Hôm nay,  

Empty Nest: Tổ Trống

07/03/200300:00:00(Xem: 287096)
Người viết: CHÚC CHÂN
Bài tham dự số 3142-749-vb70308

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, tự sơ lược tiểu sử như sau:
Nghề nghiệp: 18 năm làm kỹ sư, hiện làm nghề thợ săn việc. Quá trình viết: Viết luận văn rất bết khi ở trung học nên theo ban toán cho dễ. Lên đại học theo ban kỹ thuật nên không sợ chuyện văn chương. Qua Mỹ học 2 courses English Composition bằng tự điển Nguyễn Văn Khôn. Viết rất nhiều memo, email bằng tiếng Anh (chắc cỡ cả ngàn trong 18 năm) trong sở nhưng mấy cái đó không thể kể văn chương. Gần đây làm thợ săn có nhiều thì giờ ngắm trời mây cây cỏ nên muốn tập làm luận văn lại.
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Chúc Chân thể hiện sự ghi nhận tinh tế, chừng mực hiếm có. Nói theo tác giả, hy vọng Chúc Chân sẽ còn nhiều bài “luận văn” xuất sắc khác.
*
Năm 1978 khi tôi và ông xã đến định cư thì bác còn ở tuổi lao động là vinh quang và đang kéo cày cho hãng điện tử ở một thị trấn nhỏ trong tiểu bang Texas. Lúc đó tụi tôi chân ước chân ráo, không một xu dính túi, không một tiếng Anh dính bụng, công việc làm assembly của Bác thật rất vẻ vang. Đương nhiên thời đó hãng điện tử và nghề assembly đâu có phổ thông như bây giờ.
Mối liên hệ của chúng tôi với bác kể ra có chút "quyến thuộc". Con rể của bác là bạn thân của anh tôi và anh của chàng ta lấy con của cô tôi, theo lời bác chúng tôi "đều là người nhà cả". Người Việt tị nạn lúc đó rất quí chút quan hệ gia đình. Những chàng độc thân tại chỗ ngoài các chàng tuấn tú tuổi đôi mươi ra đi không kịp giã từ người yêu (làm sao có thì giờ từ giã cha mẹ"), các chàng trung niên tuổi sồn sồn, sất bất xang bang đi không kịp kéo theo bầu đoàn thê tử cũng được liệt vào. Biết bao gia đình chia cách bên ni bên nớ. Có gia đình, hoặc người thân thì quí hóa vô cùng. Lúc đó chương trình ODP còn chưa trong trứng nước. Dĩ nhiên sau ODP, rất nhiều gia đình được đoàn tụ hạnh phúc. Cũng không ít "oan gia" khi gặp lại gia đình mình trên đất Mỹ.
Như những người di cư hồi 1954, bác chạy hai lần. Lần đầu chạy bỏ lại ba con, hai trai một gái, ngoài bắc. Lần sau chạy may mắn hơn đàn con năm đứa, ba gái hai trai, sanh ở Sài gòn kéo đi hết. Cô gái lớn (chồng là "bà con" của tôi) và cô thứ tìm lại được bồ lúc ở Pendleton qua danh sách tìm người thân dán trong trại.
Sau khi gia đình định cư ở Texas thì Bác được thêm hai chàng rể quí. Đại gia đình Bác sống chung trong căn nhà thuê 3 phòng với một sân rộng cỡ nửa mẫu. Bác và cặp vợ chồng hai con gái đi làm lao động vinh quang. Mấy em còn nhỏ đi học. Sau đó vợ chồng cô lớn ra riêng. Mướn căn nhà một phòng sau nhà bác, vạch lỗ rào qua lại hai nhà.
Chúng tôi găp bác lần đầu tiên dịp đầy tháng cháu ngoại của bác, con cô thứ. Sau mấy tháng sống ở trại tị nạn rồi đi định cư, tô phở bắc đầu tiên chúng tôi ăn ở Mỹ đúng là chính hiệu do tay bác gái nấu đủ hương vị với lá quế và ngò gai từ "vườn nhà". Về sau tôi mới biết nhờ công sức hai chàng rể quí cuốc đất lên vồng, khoảnh rẩy sau nhà bác rất mầu mỡ. Bác với thân gầy trăm pound "hơn tí" cuốc gì nổi, lời tố của chàng rể lớn. Sau đó lần lượt tôi được giới thiệu những nón ăn Bắc lần đầu trong đời như bún mộc, bún thang ở Mỹ tại nhà bác. Rõ dân nam kỳ thứ thiệt. Sau những cái tết, những đám ăn đầy tháng cháu ngoại bác, con tôi, rồi đám cưới mấy con bác, "thân tình" của chúng tôi ngày thêm gần gũi. Mỗi lần tới bác chúng tôi như con trong nhà. Phần tư thế kỷ qua mối liên hệ của chúng tôi và gia đình Bác vẫn như ngày nào.
Sau khi cô thứ ra riêng thì bác "tậu" một căn nhà ở một thành phố nhỏ gần nơi bác làm. Khu đó phần nhiều gia binh Mỹ ở. Nhà không đắt và gần San Antonio, một thành phố tụ hợp khá đông dân Việt lúc bấy giờ. Căn nhà hai tầng nhỏ cũ nhưng xinh xắn, chỉ tội bác sơn cho hai "tông" vàng viền đỏ trông như chùa Việt Nam. Cái sân sau vĩ đại hai chàng rể quí phải lo cày sâu cuốc bẫm lên vòng hàng năm.
May cho bác tuy các con có gia đình ra riêng nhưng nhà không xa. Mỗi cuối tuần đại gia đình họp lại ở nhà bác thật là nhộn nhịp. Bác gái ngoài chuyện cầm đầu nhà bếp, thỉnh thoảng tạt ngang phòng TV hò hét phụ tụi con và rể đang coi football, binh đội nhà của mình.
Khi cậu trai lớn lấy vợ ra riêng nhà vắng một ít, nhưng không khí cuối tuần vẫn như cũ có phần nhộn nhịp hơn, thêm cô dâu, chưa kể sau đó mỗi năm thêm cháu nội cháu ngoại đầy đàn.
Nhà còn cô út và cậu trai thứ. Cậu thứ bị câm (deaf) từ nhỏ, nhưng nhờ qua Mỹ học trường đặc biệt, được huấn luyện và tìm được việc làm. Về sau nhờ người giới thiệu một gia đình Việt Nam có cô con gái cũng câm, cậu thứ lấy vợ nhưng không ra riêng. Thế là thêm cô dâu Việt, mặc dầu không nói được, nhà vui hơn nhờ thêm một khuôn mặt. Sau đó thêm hai đứa cháu nội. Chúng nghe và hiểu tiếng Việt với ông bà như các cháu khác và "nói" được với cha mẹ chúng.
Sau hơn 10 năm kéo cày bác về hưu. Mắt còn sáng, người còn nhanh nhẹn, lái xe trên xa lộ bác không gì đáng ngại. Tiền hưu tuy không bao nhiêu nhưng nhờ tiền nhà rẻ, bác đủ xoay xở. Mấy năm cô út ra trường chưa lấy chồng có phụ cha mẹ chi phí và pay-off cái nhà nên cũng thoải mái. Hai vợ chồng bác rất thong dong đi lại tự do không cần nhờ vả con cháu. Rồi bác nơi thêm nhà bếp, cất thêm cái phòng ăn. Sửa lại nhà xe làm phòng TV. Thế mà nhà vẫn chật chội khi con cháu về. Bây giờ gia đình không họp mỗi cuối tuần, nhưng mỗi lần họp lại thì ngôi nhà như một ngôi chợ nhỏ. Đám trẻ nít gào hét chạy rong ngoài sân . Đám "người lớn" hào hứng bên những trận football, hoặc sòng tứ sắc hay bài tây.
Sau khi cô út tốt nghiệp đại học, chuyện tìm bạn đời cho cô út thật là hào hứng. Tất cả bạn bè, người quen của bác, nhà nào có con trai đều được chiếu cố cả. Khổ nỗi khi hai bên "người lớn" ưng bụng thì "tụi nhỏ" chê. Còn khi "tụi nhỏ" chưa kịp chê thì anh rể lớn phán cho "thằng đó giống đau ban", thế là cô út veto không cần gặp mặt. Cuối cùng thì cô út cũng đi lấy chồng (gặp chàng trong chuyến tàu Casino rõ là love boat) và ra riêng. Cô út ra riêng nhà còn vợ chồng cậu thứ thêm hai cháu nội nên không tẻ lắm.
Nhờ phước đức, đám con và rể, sau mấy năm chịu cực đêm kéo cày ngày đi học, đều ăn nên làm ra, tậu nhà, tậu cửa khang trang. Vì công ăn việc làm, bây giờ đám con không còn ở cùng thành phố với bác nữa, nhưng không xa bác lắm. Cậu trai lớn ở San Antonio, cách nhà bác chỉ độ nửa giờ lái xe. Gia đình cô lớn dọn về thủ phủ Texas. Xa nhứt là cô thứ và cô út. Mấy năm gần đây cả hai dọn về Houston, cách nhà bác khoảng gần 180 miles nhưng kể cũng gần chán, hai tiếng rưỡi lái xe chứ mấy.


Bác kể sau hiệp định Genève bác sống ở Thanh Hóa, Bắc Việt. Lúc đó bác có ba con, hai trai một gái. Bác sống theo bên vợ, một gia đình địa chủ khá giả trong vùng. Hôm ấy hai bác ra chợ định mua chút ít cần dùng, nhưng chưa kịp mua gì thì một người em họ đi tìm, cho hay công an đã bao vây nhà bác và tất cả người trong nhà đều bị bắt. Theo người em họ, tay không hai bác đi trốn ngay. Sau đó tìm đường vào nam. Không trở về nhà được nửa bước. Bác gái khóc hết nước mắt. Bỏ lại ba đứa con nhỏ. Tội cho cả ba, cha mẹ hôm đó "ra chợ tí thôi" không bao giờ trở về.
Khi Viêt Nam mở cửa thơ tín, từ Mỹ bác liên lạc được ba đứa con khi xưa di cư không mang theo. Nhờ trời cả ba đều bình an, mặc dầu khi cha mẹ trốn đi sống rất khổ cực cuộc đời của trẻ "mồ côi". Nhờ biết xoay trở cả ba trưởng thành lập gia đình và đều khá giả sau cuộc chiến. Khi chính sách Việt kiều về nước bắt đầu, hai bác về thăm quê ngay. Ba tháng về thăm quê hương thật là hạnh phúc. Gặp lại các con và anh chị sau gần 35 năm xa cách mừng mừng, tủi tủi. Tất cả con cháu bây giờ đầy đủ ở hai bên bờ Thái bình. Không còn gì phải bận tâm. Tuổi già với bác chỉ an hưởng. Hai năm sau hai bác trở lại Việt Nam lần nữa.
Công ăn việc làm và gia đình bận túi bụi, mỗi năm chúng tôi gặp bác vài lần ít hơn xưa. Mỗi lần chúng tôi gặp lại, hai bác già đi một ít. Thường thì chúng tôi viếng bác dịp tết ta. Tết ta vào mùa đông tuy vậy ở nam Texas trời không lạnh lắm. Nhưng gần đây năm nào không bác trai, thì bác gái cũng bị cảm khi chúng tôi đến. Bà cụ thì còn tươi hơn, nhưng ông cụ yếu thấy rõ, chưa chừa được thuốc lá thì không khá nổi. Chúng tôi và đám con bác đều nghĩ sau nầy ông cụ chắc đi trước.
Có lần bác bịnh phải vào nhà thương. Chúng tôi tới thăm thì bác đã xuất viện về nhà. Bác kể sáng hôm đó vợ chồng cậu trai thứ đi làm, đứa cháu nội mười tuổi còn ở nhà đang chờ người lối xóm tới chở đi học vì ông nội bịnh mấy hôm không chở cháu đi được. Như phần đông trẻ em Việt lớn ở Mỹ, mặc dầu không nói được tiếng Việt lưu loát cháu hiểu được ông bà phần nào. Khi bác trai bị khó thở, biến ứng của chứng sưng phổi, "bác gái run bắn lên chả biết làm sao cả", cháu là đứa gọi 911 nói chuyện với Mỹ và theo xe cứu thương đưa bác vào nhà thương. Mãi đêm tối hôm đó cậu trai lớn mới vào nói chuyện với nhà thương được, mặc dầu ở cách bác mới hơn nửa giờ lái xe. "Nó làm manager nên không bỏ đi được", bác nói mà rơm rớm.
Sau chuyến vào nhà thương đó, bác quyết định bán căn nhà gia đình cư ngụ hơn 20 năm để dọn về Houston gần cô thứ và cô út. Ít ra gần hai đứa con vẫn dễ hơn một. Với tiền mặt bán nhà và các con phụ tay, bác tậu một căn nhà mới cất, tuy không lớn nhưng khá khang trang. Sân sau nhỏ thôi, nhưng cần gì" Từ lâu bác đâu còn vườn tược nửa. Hai chàng rể quí vẫn còn quí, nhưng chúng đâu có thì giờ cuốc đất. và rau cải bán đầy chợ thiếu chi. Cậu trai thứ ra riêng khi gia đình dọn về Houston. Đứa con gái lớn của cậu khi cần nói chuyện cho cha mẹ được, nên bác vững lòng. Đại gia đình bây giờ chỉ tụ họp trong những dịp lể cuối tuần long weekend, dịp sinh nhật của hai bác, dịp Noel, dịp Tết, hay mừng tiệc ra trường của các cháu. Được cái ở Houston thật là nhộn nhịp. Hai vợ chồng đưa nhau ra hội người già đánh tổ tôm, tứ sắc vui lắm. Lúc nào cũng đủ tay, chả cần phải đi tìm tay cho đủ bốn. Hôm nào bác gái lười nấu nướng, bác trai đánh xe ra chợ là xong ngay, có cơm nóng canh ngọt.
Hôm đó tết ta mới xong, bác gái trong người không khỏe lắm bị cảm từ trong năm, cho nên hai bác không đi đâu được. Nhưng bác có gởi lì xì cho mấy nhỏ nhà tôi. Chúng tôi định cuối tuần lên Houston thăm và tết hai bác luôn thể. Sáng thứ năm thấy bác gái khỏe chút ít, bước khỏi giường được và ra ngoài ngồi ở phòng ăn, bác lái xe ra chợ mua tô cháo thịt và ít bánh trái. Khoảng nửa giờ sau bác về. Nhà im lìm. Bước vào phòng ăn bác gái đầu gục xuống bàn như ngủ gật. Bác định đỡ vào phòng, nhưng khi dở lên, bà cụ không còn hơi thở nữa. Xe cứu thương tới chỉ để xác nhận bà cụ qua đời vì chấn động mạch tim (heart attack). Đám tang rồi cũng xong. Hỏa thiêu. Tro của bà cụ quàng ở chùa Việt Nam, chờ cho tới khi ông cụ qua đời thiêu và trộn tro lại rải biển. Đó là dự tính của bác.
Ông cụ khóc suốt. Bỏ ăn không ngủ mấy ngày đám táng và tiếp tục cả tuần lễ sau đó. Bác sĩ cho thuốc ngủ. Cô lớn, cô thứ và cô út thay phiên nghỉ sở theo cha chăm ăn chăm thuốc. Khi bác ăn lại chút ít và ngủ được nhờ thuốc, nghe lời khuyên của con, bác chịu về Việt Nam ở một thời gian cho khuây khỏa. Cô út đưa bác đi và ở lại hai tuần thì về.
Theo dự tính vài tháng sau cháu ngoại sẽ qua rước ông về. Hai tuần sau, khi cô út ở Việt Nam về, đón ở phi trường có luôn ông cụ. Bác kể "Lần trước bác đi, tới đâu cũng có bác gái bên cạnh. Lần nầy tới đâu ai cũng hỏi mà bà ấy không còn, bác tủi quá, thôi về". Căn nhà bây giờ thật quạnh hiu. Mới dọn vào hơn một năm ông cụ cho gọi đăng bảng bán. Cô lớn lo hết tất cả phí tổn. Ông cụ về ở với cô thứ.
Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu có thể làm lành mọi vết thương tâm. Ông cụ bây giờ mỗi ngày lái xe ra hội người già chơi ở đó ăn trưa luôn. Nhà bếp dọn đồ Việt ba ngày, đồ Mỹ hai ngày đổi bữa. Sau hai chến tứ sắc thì tới giờ về đón cháu buổi chiều. Cuối tuần hội tổ chức đi đây đi đó bác cũng đi cho vui. Bác là một trong số ít người già có xe và còn lái xe được, nên mấy bà thích bác lắm.
Khi chúng tôi lên nhà giỗ bác gái đầy năm, chàng rể lớn báo cáo ngay “Ông cụ có girl friend.” Ba cô con gái đang bàn về một bà khoảng gần sáu mươi ở Viêt Nam mới qua, mẹ của một nhân viên làm tiệm cô thứ. Vì con chưa có quốc tịch Mỹ nên bà không ở luôn bên Mỹ được. Nếu ông cụ chịu bảo lãnh thì xong.
Lễ Lao Động năm ngoái, gia đình họp lại nhà cô thứ, chúng tôi có tới. Bác kêu "Chúc ơi, bác có chuyện nầy muốn bàn với vợ chồng cháu". Bác nói bây giờ bác gái cũng yên nơi rồi, bác nghĩ tới chuyện tìm người hủ hỷ phần đời còn lại của bác nhưng không biết có nên không. "Chuyện đó tùy bác, nếu bác thấy được thì con cháu thấy được. Có sao đâu"" tôi góp ý.
Mùa Noel năm rồi, Chúng tôi gặp lại bác. Cả nhà bàn chuyện mướn housing cho bác. Bác muốn "ra riêng". Trước khi ra về bác gọi chúng tôi lại chụp bức hình kỷ niệm. Buồn buồn bác nói "Không biết bác còn để chụp với cháu sang năm không""
Tháng 2 năm 2003
Chúc Chân

Ý kiến bạn đọc
10/12/202100:15:38
Khách
cialis generic <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">can i take cialis with daxpoteine</a>
11/11/202111:11:11
Khách
cialis alternative <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis pills</a>
08/10/202108:42:21
Khách
buy cialis online <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">buy cialis online</a>
23/02/202106:55:38
Khách
chloroquine tab <a href=https://chloroquineorigin.com/#>quinine</a> chloroquine moa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,567,334
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến