Hôm nay,  

Chàng Mỹ Tuổi Mùi

02/02/200300:00:00(Xem: 157359)
Người viết: NAIKYLAM
Bài tham dự số 3112-719-vb80202

Tác giả Naikylam họ Phạm, định cư tại Pháp, hoạt động trong ngành giáo dục. Lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, ông viết về chuyện buổi đầu định cư từ 1982 và cho biết chỉ góp bài, không tham dự giải thưởng. Ông viết thêm “Nhân đây tôi xin mến tặng đến các anh chị trong bộ biên tập và độc giả Việt Báo câu thơ đầu năm:
“Đông tàn, Mã biệt, sầu ly quốc
Xuân khai, Dương hội, mộng đoàn viên.”
Xin trân trọng cám ơn tác giả.
*

Mới chân ướt chân ráo từ giã chiếc xuồng ở đảo Bidong qua Tây, chưa ăn hết cơm ở trại tỵ nạn (foyer), tôi đã "ra riêng" với cô vợ. Không bao lâu thì có thư của bà chị con cô cậu từ Đức.
Thư báo trước là ngày cuối tuần sẽ khởi hành từ 5 giờ sáng, vèo qua thăm "cậu nó". Tôi lớ ngớ ngồi nhẩm bài toán năm học lớp nhứt trường làng: "Đường dài bằng vận tốc nhân cho thời gian". Đường từ bên Đức qua Tây xa thiệt chứ gần đâu. Hơn cả ngàn cây! Bên nhà, dù trước 75 ngao du khắp xứ nhưng có bao giờ tôi đạt được kỷ lục này. Còn vận tốc, trên xa lộ tiên tiến nghe nói họ chạy ghê lắm. Nhưng có lẽ bị cái quán tính do hưởng "ân huệ" 6 năm được sống "bao cấp" ("bắp" được nâng lên tiêu chuẩn "cao"), nên tôi cứ tính bổ đồng cho vận tốc xe du lịch cũng bằng vận tốc xe đò, 90 cây số một giờ. Như vậy thời gian được tính ít ra là nửa ngày, không kể giờ giây thung. Thế là bắt đầu từ 4 giờ chiều tôi ngồi chờ.
Chờ mãi không thấy tăm hơi, bụng dạ không yên. Đồng hồ đã qua ngày hôm sau. Mỏi mòn chợp mắt chưa tàn điếu thuốc. Đùng một cái, bà chị đổ bộ tới với một băng cháu và một ông Mỹ khổng lồ đầu gần đụng cửa, nhưng sao coi hiền quá để !
Vừa vào đến "nhà", gặp mặt, chưa kịp "trình diện" lính lác, chị đã la lên:
- Xin lỗi cậu nha. Lụi hụi tới, lui, gần 10 giờ sáng mới ra khỏi nhà được. Trời ơi! Mà sao cậu vẫn không lên được kí lô nào. Giờ coi ốm hơn trước!
Chữ "trước", nghe đâu tưởng chừng hôm qua hôm kia, hay tháng trước, năm trước. Nào ai ngờ đã hơn mười năm, mười năm trước.
***
Tàn tích khói lửa và thảm sát do mấy ông "giải phóng" trong Tết Mậu Thân 68 vẫn còn in đậm trong trí nhớ người dân, nhất là cậu tôi. Ông cậu 9 năm theo Việt Minh kháng chiến. Sau đình chiến 1954 không tập kết ra Bắc, trở về làm ruộng nhưng nào có yên thân với những người anh em trong bưng. Họ cứ cho người ra móc nối, hăm he đủ thứ. Riết rồi cậu đã phải bỏ làng, bỏ ruộng vườn về thành phố mưu sinh và sống trong nỗi đau, nỗi nhớ. Tây Ta gì cũng không giao tiếp, luận bàn. Cũng vì đó mà ông ngoại tôi bị hành không dứt. Họ cứ kêu vô "làm việc" cả mấy tháng trời.
Mấy năm sau, nhờ chăm chỉ làm ăn, cậu đã tạo được một cơ ngơi tương đối khá giả, con cái đã có công ăn việc làm. Tưởng đã yên. Nào ngờ một hôm, trời "nắng Sài Gòn ai đi đều đổ lửa", có ông người Mỹ ăn mặc bảnh bao, lịch sự đến thăm nhà. Đúng ra là thăm ...cô con gái của cậu, bà chị họ tôi.
Dù đã giã từ kháng chiến và trốn tránh những người "giải phóng", nhưng cuộc viếng thăm bất ngờ này khiến máu nóng " không ưa Tây- gây qua- ghét Mỹ" của ông cậu tôi lại nổi lên. Giận quá chừng chừng "Con d..ì mà Ngu quá trời! ". Nhất định cậu không chấp nhận chuyện con gái giao thiệp với ngoại quốc. Bà chị tôi thì "áo mặc không qua khỏi đầu" nên nào dám xuất đầu lộ diện. Thế là tôi trở nên tên thông ngôn bất đắc dĩ cho cậu. Bởi trước đó hai năm, cậu tôi đã hãnh diện cùng làng, và cả xóm khi tôi đậu đệ thất. Đã đậu vào trung học trường nhà nước, theo cậu tôi "nghĩ", chắc là thằng cháu nói tiếng Mỹ như ăn gỏi ! Thầy bà ơi ! Miệng tôi chưa nhai hết phong "sơ uynh gom", đang còn bập bẹ ráp vần như gà mổ. Cậu có biết đâu, trong lớp mỗi khi bị "vấn" thì tôi chỉ biết "đáp" bằng động từ " to quơ" . Quơ tay, quơ chân loạn xà ngầu.
Tôi không còn nhớ mình tam quốc diễn nghĩa như thế nào về Lời Từ Chối Tiếp Khách Của Cậu, mà thật tình tôi có biết chi chuyện rắc rối của người lớn. Nhưng sau đó, ông bạn chị tôi ...cám ơn rối rít, và ... cứ tới nữa ! Tới hàng tháng, sau này thì cứ hàng nửa tháng, rồi có khi tới hàng tuần. Và cứ mỗi lần anh ta tới, là cậu tôi lên tiếng : " Qua kêu thằng cu Long qua đây !". Để rồi sau khi "đàm đạo", ( thời gian này được anh ta gia tăng tự nhiên theo kiểu phớt tỉnh Ăng Lê) mỗi lần tiễn khách ra khỏi cửa thì tôi cũng "Thưa cậu con về đi công chuyện!", xong chạy cho lẹ để khỏi nghe tiếng cậu quát vẳng theo "Dịch vật, mày dịch gì mà sao nó cứ tới hoài! ".
Tết Mậu Thân, gia đình cậu vẫn được bình yên. Nhưng tôi thấy cậu đã ngồi lặng hàng giờ với xị rượu sau khi nhìn những mồ chôn tập thể ngoài Huế. Cậu thở dài theo khói thuốc khi nhìn những nạn nhân vô tội xung quanh sau cơn pháo kích cuồng điên chỉ huy bởi những anh em cùng cậu sinh tử trong 9 năm. Cậu lắc đầu, chắc lưỡi, buộc miệng oán than "thất nhân tâm!" khi thấy những cảnh màn trời chiếu đất của bà con, cùng những khu phố bị đục thủng, thiêu rụi trên đường rút của "Giải phóng quân". Tôi cảm nhận, có lẽ do sự bội ước, tráo trở, và vô nhân, vô nghĩa của Mặt Trận Giải Phóng, khiến cậu trở nên dễ dãi với chính mình và con cháu trong nhà. Hơn nữa, trong mỗi lần đàm đạo với ông người Mỹ, thời gian càng kéo dài thêm, và tôi lại tiếp tục làm thông dịch viên không lương. Có điều an ủi là sau khi tiễn khách, tôi không còn vội, còn vàng để vấp phải đá... mà được cậu khen cho một câu mát ruột "Cu Long bữa nay dịch hay quá sao, mà cậu thấy ba hồi NÓ suy nghĩ lung lắm, rồi ba hồi NÓ cười khà khà!"
Chẳng biết những chuyện đàm dạo này kéo dài đến chừng nào mới dứt, nhưng riêng tôi thì được kêu qua cho ăn cơm bên nhà cậu hơi nhiều. Mỗi lần ăn cơm mời, tôi lại phải ba xí ba tú tiếng Mỹ, tiếng Việt lung tung. Còn bà chị tôi thì cứ lặng lẽ tiếp thức ăn cho khách. Và quái lạ. Tiếp từ chả giò cuộn rau thơm chấm nước mắm ớt cay sè, đến bò nhúng dấm chấm mắm nêm, khách cũng "thank you" và vui vẻ thưởng thức coi rất sành điệu. Nhớ có lần ông cậu tôi cao hứng nhường cái nhứt - phao câu cho khách. Khách cũng tươi rói "cam on", lơ lớ không bỏ dấu, rồi nu..ốt gọn ơ.
Lần đó ông cậu tôi gật gù, khoái chí "Thằng này ngon ! Cu Long nói cho nó biết là Tao chịu NÓ !"
Chịu là làm sao" Tôi còn áo trắng quần xanh, mài đít ở nhà trường. Thầy dạy Việt văn kim lẫn cỗ có thấy giảng nghĩa chữ chịu bao giờ đâu, hoặc có nhưng tại tôi làm biếng không phân tích và bình luận đến nơi đến chốn" Đành phải "bán cái" qua bà chị "Chị nói cho ổng biết vậy đi, em không biết dịch ".
Tưởng mình bao phen múa may cứu chị, nay ắt chị gỡ gạt cho mình đỡ quê càn. Nào ngờ chị đỏ mặt như than hồng, phan cho tôi hai chữ "vô duyên !".
Cả nhà cười rần. Riêng tôi với ông Mỹ ngớ ra nào có biết họ cười cái gì"
Bị mắng lần đó, tôi tự nhủ từ rày về sau không bao giờ dùng chữ này trước phái nữ. Lớn lên, mới vỡ lẽ . Chữ chịu này tùy vào người nói và kẻ đối diện. Cậu tôi nói chịu ông Mỹ hàm nghĩa khác. Còn nếu bà chị họ tôi mà nói chữ đó với ông bạn Mỹ thì lại là ch..iện khác ! Mẹ cha ơi, sao tôi quá dại khờ ! Nhưng đã là nam tử, "nhất ngôn ...gì đó xuất, tứ mã nan tri", lỡ thề rồi. Cho nên đến ngày nay, bà xã tôi, dù hai ba mặt con, cũng không nghe được tiếng "chịu" của tôi bao giờ.
***
Thời gian như nước trôi ào ạt qua cầu. Đùng một cái, ông bạn chị tôi báo tin về nước.
Ngày đưa tiễn. Tôi còn nhớ mang máng, chiều tối hôm đó "Trời không nắng lại không mưa. Chỉ hiu hiu gió cho vừa ...lâm ly". Biết sao mà tả. Hồi còn mặc quần xà lỏn đi coi cải lương Hồ Quảng của đoàn Mười Vàng ở ngoài đình. Nhơ nhớ đến cảnh Hạng Võ biệt "Ngu d..ì đó". Bà "Ngu d..ì đó" khóc sướt mướt khiến khán giả lau mắt, hỉ mủi không ngừng. Biết chi chuyện nam nữ. Tôi cứ thắc mắc "ai biểu quen nhau làm chi. Mà cớ gì phải thảm sầu quá mức !" Nhưng có điều là, hể thấy đông người khóc là tôi bị động lòng khóc theo.
Giờ mới biết truyện trên sân khấu không ăn nhầm gì hết với cảnh thực trước mắt.
Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng,
châu sa mấy hàng.
Kiều tiễn Kim Trọng lâm ly như vậy. Cảnh biệt ly tôi phải chứng kiến còn não lòng hơn. Bởi, nói theo xưa "Nam nhi tri chí", Kim trọng không được khóc, chỉ có Thúy Kiều "được quyền" này thôi. Nay cảnh biệt ly, thấy nàng-chàng đều rơi lệ, tôi đã phải rút khăn tay ...chùi kiếng mát lia lịa.
Và từ đó. Chị tôi, lúc trước đã biếng ăn, nay thì thêm biếng nói. Hỏi gì, thì trả lời gầm gừ như... cọp.
Những tưởng nghề thông dịch "bất thệ" (không có thề trước tòa) chấm dứt từ đây. Nào ngờ, chừng ba tháng sau. Trưa đi học về, tính lục cơm ăn. Chưa được hột nào thì thằng em tôi cho hay "Cậu Hai nói anh có về, thì chạy qua liền, có chuyện lớn rồi".
Trời đấi ơi ! Chuyện gì lớn"
Ba chân bốn cẳng phóng qua nhà ông cậu. Vừa vô đến cửa tôi phải chứng kiến một cảnh thiệt mủi lòng. Ông bạn chị tôi đang ngồi đó với cặp mắt đỏ hoe, còn ông cậu tôi thì chẳng nói chẳng rằng cứ rót rượu liền tù tì.


Mon men hỏi, mới hay ông anh về phương Tây mà lòng cứ vương vấn phương Đông. Tình nguyện xin tiếp tục công tác thì không được bởi đã ở lại hơn hai lần rồi. Trời ơi, có ai dại hơn ! Thiên đàng không chịu ở mà sao cứ muốn chui vào địa ngục. Nhưng, nói theo lý "tưởng", ắt Ton ton Thiệu phải gắng cho ông này Nghĩa Vụ Bội Tinh. Và nói "theo tình", thì anh ta chắc cũng được Bội Tinh Phát Triển Sắc Tộc. Còn nếu nói theo tiền kiếp, không tình, không lý, thì nôm na rằng kiếp này ông anh kia có sanh lộn xứ chăng" Ba tháng về Mỹ, chịu không đặng, đành mua vé nhào đại trở lại Việt Nam. Xuống phi trường, anh đi ngay đến sở A nơi bà chị làm lúc trước thì nghe nói đã đổi đi sở B, đến sở B thì lại bị chỉ sang C, đến C thì bóng chim tăm cá, không biết nơi đâu mà tìm. Thất tha, thất thểu đến nhà ông cậu. Nhưng cả nhà tam quốc diễn đàn, bằng Việt-Mỹ "ừa - yes", "hông - no" tưới sượi ra sao không biết, mà ông anh tưởng "nàng" đã xa bến bờ, nên đôi mắt "chàng" thẫn thờ đỏ hoe.
Giờ thì "Tình trong đã lộ, mặt ngoài hết e". Nghe qua rõ ngọn ngành. Cậu tôi lắc đầu "hết biết!" . Và ra lệnh hỏa tốc cho tôi " đi lên sở kêu chị mày về gấp, giải quyết chuyện này. Trời đất, ai nào hay Thằng nó thương và lụy Con Nhỏ dữ d..ậy!"
Và cũng từ ngay ngày hôm đó, chuyện gì đến tất nhiên phải đến. Lần đầu tiên, con nít-tôi bị ra rìa để người lớn nói chuyện. Bà chị tôi được phép làm thông dịch với lời khẩn thiết của Chàng "Thưa Ba Má, tụi con l.. ỡ thương nhau. Nay, Ảnh xin ba má cho ảnh được cưới con!" .
Nhìn ánh mắt thiết tha của "hai trẻ", thêm phần thương con, ông cậu đành bấm bụng:
"Nói với NÓ, bây thương nhau thì cha mẹ tán thành. Nhưng ...chưa hết, con hỏi NÓ tuổi gì để tao với má mầy tính" "
Bà chị tôi ngập ngừng "Dạ thưa ba má, ảnh tuổi... mùi".
Mợ tôi nhẩm lẹ hơn tính nợ:
"Dần thân tỵ hợi. Tý ngọ mẹo dậu. Tụi nó không kỵ tuổi"
Câu chuyện mười năm về trước kết thúc ở đây với lời nhắn nhủ của cậu tôi: "Nhưng con cọp đừng nhai con dê nghe!"

***
Thắm thoát ngày chị theo chồng về Mỹ mà đã hơn mười năm. Mười năm với bao tang thương khôn nguôi từ "Đại Thắng Mùa Xuân", nói theo cái tựa đề Hồi Ký của Văn Tiến Dũng, đại tướng QĐCSVN.
Nay gặp lại chị và đám cháu, thêm ông Mỹ nào lạ hoắc khiến tôi hơi bán tin bán nghi không biết mình có lẫn chăng" Có thể lâu ngày chày tháng tôi không nhớ nổi khuôn mặt của ông anh rể 10 năm về trước"
Đang phân vân, thì bà chị đã cho trình diện một loạt từ trên xuống dưới theo hệ thống quân giai:
"Đây là Jim chồng sau của chị. Còn đây là các cháu Tình, cháu Việt con của chị với John và cháu Nam con của chị với Jim."
A! Thì ra là vậy. Ăn bo bo độn mì bao năm, tôi chưa đến nỗi mắt mờ, lú lẫn.
Chuyện gì đã xảy ra" Sau ngày "giải phóng", trong nước, mọi chuyện đều "đổi đời". Bộ ngoài nước cũng bị ảnh hưởng lây, bị "đời đổi" sao" Thôi thì hạ hồi chờ nghe phân giải.
Đưa tay ra theo kiểu Tây và định mở miệng chào, thì bỗng dưng thấy ông anh rể mới vỗ vai thân mật "chào cậu Ba!". Lại một lần khiến tôi chưng hửng quên chào lại người đối diện như hồi ở đảo Bidong cách đây nửa năm. Nhớ lại lần đó tôi đang ngồi làm việc giúp bà con mình trong văn phòng trại. Chợt có một ông Mỹ ăn mặc xề xòa, quần sọt, áo thung, bước vào mở miệng "Chào anh Ba ! Mạnh khỏe" " Ngạc nhiên quá thể. Hồi lâu, tôi mới được biết, đây là mấy ông trong Phái Đoàn Quân Sự qua đảo để điều tra về những tù binh Mỹ bị mất tích. Hèn gì họ biết rõ mình và nói tiếng Việt như lặt rau. Ông anh rể mới này hỏng lẽ là ...
" Ổng học tiếng Việt chị dạy đó ! " Bà chị tôi lẹ miệng đỡ lời.
Nhìn chị, quay qua nhìn anh, tôi hỏi thầm "Ông anh này có phải tuổi Mùi ""
***
Để các cháu và anh vào phòng nghỉ ngơi. Chị ngồi tâm sự cùng tôi tới sáng.
Trong những ngày Sài Gòn loạn lạc. Bên Mỹ, khi biết tin ông cậu đã quyết định ở lại cùng ông bà. Chị lo lắng vô cùng. Càng khổ buồn hơn khi biết được cậu đã chết héo dần qua từng cơn bầm dập trả thù những người 9 năm, và qua từng đợt đánh tư sản, đổi tiền, chủ trương bởi "cách mạng". Trách mình, trách chồng không tận lực. Dù đang mang bầu đứa thứ hai, chị đã lẫn lộn bỏ trôi hạnh phúc của mình theo nỗi thù nhà, hận nước. Lênh đênh phận đời, tưởng đâu đường tình đà dứt. Nào ngờ "Jim thích Việt Nam, nên đeo miết nhờ chị dạy dùm tiếng Việt. Từ chối bao lần. Nhưng người gì mà lì quá! Theo năn nỉ chị hoài. Thấy ổng thật tình phát tội nghiệp. Chị đành phải làm thầy cho ổng. Học tiếng Việt chưa thông tới đâu, ổng đã trả công cho chị thằng cu Nam đó! "
Tôi chọc chị:
"Coi ảnh trẻ và đẹp trai hơn anh John nhiều. Chị không mềm lòng sao đặng chứ ! Mà chị có coi tuổi trước khi nhận dạy ảnh hôn""
Mặt lại chị ửng hồng như hồi còn là con gái "Ổng cũng tuổi Mùi đó. Nhưng dê này là dê nhỏ."
"Hèn chi! Gặp người đẹp, dê nhỏ, dê lớn gì cũng dê, có gặp cọp hốt xác cũng dê tới. à! Nhưng sao em thấy ảnh hiền quá! "
Bạo miệng vậy mà chị không mắng tôi như ngày xưa. Chị chỉ cười mỉm "Cậu cũng quá trời vậy hả" "
Rồi chị tiếp "Ổng không hiền đâu. Coi chừng lầm. Lúc ổng mới quen với chị. Có thằng bạn chế riễu, ý nói con gái Mỹ hết sao mà theo Việt Nam. Ổng mới nổi điên lên đập cho thằng đó một trận, không ai can được. Chị phải cả tuần tới lui thăm ông bạn đó ở nhà thương."
Dường như thấy được nổi thắc mắc của tôi. Chị thở dài, như nhắn nhủ cậu em mới bơi sang "Ở đất nước người ta mà. Lỗi phải gì mình chịu hết cho yên. "
Đêm khuya bổng chùng xuống với những ray rứt khôn nguôi. Hận nào hơn khi mồ mả ông cha, anh em bị tung xới san bằng. Nhục nào hơn nhục mất nước. Có một quê hương nhưng đành phải lìa xa. Tự ái cá nhân có hơn nỗi hận trên" Cái tôi/ta có xóa được nỗi nhục kia" Tôi thầm cám ơn chị đã cho tôi những lời quý báu trong những ngày đầu nơi xứ người.
Tiếp tục hàn huyên. Tôi xoay qua nơi ăn chốn ở của chị:
"Mà sao gia đình chị trôi dạt tận bên Đức lận"".
"Dân nhà binh mà, đi hoài không ngừng. Ổng đổi đi đâu, chị và mấy đứa nhỏ theo đó. Qua bên Đức được hơn hai năm rồi. Đi hành quân, tập trận hoài. Sang năm hết công tra, nhưng ổng muốn ký ở thêm 3 năm nữa. Bên này trong khu gia binh không thiếu thứ gì. Từ trường học, siêu thị, nhà thờ, chiếu bóng. Nhưng tụi nhỏ cũng gần tới tuổi vô trung học rồi, thành ra phải về trở lại Mỹ chớ. Có lúc ở Đại Hàn hơn hai năm. Ở bên đó, chị học làm được 2 món kim chi và thịt nướng đặc biệt. Giờ thì nội trợ của chị không tệ đâu cậu ! Ông Jim ăn món nào ghiền món đó. Đi hành quân về là năn nỉ chị làm dồi nướng và cháo lòng. Ghiền gì thiệt ác. Xứ Mỹ, nhất là bên Đức dễ gì kiếm được huyết với ruột. Chị phải nhờ người mua dùm mới có đó chứ !"
***
Gần một tuần gần các cháu, tôi mới phục bà chị của mình. Tuy mang hai dòng máu và sinh sống ở quê nội, nhưng các cháu không khác gì những đứa trẻ bên quê ngoại là bao. Thích ăn đồ ăn Việt, và nghe lời bà chị tôi răm rắp.
"Ba Jim cũng nghe Má nói. Hông thôi Má la." Cháu Tình, đứa con gái đầu lòng của chị tôi, có một lần "ê a" về mẹ nó.
Tôi chỉ cười thông cảm cho "cả nhà", và trả lời thầm trong bụng "Ừ, tại Ba Jim cháu cũng tuổi dê".
Chắc là mẹ các cháu có kể lại chuyện ngày xưa, nên coi mấy cháu có vẻ khoái "Cậu Ba". Có lẽ nhiễm cái máu bạo của "cậu Ba" hồi nhỏ. Dù còn ngọng ngịu, chữ nghĩa không nhiều, cháu Tình thường hỏi tôi về ông ngoại, và chất vấn tôi về quyết định ở lại của ông ngoại. Cháu Việt thì tò mò, lo lắng về những boat people mà cháu thấy trên tivi. Còn cháu Nam, háu ăn. Lúc nào cũng hỏi xin "cậu Ba cho Nam ăn mì gói nha!" Vui nhất là lúc rong rủi xem những kỳ quang thắng cảnh xứ Tây. Tụi nhỏ càng "bu" sát ông "cậu thông dịch" để được nghe lời "bình loạn" bằng tiếng Mỹ-Tây -Việt trộn lẫn kiểu như cơm ba tầng nhão-sượng-khét.
Cuộc gặp gỡ nào không đến lúc chia tay. Thời gian xum hợp càng rút ngắn dần. Trước ngày về chị nhờ bà xã tôi dẫn đi chợ tàu để mua một vài thứ làm tiệc chia tay và cũng để chị biểu diễn tài nội trợ như đã nói.
Ngồi nhà. Có dịp chuyện trò lâu với ông anh rể sau, mới hay anh là dân không quân. Là lính trên trời, nhưng khi ngồi cùng bàn, mới biết anh rất bình dị và thực tế. Tuy không từng tham chiến ở VN, nhưng anh có rất nhiều bạn bè Việt- Mỹ, hầu hết là lính. Qua đó anh hiểu rất rõ cuộc chiến. Anh tôn trọng và kính phục sự hy sinh của những chiến binh Hoa Kỳ. Nhất là ngưỡng mộ sự chịu đựng thần thánh của những người lính VNCH, những người lính bị cột tay mà vẫn chiến đấu đến cùng. Càng nhìn thấy những khổ nạn của những đồng hương bên vợ anh bao nhiêu, anh thấy xấu hổ và khinh bỉ đám phản chiến đâm sau lưng những người chiến đấu cho tự do bấy nhiêu. Rambo tuy chỉ là phim, nhưng anh vẫn Hy Vọng Một Ngày. Một ngày anh được cùng các chiến binh Mỹ - Việt trở về phá bung xích xiềng, nổ tung trại tù "cải tạo" để cứu đồng đội, giựt sập chế độ bất nhân tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam. Anh vẫn hy vọng Một Ngày Dựng Lại Tượng Đài Thương Tiếc. Thương Tiếc không chỉ có một Người Lính VNCH đang ngồi cô độc. Mà kề bên, có một người bạn đồng minh từng chia sẻ hiểm nguy trên khắp nẻo đường Việt Nam. Đó là lý do khiến Jim đã tình nguyện phục vụ ở những nước có bóng dáng của loài quỷ đỏ. Đó là động lực khiến anh xung phong làm người lính chiến đấu ngay tuyến đầu phân ranh giữa Tự Do / Ngục Tù.
Đêm đã tàn trong vắng lặng. Anh em tôi vẫn ngồi đó bên những lon bia méo mó, vơi dần.
Chợt có tiếng cười dòn của bà chị "Trời đất! Mồi còn nhiều kìa. Hột vịt lộn, dồi xả, thịt nướng đầy, mà sao hai anh em lại mút hột soài. Chắc quắc rồi hả"" .
Văng vẳng bên tai, tôi nghe tiếng ông anh rể nhừa nhựa
" Mình ơi! Cậu Ba ơi ! One Day, Sẽ Có Một Ngày !"

Pháp quốc - Những ngày đầu tỵ nạn 1982
Naikylam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,327,460
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến