Hôm nay,  

Tuổi Đã Về Chiều

10/12/200200:00:00(Xem: 156852)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG
Bài tham dự số: 372-681-vb31210

Tác giả Bùi Xuân Đáng đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệtõ. Trước 1975, ông là một cựu quân nhân VNCH, từng hai lần du học Hoa Kỳ. Năm 1975, cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ, hiện đã về hưu và cư trú tại Placentia, CA. Sau đây, là bài viết mới của ông, một tự sự về tuổi về chiều được viết với tâm thành an lạc.
+

Cuộc đời chúng ta xoay vần theo bốn chữ Sinh Lão Bệnh Tử. Sinh ra, lớn lên già đi, ngả bệnh rồi đi về cõi thiên thu.
Trong bốn chữ này, chữ Lão kéo dài thời gian nhất. Khi tuổi về chiều trí đã cùn, tâm đã nhụt. Mắt mờ, chân chậm, nói trước quên sau lại thêm khó tính khó nết. Sức khoẻ ào ào xuống dốc, nếu không cao áp huyết cũng tiểu đừơng, không tê thấp cũng đau đầu gối. Không còn đủ sức để đi làm, mà nếu không đi làm, kinh tế gia đình đi vào ngõ hẹp. Sự túng quẫn về tài chánh, sức khỏe yếu kém, lại có nhiều thì giờ nhàn rỗi càng thêm lắm chuyện.
Về già thật là đáng chán, thế nhưng có nhiều người hãy còn trẻ cứ muốn coi mình là già. Vua Bảo Đại khi xưa mới 40 tuổi đã ăn mừng tứ tuần đại khánh. Nhiều ông khi chấp chính mới ngoài 50 mà đã thích, đã bắt người ta suy tôn gọi mình bằng Cụ. Nghe đến chữ Cụ, thấy cuộc đời của mình gần đến chỗ gần tàn.
Năm bẩy năm trước đây, khi tôi mới sấp sỉ 70, bà Từ Dung, Giám Đốc Hội Cao Niên Á Mỹ cũng gọi tôi như vậy. Tôi đành xin bà vui lòng đại xá bỏ đi cho, kẻo tôi thấy mình đã đến ngày xuống chầu Diêm chúa. Trong khi đó, nhiều vị, dù đã 70- 80 tuổi vẫn chưa chịu là già, hãy còn phong độ, hãy còn muốn về thăm quê hương, nhưng thực ra đi tìm thứ của lạ, của chua, thứ của chanh cốm, tiếng lóng của dân Bắc Kỳ hồi thập niên 50 mà bây giờ người ta gọi là bồ nhí. Những vị này chắc muốn kéo lại tuổi xuân và thực hiện câu :
Chơi xuân kẻo lỡ xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì đến sau
Chữ già thực ra cũng lắm nghĩa cho nên thường có những bổ túc từ đi kèm để làm cho rõ ràng hơn như :
- Già gân để chỉ những người tuy già nhưng hãycòn tráng kiện.
- Già khọm để chỉ người già đi đứng lọm khọm.
- Già khụ có lẽ là hay ho khù khụ.
- Già cúp bình thiếc, ý muốn nói da dẻ nhăn nheo như chiếc bình thiếc móp méo chăng"
- Già khú đế, không hiểu nổi, xin quý vị cao minh chỉ giáo.
- Lõ thái tuế, cũng vậy, xin đành chào thua.
Già dịch, đồng nghĩa với già không nên nết hay già còn chơi trống bỏi để chỉ mấy ông già chưa chịu mình là già.
Kể ra còn nhiều thứ già nữa, nhưng sợ làm rác tai quý vị. Vậy thì tuổi nào mới gọi là đã già. Có lẽ cái già không đợi tuổi, mà do chính lòng mình cảm thấy không còn sinh thú và tình trạng sức khỏe không cho phép con người hoạt động như xưa nữa. Vì vậy hãy nên tạm chấp nhận cái tuổi già theo luật định 62-65 cho tiện việc hơn cả.
*
Năm 62 tuổi, tôi chưa cảm thấy mình đã già, sức khỏe chưa sa sút, nhưng không còn hăng say làm việc như trước. Muốn về hưu sớm, nhưng chưa đủ thâm niên để hưởng tiền hưu trí và bảo hiểm sức khỏe, tôi đành phải kéo cầy thêm 3 năm nữa.
Công ty Shell, nơi tôi phục vu,ï đã đài thọ vé máy bay và ăn ở tại khách sạn cho vợ chồng các nhân viên sắp sửa về hưu được dự một cuộc hội thảo dành cho người già do Price Water House tổ chức tại Newark. Trong suốt 3 ngày, họ đã mời những chuyên viên thượng thặng đến trình bầy và giải đáp những thắc mắc qua các lãnh vực tâm lý, tài chánh, bảo hiểm, thuế má, sức khỏe, giải trí v.v... Tôi luôn nhớ câu mở đầu:
Khi về hưu, quý vị sẽ bước vào một cuộc đời mới. Cuộc đời này sẽ ra sao, do chính quý vị lựa chọn và xếp đặt từ trước. Nghĩa là trước khi về hưu cần phải chuẩn bị:
- Về tài chánh làm sao cho cân bằng sự chi tiêu, phù hợp với ngân sách gia đình.
- Giữ gìn sức khỏe, năng tập thể dục và khám bệnh thường xuyên.
- Tìm thú vui giải trí tránh sự nhàn rỗi.
- Nhưng phần quan trọng hơn cả là sự hòa hợp với người phối ngẫu. Trước kia còn bận đi làm, ngày nay có nhiều thì giờ sống bên nhau cho nên sẽ có nhiều thay đổi.
Thí dụ trước kia ông là Giám đốc, chuyên môn sai bảo và chỉ tay năm ngón, bây giờ hãy sẵn sàng nghe lệnh đi đổ rác hay chùi cầu tiêu, phòng tắm. Bà trước kia, sáng đi mỹ viện chiều đi shopping, hãy coi chừng ông kiểm sóat viên tài chánh lúc nào cũng kề cận bên mình...
Tôi nhận thấy mình cần phải kiểm điểm lại những lời khuyến cáo hợp tình hợp lý này xem sao.
*
Về mặt tinh thần, chúng tôi rất hài lòng với hoàn cảnh hiện tại.
Từ năm 1945 đến nay, gia đình chúng tôi nhiều khi tan nát, chia năm xẻ bẩy, đã 4-5 lần tay trắng làm lại cuộc đời. Nhưng may mắn thay qua biết bao nhiêu lần thoát chết trong lao tù Cộng sản, trong những trận càn đi quét lại của thực dân Pháp, rồi đấu tố man rợ. Cho đến khi rời miền Bắc vào Nam, ba anh em chúng tôi đều ở trong quân ngũ. Ngày bỏ nước ra đi, anh em con cháu chúng tôi kẻ đi trước, người vượt biên hay đoàn tụ đến sau đều được Trời Phật đoái thương, Tổ tiên phù hộ không sứt mẻ người nào. Con cháu hiếu thảo, dâu rể hòa thuận, chúng tôi không còn mong gì hơn nữa.
Về tài chánh, tôi không lo cho lắm bởi vì vợ chồng tôi, từ lâu đã có một nếp sống thanh đạm, lại không đua đòi, không rượu chè cờ bạc cho nên với số tiền an sinh xã hội cộng với tiền hưu bổng chúng tôi sẽ không đến nỗi túng thiếu phải nhờ vả con cháu.
Về sức khỏe, chúng tôi cũng không đến nỗi bết lắm, vẫn thường đi bộ trên máy treadmill hàng ngày, mỗi ngày nửa tiếng từ mười mấy năm nay. Chúng tôi vẫn thực hành lời dậy trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư tránh xa ông thần Vô tiết độ. Nhưng sức khỏe một phần do mình lo giữ gìn, chăm lo luyện tập, còn một nữa là do trời định. Hôm nay còn khỏe mạnh phây phây, ngày mai bác sĩ cho biết đã bị ung thư, thì ôi thôi cũng bó tay đành chịu.
Về phần tránh sự nhàn rỗi, vợ tôi từ bao nhiêu năm nay, hết trông nom săn sóc cho cha mẹ, tiếp đến chồng con rồi lại đến cháu. Đó là nguồn vui vô tận của vợ tôi và nguồn vui này không bao giờ nhàm chán.
Riêng tôi, khi còn trai trẻ tôi ham mê thể dục, thể thao. Môn nào tôi cũng ưa thích đến nỗi khi vừa thành hôn được hơn hai tuần lễ, tôi đã bỏ người vợ ở nhà đi đánh bóng chuyền ở chợ Đống Năm, Thái bình. Cho đến bây giờ vợ tôi vẫn còn nhắc lại chuyện đó. Đến khi tuổi đã không còn thích hợp với việc chạy nhẩy, tôi ham đi câu. Được ngày nghỉ tôi dẫn các con đi câu từ Thủ thiêm, Phú lâm tới Mỹ tho, ngay cả khi chiến sự xẩy ra sát cạnh ven đường.
Sang Hoa Kỳ lại càng như diều gặp gió. Những năm còn ở Illinois tôi đi câu bất kể ngày đêm, muà hè cũng như mùa đông. Ngày đi làm, tôi kéo chiếc tầu nhỏ theo xe, tan sở đi câu một vài tiếng rồi mới về nhà. Thứ bẩy, chủ nhật tôi đi từ 2-3 giờ sáng, đến tối khuya mới về. Vợ tôi nhiều lần giận dỗi vì cơm chờ, canh đợi, nhưng tôi chỉ bỏ được một vài hôm rồi lại đi theo tiếng gọi của sông hồ. Nếu không đi câu tôi mê mải ngoài vườn. Đất rộng tôi trồng đủ thứ nào rau cải, rau muống, bạc hà, bầu bí v. v.. ngoài việc chăm sóc những cây hoa lan.


Khi còn sinh tiền, mẹ tôi thường mắng yêu bảo tôi là bị trời đầy cho nên không lúc nào yên chân, ngơi tay. Tôi chỉ cần nằm dài đọc sách hay xem truyền hình 3 ngày chân tôi bắt đầu lạnh, mắt mờ đi và người như muốn bịnh. Thú vui đi giải sầu thiếu gì nhưng tôi không muốn phí thì giờ vô ích, tôi muốn rằng sự giải trí của tôi phải có đôi chút ích lợi, dù chỉ là một chút mảy may nhỏ nhặt chứ không phải là thứ vô bổ (non productive). Cho nên ngoài việc đi câu, trồng trọt tôi cần phải có một thú giải buồn khác nữa cho chính mình mà không cần phải lệ thuộc vào ai cả. Bởi vì đánh cờ, bóng bàn hay quần vợt cũng cần phải có đối thủ.
Bẩy năm trước khi về hưu, công ty của tôi có lòng ưu ái cung cấp học phí trong vòng 10 năm cho các nhân viên nào muốn học một nghề hay thú vui tiêu khiển nào đó như : địa ốc, kế tóan,thợ mộc, quần vợt v.v... Tôi chọn hội họa là một môn tôi ưa thích từ lâu. Thế rồi tôi ra vào các trường đại học, cộng đồng, công, tư và theo đuổi hết ông thày này đến bà thầy khác. Tôi học đủ thứ từ sơn dầu, mầu nước, than chì, phấn tiên và vẽ táp nham từ phong cảnh, khỏa thân, chân dung. Nhưng chẳng có thiên phú, tôi tốn khá nhiều khung vải, giấy vẽ, bút mực và thì giờ mới có vài tác phẩm tạm gọi là ưng ý trong chốc lát và may mắn cũng có người mua cho. Vài người bạn hỏi bức nào ưng ý nhất" Tôi chỉ chiếc khung vải còn nguyên trinh mầu trắng đục và nói rằng đây là tác phẩm đắc ý nhất của tôi.
Từ khi về hưu, bỏ miền Illinois gió tuyết lạnh lùng về miền Nam California hưởng chút nắng ấm tình nồng và gần con, gần cháu, tôi mất hẳn cái thú đi câu. Sông hồ ở đây rất hiếm phải đi xa cả trăm dậm mới tới mà lại còn vượt qua bao nhiêu xa lộ chằng chịt. Ra bãi biển gần hơn, nhưng cầu New Port đầy nghẹt những người. Xuống San Clemente quá xa mà chung qui cũng chỉ có vài con cá nục, thét rồi cũng chán.
Từ nơi tôi ở xuống khu vực Tiểu Saigon tuy chẳng quá xa, nhưng xa lộ 91, 57 và 22 luôn luôn kẹt cứng. Ngay đến những ngày còn ở bên nhà,tôi gần như không có bạn thân, quen thì nhiều nhưng ít người cùng chung tâm sự hay đồng sở thích. Khi sang đến miền đất tự do này, người Việt chúng ta ở tản mác khắp nơi, người ta hầu như sống ẩn dật không tiếp súc với bên ngoài. Một số người ăn lên làm ra hay khoe nhà, khoe của, khoe con cái đỗ đạt. Người không may, mặc cảm đầy mình lúc nào cũng nghĩ tới thời vàng son khi trước. Nói chuyện với những người này, đôi khi họ quá cực đoan, nên rất khó khăn phải lựa lời đưa đẩy mới tránh khỏi giận dỗi. Tính tôi lại ngay thẳng không biết nói theo đuôi hay nói dối. Tôi luôn luôn chủ trương thành thật với bản thân và với mọi người. Nếu phải nói những lời không thành thực chẳëng thà ngậm miệng còn hơn. Từ lâu tôi đã muốn tránh những chuyện thị phi và muốn thoát ra khỏi vòng danh lợi.
Bạn hiền không có, thú đi câu đã mất, trồng trọt cũng không còn cần thiết. Rau cỏ quê hương bán đầy ngoài chợ, đất vườn lại hẹp chỉ đủ để trồng lan. Những năm còn ở Illinois, vào mùa đông tuyết phủ đầy trời, ra ngoài dù 3-4 lớp áo vẫn còn thấy lạnh thấu xương. Tôi bắt đầu tập viết vài giòng cho bản tin hàng tháng của cộng đồng. Sau đó đến những chuyện lăng nhăng về con chuột, con ngựa cho tờ báo Xuân năm Tỵ, năm Ngọ.
Dần dà tôi bạo gan, bạo phổi nghe theo lời khuyến khích của chú em rể gửi cho bè bạn và một vài tờ báo. May mắn thay họ đang thiếu bài, cho nên cũng đăng giúp. Một vài bài được nhà xuất bản góp chung với một số người khác in thành sách. Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến nửa đùa nửa thật, xui tôi đi kiện. Văn như Siêu, như Quát có lẽ nên nghe, nên kiện. Còn văn như tôi, được người ta đăng cho là phúc bẩy mươi đời rồi, kiện cáo làm chi cho mệt.
Thực ra tôi chơi hoa lan, vẽ nhăng, viết bậy chủ ý tìm một thứ giải khuây cho chính mình. Mỗi năm vài lượt mang tranh, mang lan đi triển lãm, chẳng qua tôi chỉ muốn mang lại niềm vui cho người thưởng ngoạn còn hơn để cho tranh bị đóng bụi hay để bông hoa trân quý của mình héo tàn ở góc vườn. Từ ngày về hưu tôi chỉ vẽ hoa lan, chim, cá cho đỡ phải mất công tìm kiếm chủ đề, bố cục. Vẽ là tự để thỏa mãn chính mình trước đã, hay nói cách khác là mượn mầu sắc đường nét nói lên những gì mình yêu thích. Vợ tôi, một nhà phê bình thưng trực vẫn bảo tôi rằng: Ông phải vẽ cho nhiều mầu sắc và nhiều hoa hơn chứ vẽ như vậy ai thèm mua. Tôi nghe mãi một câu xanh rờn đó, đành phải giãi bầy là tôi vẽ cho chính tôi, ai thích tôi xin cám ơn còn nếu không tôi sẽ xóa đi vẽ lại.
Viết cũng vậy, tôi muốn viết để nói lên tiếng lòng chân thật của mình trên trang giấy, để giãi bầy tâm sự, để ghi lại những kỷ niệm xa xưa. Viết để kể lại những gì tan nát, đau thương đã xẩy ra cho quê hương, đất nước và dân tộc khốn khổ của mình.Viết để cho quên nỗi buồn xa nơi cố quận, viết để cho khỏi quên tiếng Việt.
Năm 1982, khi đợt đầu tiên được gọi đi thi quốc tịch, nhiều người hỏi tôi nghĩ gì về việc này. Tôi trả lời vấn đề chính là ở trong lòng chúng ta. Nếu còn nghĩ đến quê hương, đất nước thì dù cho có mang quốc tịch gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn là chúng ta. Cũng vì vậy, tôi cố gắng viết lăng nhăng từ chuyện này sang chuyện nọ để luôn luôn nhắc nhở mình vẫn còn là người Việt.
Tôi tự biết mình tài hèn, sức mọn, nhưng muốn có một chút cống hiến nho nhỏ cho những người thừa thì giờ xem hoa, ngắm tranh và đọc những bài lẩm cẩm của tôi.
Nhưng còn lời khuyến cáo là phải hòa hợp vời người phối ngẫu tôi thấy còn khó hơn chuyện mò kim đáy biển.
Trời sinh ra con người, dù cho anh em cùng một cha mẹ nhưng tính nết mỗi người một khác. Mười đầu ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn nữa là. Tôi và vợ tôi hoàn toàn khác biệt. Tôi thích đi đây đi đó, vợ tôi không cho đâu bằng ở nhà. Tính tôi là tính nhà binh quen ăn to, nói lớn, vợ tôi nhỏ nhẹ dịu dàng. Tôi thì chuyện gì cũng phiên phiến cho qua nhưng vợ tôi cẩn thận từng li từng tí sợ mất lòng người này, người khác. Ngay cả chuyện ăn uống, chúng tôi cũng trái ngược. Vợ tôi thích món ăn nấu nhừ, tôi lại ưa tái sống. Thịt gà, vợ tôi ưa lườn, còn tôi không thể nào nuốt nổi cái thứ vừa vô vị vừa bã như rơm sơ. Thịt bò tôi ưa vè dòn, nạm sụn hay gân sách chứ không bao giờ đụng đũa đến những miếng thịt nạc khô khan.
Tuy tính nết khác biệt, sở thích lại không cùng, nhưng chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Có nhiều khi chúng tôi bất đồng ý kiến, nhưng vợ tôi biết nhường nhịn và chúng tôi không bao giờ để những chuyện nhỏ ở trong lòng biến thành chuyện lớn.
Chúng tôi đã 55 năm ăn ở với nhau, chia sẻ biết bao nhiêu lần gian nan, hoạn nạn, sống chết gần kề. Tình đã thêm sâu, nghĩa càng thêm nặng, chúng tôi chịu đựng lẫn nhau và gần như quen thuộc với cá tính trái ngược của nhau.
Sự hòa hợp của chúng tôi cũng giống như chuyện ông anh họ. Ông này trước khi lấy vợ tuyên bố là chúa ghét, xin lỗi quý vị, cái mùi ở nách đưa ra. Nhưng lại vớ phải bà vợ có làn hương xạ nồng nàn này. Mấy tháng sau chúng tôi hỏi đùa, ông tỉnh bơ trả lời rằng bây gi đã nghiện mùi đó, nếu không có nó không sao ngủ nổi.

Placentia 12-01
BÙI XUÂN ĐÁNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,348,235
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến