhiều lại rẻ, chúng tôi cũng sẽ được thưởng thức vô số món ăn đặc sản tại các tiệm ăn của người Việt và nhất là ở nơi đây chồng tôi và con trai tôi sẽ có cơ hội trau dồi tiếng Việt và dễ dàng hòa nhập vào phong tục và văn hóa Việt. Chúng tôi bắt đầu làm quen với xe cộ đông đúc, với những highway nhiều lane, với sự sầm uất của tiểu bang California và làm quen với cảnh náo nhiệt của khu Little Saigon nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn.
Nay chồng tôi đã có việc làm. Anh đuợc nhận vào dạy tại một trường đại học trong tiểu bang California. Chúng tôi có sự phân công mới: chỉ một mình anh đi làm còn tôi ở nhà trông coi việc gia đình . Tuy thâu nhập gia đình có ít đi nhưng chúng tôi lại được đền bù bằng những thứ khác không kém quan trọng. Tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để lo cho chồng, cho con.
Bây giờ tôi không còn phải bận rộn với việc sáng sáng đem con đi gửi rồi đi làm, tôi không còn phải nhức đầu với công việc của hãng. Tôi đã có công việc mới: công việc nội trợ thuần túy của người phụ nữ Việt Nam. Đó là công việc của một người vợ, một người mẹ, người quán xuyến công việc trong gia đình. Tôi sẽ noi gương mẹ tôi trong công việc bà đã làm suốt đời không mệt mỏi.Với công việc này tôi phải săn sóc chu đáo cho chồng, nuôi dạy con cái cho nên người vì "Con ngoan tại mẹ" và tạo ra một mái ấm hạnh phúc gia đình. Hoàn thành được công việc này không phải là không khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi có thể làm được.
Phạm Ngọc Bích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,280,970
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến