Hôm nay,  

Ấn Tượng Nước Mỹ

30/09/200200:00:00(Xem: 346729)
Người viết: NGUYỄN BÍNH CHÂU

Bài tham dự số: 2-652-vb70928

Trong thư kèm bài gửi Việt Báo, tác giả viết “Tôi là Nguyễn Bính Châu, Luật sư thuộc Đoàn Luật Sư TPHCM. Tôi đang theo học tu nghiệp về Luật Quốc Tế tại Đại Học Santa Clara. Tôi rất muốn được tham dự loạt bài Viết Về Nước Mỹ của quý báo nên xin gửi bài viết này...”

Phần sơ lược tiểu sử kèm theo cho biết thêm tác giả sinh năm 1950, tốt nghiệp cử nhân luật khoa ban kinh tế năm 1974, nghề nghiệp hiện nay: Luật sư Đoàn Luật Sư TP.HCM.

Từ cái nhìn của người trong nước tham quan và tu nghiệp tại Mỹ, bài viết của ông Châu thể hiện nhiều xúc động và suy nghĩ đặc biệt rất đáng trân trọng. Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ cám ơn sự tham dự của ông Châu và quyết định phổ biến toàn văn bài viết của ông.

*

THE GREATEST COUNTRY IN THE WORLD

1.

Tôi đến Mỹ lần đầu tiên vào tháng 11/ 1998. Nước Mỹ quả thật như một thiên đường lý tưởng mà tôi hằng mơ ước. San Francisco với những ngôi nhà thật xinh đẹp nhấp nhô trên núi, những tòa cao ốc cao lộng lẫy như muốn che khuất ánh mặt trời, phố xá tấp nập người đi hối hả, và đường xá thì thật khang trang sạch sẽ. Mọi người đều tôn trọng pháp luật và nét mặt rất thoải mái, vui tươi. Nơi đây, nhiều công trình đường xá, nhà cửa vẫn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng. Chúng tôi được dịp đi dưới làn mưa phùn lất phất, những hạt mưa giăng nhẹ như tơ, không khí thật trong lành tươi mát, khiến ta có cảm giác mát lạnh đến thật dễ chịu.

Nước Mỹ trước mắt tôi, như một anh chàng khổng lồ đang sức lớn.Tôi thấy một tòa dinh thự cao lớn của thành phố, đang được thi công bằng ván ép và khung thép, tưởng như cả tòa nhà được làm bằng đồ chơi ngộ nghĩnh, nhưng kiến trúc nó lại rất là hiện đại, kiên cố, và thật mỹ thuật, tráng lệ. Tự dưng tôi bổng liên tưởng đến quê nhà, giờ này còn nhiều người sống cảnh đói nghèo nhà tranh vách đất, hoặc sống chui rúc nơi dạ cầu sập chợ, trẻ em nheo nhóc, trời còn bắt chịu thiên tai lũ lụt hàng năm. Kẻ thì thất học thiếu ăn, người thừa tiền dư bạc,tha hồ ăn xài phủ phê. Thật là hai khung trời khác biệt, sao cảm thấy tội nghiệp cho dân mình quá!

Tôi được may mắn vào thăm trường Đại học Luật nổi tiếng Hastings ở San Francisco, thư viện nhà trường đầy ấp những quyển sách dầy cộm giá trị. Phòng học thì rộng rãi lịch sự, giáo sư giảng bài và sinh viên mọi màu da đang chăm chú lắng nghe, họ có thể trực tiếp tranh luận với giáo sư thoải mái. Một cô giáo sư của nhà trường, lấy máy ảnh ra chụp hình chúng tôi để giữ làm kỷ niệm, và nói rất nhiều, trông như rất vui vẻ vì sự đến thăm của chúng tôi. Ước mơ vào Đại học Mỹ mà tôi hằng mơ mộng suốt quãng đời niên thiếu, đã tắt lịm từ sau 30/ 4/75, bỗng trở lại trong tôi thật mạnh mẽ và cũng thật xa vời, vì nó còn nằm ngoài tầm tay với của tôi.

Chúng tôi được may mắn thỏa chí tò mò, là được dẫn đi xem nhà tù San Francisco nhằm vào giờ ăn sáng thì phải. Các trại viên (phần lớn là người da màu) trong bộ đồng phục màu cam (như phi hành gia, bộ đồ bay của không quân xưa) ăn uống rất trật tự. Ăn xong, họ tự động đem khay đến, bỏ thức ăn thừa vào một thùng rác trông rất sạch sẽ và để khay lên một kệ gần đó (không phải rửa lấy). Khung cảnh ở đây thật là bất ngờ, rất trật tự và nề nếp. Người thì tụ tập quanh bàn để đánh cờ, người thì xem TV ca nhạc, người thì rủ nhau đang đánh bóng bàn.

Đặc biệt, có phòng giam riêng dành cho người hung hãn, hoặc tâm thần bất thường. Tôi đưa tay sờ vào bức tường theo gợi ý của viên chỉ huy, gõ và nhấn thử mấy cái, vẫn có cảm giác cứng lắm. Nhưng ông ta cho biết nó (bức tường ở đây, cũng như bồn cầu đi vệ sinh được thiết kế riêng trong phòng) được làm bằng cao su đặc, va đầu vào không bể, không tài nào có thể bị tổn thương chảy máu được, vì họ sợ tù nhân quẫn trí tự vẫn. Bảo vệ tính mạng người tù như vậy, quả là hết biết. Trông sự việc bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng thật ra mọi động tác bất thường nguy hiểm của phạm nhân, đều được theo dõi chặt chẽ tại phòng trực qua các camera đặt kín đáo khắp nơi. Viên chỉ huy nhà tù cho biết, đây là trại tù thường phạm, tội ăn cắp vặt, ẩu đả, lái xe say xỉn. Kinh phí quản lý nuôi một tù nhân như vậy, tốn khoảng 23.000 USD/ năm. Chúng tôi nghỉ thầm:"Người Mỹ sướng thật, ở tù cũng sướng". Xin được nói đùa thôi, chứ thật ra, theo Luật Mỹ cũng như các nước khác, bị tước đoạt tự do, bị mất quyền công dân, đã là một hình thức chế tài, một hình phạt nặng nề của pháp luật đối với công dân rồi.

2.

Ông John J Conway, thẩm phán chánh tòa San Francisco, một quan tòa đông con mà liêm khiết, hết sức thân thiện, đã mời chúng tôi ăn trưa ở phòng ăn đại sảnh. Sau đó, ông hướng dẫn anh em chúng tôi đến tòa án và các văn phòng luật sư. Bữa ăn đầu tiên ở Mỹ thật vui vẻ mới lạ và hết sức gọn nhẹ, không một chút rườm rà. Chỉ một đĩa cơm hoặc mì nui, thịt và rau, rồi một ly nước Coke. Gía khoảng 3.50 USD/ một phần ăn. Anh em chúng tôi vừa ăn vừa đồng ý rằng người Mỹ ăn uống thật đơn giản hơn người Pháp. Nhớ lại khi Đoàn Luật sư Pháp thiết đãi nhóm luật sư VN chúng tôi vừa qua (tại Paris, vào tháng 9/ 98), anh em được phen cười vui vẻ. Số là các buổi ăn chiêu đãi đoàn, đều được các LS Pháp đặt trước tại nhà hàng thật long trọng, mỗi thức ăn là một loại rượu và ly khác nhau. Một buổi ăn kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, đủ thứ nghi thức nào là muỗng nĩa ly tách, làm anh em chúng tôi thật rối cả ruột, có khi lại cầm nhầm phần bánh mì của ông Tây bà Đầm bên cạnh. Pardon, Merci (xin lỗi -cám ơn) loạn xạ cả lên.

Thật là xúc động, khi thấy luật sư Mỹ (cũng như Pháp), rất được tôn trọng tại phiên tòa, và quyền con người được tôn trọng một cách đầy ý nghĩa ở nước Mỹ. Một thẩm phán da đen to lớn đã gặp chúng tôi trước khi vào phiên xử. Trong suốt phiên xử, ông có vẻ bồn chồn sốt ruột lắm, nhưng vẫn cố chăm chú, lắng nghe lời trình bày của bị cáo và luật sư. Tôi có cảm giác ông như nhắc nhỏm không yên. Để rồi, khi phiên xử kết thúc, ông vội vàng mời chúng tôi vào phòng làm việc của ông, nồng nhiệt bắt tay chúng tôi, thân thiện như đã gặp nhau từ kiếp nào.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt thấy lá cờ Mỹ thật gần. Lá cờ đã cũ, có vài vết máu khô và lỗ chỗ mấy lỗ đạn còn vết cháy xém đen, kỷ niệm đau buồn thời nội chiến Nam Bắc, được trân trọng treo tại đây. Tôi đứng lặng người xúc động. Đất nước nào trước khi lớn khôn lên, cũng phải trải qua bao sai lầm của lịch sử, và gánh chịu bao đau thương mất mát. Chúng tôi được dịp tiếp xúc những bạn trẻ lọt lòng trên nước Mỹ từ sau 30/ 4/ 75, được nước Mỹ cưu mang dạy dỗ, đang giữ chức vụ và trọng trách cao tại đây. Tôi thực sự muốn nói lời cảm ơn các bạn ấy, đã làm cho người Mỹ có thiện cảm và biết tôn trọng VN của chúng ta, thông qua những nỗ lực và tài ba của chính các bạn.

Trước khi tới Mỹ, chúng tôi cũng có nghe nói nhiều về nạn kỳ thị chủng tộc, đến cái chết tức tưởi của mục sư Martin Luther King ngày 4/ 4/ 1986, khi ông đang theo đuổi con đường đấu tranh chống nạn kỳ thị chủng tộc. Ông đã bỏ lại sau lưng, niềm mơ ước "Hòa Bình và Bình Đẳng cho mọi người", để lại một vết thương lớn cho nước Mỹ và nhân loại, cũng như niềm thương tiếc đau xót của hàng triệu con tim. Nhưng giờ đây, tại chính nơi này, (San Francisco), nạn kỳ thị chủng tộc hầu như đã lùi vào bóng tối. Chúng tôi thấy tại đây, những thẩm phán da màu rất nhiều, được tôn trọng và có đủ uy quyền như người da trắng. Không còn sự phân biệt màu da, tất cả chỉ nhằm làm tròn bổn phận công chức, tôn trọng quyền công dân, phục vụ nhân quyền và xã hội, phục vụ công lý, và tôn trọng luật pháp.

SEPTEMBER 11 (911)

Tại VN, tôi và tất cả bạn bè đều sửng sốt, xúc động và đau lòng trước biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Suốt ngày đêm hôm ấy, tôi mở đài VOA, đài BBC, xem truyền hình VN truyền tin qua vệ tinh, phát từ đài CNN, tha hồ xem các báo Sàigòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh Niên..không sao quên được những hình ảnh đau lòng của ngày hôm đó. Hai tòa nhà cao tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới WTC (World Trade Center) đã bị hai chiếc máy bay của bọn khủng bố đâm sầm vào và sụp đổ, hệt như trong phim của Hollywood, làm tan xương nát thịt hàng 3000 ngàn người vô tội và tài giỏi trên khắp thế giới, đến làm việc tại đây.

Những hình ảnh tàn khốc đó được chiếu đi chiếu lại thật nhiều lần trong ngày, trong tuần... Thậm chí, sau này, có đài phương Tây còn phát đi phát lại lời kêu gọi thánh chiến của phe khủng bố. Tôi bỗng cảm nhận ra được cái hay cái dở của nền thông tin hiện đại và dân chủ của nước Mỹ. Truyền hình Tư bản Tây phương có cái hay là tin tức trung thực chính xác và mau chóng, không bưng bít. Việc chiếu đi chiếu lại nhiều lần có thể tác dụng ngược, làm khủng hoảng tinh thần dân chúng, (thay vì khiến người dân căm phẫn, ghê tởm trước hành động tàn ác). Đồng thời, việc loan truyền hình ảnh có tính công phá như thế, sẽ thôi thúc, kích thích thêm tư tưởng phe quá khích (muốn ghi thêm nhũng hình ảnh mới chiến công mới của họ, trước công chúng). Cuộc điều tra xã hội và của chính giới truyền thông cho thấy, nhiều người Mỹ cảm thấy bất an hơn, nước Mỹ đã không còn được như xưa kể từ biến cố 11 tháng 9, cần phải có một thời gian dài để có thể nguôi ngoai.

Ngồi xem truyền hình trực tiếp lễ tưởng niệm một năm ngày 11 tháng 9 tại Ground Zero. Trên nền cũ của tòa nhà sụp đổ, giờ đây đã trở thành khu đất trống đầy hoa tưởng niệm. (WTC đã một thời là biểu tượng của sự thịnh vượng và sức mạnh kinh tế vượt bậc của Mỹ). Thật xúc động thấy hình ảnh nhân dân New York kiên cường đứng lên sau cú sốc thảm khốc hết sức đau lòng, thấy Tổng thống Push và phu nhân Laura Push, đích thân đến cánh đồng Shankville, Bang Pennsylvania, để tưởng niệm 40 hành khách trên chiếc máy bay United Airline 93, đã trở thành anh hùng nước Mỹ, khi họ đã can đảm xô xát giằng co với bọn không tặc, ngăn chặn bàn tay tội ác của chúng, toan khống chế chiếc máy bay đó để tiêu diệt Ngũ Giác Đài hay Tòa Bạch Ốc, tượng trưng cho quyền lực toàn nước Mỹ.

Mãi đến hôm nay, nhiều người vẫn quen nhìn mặt tiêu cực từ biến cố đau lòng 11 tháng 9, nhưng không nhìn thấy mặt tích cực của nó. Nước Mỹ trở nên một khối đoàn kết và vững mạnh hơn sau cú đánh bất ngờ. Người Mỹ thấy cuộc đời bỗng ngắn ngủi và đáng trân trọng hơn, cần xích lại gần nhau. Cần giảm bớt sự hận thù trên thế giới, san sẻ những giây phút thân ái trong gia đình, cảm nhận được nỗi mất mát người thân và sự tàn nhẫn của chiến tranh.

Cả thế giới đứng về phía Mỹ chống laiï nguy cơ mới, hết sức hung hãn và nguy hiểm: khủng bố toàn cầu. Chính quyền cuồng tín Taliban (đã bất chấp dư luận thế giới, ngạo mạn điên cuồng, tàn phá bức tượng Phật ngàn năm cổ xưa nhất thế giới, di sản văn hóa của loài người), giờ đây đã sụp đổ nhục nhã. Phụ nữ Afganistan được giải phóng, được trả lại giá trị con người. Cả một dân tộc và đất nước Afganistan được hồi sinh. Nhân dân thế giới cảm ơn sự quả cảm của nước Mỹ, nước Anh và Liên Hiệp Quốc, đã cứu đất nước Afganistan thoát khỏi họa diệt chủng- ngu dốt - bần cùng khốn khổ. Mọi người khắp nơi trên thế giới, vui vẻ chấp hành những biện pháp an ninh gắt gao, kiên quyết ngăn chặn tội ác khủng bố đe dọa sự an lành của thế giói, và nguy cơ hủy diệt những di sản văn hóa thế giới quý báu, thành tựu của nền văn minh nhân loại.

NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU

Hôm nay, tôi được may mắn trở lại Mỹ, vào học khoa Luật Quốc tế tại trường Đại học Santa Clara (San Jose, CA) (Visiting Scholar). Việc cảm nhận đầu tiên của tôi là, thấy tội nghiệp cho dân mình, nước mình quá. Đồng tiền VN dành dụm chắt chiu của vợ chồng tôi, cũng là một số tiền khá lớn ở VN (gần như là một gia tài nhỏ), nay bỗng dưng hết sức nhỏ bé (bé tý tẹo) trong bàn tay nước Mỹ. Và rồi, tôi lại thấy rõ được cái tủi thân, dốt nát của mình, nghe tiếng Anh mà cứ như " vịt nghe sấm.".

Tôi tự giận lấy mình và rồi (như tục ngữ ta có câu:" Giận cá chém thớt") tôi đâm giận lây ngang xương cái nền giáo dục của mình. Nó vẫn như ông vua Minh Mạng và triều đình nhà Nguyễn, ngây ngô trước nền văn minh thế giới, đã bỏ ngoài tai lời nói phải, cũng như bản điều trần tâm huyết, những biện pháp nhằm canh tân đất nước của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Trường Tộ năm xưa.

Sau này, khi có dịp đi Nhật Bản, tôi bổng giật mình về cái học của mình, đúng là" ếch nằm đáy giếng !"hay cũng như" Thầy bói mù sờ voi" thôi. (Truyện vui cười VN. Truyện kể ngày xưa, các thầy bói mù làng nọ nhân khi ế khách, bèn kháo nhau thi" tả hình dáng con voi", xem ai tả đúng nhất. Có thầy chỉ vồ lấy và sờ được cái chân voi, thì cứ nhất mực cãi lý rằng con voi nó tròn và to giống y như cái cột đình làng, không thể nào có hình dáng khác được).

Trước đây, tôi cứ đinh ninh theo bài học lịch sử vỡ lòng rằng:" Minh Trị Thiên hoàng là vị vua nước Nhật đầu tiên có tư tưởng Cách mạng, muốn canh tân nước Nhật". Qua đến Nhật, thấy cảnh trí, các kiến trúc đền đài cổ xưa, cũng như tìm hiểu về ý thức, phong tục tập quán, lối sống của người Nhật. Tôi phát hiện ra được một điều thật bất ngờ. Thật ra, nước Nhật đã muốn canh tân ngay từ khi lập quốc, từ khi tổ tiên của họ rời bỏ quê hương ra đi tìm vùng đất hứa. Họ đã quyết tâm và nung nấu ý chí xây dựng một đất nước mới quê hương mới, lý tưởng hơn, tốt đẹp hơn nhiều lần, cái đất nước mà họ đã gạt nước mắt ra đi. Té ra, ngay chính người Nhật, có lẽ vì lý do tế nhị nào đó của lịch sử, đôi khi cũng khó có thể nêu lên thật cặn kẽ lịch sử ngàn năm của họ, đã bị thời gian và truyền thuyết cổ xưa phủ lên một lớp bụi mờ.

Trông người rồi ngẫm đến ta, tôi đâm ra có suy nghĩ lẩn thẩn về NỔI BUỒN NHƯỢC TIỂU, về cái QUỐC NHỤC TỤT HẬU, CÁI NHỤC LẠC HẬU của nước mình. Và mơ ước, phải chi mình là người Ấn Độ, Thái Lan hay Philippinnes (học toàn tiếng Anh ở bậc trung học), để tôi và người dân nước tôi nghe hiểu và nói tiếng Anh giỏi, có thể vào học đại học Mỹ, hoặc nghiên cứu các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mới tiến bộ trên thế giới, một cách thật dễ dàng.

Rất nhiều học bổng ở VN bị bỏ uổng vì ứng viên không đạt tiêu chuẩn (chủ yếu là ngoại ngữ tiếng Anh). Các đối tác đầu tư tại VN gặp nhiều trở ngại khó khăn, vì trình độ Anh ngữ kém của ta. Không ai nghỉ đến việc ứng dụng truyền thanh, truyền hình và internet trong việc phổ cập nâng cao trình độ tiếng Anh cho cả nước, điều kiện tối cần thiết cho VN trên đường phát triển, bước vào thế kỷ thứ 21. Sách giáo khoa thì nhồi nhét lạc hậu. Cái cần thì không học, cái đáng học thì lại buông lơi đáng tiếc. Các em bị mất sức, lãng phí thời gian, một cách oan uổng.

Theo thiển ý chúng tôi, hiện nay ở bậc phổ thông, chúng ta cần có một nền giáo dục tiên tiến gọn nhẹ, chủ yếu gồm 5 điểm như sau:"ĐẠO ĐỨC, VĂN, TOÁN, NGOẠI NGỮ và KIẾN THỨC TỔNG QUÁT". Trong đó, ngoại ngữ là rất cần thiết. Cũng như: THU HÚT PHÁT TRIỄN ĐẦU TƯ, TRỌNG DỤNG ĐÀO TẠO NHÂN TÀI, MỞ MANG ĐƯỜNG SÁ ĐIỆN NƯỚC, BIẾT NGOẠI NGỮ và HỌC NGHỀ CHUYÊN NGHIỆP THẬT GIỎI, là 5 chiếc chìa khóa chính ta không thể thiếu được, để mở cánh cửa giàu có cho Đất nước và Nhân dân.

Đầu năm 2001, tôi có dịp đi suốt nước Nhật từ phương Nam lên tận miền Bắc, được may mắn nhìn thấy những cánh hoa anh đào màu hồng phấn nở muộn màng nhưng thật rực rỡ dễ thương, lung linh trong nắng sớm trên một ngôi chùa cổ thờ Phật bà ở Osaka. Và cũng thấy được từ thành thị đến nông thôn của nước Nhật, họ hết sức tự trọng lễ độ, có tư cách siêng năng, văn minh và sạch sẽ như thế nào. Nhật Bản đã sớm nhìn ra khuyết điểm của nền giáo dục nước họ, nên họ có một đài truyền hình dạy tiếng Anh cho thiếu nhi phát hình suốt ngày, nhằm giúp các em ham mê tiếng Anh, chiếc chìa khóa mở được cửa kho tàng tri thức KHKT tiến bộ thế giới.

NGƯỜI VIỆT GỐC MỸ hay NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT "

Tôi có dịp được đọc những bài báo phát hành ở Mỹ đầy trăn trở của những bậc học giả và phụ huynh về việc tuổi trẻ VN, các cháu các em, thường bị kém cỏi tiếng mẹ đẻ. Kể ra cũng là một sự khổ tâm, vì hoàn cảnh cuộc sống và sinh kế. Tôi thấy có những em Việt kiều về thăm quê hương, cũng rất bỡ ngỡ cô đơn, khổ tâm khi chỉ biết bập bẹ tiếng Việt, vì phần lớn, các cháu và bà con ở VN thì thường chẳng biết tiếng Anh nhiều. Suy đi nghỉ lại, quả thật chúng ta cần học hỏi người Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ hay Mexico. Họ có thể đi khắp nơi để kiếm sống, nhưng họ không bao giờ để cho con cái của họ trở thành một dân tộc lưu vong, lạc lõng không biết tiếng mẹ đẻ. Người Mỹ sẽ nghỉ gì về trình độ và tư cách của chúng ta, khi chính chúng ta cũng không biết tôn trọng, giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình"

Chẳng lẽ cho đến tận hôm nay, lời thơ năm xưa của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: "Lũ chúng ta lỡ sinh lầm thế kỷ", vẫn cứ còn nguyên, là một" tiếng thở dài muôn thưở" hay sao" Thật là đau xót cho dân tộc chúng ta. Chúng ta không thể vĩnh viễn ngồi yên mà nguyền rủa bóng tối, phải thắp sáng lên mà đi. Tôi đâm ra mơ ước, phải chi ở Mỹ, chúng ta có nhiều tờ báo trình bày hai thứ tiếng (song ngữ Anh Việt) để giúp đỡ người Việt Nam vừa giỏi được tiếng Anh, vừa rành được tiếng Việt.

Làm thế nào để số các em thiếu nhi hải ngoại có thể cầm tờ báo tiếng Việt trong tay, mỗi ngày sẽ một nhiều hơn. Tờ báo sẽ được trình bày thật mỹ thuật, thật đẹp, thật sang trọng lịch sự văn minh, phải được chăm chút từng chút một, từ nội dung đến hình thức. Đó sẽ là một bước đột phá cần thiết của người Việt yêu nước, của báo chí hải ngoại VN trong thời đại mới, nhằm giữ gìn ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ mai sau của chúng ta. Sẽ là một nhịp cầu nối liền giữa người Việt trong và ngoài nước, thế hệ mới lớn và thế hệ đã trưởng thành (nay ngày một cách xa), để đưa dân VN ta vừa có trình độ tiên tiến của xứ người, mà vẫn giữ được bản chất tiếng nói, ngôn ngữ và niềm hãnh diện mai sau của chúng ta. Đó là chưa kể về mặt ý nghĩa truyền thông, tờ báo sẽ tạo cơ hội cảm thông giữa người Mỹ nước Mỹ với cộng đồng Việt Nam chúng ta, là một cộng đồng lớn mạnh, gắn bó về kinh tế, nhưng đôi khi lại vấp phải hàng rào văn hóa ngôn ngữ bất đồng, nay có thể thông hiểu tâm tư tình cảm nguyện vọng của nhau hơn.

ĐOẠN TRƯỜNG

VÔ THANH "!

Nếu ngày xưa cụ Nguyễn Du khóc nàng Kiều mấy mươi năm lưu lạc, đứt từng đoạn ruột mà thành ra một tiếng thơ (Đoạn Trường Tân Thanh). Thì người Việt mình giờ đây cũng lâm cảnh đau lòng, lỡ khóc lỡ cười mà cũng khó nỗi nói ra. Nước Mỹ cũng có cuộc nội chiến Nam Bắc, nhưng rồi, cả nước biết hàn gắn, đoàn kết thống nhất, xây dựng tổ quốc họ trở thành một nước văn minh, hùng mạnh, tiến bộ vào bậc nhất thế giới. (Trong khi, lịch sử lập quốc của họ chỉ khoảng trên dưới 200 năm).

Sau cuộc trường chinh đẫm máu, và bị chia cắt đất nước suốt chiều dài lịch sử, đất nước VN tuy đã hòa bình thống nhất, nhưng vết thương xé lòng của dân tộc VN ta vẫn còn âm ỉ. Tôi thật sự xúc động trước tấm lòng của một nhà thơ sống tại quê nhà, (nay hình như ông đã qua đời), vẫn cố sống cho thật đàng hoàng, giữa bát nháo cuộc đời, trước tham nhũng bất công, sâu dân mọt nước:

Có những lúc ngã lòng,

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

(Phùng Quán)

Qua đến Mỹ, tôi thật xúc động trước tấm lòng thiết tha yêu nước, của người Việt xa quê hương:

Nhớ Đà Lạt, quặn thắt lòng

Thương đồi thông,

nhớ má hồng của em

(Hà Ly Mạc)

Chúng ta phải làm gì đây" Phải đối xử như thế nào đây giữa người Việt với nhau, để Mẹ Tổ quốc khỏi đau lòng"

"Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể cùng nhau thay đổi tương lai cho tốt đẹp hơn". Tổng thống Bill Clinton khi viếng thăm Việt Nam, đã có những nhận xét chí lý như thế.

Nước Mỹ từ lâu được coi như VÙNG ĐẤT HỨA cho nhiều người trên thế giới, và thật sự như tên gọi của nó, đã trở thành HỢP CHỦNG QUỐC, đã giang rộng vòng tay nhân ái, đón nhận nhiều sắc dân nhất trên thế giới tề tựu về đây sinh sống. Không phải vì nó có những khung cảnh xinh đẹp hùng vĩ thật hoành tráng của thiên nhiên, mà vì đó là đất nước tôn trọng tự do, trọng dụng nhân tài, hứa hẹn cho bạn một cuộc sống tốt đẹp hơn ở quê nhà. Nhất là cơ hội học tập làm việc, tự do chính kiến, phát triển tài năng và nghề nghiệp.

Nhiều nơi trên nước Mỹ: Dallas, Houston, Tampa, Little Saigon, San Diego... Biết bao đồi cỏ xanh ngát, bao cánh rừng bạt ngàn, bao ngôi nhà xinh xắn. Bãi biển thì xinh đẹp có đầy cánh chim hải âu bay lượn, có cả những chú hải cẩu từ phương xa đến đây, nằm phơi nắng bình yên trên bãi cát... Nước Mỹ quả thật là giàu đẹp và đầy ưu ái. Và nước Mỹ cũng đã cưu mang người dân nước tôi qua cơn hoạn nạn, đã giúp đỡ đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho VN (cũng là của Mỹ và của thế giới). Ngược lại, tôi cũng rất tự hào vì thấy người Việt mình cũng góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ.

Trở lại Mỹ lần này, tôi bình tâm hơn, và nhận ra thêm được cái dở cái xấu của nó. Luật pháp Mỹ (cũng như các nước khác) tuy cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn còn lúng túng vất vả trong việc đối phó với bọn tội phạm trên Internet. Ở Mỹ, có rất nhiều webside mà tôi rất say mê, tha hồ truy cập ngày đêm. Nó sẵn sàng cung cấp cho tôi những kiến thức hết sức bổ ích, những bài viết kinh tế chính trị xã hội hết sức giá trị, lý thú. Chi phí truy cập rất rẻ, còn cước phí điện thoại truy cập hầu như là cho không. Nhưng hãy thận trọng đối với các webside và email xa lạ, vì nó có quyền lừa bịp hoặc phá hư máy vi tính của bạn mà pháp luật không sao can thiệp nổi!

Có nhiều nơi trên nước Mỹ vẫn còn cảnh nhếch nhác, còn xả rác quá nhiều, giữ gìn vệ sinh trật tự công cộng kém, rồi còn nạn thù hằn công kích, bôi nhọ lẫn nhau. Nghe nói còn có những cuộc biểu tình đập phá bạo động, hoặc có khi "cuỗng trời"(cởi truồng), ném đá vào người khác, tưởng y như đang ở thời Trung Cổ. Tội nghiệp cho những nghệ sĩ VN, đem cả tấm lòng ở quê nhà qua đây biểu diễn, bị người mình (không phải người Mỹ) cấm đoán tẩy chay, thật khổ tâm (quyền sống) giữa hai làn nước (Tư bản Tự do và Cộng Sản XHCN). Người nước ngoài, người Mỹ văn minh tiến bộ, nghĩ thế nào về cảnh nồi da xáo thịt của mình đây"

Trước khi về VN năm 1998, tôi đang đứng xếp hàng ở phi trường Los Angeles, bỗng có một đợt sóng người chen lấn, làm tôi muốn té. Giật mình nhìn lại, thì ra… toàn là kiều bào VN mình thôi. Khi máy bay tới gần TSN, mọi người ùa ra nhìn quang cảnh quê hương, hàng dừa, rặng chuối. Tôi cảm thấy ấm lòng trở lại. Bài hát Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, bỗng nổi lên, tha thiết trong tôi.

NGUYỄN BÍNH CHÂU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,184,260
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến