Hôm nay,  

Những Ngày Đầu Bỡ Ngỡ

15/09/200200:00:00(Xem: 250514)
Tác giả: ĐẶNG TRẦN HUÂN

Bài đóng góp Viết Về Nước Mỹ nhưng không dự giải thưởng.

Nhà văn nhà báo Đặng Trần Huân nổi tiếng từ Việt Nam, hiện định cư tại Hoa Kỳ, là người đã theo dõi và dành cho Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ sự hỗ trợ tinh thần đặc biệt bằng cách góp bài viết nhưng không dự giải thưởng. Trong hai số ngày 14 và 15. 5. 2002, Việt Báo đã đăng bài của nhà văn Đặng Trần Huân, nay xin đăng tiếp bài thứ nhì của ông.

*

Thái nhìn lịch và nghĩ thầm: hôm nay kỷ niệm đệ nhị chu niên ngày gia đình ông tới Mỹ. Không phải đây là lần đầu, cách đây hai mươi lăm năm ông đã tới đất này du học, nhưng khi đó mọi việc từ khi tới cho đến khi về, học hành, ăn ở thậm chí cả đi chơi nếu muốn đều có người Mỹ hướng dẫn chẳng phải bỡ ngỡ gì cả.

Bây giờ đã qua những hoài nghi ban đầu, Thái quyết định đánh vật với tự điển để viết một lá thư quan trọng gửi ngân hàng Chase Manhattan Bank đòi món nợ năm trăm ngàn đồng mà ông gửi định kỳ tại chi nhánh Sài Gòn của ngân hàng này cuối năm 1974. Tính hối xuất 775 đồng Việt Nam ăn một đô la khi ấy thì bây giờ ngân hàng CMB phải trả ông khoảng một ngàn đô la chưa kể tiền lời.

Thoạt đầu ông cũng rất phân vân vì có người nói nếu ông đòi được nợ, ông có thể bị cúp trợ cấp tỵ nạn vì đã được coi là giầu. Nhưng cũng có người nói đó là trường hợp thất nghiệp vay tiền GR mới bị hạn chế tài sản, còn tỵ nạn thì không. Thiếu gì người mang đi cả mấy lạng vàng, có sao đâu" Không có quy định đặc biệt nào giới hạn tài sản người tỵ nạn cả. Tuy nhiên, vì đã sống gần hai mươi năm với cộng sản là những người thường xuyên đạp lên chính những quy định của họ, Thái cũng hơi lo ngại. Nhưng rồi tin tưởng ở sự phân minh của luật pháp Hoa Kỳ cuối cùng ông đã gửi lá thư đi, gửi tới trụ sở chính của ngân hàng tận Nữu Ước xa xôi mà ông nhờ mấy người bạn mới tìm ra địa chỉ. Ở vùng ông cư ngụ thì không thấy bóng dáng trụ sở nào của Chase Manhattan Bank cả.

Nhớ lại hai tháng đầu, Thái khá bỡ ngỡ trên đất Mỹ, vì lần này ông phải lo mọi việc, ông là một đầu tầu gồm hai vợ chồng già và hai con dại trên ba mươi tuổi, đã quá tuổi trưởng thành từ lâu, nhưng còn ngơ ngác như lạc trong rừng.

Ở tạm nhà người bạn mấy ngày rồi gia đình Thái dọn tới một căn chung cư trong vùng San Gabriel Valley, phía đông thành phố Los Angeles. Thuê chung cư thì nước, rác, bếp không phải lo nhưng Thái phải lo xin điện thoại và đi mua một cái tủ lạnh. Ở Mỹ không có điện thoại thì như bị cô lập và không có tủ lạnh thì coi như nhịn đói vì xe đâu mà đi chợ hàng ngày.

Việc xin giấy tờ căn cước người bạn đã lo cho ông trong ngày thứ nhì khi ông tới Mỹ. Và từ cái tên Bùi Như Thái ông đã trở thành Thai Nhu Bui không có dấu. Cái tên nghe kỳ kỳ nhưng nhập gia tùy tục. Nhớ đến hai câu thơ “Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt. Học làm con trẻ nói ngu ngơ” của nhà thơ Thanh Nam ông bất giác bật cười. Ông nhớ tới cả cái bài báo của ông nào đó nói về đức Hung Dao Tran và các vị vua Long Gia, Duc Tu, Tôn Thanh Le và cựu hoàng Dai Bao.

Thế nhưng cái tên Thai Nhu Bui của ông chưa ngừng ở đó. Ông đã chiều lòng người Mỹ đảo ngược tên mình, nhưng có vẻ người Mỹ không thích sự dài giòng hay sao đó nên trong hóa đơn điện thoại của ông lại được ghi là đổi lại là Thai Bui , có lúc lại T . B . Nhu, biến mất tên của ông, khiến ông chẳng biết thực sự tên ông bây giờ là gì nữa. Cuối cùng ông đành giữ mẹ nó chữ ký của mình theo lối Việt Nam cho khỏi quên, còn ai muốn gọi ông thế nào tùy ý miễn là tiền lãnh đều hòa, trôi chảy.

Trôi chảy thì có trôi chảy thật nhưng cũng rơi rớt dọc đường, không trọn vẹn. Thoạt tiên tháng thứ nhất Thái được hội thiện nguyện đón tiếp tại văn phòng. Cô thư ký người Hoa tiếp chuyện bằng tiếng Việt, hỏi han , chúc mừng vài câu, tặng vài món quà tượng trưng và hôm sau hội đưa cho Thái hai tấm chi phiếu mỗi tấm 462 đô (tại sao không là một tấm 924 đồng thì tới bây giờ Thái vẫn chưa hiểu). Mừng rỡ Thái cầm hai chi phiếu của Ngân Hàng Mỹ Quốc trong tay nhờ bạn chở tới một chi nhánh Bank of America gần nhà để lãnh. Nhưng Thái không lãnh được vì ông chưa có trương mục tại Mỹ. Ông trình bày ông là một người mới tới nhưng ngân hàng từ chối, nói ông phải tới chính chi nhánh ngân hàng phát hành chi phiếu đó ở Alhambra cách xa nhà ông chừng mười dặm, nếu có xe và biết lái thì thì cũng mất chừng nửa tiếng. Nhưng đi xe buýt thì diệu vợi mà không biết đâu mà mò.

Ông trở lại văn phòng hội được cô thư ký chỉ cho cách lãnh ngay ở phòng dịch vụ tư nhân gần hội nhưng phải trả mười sáu đồng lệ phí. Thái cũng mừng là có tiền ngay, nhưng khi làm đơn xin trợ cấp thì mới biết số tiền của hội coi như trợ cấp tháng đầu và phải chờ đúng một tháng sau đơn xin trợ cấp mới được chấp nhận. Và số tiền ứng tháng đầu của hội đưa ít hơn trợï cấp chính thức khoảng ba trăm đồng. Số tiền đó khấu trừ từ ngân khoản trợï cấp mà hội đã bớt một phần để lấy công và mua tặng phẩm.

Ở Mỹ người ta không thích xài tiền mà thích xài thẻ, chi phiếâu và ngân phiếu (money order). Không có trương mục ngân hàng Thái phải mua ngân phiếu để trả tiền nhà, tiền điện, điện thoại, moiã thứ một money order. Ông nghĩ nơi tin cẩn nhất phải là bưu điện vì đây là một cơ sở thuộc chính quyền liên bang. Chắc chắn phải rẻ hơn tư nhân. Ở Việt Nam bất cứ cái gì mua được từ chính quyền cũng rẻ hơn, nhiều khi rẻ mạt nhờ bao cấp, nhờ tem phiếu, kể từ sữa, đường, gạo, Honda, nhà trong hẻm hay biệt thự bên lề đại lộ. Nhưng ở Mỹ không như vậy. Mua mỗi cái money order bưu điện giá 85 xu ông bỏ từng cái vào bao thư dán tem gửi đi trả nợ xong mới biết ở tiệm rượu hay siêu thị tư nhân money order rẻ hơn nhiều có khi mỗi cái chỉ có mười mấy xu thôi.

Lần đi mua tủ lạnh cũng là một kinh nghiệm cho gia đình Thái. Ông định đi một mình coi trước tại một tiệm bán tủ lạnh quảng cáo trên báo. Đi bằng xe buýt. Vợ ông muốn đi theo vì bà mới là người đứng đầu tề gia nội trợ cần nhìn mặt mũi cái tủ ra sao trước khi quyết định. Cũng có lý. Đứa con gái cũng đòi đi nhân thể coi phố phường và ghé một chợ Việt Nam gần đó.

Thế là ba người lên đường. Gặp xe buýt ngay khi họ vừa đi bộ ra tới chỗ bảng đợi ở đường lớn, mừng rỡ cả ba vội vã lên xe. Mỗi chặng đường giá vé1, 35 đô la một người. Thái đưa tờ giấy mười đồng cho ngườøi tài xế, anh ta lắc đầu và chỉ tay cho biết phải bỏ tiền lẻ vào một cái hộc gần tay lái. Ngơ ngác nhìn quanh và hỏi cũng không có ai có tiền lẻ đổi cho Thái cả. Xe vẫn chạy. Qua hai trạm nữa vẫn không giải quyết được tiền lẻ người tài xế dừng xe yêu cầu ba người xuống. Tìm tòi ngơ ngác mãi mới thấy một tiệm xăng và đổi được mười đồng ba người chờ chuyến xe kế tiếp chậm hơn nửa tiếng.

Lên tới tổng trạïm El Monte, phải chuyển một chuyến xe thứ nhì. Lần này Thái kinh nghiệm và sành sỏi ra máy đổi thêm tiền lẻ để không còn trục trặc như lúc nãy nữa. Thái vỗ vỗ túi quần, tiền kim loại nặng chịch lổn nhổn trễ một bên sườn.

Hai vợ chồng không ưng ý một cái tủ lạnh nào nên việc chính không thành. Nhưng cả ba đều hài lòng khi vào chợ Hawaii mua được một số thực phẩm quốc hồn quốc túy mà họ đang thèm. Và nhất là khi trở về thì cách trả tiền xe buýt Thái đã rất thành thạo không còn sợ bị đuổi xuống xe như lượt đi. Thái hiên ngang bỏ vào hộc 4 đồng và năm xu tiền kim loại kêu lẻng xẻng, mặt có vẻ hơi vênh lên, hãnh diện. Ông thở phào khoan khoái vì đi một ngày đàng học một sàng khôn, cổ nhân đã dạïy. Mãi một tuần sau có người bạn tới chơi nói chuyện xe buýt, Thái mới biết rằng hôm đó ông đã hớ vì muốn tiếp tục đi xe khác ông chỉ cần mua một tăng phơ, chuyển tiếp, chỉ có hai mươi lăm xu thay vì mua với giá một đồng ba mươi lăm như chuyến đầu.

Sau hai tháng tự lập, Thái càng có nhiều kinh nghiệm. Bây giờ Thái thuộc hết các đường xe buýt trong quậân hạt. Cách lấy vé, mua vé tháng, mua vé giá rẻ, mua vé tại thành phố nơi ông cư ngụ, La Puente. Với tuổi sáu hai Thái mua vé loại cao niên và được thành phố trợ cấp thêm ông chỉ trả có một đồng mà có quyền đi du lịch các danh lam thắng cảnh khắp quận hạt Los Angeles với nhiều loại xe buýt. Cứ đi từ sáng sớm mang theo một chiếc hăm bơ gơ bình dân và một lon nước, gặp xe nào ông cũng leo lên. Tài xế hỏi đi đâu thì ông nói ông tới đâu thì tôi tới đó.

Muốn đi thăm Disneyland cũng chỉ đi hai lần xe buýt và chỉ trả 45 xu cho phần tiền xe đi trên lãnh thổ quận Cam. Lần đầu một ông bạn già đã ở Mỹ mấy năm, chuyên viên đi xe buýt, rủ Thái từ Pomona xuống khu Tiểu Sài Gòn. Chốc chốc ông bạn lại giở tờ giấy do con ông biên đường xem lại. Lúng túng chưa quen các tuyến xe buýt quận Cam nên ông và Thái đã chuyển cả thảy sáu chuyến xe. Khi tới Phước Lộc Thọ chỉ kịp vào tiệm phở ăn trưa rồi trở vềâ ngay vì khi đó là tháng mười một chưa áp dụng daylight saving time nên chỉ năm giờ là trời đã tối mịt rồi. Về sau Thái nghiên cứu lại, chỉ mất có ba chuyến xe không kể chuyện tính giờ vắng khách đi xe quận Cam chỉ phải trả 15 xu và phiếu chuyển tiếp miễn phí trên bất cứ đường nào.

Ông đã biết sử dụng máy giặt, máy photocopy, biết sử dụng máy bán nước, bán tem, máy đổi tirền (phải nhét đồng tiền sao cho hình ông tổng thống nằm mà ngửa mặt lên), biết mua xăng tự động, biết sử dụng máy ATM gửi và rút tiền ngân hàng.

Nhưng còn nhiều thứ ông chưa làm được như không biết làm sao mua vài cái đinh dép nhỏ để sửa đôi giầy mang từ Việt Nam sang, không biết làm thế nào để kiếm một chút xăng cho vào hộp quẹt. Ông không thể mua vài điếu thuốc lá lẻ như thói quen vẫn mua dăm điếu ở góc đường Bà Hạt - Ngô Quyền, Sài Gòn tại tủ thuốc lá lẻ của nhà văn Lê Xuyên, cha đẻ Chú Tư Cầu mà có độc giả cứ khăng khăng Cầu là có họ hàng bà con với chú Nguyễn Cao Kỳ. Thái cũng tìm khắp các tiệm mà không mua được một tờ giấy pơ luya, cũng như không thể nào kiếm được thứ ruy băng cho vừa cái máy chữ Việt ông mang theo khi xuất cảnh.

Ông tự xét mình sau hai tháng đã tiến bộ nhiều lắm mặc dầu còn nhiều chuyện giá xẩy đến ông sẽ không biết cách nào xoay sở như cưới xin ma chay chẳng hạn, vì ngay tại Việt Nam cũng chưa lần nào ông may hay xui phải lãnh những chuyện này (Nhờ ở tù cộng sản nên mọi việc nhà đã có bà xã quanh năm buôn bán ở ven sông....

Có điều ông thấy rằng tuy nhiều việc khó giải quyết nhưng nếu có tiền thuê các văn phòng dịch vụ là xong ngay. Có lẽ các cơ sở dịch vụ đủ loại ở Mỹ nhiều gấp bội hơn ở Việt Nam và hễ có tiền thì việc gì cũng có người lo. Chả trách người ta bảo nước Mỹ tư bản là chỉ có tiền và có tiền mua tiên cũng được hẳn đôi phần có lý.

Biết giá trị đồng đô la như vậy nên sau khi làm một việc can đảm là đòi nợ ngân hàng, Thái chứa chan hy vọng là ông sắp có ngàn đồng bỏ túi.

Ông chờ đợi từng ngày sau khi gửi thư đi thì chỉ mười ngày sau đã nhận được thư phó giám đốc ngân hàng trả lời. Tiếc thay nội dung lá thư không làm Thái hài lòng. Bằng một giọng rất lịch sự, lá thư cho biết chi nhánh Chase Manhattan Bank ở Sài Gòn đã bị tịch thu từ 1975 và đã ngưng hoạt động tại nước này từ đó. Mọi khiếu nại xin khách hàng gửi cho ngân hàng trung ương Việt Nam giải quyết. Ngoài ra cũng theo luật của tiểu bang Nữu Ước tất cả những khiếu nại liên quan tới các vụ gửi tiền chỉ có giá trị và được cứu xét nếu gửi tới trong thời gian sáu năm kể từø ngày chi nhánh Sài Gòn đóng cửa.

Tức tốc Thái lại gửi một lá thư thứ hai trả lời lá thư của ông phó giám đốc. Ông viết ông là một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã bị cộng sản Việt Nam cầm tù mười năm từ ngày Sài Gòn sụp đổ. Vậy ông không thể nào khiếu nại về chuyện gửi tiền của ông trong thời hạn sáu năm. Sau khi được cộng sản phóng thích ông cũng không thể viết thư cho ngân hàng Mỹ. Vì nếu ông làm như vậy nhà cầm quyền cộng sản sẽ vu cáo ông là CIA, là gián điệp, liên lạc với địch rồi sẽ bị bắt giam trở lại. Ngoài ra chi nhánh CMB Sài Gòn đã tự ý rút khỏi Sài Gòn từ khi cộng sản còn ở tận Phan Rang, Phan Thiết chứ chưa chiếm đóng Sài Gòn mà ngân hàng không báo cho các khách hàng của mình biết thì đó là lỗi của ngân hàng chứ không thể đổ lỗi cho ông.

Cũng chỉ mươi ngày sau Thái nhận được thư trả lời, lần này do đệ nhị phó giám đốc ký tên. Ông bầy tỏ sự chú ý đặc biệt tình cảnh của Thái và đang cho lệnh cứu xét trường hợp đặc biệt này. Chỉ hai ngày sau Thái lại nhận được một thư kế tiếp của một phó giám đốc khác, bà Rosemarie Gonzalez, yêu cầu ông gửi lại cho bà bản sao các thư của ông đã gửi từ đầu vì mấy cái cũ đã mất. Lần nay Thái hơi nản lòng. Các phó giám đốc du đẩy lẫn nhau không biêt rồi sẽ đi đến đâu. Mà sao mới ít ngày gần đây thôi những thư của ông đã mất. Sao bảo rằng cách lưu trữ hồ sơ của Mỹ dùng com puy tơ, puy tiếc gì khoa học lắm cơ mà. Tuy nhiên Thái cũng hy vọng món nợ của ông sẽ được cứu xét dứt khoát nếu không được cả vốn lần lời như ông ước tính thì cũng có một ngàn xài đỡ.

Ông biết có một người bạn đi trước ông mấy tháng, khi đi có mang theo một thanh kiếm loại kiếm nhôm để tập Thái Cực Quyền, môn thể dục dường sinh được cổ võ ầm ỹ tại thành Hồ từ 1990. Thanh kiếm anh mua tại Sài Gòn với giá hai chục ngàn (độ hai đô la) dài quá nên anh phải cầm trên tay khi lên máy bay. Lúc xuống phi trường Los Angeles một nhân viên phi trường thấy hay hay mượn coi và trong lúc vội vã anh bạn của Thái quên không đòi lại. Khi biết thanh kiếm thể thao đã lạc, anh khiếu nại tại văn phòng hãng hàng không tại phi trường. Một tuần sau anh nhận được một lá thư xin lỗi của hãng máy bay và một chi phiếu ba trăm đồng.

Nghe chuyện đó Thái đã tấm tắc khen người Mỹ cư xử đẹp. Và ông nghĩ một thanh kiếm chả đáng gì mà còn được đền ba trăm với trường hợp của ông nhiều thì chưa biết nhưng khoản tiền vốn thì chắc như bắp rồi. Một ngàn thấm thía gì với cái vốn bạc tỷ của một ngân hàng lớn như Chase Manhattan. Lá thư thứ ba gửi đi, ông lại hồi hộp đợi chờ. Một tuần rồi hai tuần trôi qua. Rồi một tháng, rồi hai tháng. Sao không thấy hồi âm" Bà phó giám đốc này có vẻ lề mề hơn các phó giám đốc mày râu. (Không hiểu họ có bao nhiêu ông bà phó nhỉ").

Không kiên nhẫn được nữa Thái viết một lá thư thẳng cho bà phó Gonzalez kêu gọi tình hữu nghị Mỹ - Việt, tình chiến hữu giữa những người bạn Mỹ và những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã có lúc cùng chung chiến tuyến và yêu cầu trả lời dứt khoát chứ đừng im lặng làm thinh.

Một tuầân sau, ngày 8 tháng giêng 1993, bà Gonzalez ký tên trả lờøi Thái. Bà viện dẫn những án lệ của Mỹ qua các vụ Phung Thi Bai kiện Bank of America , Tat Ba kiện Chase Manhattan và Tran kiện Citibank tại các tòa Nữu Ước vào những năm 1984, 85, 86 và tất cả đều thua kiện (Giá các ông bà Bai, Ba, Tran mà có nước da đen như O. J. Simpson thì có hy vọng thắng kiện rồi). Do đó ngân hàng CMB không thể tiến hành và sẽ không cứu xét việc bồi thường cho khách hàng Việt Nam đã gửi tiền tại Chase Manhattan Bank Sài Gòn trước năm 1975 .

Thái gấp lá thư lại. Thế là hết! Ông tự an ủi là không được bồi thường tiền nhưng ông đã thực tập được mấy lá thư Anh ngữ và có mấy lá thư trả lời để làm kỷ niệm.

Bây giờ Mỹ đã có tòa đại sứ tại Việt Nam và chắc Chase Manhattan sẽ mở lại chi nhánh lại tại nước này. Khi đó Thái sẽ đòi lại tại chi nhánh CMB Sài Gòn chứ không đòi Việït cộng như CMB đã có lần khuyên ông như vậy. Thái giở tự điển Anh văn ra luyện lại để rồi sẽ hỏi lần nữa xem sao" Phải kiên tâm.

Trong khi chờ đợi có lần ông than thở với một người bạn thân:

- Kể thì nó cũng đá thậït. Ngàn bạc thấm thía gì mà nó mất công thư đi thư lại không trả mẹ nó cho tao có phải đẹp không"

Anh bạn cười ha hả:

- Sao mày ngu thế. Không phải nó tiếc mày ngàn bạc, nhưng biết đâu trước đây nó đã phải trả cho một số tướng lãnh, nhân vật cao cấp tham nhũng tháo chạy hồi 1975 hàng triệu rồi. Bây giờ nếu nó trả thêm mày một ngàn đô nữa thì phá lệ à" Còn bao nhiêu tổng, bộ trưởng, tướng lãnh cũng tù như mày, cũng mới sang đua nhau đòi nó không phải hàng ngàn mà hàng trăm ngàn, hàng triệu thì nó xập tiệm à!

5 .1998

ĐẶNG TRẦN HUÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,954