Hôm nay,  

Nghiệp Chướng

06/01/200300:00:00(Xem: 212592)
Người viết: TRẦN QUỐC SỸ
Bài tham dự số: 395-704-vb20106

Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975. Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. Tới với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ đã liên tục góp nhiều bài viết sống động, giá trị, và là tác giả có bài viết được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2002.

Tôi gặp người đàn ông đó khi vào làm cho công ty EG&G mùa hè năm 88. Dũng, tên của anh, tuổi khoảng ngoài 50, có vóc dáng của một ông chủ lớn. Người tầm thước, trắng, hơi mập, trông anh rất bệ vệ. Với mái tóc hoa râm, gương mặt chữ điền, vầng tráng rộng, cộng thêm cặp kính cận, anh thật đúng mẫu mực khuôn thước của một người trí thức, một giáo sư khoa bảng, hay một nhân vật quan trọng có địa vị trong xã hội. Nhưng sao dường như trên gương mặt anh lúc nào cũng đượm vẻ tư lự, nụ cười héo hắt, gượng gạo, giọng nói trầm buồn như đang cố che dấu một điều gì u uẩn trong lòng"
Buổi sáng hôm đó là ngày đầu tiên của tôi tại công ty điện tử này. Tôi đang ngồi một mình, nhâm nhi ly cà phê trong giờ giải lao thì anh tiến đến mở lời, giọng miền Bắc, thật nhỏ nhẹ:
- Chào chú, chú mới vào làm ở đây hở"
- Chào anh, thưa anh vâng. Hôm nay là ngày đầu của em.
Chỉ chiếc ghế trống đối diện, tôi mời anh:
- Mời anh ngồi. Em tên Steven, nhưng xin anh cứ gọi tên Việt của em là Sỹ. Anh làm ở đây lâu chưa"
- Anh làm ở đây cũng được hơn hai năm. Anh tên là Dũng, tên Mỹ là John, tụi Mỹ thường gọi anh là Johnny. Anh là kiểm soát viên (inspector hay còn gọi là QA). Còn chú, làm gì ở đây"
- Dạ em là kỹ sư . Tên xếp em nói sẽ giao cho em trông coi project ADCAP.
- À đúng rồi, hình như hãng mình mới trúng thầu project này. Anh chúc mừng cho chú. Người Việt Nam mình giỏi thật, nhất là những người trẻ tuổi như chú. Còn như bọn anh, qua đây khi tuổi đã xế chiều nên bị chúng coi như đồ phế thải.
- Anh nói quá lời, theo em, mỗi người một công việc. Kỹ sư hay kiểm soát viên, chỉ là danh xưng, nhưng công việc đều quan trọng như nhau cả. Ngay cả những anh chị làm ở dưới assembly line, hay test department, công việc của họ cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta chỉ là một phần trong guồng máy, hệ thống sản xuất của công ty mà thôi.
Anh đưa mắt nhìn về xa xăm, nói như tiếc nuối một quá khứ huy hoàng:
- Chú nói đúng, nhưng người có chức vị vẫn được thiên hạ vị nể.
Nghe anh nói câu này, tôi đoán chừng anh từng là một người có quyền hạn, hoặc có địa vị trong xã hội Việt Nam trước năm 75. Có thể anh từng là một vị tướng, hay là một nhân vật cao cấp trong chính phủ. Tôi chuyển hướng câu chuyện:
- Ở Việt Nam có lẽ anh trong quân đội "
Anh cười, nụ cười có vẻ gượng gạo:
- Không, anh chẳng đi lính ngày nào cả. Anh làm cho bộ Ngoại giao.
- Anh xuất thân từ trường Quốc Gia Hành Chánh "
- Đúng rồi. Sao chú biết"
- Em chỉ đoán vậy thôi. Anh cả của em cũng là dân Quốc Gia Hành Chánh. Sau khi xong Cao học, anh ấy về Giám Sát Viện. Những người bạn của anh sau khi tốt nghiệp đều có chức vụ trong chính phủ. Không Phó tỉnh thì cũng Giám đốc các cơ quan công quyền.
- Có lẽ anh biết anh của chú.
Câu chuyện đến đây thì tiếng chuông hết giờ nghỉ bỗng vang lên. Anh đứng dậy bắt tay tôi:
- Đến giờ làm việc rồi, anh phải vào. Làm ở line giờ giấc nhất định, không như chú, giờ giấc thoải mái không bị bó buộc. Hôm nào rảnh, anh em mình nói chuyện tiếp.
-Dạ vâng
Tôi bắt tay anh rồi cũng đứng lên, lững thửng đi về phòng làm việc của mình.

Thấm thoát, tôi đã làm ở đây được non một tháng. Tôi cũng quen được một số anh chị em Việt Nam khác, tất cả đều là những technicians và assemblers. Riêng anh, mấy tuần qua tôi không có dịp nói chuyện lại với anh. Trong giờ giải lao, tôi có để ý tìm anh, nhưng hầu như lần nào, tôi cũng thấy anh bận gọi điện thoại. Không muốn làm phiền anh, vả lại, cũng chẳng có chuyện gì quan trọng nên tôi lại thôi.
Vào một buổi chiều, tôi còn nhớ rất rõ hôm đó là một buổi chiều thứ Sáu, tôi đang trên đường ra bãi đậu xe để về nhà sau giờ làm việc thì bỗng nghe tiếng ai gọi sau lưng:
- Sỹ
Tôi quay lại thì thấy anh tất tảchạy đến, gương mặt đượm vẻ lo âu. Anh nhìn dáo dác chung quanh rồi kéo tôi vào một chỗ khuất, ngập ngừng:
- Anh, anh… có một việc cần chú giúp…nhưng…nhưng anh… ngại quá…
Tôi nói với anh:
- Xin anh cứ nói, nếu trong khả năng của em, em sẽ sẵn lòng.
- Chú nói vậy thì anh mới dám hỏi. Anh rất cần một số tiền nhỏ, chú có thể cho anh mượn vài ngày được không"
Tôi nhìn anh một vài giây dò xét rồi đáp:
- Anh cần bao nhiêu, anh cho em biết. Nếu có thể giúp được, em sẽ giúp anh.
Anh trầm giọng:
- Kẹt lắm anh mới dám nhờ chú. Số là bà chị của anh bên Houston đau nặng, không biết kỳ này có qua khỏi hay không. Anh muốn bay sang thăm chị lần cuối, nhưng anh không đủ tiền mua vé máy bay. Chú ứng trước cho anh ba trăm, anh hứa sẽ hoàn lại chú ngay sau khi anh trở về Cali.
Xúc động cộng mủi lòng cho hoàn cảnh của anh, tôi nói nhanh:
- Tưởng nhiều chứ ba trăm đô thì em có.
Móc túi lấy quyển check book, tôi định viết chi phiếu cho anh thì anh đã lên tiếng:
- Chú cho anh xin tiền mặt được không" Anh cần ngay để mua vé máy bay. Chú ký check, anh sợ không tiện.
Tôi nhíu mày suy nghĩ rồi nói:
- Em không có sẵn tiền mặt trong túi, nhưng được rồi, anh theo em ra ngân hàng, em sẽ lấy tiền cho anh.
Tôi đến ngân hàng gần sở, rút 300 đô từ trương mục đưa cho anh:
- Anh cứ cầm lấy số tiền này để đi thăm chị của anh. Khi nào anh có tiền, anh cho em xin lại cũng được.
Anh cầm tay tôi, nghẹn lời:
- Cảm ơn chú, anh sẽ không bao giờ quên ơn chú.
- Xin anh đừng bận tâm. Giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn là chuyện thường tình. Chúc anh đi bình an, em sẽ thêm lời cầu nguyện cho chị của anh.
Anh bắt tay tôi, xiết chặt, rồi quay gót. Tôi nhìn theo dáng anh, lòng cảm thấy vui vui.

Sáng thứ Hai, anh đến tận văn phòng tôi, cám ơn và đưa cho tôi một tấm chi phiếu cá nhân 300 đô, kèm thêm lời căn dặn:
- Anh rất cảm ơn chú đã giúp anh. Anh xin hoàn trả chú số tiền chú đã cho anh mượn. Anh chỉ xin chú đừng cash tấm chi phiếu này cho đến cuối tuần vì thứ năm anh mới lãnh lương, khi ấy, anh mới có thể bỏ tiền vào trương mục được. Chú thông cảm cho anh.
- Vâng, anh yên tâm, em sẽ không deposit nó cho đến thứ trưa thứ Sáu.
- Cám ơn chú thật nhiều.
- Dạ không có chi. À, em quên hỏi anh, bệnh tình chị của anh có thuyên giảm không" Có hy vọng qua khỏi không"
Anh nhìn tôi lắc đầu:
- Bác sĩ nói chị sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Ung thư thời kỳ thứ ba rồi.
Tôi an ủi anh:
- Em thành thật chia buồn cùng anh. Sống chết là do Thiên Chúa sắp đặt, chúng ta không thể thay đổi được. Chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho chị.
- Cám ơn chú. Chú thật là một người có lòng quảng đại. Thiên Chúa sẽ trả ơn cho chú. Bây giờ anh phải trở về làm việc. Một lần nữa xin cám ơn chú.
Nói xong anh quay gót rời khỏi phòng tôi.

Thứ Sáu tuần đó, như thường lệ tôi đến ngân hàng để deposit check lương cùng tấm chi phiếu của anh. Tôi rất ngạc nhiên khi người thu ngân viên trả lại cho tôi tấm chi phiếu và cho tôi biết là tấm chi phiếu không có giá trị.
Tôi khẩn nài với cô ta:
- Cô vui lòng kiểm lại lần nữa. Người ký ngân phiếu này cho tôi biết anh ta đã bỏ tiền vào trương mục ngày hôm qua.
Cô thâu ngân viên lạnh lùng trả lời tôi:
- Không thể có chuyện đó xảy ra. Trương mục của ông ta đã đóng hơn 6 tháng. Sorry.
Tôi sững một vài phút và sau đó bừng tỉnh như vừa bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Tôi đã bị lừa một cách trắng trợn. Nếu tấm ngân phiếu không tiền bảo chứng thì có lẽ tôi đã không giận như vậy. Đằng này, trương mục đã đóng nửa năm mà anh ta vẫn ngang nhiên ký chi phiếu cho mình. Tôi vẫn không muốn tin mình đã bị sa bẫy bởi người đàn ông có gương mặt trí thức và giọng nói miền Bắc nhỏ nhẹ đó. Tôi không muốn tin những gì đã xảy ra nhưng thực tế vẫn là thực tế. Tấm ngân phiếu trên tay cho tôi biết mọi chuyện đã thực sự xảy ra. Tôi đang tỉnh chứ không ở trong mơ.
Tôi bước nhanh ra khỏi ngân hàng, ra xe lái một mạch về sở với cái bụng đang đói meo, quên bẵng cả việc ăn trưa.
Về đến sở, tôi thấy anh ta đang đứng gọi điện thoại công cộng nơi phòng ăn. Thấy tôi, anh ta mau lẹ cắt ngắn cuộc điện đàm, gác ống nghe, tiến tới nói nhanh:
- Chú khoan nổi cơn giận. Xin chú cho anh cơ hội giải thích.
Tôi sẵng giọng:
- Được, tôi sẽ cho anh cơ hội giải thích. Anh đi theo tôi.
Tôi đưa anh ta vào văn phòng, đóng cửa. Nén cơn giận, tôi cố bình tĩnh:
- Tại sao anh lại nhẫn tâm lường gạt tôi như vậy" Tại sao anh lại cố tình ký chi phiếu cho tôi bằng trương mục đã đóng lâu rồi. Tại sao anh lại làm chuyện như vậy" Bây giờ anh giải thích việc làm của anh đi.
Gương mặt anh ta lúc này thật thảm não. Hắn nói như muốn khóc:
- Anh biết anh không nên làm như vậy, nhưng anh kẹt quá. Anh đương lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chú không thể hiểu được nỗi khổ của anh lúc này. Anh rất xấu hổ. Anh rất ân hận đã có những hành động không phải đối với chú. Xin chú thương anh, cho anh một cơ hội. Anh sẽ hoàn đủ số tiền lại cho chú trong vòng một tuần. Anh xin hứa danh dự với chú như vậy. Xin chú thương anh.
Tôi im lặng nhìn hắn. Tôi có thể tin được người đàn ông này hay không" Suy nghĩ một vài giây, tôi nói:
- Được, tôi không hoàn toàn tin anh lắm nhưng tôi cũng cho anh đến thứ Sáu tuần sau. Nhưng với điều kiện là anh phải viết cho tôi một giấy nợ ( IOU). Tôi mong rằng anh sẽ giữ lời hứa của anh.
Anh ta lộ vẻ mừng rỡ, nghuệch ngoạc viết cho tôi vài chữ, rối rít cám ơn tôi rồi quay bước.
Những ngày sau đó, anh ta cố ý tránh mặt tôi. Tôi biết thế nhưng cũng chẳng bận tâm về điều này. Tôi đã hứa cho anh ta đến thứ Sáu, để tới ngày đó rồi tính.
Trưa thứ Sáu, anh gõ cửa phòng tôi. Nhìn gương mặt đưa đám của anh, tôi không mong gì anh sẽ trả tiền cho tôi hôm nay. Nhưng anh ta móc túi, lấy đưa cho tôi một số tiền:
- Anh cố gắng lắm mới chạy được bao nhiêu đây. Chú cầm đỡ, cuối tuần sau anh sẽ hoàn trả chú phần còn lại. Anh xin hứa. Xin chú thương anh, thông cảm cho hoàn cảnh của anh.
Tôi cầm lấy số tiền, toàn giấy một đồng và vài tờ năm đồng. Đếm ra chỉ được 50 chục. Tôi muốn quăng số tiền vào mặt anh ta cho hả cơn giận, nhưng nhìn gương mặt thiểu nảo, đôi mắt đỏ hoe sau cặp kính cận của anh, tôi kịp kềm chế cơn giận.
- Được rồi, anh về làm việc đi. Tôi hy vọng lần này anh giữ lời hứa của anh.


Một tuần, hai tuần, chẳng thấy anh ta đến trả tiền. Tôi cũng chả buồn hỏi. Tuần sau đó, anh ta tơ1i trả cho tôi thêm 50 chục nữa rồi tìm cách, khất lần. Mỗi lần như thế, với giọng nói như muốn khóc, đôi mắt đỏ hoe, anh ta kể lễ nhiều chuyện, nào là con cái đau ốm, nào là xe hư, nào là vợ thất nghiệp, nào là phải gởi tiền về Việt Nam phụng dưỡng mẹ già…. Những lần hắn van xin, lạy lục tôi như vậy, tôi lại cảm thấy thương hại hắn xen lẫn sự tức tối. Tôi không tiếc 200 đô, nhưng tôi cảm thấy mình bị nhục lây vì cách cư xử khốn khổ, teẹ hại vậy.
Có dịp gặp bà trưởng phòng nhân viên, tôi trình bày tự sự, tôi đưa bà xem tấm giấy nợ của anh ta, yêu cầu bà trích thẳng một phần lương của anh ta để trả số nợ mà anh ta nợ tôi. Nghe xong, bà nói:
- Điều anh yêu cầu chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi không thể trừ lương của John để trả cho anh. Chỉ khi nào anh có phán quyết của toà thì chúng tôi mới có thể làm được việc ấy. Sorry. Tôi cho anh biết thêm một điều nữa, anh không phải là người thứ nhất lên gặp tôi về việc này. Đã có nhiều người trước anh.
Tôi không tin vào tai mình. Tôi hỏi lại:
- Bà nói sao" Tôi không phải là người duy nhất"
- Đúng vậy
Thì ra anh ta đã lường gạt nhiều người mà tôi không hề hay biết. Giờ nghỉ giải lao chiều hôm đó, tôi kể chuyện mình bị Johnny Dũng lừa cho những anh chị Việt Nam cùng sở. Tôi lên tiếng báo động:
- Các anh chị có tiền đừng cho Johnny Dũng mượn nhé. Hắn không trả đâu. Hắn còn nợ tôi 200 đô, tôi đòi hơn tháng rồi mà vẫn chưa lấy lại được.
Phong, người technician, cũng mới vào làm như tôi, la lên:
- Ủa, ông cũng dính bẫy Johnny Dũng hả. Hắn cũng vừa mượn tôi 300 cách đây hai tuần. Hắn cũng chưa trả tôi lại được đồng nào. Tôi đòi thì hắn cứ van xin, nài nỉ khất lần.
Hoàng, cũng là một lính mới, nhảy nhổm:
- Chết mẹ, tui cũng mới vừa cho ổng mượn 300 đô tuần trước. Tại sao các anh không cho tôi biết"
Việt, một nhân viên kỳ cựu, chắt lưỡi:
- Thằng cha Johnny này "bựa" thiệt. Mấy anh mới vô không biết, chứ trong hãng này, người Việt Nam nào cũng một lần đã bị dính bẫy của thằng chả. Tôi tưởng thằng chả chừa tật đó rồi, chứ ai ngờ thằng chả vẫn còn chơi kiểu cũ.
Tôi thật tình hỏi:
- Nhưng mà thằng chả kẹt chuyện gì mà mượn tiền dữ vậy"
Chị Loan, cũng là một nhân viên kỳ cựu, lên tiếng:
- Ông ơi, sao ngây thơ vậy" Thằng chả có máu đỏ đen. Bao nhiêu tiền đều đem cúng cho Bicycle hết rồi.
- À thì ra thế
Richard, người Việt gốc Hoa, nãy giờ im lặng, bây giờ mới lên tiếng:
- Tháng trước, thằng chả cũng mượn tui 300 đô, hẹn một tuần sẽ trả, rồi cũng không trả. Cuối cùng tui phải dẫn mấy thằng đàn em du đãng, chận thằng chả trước cửa Bicycle. Tui hăm thằng chả, không trả tiền tui, tui cho mấy thằng đàn em chém bỏ xác. Thằng chả thấy mấy thằng em tôi ngầu quá nên đành đau khổ móc tiền ra trả đủ. ĐM, thứ đó phải chơi mạnh nó mơiù sợ.
Hoàng than thở:
- Anh hên thiệt đó. Không biết khi nào tụi tôi mới lấy lại được tiền của mình đây" Khổ thiệt. Tui đâu dám cho bà xã tui hay chuyện này.
Chị Loan nói nhỏ:
- Tôi nói cho các anh biết, vợ thằng chả có tiệm bán hoa ở gần đây. Mấy anh gọi điện thoại cho vợ thằng chả, bắt bả trả tiền. Nhiều người ở đây đã làm chuyện đó rồi.
- Chị có số điện thoại tiệm hoa không"
- Ờ có. Để coi, đây nè, 626-555-1234
Tôi về phòng nhấc máy, quay số gọi tiệm hoa. Tiếng một người đàn bà đầu giây bên kia:
- Lucky florist. Can I help you"
- A lô, xin vui lòng cho tôi nói chuyện với bà chủ tiệm.
- Tôi là chủ tiệm, anh cần gì"
- Dạ, chào chị. Thưa chị, tôi là Sỹ, tôi làm việc cùng sở với anh Dũng, chồng chị. Anh Dũng có mượn tôi 300 đô, đã trả được 100, còn 200. Tôi rất cần số tiền này, xin chị vui lòng thanh toán cho tôi. Tôi có giấy nợ của anh Dũng làm bằng chứng.
Tiếng bà ong ỏng, rít lên trong máy, giận dữ:
- Ai bảo với anh thằng khốn nạn đó là chồng tôi" Tôi đã đạp thằng khốn nạn ra khỏi nhà từ lâu rồi. Nó không còn dính dáng gì đến tôi. Anh cho nó mượn tiền thì anh đi kiếm nó mà đòi.
- Nhưng thưa chị…
- Không nhưng với nhị gì cả. Đi kiếm nó mà đòi tiền. Tôi bảo cho anh biết, đừng bao giờ gọi điện thoại đến đây về chuyện của thằng trời đánh, khốn nạn đó. Tôi không tiếp đâu.
Nói xong, chị cúp máy một caí rầm. Tôi gác máy, thở dài ngao ngán, định bụng chắc phải thí cô hồn cho hắn 200 đô. Thôi thì cứ coi như là vận xui của mình đi, tôi tự an ủi.
Khoảng hơn tuần sau, bỗng dưng một sự may mắn tình cờ đến với tôi. Buổi trưa hôm đó, tôi vừa đậu chiếc xe trong bãi đậu xe của ngân hàng, mở cửa bước xuống thì thấy Johnny Dũng từ trong ngân hàng đang đi ra, trên tay cầm một xấp tiền, vừa đi vừa đếm.
Tôi đứng chặn lối của hắn, lên tiếng:
- Anh Dũng
Đang đếm tiền, ngửng lên, thấy tôi, hắn lộ vẻ bối rối.
Tôi tấn công ngay:
- Anh Dũng, xin anh hoàn trả tôi số nợ 200 đô anh còn thiếu. Tôi đã cho anh quá nhiều cơ hội, tôi không thể nhẫn nại thêm nữa. Anh đang có tiền, xin anh tự trọng, đừng để tôi phải nặng lời.
Không làm sao hơn được, Johnny Dũng đau khổ đếm tiền trả cho tôi. Hắn nói:
- Anh cám ơn chú đã giúp anh trong lúc túng quẫn. Đây số tiền anh còn nợ chú. Xin chú thương hiểu cho anh, anh không muốn sự thể xảy ra như vậy. Anh mong rằng tình anh em mình không bị sứt mẻ
Cất tiền vào túi, tôi cười gằn:
- Đến nước này mà anh còn nói được những câu nói đó hay sao" Anh Dũng, bộ anh tưởng tôi mù hay sao mà không biết những việc anh đã làm" Tôi không thể có một người bạn như anh được.
- Tại sao chú lại nhẫn tâm nói với anh như vậy"
- Hừ, nhẫn tâm" Anh tự xét bản thân của anh đi thì anh sẽ hiểu. Từ nay, xin anh đừng gặp tôi, đừng nói chuyện với tôi và nhất là đừng mong mượn tiền của bất cứ một anh chị em Việt Nam nào trong sở. Tôi sẽ báo động cho bất cứ người Việt Nam nào mới gia nhập công ty về việc làm của anh. Vì danh dự của người Việt Nam, xin anh hãy tìm cách trả tiền cho những người anh nợ và chấm dứt ngay hành động lừa đảo của anh. Chào anh.
Nói xong, như trút được gánh nặng trên vai, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thời gian trôi qua nhanh. Thấm thoát, tôi đã làm cho EG&G được tròn năm. Kể từ bữa đụng đầu với Johnny Dũng tại sân đậu xe của ngân hàng, tôi không nói chuyện với anh ta nữa. Những anh chị em Việt Nam dần dà đều đòi được số tiền cho mượn. Những người Việt Nam gia nhập công ty đều được chúng tôi báo động về hành động của Johnny Dũng. Trong một thời gian dài gần một năm, không thấy ai than phiền bị Johnny Dũng giật nợ. Tôi mừng thầm trong bụng, có lẽ Johnny Dũng đã thoát khỏi bàn tay kềm toả của thần cờ bạc chăng.
Riêng Johnny Dũng, tôi vẫn thường thấy anh ngồi một mình trong những giờ giải lao, mắt nhìn về cõi xa xăm. Mọi người đều xa lánh anh, nhìn anh với con mắt khin bỉ. Nhìn anh thui thủi một mình, tôi bỗng cảm thấy thương hại anh. Dầu sao đi nữa, anh cũng vẫn làcon người. Là con người, không ai tránh khỏi lầm lỗi. Những bậc thánh nhân xưa kia còn lầm lỡ, huống chi anh cũng chỉ là một con người bình thường. Anh đã trả một giá quá đắt cho sự đam mê của anh. Vì lầm lỡ, anh đã mất nhà, mất cửa, mất vợ, mất con, mất bạn, mất bè. Anh hiện đang kéo dài một cuộc sống buồn thảm của mình trên chiếc xe van cũ rích. Có lẽ đây là nghiệp chướng của anh chăng"
Bỗng dưng, sự căm hận của tôi đối với anh từ từ tan biến. Tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản. Tôi định bụng chút nữa sẽ đến nói chuyện với anh.
Khi đang ngang qua chỗ anh làm việc, tôi đã dừng lại, mở lời hỏi thăm anh:
- Chào anh Dũng. Độ này anh thế nào" Khoẻ không"
Anh mỉm cười, vẫn nụ cười gượng gạo:
- À Sỹ, cám ơn chú đã hỏi thăm anh. Sức khoẻ anh vẫn thường, duy có điều anh chán sống ở xứ sở này quá. Anh có ý định về Việt Nam ở luôn bên ấy, không trở lại đây nữa. Chú thấy thế nào" Có nên không"
Tôi nói:
- Em không biết đời sống ở Việt Nam bây giờ thế nào nên không thể góp ý với anh được. Em nghe nói chính phủ Cộng Sản Việt Nam đang áp dụng chính sách đổi mới, nhưng như anh đã biết, chúng ta không thể tin được những lời họ hứa xuông. Theo em, ở đây, dầu sao đi nữa, anh cũng có nhiều cơ hội để vươn lên. Chỉ cần có một chút nghị lực. Anh vẫn còn trẻ, em tin anh sẽ thành công
Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, trầm giọng:
- Cám ơn Sỹ thật nhiều. Em là một người lòng dạ thaạt toót. Anh rất hối hận về những chuyện trong quá khứ…
Tôi gạt ngang:
- Xin anh đừng bận tâm. Những gì đã qua hãy để chúng qua đi. Chúng ta hãy nhìn về phía trước. Em xin cầu chúc anh nhiều nghị lực để vượt qua những trở ngại trong cuộc đời.
Anh nắm tay tôi, bóp nhẹ:
- Cám ơn em
Tôi chào anh và trở về phòng làm việc. Ngày hôm đó, tôi thấy lòng mình thật an bình.

Một tuần lễ sau…
Tôi vừa đến sở thì Việt chạy vội đến, giọng khẩn cấp:
- Ông Sỹ, ông có nghe tin về Johnny Dũng chưa"
- Chưa, tôi mới đến sở. Tin gì, Johnny Dũng thế nào"
- Hắn bỏ sở mấy ngày hôm nay rồi. Không ai biết hắn đi đâu" Nhưng chưa hết, chuyện này mới ly kỳ…
Tôi cắt ngang lời của Việt:
- Chuyện gì"
- Ông không biết thật hở"
- Đã bảo là tôi vừa mới tới sở mà. Chuyện gì thì nói đại ra đi, úp mở mãi, chán bạn ghê đi.
- Được rồi để tôi nói cho ông nghe. Sáng nay, khi tin Johnny Dũng bỏ sở được loan truyền thì thiên hạ mới té ngửa là có hơn hai mươi người đã cho hắn mượn tiền bị hắn quỵt nợ. Từ thợ cho đến xếp, từ Mỹ đen, Mỹ trắng cho đến Mễ, Nhật, Đại Hàn, ngay cả những thằng Trung Đông, dầu hôi, dầu lửa cũng dính bẫy. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, hắn không chừa một ai. Chỉ có mấy thằng Việt Nam mình là thoát nạn lần này.
- Bạn có sure không "
- Sure chứ còn gì mà không sure. Nạn nhân của Johnny Dũng đang đứng chật ních hành lang trước cửa phòng nhân viên để khiếu nại. Lần này Johnny Dũng làm một vố lớn, nghe đâu cũng đến vài chục ngàn.
- Bạn nói thế nào chứ, tôi không thể tin được, làm gì đến vài chục ngàn"
- Đến chứ sao không" Này nhé, ông thử tính mà xem, hơn hai chục người mà người thì cho hắn mượn năm ngàn, kẻ thì ba ngàn, giá chót cũng hai ngàn hoặc ngàn rưởi, cộng lại hết, không vài chục ngàn là gì" Mà phải phục thằng chả thiệt, làm sao lão có thể gạt hơn hai chục mạng mà chẳng thằng nào biết ất giáp gì cả. Lão này đáng được tôn làm sư phụ…

Tôi thừ người, im lặng bước về phòng của mình. Gieo mình trên chiếc ghế nệm da, tôi không còn đầu óc nào để làm việc. Đầu óc tôi quay cuồng với ngàn câu hỏi. Tôi miên man suy nghĩ về anh, về người đàn ông bất hạnh đó.
Tại sao vậy hở anh Dũng" Tôi tưởng anh đã thoát được khỏi bức tường đen đỏ. Nhưng không. Anh vẫn còn trong vòng kềm toả của ác thần. Tại sao đời anh lại khốn khổ như vậy"
Bao giờ thì nghiệp chướng của anh mới chấm dứt"
Tôi đưa tay làm dấu thánh giá trên ngực, thầm đọc "Lạy cha chúng con ở trên trời…"

Trần Quốc Sỹ
Đầu năm 2003

Ý kiến bạn đọc
20/10/201818:07:22
Khách
con người và bãn chất của tên Dũng là lường gạt rồi ,vì tiền họ kg cần nhân cách và lòng tự trọng gì hết , ai muốn thương hại anh ta hat tội nghiệp anh ta thì anh ta cũng chẵng cần , trong đầu anh ta chĩ nghĩ đến có tiền và tìm cách vay mượn , lường gạt rồi nướng vào cờ bạc
tác giả ghi tựa đề Nghiệp chướng củng đúng 1 phần , những ai đã cho anh ta mượn tiền chắc kiếp nào đó củng đã vay mượn của anh ta nay phẫi trả cho nên dễ dàng móc tiền cho anh ta mượn .... thôi thì cứ nghĩ như vậy đi cho nhẹ lòng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,254,055
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến