Hôm nay,  

Thiên Đường Nơi Hạ Giới

18/12/200200:00:00(Xem: 123544)
Người viết: THANH HÀ
Bài tham dự số: 379-688-vb31217

Tác giả Thanh Hà cho biết bà sinh năm 1957, góa chồng có 4 con, nghề nghiệp giữ trẻ, hiện sống với các con ở San Diego. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.

Khi còn ở Việt Nam tôi thường nghe kể những chuyện rất mộng mị về cuộc sống đầy xa hoa và văn minh trên đất nước cờ Hoa như là một thiên đường ở trần gian, có muôn loài hoa dị thảo không đâu sánh bằng.
Hồi đó, bắt đầu từ khoảng năm 78-79, lác đác một số đồng bào tỵ nạn ở Mỹ gởi thư hoặc quà về Việt Nam. Người ta bắt đầu bàn tán, xuýt xoa, nào là: "Con nhà ông A mới qua Mỹ có mấy tháng mà đã có xe chạy rồi đó, sướng chưa!", nào là: "Con bà B hôm qua gởi hình về, gớm chúng ăn mặc bảnh bao quá, trong nhà thì đầy đủ tiện nghi, tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy… đủ cả, sướng quá trời".
Một lần có người đưa thư đến cửa đưa cho tôi một lá thư, những người đang đứng quanh tưởng là thư ở Mỹ gởi về nên họ xúm lại coi, nhưng té ra là thư của bác Dzoãn Bình, bạn thân của bố tôi, bác báo tin em Điệp con bác mới mất. Khi thấy địa chỉ Saigòn thì họ không mấy quan tâm đếm xỉa tới nữa. Vì nếu là thư ở Mỹ gởi về thì hoặc kể chuyện bên Mỹ, hoặc báo tin là sắp gởi quà, cho nên mới hấp dẫn người ta như vậy.
Một lần tôi đi ăn Tết, nghe hai bà kia nói với nhau: "Cứ cho tụi nó qua bển đã rồi tính sau, làm gì thì làm, làm culi cũng được." bà kia còn phụ họa: "Vâng, đúng rồi đó, cháu nghĩ dù đi ăn mày cũng vẫn sướng hơn ở Việt Nam." Có người còn nói là "Ở Mỹ có cái máy, chỉ cần bỏ cái thẻ vào là tiền nó tự động chạy ra…" Tôi nghe và buồn cười quá, sao thiên hạ khéo tưởng tượng đến như vậy!
Tuy là tôi không tin những chuyện này, nhưng sự suy nghĩ và hiểu biết của tôi về đất nước cờ hoa cũng rất lờ mờ. Đại khái theo lời các thầy cô dạy tôi lúc còn thơ thì tôi biết rằng Hoa Kỳ là một trong hai đại cường quốc giàu mạnh và văn minh nhất thế giới, và là một nước tự do với những máy móc kỹ nghệ tối tân và hiện đại nhất, một xứ của bơ, sữa, pho mai, xe hơi, đồ hộp…. Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ là ở Mỹ chắc không có những hành khất lang thang đầu đường xó chợ xin ăn.
Nghe và tưởng là vậy, nhưng khi qua Mỹ tôi mới thấy là ở đâu cũng giống nhau thôi. Ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo, nhất là xuống dưới down town thì thấy đầy dẫy những kẻ ăn xin coi rất là thê thảm. Và, như tôi thấy ở đây, ăn thì một nhưng tiêu thì gấp năm, gấp mười lần, cứ đầu tháng là bill lớn, bill nhỏ thi nhau về "hỏi thăm sức khỏe“ mình. Rốt cuộc, vì bill mà ở đây ai cũng mang tuổi trâu cả vì phải kéo cầy như điên để có tiền trả tiền bills. Thật không như ở quê nhà chỉ lo ăn, lo mặc. Có lẽ cũng vì đồ ăn quá rẻ nên người ta dễ phát phì và bệnh vì ăn.
Cách đây mấy năm có người chị họ của chúng tôi qua Mỹ định cư, chúng tôi vội tới thăm, chị ấy than là "Trời ơi, chị đâu có biết bên Mỹ này phải xài nhiều thứ tiền như vậy, cái gì cũng tiền, xài tiền cũng mất tiền, đổ rác cũng mất tiền…" Rồi chị kể tiếp "Hôm qua có cha Hùng gọi phone đến hỏi thăm, cha hỏi chị là Thế nào, lên Thiên đàng quỳ mỏi gối chưa"" (Cha Hùng là người đồng hương Kẻ-Sặt, Hố Nai của chúng tôi).
Nghe chị nói tất cả mọi người đều phá lên cười, bởi vì khi ở Việt Nam, có ai biết rằng ở Mỹ này, ngoài vấn đề ăn, mặc, còn có cả trăm thứ tiền trời ơi đất hỡi phải chi ra hàng ngày. Đó là chưa kể không khéo mà đụng phải cái chữ "phạt" của mấy ông nhà nước là mệt lắm đấy. Thí dụ như lái xe ra đường sơ ý bị cảnh sát phạt, nhẹ nhẹ thì cũng mấy chục thôi, nặng chút xíu thì 500-600 đôla là thường, lỡ uống bia hay rượu là còn mệt hơn, nhẹ lắm cũng $700-800,có người uống nhiều bị phạt tới $8000-9000 và có nhiều trường hợp bị thâu hồi bằng lái hoặc bỏ tù nữa, hoặc có người lỡ đánh vợ vài bạt tai, bị vợ gọi cảnh sát đến bắt, họ nói muốn được tại ngoại thì phải đóng tiền thế chân là mấy chục ngàn (dễ sợ quá nhỉ, mỗi cái bạt tai đáng giá tới mấy chục ngàn lận).
Lại có trường hợp như là bà bạn tôi định sửa cái sân trước nhà bà lại cho đẹp, nhưng mua đồ về mà bận quá chưa làm được nên cứ để đó, một hôm city hall gửi giấy về nói là nếu không dẹp mấy cái đồ đó đi thì sẽ bị phạt $100,000 (cũng là $100,000 chỉ vì một đống gạch). Nghĩ cũng buồn cười và cũng bực mình vì cái luật gì mà kỳ cục, nhà của mình mà mình không được quyền để và còn phạt nặng như vậy. Đó là mới có hai chữ "bill" và "phạt" thôi mà đã thấy phát mệt rồi.
Lúc ở Việt Nam tôi cứ tưởng ở Mỹ không có chiến tranh tức là phải hòa bình lắm, không có giết người, cướp của, trộm cắp, nổ súng và đổ máu. Nhưng không ngờ ở đây, vì tự do dùng dao, súng, nhiều người đã lạm dụng nó để làm những chuyện xấu xa, cướp bóc, thanh toán, chém giết một cách bừa bãi thấy mà ớn lạnh xương sống. Ngoài ra, lại còn phải kể đến những vụ hiếp dâm, băng đảng, buôn lậu xì ke, ma túy, nhan nhản khắp nơi…
Thế nhưng, bên cạnh những chuyện tồi tệ và những phần tử xấu xa đó, tôi cũng đã thấy được nhiều tấm lòng hào hiệp, chân tình rất đáng quý. Nhớ hồi mới qua Mỹ, chúng tôi còn đang bỡ ngỡ như những con nai vàng ngơ ngác giữa cánh đồng hoang thì có người bảo chúng tôi là "tụi Mỹ trắng nó kỳ thị, khinh người, ít tình cảm, giả dối và…đểu" thay vợ đổi chồng như thay áo vậy, còn Mỹ đen thì phá phách, trộm cướp, băng đảng, buôn lậu, hút sách…." Khiến chúng tôi càng hoang mang hơn trước một xã hội hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Nhưng từ đó đến nay, tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người Mỹ trắng hoặc đen, tôi thấy phần lớn họ rất tử tế.


Chẳng hạn như Janice và Barbara, hai người Mỹ trắng bạn thân của tôi, tôi quen với họ trong một hoàn cảnh vô cùng đen tối của cuộc đời. Lúc đó chồng tôi mới mất, tôi như người nằm mơ vừa tỉnh, bàng hoàng tiếc nuối vì mộng đẹp đã tan… như người từ trên cao bị quăng xuống đáy vực sâu, chới với, hụt hẫng… Chính lúc đó, Janice và Barbara đã đến an ủi, nâng đỡ, khích lệ tinh thần chúng tôi rất nhiều. Janice tuy rất nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu tình cảm, có tấm lòng rất tốt. Janice phải làm việc vất vả nhưng bất cứ khi nào chúng tôi cần đến là bà ấy sẵn lòng giúp ngay không bao giờ quản ngại. Có khi Janice tìm cách giúp đỡ tôi bằng tiền bạc, vật chất nhưng tôi từ chối thì bà ấy lại kiếm cớ nói rằng: "Tặng quà Giáng Sinh cho cô" hoặc "Lì xì cho cô". Lúc đó tôi tưởng gia đình bà ấy khá lắm, nhưng sau tôi mới biết rằng mình đã lầm, vì một sự tình cờ mà tôi biết được rằng thời gian đó gia đình Janice đang gặp rất nhiều khó khăn.
Còn Barbara thì cứ nhắc tôi phải ráng nghỉ ngơi và chịu khó tẩm bổ cho mau lại sức vì lúc đó tôi ốm nhom ốm nhách. Giáng sinh đến, Barbara mua quà tặng nhưng không đề tên mình mà lại bảo con tôi "Mỗi đứa gói một món đem tặng cho má". Có lần đi chợ tôi không mang áo ấm, lúc đó bỗng dưng trời trở gió lạnh quá, Barbara liền mua cho tôi cái áo ấm và bảo "Tôi không muốn thấy cô bị lạnh".
Tôi cũng không thể không nhắc đến những người bạn đồng nghiệp Mỹ đen mà tôi đã gặp hồi tôi còn đi làm ở phòng ăn của các trường học, người nào đối với tôi cũng rất tử tế, thấy tôi nhỏ quá nên việc gì nặng họ cũng làm dùm tôi mặc dù tôi không bao giờ ngỏ ý nhờ hay tỏ ý than phiền vì nặng. Cho nên tôi thấy rằng ở đâu thì cũng có người tốt, người xấu.
Tôi cũng công nhận người Mỹ có những thói quen, phong tục và tập quán rất tốt. Chẳng hạn như dành ngày Mother's day và Father's day để tỏ bày yêu kính, biết ơn hai đấng sinh thành, Valentine's day để tỏ lòng yêu thương với bạn trăm năm, với người yêu và những người thân thương mến, lễ tạ ơn để tỏ lòng tri ân các vị ân nhân của mình, lễ giáng sinh để chia xẻ niềm vui với mọi người…và những luật lệ bênh vực cho kẻ yếu, luật cấm đánh con nít và khuyên các bậc làm cha mẹ dạy bảo con nên nhỏ nhẹ và tránh chửi bới.
Những điều kể trên đều rất đúng và tốt, nhưng trong cái hay vẫn luôn có cái dở, vì lắm khi dạy con mà cứ như là phải năn nỉ, xin xỏ con vậy.
Trong công việc giữ trẻ, trước đây tôi có coi một cháu nhỏ, lúc cháu còn ở nhà tôi, tôi thấy cháu dễ bảo. Sau cháu đi nhà trẻ (pre-school) một thời gian, lúc trở lại nhà tôi, tôi thấy cháu cứng đầu hơn. Thông lệ ở đây là buổi trưa sau khi ăn là phải đi ngủ, ai không ngủ cũng phải nằm im lặng đọc sách cho trẻ khác ngủ. Lúc trước cháu ngoan ngoãn nghe lời, sau thời gian cháu đi nhà trẻ thì khác, trưa đến ăn xong các cháu khác đều ngoan ngoãn lên giường nằm im, nhưng cháu này cứ đi ra đi vô, thậm chí còn trêu chọc không để trẻ khác được yên. Tôi hỏi cháu "Sao con còn chưa nghe lời cô vậy"" thì nó trả lời "Cô chưa nói please".
Có nhiều người than là con cứng đầu quá, nhưng đánh nó thì nó bảo "Ba má mà đánh con thì con gọi cảnh sát" cho nên có nhiều phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái. Theo thiển ý và kinh nghiệm, thì những trẻ càng cứng đầu cứng cổ thì lại càng không nên cho đi pre-school quá sớm vì những đứa muốn gọi cảnh sát bắt cha mẹ chúng chính là loại trẻ này. Chẳng thà để chúng ở nhà (hoặc kiếm một người giữ trẻ đáng tin cậy mà gửi) để mà răn dạy theo cách của mình thì còn tốt hơn. Có lẽ cũng vì dạy con khó và phải làm như điên để có tiền trả bills nên không ai dám sanh nhiều.
Về việc học hành thì chính phủ bên này rất là khuyến khích và nâng đỡ nên trẻ em ở đây đỡ lêu lổng và dễ có cơ hội để tiến thân hơn. Nhưng có vấn đề khá rắc rối là trường học ở đây họ dạy trẻ về vấn đề sinh lý quá sớm làm cho bọn trẻ lắm đứa nổi tính tò mò, muốn "thử" qua cho biết, vì vậy mà có nhiều trẻ chưa tốt nghiệp trung học đã "tay bồng tay mang" rồi.
Trở lại vấn đề luật pháp, tôi thấy ở Mỹ có cái luật rất kỳ cục là nếu người ta đến nhà mình mà sơ ý bị té thì cũng có thể kiện mình được. Có lần tôi ghé nhà bà bạn người Nhật, khi không có mấy đứa học sinh về qua, thay vì đi đường chánh thì nó không đi, mà lại băng qua vườn nhà bà ấy cho lẹ làm như cái vườn là đường tắt của nó vậy, khiến bà ấy lo lắng bảo tôi "Tôi bực mình tụi nó quá, cứ chạy vào vườn nhà tôi, sợ nó té nó lại kiện tôi". Quý vị coi, nó chạy vào vườn nhà mình đã là trái phép, lẽ ra bị té thì ráng mà chịu, sao lại còn có thể kiện mình nữa chứ, có phải là kỳ cục không"
Kể ra trên đất Mỹ này có lắm chuyện vui và cũng lắm chuyện ngược đời trớ trêu, nhưng có thể thì mình mới có chuyện để nói.
Riêng tôi, từ khi sống trên đất Mỹ, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng đươc hít thở không khí tự do, tôi đã dần dần bớt đi những cơn ác mộng về lũ quỷ đỏù.
Tôi đã thấy mình có cái vui thích được ngắm tuyết rơi thực sự, đẹp và thơ mộng quá! Ngay tại California này, tôi thấy có nhiều nơi núi rừng trùng trùng điệp điệp, phong cảnh rất hữu tình, có những hàng thông cao vút, những con nai vàng ngơ ngác, những đồi cỏ xanh rờn đẹp như tấm thảm nhung, những hồ nước trong như thủy tinh, những buổi sáng sương mù dày đặc, tiết trời lành lạnh… như thường được nghe nói về vùng Đà Lạt mến yêu.
Tôi thấy còn một điểm đặc biệt nữa là trẻ em ở đây hai má chúng hay ửng đỏ hây hây giống hệt như trẻ Đà Lạt của mình vậy, khiến tôi có cái cảm giác một chút gì thân yêu, dấu ái ở nơi xứ lạ quê người như cụm lửa hồng sưởi ấm lòng kẻ tha hương trong tiết đông băng giá.
Nhiều khi, tôi bắt gặp chính mình đang khẽ hát bài ca "Xin nhận nơi này làm quê hương…" Và sau đó thấy nơi đây chính là quê hương thứ hai của đời mình.

Thanh Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,159,067
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến