Tác giả tên thật là Xuân Thu Đặng, hiện cư trú tại Hawaii, nghề nghiệp được ghi là chủ một tiệm may nhỏ. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của bà, chuyện đời một phụ nữ truân chuyên.
*
Trời đã về chiều, bãi biển Makapu's chỉ còn vài người tắm rải rác đó đây. Những tia nắng vàng rực rỡ tỏa ánh sáng chói chang, xa trông tợ như một quả bóng to lớn xa tít cuối chân trời, cách mặt biển không bao nhiêu tấc. Gió thổi rì rào đong đưa, mơn trớn cành lá, đàn cò trắng bay vờn trên vòm trời xanh ngắt, xa xa vài con tàu đang nhấp nhô trên làn sóng bạc. Hoa nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Chiều nào mà các món ăn bán hết sớm trên đường về nhà, Hoa thích tấp vào đây sát bờ biển với chiếc xe bán rong ø có tên Hawaii là Manapua (tên riêng của loại bánh bao có nhân thịt xá xíu, bầm hơi ngọt).
Đưa tầm mắt hướng về nẻo xa xăm, mênh mông sóng nước, Hoa thả hồn về tận quê hương Việt Nam thân yêu. Nơi có lũy tre làng, hàng dừa xanh, dòng Cửu Long uốn khúc, người mẹ già nua và 5 em nay đã lập gia đình.
Cả một dĩ vãng xa xôi vụt hiện ra. nào những năm tháng cận kề bên bà ngoại hiền từ. Ngoại đưa đi học, chiều chuộng Hoa khi khi Hoa vòi vĩnh, nũng nịu Hoa hay khóc lắm.
Ngoại đem Hoa về nuôi sau cái ngày đau đớn vô cùng vì cha Hoa bị hạ sát một cách bất ngờ với một lưỡi dao oan nghiệt. Lúc đó Hoa chỉ mới gần 3 tuổi, đang ngồi trong lòng mẹ, tuy chưa biết gì mà tự dưng Hoa thảng thốt khóc thét lên như bị điện giựt, trong khi đó mẹ Hoa thất thanh la lên: "Trời ơi! Trời ơi" rồi như chết đứng, bà há hốc mồm ngất xỉu khi thấy chồng bị nhát dao nhọn đâm vào tim, chỉ kịp ứ ứ vài tiếng rồi gục ngã trên vũng máu tươi. Hình ảnh ấy giống như một dấu ấn in sâu đậm trong tiềm thức Hoa. Hoa luôn dễ run sợ, lập cập, điếng người mỗi khi nghe tiếng dao búa chạm nhau, hay tiếng "phập" như mũi dao nhọn đâm vô tim.
Ngoại đưa đi học, chiều chuộng Hoa khi khi Hoa vòi vĩnh, nũng nịu Hoa hay khóc lắm.
Càng lớn lên Hoa càng sống nhiều về nội tâm, dễ rung động, cảm xúc và rơi lệ. Biết mình như vậy mà chẳng làm sao thay đổi được. Những dĩ vãng Hoa cố quên đi, thì nó lại cứ lảng vảng, nhởn nhơ trước mặt.
Ngày còn là một cô bé 12, 13 chưa biết đời là gì mà Hoa thích ngồi trong im lặng một mình, một cánh hoa rơi rụng bên thềm vắng, ngắm nhìn nó Hoa cũng tiếc thương, bâng khuâng, và khi nhìn đóa hoa nở đẹp trong lòng Hoa cũng rộn ràng mừng rỡ như người "bắt được của". Trong gia đình ai cũng rõ biết và thường cho quá "ướt át" và gọi Hoa là "mít ướt". Mẹ cũng thường ghé nhà ngoại rước Hoa đi chơi. Nhà mẹ và ngoại không xa nhau mấy cùng trong vùng Bình Chánh kế Phú Lâm, phía Nam ngoại ô Saigon.
Mẹ Hoa rất đẹp, là con một nên được ngoại thương yêu như một nàng công chúa lúc nhỏ. Sau khi cha mất, mẹ còn quá trẻ, không chịu nổi sự cô đơn nên mẹ bước đi bước nữa trong một thời gian ngắn với một người đàn ông ít có thiện cảm với Hoa. Hai người sống dưới mái nhà của cha để lại. Thời gian trôi qua rất nhanh mẹ sanh thêm 5 đứa con nữa, rồi tiền của, nhà cửa sang trọng của cha đã từ từ bay đi mất dạng cho đến lúc tất cả phải sống trong gian nhà ọp ẹp, chật chội nhỏ bé. Hoa phải lìa ngoại về phụ giúp cho mẹ gánh bán hàng rong, lúc học, lúc không. Hai mẹ con kiếm từng cắc từng đồng, mưa nắng biết bao lao lực, gian truân. Có lúc lại chuyển qua nghề se nhang. Chiều về các em tụ lại hỏi: "Hôm nay chị có mua gì cho chúng em ăn không" Chúng em đói quá!" Cứù mỗi lần hỏi như vậy là nước mắt Hoa lại tuôn tràn.
Cô em kế lớn dần lên cũng làm nhang. Các em không học hành được bao nhiêu vì quá thiếu thốn. Hoa biết mẹ buồn rầu, bà thường bậm môi, nuốt nước mắt. Bà cắn răng chịu lấy một mình, cô con gái bà còn trẻ mà đã vì bà và đàn em kế đánh mất cả tuổi xuân xanh tươi đẹp. Nhiều lúc bà liếc nhìn Hoa mà mắt bà bỗng rưng rưng.
Rồi thời gian cứ qua, đàn em cũng dần đà lớn lên theo ngày tháng. Trẻ con buồn đó lại vui đó, luôn luôn có tiếng khóc, cười rền vang trong căn nhà xiêu vẹo. Ông bà ngoại cũng quá già, tiền của cũng không còn sau khi bị nhà cháy, mẹ và Hoa cũng phải ráng lo chăm sóc an ủi tạm sống chung qua ngày tháng, ông bà nhiều lúc cũng khóc ròng thì thấy con cháu quá cực khổ.
Thấy cảnh nhà quá thiếu thốn, Hoa nghĩ chỉ còn cách là "phải hy sinh" đi theo cô bạn ra Nha Trang tìm sống, may ra mới có tiền để lo gia đình.
Nơi chỗ làm của Hoa là một quán rượu nhỏ, Hoa chỉ mới gần 18, lần đầu tiên xa nhà lòng Hoa lo sợ, nôn nao. Với mớ vốn Anh ngữ lúc đi học không tệ lắm là hành trang mong kiếm ra số tiền hàng tháng gửi về giúp đỡ gia đình.
Hoa có vẻ đẹp, hiền dịu, dáng dấp dễ thương, tánh tình hòa nhã, Hoa được mọi người thương mến kể cả những anh lính Mỹ thường đến quán. Tuy nhiên mới chân ướt, chân ráo vào đây Hoa còn mắc cỡ lắm, lại tự ái và dễ mủi lòng. Tiệm tuy nhỏ nhưng rất đông khách, phần đông buổi tối là lính Mỹ. Nhiều người thích nói chuyện với Hoa vì Hoa khá giỏi tiếng Mỹ hơn các cô bạn kia. Hàng tháng Hoa dành dụm gởi tiền về gia đình đầy đủ. Có một anh lính Mỹ thương, đeo đuổi Hoa, anh thường tặng Hoa đồ dùng và tiền bạc, tánh anh có vẻ hiền, tuy anh uống rượu. Anh còn chịu khó dạy thêm anh ngữ cho Hoa, vui vẻ và kiên nhẫn. Từ cảm mến đến tình yêu cũng không xa.