Hôm nay,  

Lên Voi, Rồi Xuống Đất

03/07/200200:00:00(Xem: 238327)
Người viết: Phạm Văn Nhuệ

Bài tham dự số: 2-581-vb40626
Tác giả Phạm Văn Nhuệ là một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, định cư tại Hoa Kỳ từ 1975. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông.

*
Sau ngày "Oan nghiệt" 30 tháng Tư, năm 1975, để rồi "Nước non ngàn dậm ra đi", gia đình chúng tôi trôi dạt tới Hoa Kỳ, đến định cư tại Tiểu bang Pennsylvania, trong một thành phố nhỏ xíu, nhưng có tên dài nhằng: Chambers-burg.

Cũng giống như trăm ngàn "Tỉnh lẻ" khác của xứ Cờ Hoa, tỉnh này chẳng có gì đặc biệt ngoài những cảnh thường nhật của một thành phố cổ, cũ mèm, dựng lên từ ngày ông Kha-luân-Bố mới tìm ra nước Mỹ, cũng cảnh mùa đông tuyết phủ trắng xóa phố phường, cảnh Nhà Thờ mọc lên nhan nhản khắp chỗ mọi nơi, hình như còn nhiều hơn cả nhu cầu của thị dân sở tại, cảnh các cụ già ngồi sưởi nắng trong công viên những ngày ấm áp, cùng đàn bồ câu tíu tít trên sân, trên vai áo . . . Tỉnh này khác hơn, còn có một kho đạn khổng lồ của Quân đội Mỹ, Kho Letterkenny Army Depot, nằm cách thị xã khoảng chừng 10 dặm, dùng yểm trợ cho
một phần Quân lực Mỹ, trong nội địa cũng như tại ngoại quốc.

Tôi đã tới Thành phố này nhiều lần, thực tập tại Kho đạn này nhiều khóa, trong những dịp sang Hoa kỳ tu nghiệp trước đây. Ngày tôi tới lần này, phong cảnh thành phố cũng không thay đổi nhiều so với ngày xưa, ngoại trừ sự thay đổi lớn và thảm hại trên hình hài của tôi : Ngày xưa mũ áo xênh xang, tôi tới kho đạn Letterkenny với lon lá nặng
vai, huy chương đầy ngực, được tiếp đón long trọng như những Sứ thần ngoại quốc. Lần này, ngược hẳn lại : Thân tôi trong bộ đồ ngắn cũn cỡn, lại rộng thùng thình, mầu sắc lòe loẹt như một anh hề rạp xiếc, vậy mà tôi cũng đã phải bỏ ra nhiều giờ chọn lựa bộ đồ này trong các thùng đồ "Cứu trợ Xã hội" tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Nó tuy không đẹp, cũng chẳng vừa, nhưng dù sao cũng còn hơn phải mang cái áo chemise cũ nát, lại rách bươm, mặc từ Việt Nam đến với người Bảo trợ.

Vợ chồng tôi cùng bầy con nhỏ nhít, từ trại tỵ nạn Fort Chaffee tới tỉnh Chambers-burg này với hành trang là những thùng carton đựng cam táo đã hết, lớn nhỏ không đều, lượm từ các thùng rác sau phòng ăn trong trại, trong thùng nhét toàn quần áo "cứu trợ" phế thải rẻ tiền, dù có vứt ra đường cũng không ai thèm nhặt. Chúng tôi chẳng được ai đón, mà thực ra chúng tôi cũng không muốn bị ai nhìn thấy trong cảnh huống thảm thương này.

Trong khi chờ đợi người bảo trợ tìm việc làm thích hợp với "khả năng không
chuyên môn gì cả" cho vợ chồng tôi, tìm trường học cho các con còn nhỏ, thì cả gia đình 8 mạng tỵ nạn lôi thôi lếch thếch chúng tôi, vào mỗi ngày Chủ nhật lại được "pông sô" tận tình mời đón tới tham dự các buổi lễ của một nhà thờ Methodist gần đó. Việc đi lễ nhà thờ hàng tuần, tuy họ nói "không bắt buộc", nhưng phải hiểu là "không thể thiếu", và thực ra chúng tôi cũng chẳng phiền lòng. Chúng tôi tự nghĩ dù Chúa hay Phật, cũng đều muốn mang lại cho loài người những "Cứu rỗi" cùng "Giải thoát" những khổ đau do chính tự mình mang đến.

Dù "lạy Chúa con là người ngoại Đạo", nhưng cũng do các buổi lễ này chúng tôi biết thế nào là "Sunday school", là "Workship", là "Holly Bible" v.v. . mà từ trước chỉ nghe nói nhưng chưa bao giờ tham dự. Cũng nhờ Nhà Thờ, chúng tôi có thêm nhiều bạn mới tại cái thị xã nhỏ xíu này, mỗi khi gặp nhau ngoài đường hay trong chợ, chúng tôi ríu rít chào nhau như thể quen biết nhau từ xa xưa rồi vậy.Vợ chồng tôi vì lịch sự, vì "Đạo pông sô" nên cố chong mắt lắng nghe, nhưng thực tình không thích, và cũng chẳng hiểu bao nhiêu, nhưng các con chúng tôi thì không "lịch sự" được như vậy, chúng đang tuổi lớn, tuổi nghịch ngợm, tuổi chơi , lại chẳng hiểu Anh văn cùng giáo lý, nên chỉ vài phút chống tai nghe những bản Thánh ca êm dịu, chúng lăn quay ra ghế, ngáy khò khò.

Để mưu sinh cho gia đình tuy đông người nhưng lại không có lấy một xu dính túi, tôi xin được một việc làm "khiêm tốn" trong một tiệm bán fast food "Kentucky Fried Chicken", chỉ cách nhà vài dặm để lội bộ đi về cho tiện. Chữ "khiêm tốn" tôi dùng để "Mỹ từ hóa" cho một công việc lao động tôi chưa một lần nghe thấy trong đời: Nướng gà.

Tiệm khá lớn, chia hai phần rõ rệt: Phía trước là nơi tiếp đón khách hàng, được trang hoàng lộng lẫy, tranh ảnh đủ kiểu đủ mầu sặc sỡ gián khắp mọi nơi. Thêm vào đó là những tiện nghi văn minh tân tiến, giúp cuộc sống con người tránh được thời tiết nóng lạnh bất ưng, nào là máy lạnh chạy ro ro mát rợi suốt mùa hè, máy sưởi mở liên tục suốt mùa đông, cực kỳ ấm áp . . . Nhưng phần "đất thần tiên" này không phải là nơi "trấn nhậm" của tôi, "Đơn vị đồn trú" của tôi ở phía sau cơ.

Ở phần sau này, ngược hẳn với khu bán hàng phía trước, không máy lạnh hoặc lò sưởi, không tranh ảnh, bích chương, thậm chí không có lấy một chỗ nhỏ để ngồi nghỉ trong giờ "break", hoặc ngả cơm nắm mang theo ăn vôäi bữa trưa. Thay vào đó là 15 lò gaz thực lớn, lửa rừng rực suốt ngày, sức nóng gay gắt dù bên ngoài đang giữa mùa đông, tuyết phủ trắng xóa phố phường. Trên các lò gaz rực lửa là những chảo mỡ lớn cả cánh tay ôm, mỡ sôi sục nóng nhiều trăm độ. Những giọt mỡ nóng chết người, dù đã cố tránh, vẫn bắn vào mặt, vào hai cánh tay trần, để lại nhiều "thương tích" nám đen, cả nửa năm sau vẫn còn thấy rõ.

Thêm vào đó lại còn nào máy cắt gà, lưỡi cưa sáng loáng và sắc lẻm còn hơn dao cạo, một con gà lớn đưa qua đứt làm đôi trong nhấp nháy, mà không hề phát ra một tiếng động nhỏ. Nhìn máy cưa gà hoạt động êm ru, rồi nhìn tới đôi cánh tay gầy guộc cùng xương xảu của mình, chỉ cần một giây vô ý đưa qua, là . . . đi đứt! Rồi đã hết đâu, các bồn rửa chén lớn như những hồ bơi, các thùng nhào bột, thùng đựng dầu mỡ nhơ nhớp lỉnh kỉnh đầy nhà. Tôi nhìn những vật dụng này mà ngao ngán, nó to lớn nặng nề, nó luôn suốt ngày phát ra những tiếng động ầm ỹ không mấy êm tai, trái với âm thanh êm dịu "nhạc thính phòng" của gian phía trước. Những vật liệu cùng máy móc dữ dằn này lại như không mấy ưa tôi, nó như cũng có máu "kỳ thị chủng tộc" cao độ như người chủ Anglo Saxon của nó, luôn "gầm gừ" giận dữ muốn nuốt sống tôi, thân hình tỵ nạn vỏn vẹn không hơn 40 ký, kể cả quần áo giầy mũ.

Điều hành tiệm fast food này là một mụ manager da trắng tuổi nạ dòng, lười lĩnh, dốt nát nhưng lại rất hách dịch, luôn đi trễ về sớm cùng tìm mọi cách trốn việc đi chơi. Tuy vậy, những công nhân chúng tôi lại bị mụ ghép vào "kỷ luật sắt", chỉ cần tới trễ vài phút là bị đuổi tức thì, không cần tìm hiểu nguyên nhân. Mụ quản lý này còn có nhiêàu tính xấu mà chắc chắn người chủ tiệm không ưa, mụ thường ăn cắp các vật dụng cùng thức ăn của tiệm, mang về nhà cho chồng con, rồi mỗi tuần vài lần mụ đưa chồng và các đứa con tới tiệm "ăn khỏi trả tiền". Mỗi lần các "con trâu lăn" này tới tiệm, báo hại chúng tôi nấu các món ăn cho chúng không kịp thở.


Bên cạnh những việc bất như ý vừa kể, may thay tiệm lại có một con nhỏ bán hàng thực đẹp, tên Kimberly. Con nhỏ này da trắng nõn nà, mắt đong đưa ướt rượt, mới khoảng trên dưới 20 mà đã có một đứa con gái nhỏ chừng 1 tuổi, không rõ bố là ai. Môät đôi lần trong những ngày nghỉ việc, Kimberly bế con tới tiệm, nó thường dậy cho đứa con xinh xắn, gọi tôi là "step-father", dù bị tôi cự nự nhưng nó vẫn không tha.

"Nhỏ Kim", tôi gọi thế cho tiện, để không phải uốn lưỡi đọc cái tên Mỹ dài thượt, ngọng nghịu và khó nhớ. Vả lại nó cũng nhỏ nhắn, xinh xắn dễ nhìn, không "vai u, thịt thớt", ú na ú nần như những mụ Mỹ khác mà tôi thường gặp. "Nhỏ Kim" đa tình "hết sẩy", lại có vẻ "thích" tôi, nó lân la nắm tay, hích mông, cọ đùi, cùng "đá lông nheo" tới tấp. Một lần chỉ có hai đứa trong một phòng kín chứa vật liệu có khóa bên trong, nó bạo dạn nắm tay và hỏi tôi, dĩ nhiên bằng tiếng Mỹ, nhưng "diễn nôm" ra tiếng Việt, có nghĩa như :

"Anh đã có vợ con chưa"

Mà Anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.

Mẹ già anh ở nơi nào

Để em tìm vào hầu hạ thay anh.

Tôi tuy dốt sinh ngữ, nhất là mấy thứ "tiếng Mỹ, tiếng Miều" của các ông bà "Pông sô", nói vào tai này, lập tức chui qua tai kia và bay đi tuốt luốt, không để lại một dư âm. Nhưng hôm nay nghe "Nhỏ" này hỏi, tôi hiểu ngay là nó muốn nói gì. Thì ra tuy ngu ngốc giống loài trâu "Sáng tai họ, điếc tai cầy", nhưng nhiều lúc tôi cũng thông minh ra gì vậy, cũng hiểu những gì cần nên hiểu, ít ra với loại Ngôn ngữ Quốc Tế cực kỳ dễ hiểu, mà "nhỏ Kim" đã "dùng tay thay lời" để hỏi tôi. Tôi tuy hiểu, nhưng ú ớ tìm cách nói "vòng vo Tam quốc": Thì, Mà, Bởi, Tại v.v. . ., mà không dám xác nhận hay phủ nhận, để "Nhỏ" này muốn hiểu sao cũng được.

Phần tôi, nói cho ngay, tôi cũng "thích" nó. Tôi không ngu tới cỡ bỏ phí một vưu vật "Trời cho", khi tuổi đời mới vừa 4 "bó", tuổi sung mãn nhất của cuộc sống. Vả lại tôi tuy chạy giặc tới tỵ nạn xứ này, dù quá nửa vòng trái đất đầy gian truân cùng hiểm nguy, các đức tính có thể rơi mất ít nhiều, nhưng tính xấu "Quả nhân hữu tâät" của Tề Tuyên Vương vẫn còn nguyên vẹn, không suy suyển. Nhưng dù sao tôi cũng cố "làm ra vẻ" đứng đắn, giữ đúng tư cách "Quân tử Tầu", từ chối cái "tình cho không, biếu không" của nó. Tôi bắt chước công tử Lục vân Tiên, bị cụ Đồ Chiểu bắt "ngôn" những câu lãng nhách, nói vậy mà không . . . nghĩ vậy:

"Khoan khoan ngồì đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai".

Tôi từ chối cảm tình của "nhỏ Kim", một Kiều-nguyệt-Nga người Mỹ thời nay đã dành cho tôi, chẳng phải tôi "đứng đắn" hay "chính chuyên" gì, mà chính vì tôi sợ, tôi ý thức rõ hoàn cảnh khắc nghiệt, giở sống giở chết của một người tỵ nạn cộng sản trắng tay là tôi lúc đó.

Trong nhiệm vụ thân phận "cu ly", dù không có "văn bản" quy định rõ ràng như kiểu "Hiệp định ngưng bắn Paris", để rồi luôn luôn bị vi phạm, tôi và "nhỏ Kim" vẫn tự ý phân chia rõ rệt "quyền làm chủ tập thể" khu vực trách nhiệm của mình: Tôi không được bén mảng lên khu vực bán hàng
sang trọng và thơm tho của nó, nếu không được nó "mời". Và dĩ nhiên dù không cấm, lại được tôi "dụ dỗ" liên tục, nó cũng không ưa gì khu vực bếp núc của tôi, vừa nóng nực lại dơ dáy, chẳng có gì hấp dẫn một con nhỏ đa tình, trẻ trung, lại ham vui.

Một hôm, khoảng 9 giờ sáng, trong lúc tôi đang vất vả vật lộn với công việc lao động hàng ngày, để kiếm đồng lương còn dưới xa mức tối thiểu, quy định rõ ràng trong Luật lao động Hoa kỳ ngày đó. Tôi dùng máy cưa sắc như nước, cắt những con gà đã văët lông trần trụi ra từng miếng nhỏ, tẩm vào một loại bột đặc biệt và "bí truyền" của Công ty K.F.C. rồi thả vào các chảo dầu đang sôi sục, thì "nhỏ Kim" từ khu vực "bất khả hoán đổi" của nó, chạy xuống nhà bếp tìm tôi, mặt nó "khẩn trương" thấy rõ, nói thở chẳng ra hơi, nó bảo tôi: "Có hai ông Đại úy nhà binh tới kiếm "you", họ không nói việc gì, nhưng đang chờ "you" ở
phía trước kìa, "you" lên ngay gặp họ".

Tôi cực kỳ ngạc nhiên hỏi lại nó: "You" nói gì" nhắc lại coi, cái gì mà Đại úy Nhà binh" Hay "you" nhìn lộn Cảnh sát ra Nhà binh" Mà tại sao họ lại kiếm tôi"".

Nó cong cớn nguýt tôi, ra cái điều chê tôi ngu ngốc, hỏi những câu gì lãng xẹt, nó bảo tôi: "Làm sao tôi biết được, việc "you" liên hệ với Nhà binh thì mắc mớ gì tới tôi, muốn biết rõ thì "you" lên đó mà hỏi họ, biết liền hà". Nói xong nó ưỡn ẹo đi lên "khu vực Thần tiên" với đám khách hàng đang đợi nó.

Tôi cực kỳ bối rối, vì chẳng hiểu Trời Trăng gì cả. Tôi là dân tỵ nạn chính hiệu, mang thẻ tỵ nạn I-94 với dấu ấn "Cho phép làm việc và . . . nộp các sắc thuế" còn mới toanh, nên tuy rất muốn nhưng lại chưa đủ điều kiện tối thiểu làm việc cho Nhà Binh, dù chỉ là những công việc rất ấm ớ và phụ thuộc, thì Đại úy nhà binh đến kiếm tôi làm gì" Tôi cũng chưa có xe cộ gì cả, cũng chưa có thì giờ đi xin cái "Bằng tập lái xe", dĩ nhiên chưa có cơ hội đụng xe. Hàng ngày tôi đi "nướng gà" bằng xe đạp mượn của ông hàng xóm Mỹ tốt bụng, hôm nào tuyết phủ đầy trời thì tôi lội bộ, dù có té lên té xuống thì cũng chẳng phạm vào quyền lợi riêng tư của bất cứ anh chị Mỹ nào, thì Cảnh sát cũng chẳng phí thì giờ truy tầm tôi vì một tội danh chưa phạm. Vậy thì cái gì đây "

Cuối cùng tự nghĩ, dù sao cũng phải biểu lộ "sĩ khí nam nhi" của con dân một nước có
trên bốn ngàn năm văn hiến, đã từng hiển hách "phá Tống, bình Chiêm", nên tôi phải lên gặp họ, những ông "Đại úy nhà binh", mà trong lòng cực kỳ hồi hộp.

Những định rằng chỉ lên gặp qua một lần cho biết, lên báo cho mấy anh nhà binh ấm ớ vô duyên này rằng họ đã "đến lầm chỗ" và "kiếm lầm người", nên tôi không cần rửa qua đôi tay đầy bột, cũng chẳng cần cởi bỏ cái áo choàng dơ dáy, đỏ lòm vì tiết gà, loang lổ dầu mỡ cùng với bụi than. Tôi làm ra vẻ lừng khừng, là bất cần đời, trong bộ vó chẳng giống bất cứ "con" nào, trong "mười hai con giáp", tôi lên phần đất dành riêng cho "nhỏ Kim", tìm gặp hai ông "Đại úy Nhà binh" như họ muốn.

Những người muốn kiếm tôi đúng là 2 anh Đại-úy Lục-quân Hoa-kỳ cực trẻ. Họ đều trong quân phục Tiểu lễ mùa đông: Quần áo dạ xám và mũ lưỡi trai cùng màu, cặp dưới cánh tay trái. Họ kiên nhẫn chờ tôi trong điệu bộ bồn chồn sốt ruột.

Vừa thấy tôi, do "nhỏ Kim" líu lo giới thiệu, họ có vẻ ngạc nhiên nhìn nhau như thầm dò hỏi, có lẽ họ không tin những gì nhìn thấy. Cả hai tới gần và một người có lẽ đại diện, ngập ngừng hỏi tôi: "Chúng tôi muốn kiếm Thiếu tá Phạm, "you" có phải là Thiếu tá Phạm không ""

Dù chẳng biết họ muốn gì, tôi cũng trả lời lửng lơ rằng: "Tên họ của tôi là Phạm, Thiếu tá là cấp bậc tôi mang trước kia trong Quân lực Việt Nam của chúng tôi, bây giờ thì hết rồi. Hiện nay tôi là người tỵ nạn cộng sản, được người Mỹ cacù ông cho tá túc tại thị xã này, không biết có phải đúng là người các ông muốn tìm""

Vừa nghe xong câu trả lời của tôi, hai anh Đại úy đổi hẳn thái độ ngập ngừng khi trước, họ lấy vội mũ chụp lên đầu, họ chụm chân lại đánh "cốp", dơ tay phải ngang mày, chào tôi với cử chỉ thực cung kính, đúng tác phong quân kỷ, đúng "cơ bản thao diễn", họ nói :"Thưa Sir, Thiếu Tướng Braham, chỉ huy trưởng kho đạn Letterkenny Army Depot
chúng tôi, cử bọn tôi mang thiệp tới mời Thiếu Tá, vui lòng tới tham dự lễ bàn giao kho đạn sang Thiếu Tướng Howard vào lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Sáu tuần sau. Lễ bàn giao đặt dưới quyền chủ tọa của Trung Tướng Ferguson đến từ Ngũ giác đài. Đây là thiệp mời của kho đạn chúng tôi gửi tới Thiếu Tá".

Rồi anh Đại úy vẫn trong tư thế "đứng nghiêm" của nhà binh, tay phải vẫn ngang mày, tay trái đưa ra trước mặt tôi một phong bì mầu trắng, tiêu đề in chữ đen tuyệt đẹp.

Tôi như từ cung trăng rơi xuống, vì dù suy đoán đã nhiều, tưởng tượng ra đủ những chuyện từ tệ hại cho tới may mắn nhất, sẽ xẩy ra trong đời sống tỵ nạn của tôi, do các ông Đại úy nhà binh này mang tới, tôi cũng không thể ngờ được trường hợp này.

Tôi cũng chưa từng bao giờ nghĩ mình sẽ là một trong những diễn viên của màn Hài kịch bất đắc dĩ này. Tôi nói "Hài kịch", vì dù bất cứ ai có đầy máu tiếu lâm trong huyết quản, có là đạo diễn tài ba cho những vở kịch hài, tôi vẫn cam đoan rằng người đạo diễn đó không thể nào xếp đặt được hoạt cảnh "cười ra nước mắt" hôm nay: Cảnh hai ông Đại úy cực trẻ của một quân đội lừng lẫy Hoa kỳ, trong nhung phục tuyệt đẹp với lon lá nặng vai, huy chương đầy ngực, đứng nghiêm trang với nét mặt cực kỳ cung kính, trước một anh già người ngoại quốc, quần áo tả tơi, dơ dáy và hôi hám , là tôi lúc đó.

"Nhỏ Kim" cũng ngạc nhiên không kém, miệng nó thường nhật vẫn tía lia, nói cười không ngưng nghỉ, nhất là khi đứng trước "đối tượng" mà nó không thể bỏ qua là các chàng thanh niên da trắng, đẹp trai. Hôm nay trước mặt nó là hai anh Đại úy cực kỳ lịch sự , thì có Trời cản được việc nó cười nói đưa duyên, vậy mà lúc này nó đứng như tượng gỗ, miệng há hốc khi nghe chúng tôi đối đáp, nó hoàn toàn "tê liệt" trước câu chuyện ly kỳ, mà chính nó cũng có phần tham dự. Từ trước tới giờ, "nhỏ Kim" dù luôn trêu chọc tôi, chỉ vì bản tính đa tình và ham vui, nhưng tôi hiểu là nó vẫn chỉ nghĩ tôi là một anh già lẩm cẩm, lại "mát giây", thường bỏ lỡ cơ hội "ngàn năm một thuở" do nó tự ý mang đến. Nó ngạc nhiên vì không ngờ tôi "quan trọng" như vậy.

Sự ngạc nhiên của "nhỏ Kim" cũng có lý do, vì nó còn quá nhỏ nên không thể biết được sự liên hệ giữa tôi và kho đạn Letterkenny Army Depot trong quá khứ xa xưa, lúc tôi còn trong quân ngũ, đã nhiều lần tới thăm kho đạn này trong cương vị "yếu nhân", tới để học hỏi, rút kinh nghiệm trong việc điều hành kho đạn.

Những ngày vàng son đó, tôi ăn uống trong Câu lạc bộ kho đạn, đêm về ngủ hotel, di chuyển bằng Military cab do kho đạn biệt phái, có tài xế là những anh Quân cảnh to lớn như voi nan, nhưng cực kỳ lễ độ và lịch sự.
Tôi không thèm ăn Kentucky Fried Chicken, nên đâu biết "nướng gà" như hôm nay, lúc tôi đang từ lưng voi tụt dần xuống ... đất.

Dù muốn hay không, tôi cũng cực kỳ phân vân trong chọn lựa, có nên đi dự lễ bàn giao giữa hai ông Tướng hay không" Nỗi phân vân này có nhiều lý do, mà chính là hoàn cảnh, hình hài và công việc của tôi lúc này, không còn tương xứng với những gì người ta lầm tưởng.

Mang nỗi phân vân này "vấn kế" những người bảo trợ chúng tôi, đầu tiên là ông Chauncey L. Depuy, nguyên Chánh án kiêm Quận trưởng quận hạt Franklin, nơi gia đình tôi đang cư ngụ. Sau đó tới người bạn vong niên, cựu Trung tướng Durward E. Breakefield.

Khoảng cuối thập niên 1950, ông Tướng 3 sao này làm Chỉ huy trưởng phái bộ Cố Vấn Quân sự "CATO" tại Saigon trong 2 năm liên tiếp, nên hiểu biết rất nhiều về đất nước, cũng như phong tục Việt Nam. Ông Tướng này hiện đã về hưu, có nông trại rộng lớn nằm ngay ngoại ô Chambersburg. Ông tự lái máy cày, xe cắt cỏ cùng những nông cụ to lớn kềnh cang, đặc biệt ông cực kỳ bình dân trong mọi xử thế và giao thiệp, một đức tính quý hiếm, khó thấy trong xã hội Việt Nam, nơi tôi được sinh ra, lớn lên rồi tham gia vào nghiệp lính, đã quá nửa đời người. Tôi quen ông, dần dà tới chỗ thân tình, cũng do xử thế của ông.

Gia đình chúng tôi đông người, các con lại còn nhỏ nhít, nên lúc rời trại tỵ nạn đi định cư phải cần nhiều người bảo trợ. Người Mỹ có cùng một thói quen tai hại như nhau, làm việc rất chăm chỉ, lương cao dù tới bao nhiêu, nhưng "hết tháng hết tiền", nên việc bảo lãnh cho một gia đình đông người như chúng tôi, ra ngoài khả năng tài chính của bất cứ ai, họ không tự làm nổi một mình, mà cần nhiều người giúp sức. Ngoài ra, tôi đã nhiều lần tới nơi này trước đây, bạn bè người Mỹ không hiếm, lúc này họ có cơ hội biểu lộ lòng vị tha như bất cứ ai, giúp đỡ chúng tôi khi hoạn nạn. Chúng tôi có nhiều "pông sô" cũng vì lẽ đó.

Tôi hỏi "ông Tòa" Chauncey L. Depuy trước, sau đó tới "ông Tướng" Durward E. Breakefield, cả hai người đều có thái độ tỉnh queo, coi như họ đã biết rõ việc này từ lâu rồi vậy. Cả hai "ông Bảo Trợ" đều khuyên tôi nên đi dự, họ lý luận rằng đây là dịp may hiếm có, tôi nên bắt lấy để có dịp cho những người Ngoại quốc biết rằng dù qua bao đổi thay nghiêng ngả, nước Việt Nam Cộng Hoà của tôi vẫn còn đó, vẫn có "Sứ thần" đại diện.

Cũng do cả hai người cùng có thái độ và lý luận như nhau, tôi khám phá ra chính hai ông này đã dùng uy tín sẵn có, vận động với kho đạn Letterkenny gửi hai "Đại úy Nhà Binh" mang giấy tới mời tôi. Nếu không vậy, không cách nào kho đạn lại biết một người tỵ nạn vô danh là tôi, đang có mặt tại thành phố Chambersburg, ngoài ra họ cũng không thể nào biết cấp bậc cuối cùng Thiếu tá của tôi, vì có tới trên cả chục năm tôi không có dịp trở lại kho đạn này thăm họ.

Nguời bảo trợ, cựu Chánh án cũng là cựu Quận trưởng Chauncey L. Depuy lái xe cùng tôi đi dự lễ bàn giao. Với tấm thiệp mời đặc biệt, chúng tôi được tiếp đón vô cùng nồng hậu, được các nàng nữ quân nhân xinh xắn đưa tới tận ghế ngồi trên khán đài danh dự, nơi dành riêng cho "Quan khách Ngoại giao đoàn", cho "Sĩ quan Quân đội Đồng minh". Bên cạnh tôi, ông "Pông sô" Depuy cũng vui lây với những gì chúng tôi đang chứng kiến.

Trong diễn văn đọc trước cả ngàn quan khách hiện diện, lúc nói về Tiểu sử cùng thành tích hoạt động của kho đạn Letterkenny Army Depot, tên một vài Quốc gia liên hệ, cùng một số nhân vật tiêu biểu cũng được nhắc tới như những chứng tích lịch sử liên quan. Tên tôi cùng tên nước tôi, cũng được xướng ngôn viên đọc lên trong lúc này, tên của một Sĩ quan Đồng minh, đã tới với kho đạn trong thời gian hoạt động nhộn nhịp nhâát, thời gian chiến tranh Việt Nam. Tôi, trong bộ complet khá đẹp và sang, mới chạy đôn đáo mượn được của một người bạn Mỹ có size nhỏ như mình, đã đứng dậy nhận những tràng vỗ tay chào mừng của cả ngàn người tham dự.

Cùng tất cả các bạn thân mến của tôi, trong Quân đội cũng như ngoài Dân sự. Lúc rời ghế nhà trường để tham dự vào cuộc sống bon chen này, chúng ta hầu hết ngang nhau trong các Cấp bậc Quân sự cũng như Chức vụ ngoài Hành chánh. Nhưng sau nhiều năm làm "Công bộc" nhân dân, rồi do các chiến công hiển hách, hoặc các cơ may, hoặc do "Tài riêng" thiên phú, nhiều bạn đã có những chức vụ cao chót vót cả trong Quân đội lẫn ngoài Dân sự, các bạn có thể được "hoan hô nồng nhiệt" bởi số đông khán thính giả, tự nguyện hoặc bị . . . bắt buộc.

Nhưng riêng tôi thì không có những "cơ may" như vậy, tôi lẹt đẹt thua xa các bạn ở mãi phía sau. Mỗi khi được thăng cấp hay thay đổi ngạch trật, cũng chỉ vì tôi quá thâm niên, chứ chẳng do một ân huệ hoặc tài năng nào khác. Tôi chẳng bao giờ có dịp xuất hiện trước đám đông để được hoan hô, dù chỉ hạn hẹp trong số cử tọa . . . vài người, tôi và các bạn khác nhau là vậy.

Nhưng sau ngày oan khiên 30 tháng tư, năm 1975, từ cao xa thăm thẳm, chúng ta cùng bị sa xuống đất đen để lại bằng nhau, cùng điêu đứng như nhau trước sự trả thù dã man độc địa của loài thú cộng sản không nhân tính đội lốt người. Từ chỗ tận cùng này, chúng ta lại bắt đầu những cuộc sống "Khác nhau", lần này do chính tài năng của mỗi người, do phúc đức của tổ tiên dòng họ, mà không ai có thể "vận động" hoặc dựa vào một "thế lực" bên ngoài. Một số nhỏ trong chúng ta thoát ra Ngoại quốc, sống nốt quãng đời còn lại ở xứ người, một số khác lớn hơn xui xẻo, kẹt lại trong "địa ngục trần gian", đọa đầy thân xác trong lao tù cộng sản.

Dù cư trú tại bất cứ nơi nào sau ngày oan khiên không bao giờ quên đó, đã mấy bạn trong chúng ta có cơ may, sống lại những "phút huy hoàng, rồi . . . chợt tắt", như tôi đã gặp một lần tại kho đạn Letterkenny Army Depot, thuộc tỉnh Chambersburg, miền Pennsylvania băng giá, Hoa kỳ"

PHẠM VĂN NHUỆ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo