Hôm nay,  

Tâm Sự Của Vợ Một H.o

19/11/200200:00:00(Xem: 147990)
Người viết: TÂM ANH
Bài tham dự số: 344-692-vb21118

Tác giả tên thật là Đoàn Thị Tuyết, cho biết bà 60 tuổi, đang cư trú tại Garden Grove, CA. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện của người vợ, người mẹ trong một gia đình HO phải đương đầu với nhiều chuyện bất hạnh. Mong việc bà viết ra được tâm sự để chia sẻ tâm tình sẽ mang lại thanh thản.
*

Sau những năm tháng bị tù đày và đói khổ của CS, gia đình chúng tôi đã đến bến bờ tự do, thấm thoát được hơn 10 năm. Mười năm của vất vả ban đầu nhưng no ấm về sau.
Tôi viết những dòng chữ này để tạ ơn đất nước Hoa Kỳ. Một đất nước đã cưu mang và nuôi dưỡng chúng tôi. Nơi đây thật đúng là thiên đàng của những người già cả bệnh tật như chúng tôi. Chúng tôi đã được cấp phát tiền bạc hàng tháng. Mỗi năm, chúng tôi còn được "tăng lương" cho đáp ứng với giá sinh hoạt của xã hội. Nhà cửa thì được chính phủ trả cho 2/3 giá tiền thuê. Ốm đau thì có bác sĩ, thuốc men đầy đủ. Bệnh nặng thì có nhà thương điều trị và săn sóc từ A đến Z.
Có điều gì trục trặc trong cuộc sống chúng tôi có quyền được liên lạc với các vị dân biểu và được giúp đỡ tận tình. Chẳng hạn khi tôi nộp đơn thi vào quốc tịch Mỹ. Hồ sơ của tôi nộp gần 2 năm chưa được xét. Qua sự giới thiệu của 1 chị bạn, tôi làm đơn gởi bà Loretta Sanchez, dân biểu quốc hội. Bà đã sốt sắng và tận tình giúp tôi. Chỉ sau một thời gian ngắn tôi được gọi đi phỏng vấn rồi cho tôi không những chỉ một mà tới hai lá thư để nhắc nhở tôi đừng quên ngày trọng đại này. Vâng tôi nói ngày tuyên thệ là ngày trọng đại của tôi. Nó đã đem lại cho tôi niềm sung sướng và tự hào vì từ nay trở đi tôi có đầy đủ quyền của 1 công dân của một nước tự do nhất của thế giới.
Tôi đã bật khóc khi tôi được để tay lên trái tim và nghe quốc thiều Mỹ. Một cảm xúc ấm áp và đầy thương yêu dâng lên trong tôi y như mỗi lần tôi được nghe quốc ca Việt Nam. Tôi khóc và thầm tự nguyện nhận nơi đây là quê hương thứ hai của tôi. Tôi cũng đã khóc cho quê hương thứ nhất, quê hương nghèo nàn và nhỏ bé đang bị mất dần bởi một lũ độc tài ngu muội. Tôi cũng đã khóc và thương hai đứa con bạc phước của tôi đã không đến được bến bờ tự do để có những giây phút cảm động này như tôi.
Mặc dù các con tôi ra đi đã hơn 14 năm rồi, song sự đau đớn vì mất mát trong tôi vẫn tràn ngập như chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Không một ai hiểu và biết được nổi khổ đau của tôi dù là chồng tôi hay hai đứa con tôi còn lại. Tôi đã tìm mọi cách để quên đi bằng làm việc, học hành và thuốc men bác sĩ đã cho tôi uống mỗi ngày 3 viên thuốc "quên đời". Song tôi chỉ có thể quên được những việc hiện tại. Thí dụ như tôi vừa uống thuốc rồi, nhưng đã quên và tự hỏi không biết mình đã uống chưa. Để trả lời tôi lại đổ thuốc ra đếm và nhẫm tính. Tôi mới 60 tuổi mà đã lẩm cẩm thế đấy quý vị ạ.
Những việc xa xưa tôi muốn quên đi cho bớt đau khổ thì nó lại luôn luôn hiện ra trong trí tôi. Tôi không dám nghe radio hay những bản nhạc Việt Nam vì nó gợi cho tôi những kỷ niệm khi các con tôi còn đầy đủ. Tôi đã ăn chay trường, không phải vì tôi muốn diet hoặc vì tôi muốn trở thành tu sĩ của đạo Phật mà vì một lý do đơn giản là tôi không muốn ăn ngon khi các con tôi không đươc ăn cùng tôi.
Nhớ lại khi xưa sau ngày mất nước, tôi làm đủ mọi việc từ việc bán bánh rán tới việc chạy mối bán chợ trời, tôi vất vả trăm đường cũng chỉ đủ cho các con tôi vài chén cơm độn mì khoai, vài thứ đồ ăn cho chồng trong tù tội. Những tiệc tùng của sinh nhật hay giỗ chạp vẫn được mẹ con tôi tổ chức, nhưng các món ăn không phải là đồ ăn thật mà là những đồ ăn đươc quảng cáo trong những sách báo Mỹ còn sót lại trong tủ sách. Chúng tôi đã sung sướng bên nhau thưởng thức những bữa ăn hàm thụ ấy. Hôm nào "trúng mánh" thì các con tôi được ăn thêm một chút thịt.
Đứa con thứ 3 ngoan và giỏi nhất trong 4 đứa đã nói với tôi: "Mẹ ơi, sao mẹ không thái miếng thịt to hơn và kho với nước dừa như má của bạn con cho con ăn, nó mềm và ngon lắm mẹ ạ" Tôi đã ứa nước mắt: "Ừ, để lần sau mẹ mua nhiều thịt hơn và sẽ kho như vậy cho con ăn" Nhưng con tôi đã chẳng bao giờ được ăn nữa cho dù giờ đây tôi đã có đủ điều kiện để kho cả chục hoặc cả trăm nồi thịt như thế!
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các bạn trẻ, các bạn đã đi làm và đóng thuế để nhà nước có đủ điều kiện giúp đỡ chúng tôi. Cũng có những bạn đã hậm hực vì phải gián tiếp nuôi báo cô "những của nợ" cái từ mà tôi nghe được của hai bà Việt nam trong một chuyến đi xe bus. Hai bà đã dùng từ này để ám chỉ những em bé mắc bệnh chậm tiến cùng đi trên xe. Hai bà cứ thản nhiên nói chuyện không biết bên cạnh mình cũng có "một của nợ" đang âm thầm đau khổ vì số kiếp túi cơm giá áo của mình. Quý bà ơi, quý bà trách cũng đúng thôi, song xin hãy thương xót chúng tôi, vạn bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải vậy, chứ đâu ai muốn "những của nợ" bẩm sinh do trời bắt buộc thì phải chịu. "Những của nợ" già cả bệnh tật không còn sức lực để làm việc chứ không phải chúng tôi làm biếng đâu.
Những năm đầu tiên trên đất Mỹ chúng tôi cũng rất vất vả. Chúng tôi vác đơn đi xin việc gì cũng không được vì quá già và không đủ điều kiện về sức khỏe để làm. Đi vay tiền GR cũng được mấy tháng rồi cũng bị các worker Việt Nam hoạnh họe đủ thứ. Cuối cùng chồng tôi đi học và xin được tiền học cho đến ngày hưởng tiền già. Còn tôi bị viêm cột sống từ Việt Nam, kết quả những tháng năm vất vả, tôi không thể đứng hoặc ngồi lâu. Được bà em chồng cho mượn cặp máy may, tôi rủ chị bạn trước kia cùng dạy học chung, chúng tôi đến shop may lãnh hàng về may. Bà chủ shop may là người Việt Nam. Các người may ở đó là người Việt Nam. Lần đầu và cũng là lần cuối, bà cho chúng tôi ráp những chiếc áo vét đàn bà, công $1,20/cái chúng tôi lãnh 30 cái. Những cái áo bằng vải sọc, chúng tôi phải ráp đâu lại sao cho những chỗ nối ở vai áo thành những góc vuông. Vì không phải là thợ may nên chúng tôi rất là vất vả. Những vải sợi lại rất quái ác, đụng một tí là nó tua ra. Chúng tôi vật lộn với chúng một tuần lễ từ 5 giờ sáng tới 12 giờ đêm. Chị bạn tôi thì còn khỏe, chứ tôi cứ may 3 tiếng là phải nằm dài một tiếng. Chúng tôi không dám dùng xe bus để đi giao hàng vì sợ tốn tiền. Hai chị em vác hàng chị bộ đến shop cách nhà chúng tôi 4 trạm xe.
Cầm được $36 trong tay, chúng tôi vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì đã kiếm được tiền, tuy nhỏ bé song tự mình làm ra. Tủi vì những lời chửi đổng của các bà may trong shop "…Thật ghét những con mẹ HO sang đây phá giá tiền công, rẻ mạt như thế cũng nhận" bạn tôi định chửi lại nhưng tôi khều và kéo tay chị ra về tuy tôi cũng rất bực vì bị chửi oan. Đáng lẽ họ phải chửi những chủ shop may đã bóc lột công nhân bằng tiền công rẻ mạt chứ sao lại qui lỗi về chúng tôi. Chúng tôi không thèm dây dưa với những bà chằng đầy kỳ thị kia và cũng chẳng thèm may nữa. Chúng tôi chia nhau tiền công. Bạn tôi cho tôi 20 đồng còn chị chỉ lấy 16 đồng thôi. Tôi hỏi: "Sao bồ chia gì kỳ vậy" mỗi đứa 18 đồng chứ. Bạn tôi nói: "Còn phải trả tiền điện nữa" ừ nhỉ. Tháng ấy tiền điện đương từ 15 đồng nhảy lên thành 40 đồng.
Chị bạn tôi rất khéo tay, chị biết làm đủ thứ bánh, trước kia ở Việt nam chị vừa dạy học vừa làm bánh bỏ mối cho các chợ. Chị có một số bạn cùng lớp hồi còn là nữ sinh một trường nữ trung học nổi tiếng ở Việt Nam. Sang đất Mỹ các chị vẫn liên lạc với nhau. Một hôm 1 trong những số người bạn đó tới nhà chị chơi, chị đem 1 dĩa bánh trung thu vừa dẻo vừa nướng ra mời. Chị bạn ăn thấy ngon quá hỏi chị có làm được bánh su không" Chị trả lời được. Thế là bà bạn nhờ chị làm mấy trăm bánh su cho hội cựu nữ sinh trường cũ trong dịp lễ. Chị bạn rủ tôi đi mua vật liệu về phụ chị làm bánh. Tất cả mọi thứ chuẩn bị xong, thì chị nhận được một cú phone từ bà hội trưởng của hội. Chị thuật lại cho tôi nghe "với một giọng the thé, bà ta bảo mình: Này chị có phải là người mà con bạn tôi nó đặt làm bánh không" Nghe nói ngày xưa chị là cô giáo phải không" Chị liệu có làm ngon và sạch không" Tôi thì ngán bàn tay mấy bà HO lắm. Hội tôi toàn những người sang trọng. Lỡ có chuyện gì xảy ra thì phiền!”


Chị bạn tôi tuy không phải là vợ HO. Ông xã chị xưa kia là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Saigon. Xong, chị cũng tặng cho bà hội trưởng kia một lô những từ mới nghe thì rất thanh tao, song ngẫm lại không kém phần chua chát. Tiếc là tôi đã quên những lời ấy nên không nhắc lại nguyên văn được. Chỉ biết rằng cái bà hội trưởng kia nổi tam bành tục tặc, song đành chịu vì bị chị giảng khéo và hay quá. Tôi phục chị sát đất. Nếu là tôi, tôi chỉ biết…khóc. Kết quả dù chị mất tiền mua vật liệu cả trăm bạc song không thèm làm bánh cho họ nữa, mặc cho bà bạn chị năn nỉ. Chị đem cất những vật liệu kia để làm dần cho gia đình và bạn bè ăn. Tôi là người được ăn nhiều nhất vì tôi ở cùng chung cư với chị. Vừa ăn ngon, tôi vừa thương cái bà hội trưởng nọ, có tiền mà chẳng được thưởng thức bánh của bạn tôi làm.
Thế là hai việc chưa kịp tưng bừng khai trương đã âm thầm đóng cửa. Chị bạn tôi không kiếm việc nữa vì chị bận săn sóc đấng lang quân bị tai biến mạch máu não. Các con chị vừa học, vừa làm rất thành công trong xã hội mới.
Để phụ vào tiền nhà với các con, tôi xin đi giữ em bé và làm công việc nhà. Tôi không dám cho ai biết. Tôi nói dối là đi cắt chỉ ở tiệm may. Nhà đầu tiên tôi xin làm có 3 đứa con. Đứa lớn nhất 5 tuổi, thứ nhì 2 tuổi rưỡi và bé nhất 1 tháng tuổi. Chỉ có bé thứ nhì là dễ thương. Nó có những câu hỏi làm tôi phì cười. Nó đang ở lứa tuổi bỏ tã nên cứ 2 tiếng là tôi dẫn nó vào restroom để tiểu. Lúc nào không tiểu được nó bảo tôi "Hết pin rồi". Bé 1 tháng thì khóc suốt ngày, đòi bồng, đòi bú, bú rồi thì ọc ra. Còn nàng Kiều 5 tuổi thì điệu lắm. Mỗi lần đi học thì chọn quần, chọn áo. Nàng cũng thật rắn mắt, bao nhiêu đồ chơi cũng không đủ, nàng còn lôi cả mùng mền quần áo mà tôi đã xếp ngăn nắp trong tủ ra chơi. Giờ ngủ nàng giả bộ nhắm mắt nhưng khi tôi ra ngoài thì nàng rủ thằng em trốn vào closet, báo hại tôi xanh mắt đi tìm. Tôi vừa tìm, vừa lo nhỡ tụi nó lẻn ra hồ bơi rồi té xuống đó thì nguy. Tôi chạy từ đằng trước tới đằng sau nhà cũng không thấy bóng dáng chúng đâu. Tôi vừa khóc, vừa gọi: "Nancy ơi, con và em ở đâu nói cho bà nghe đi" gọi mãi tôi mới nghe tiếng nó trả lời từ closet vọng ra: "Đây nè". Tôi phải vạch một đống quần áo ra mới trông thấy chúng. Mới 5 tuổi mà nàng đã biết "yêu" rồi quý vị ạ. Nàng yêu cái cậu bé Mỹ 10 tuổi nhà bên cạnh. Mỗi lần bé Andrew, tên thằng bé đi ngang nhà, nàng hét tướng lên: "Andrew, I love You" rồi chạy sang nhà người ta ở lì bên đó không chịu về. Mẹ của nàng, tức bà chủ tôi cũng thế. Trong phòng ngủ trong nhà tắm chỗ nào cũng có đồ lout vất bừa bãi. Tôi làm được vài tháng thì xin nghỉ.
Nhà thứ hai tôi xin làm sáng đi tối về. Công việc dọn dẹp, nấu cơm và kèm 2 bé gái 10 và 8 tuổi làm homework. Hai bé này rất ngoan. Bà mẹ cũng hiền, song ông bố thì quá chi li. Thấy tôi dọn dẹp sạch sẽ, cơm nước ngon lành ông ta bằng lòng lắm. Lúc nào ông cũng sợ tôi ít việc, mỗi ngày mỗi giao thêm việc, nào là lau chùi garage, nào là trèo lên bàn lau cả cái quạt máy. Garage thì tôi chùi được, quạt máy thì tôi chịu. Ông ấy còn bắt tôi chùi cả giày dép của hai nàng kiều và cất nó lên kệ mỗi khi chúng nó đi học về. Ôi tại sao ông ta không giáo dục con cái tự làm những việc đó cho quen để lớn lên chúng có thể tự lập. Cố gắng lắm tôi mới có thể làm được hai tuần rồi xin nghỉ.
Nhà thứ ba tôi làm được lâu nhất. Đó là nhà của một bà bác sĩ. Ông chồng thì là tiến sĩ về khoa học, 2 đứa con 3 và 5 tuổi rất dễ thương. Họ cư xử với tôi như người trong gia đình. Song tôi cũng phải nghỉ vì sức khỏe quá bết bát.
Ngày tháng trôi qua, sức khoẻ tôi mỗi ngày mỗi bết. Nghe lời bạn bè tôi làm đơn xin tiền bệnh và được chấp nhận. Khi được tiền tôi cũng rất ấy náy, tôi tâm sự với bác sĩ gia đình sự e ngại ngồi không ăn hại của mình. Ông ấy bảo: "Bà đừng ngại, tuy bà không đi làm đóng thuế, song con cháu bà hiện tại và tương lai đã và sẽ đóng".
Thật vậy tôi có đứa cháu họ làm bác sĩ, lương của nó trên 300 ngàn/năm. Nó phải đóng hơn 100ngàn./ năm về thuế. Từ đó tôi mới yên tâm chữa bệnh. Năm tháng nay cái long của tôi lại đau nhiều vì tôi phải đi về bằng xe bus để trông nom chồng tôi nằm nhà thương. Ông chồng tôi bị nghẽn 3 mạch máu ở gần tim. Hai cái thì soi đốt được còn 1 cái thì phải mổ. Nghe đến mổ tim nhất là lại mổ ở bệnh viện mang danh là bệnh viện hàng đầu ở Orange County là chúng tôi đã rụng rời tay chân vì trước đó chúng tôi đã được nghe có nhiều người đã bị liệt và chết sau khi mổ. Chết thì chúng tôi không sợ vì đáng gì hai cái mạng già này. Sống đến 60, 70 tuổi là đủ rồi, đâu mong gì sống lâu hơn nữa. Nhưng liệt, thì khổ cho con cháu cho xã hội. Chúng tôi đem nỗi lo âu nói với hai ông bác sĩ mổ và phụ mổ. Một ông người Mỹ Indian, 1 ông Việt Nam. Hai ông có vẻ bực bội, ông VN bảo nhà tôi: "Tùy ông, ông muốn mổ thì mổ. Không thì thôi. Mổ thì còn hy vọng khỏi, còn không mổ thì cũng bị comas hay là chết. “Thế là chồng tôi quyết định mổ.
Việc mổ được tiến hành, chồng tôi được đưa vào phòng mổ. Mẹ con tôi ngồi ngoài cầu nguyện sau 4, 5 tiếng đồng hồ. Chồng tôi được đưa ra phòng săn sóc đặc biệt. Khoảng 1 ngày sau, chồng tôi tỉnh lại. Có lẽ vì quá đau, chồng tôi la hét, đòi bứt các dây nhợ đang ràng buộc trên người ông. Đêm đến chúng tôi vừa từ bệnh viện về thì được nhân viên ở đây gọi báo cho biết nhà tôi bị mổ lại vì máu ra nhiều quá.
Rồi 1 tuần trôi qua, chồng tôi được chuyển qua bệnh viện khác để tập đi. Bệnh viện này cũng rất sạch. Các bác sĩ và y tá ở đây rất tốt. Sau 1 tuần nhà tôi chưa được tập gì cả thì bị chuyển về bệnh viện cũ vì bị nhiễm trùng máu và phổi có nước. Từ đó chồng tôi sốt mê man và chúng tôi quay cuồng trong "bệnh viện trận" vâng thật vậy trong khoảng 4, 5 tháng chồng tôi được chuyển đi chuyển lại nhiều lần. Tính ra tới 6 bệnh viện, chỗ nào cũng được 1, 2 tuần và cuối cùng chồng tôi được nằm trong nursing home.
Hiện nay tuy tay chân vẫn cử động được, song chồng tôi là một phế nhân rồi, đi đứng không được, ăn uống cũng phải chuyền qua dây vào bụng. Nhìn chồng mỗi ngày một teo tóp, tôi buồn quá. Nhiều đêm chồng tôi không ngủ được. Trong tâm tôi mang nặng nỗi thắc mắc là tại sao lại có thể nhiễm trùng được khi các vết mổ rất khô ráo. Vấn đề vệ sinh tại bệnh viện được đặt trên hàng đầu. Mỗi lần, bác sĩ, y tá hoặc thân nhân tiếp xúc với bệnh nhân đều phải rửa tay mang găng và đeo khẩu trang. Chồng tôi đã được chụp X ray từ đầu tới chân, không chỗ nào bị nhiễm trùng hết. Có một lần bác sĩ đè tay lên bụng phía gan mật, thấy chồng tôi hơi nhăn mặt, lập tức ông bác sĩ cho siêu âm thì thấy mật bị song. Ông cho tôi ký giấy để mổ cắt mật. Nhưng sau đó tôi được biết qua y tá là mật không song. Còn bác sĩ cho biết là trong mật có vi trùng, cắt mật rồi, chồng tôi vẫn sốt mê man, các bác sĩ đều bó tay vì không biết nguyên nhân từ đâu mà chồng tôi bị nhiễm trùng nặng như thế. Không lẽ vi trùng xâm nhập vào cơ thể chồng tôi quá các bịch máu được tiếp. Nhưng tôi vội gạt ý nghĩ ngu dại này vì đây là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam hay Phi Châu.
Rồi nỗi thắc mắc của tôi lại lớn hơn khi tôi được gặp 1 bà bệnh nhân nằm cạnh phòng chồng tôi. Ông chồng bà cho tôi biết, bà ấy bị mổ vì ung thư phổi, song khi mổ ra thì phổi vẫn tốt. Sau đó cũng bị nhiễm trùng rồi cũng chết lên, chết xuống, cũng trải qua nhiều bệnh viện và cuối cùng cũng nằm bẹp trên giường trong nursing home như chồng tôi.
Đêm đêm tôi cầu nguyện Phật Bà Quan Âm phù hộ độ trì cho chồng tôi được khỏi để sống nốt tuổi già, hai là được chết đi để được đỡ khổ. Tôi cũng không quên cầu nguyện ơn trên ban phước lành cho quý vị bác sĩ, y tá và nhân viên tại các bệnh viện mà chồng tôi đã được điều trị, ngoại trừ bệnh viện đầu tiên.
Tôi cũng ao ước được tiếp chuyện hoặc thư từ với những vị nào có người thân hoặc chính bản thân bị trường hợp giống chồng tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau thỉnh nguyện lên ban giám đốc bệnh viện to lớn trên coi lại cách chữa trị sao cho đừng có thêm một nạn nhân nào nữa.
Tâm Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,042,472
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến