Hôm nay,  

Hội Nhập Không Mất Gốc

18/12/200200:00:00(Xem: 144234)
Người viết: ÔNG VĂN QUYỀN
Bài tham dự số: 378-687-vb21216

Tác giả Ông Văn Quyền, cư trú và làm việc tại Westminster, South California. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông. Mong ông tiếp tục viết.
+
Con chim sắt thở phào nhẹ nhõm rồi từ từ hạ cánh, không một chút giận dỗi , dù đã rong ruổi hơn mười ba giờ bay.
Tôi bước ra khỏi phi cơ, thấy mình trong một tòa nhà cao to rộng lớn. Đó là lúc đã hơn mười một giờ sáng, ngày 21 tháng 10 năm 1985. Bước theo đoàn người tị nạn, vai mang túi nhỏ, tay xách một túi I.C.M (Intergovermental Committee for Migration) tôi đến một căn phòng khá lớn. Nơi đây tôi và mọi người được nhân viên sở di trú cho làm thủ tục giấy tờ, cần thiết nhất là giấy (I- 94) để dùng như một chứng minh thư, để xin thi bằng lái xe, đi học, đi làm, v.v . . .
Mọi thủ tục hành chánh đã qua, tôi được hướng dẫn ra khu vực lớn hơn, để chờ đợi. Chúng tôi mỗi người được cấp phát một áo ấm, trước khi ra khỏi phi trường Los Angeles. Một số đông được bà con ruột thịt đến đón về, lần lượt chỉ còn vài ba người lưa thưa vẫn tiếp tục chờ đợi. Sau cùng số người còn lại chỉ có mình tôi, khi trời đã nghiêng bóng. Tôi cũng không biết rồi ai sẽ đến đón mình, người bảo trợ hay một hội từ thiện có tên là U.S.C.C (U.S Catholic Conference).
Đôi tay lạnh nằm trong túi áo, tôi mãi mân mê tấm giấy nhỏ bên trong mà ai đó đã trao cho tôi từ Bataan, Philippine, rồi dặn rằng “-Khi nào đi lạc, hoặc không có ai đón thì đưa giấy nầy cho cảnh sát.” Trên miếng giấy ấy chỉ có tên và địa chỉ người bảo trợ tôi cùng với tên hội U.S.C.C và địa chỉ, có lẽ tại người ta sợ tôi không nói được tiếng Anh, một ngôn ngữ thứ hai mà tôi chỉ mới được học ở Bataan, Philippine chỉ hơn bốn tháng.
Đến khoảng hơn 2 giờ cùng ngày thì có hai người Mỹ phái nữ đến đón tôi. Sau khi đón tôi lên một chiếc xe van lớn, họ cười nói huyên thuyên, xem như không có người tị nạn lẻ loi nầy bên cạnh. Tôi tự hoàn toàn không hiểu họ đưa mình đi đâu.
Trong lúc miên man nghĩ ngợi, xe đến nơi lúc nào tôi cũng chả hay. Theop họ xuống xe, thì ra lại là một phi trường khác. Sau nầy tôi mới được biết đó là phi trường Orange County. Tưởng sẽ phải lên máy bay bay tiếp đi dâu đó nữa, nhưng không, chỉ là ở đây để tiếp tục chờ. Chờ đến hơn 5 giờ chiều, hai người da92n bà Mỹ cũng có vẻ sốt ruột, rồi một người bỗng quay lại nhìn tôi và nói một câu mà tôi hiểu mang máng:
-Thân nhân của anh hẹn 4 giờ đến đón anh tại phi trường nầy, bây giờ đã gần 5 giờ 30 rồi mà vẫn chưa đến. Lát nữa nếu thân nhân anh không tới thì chúng tôi đưa anh về hội U.S.C.C
Tôi chỉ lặng cười. Nào trách được ai, vì người bảo trợ tôi là người thân quen hàng xóm ở Việt Nam chứ nào phảiù ruột thịt gì đâu mà dám trách. Đến hơn 5 giờ 30 một chút thì người bảo trợ tôi đến. Sau khi trao đổi vài lời với nhau, hai bà Mỹ của hội USCC chào tôi rồi lên xe van đi vội vã.
Chị V. người bảo trợ tôi, cùng với chị của chị là chị L, sau khi tay bắt mặt mừng, chị nói
-Chị đến trễ vì bất ngờ phải làm thêm giờ. Không sao về được.
-Chờ chút thôi, có gì đâu chị.
Tôi cố giữ tự nhiên để chuyên trò với chị cho đến khi về tới nhà. Sau khi tắm rửa, chị cho tôi ăn một bửa bún bò Huế do chị nấu. Được món ăn đã tật thèm từ bấy lâu nay, đêm về tôi không thể nào ngủ được, có lẻ vì không quen với giờ giấc nơi nầy.
Trong những ngày đầu chị và chồng chị xin nghỉ việc, để giúp đưa tôi đến nhiều nơi như hội U.S.C.C, sở an sinh xã hội, đi mua vài thứ cần thiết cho cá nhân dùng, v.v..., Đây là những nghĩa ân mà cả đời tôi không quên được, qua những giúp đỡ mà anh chị đã dành cho tôi. Sau đó tôi phải tự lo lấy cho mình như đi xin lớp học, xin tiền trợ cấp, lo xin thi bằng lái xe. Dù cũng gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua.
Nơi tôi ở thuộc về thành phố Huntington Beach, Ca, còn có nhiều khu rừng cây rậm rạp. Mọi sự di chuyển của tôi là xe bus, có khi dưới trời mưa đông lạnh lẻo, với một áo khoác không đủ ấm, tôi phải nhẩy tưng tửng như khỉ mắc phong, hoặc phải tự phạt mình thục dầu, ngay trạm xe bus, hay phải vận động đủ cách cho bớt đi phần nào cái lạnh lẽo dưới trời mưa đông. Có lần ngồi trên xe bus, không để ý trạm xe để xuống nên tôi đã đi lac ngoài đường suốt ngày. Không thể tìm ra đường về, tôi đã phải nhờ đến cảnh sát và được họ chở về tận nhà.
Sau ba tháng học Anh ngữ tại trường Saint Anselm's Immigrant and Refugee community center, tôi đến ghi danh tại Lao's Family Community, để xin theo học khóa tháo ráp điện tử, cho thêm một chút dễ dàng khi đi tìm việc. Vì tôi hiểu biết nhiều về điện tử từ quê nhà, nên vào lớp thay vì để học, thì tôi lại được thầy cô nhờ đi dạy cho học viên khác.
Việc học nơi đây cũng làm cho tôi có nhiều suy nghĩ. Ngày xưa nơi quê nhà khi vào lớp học, tất cả sự tôn kính của trò với thầy cô, giống như sự tôn kính của con với cha mẹ, nhưng nơi đây tôi thấy học trò có vẻ như không tôn kính thầy cô lắm.


Sau khi mãn khóa học, tôi được nơi đây hướng dẫn đi tìm việc làm. Khổ nỗi vì chưa có kinh nghiệm làm việc trên đất Mỹ cho nên họ trả lương rất rẻ, chỉ trên dưới 3 dollars/giờ. Sau cùng tôi tự tìm được một việc với $4.10/giờ. Trong thời gian làm việc, tôi vẫn cố gắng tìm kiếm một công việc nào đó khá hơn, để còn có thể giúp được cho gia đình cha mẹ còn ở Việt Nam, và tôi đã tìm việc làm cho hãng với lương $5.70/giơ. Alps, tiền thân là Apple Computer, nơi đây tôi đã làm suốt gần mười năm trời, cho đến khi hãng nầy dời qua Mexico. Vào thời gian nầy tôi cũng được họ đưa qua Mexico để huấn luyện công việc cho người Mexican hơn một năm trời.
Hội nhập vào đời sống nơi xứ người có lắm điều khó khăn, từ cách ăn mặc, những sinh hoạt ngoài xã hội, công việc làm, nhất là về việc chủng tộc. Người Mỹ, nước Mỹ tuy mở cửa cho người tị nạn, nhưng vẫn có những người có vẻ không có thiện cảm với những dân tị nạn. Có người bảo tôi:
- Tình cảm ở Mỹ nầy sao nhợt nhạt quá, qua đây thấy tình cảm con người không đậm đà như ở quê hương mình.
Tôi không nghĩ thế. Tôi nhớ có lần tôi cởi con trâu già của tôi mua với giá $400 dollars trên freeway, bỗng nó làm nũng không chịu chạy, nằm ì giữa đường, làm tôi đẩy gần chết mới vào được bên lề. Thấy tôi lây quây bên con trâu già nầy, có rất nhiều người ghé vào thăm hỏi, xem tôi có cần giúp gì không. Sau cùng thì tìm ra được lý do, là tại vì hết xăng, thiệt là mất mặt.
Tôi cũng đã thấy khi có trận động đất mạnh ở San Fransico, Ca, có người tự nhẩy trên cầu cao xuống dòng nước sâu để cứu vớt những người rơi xuống đấy, rồi họ cứu trợ nhau trong tình nghĩa của con người và con người. Như thế thì cái tình của họ sâu đậm lắm chứ, nhất là việc nước Mỹ đã cưu mang hằng triệu người tị nạn đến đây. Nghĩ cho cùng, đâu có quốc gia nào có nhiều sắc tộc sinh sống như nước Mỹ đâu
Nhưng dù có khó khăn trên bất cứ lãnh vực nào, những người Việt Nam tị nạn cộng sản vẫn vượt qua và cố gắng vượt qua, về học vấn, về khoa học, về kinh tế về chinh trị,.v. v..., người Việt Nam luôn luôn tự hào là sắc dân có nhiều nghị lực, kiên nhẫn, có óc cầu tiếng và đã thành công trên nhiều lãnh vực. Tôi rất vui và hãnh diện vì tôi là người Việt Nam, một sắc dân đã có gần bốn nghìn năm văn hiến.
Trong khi đó, tôi nhớ có lần đi Westminster mall, Ca, lúc ấy khoảng cuối tháng 12 năm 1985, khi gặp những người có dáng dấp giống người Việt -Nam là tôi mừng lắm, cứ tưởng như gặp được một thân tình mà đã lâu rồi xa xôi cách trở, là tôi không ngại ngùng liền hỏi
- You're Vietnamese "
Rồi được họ trả lời:
-No, I'm Lao
-No, I'm Combodian
-No, I'm Chinees …v.v ….
Khi tôi đến một gian hàng mỹ phẩm, đang chọn lựa để mua làm quà cho người thương ở Việt Nam, thì có ,một cô cũng ghé vào xem hàng mỹ phẩm, tôi lại quen miệng hỏi ngay
-Excuse me, are you Vietnamese"
-No, I'm Japanees.
-Oh, I'm sorry, you look like Vietnamee people.
Chợt tôi nghe có tiếng phát ra từ bên phía bán đồng hồ
-Việt Nam thì nhận đại đi, còn bày đặt ta đây là người Nhật, bộ Việt Nam xấu lắm hả, qua Mỹ chưa được bao lâu mà đã mất gốc.
Thế là cô ta bỏ đi một nước không buồn ngoảnh lại, để cho tôi được nhìn thêm lần nữa. Thật đúng là nói dóc không xem ngày. Người bạn vừa nói tuổi độ trên dưới 25 đến gần tôi rồi hỏi
-Anh qua mỹ lâu chưa "
-Tôi qua được hai tháng
-Anh qua một mình hả "
-Ừ tôi vượt biên một mình.
-Anh biết không " Cái con nhỏ đó láu cá lắm, nó học chung với em ở trường Rancho Santa Ana đó. Em biết nó là người Việt Nam chớ, vậy mà vào lớp học, ai hỏi cũng nói là dân Nhật, bộ người Việt Nam xấu lắm sao.
Thêm vài ba câu thăm hỏi nhau, tôi từ giã người bạn trẻ, vì tôi đi bộ cho nên sợ về trễ.
Một chút thoáng buồn cho thân phận người tị nạn tha hương, một thoáng buồn cho người mẹ Việt Nam có những người con đang phủ nhận nguồn gốc của chính mình. Nhiều năm đã qua, đến bây giờ tôi vẫn còn mãi nhớ câu chuyện trên.
Trong cuộc sống và những ngày kế tiếp trong khoảng đời còn lại, tôi vẫn mong tôi sẻ được mãi là người Việt Nam. Trên bước đường hội nhập vào cuộc sống ở xứ người, tôi luôn mơ ước còn có ngày được trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rún, xin được sống và chết trên quê hương hương tôi, trên một đất nước Việt Nam thanh bình thật sự có dân chủ tự do cho mọi tầng lớp trong xã hội. Với lòng mong ước ấy, tôi có bài thơ như sau:
Quê Hương

Quê hương là một mẹ hiền
Là dòng sửa ngọt luân truyền trong tim
Quê hương là một mái hiên
Người đi kẻ ở không phiền trách ai
Quê hương có một không hai
Từ trong tiềm thức chẳng thay đổi dời
Quê hương có một tình người
Hòa chung nhịp sống đất trời trở trăn
Quê hương có gốc cội căn
Mà tiền nhân đã ngàn năm đắp bồi
Quê hương (tôi) là một giống nòi
Tổ tiên Âu - Lạc muôn đời hùng anh

Ông Văn Quyền
Westminster, Ca

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,220,173
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến