Hôm nay,  

Peoria Có Gì Lạ Không Em?

30/11/200200:00:00(Xem: 303397)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG
Bài tham dự số: 2-632-vb70831

Tác giả Bùi Xuân Đáng, cư trú tại Placentia, CA, đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ bài “Viên Đá Lót Đường“rất sinh động, sâu sắc. Theo bài viết, ông là một cựu quân nhân VNCH, từ 1959, từng hai lần du học tại Hoa Kỳ. Năm 1975, cùng gia đình định cư tại xứ xở này, ông đã vào lớp tuổi ngũ tuần. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

+
Nếu so sánh với những thành phố khác tại Hoa Kỳ, Peoria thực ra chẳng có gì là lạ, là đặc biệt cả. Nhưng đối với đám dân tỵ nạn chúng tôi, đang từ một xứ sở kém mở mang lại thêm khói lửa chiến tranh tràn ngập, bỗng dưng đến sinh sống tại một thành phố an bình, cực kỳ phồn thịnh, tưởng chừng như mình đã lạc vào một thiên đường mở rộng.
Peoria ở đâu vậy"
Peoria là một thành phố thuộc tiểu bang Illinois có dân số trên 120,000 người, nằm ngay bên bờ sông Illinois. Phía bắc có Chicago bên cạnh Đại Ngũ Hồ, thành phố được mệnh danh là thành phố của gió lạnh (Windy City). Suôi về phía tây nam xa lộ 55 trên 100 dậm sẽ gặp xa lộ 74, theo hướng tây xa lộ này chừng 40 dậm nữa là đến Peoria, tiếp tục đi nữa sẽ sang Iowa, còn nếu theo phía đông là đến hai thành phố Champaign - Urbana nơi có trường Đại học University of Illinois nổi danh, đã đào tạo nhiều kỹ sư giỏi chẳng thua gì MIT hay Texas A&M cả. Còn cứ theo phía Nam xa lộ 55 sẽ tới Springfield, thủ phủ của tiểu bang Illinois rồi đến Saint Louis, sau đó đến Carbondale có trường đại học ISU (Illinois Southtern University) với giáo sư Nguyễn Đình Hòa.
Peoria ngày xưa, vào khoảng trên dăm bẩy chục năm về trước, là nơi tràn ngập đĩ điếm và là chốn ăn chơi hưởng lạc của đám anh chị ở Chicago về đó nghỉ ngơi sau những ngày chém giết. Nhưng Peoria vào thời 75-80 là thời kỳ huy hoàng chói lọi . Lợi tức trung bình của người dân được xếp vào hàng thứ 6 trên toàn quốc và là 1 trong 21 thí điểm cho việc tiêu thụ và mọi chính sách mới đều đem ra áp dụng tại đây trước khi phổ biến trên toàn quốc. Công ăn việc làm quá nhiều đến nỗi không ai thèm làm với số luơng tối thiểu $2,10 cả, mặc dầu nhiều nơi kiếm đỏ con mắt cũng không ra. Đám dân tỵ nạn khốn khổ cũng chỉ nhận việc này vài ba tháng rồi lại đổi việc như thay quần áo. Lương chỉ cần tăng thêm 25-50 cents một giờ là sẵn lòng đổi việc. Lương lậu trung bình $4- 5 một giờ cho nên trợ cấp an sinh xã hội cũng như tem trợ cấp thực phẩm chỉ dành cho những người mới đến hoặc là những ai cố tình muốn nằm nhà "ăn báo cho Mỹ nó sạt nghiệp".
Nhà thuê quá đắt, một căn hai phòng ngủ giá khoảng $500-600 mà mua nhà lại quá rẻ. Những căn nhà cũ, xây cất từ 40-50 năm về trước, nhưng đối với dân tỵ nạn còn là quá sang. Một căn 3-4 phòng ngủ, 2 phòng tắm chỉ độ 20 -25 ngàn . Gia đình chúng tôi quá đông, 13 người lớn nhỏ, đành phải giải quyết vấn đề ăn ở bằng cách mua nhà. Căn nhà xây từ 18 năm về trước với giá $31,500, trả trước $3000 và hàng tháng $313 trong vòng 15 năm. Vì vậy khi nói 70-80% dân tỵ nạn tại Peoria mua nhà trong vòng 16 tháng đầu không mấy người tin được. Nếu vẫn còn nghi ngờ và những ai không chịu nổi giá nhà ở California, xin hãy dọn về Peoria. Ba năm trước đây, khi gia đình người con thứ của chúng tôi dọn về Cali cho gần cha mẹ, anh em, căn nhà mua năm 76 vẫn bán y nguyên giá cũ. Chẳng vậy mà giá nhà ở Peoria bây giờ coi như là rẻ nhất trên toàn quốc.
Đi đôi với việc lo chuyện an cư, lập nghiệp, là chuyện học hành cho con cái. Có năm cả 7 trường trung học của toàn học khu, Thủ khoa toàn là người Việt và tỷ lệ 10 học sinh đứng đầu lớp (top ten) trẻ em Việt nam chiếm 50-60%. Gần thì có Ilinois Community College (ICC) Bradley University xa hơn có Univerty of Illinois hay University of Chicago v.v... Không có nhiều thú vui cám dỗ, không băng đảng, đám con em của dân tỵ nạn tại Peoria đã đóng góp khá nhiều bác sĩ, kỹ sư, luật sư cho xã hội mới.
Khi mới tới, song song với 3 vấn đề chính yếu: cơm ăn, nhà ở, trường học, đám dân tỵ nạn lo tìm gặp lại hơi ấm của người đồng hương giữa miền đất rộng, người thưa và nhất là cái rét kinh khủng của vùng Tây Bắc thường được người Mỹ gọi là Mid West này. Nơi đây thực là đất lạnh tình nồng, vì mới tới đã có vài dăm bẩy bà, cô theo chồng đến trước 75 tìm đến. Cho nên mỗi khi có cuộc họp mặt của đồng hương thì dù xa xôi cả 2, 3 trăm dậm đường cũng tìm đến với nhau: Chicago, Springfield, Bettendorf, Rocford, Saint Louis cũng không thành vấn đề. Chỉ cần một cú điện thoại là đủ : đám cưới, đám hỏi nhà trai nhà gái cũng chẳng phải lo gì hết, cũng chẳng cần đặt bàn, đặt tiệc cho thêm tốn kém. Thực khách đến chung vui theo kiểu pot luck mới du nhập vào đời sống. Ngay năm đầu đã có vài ba đám cưới Việt Mỹ và Hội người Việt ở Peoria được thành lập vào cuối năm 75, có lẽ là sớm nhất trên đất nước tạm dung này. Tết đến mọi người tụ họp dưới tầng hầm một nhà thờ. Mở đầu, tất cả hát bài quốc ca trong làn nước mắt nghẹn ngào. Những món ăn quê nhà được các bà, các cô thi nhau trổ tài tiếp đãi đồng hương. Mối tình tha hương ngộ cố tri trở nên keo sơn gắn bó. Người ta trao đổi địa chỉ, điện thoại, mời mọc ân cần tưởng như đã quen nhau từ ba đời bốn kiếp. Chưa bao giờ tình đồng hương lại nồng thắm như vậy, nhất là trong giới thanh niên nam nữ cũng như các bậc phụ huynh có con em trong tình trạng khẩn trương. Những năm sau mỗi lần Tết đến, cả ngàn người từ khắp nơi đổ về Peoria để tìm hương vị cái Tết quê hương đúng như đôi câu đối của nhà văn Thanh Nam:
Dựng lại Tết Quê Hương cho con cháu đừng quên nguồn gốc cũ.
Tìm về Xuân Dân Tộc để đồng bào cùng nhớ nước non xưa.
Từ năm 77 - 78 trở đi, thuyền nhân đến ào ạt, tiếp theo là cơ quan Công giáo U.S.C.C. thành lập chương trình Tha Huơng mang về hàng trăm trẻ em không thân nhân tại trại tỵ nạn, sau đó là những trẻ em mang hai giòng máu Mỹ Việt. Chương trình này tuyển chọn hàng chục nhân viên để quản trị, nuôi ăn. huấn luyện và tìm cha mẹ nuôi cho các em. Lạ lùng chưa, hai cậu thanh niên tóc quăn sát xuống da đầu, môi thâm, mắt trắng dã lại nói thứ tiếng mà chính người da mầu bản xứ cũng không sao hiểu nổi. Nhưng các em đó chỉ ở với cha mẹ nuôi người Mỹ độ một năm, là không còn nói được tiếng Việt nữa.
Đây cũng là thời kỳ sôi động nhất, chỗ nào cũng có người Việt. Cái thành phố đang êm đềm bỗng dưng sáo trộn vì tin tốt không nhiều, nhưng tin xấu lan tràn, thậm chí có người không muốn nhận mình là người Việt nữa.
Nói đến Peoria mà không nói đến cái lạnh của Peoria thực là một sự thiếu sót không thể tha thứ được. Muà đông đầu tiên, năm 75-76 người Việt tại Peoria đã hy sinh một mạng sống cho ông Thần Băng Hàn. Chàng thanh niên này chưa đầy 30, chưa hề có kinh nghiệm lái xe trên tuyết, nên đã luống cuống húc vào xe vận tải. Trận tuyết năm 77-78 đã đọat kỷ lục lạnh nhất và nhiều tuyết nhất trong vòng 100 năm với 25 độ dưới 0 và theo wind chill factor là - 75. Tuyết nhiều đến nỗi thành phố hoàn toàn tê liệt 48 giờ. Chiều tối ngày 30-12 tôi hãy còn đi câu, tới 9 giờ tuyết mới bắt đầu lác đác. Sáng sớm hôm sau đã lên tới 12 inches, ban ngày đổ thêm 18 inches và đêm hôm sau nữa tổng cộng gần 40 inches tất cả. Tuyết ngập ngang cửa sổ, tuyết bịt lối ra vào, tuyết làm cho đường xá bị tắc nghẽn. Tuyết dầy đến nỗi nhiều mái nhà bị sụp và trong trận tuyết đó khoảng 10 người chết vì chứng kích tim trong khi xúc tuyết. Muốn đi ra ngoài phải đào tuyết lấy lối mà ra. Cả thành phố chỉ có một con đường Knoxville duy nhất được khai thông sau 48 tiếng,còn tất cả phải một tuần sau. Thành phố không đủ xe chở tuyết đổ ra sông, cho nên đành ủi vào lề đường. Khi đi qua ngã tư, tuyết cao đến nỗi không còn trông thấy cột đèn xanh, đèn đỏ. Xe cộ phải ngừng lại bấm còi inh ỏi hoặc gắn cờ trên mui làm hiệu. Con sông Illinois băng dầy đến nỗi tầu bè không qua lại được, mặt ao hồ đóng cứng có thể chạy xe hoặc trượt tuyết trên đó. Riêng khu nhà tôi ở, không phải là con đường huyết mạch, tuyết đóng thành băng và tồn tại cho đến mùa xuân sang năm.


Dân Việt ở Peoria không có được cái may của những người tốt số, đẻ bọc điều như những người mới đặt chân tới xứ cờ hoa đã may mắn định cư ngay tại thủ đô của những người tỵ nạn. Dân Peoria thiếu đủ mọi thứ, từ miếng ăn thức uống cho đến rau cỏ quê nhà. Muốn có thực phẩm Á đông phải đi phố Tầu ở Chicago cách gần 3 giờ lái xe, cũng chỉ có vài ba thứ mắm muối rau cỏ thông thường mà giá đắt như vàng, cho nên nhà nào cũng có vườn rau nho nhỏ.
Sau khi an cư lập nghiệp, dân tỵ nạn đã trơn lông đỏ da, đã yên tâm không còn cái nỗi lo sợ về đời sống xa lạ trên miền đất này nữa, làm cho người ta thay tâm đổi tính và thay đổi cái nhìn.Tình đồng hương không còn nồng ấm keo sơn như trước. Người ta bắt đầu suy bì hơn kém từ công ăn việc làm, nhà cao cửa rộng, chiếc xe cũ mới, con cái học hành và người ta đâm chia rẽ, phân chia giai cấp. Bà này khoe rằng khi xưa tôi ở chiếc vi la rộng lớn tại đường Bàn cờ. Ông Trung sĩ không thèm khoe mình là Trung uý mà nhận là Trung tá. Ông y tá tự khoe mình là Bác sĩ , người ta tưởng rằng không ai có thể biết rõ gốc gác cũ của mình, không khoe khoang cũng uổng. Ông này có con được vào đại học Harvard, bà kia có con tốt nghiệp nha sĩ bèn tự xếp mình vào gia đình quý tộc không thèm chơi với hạng thấp kém.
Hội người Việt tại Peoria muốn kiếm chút tiền để góp phần với tiến sĩ Nguyễn Hữu Xương và các vị trong Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển hay tổ chức kỷ niệm 10 năm tỵ nạn để cám ơn nước Mỹ và vinh danh những người bảo trợ đã cưu mang giúp đỡ cũng được đáp lại bằng sự thờ ơ lạnh nhạt, đành phải thêm mục khiêu vũ không hợp tình hợp thế chút nào. Người ta không còn nhớ gì đến những ngày đói khát chen chúc trên con thuyền vượt biển và chân ướt chân ráo, lôi thôi lếch thếch tới đây. Qua sông rồi mà còn sợ gì sóng gió, ăn cháo đá bát, âu cũng là thói ích kỷ thường tình, quá trình tiến hóa giật lùi hay phân hóa của loài người chẳng riêng gì người Việt chúng ta.
Bắt đâù từ năm 80, phần vì nghiệp đoàn công nhân đòi hỏi quá mức, hãng Caterpillar chuyển sang xử dụng người máy, sa thải hàng chục ngàn nhân viên, hãng bia Pasbt tức mình dẹp luôn tiệm, hãng rượu dọn về Arkansas, làm cho hàng trăm hãng nhỏ cung cấp phụ tùng, dịch vụ cho những hãng này cũng phải đóng cửa. Tiếp theo đó là 6 cửa hàng thương mại bách hóa (Department store) và biết bao nhiêu hàng quán cũng đóng cửa vì ế khách. Gần 10.000 gia đình rời khỏi Peoria, trong số đó có các con cháu chúng tôi . Riêng vợ chồng tôi, vì công ăn việc làm vẫn còn phải gắn bó với thành phố này cho đến khi về hưu vào năm 1992.
Trốn chạy khỏi quê hương vào tháng 4 - 75, chúng tôi cũng đến Peoria vào tháng 4-76. Chúng tôi đến đây cũng do định mạng khiến sui. Khi còn ở trong trại Pendleton, tôi đã lần lượt từ chối sự bảo trợ của các nhà thờ tại Naperville, Morton và Pekin đều thuộc tiểu bang Illinois . Một ông Mỹ già làm việc tại Processing Center hỏi tôi tại sao lại từ chối. Tôi trả lời là năm 1959, tôi đã đi qua đây vào mùa đông nên biết chắc rằng mẹ tôi và vợ tôi khó lòng chịu nổi cái lạnh khắc nghiệt của vùng này. Người Mỹ già tỏ vẻ thông cảm và nói rằng:
"Ngày xưa tôi ngu quá, đã chịu cái lạnh ở Illinois 11 năm tốn biết bao nhiêu là tiền quần áo, tiền lò sưởi vào muà đông. Bây giờ về ở California thấy mới biết là mình qúa ngu."
Ông cũng khuyên tôi là chờ một người bảo trợ tại California. Gia đình tôi sau đó ra Tustin, rồi lại bỏ Tustin đi Detroit, Texas cho gần người em ruột và vì lời hứa của ông thị trưởng Detroit giúp cho người con lớn của tôi theo học Y khoa. Nhưng lời hứa chỉ là lời hứa và Detroit không có công ăn việc làm, chúng tôi đành rời đi Peoria cho gần người con gái theo chồng ở đó. Khi rời Pendleton, chúng tôi được hội Churches World Services tặng cho mỗi người $100 làm lộ phí trong khi họ lãnh của chính phủ mỗi đầu người $500. Chúng tôi đến Peoria tự túc, không người bảo trợ nhưng nhờ sự cố gắng của mọi nguời trong gia đình, chúng tôi đã vượt bao nhiêu trở ngại khó khăn và cũng ổn định cuộc sống trong một thời gian ngắn. Lẽ tất nhiên sự trở ngại của chúng tôi không thể nào so sánh với sự khó khăn về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần của những người còn ở lại với người Cộng sản.
Đêm hôm qua nằm mơ, tôi thấy mình đã trở về thăm nơi xưa chốn cũ, không phải là về ngôi làng nhỏ bé nghèo nàn tại vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, mà về Peoria, Illinois nơi gia đình tôi đã bắt đầu làm lại cuộc đời trên miền đất tự do và thịnh vượng này. Tôi vẫn thấy tôi là kẻ tỵ nạn của 27 năm về trước. Tôi vẫn mặc chiếc áo lạnh mầu ô liu xanh đậm, may hình quả trám do trại tỵ nạn phát cho. Dừng chân trước căn nhà cũ, lòng mang nặng nỗi u hoài, vui buồn lẫn lộn. Tôi nhớ đến những bạn bè thân thuộc và những người thân yêu của tôi đã nằm xuống trên phần đất xa lạ và lạnh lẽo này. Tôi nhớ đến những gì đã xẩy ra cho quê hương, dân tộc và làm cho đám người tỵ nạn khốn khổ năm xưa đã phải đành lòng bỏ nước ra đi...
Nói đến chuyện bỏ nước ra đi , tôi sực nhớ đến chuyện năm trước đây khi trở về thăm quê hương cũ sau 50 năm xa cách. Lúc đổi máy bay tại Hồng kông , một cặp vợ chồng trẻ ngồi bên cạnh hỏi tôi có phải ở Mỹ về không và cho biết vợ chồng anh ta cũng đi lao động từ Đức trở về thăm cha mẹ. Sau vài câu chuyện, thấy tôi là người cùng tỉnh anh ta bỗng nhiên nửa đùa nửa thật bảo tôi rằng :
"Bác và cháu được như thế này phải nhớ ơn Minh râu!"
Tôi hỏi anh ta Minh râu là ai. Chị vợ nhanh nhẩu nói tiếp:
"Nhờ có nó, bác cháu mình mới có ngày nay, còn nếu được bác và đảng thương thì bỏ mẹ rồi còn gì nữa..."
Viết lại vài ba trang giấy để tạ từ thành phố đã nuôi dưỡng gia đình chúng tôi 18 năm trời. Nhưng so với thời gian 20 năm dài đằng đẵng sống ở miền Nam, 18 năm này sao quá ngắn, tưởng chừng như chúng tôi vừa mới đến đây vài ba năm trước. Có lẽ thời gian đi qua mau, khi ở đây người ta có tự do, dân chủ, không có chiến tranh, không có những cảnh vật giá leo thang, kinh tế phi mã và nhất là không có cảnh đấu tố dã man, chôn sống tập thể, pháo kích kinh hoàng, hay giết dần, giết mòn trong các trại khổ sai tập thể.
Tôi thành thực cám ơn Trời, Phật, tổ tiên đã dẫn dắt chúng tôi đến miền đất Tự Do, Thịnh vượng này. Cám ơn nước Mỹ đã mở rộng cửa đón nhận chúng tôi, cám ơn những người bạn mới , những người tuy không cùng mầu da, tiếng nói nhưng đã tận tình giúp đỡ chúng tôi làm lại cuộc đời, những người bạn đồng hương đã cùng chúng tôi chia sẻ biết bao nhiêu nỗi vui buồn trong những ngày đầu của cuộc sống trên mảnh đất xa lạ này.
BÙI XUÂN ĐÁNG
Placentia 3-02

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,211,196
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến