Hôm nay,  

Mẹ Vẫn Đợi Con Cả Một Đời!

24/07/200200:00:00(Xem: 189403)
Người viết: TRIỀU PHONG

Bài tham dự số: 2-597-vb41017

Tác giả Triều Phong không gửi kèm chi tiết tiểu sử. Theo bài viết, ông hiện hành nghề Nails tại Charleston, thuộc tiểu bang South Carolina. Bài viết sau đây của ông được viết với lời ghi “Riêng tặng những người Mẹ đã một đời hy sinh vì con.”

Mong Triều Phong sẽ tiếp tục viết.

Lặn lội thân cò khi quảng vắng,

Eo sèo mặt nước lúc dò sông.

( Trần Tú Xương)

Sau biến cố thảm khốc 11 tháng 9 năm 2001 ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center), hầu như mọi ngành nghề ở Mỹ đều bị ảnh hưởng, sa sút trầm trọng, công việc làm Nail của tôi cũng thế, không tránh khỏi ế ẩm!

Như thường lệ, tiệm của chúng tôi mở cửa từ 10 giờ sáng mỗi ngày nhưng hôm nay sau hơn bốn tiếng đồng hồ mà tôi chỉ làm được có người khách duy nhất. Nhìn ra bên ngoài, Mall vắng ngắt! Quanh tôi các đồng nghiệp đang ngáp vắn ngáp dài, một số bắt đầu ngủ gà, ngủ gật, số còn lại thì bỏ đi dạo ở các tiệm áo quần gần đó.

Đang lúc tôi ngồi suy nghĩ mông lung thì chợt có một ông lão dẫn bà lão bước vào. Ông lão đưa bà đến trước mặt tôi và yêu cầu làm manicure cho bà. Thoáng liếc qua tôi đoán chừng tuổi đời của họ chắc đã phải bảy mươi hoặc tám mươi chứ không ít. Ông lão thì trông còn khỏe mạnh, tướng vẫn phương chi còn bà thì có vẻ yếu hơn, đi khập khiểng bước một. Bà có mái tóc bạch kim thật đẹp, khuôn mặt bà dễ thương và hiền hậu nhưng hơi xanh xao. Bà đứng cạnh ông môi nở một nụ cười ngây ngô, ngộ nghĩnh.

Tôi chào họ rồi mời cả hai ngồi xuống. Bà lão ngồi trước mặt tôi còn ông thì ngồi ở chiếc ghế kế bên. Lặng lẽ, tôi lấy đồ nghề và bắt đầu công việc làm của mình. Thời gian chậm chạp trôi đi, khoảng hai mươi phút sau thì gần như hoàn tất, bấy giờ tôi mới ngẩng mặt nhìn bà lão hỏi bà muốn sơn màu gì trên móng tay thì bà buông gọn:

- Clear, please.

Để phá tan sự im lặng nặng nề và lấy lòng khách theo thói quen nghề nghiệp, tôi buột miệng:

- It looks natural, right"

-Yeah, natural is always simple.

Cao hứng tôi tiếp lời bà:

- and honest.

Bà lão bỗng reo vui:

- I think that we have the same idea. Good…good.

Ông lão ngồi bên nhìn bà rồi lại ngó sang tôi như lạ lắm, đoạn ông tươi cười bảo tôi tính tiền. Lúc trao tiền ông ngập ngừng:

- You are….

- I am Vietnamese refugee, Sir.

Ông gật gù không nói gì thêm trong khi bà lão lại thảng thốt:

- Oh, my God!

Ông bà rời khỏi tiệm và đã đi xa mà tôi vẫn còn thắc mắc về thái độ hơi có vẻ lạ lùng của họ. Hàng năm vào mùa lễ Valentime thì cả chủ lẫn thợ đều mệt chứ đâu như năm nay chiều tối rồi mà tiệm vẫn vắng tanh như Chùa Bà đanh!

Tình trạng làm ăn yếu kém khiến mọi người hoang mang, lo âu cho tương lai sắp tới mà chẳng còn lòng dạ nào đùa giỡn như trước đây. Kẻ thì lật các tờ báo Rạng Đông cũ rích mang về từ Atlanta mà đầu óc cứ nghĩ ngơi đâu đâu, người lại gọi bạn bè cùng làm Nail ở các tiểu bang khác để hỏi thăm sự tình. Thời điểm này nghề Nail ở mọi nơi đều giống nhau chỉ có "thợ chờ khách chứ không còn cái cảnh khách chờ thợ như lúc trước nữa" Ngồi không mãi cũng chán, tôi lững thững bước ra ngoài đi loanh quanh và bất ngờ gặp lại ông bà lão đang ngồi ở băng ghế xa xa.

Thoáng thấy tôi ông lão giơ tay chào và ngoắc tôi lại gần. Ông mời tôi ngồi và hỏi thăm về thân thế cũng như bằng cách nào tôi đến được nơi đây. Ông sững sờ khi nghe tôi kể hành trình vượt biển tìm tự do đầy gian khổ và hơn mười năm sống nhọc nhằn tại trại tị nạn của tôi.
Rồi ông cũng nói về mình. Ông là người lính của thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông đã tham gia trận đổ bộ bắc Normandie khi rất trẻ và may mắn còn sống sót. Giọng ông trầm xuống khi nhắc lại sự hy sinh to lớn của đồng đội trong cuộc chiến vĩ đại ấy. Tôi nghe đâu có nổi mất mát vọng về. Ông lão im lặng một lúc lâu như cố moi lại quá khứ. Mặt ông buồn buồn, ánh mắt xa xôi, ông tiếp tục câu chuyện.

Một ngày nọ ông theo chân đơn vị di hành qua những vùng đổ nát và dừng lại ở một thành phố tiêu điều hoang vắng vì chiến cuộc. Trong lúc mọi người đang nghỉ ngơi ông bỗng nghe có một tiếng động nho nhỏ phát ra gần đấy. Ông đứng dậy và đi lần ra phía sau ngôi nhà đã bị sụp đổ nhiều chỗ. Tại đây ông phát giác ra một cô gái trẻ cùng một bà già đang ngồi khéo nép, run rẫy trong góc nhà. Ông đưa họ ra ngoài và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, đại đội trưởng và ông quyết định dẫn họ theo rồi đưa về hậu cứ, tìm cách chuyển họ đến các trại tạm cư an toàn hơn.

Ngày chia tay, cô gái bịn rịn tiễn chân ông. Cảm động trước tấm chân tình của cô gái, chàng lính trẻ chợt khom người ngắt lấy cánh hoa dại bên đường và không quên ghi vội địa chỉ của mình ở quê nhà trao cho cô nhân ngày Valentine sẽ đến vào hôm sau.

Dòng đời cứ trôi, rồi chiến tranh kết thúc. Người lính trẻ trở về quê hương bắt đầu tiếp tục phần đời còn lại của mình trong âm thầm lặng lẽ. Một hôm ông tình cờ nhận được một phong thư lạ với một cái tên mà ông không hề biết, từ nơi xa gởi tới. Khi ông tò mò mở lá thư thì một cánh hoa được ép thật kỹ rơi ra. Lướt qua bức thư, hình ảnh cô gái lúc nào cũng có vẻ sợ hãi đến đáng thương trở lại trong ông. Thế là ông bỏ tất cả, bay qua Paris theo địa chỉ ghi trên bì thư để tìm gặp cô gái.

Cô gái trẻ ngày xưa là bà lão ngồi trước mặt tôi bây giờ. Họ đã thành vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và có hai trai hai gái. Người con trai cả của ông bà là thiếu úy của lục quân Hoa Kỳ, anh đã mất tích (Missing in Action) tại Khe Sanh trong chiến tranh Việt nam khi mới ngoài hai mươi. Nỗi mất mát không nguôi ấy, khiến bà lão buồn rầu và dần dà ngày càng trở nên ít nói hơn. Giờ thì bà đã mắc chứng Alzheimer nên quên hẳn mọi người và mọi thứ xung quanh ngoài trừ ông.

Hàng năm đến Valentime's day thì ông đưa bà đi chơi chỗ này chỗ nọ. Năm nay bà yếu hẳn nên ông chỉ đưa bà đến làm móng tay và đi dạo quanh Mall. Nhưng ông thật sự vô cùng bất ngờ khi bà bỗng nhiên vui vẻ nói chuyện với tôi lúc nãy. Ông rất mừng vì lâu lắm rồi ông mới nghe được giọng nói thân yêu thuở nào.

Câu chuyện của ông bàï thật là đẹp và cũng buồn làm sao! Cạnh chúng tôi bà lão vẫn mỉm cười và nhìn vào cõi mênh mông vô thức của riêng bà. Tôi bùi ngùi chợt hiểu vì sao hồi trưa ông đã nhìn tôi một cách lạ lùng như thế.

*

Nỗi ấy biết cùng ai"

Cảnh này buồn cả dạ!

(Đêm mùa hạ- Nguyễn Khuyến).

Ở Charleston của tiểu bang South Carolina này từ trước đến giờ không có Target nên kể từ khi Target mở cửa, tiệm Nail của chúng tôi nằm kế bên cũng khá hơn, nhất là những ngày cuối tuần. Vì vào các ngày đó số lượng khách hàng từ mấy town lân cận đổ về rất đông. Vả lại sau mấy tháng khủng hoảng thì dường như nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu lấy đà hồi sức dù khó khăn thì vẫn còn nhiều. Tình trạng thất nghiệp cũng vẫn còn cao. Tuy nhiên trong các ngày đầu tuần như hôm nay thì vẫn ít khách do đó tôi được thư thả đôi chút. Với tôi, chờ đợi là một hình phạt, thế nên tôi vói tay lấy bức thư để trong ngăn bàn đoạn lần bước trước Mall bỏ vào thùng thư đặt phía ngoài rồi thơ thẩn tới bóng cây để tìm một chút thoải mái.

Móc điếu Marlboro gắn lên môi tôi lơ đễnh nhìn từng cọng khói thuốc bay lơ lửng lên cao và nhạt nhòe trong không khí mà thấy phận người mong manh. Bên ngoài trời nóng hừng hực, nắng đổ khắp nơi, nhuộm vàng cả một vùng rộng lớn. Những sợi nắng long lanh, lấp lánh trên ngọn cây như những sợi chỉ bạc mong manh lúc nào cũng muốn chực chờ tan vỡ. Bãi đậu xe thưa thớt, mấy con hải âu lững thững bước đi một cách thong thả dưới nắng hồng, thỉnh thoảng chúng vụt bay khi có bóng người lướt qua. Trông các con hải âu vỗ cánh từng nhịp, từng nhịp rồi soãi rộng đôi cánh mềm, cất cao đầu lượn trên nền trời xanh bao la mới thấy chúng đẹp làm sao. Lâu lâu chúng lại cất tiếng kêu oang oắc, tiếng kêu nghe vô cùng ai oán khiến tôi cảm thấy cô đơn lạ! Trong lúc tôi còn đang mải mơ màng bỗng có một giọng nói cất lên kế bên tôi:

- Hi! How have you been"

Tôi giật mình quay lại và nhận ra ông bà lão khách hàng tiệm Nail của chúng tôi ngày Velentime. Bà cụ vẫn hiền lành bên ông chồng già, vẫn mĩm cười nhìn tôi, tôi gật đầu chào đáp lễ. Sau vài câu hỏi bâng quơ và biết tôi rảnh rang, ông lão ngỏ ý mời tôi vào ăn sáng với họ.

Chúng tôi trở vô Mall, đến Food Court gọi thức ăn. Tôi liếc bà lão, thấy hôm nay bà mặc chiếc áo kiểu màu nhã với những bông hoa lớn. Nhìn gương mặt khả ái còn phảng phất nét thanh tú tôi nghĩ thầm ngày xưa bà ắt hẳn phải là một thiếu nữ đẹp. Đôi mắt bà vẫn sáng nhưng thiếu thần. Ăn uống xong chúng tôi tiếp tục trò chuyện, ông bảo hôm nay ông đưa bà đi Target nhân cửa hàng này mở cửa để cho bà được khây khỏa. Ngay lúc ấy bà lão thò tay vào túi lấy ra một tấm ảnh đã cũ ngắm nghía hồi lâu. Ông đưa tay chỉ bà lão và nói khẽ vào tai tôi:

- She wants to see you today.

- Really"

Đang khi tôi còn ngạc nhiên nhìn ông lão thì bà lão xoay người lại giơ tấm ảnh tới trước mặt tôi:

- Look at this picture… this is my son… he's very handsome, right"

Liếc qua tấm ảnh khổ 9x12 tôi thấy tấm ảnh đã ngã vàng nhiều chỗ chứng tỏ nó đã được chụp cách đây rất lâu. Trong ảnh là hình một người lính Mỹ đứng trước căn cứ quân sự. Anh đang cười và trông rất đẹp trai. Để ý hơn tôi thấy trên cổ áo của anh có đính một hoa mai. Lật ra phía sau bà lão đưa tay chỉ hàng chữ miệng lẩm nhẩm: "To you, my lovely mother" bên dưới hàng chữ có ghi rõ "Khe Sanh"…ngày…tháng…năm.

Bà cụ chợt hỏi tôi có biết Khe Sanh không"

Tôi lắc dầu, tôi bảo với bà Khe Sanh xa lắm so với Saigon của tôi. Nó nằm tận miền Trung, sát biên giới Việt Lào gần Demilitarized Zone. Hơn nữa dạo ấy tôi chỉ là đứa bé làm sao biết được chứ! Bà lão chợt thốt giọng nghèn nghẹn:

- The war was over so long, but he has not come back yet.

Trước năm 1975, tôi có lần thấy cảnh bà Sáu cạnh nhà vật vã khóc than, kêu gào thảm thiết khi nhận được giấy báo tử của con. Người mẹ già ấy đã sụt sùi kể lể trong nổi mất mát tưởng chừng như là vô tận suốt nhiều tháng dài đến nổi tôi không còn dám đến gần bà. Rồi năm 1975, tôi lại có nhiều dịp chứng kiến thêm biết bao phụ nữ Việt nam khác tiếp tục khổ đau. Họ lặn lội thân cò trong âm thầm tủi nhục, hy sinh tất cả để tần tảo nuôi chồng học tập ở các trại cải tạo hoặc bị giam trong những trại tù của miền Bắc xa xôi và lại vừa phải nuôi con dại. Đoạn trường ấy nào ai có thấu"

Chiến tranh nào cũng tàn khốc! Cuộc chiến nào cũng chỉ đem lại đau thương và tang tóc. Có phân ly người ta mới quý sự đoàn tụ, có mất mát
con người mới cảm nhận được cái mong manh của thực tại hạnh phúc. Đã đành, như lời cố Tổng Thống Diệm từng nói, “không có hy sinh nào cho Tự Do được xem là quá đáng” nhưng cũng không ai phủ nhận được cái đau khổ mà người còn lại phải chịu đựng cho những mất mát vô cùng lớn lao đó.

Bà lão cầm tấm hình xem mãi, bà đưa tay sờ sờ người thanh niên trong ảnh một đỗi rồi bỗng nhiên đôi vai bà run run giọng nức nở, vỡ òa. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, cái miệng móm mém đang mếu máo của bà khiến tôi bàng hoàng xót xa:

- I have waited for you my whole life!

Tấm lòng thương con không bờ bến của bà khiến tâm hồn tôi chùng xuống và chợt nhớ tới mẹ tôi.

Tôi cũng còn mẹ, và mẹ tôi đang ở Việt Nam. Mười ba năm hơn tôi mới trở về quê nhà để thăm mẹ. Mẹ tôi vẫn còn đó nhưng đã già đi nhiều. Mái tóc xanh ngày nào nay đã bạc trắng theo năm tháng. Mẹ cũng mỏi mắt đợi tôi. Ngày gặp tôi, mẹ tôi cũng nghẹn ngào và rơm rớm nước mắt như bà lão bây giờ. Trong khi tôi còn mãi suy nghĩ miên man thì dường như không muốn để bà bị kích động nhiều, ông lão đứng dậy vội từ giã tôi rồi dẫn bà đi ngay không để cho tôi kịp ngỏ lời cám ơn. Nhìn bóng dáng bà gầy gò bước thấp bước cao trong vòng tay chồng, tôi thấy tội nghiệp làm sao. Đâu đấy trong Mall văng vẳng tiếng hát của Frank Sinatra trong bài "The very thought of you" nghe sao thật là buồn. Hình ảnh bà mẹ Mỹ mất con ở Khe Sanh làm tôi nhớ mẹ tôi và biết bao bà mẹ Việt nam khác.

Tôi thơ thẩn trở vô tiệm lúc bóng hai người khuất dạng.

Triều Phong

South Carolina, ngày 30/4/2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,268,133
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến