Hôm nay,  

Một Đêm Để Nhớ Đời

25/01/200300:00:00(Xem: 255439)
Người viết: TRẦN QUỐC SỸ
Bài tham dự số: 3104-712-vb42022


Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975. Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. “Nghề tay trái” của ông là giảng viên traffic school tại National Traffic Safety Institute (NTSI). Tới với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ đã liên tục góp nhiều bài viết sống động, giá trị, và là tác giả có bài viết được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2002.

Bài viết dưới đây dựa theo một phim tài liệu được giảng dạy tại National Traffic Safety Institute (NTSI) nơi tác giả hiện là một giảng viên. Tác giả hy vọng bạn đọc sẽ rút tỉa được kinh nghiệm qua câu chuyện này để khỏi lâm vào tình trạng khổ sở như của Vinh, nhân vật chính trong chuyện. Bài viết này cũng xin riêng tặng tất cả các học viên của NTSI.
***

Vinh đi dọc theo cái hành lang rộng rồi dừng lại trước hai cánh cửa gỗ màu nâu xậm. Trên tường, bên cạnh là một tấm bảng đen nhỏ, trên được khắc những dòng chữ mạ vàng: "Tuan Q. Nguyen, Attorney At Law". Vinh đưa tay đẩy cánh cửa gỗ, bước vào. Cô thư ký đang chăm chú vào mặt màn hình điện toán, nghe tiếng động ngẩng lên:
- Chào anh, anh cần gặp luật sư "
- Dạ, tôi có hẹn với Luật sư Tuấn.
- Vâng, xin mời anh ngồi đợi giây lát, tôi sẽ cho luật sư biết.
Vinh ngồi xuống chiếc ghế sofa kê sát tường, với tay lấy quyển tạp chí để trên bàn, mở ra, lật lật vài trang rồi gấp lại. Chán nản, Vinh quăng quyển tạp chí xuống mặt bàn, thở dài. Tâm trạng anh lúc này thật bất an, đầu óc anh ngổn ngang với hằng trăm ý tưởng lộn xộn. Đây là lần đầu tiên trong đời, Vinh phải đến gặp một người luật sư để nhờ giúp đỡ. Vinh miên man suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong đêm thứ Sáu tuần trước rồi tự trách chính anh sao lại để mình lâm vào tình trạng khổ sở, bi đát như hiện tại. Phải chi anh có thể làm lại tất cả…
- Chào anh Vinh
Tiếng Luật sư Tuấn cắt đứt giòng tư tưởng của Vinh, kéo anh về thực tế. Vinh đứng dậy, bắt tay Luật sư Tuấn.:
- Dạ chào Luật Sư
- Mời anh vào trong, chúng ta nói chuyện
Luật sư Tuấn đưa Vinh vào văn phòng làm việc của ông, kéo chiếc ghế cho Vinh ngồi rồi khép cửa phòng.
- Anh uống gì không" Cà phê nhé"
- Dạ vâng, cám ơn luật sư.
Vinh nhận ly cà phê từ Luật sư Tuấn, uống một ngụm nhỏ. Để ly cà phê xuống bàn, anh nói:
- Thưa luật sư, trước tiên tôi xin cám ơn luật sư đã nhận lời giúp tôi. Lúc đầu, tôi không nghĩ là tôi sẽ cần người biện hộ, cho tới khi tôi nói chuyện với hãng bảo hiểm của tôi.
Luật sư Tuấn mở xấp hồ sơ của Vinh, chậm rãi đọc qua từng tờ, rồi ngẩng lên:
- Để xem. Anh bị bắt vào đêm thứ Sáu, bị tạm giam tại ty cảnh sát 4 giờ. Hy vọng cái phòng giam đó không đến nỗi tệ lắm. Chà, nồng độ rượu trong máu của anh gần 0.16%, hơi cao.
Ngưng một vài giây, ông tiếp:
- Nhưng anh chưa bao giờ bị bắt về tội say rượu lái xe, điều đó có lợi cho anh. Bây giờ, xin anh kể cho tôi nghe tất cả những chi tiết, diễn tiến trong đêm hôm đó, cùng những gì anh nghĩ rằng chúng có thể giúp được anh trong phiên xử của anh.
Vinh trầm ngâm, suy nghĩ một hồi rồi đáp:
- Như luật sư cũng đã biết, tôi không phải là người xấu, cũng không phải là người mắc bệnh nghiền rượu. Chỉ vì vui với anh em, tôi đã vô tình uống quá độ mà thôi.
Rồi anh chậm rãi kể lại…
….
Buổi chiều tối thứ Sáu hôm đó, Vinh cùng các bạn cùng sở tới nhà hàng Sea Breeze uống vài ly để ăn mừng ngày anh được thăng chức Giám Đốc. Năm người, ngoài Tổng Giám Đốc Thành, còn Hùng, Thái, và Ngọc Liên đều là bạn đồng nghiệp của anh.
Tổng Giám Đốc Thành, nâng cao ly rượu của mình:
- Các anh các chị, chúng ta hãy cùng nâng ly chúc mừng tân Giám Đốc Trần Thế Vinh, một người trẻ, năng động, nhiều khả năng và sáng kiến, một nhân viên xuất sắc của công ty Phi Mã.
- Chúc mừng anh Vinh, chúc mừng.
- Chúc mừng ông tân Giám Đốc.
Uống một ngụm rượu, ông quay sang Vinh:
- Tôi thành thật cảm ơn anh về nỗ lực anh dành cho công ty trong năm vừa qua. Lợi nhuận cho tam cá nguyệt này đã tăng vọt gần gấp đôi so với năm ngoái. Anh xứng đáng được lãnh nhận chức Giám Đốc.
Ngọc Liên nhìn Vinh cười:
- Hỏi thật anh Vinh nhé, anh có bí quyết gì không chỉ cho tụi này với "
Hùng xen vào:
- Còn phải hỏi. Đẹp trai, ăn nói lưu loát như anh Vinh thì khách hàng nào có thể thoát khỏi bàn tay của anh ta. Nhất là các bà các cô.
Thái cũng gật gù:
- Phải công nhận anh Vinh giỏi thật. Tụi này đi rạo cả chân, nói khô cả nước bọt mà thương vụ cũng chỉ bằng nửa của anh thôi. Bái phục, bái phục.
Vinh phân bua:
- Đủ rồi các bạn. Thành công này không phải chỉ của riêng tôi mà của tất cả chúng ta. Ai cũng có tài, có công hết. Tôi chỉ may mắn hơn các bạn thôi.
Tổng Giám Đốc Thành mỉm cười:
- Điều làm tôi lo ngại là làm sao chúng ta có thể sản xuất và giao hàng đúng hẹn cho các đại lý với số bán khổng lồ do anh Vinh đem về đây "
Tất cả phá lên cười.
Vinh uống cạn ly rượu của mình rồi cầm chai rượu lên rót cho mọi người.
- Cám ơn các anh các chị. Xin mời.
Tất cả lại cùng nâng ly uống cạn.
Bỗng ông Tổng Giám Đốc nhìn đồng hồ tay, kêu lên:
- Chết cha, tôi phải về. Chút xíu nữa là tôi quên mất tối nay phải đưa bả đi xem nhạc hội. Các bạn cứ ở lại tiếp tục vui. Chúng ta gặp nhau sáng thứ Hai nhé. Một lần nữa, chúc mừng anh Vinh.
Nói xong ông đứng lên bắt tay tất cả mọi người rồi quay gót.
Bàn tiệc bây chỉ còn 4 người. Họ tiếp tục chuyện trò vui vẻ. Một lát sau, Vinh đưa tay ra dấu gọi cô hầu bàn:
- Xin cô làm ơn mang cho tôi một chai sâm banh loại ngon nhất.
Nhưng Hùng khoát tay nói với cô hầu bàn:
- Xin cô mang cho tôi một ly nước lạnh.
Thái lên tiếng:
- Ê sao kỳ vậy, sao lại uống nước lạnh"
- Tửu lượng tôi yếu lắm không thể sánh với các anh được. Vả lại, tôi không hạp sâm banh. Hễ uống vô là bị nhức đầu, không hiểu tại sao. Xin cho tôi kiếu.
- Không sao. Anh không uống thì tụi tôi uống. Gì chứ, sâm banh là tôi không từ.
Khoảng nửa giờ sau, Hùng đứng dậy cáo từ:
- Tôi phải về. Tôi sẽ để xe lại ở đây, đi taxi về nhà. Ngày mai tôi trở lại lấy xe cũng được.
Ngọc Liên nhẩy nhổm:
- Ủa, tôi tưởng chút nữa anh đưa tôi về" Hôm nay tôi không lái xe. Bây giờ tôi phải làm sao"
Hùng nhìn Ngọc Liên bối rối.
Vinh đáp nhanh:
- Không sao, chút nữa tôi sẽ đưa cô về. Tôi cũng về hướng nhà cô.
Hùng mừng rỡ:
- Cám ơn anh Vinh nhé. À quên, phải gọi là ông Giám Đốc Vinh mới phải. Hẹn gặp ông Giám Đốc sáng thứ Hai, hì hì. Good night.
Nói xong, Hùng đứng lên bắt tay Vinh và Thái rồi vội vã rời nhà hàng.
Còn lại ba người, họ tiếp tục uống thêm một lát nữa. Sau cùng Vinh đề nghị:
- Có lẽ chúng ta cũng nên về thôi . Trước khi chia tay, tôi đề nghị chúng ta làm mỗi người một ly cà phê cho tỉnh người. Cà phê ở đây ngon nổi tiếng. Đồng ý không "
Ngọc Liên đồng tình:
- Cà phê nghe có lý. Tôi cũng cảm thấy hơi ngà ngà.
Vinh gọi cô hầu bàn đem cho một bình cà phê nóng.

Khi Vinh và Ngọc Liên ra khỏi nhà hàng Sea Breeze thì phố xá đã lên đèn. Lúc ấy đã gần 9 giờ đêm. Bước chân của cả hai hơi nghiêng ngả, xiêu vẹo. Họ đều có vẻ thấm rượu. Ngọc Liên bước không vững phải vịn vào Vinh. Cô nói khẽ:
- Cám ơn anh Vinh đã có lòng đưa tôi về.
- Không có chi. Tôi rất hân hạnh được làm tài xế cho cô đêm nay.
Bỗng Ngọc Liên trượt chân lạng choạng. Vinh đưa tay giữ cho cô khỏi té:
- Ấy, coi chừng, cẩn thận. Cô có sao không"
- Ồ không sao, chỉ vì đôi giầy cao gót mắc dịch của tôi mà thôi. Cám ơn anh.
Vinh dìu Ngọc Liên ra xe, mở cửa cho nàng rồi đi vòng qua phía tài xế. Anh cũng cảm thấy mình hơi choáng váng. Vinh phải vịn tay vào xe để giữ thăng bằng.
Gieo mình trên chiếc ghế da, Vinh thở mạnh, khoan khoái. Rồi quên cả mang giây nịt an toàn, Vinh cắm chìa khoá đề máy xe. Chiếc xe vút nhanh trên đường, hoà với dòng xe đang xuôi ngược như mắc cửi trên đại lộ Trùng Dương.
Vinh mơ màng, vừa lái xe vừa bắt chuyện với Ngọc Liên:
- Cô có thích uống rượu không "
- Dạ thỉnh thoảng cũng uống cho vui.
- Không biết chai sâm banh của nhà hàng hiệu gì mà ngon thật. Ngọt lịm. Tôi phải tìm mua chai sâm banh này mới được.
- Hình như là sâm banh của Ý. Sâm banh Ý nổi tiếng là ngon.
- Cô nói đúng. Tôi uống mấy ly mà vẫn không thấy đã.
Bỗng Ngọc Liên rú lên, bám chặt vào tay cầm nơi cửa xe khi xe Vinh lạng qua trái, xuýt đâm vào chiếc xe ngược chiều.
- Á, coi chừng.
Vinh bẻ nhanh tay lái về phía phải. Chiếc xe chao đảo một vài giây rồi lấy lại thăng bằng. Ngọc Liên, mặt không còn chút máu, ngồi im, những ngón tay bấu chặt vào tay cầm.
Trong lúc đó, theo sau xe của Vinh là một xe cảnh sát. Người cảnh sát cầm lái quay sang nói với bạn đồng nghiệp của anh ngồi bên cạnh:
- Chiếc xe đằng trước đảo qua đảo lại, trông rất khả nghi.
- Chúng ta cứ theo dõi họ một lát xem sao.
Một lúc sau, người cảnh sát ngồi bên phải lên tiếng:
- Đúng là người tài xế đang bị ảnh hưởng của rượu, ma tuý hoặc thuốc. Tôi nghĩ chúng ta nên chặn họ lại, trước khi có chuyện đáng tiếc xảy ra.
Anh với tay bật chiếc nút mở những ngọn đèn hiệu trên nóc xe.
Ngọc Liên đang ngồi dựa lưng chặt vào ghế bỗng quay người lại nhìn về phía sau, kêu lên:
- Chết cha, hình như có xe cảnh sát đằng sau. Họ đang quay đèn ra hiệu cho anh dừng lại.
Vinh liếc nhìn vào kiếng chiếu hậu. Anh tái mặt khi thấy chiếc xe trắng đen lù lù với ba ngọn đèn xanh, đỏ, vàng đang quay tròn. Vinh buột miệng than:
- Thiệt tình, xui ơi là xui.
Vinh bật đèn nháy, tắp vào lề phải, tắt máy xe ngồi chờ. Ngọc Liên nhìn Vinh, nhắc nhỏ:
- Anh còn chưa gài dây an toàn nữa. Gài dây vào, mau lên.
Vinh nhanh tay kéo sợi dây an toàn gài ngang bụng. Anh chờ người cảnh sát đến gần rồi bấm nút cho cửa kiếng quay xuống.
Người cảnh sát tên Marino, tiến đến bên cửa sổ, rọi đèn bấm vào Vinh, nhã nhặn:
- Thưa ông, lý do mà chúng tôi dừng ông lại là vì ông lái lạng quạng, xe đảo qua đảo lại. Xin ông cho xem bằng lái xe, thẻ đăng bộ và giấy chứng minh bảo hiểm
Vinh móc bóp lấy giấy tờ đưa cho anh ta.
Marino nhận giấy tờ, xem qua rồi hỏi Vinh:
- Tối hôm nay ông có uống rượu hay không"
Vinh đáp:
- Dạ có. Tôi có uống vài ly sâm banh để ăn mừng ngày tôi được thăng chức.
Marino lịch sự nói với Vinh và Ngọc Liên:
- Bây giờ xin ông xuống xe và bước ra đằng trước mũi xe. Riêng bà, xin bà hãy ngồi yên trong xe.
Vinh gỡ dây an toàn, mở cửa buớc xuống, cố gắng giữ thăng bằng đi về phía trước mũi xe.
- Đầu tiên, xin ông đứng thẳng, ngửa mặt lên trời và nhắm mắt lại. Nào, bây giờ ông dùng ngón tay trỏ và chấm vào chóp mũi của ông.
Vinh làm theo lời viên cảnh sát.
- Cám ơn ông. Kế đến, xin ông đếm các ngón tay, từ 1 đến 10 và đếm ngược lại.
Trong khi Vinh đang đếm ngón tay thì người cảnh sát thứ hai tên Baker, đến bên cửa sổ Ngọc Liên, lễ phép:
- Xin bà vui lòng cho tôi xem bằng lái xe
Ngọc Liên sẵng giọng:
- Tại sao" Tôi đâu phải là người lái xe"
Baker vẫn điền đạm:
- Thưa bà, đây chỉ là thủ tục. Mọi người trên xe đều được liệt kê vào biên bản.
Ngọc Liên miễn cưỡng móc bóp lấy bằng lái xe đưa cho ông ta. Nàng vẫn bực bội:
- Tôi không hiểu các ông muốn gì" Chúng tôi đâu có làm gì phạm pháp"
- Thưa bà, người tài xế dường như đã lái xe dưới ảnh hưởng của rượu.


- Come on, ông Vinh đâu có uống bao nhiêu.
Người cảnh sát đưa trả bằng lái xe lại cho Ngọc Liên, đáp gọn:
- Hãy chờ xem.
Bây giờ trước mũi xe, Vinh đang dang thẳng hai tay, co một chân lên như con cò, và đếm theo lệnh người cảnh sát "một ngàn lẻ một, một ngàn lẻ hai, một ngàn lẻ ba…". Nhưng anh chỉ đếm được đến một ngàn lẻ bốn thì anh lảo đảo, đứng không vững, phải chống chân xuống đất. Xong anh lại co chân và tiếp tục đếm, nhưng cũng được vài giây anh lại lảo đảo phải chống chân xuống đất. Marino, im lặng quan sát Vinh rồi lên tiếng:
- Thưa ông Trần, theo sự nhận xét của tôi ông đã uống hơi nhiều. Chúng tôi buộc lòng phải mang ông về ty cảnh sát để thử nồng độ rượu trong cơ thể của ông. Xin ông quay lại và để tay phải ra sau ót và tay trái ra sau lưng.
Marino móc cái còng đeo bên lưng ra và còng tay hai tay Vinh ra đằng sau, trong lúc Ngọc Liên ngồi trong xe nhìn anh một cách xót xa. Sau đó, Marino mở cửa sau xe cảnh sát và đỡ Vinh ngồi vào ghế. Anh cũng không quên đeo giây nịt an toàn cho Vinh.
Baker nói với Ngọc Liên:
- Bà cũng đã uống quá nhiều, bà không thể lái xe về được. Xin bà cho tôi xin xâu chìa khoá.
- Ý đâu được. Các anh không thể để tôi đi bộ về nhà.
- Thưa bà, chúng tôi sẽ không để bà đi bộ về đâu. Một lát sẽ có chiếc xe câu đến đây, bà có thể về với người tài xế xe câu hay bà có thể cùng về ty cảnh sát với chúng tôi, ở đó bà có thể gọi điện thoại để người nhà đến đón.
- Tôi về với người tài xế xe câu
- Tốt lắm. Chúc bà về nhà bình an.
Nói xong, anh ta trở lại chiếc xe cảnh sát và mở cửa sau, ngồi cạnh Vinh.
Mười lăm phút sau, họ về đến ty cảnh sát. Vinh được dẫn qua dãy hành lang dài, đến một căn phòng, bên ngoài là một tấm bảng đề "Phòng Thử Nghiệm".
Marino, mở còng cho Vinh, giải thích:
- Theo luật lệ hiện hành, ông được quyền chọn một trong ba cách thử nghiệm. Thử hơi thở, thử nước tiểu và thử máu. Tuy nhiên, nếu ông chọn thử nước tiểu hoặc thử máu, kết quả phải được phân chất bởi phòng thí nghiệm, thường thì mất khoảng hai ngày. Trong thời gian đó, ông sẽ bị tạm giam ở đây.
- Còn nếu tôi chọn thử hơi thở thì sao "
- Kết quả sẽ có ngay. Nếu nồng độ rượu trong máu của ông vượt mức giới hạn, ông sẽ bị giữ ở đây 4 giờ, sau đó ông có thể nhờ người nhà đóng tiền thế chân để lãnh ông ra.
- Xin cho tôi thử hơi thở.
- Tốt lắm. Xin ông chờ tôi vài phút.
Sau vài phút chuẩn bị, Marino bảo Vinh:
- Bây giờ xin ông thổi mạnh vào ống này. Nhớ thổi liên tục và giữ ngọn đèn màu xanh này cháy sáng.
Vinh hít một hơi dài vào kê miệng thổi vào một cái ống nhỏ mà người cảnh sát vừa đưa cho anh. Khoảng 30 giây sau, con số màu đỏ trên mặt máy hiện lên : 0.155% .
Marino lại bấm một vài nút trên mặt máy, bảo Vinh:
- Xin ông thổi lại một lần nữa. Nhớ thổi liên tục và giữ ngọn đèn xanh cháy sáng.
Cũng như lần trước, con số màu đỏ lại hiện lên: 0.156%
Marino bước tới bên Vinh, dõng dạc nói:
- Thưa ông Trần, cả hai lần thử nghiệm đều có kết quả như nhau. Nồng độ rượu trong máu ông đã vượt quá mực giới hạn là 0.08%. Chúng tôi bắt buộc phải câu lưu ông vì đã lái xe dưới ảnh hưởng của rượu, chiếu theo điều luật CVC 23152 của bộ luật lưu thông California. Ông có quyền giữ im lặng, bất cứ những gì ông nói đều có thể dùng để buộc tội ông trước toà. Ông có quyền mướn luật sư bào chữa, nếu ông không có tiền, và nếu ông hội đủ điều kiện, một luật sư sẽ được chỉ định để biện hộ cho ông. Ông có hiểu không "
- Tôi hiểu
Sau đó, anh ta đưaVinh tới khu lập thủ tục tạm giam. Nơi đây, anh ta bàn giao Vinh cho người nhân viên trực.
- Anh này bị tội gì"
Marino đáp:
- DUI
- Ông Trần, bây giờ tôi sẽ hỏi ông vài câu hỏi. Ông có hút cần sa hay bạch phiến hoặc các loại ma tuý khác không "
- Dạ không.
- Ông có mang trong người bất cứ một chứng bệnh hiểm nghèo nào có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không "
- Dạ không.
- Ông có cảm thấy chán nản muốn tự vẫn không "
- Dạ ông nói gì, tôi không nghe rõ"
- Ông có ý định kết liễu cuộc đời của ông không "
- Dạ không, không có điều đó.
- Xin ông vui lòng móc túi và để tất cả vật sở hữu lên mặt bàn.
Anh ta cẩn thận kiểm tra từng món trên bàn rồi đánh vào máy điện toán.
Xong anh ta đưa cho Vinh một bao nylon và nói:
- Xin ông vui lòng bỏ tất cả vật sỡ hữu cá nhân vào túi này rồi dán chặt miệng túi lại.
Quay sang Marino và Baker, anh nói:
- Phận sự các anh xong rồi. Hai anh có thể đi.
Marino quay sang chào Vinh:
- Chúc ông may mắn
Sau khi lập biên bản, lăn tay và chụp hình Vinh, người nhân viên trực đưa anh đến khu tạm giam được nằm trong khu an ninh, phải đi qua hai lần cửa sắt tự động. Người nhân viên trực nói với Vinh:
- Trong nhà giam có đặt máy điện thoại công cộng. Anh có thể dùng nó để gọi collect cho người nhà anh để họ đến lãnh anh ra. Anh sẽ phải ở đây 4 giờ đồng hồ.
Nói xong anh mở khoá cửa nhà giam cho Vinh vào.
Nhà giam của ty cảnh sát là một căn phòng rộng, chung quanh bao bọc bởi những chấn song sắt. Hai dãy ghế dài kê sát tường, và hai dãy ghế dài kê giữa phòng. Trong góc trái là một cái bồn cầu tiêu, không cửa chắn nằm chơ vơ. Bên trong, hiện có hơn mười người, kẻ đứng người ngồi, mặt mũi bơ phờ, có vẻ mệt mỏi. Cái điện thoại nơi góc bên phải đang có người xử dụng.
Vừa bước vào phòng, Vinh đã phải nín thở, muốn buồn nôn vì một mùi khai xông lên nồng nặc. Chọn một chỗ trống trên chiếc ghế dài, Vinh ngồi xuống, ngả lưng vô tường, chán nản. Một anh chàng Mỹ trắng, loay hoay cài nút quần sau khi đi tiểu, tiến đến ngồi bên cạnh Vinh, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Anh lè nhè nói với Vinh:
- Uống rượu lái xe hở " ĐM, mấy thằng cảnh sát nó canh dữ quá. Tao ở đây mấy tiếng rồi mà con vợ tao vẫn chưa chịu đến lãnh tao về. ĐM, tao chịu hết nổi chỗ này rồi.
Vinh thở dài:
- Dù sao anh cũng sắp được ra rồi. Tôi còn phải ở lại đây mấy tiếng nữa. Xui xẻo gì đâu.
Vinh chợt thấy người đàn ông sau khi nói điện thoại xong, gác máy. Anh đứng lên, hấp tấp chạy đến định cầm máy lên thì một bàn tay hộ pháp nắm vai anh giật mạnh. Quay lại, Vinh thấy một tên Mễ, to lớn, mặt mũi thật dữ dằn:
- Ê, tao chờ nó nãy giờ. ĐM định cắt hàng hở "
- Xin lỗi anh, tôi không biết.
Vinh lủi thủi trở lại ghế ngồi, lẩm bẩm một mình:
- Trời ơi, tại sao tôi lại ra nông nổi này "

Vinh bước ra khỏi ty cảnh sát, nhìn dáo dác. Một chiếc xe Lexus trắng trờ tới. Nhận ra người lái xe là vợ mình, Vinh vui mừng:
- Anh thật sung sướng khi thấy em
Yến quắc mắt nhìn anh sẵng giọng:
- Vô xe đi ông nội. Tới nước này mà ông còn sung sướng được hay sao"
Vinh chưng hửng, im lặng mở cửa ngồi vào xe. Vinh chưa kịp gài dây an toàn thì Yến đã hỏi gằn:
- Con đó là con nào "
- Hả, em nói gì "
- Tôi hỏi anh, con ngựa đi chung xe với anh là con nào "
Vinh nhăn nhó:
- Trời ơi, anh không ngờ em lại có thể ghen tương được trong lúc này. Cô đó là Ngọc Liên, bạn cùng sở của anh, anh chỉ đưa cô ta về dùm. Tụi anh đi ăn mừng anh vừa được thăng chức. Ông Thành, anh Hùng, anh Thái đều có mặt.
Yến vẫn sẵng giọng:
- Oh yes " Vậy thì tại sao anh Hùng không đưa cô ta về mà lại là anh "
- Khổ quá, anh Hùng bỏ xe lại đi taxi về. Yến, xin em để anh yên. Em không biết anh đã trải qua những gì trong đêm nay "
Yến gay gắt:
- Hừ, anh tưởng mọi chuyện chỉ có vậy thôi sao " Tôi nói cho anh biết, vấn đề của anh mới chỉ bắt đầu thôi, anh ơi. Ba của tôi cũng đã bị như anh mấy năm về trước, má tôi bây giờ vẫn còn cong lưng trả nợ. Anh có biết điều đó không "
- Vậy mà anh tưởng không có gì tệ hơn là cái nhà giam đó.
- Tưởng với không tưởng. Tại sao anh không thương vợ con anh " Tại sao anh không suy nghĩ một chút khi anh cầm ly rượu đưa lên miệng uống "
- Yến, xin em đừng đay nghiến anh nữa. Anh đã biết lỗi. Em có thể dừng xe tại đâu đó để anh mua vài viên thuốc nhức đầu được không "
Yến cười gằn:
- Dừng xe cho anh mua thuốc" Hừ, anh có biết là bây giờ là mấy giờ rồi không" Hai giờ sáng rồi ông ơi, không còn tiệm nào mở cửa giờ này cả. Anh có biết là tôi phải điện thoại cho má, đánh thức bả dậy qua trông mấy đứa nhỏ để tôi có thể đến đây lãnh anh về.
- Má biết rồi sao" Trời ơi, tại sao em cho bả biết làm gì"
- Anh tưởng rằng anh có thể giấu chuyện này được hả" Người trung sĩ tại ty cảnh sát nói rằng kể từ nay, tên anh đã bị vào sổ bìa đen suốt đời, không thể gội rửa được.
- Thì anh mướn luật sư. Họ sẽ giúp anh.
- Mướn luật sư " Không dễ vậy đâu anh ơi. Thật là ngu xuẩn, tôi đã cố gắng bao nhiêu năm để cuối cùng được hãng bảo hiểm cho cho chúng ta giá rẻ. Bây giờ, kể như công cốc.Anh hãy cầu nguyện để họ không đuổi mình ra khỏi hãng.
Vinh đau khổ, thở dài, nói khẽ:
- Trời ơi, chừng nào thì cơn ác mộng này mới qua "
….
Nghe Vinh kể đến đây, Luật sư Tuấn ngắt lời anh:
- Bây giờ chị còn giận anh không "
Vinh cười gượng:
- Giận thì không còn giận, nhưng bả rất lo lắng. Không biết tôi sẽ phải tốn bao nhiêu tiền"
Luật sư Tuấn nhìn anh thương hại:
- Tôi nói thật với anh, không rẻ đâu. Luật sư phí của tôi hai ngàn đô. Thêm vào đó, anh sẽ phải trả tiền phạt, tiền toà, tiền cảnh sát, tiền giam xe, tiền đi học DUI, tiền gắn máy thổi an toàn, tiền bằng lái tạm… tổng cộng có thể lên đến bẩy tám ngàn. Ngoài ra, bảo phí của anh sẽ tăng gấp ba, và anh sẽ phải đi làm việc cộng đồng từ bốn mươi đến tám mươi tiếng.
- Việc cộng đồng" Việc gì" Có phải đi nhặt rác, nhổ cỏ, trồng cây" Không có việc gì khác hơn sao"
Luật sư Tuấn nghiêm giọng:
- Anh Vinh, anh còn may mắn lắm là anh đã không gây ra tai nạn, không có người chết hoặc bị thương. Bằng không, sự việc còn tệ hơn nữa. Cuộc đời anh sẽ đi vào ngõ cụt.
- Nhưng tôi đâu phải là người xấu "
- Tôi biết, nhưng xã hội đã có quá nhiều những tai nạn thảm khốc do những người sau rượu lái xe gây ra. Anh có biết mỗi năm có gần hai mươi ngàn người tử thương vì những tai nạn do những người tài xế say rượu gây nên không" Vì vậy, bây giờ họ làm luật phạt rất nặng để làm gương cho người khác.
- Nhưng tôi… Xin Luật sư cố gắng giúp dùm.
- Tôi hứa là tôi sẽ cố gắng giúp anh hết mình. Tuy nhiên, tôi không biết là quan toà sẽ xử phạt anh như thế nào, nhưng vì anh mới vi phạm lần thứ nhất, hy vọng tôi có thể xin quan toà khoan hồng cho anh. Thôi bây giờ anh về nhé. Chúng tôi sẽ liên lạc với anh về ngày giờ anh phải ra toà.

Ba tháng sau, tại công viên Vạn Xuân, người ta thấy có một nhóm người mặc áo khoác màu cam, đang cặm cụi nhổ cỏ, nhặt rác, quét lá và làm vệ sinh chung quanh. Vinh cũng có mặt trong nhóm này. Chống cây cào cỏ, Vinh đưa tay quệt những giọt mồ hôi đọng trên trán, đưa mắt nhìn mông lung. Nét ưu tư hiện rõ trên gương mặt hốc hác, thiếu ngủ của anh. Vinh miên man suy nghĩ về những chuyện đã qua, rồi những ngày sắp tới. Anh hối tiếc, ân hận về việc làm của mình nhưng cùng lúc cũng cảm thấy yên ủi khi biết rằng hành động vô trách nhiệm của anh may mắn đã không mang lại một thảm cảnh đau đớn cho gia đình người khác.
Giả như đêm đó anh gây nên tai nạn và giết chết một hay nhiều mạng người thì bây giờ cuộc đời anh sẽ ra sao" Vinh rùng mình không dám nghĩ tiếp.
Ngoài đường, dòng xe cộ bất tận vẫn nối đuôi nhau, ngược, xuôi, qua lại.

XIN CÁC BẠN ĐỪNG UỐNG RƯỢU LÁI XE.


Trần Quốc Sỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,175,228
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến