Hôm nay,  

Galveston Island: Lễ Độc Lập

03/08/200200:00:00(Xem: 207105)
Người viết: PHAN TỊNH TÂM

Bài tham dự số: 2-607-vb30730

Tác giả Phan Tịnh Tâm, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, hiện cư trú và làm việc tại Los Angeles. Bà Tâm đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ,
kể về bà bạn thân tên là Kim Phụng. Đôi bạn từng cùng nhau hồi tưởng về quê cũ, phấn đấu với quê mới, chia sẻ với nhau mọi lo toan, tâm sự. Mới đây là chuyện hai bà bạn rủ nhau đi làm Nail. Và lần này là thư viết cho nhau.

*

Tâm nhớ,

Mấy bữa nay Galveston Island thời tiết xấu, hai đứa mình không liên lạc điện thoại được, Phụng biết Tâm rất mong tin.

Qua lễ July 4 sáng sớm sương mù giăng đầy trời, Phụng với anh Sơn cứ gần ngày lễ lại bận túi bụi vì phải vô hàng để có đủ bán. Đêm July 4 Galveston Island sẽ có pháo hoa cũng như những thành phố khác của nước Mỹ, suốt ngày lễ bận rộn với khách nhưng 8 giờ tối vợ chồng Phụng đóng cửa về vì khách đã dồn về đường số 9 trước biển để xem pháo hoa.

Về đến nhà Phụng ra balcon trên lầu 2 để xem pháo hoa đủ màu nở tung trên bầu trời nhưng sao Phụng vẫn thích hoa pháo màu tím đẹp như đóa hoa lan khổng lồ, balcon bên cạnh mấy ông Mễ đang nhậu, cười nói om sòm. Và Tâm biết không" Phụng đang ngắm pháo hoa bỗng nghe một tiếng "ầm" hết hồn nhìn xuống đất, ông Mễ đã rớt xuống đất nằm bất động tay chân giăng ra như một con ếch. Mấy năm trước cũng căn phòng đó có cô Mỹ trắng uống rượu say ra balcon đứng và cũng rớt xuống đất chết.

Nghe Phụng hét lớn, anh Sơn vội chạy ra, cả hai đứa vội vàng vô nhà đóng cửa kéo màn… hết hoa pháo.

Tâm ơi! Hoa Quỳnh nở và tàn trong đêm nhưng đời người đôi lúc kết thúc còn nhanh hơn cả đóa hoa Quỳnh.

Sau lễ July 4 anh em nhà anh Sơn lái xe đi Florida thăm bà chị dâu, mấy năm trước Phụng ở nhà vì ngán đoạn đường dài 18 tiếng nhưng năm nay vừa thấy ông Mễ nằm như con ếch Phụng sợ quá đành phải đi theo. Bà chị dâu của anh Sơn ở Tampa chồng chết trận năm 1968. Mấy năm sau chị Vũ bước thêm bước nữa với ông Mỹ trắng là xếp của chị Vũ lúc chị làm ở sở Mỹ ở Đà Nẵng với lời hứa của ông xếp Mỹ là sẽ nuôi hai đứa con của chị Vũ ăn học thành tài . Nay hai cháu của anh Sơn đã ra trường. Đến nhà chị Vũ lúc xế chiều chị đang đẩy xe đưa chồng đi dạo trong khu cư xá danh cho công chức hồi hưu. Anh đã ngoài 70 và chị đã ngoài 60. Nhìn chị đẩy xe đưa chồng đi dạo, hai bên đường những cây phong đã có vài chiếc lá vàng, hình ảnh thật cảm động và thật dễ thương.

*

Những buổi sáng ra mở cửa tiệm gặp khách vô hỏi mua hàng nhưng không mua, khách vừa bước ra khỏi cửa là anh Sơn xé giấy để đốt vía, lúc đầu mới qua thấy anh Sơn mê tín dị đoan thái quá Phụng cứ cằn nhằn mãi nhưng mà Tâm ơi, không tin cũng phải tin vì cứ đốt vía xong lại có khách vào hỏi mua hàng hoặc mướn xe, vừa đốt giấy quơ trong tiệm anh chàng vừa niệm thần chú "đốt vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì đi, mồm miệng ra cống" cứ thế quơ xong vất giấy lửa ra sân, có lần vừa đốt cháy mới nửa tờ giấy thì khách bước vào, thấy lạ khách đứng trố mắt nhìn. Phụng không nín được cười còn khách thì hỏi anh Sơn: "Chuyện gì xảy ra""

Chưa hết, đốt vía xong lại còn hứng một ca nước đầy tạt vô mấy chiếc xe đang xếp hàng trước sân chờ khách mướn, ông địa bên tiệm rượu thì chỉ có Phụng sang mở cửa thắp nhang hôm đó mới đông khách, mấy lần anh Sơn sang mở cửa thắp nhang, ngày hè nhưng xế chiều mới có khách vào mua rượu, anh Sơn cười nói ông địa của tiệm rượu kỵ đàn ông.

Galveston Island đã vào Thu, buổi sáng sương mù giăng đầy trời, xe đi trong sương mù như đi vào cõi hư vô, trưa sương mù tan gió thổi cát trắng bay là là trước tiệm đẹp như mây bay.

Hôm qua tiệm bị hao tài vì Phụng mê xem phim bộ, anh Sơn bận khách bên tiệm rượu, Phụng đang xem tài tử Trịnh Thiếu Thu trong vai Càn Long đến đoạn hấp dẫn thì khách vào mua thuốc:

- Bán một gói Marboro lights. Mắt Phụng để ở TV còn tay thì lấy thuốc: $4.75. Khách đưa tờ 5 đồng Phụng thối lại 25 cents, khách ra cửa và cùng với Police Tobaco ập vào tiệm lập biên bản vì tộäi bán thuốc không xét ID. Đóng phạt hết 120 đồng, nhớ đời.

Mấy ngày trước cô em anh Sơn cũng bị hao tài khi nhờ vợ chồng Phụng coi tiệm Goody 24 để đi mua hàng, có anh chàng bụi đời vẫn đi ngang tiệm, vô tiệm giả mua hàng rồi chôm đồ bị Phụng bắt gặp nhiều lần, hôm đó đã 4 giờ chiều chờ lúc anh Sơn ra sân lấy xe cho khách mướn chỉ có mình Phụng đứng tiệm, hắn bước vô tiệm với đôi mắt đỏ ngầu, hai tay múa loạn xạ Phụng đứng xa máy tính tiền vì sợ hắn nắm tóc khống chế, bước vô tiệm thấy Phụng đang đứng tránh anh Sơn la:

- Bà bán gì kỳ vậy, sao không đứng ở quầy.

Miệng la tay bấm nút mở hộc tiền. Thấy hộc tiền mở, nhanh như một con vượn hắn nhào đến quơ liền mấy tờ 20 đồng phóng ào ra cửa. Kính cửa bể nát, thấy Phụng và anh Sơn quét vụn kính khách đi đường hỏi thăm nhưng anh Sơn chỉ trả lời là gió mạnh nên kính vỡ, nói tiệm bị cướp thì khách nào dám vô mua hàng.

Cũng ngày hôm đó trước lúc bị cướp có bà Mỹ đen là dân địa phương vào mùa hàng, cho la tiệm bán giá mắc bà ta giận quá cứ đứng giữa tiệm vỗ đùi bèm bẹp vừa vỗ vừa chửi giống mấy bà bán cá bên mình chửi, Phụng cứ cười mãi. Đang chửi thấy Phụng cười bà ta mắc cỡ nên im, anh Sơn giải thích cho bà ta biết chi phí cho tiệm trước mặt biển giá cao hơn những tiệm trong down town và khuyên bà ta nên vào chợ mua cho giá rẻ hơn nhiều. Những ngày sau đi qua tiệm không vào mua hàng nhưng thấy Phụng bà ta vẫy tay chào thân thiện.

Bên cạnh những phức tạp trong chuyện mua bán cũng có những người khách tốt đi qua tiệm thấy có người lảng vảng quanh tiệm với vẻ khả nghi khách gọi điện thoại báo cảnh sát dùm, cảnh sát lái môtô đến rảo quanh tiệm vào hỏi thăm và báo tin khách đi đường hảo tâm gọi điện thoại báo.

*

Galveston Island còn có một nghề nhàn hạ đó là nghề xâm cát tìm vàng. Sáng sớm trên đường đến tiệm Phụng thấy mấy người đi dọc dài trên biển vừa đi vừa cầm cây dài xom cát giống như bên mình đi cào hến, đoạn cuối cây xom có gắn nam châm và nam châm sẽ hít những sợi dây chuyền, bông tai, vv… của du khách tắm biển đánh rơi, không biết có được món gì không nhưng Phụng thấy cũng như tập thể dục buổi sáng vậy.

Tâm đi bách bộ buổi sáng hai cây nguyệt quế ở đường Broadway có còn ngát hương không" Những buổi sáng đứng trước tiệm nhìn sương mù giăng đầy đặc Phụng nhớ Đà Nẵng của mình vào mùa đông cũng có sương mù giăng đầy trời như bên này, tết năm nào Phụng cũng về thăm nhưng lúc chia tay về Mỹ, bạn bè đứa nào cũng buồn hiu. Bê nói là mỗi lần Phụng về thăm rồi chia tay Bê cứ thẩn thờ cả tuần sau mới sinh hoạt lại bình thường, ngày sắp chia tay Ái Liên cho học trò nghỉ học thêm, Liên chở Phụng đi quanh thành phố, sáng sớm ghé hàng bún bò bà Đào ở đường Phan Chu Trinh, xế trưa ghé hàng bánh cuốn Tiến Hưng, chiều ghé hàng bánh tráng cuốn thịt heo của bà Mậu ở Khuê Trung, khuya ghé hàng cháo trắng ăn với cá bống kho tiêu và nữa tháng ở Đà Nẵng với bạn bè chẳng ngày nào Phụng có hột cơm bỏ bụng, Saigon có nhiều chỗ đi chơi nhưng chỉ có Đà Nẵng của mình là nơi chốn Phụng lưu luyến nhiều.

Bên này Phụng chỉ mong bán hàng kiếm chút đỉnh tiền để mùa thu về Cali thăm Tâm và cuối đông về Việt Nam thăm bạn bè, Phụng chúc Tâm và anh Quốc mãi mãi hạnh phúc bên nhau.

Thân ái,

Kim Phụng.

. . .

Phụng nhớ,

Tâm đã nhận được thư Phụng, mấy bữa nay TV loan tin ở Texas bị bão lụt, điện thoại thì tiếng được tiếng mất giờ nhận được thư Phụng Tâm hết lo rồi.

Hai bên đường Martin Luther King những cây phượng tím hoa nở đầy vẫn buồn vẫn đẹp như ngày hai đứa còn đi làm Nail chung tiệm. Hồ sen ở Echo Park gần nhà Tâm sen đã nở, những ngày nghỉ Tâm vẫn thường thả bộ ra hồ sen, hương sen thơm ngát đưa Tâm về với thời thơ ấùu hai đứa mình trải chiếu cạnh ao sen nhà Tâm nghe mẹ kể chuyện, nhớ quê hương và nhớ Phụng nhiều lắm.

Hôm qua đi shopping Tâm gặp chị Thoa ở xóm cũ của mình ngoài Đà Nẵng. Gặp chị Thoa Tâm nhớ ngày xưa lúc chị Thoa đi du lịch Saigon về, Tâm sang nghe chị Thoa kể chuyện Saigon giống như được lên thiên đường. Lúc đó nằm mơ Tâm cũng không nghĩ đến chuyện được đi Saigon. Mấy năm sau Tâm yêu anh Quốc cũng vì gia đình anh Quốc ở Saigon và nói Phụng đừng cười vì muốn đi chơi Saigon một chuyến mà Tâm bằng lòng làm vợ anh Quốc.

Nhà trai nộp lễ xong là rước dâu vào Saigon để bố mẹ anh Quốc làm tiệc mừng con dâu mới, Tâm nhớ lúc đó máy bay bay ban đêm, nhìn ra cửa kính của máy bay thấy như trăng sao đang ở gần mình. Về đến nhà anh Quốc cái gì đối với Tâm cũng cao sang đẹp đẽ. Căn phòng tân hôn giường nệm thật êm, nước hoa thơm ngát cả phòng, cơm trưa và cơm chiều cứ như ăn giỗ, người Trung mình cá hoặc thịt kho thật mặn, chả giò là bánh tráng dày nhúng nước để mềm cuốn nhân với ít thịt độn nhiều củ sắn và món đó chỉ được ăn vào ngày giỗ tết. Lần đầu tiên Tâm ăn chả giò của bà bếp nhà anh Quốc làm, bánh tráng mỏng như lụa được cuốn với thịt và cua, cảm giác lần đầu của Tâm được ăn chả giò Saigon và sau này được ăn nhiều lần nhưng không có lần nào ngon như lần đầu tiên được ăn.

Ngày ra mắt họ hàng bên chồng ai cũng mặc áo mới mượt mà sang trọng, lúc đó Tâm chỉ là con bé nhà quê tỉnh lẻ nhưng mẹ anh Quốc với tấm lòng bao la của người mẹ dành cho cô con dâu mà mẹ xem như con gái và cũng vì gia cảnh Tâm thanh bạch nên những tấm áo đẹp, những món quà ngon mẹ đều dành cho Tâm. Những ngày đó Tâm thật hạnh phúc với hào quang nhà chồng nhưng rồi những bữa ăn sang trọng bên nhà chồng cũng không làm Tâm quên được những con cá nục chuối mẹ Tâm kho với ớt xanh, món canh mít non có thật nhiều lá lốt, món thịt kho mặn với sả ớt ăn vào những ngày mưa dầm.

Ở nhà anh Quốc cuối tuần, anh đưa Tâm và cả bầy em trai ra đường Phan Đình Phùng ăn thạch chè Hiển Khánh. Chén thạch Hiển Khánh với nước đường trong vắt mát lạnh thơm mùi hoa bưởi, còn ở Đà Nẵng những trưa hè mấy cô gái quê ở Đò Xu gánh thạch vào thành phố bán (Đà Nẵng gọi thạch là Xu Xoa). Miếng xu xoa được ăn với nước đường màu vàng nhưng Tâm vẫn thấy có cái ngon mộc mạc của quê mình và có lẽ cả Đà Nẵng người nào cũng nếm qua món xu xoa của mấy cô gái quê bán nên mới có câu hát ghẹo của mấy chàng trai xứ Quảng:

Xu xoa ít vốn nhiều lời

Tôi về bỏ vợ lấy người xu xoa

*

Ngày Phụng sang Galveston Island, tiệm nail mình làm có bà Hạnh vào thế chỗ Phụng. Bà này chuyên môn dành khách của bạn làm chung, Tâm bị bà Hạnh hớt tay trên nhiều lần. Chị Cẩm nói con mụ này phải tay Phụng trị bả mới được.

Có lần Tâm đi làm thấy xe bà Hạnh đậu sau tiệm. Con đường đó chỉ cho xe đậu 2 tiếng, Tâm vừa quẹo vô tính đậu sau xe bà Hạnh thì thấy xe trắng của Police parking chạy ngang quẹt phấn xe sau của xe bà Hạnh, Tâm quẹo qua chỗ đậu khác, chiều về thấy kính xe của bà Hạnh có tấm ticket gài vô cây quạt nước đang bay phất phới. Sáng hôm sau bà Hạnh hỏi hôm qua Tâm đậu xe ở đâu, Tâm nói đậu bên kia đường rồi Tâm cười hỏi:

- Có gì mà chị Hạnh hỏi vậy, bộ hôm qua bị ăn ticket hả"

- Không, Hạnh hỏi vậy thôi, không có gì.

Sau đó Tâm kể chị Cẩm nghe chuyện Tâm biết bà Hạnh sẽ bị ăn ticket nhưng tại dành khách của Tâm hoài nên làm thinh cho bõ ghét.

Lại một lần ngày lễ của mục sư Martin Luther King, đường trước tiệm có Parade, Tâm đến tiệm cứ lái xe lòng vòng cả nửa tiếng mới kiếm được chỗ đậu xe, chị Cẩm hỏi thăm Tâm nói là kiếm chỗ đậu xe khó quá, cháu Minh lên tiếng:

- Thiếu gì chỗ, con đến là có chỗ đậu liền.

Sáng hôm sau cô ả đến làm với vẻ mặt buồn hiu hỏi chị Cẩm:

- Cô Cẩm nè! Thí dụ con đến đây làm Nail mà lỡ đậu xe gần cột nước bị ăn ticket thì chủ tiệm có đóng phạt cho con không"

- Trời! Hôm qua mày đậu xe gần cột nước hả, hèn gì cô Tâm lái vòng vòng kiếm chỗ còn mày nói thiếu gì chỗ. Chịu khó đóng phạt đi con, chủ nào bù cho mày.

*

Một buổi tối có giọng Huế từ điện thoại nhẹ như giọng Huế của Phụng hỏi Tâm:

- Chị ơi, hãng điện thoại đang cho gọi free về Việt Nam 1 năm 180 giờ chị ghi danh đi.

- Thôi khỏi, gửi thư được rồi.

- Free mà chị

- Cám ơn, tôi có bạn ở Việt Nam nhưng không thân lắm, Mỹ với Việt Nam khác giờ nhau, cho Free cũng không dám gọi, gọi lạng quạng nghe chửi. Không lý là Tâm nói thẳng ở cõi đời này làm gì có chuyện ai cho không ai nhưng… trừ Phụng.

Năm nay giữa tháng bảy có buổi họp mặt liên trường Quảng Đà, không có Phụng nên Tâm không đi dự, đọc báo thấy có thầy Tạ Quốc Bảo là người đại diện liên lạc, Tâm điện thoại thăm thầy Bảo, thầy hỏi thăm Phụng và các bạn, Tâm nói là con của Tâm 30 tuổi, thầy hỏi vui:

- Tâm lấy chồng từ thuở 13 hả"

Chưa sang thăm thầy được nhưng nghe giọng nói thầy qua điện thoại vẫn trẻ và vẫn vui như ngày xưa thầy còn dạy tụi mình ở bán công Đà Nẵng.

Bên này các đài TV đều đưa tin buổi họp mặt liên trường Quảng Đà, Tâm mở lớn mắt nhìn TV và Tâm thấy thầy Bảo, cô Nguyệt đang hát bài "Phan Chu Trinh hành khúc". Cô Nguyệt vẫn đẹp như ngày xưa cô đóng vai Trưng Trắc, lúc đó hai đứa mình đen nhẽm và ốm nhách chen lấn người lớn để xem Trưng Trắc. Tâm chờ mùa thu Phụng về Cali hai đứa mình sang Pomona thăm thầy Bảo và thăm cô Trưng Trắc ngày xưa.

Năm nay họp mặt liên trường Quảng Đà trường Sao Mai chủ xị, cô Nguyệt nói bài "Sao Mai hành khúc" của thầy Tuấn rất hay.

Nhắc đến trường Sao Mai ,Tâm nhớ lần hai đứa mình lên phòng đại diện hiệu trưởng của trường Sao Mai thăm cha Vũ Như Huỳnh, cha khoe là tối cha đi dự tiệc của tướng Hoàng Xuân Lãm chiêu đãi, cha hỏi hai đứa là cha nên mặc áo trắng hay áo đen, Phụng đùa "Cha mặt soireé trắng đi cha, đừng mặc soireé đen buồn lắm". Thời gian qua nhanh, cha đã về hầu Chúa hơn 10 năm, Tâm chỉ mong tình bạn hai đứa mình đẹp mãi và mong Phụng vui vẻ hạnh phúc để Tâm được gặp Phụng nhiều thật nhiều.

Thương Phụng nhiều.

Los Angeles
July 22-02

Phan Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây là bài mới của bà trong mùa Lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Nhạc sĩ Cung Tiến