Hôm nay,  

Buồn Thay Số Kiếp

08/09/200200:00:00(Xem: 214218)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG

Bài tham dự số: 2-636-vb60906

Tác giả Bùi Xuân Đáng, trước 1975, là sĩ quan VNCH, đã hai lần du học tại Hoa Kỳ, hiện hưu trí và cư trú tại Placentia, CA, đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài rất sinh động, sâu sắc. Bài viết mới nhất của ông là một truyện ngắn về cảnh cha mẹ già sang Mỹ đoàn tụ với con cái.

*

Cầm tấm giấy bảo lành của con từ Mỹ gửi về, hai cụ Minh trong lòng vui như mở hội. Không vui làm sao được, từ bao nhiêu năm nay hai cụ vẫn chờ mong đến ngày được cha con gia đình đoàn tụ. Đêm ngày vẫn thầm vái Trời, khấn Phật cầu mong một điều trước khi nhắm mắt giã cõi đời này các cụ sẽ được gần con, gần cháu.

Ngày nay ước nguyện đã thành sự thật. Sau biết bao nhiêu tháng ngày khó khăn vất vả ngựơc xuôi, chạy chọt giấy tờ, hồ sơ của hai cụ đã hoàn tất. Từ giã họ hàng và bạn bè thân thuộc, hai cụ bước lên phi cơ với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì tưởng tượng đến cuộc phụ tử trùng phùng, cha con, ông bà cháu chắt gặp được mặt trên một xứ sở tự do và thịnh vượng đứng đầu thế giới. Từ nay hai cụ sẽ không còn ở trong hoàn cảnh cô quạnh vắng vẻ như trước. Các cụ mường tượng đến cảnh gia đình náo nhiệt vang vang tiếng cười, tiếng nói thân yêu mà hai cụ đã mất hẳn từ lâu. Hai cụ cũng bâng khuâng, buồn bã khi phải rời bỏ mảnh đất thân yêu đã chứa đầy những kỷ niệm vui buồn và họ hàng, bè bạn là những người đã cùng hai cụ sống gần hết cuộc đời. Nếu không vì con, vì cháu và vì đời sống thiếu tự do, thiếu nhân bản chẳng bao giờ hai cụ lại muốn bỏ nước ra đi, dù rằng hai cụ tuổi đã gần kề miệng lỗ và đời sống thiếu thốn về đủ mọi mặt.

Đổi máy bay tại Seattle, hai cụ đến Chicago vào lúc xế chiều. Từ khi lên máy bay và khi đặt chân lên đất Mỹ, hai cụ như lạc vào một thế giới khác biệt. Nhà cửa to lớn đồ sộ ngoài sự tưởng tượng. Đường xá rộng lớn, ngang dọc chằng chịt, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Điều khác hẳn với khi còn ở quê nhà, những người công bộc của dân đều coi hai cụ như rơm như rác. Họ hạch sách, đòi hỏi đủ thứ, bắt cụ chờ đợi, chạy tới chạy lui mới cấp cho cụ tấm giấy thực ra chỉ cần vài ba phút là xong. Còn ở đây người ta vui vẻ, ân cần giúp đỡ hai cụ đến nơi đến chốn, dù rằng họ chẳng là bà con thân thuộc lại chẳng cùng mầu da tiếng nói với cụ.

Qua một vài giây phút cảm xúc dạt dào cha con gặp mặt, cụ Minh mới nhận ra chỉ có cô con gái, người con rể và người con trai thứ ba ra đón hai cụ. Khác hẳn với sự dự đoán, không có người con trưởng và bầu đoàn thê tử, con cái cháu chắt đón tiếp tại phi cảng như hai cụ tưởng tượng. Trong khi cô con gái săn đón hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và người con rể lo xếp hành lý lên xe đẩy, người con thứ ba nhìn cụ với vẻ mặt thản nhiên không lộ một chút nào mừng rỡ. Cụ bà mắt gần như đã lòa vì thương nhớ đàn con, đám cháu. Cụ lên tiếng hỏi về thằng Tuấn, đứa cháu nội yêu qúy của cụ và người con trai lớn. Cô con gái vội thưa rằng các cháu đang đi học, anh chị con đi làm và gia đình anh chị hai con ở Houston xa quá không về được. Bước lên chiếc xe sang trọng, rộng rãi máy móc êm ru, cụ ông hỏi han người con rể lái xe vài câu rồi ngoảnh cổ lại phía sau hỏi nguời con trai thứ ba. Người con rể nói năng từ tốn, lễ phép nhưng rất chừng mực, người con thứ chỉ trả lời nhát gừng, trong khi đó cụ bà và cô con gái chuyện trò tíu tít. Xe ngừng trước cửa một căn nhà đẹp đẽ, trước cửa có nhiều khóm hoa và vuờn cỏ xanh tươi cắt xén gọn ghẽ. Cô con gái mở cửa, bật đèn và và nói với hai cụ :

Thưa đây là nhà của chúng con, bố mẹ sẽ ở đây với chúng con.

Tuy không đúng với sự dự tính của hai cụ là sẽ ở chung với người con trưởng và đứa cháu đích tôn theo như truyền thống từ xưa của người Việt, nhưng hai cụ thấy căn nhà đẹp quá sức tưởng tượng . Trong nhà bàn ghế, đồ đạc còn sang trọng, lịch sự hơn căn biệt thự của ông chủ người Pháp trước đây của cụ, Giám đốc một công ty thương mại tại Saigon.

Tiếng chuông điện thoại reo vang, đầu giây đằng kia tiếng người con trưởng từ sở gọi về hỏi thăm cha mẹ và nói rằng đến tối sẽ dẫn vợ con đến chào. Người con thứ ba cũng từ giã cha mẹ để ra trường học đón con và nói sẽ trở lại sau bữa cơm tối.

Thấy cha mẹ đã mệt mỏi sau cuộc hành trình quá dài, cô con gái mời hai cụ đi nghỉ và xuống bếp chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trong phòng ngủ vắng lặng như tờ, hai cụ ngả mình trên chiếc nệm êm ái nhìn quanh gian phòng bầy biện rất trang nhã. Giường tủ bàn ghế tất cả đều bằng gỗ đánh bóng, moị thứ đều xếp đặt rất ngăn nắp. Không kìềm chế được sự tò mò, cụ ông trỗi giậy quan sát một vòng. Bên cạnh giường ngủ là hai tấm gương lớn từ mặt đất lên tới tận trần nhà, bên trong là tủ để treo quần áo. Trên chiếc bàn phấn có những ngăn kéo, một chiếc Ti vi khá lớn đã chiếm gần nửa mặt bàn. Cạnh đó một cánh cửa hé mở, cụ nhìn vào thấy chiếc bồn cầu và chiếc vòi hoa sen trong khuôn cửa kính. Cụ thắc mắc và khẽ lay cụ bà thì thầm :

Này bà, nó cho mình nằm ở gần cầu tiêu.

Cụ định bụng sau này sẽ hỏi con gái cho ra lẽ. Còn cụ bà thực sự quá mệt nhọc và bây giờ yên trí với đời sống không còn khổ cực vì miếng cơm manh áo và nhất là không còn sợ cảnh công an gọi cửa vào lúc nửa đêm cho nên cụ không quan tâm gì hết.

Còn đang thiêm thiếp giấc nồng cô con gái đã vào đánh thức hai cụ giậy ăn cơm tối, Nhìn đồng hồ đã quá 7 giờ, hai cụ vội vàng rửa mặt rồi bước ra nhà ngoài. Chùm đèn pha lê tỏa ánh sáng rực rỡ trên chiếc bàn ăn rộng rãi, đầy rẫy những món ăn thịnh soạn mùi thơm ngào ngạt. Cô con gái gắp đầy thức ăn cho mẹ rồi lại cho cha. Cụ Minh bỏ miếng thịt vào miệng, chưa kịp nhai nuốt để thưởng thức hương vị, nước mắt bỗng trào ra làm cụ nghẹn ngào. Cụ nhớ đến bữa cơm đơn sơ, đạm bạc bên nhà chỉ có rau muống và con cá khô kho mặn. Không phải con cụ quá bất hiếu nên cụ không có tiền để mua cá thịt. Nhưng vì bản tính cần kiệm lại thương con bên này làm ăn cực khổ cho nên cụ dè sẻn từng đồng, viết thơ nhắc con đừng gửi tiền về. Nay nhìn mâm cơm còn ê hề hơn bữa tiệc cưới cụ lại tủi thân. Cô con gái tinh ý thấy người cha có chuyện gì xúc động nên vội vã lấy cớ thăm hỏi người bạn láng giềng khi xưa. Mấy đứa cháu ngoại xinh sắn dễ thương nhưng chỉ giương mắt nhìn ông bà mà không tỏ một chút cảm tình gì hết.Hai cụ hỏi gì, mấy đứa cháu chỉ ậm ừ không đáp . Người con rể vội nói:

Vì chúng con đi làm cả ngày, các cháu học ở trường rồi về nhà giữ trẻ, chiều tối chúng con mới đón về, nên các cháu không nói được tiếng Việt.

Cụ Minh nghe thấy sót sa trong lòng :

Rồi đây có chúng tôi ở nhà, chúng tôi sẽ dậy các cháu nói tiếng Việt.

Người con rể gạt ngay ý kiến đó và nói rằng tiếng Việt ở đây không mấy khi dùng đến và chỉ làm lũ trẻ bị phân hóa về ngôn ngữ mà thôi.

Người con gái sợ mất lòng cha mẹ nên nói :

Chuyện này để từ từ sẽ tính sau.

Tối hôm đó người con trưởng và người con thứ ba cũng không đưa vợ con đến chào hai cụ viện cớ lũ trẻ phải học bài và hẹn sẽ đến vào cuối tuần. Hai cụ hơi thất vọng, nhưng có biết đâu rằng hai cô con dâu trưởng và út ,từ trước đến giờ tuy vẫn không ưa nhau, nay lại cùng chung quan điểm : Không muốn ở chung với bố mẹ chồng, bởi vì nàng dâu trưởng vẫn còn mang nặng mặc cảm nghèo túng khi xưa. Còn cô dâu út nại cớ nhà không có trẻ con, sợ khi hai vợ chồng đi làm, các cụ sẽ buồn vì ở nhà một mình, nhưng thực ra cô không biết nấu ăn và quen sai chồng hầu hạ nay sợ bà mẹ chồng phật ý. Các cụ cũng không ưa cô con dâu út, vì nghe đâu cô này thuộc một gia đình không lấy gì làm êm đẹp cho lắm. Người cha say sưa nhậu nhẹt tối ngày, còn bà vợ cũng bài bạc xuốt tháng. Người con dâu cả đã được hai cụ cưới về, trước khi Mạnh, người con trưởng lên đường du học. Cụ Minh tuy chỉ là một tư chức nhỏ, nhưng đã gom góp tiền bạc và vay mượn thêm để cho cậu con trai lớn du học và kỳ vọng sau này gia đình cụ sẽ sung túc hơn. Cô con dâu nhà nghèo túng cho nên cô vẫn lén cha mẹ chồng, chu cấp cho cha mẹ ruột với số tiền ít ỏi của một sinh viên du học gửi về. Mấy tháng sau đứa cháu nội ra đời trong sự chăm nuôi săn sóc của ông bà nội vì mẹ nó vẫn còn cắp sách tới trường. Hơn một năm sau người con dâu và đứa cháu nội cũng theo sang Mỹ ở luôn. Rồi từ đó xuân thu nhị kỳ, Mạnh mới gửi thư và tiền cho hai cụ.

Sau ngày tháng 4 kinh hoàng, đen tối và sau những lần đánh tư sản, mại bản, cụ Minh còn bao nhiêu tiền bạc chôn dấu đem ra, khi thì giúp người con gái và con rể, khi thì cho hai đứa con trai vượt biên. Tuy nhiều lần thất bại liên tiếp, cụ chẳng nản lòng, may thay lúc cụ gần tuyệt vọng được người bạn cũ giúp đỡ. Vài tháng sau hai cụ lần lượt nhận được tin vui, các con của cụ đều bình yên và lập nghiệp tại Chicago. Hai cụ từ nay yên tâm không còn lo sợ về chuyện con trai phải thi hành nghĩa vụ quân sự ở Cam bốt nữa, mà lại đang theo học ở một trường đại học danh tiếng. Vợ chồng người con gái vài năm sau cũng tốt nghiệp và có việc làm tốt đẹp tại đây. Các cụ nghĩ từ nay sẽ an hưởng tuổi già ,nhưng với số tiền các con cụ thỉnh thoảng gửi về đã làm cho các cụ mất, ăn mất ngủ. Biết hai cụ có đàn con ở ngoại quốc, người công an phường ,nguyên là một bô đội về hưu, nay mời cụ ông lên trụ sở để làm việc, mai lại mời cụ bà đến hỏi vài câu, mà tai ác thay, hắn ta lại mời hai cụ riêng rẽ, phần đông vào lúc nửa đêm về sáng. Hết hăm dọa, đe nẹt đủ điều và bắt cụ làm tờ khai con trai, con gái, con dâu con rể hiện giờ ở đâu, làm gì, làm cho hãng nào v.v.. mục đích chẳng ngoài việc khủng bố tinh thần làm cho hai cụ phải đưa tiền ra. Mỗi lần nhận thư hay nhận tiền các cụ đều phải khai báo và bị hạch sách đủ điều, rốt cuộc hai cụ đành phải yêu cầu các con mau mau bảo lãnh cho cụ ra đi...

Ngày gia đình đoàn tụ đông đủ cha con, ông cháu các cụ chờ trông, mong đợi từ lâu đã đến. Vợ chồng người con trai thứ hai và đứa con gái đầu lòng cũng từ Houston bay lên. Vợ chồng người con trai út, vợ chồng Mạnh và thằng Tuấn cùng đứa em gái xinh xắn đã đến từ sáng. Mọi nguời tụ họp ở vườn sau. Vào giữa mùa xuân, không khí ấm áp, hoa nở tưng bừng như chào đón hai cụ, lá non xanh tươi mơn mởn khác hẳn cảnh vật khô khan cằn cỗi ở quê nhà. Bạn bè của con trai, con gái con dâu, con rể được tin hai cụ vừa rời khỏi hỏa ngục đỏ vội vàng đến mừng hai cụ và tíu tít hỏi thăm tin tức bên nhà. Có lẽ ở đây xứ lạnh cho nên tình người ấm áp hơn chăng " Bốn chiếc bàn dài kê dọc trên thảm cỏ xanh rờn. Trên bàn thức ăn đồ uống khác lạ, bày ra la liệt làm hai cụ hoa mắt.Đám trẻ con gặp nhau chuyện trò tíu tít, nhưng không hề có một câu tiếng Việt. Hai cụ chẳng có thì giờ nghĩ ngợi đến nhiều. Khách khứa hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia làm cho hai cụ không kịp trả lời, vì ai ai cũng muốn biết những gì đã xẩy ra sau bức màn nhung đỏ. Tiệc vừa tàn, hai cụ chẳng còn hơi sức sau bữa ăn lạ miệng và nói chuyện liên miên.

Những ngày sau đó cô Nguyệt xin nghỉ, đưa cha mẹ đi làm giấy tờ di trú, an sinh xã hội và khám bệnh tổng quát. Kết quả cụ Mình bị áp huyết cùng lượng mỡ trong máu khá cao, cụ bà bị chứng tiểu đường trầm trọng lại thêm có vết nám trong phổi. Chuỗi ngày sau, hai vợ chồng cô Nguyệt thay phiên nhau nghỉ để đưa hai cụ đi chữa chạy. Trong khi hai người con trai và cô dâu trưởng viện cớ không xin nghỉ được. Cô con dâu út cũng tạ sự vì không rành tiếng Việt. Vợ chồng người con thứ hai lại ở xa cho nên không chia sẻ được chuyện gì. Vợ Mạnh lại không muốn chồng thường xuyên thăm hỏi cha mẹ, e rằng các cụ lại đòi về ở chung, còn vợ chồng cậu út gần như biệt tăm, biệt tích. Người con rể bất bình cho vợ, tự nhiên thấy mình phải cáng đáng mọi chuyện, do đó không khí trong gia đình không còn êm đẹp như xưa.Vợ chồng cô Nguyệt có sự bất hoà ,mới đầu còn nho nhỏ sau đó càng ngày càng trầm trọng. Thấy con trai không hiếu thảo, con dâu lơ là hai cụ thất vọng, đôi lúc giận hờn và mọi chuyện đổ lên đầu vợ chồng người con gái.. Tiền bạc không phải là vấn đề chính, nhưng thì giờ dành cho việc sở, việc nhà, việc đưa đón con cái v.v.. Họ không còn giây nào phút rảnh rỗi nữa, mà khi mọi chuyện không còn tình thương hay bổn phận là động lực thì mọi sự chỉ là miễn cưõng. Những háo hức ban đầu đã như cơn gió thoảng qua, tình cha con không còn nồng thắm mà chỉ là những sự lụy phiền.

Về phần cụ Minh, các cụ chẳng thấy cuộc sống mới chẳng có chút nào hứng thú, thoải mái cả. Hai cụ gần như bị cấm cố trong căn nhà vặng lắng. Hai cụ thèm nghe tiếng nói của người đồng hương, các cụ nhớ tiếng ồn ào của quê hương xa vắng. Xem truyền hình như vịt nghe sấm, chán ngồi trong nhà, hai cụ bước ra sân cỏ sau nhà. Cây cối, hoa lá cái gì cũng lạ hoắc. Muốn đào một khoảnh vườn nhỏ trồng vài thứ rau cỏ bên nhà, người con rể không muốn giảm đi vẻ đẹp của khu vườn. Muốn đi chơi, hai cụ sợ lạc lối, đi xe buýt lại không an toàn. Chờ mãi đến chiều tối con cháu mới về. nhưng vừa về đến nhà, cô Nguyệt đã vào trong bếp lo bữa cơm chiều, lũ trẻ nếu không chúi đầu vào bài vở, lại chi chóe dành nhau xem truyền hình. Bữa ăn, dù rằng thịt cá ê hề nhưng hai cụ không sao nuốt nổi. Rau ở đây lại vừa hiếm vừa đắt như vàng. Mỗi tuần theo con đi chợ một lần, các cụ thấy mất hẳn cái thú la cà hàng chợ như ở bên nhà. Cụ nhớ lại bức thư của người bạn cũ nói là sang đây trở thành mù, què, câm, điếc. Thực vậy có mắt mà chỉ nhìn thấy bốn bức tường và khu vườn phía sau nhà chẳng khác gì người mù. Chân còn bước được nhưng chẳng dám đi đến đâu thì có hơn gì người què. Còn câm, điếc thực là quá đúng vì nói chẳng ai nghe và nghe chẳng hiểu được gì. Hồi mới đến, cụ cứ nghĩ rằng đất lạnh, tình nồng nhưng không phải vậy. Chuyện bên nhà khi chẳng còn gì mới lạ, vả lại ai cũng bận rộn chuyện nhà cho nên không còn ân cần vồn vã thăm hỏi như xưa. Bạn bè lại ở quá xa không tiện thăm viếng, tiền điện thoại viễn liên rất tốn kém cho nên các cụ gần như cô lập.

Bốn tháng sau, hai vợ chồng cụ Minh lại lên đường trở về Việt nam. Cụ nại cớ là về chơi nhưng là về ở hẳn. Thực tình cụ không đành từ giã chốn thiên đường hạ giới, chốn thiên đường cụ và nhiều người vẫn hằng ao ước từ lâu. Nhưng chốn thiên đường đầy vật chất này không phải là tuyệt hảo như cụ mơ tưởng, chốn thiên đường này không thích hợp với những người già như hai cụ. Các cụ không muốn vì mình mà gia đình con cái không còn êm đẹp. Hai cái mạng già có lẽ cũng sắp về với lòng đất hẹp nay mai, thôi đã hy sinh cho con, đành thương cho chót. Cụ đành trở về chốn cũ, nơi chốn mà hai cụ đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và buồn cho số phận hẩm hiu.

Từ khi hai cụ trở về quê cũ, người con trưởng và người con út cảm thấy nhẹ nhõm tưởng chừng như cất được gánh nặng. Riêng cô Nguyệt trở nên buồn bã, câm nín. Cô lặng lẽ ra vào, làm việc như một chiếc bóng. Cô giận chồng không thông cảm với cô, cô giận anh, giận em, sao quá ích kỷ và thờ ơ với bổn phận đối với cha mẹ. Họ không còn nhớ những gì hai cụ đã lo lắng cho đàn con từ khi lọt lòng cho đến khi khôn lớn. Họ không nghĩ rằng những gì họ có được hôm nay là do hy sinh không bờ, không bến của cha mẹ. Họ cũng không còn nhớ rằng các cụ đã từng nhịn đói, nhịn khát chịu cực chịu khổ để cho họ có tương lai sáng sủa và bây giờ khi đến đoạn chót của cuộc đời, các cụ lại phải trở về đời sống tối tăm chỉ vì hạnh phúc riêng tư của các con.

Hơn tháng sau, chồng cô Nguyệt không thấy cô trở dậy đi làm như thường lệ. Vào trong phòng, cô nằm yên bất động.Cô bị đứt mạch máu trong não bộ và từ giã cõi đời trước khi xe cứu cấp đến.

Placentia 12 - 01

Ý kiến bạn đọc
15/05/201903:04:03
Khách
cô Nguyệt có hiếu mà chết sớm , vô phuớc gặp nguời chồng không thuơng và hiểu cho vợ , anh chị em thì chỉ sống ích kỷ , bất hiếu - kết cục buồn quá
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,541
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến